Thứ Tư, 10 tháng 12, 2014

QUÂN TÌNH NGUYỆN VIỆT NAM GIÚP ĐỠ NHÂN DÂN LÀO XÂY DỰNG CĂN CỨ KHÁNG CHIẾN HẠ LÀO

PGS,TS. Hồ Khang
Trong lịch sử phát triển của thế giới đương đại, hiếm có những quốc gia, dân tộc có mối quan hệ và tình đoàn kết đặc biệt như Việt Nam và Lào. Từ lúc phôi thai cho tới nay, cách mạng hai nước luôn gắn bó chặt chẽ. Trải qua năm tháng, tình đoàn kết của nhân dân hai nước đã trở thành một quy luật tất yếu. Trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trên tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình”, Quân tình nguyện Việt Nam đã có mặt ở hầu hết các chiến trường Lào, cùng nhân dân các bộ tộc Lào chiến đấu, viết nên “mối tình đặc biệt Việt - Lào”, mà căn cứ kháng chiến Hạ Lào[1] là một trong những dấu ấn như thế.

Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

KINH NGHIỆM XÂY DỰNG HẬU PHƯƠNG QUÂN ĐỘI TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC VÀ TRONG 30 NĂM ĐỔI MỚI

     PGS, TS HỒ KHANG
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
         1- Một số khái niệm
Hậu phương, hiểu theo nghĩa hẹp, là nơi đối xứng với tuyền tuyến, có sự phân biệt rạch ròi bằng yếu tố không gian, là lãnh thổ ngoài vùng chiến sự, có dân cư và tiềm lực mọi mặt, nhất là về nhân lực, vật lực đáp ứng nhu cầu của của lực lượng vũ trang ngoài tuyền tuyến. Hậu phương là nơi huy động sức người, sức của cho tuyền tuyến. Một cách khái quát, hậu phương chính là “những vùng an toàn, nơi đứng chân và là chỗ dựa của cách mạng để tích lũy, xây dựng, phát triển lực lượng chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá-xã hội… phục vụ cho kháng chiến và chiến tranh cách mạng”1. Hậu phương chiến tranh có các cấp độ và hình thức khác nhau, có hậu phương chiến lược, có hậu phương tại chỗ, lại có cả hậu phương lòng dân.

Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

SỰ TAN RÃ MANDALA Ở ĐẠI CỒ VIỆT – LÊ LONG ĐĨNH VÀ PHẬT GIÁO

Hồ Khang- Hồ Hoàng Thái
1. Trật tự Mandala, một diễn giải xã hội Đông Nam Á
Các nhà nước Đông Nam Á cổ, những Nhà nước đã xuất hiện rồi biến mất - những huyền thoại xã hội được ghi chép tỉ mỉ trong các bi kí, đến nay vẫn còn là các hồ sơ lịch sử thú vị để bàn luận. Người ta có thể mô tả lại chúng bằng toàn bộ vẻ rạng rỡ, sự trù phú, đầy huyền tích bằng một ấn tượng thực chứng sử học sinh động thông qua những bản văn ghi chép (mà không cần viện dẫn nhiều đến phép phê phán sử liệu một cách nghiêm khắc?). Thế giới Đông Nam Á, qua đó, được khắc họa trong ấn tượng sử gia như một bức tranh sặc sỡ và sinh động, đầy những đoàn người ngược xuôi cùng dòng hàng hóa tấp nập. Sự thể ấy đã xua đi phần nào cái cảm quan nghèo nàn về xứ thuộc địa hèn kém, về những xã hội bế tắc tự cấp chôn mình trong một thứ chủ nghĩa bộ lạc khép kín.

Thứ Sáu, 24 tháng 10, 2014

NHẬT BẢN: TỪ NỀN NGOẠI GIAO ĐẾ QUỐC ĐẾN HIẾN PHÁP 1947 VÀ SỰ DIỄN GIẢI LẠI ĐIỀU 9 TRONG BỐI CẢNH MỚI

Hồ Khang – Hồ Hoàng Thái
Cuối thế chiến II, sự kiện Quan Đông và cuộc ném bom nguyên tử vào hai thành phố Nhật Bản dường như đã “nhấn chìm” Đế quốc Thái dương vào biển sâu – thời đại của những đế chế biển cũng nhường chỗ cho thời đại của các siêu cường có quy mô “tiểu lục địa”. Nhưng xứ sở sinh thành của thuyết Đại Đông Á không dễ trở thành một đảo quốc tăm tối: Nhật Bản với cuộc cách mạng công nghiệp “thần kỳ” đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế quan trọng bậc nhất thế giới. Sự phát triển kinh tế hòa bình của Nhật Bản khi đó xuất hiện như một lời phủ nhận chính sách ngoại giao đế quốc chủ nghĩa trên toàn thế giới, như thế sự phát triển kinh tế hẳn không còn cần đến sức mạnh quân sự to lớn bảo hộ, còn vị thế và an ninh quốc gia không nhất thiết phải khẳng định qua bạo lực quân sự. Đó cũng là xu hướng mới của kinh tế thế giới cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, góp phần vào “hiện tượng toàn cầu hóa”.

Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2014

LỰC LƯỢNG VŨ TRANG BA NƯỚC ĐÔNG DƯƠNG CHUNG CHIẾN HÀO CHỐNG MỸ (1954-1975)

PGS,TS. Hồ Khang
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
Đông Dương là vùng đất và không gian địa lý thống nhất trong đa dạng, nơi đây có ba dân tộc cùng tồn tại giao hòa, “tối lửa tắt đèn” có nhau. Trải qua năm tháng gian khổ chèo chống chinh phục thiên nhiên, đấu tranh sinh tồn, bảo vệ đất nước, tình hữu nghị giữa ba dân tộc Việt, Lào, Campuchia anh em không chỉ có từ rất sớm, mà còn hết sức bền chặt. Trên nền tảng đó, những năm kháng chiến chống Mỹ, quan hệ liên minh chiến đấu giữa lực lượng vũ trang ba nước tiếp tục được bồi đắp và phát triển, viết nên trang sử mới. Trên những chặng đường chông gai thấm đẫm mồ hôi, xương máu, Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, hội tụ và phát huy sức mạnh, kề vai, sát cánh với lực lượng vũ trang hai nước anh em chiến đấu cho độc lập, hòa bình.

Chủ Nhật, 14 tháng 9, 2014

LIÊN MINH CHIẾN ĐẤU VIỆT NAM – LÀO TRONG SỰ NGHIỆP BẢO VỆ VÀ XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC HIỆN NAY

PGS.TS Hồ Khang [*]
Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam
Cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, cùng uống chung dòng nước Mê Kông, trong suốt chiều dài lịch sử của mình, hai dân tộc Việt Nam và Lào phải tiến hành hàng chục cuộc đấu tranh chống lại các thế lực ngoại bang, bảo vệ chủ quyền dân tộc. Và trong cuộc trường chinh gian khổ đó, hai dân tộc đã giúp đỡ lẫn nhau, cùng chung chiến hào chiến đấu chống kẻ thù chung, hình thành nên truyền thống liên minh bền chặt; trở nênđặc biệt và là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng hai nước trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước hiện nay.

Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

QUÂN TÌNH NGUYỆN VIỆT NAM SÁT CÁNH VỚI NHÂN DÂN LÀO ANH EM TRÊN NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ

PGS,TS. Hồ Khang
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
Là những nước có chung đường biên giới, có vị trị địa lý kề cận, có những nét lịch sử - văn hóa tương đồng, Việt Nam, Lào sớm có mối quan hệ mật thiết gắn bó máu thịt. Tình đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Lào không chỉ có từ rất sớm, mà còn khá bền chặt. Trong những năm tháng đấu tranh vì sự nghiệp độc lập, tự do và xây dựng đất nước, trên tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình”, Quân tình nguyện Việt Nam luôn trước sau thủy chung kề vai, sát cánh cùng nhân dân Lào vững bước vượt qua mọi thách thức, khó khăn, góp phần củng cố và phát triển vững chắc tình hữu nghị giữa hai dân tộc anh em.

Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

CÁC NƯỚC LỚN VỚI HỘI NGHỊ GENÈVE (1954)

PGS,TS. Hồ Khang
Những năm 1950-1954, nền chính trị toàn cầu diễn ra những thay đổi đòi hỏi những thực thể của nó phải có chiến lược thích ứng. Sau một chặng đường “ngụp lặn” trong cuộc Chiến tranh Lạnh, các quốc gia của hai cực Đông – Tây đều nghiêng về một xu hướng mới – xu hướng hòa hoãn. Vấn đề đặt ra đối với các nước lớn là cần phải giảm thiểu căng thẳng trong tình hình thế giới, giải quyết các xung đột ở các khu vực khác nhau trên thế giới, trong đó có châu Á.
1- Trong tình hình đó, ngày 28-9-1953, Liên Xô kêu gọi các nước có liên quan tổ chức một hội nghị quốc tế, xem xét, đề xuất các biện pháp giảm thiểu căng thẳng trong tình hình thế giới, giải quyết vấn đề chiến tranh – hòa bình ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á. 

Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014

VÀI NÉT VỀ MẶT TRẬN GIAO THÔNG VẬN TẢI THỜI KỲ ĐẦU CHỐNG CHIẾN TRANH PHÁ HOẠI (1964-1967)

HỒ KHANG[*]
         Những năm cả nước đương đầu trực tiếp với lục quân, không quân, hải quân Mỹ, giao thông vận tải là một mặt trận, mà ở đó, cuộc đọ sức, đọ lực, đọ ý chí và trí tuệ giữa quân dân hậu phương miền Bắc với vũ khí, sắt thép và bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ diễn ra vô cùng gay go, quyết liệt. Bài viết này tập trung trình bày công tác đảm bảo giao thông thời kỳ đầu chiến tranh phá hoại, khi công tác này trở thành nhiệm vụ trọng tâm của quân và dân miền Bắc trong những ngày đánh Mỹ.

Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

HẬU PHƯƠNG MIỀN BẮC TRONG SỰ NGHIỆP KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC (1954-1975)

HỒ KHANG
          Trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào, hậu phương cũng là nhân tố thường xuyên quyết định thắng lợi. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đối thủ của nhân dân Việt Nam là đế quốc Mỹ - đế quốc mạnh nhất hành tinh. Trong điều kiện đó, để đương đầu và đánh bại quân xâm lược, nhất định dân tộc Việt Nam phải mạnh lên. Muốn vậy, ngoài đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo, cần phải có đường lối và biện pháp xây dựng, bảo vệ hậu phương nhằm tạo nên sức mạnh cần thiết ấy.
          Trên vấn đề này, Việt Nam có kinh nghiệm tích luỹ được trong thời kỳ vận động cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. 

Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014

"VÀNH ĐAI DIỆT MỸ" - NHÂN TỐ QUAN TRỌNG GÓP PHẦN ĐÁNH BẠI NỖ LỰC QUÂN SỰ CAO NHẤT CỦA MỸ TRONG CUỘC CHIẾN VIỆT NAM THỜI KỲ 1965 -1968

HỒ KHANG - NGUYỄN VĂN TRÍ,
Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam[*]
"Vành đai diệt Mỹ" - mà thoạt đầu, khi mới hình thành, được gọi là "vành đai du kích diệt Mỹ", là một hiện tượng lịch sử khá độc đáo, xuất hiện trong những năm quân dân miền Nam Việt Nam trực tiếp đương đầu với quân đội Mỹ và quân đội một số nước đồng minh của Mỹ (1965 - 1972). Mấy chục năm qua, đặc biệt sau khi nước nhà thống nhất, hiện tượng lịch sử độc đáo và là cách thức đánh giặc sáng tạo này được giới sử học quân sự Việt Nam chú tâm tìm hiểu, nghiên cứu; ở một chừng mực nhất định, đã thu được những kết quả quan trọng. Bài viết này, trên cơ sở tổng quát sự hình thành và phát triển, sẽ làm rõ hơn vai trò, vị trí của "vành đai diệt Mỹ" trong những tháng năm quân dân Việt Nam đứng lên đánh Mỹ vì nền độc lập, tự do và vẹn toàn núi, sông.

Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2014

TRUNG QUỐC VÀ QUÁ TRÌNH KÝ KẾT HIỆP ĐỊNH GENÈVE (1954)

PGS,TS. Hồ Khang
Viện Lịch sử quân sự VN
1. Cục diện đối đầu Đông – Tây và chính sách đối ngoại của Trung Quốc   
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, quan hệ đồng minh bất đắc dĩ  Xô - Mỹ nhanh chóng tan vỡ, hai nước chuyển sang trạng thái đối đầu quyết liệt, cạnh tranh sức mạnh ở cả vũ đài trung tâm lẫn ở vùng ngoại vi. Bước ra từ Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ trở thành nước có tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh nhất, có thể nói bằng tất cả các nước tư bản cộng lại. Với ưu thế về vũ khí hạt nhân, Mỹ có những kế hoạch to lớn trên con đường trở thành siêu cường có khả năng định hướng toàn cầu. Mùng 6-4-1946, Tổng thống Mỹ Truman tuyên bố: “Ngày nay, Hoa Kỳ là quốc gia mạnh, nghĩa là với một sức mạnh như thế, chúng ta có nghĩa vụ nắm quyền lãnh đạo thế giới”[1]. Các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ nhìn nhận hoạt động củng cố vòng cung an ninh châu Âu của Liên Xô như “sự thống trị lục địa bởi một quốc gia duy nhất và thù địch với Mỹ, có thể đe dọa đến an ninh quốc gia của Mỹ”[2]

Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

TRUNG QUỐC GIÚP ĐỠ VIỆT NAM VỀ QUÂN SỰ NHỮNG NĂM 1950-1954

PGS.TS Hồ Khang
Viện lịch sử Quân sự Việt Nam
Tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trong điều kiện bị bao vây bốn bề, nhân dân Việt Nam luôn nêu cao tinh thần “tự lực cánh sinh, dựa vào sức mạnh là chính”; “muốn người ta giúp cho thì trước hết mình phải tự giúp lấy mình”[1]; đồng thời, hết sức coi trọng liên minh, đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Từ năm 1950, thế lực của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp có những biến đổi tích cực, tạo điều kiện cho Việt Nam tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các lực lượng tiến bộ trên thế giới. Từ thời điểm đó, Việt Nam đẩy mạnh vận động quốc tế, tranh thủ sự giúp đỡ của Trung Quốc, nhất là về quân sự, nỗ lực đưa cuộc kháng chiến đến đích cuối cùng.

Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

PHỐI HỢP TÁC CHIẾN BA THỨ QUÂN – MỘT THÀNH CÔNG CỦA NỀN NGHỆ THUẬT QUÂN SỰ HIỆN ĐẠI VIỆT NAM

PGS,TS. Hồ Khang
          Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược để bảo vệ nền độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc, gắn liền với các bước phát triển của chiến tranh, gắn với quá trình ngày càng lớn mạnh của lực lượng vũ trang nhà dân là sự hình thành và phát triển trên thực tế một nền nghệ thuật quân sự hiện đại Việt Nam. Xét về bản chất, đó là nền nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân phát triển đến trình độ cao, là nền nghệ thuật quân sự của toàn dân đánh giặc lấy lực lượng vũ trang 3 thứ quân làm nòng cốt.

Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014

VỊ TRÍ ĐỊA – CHIẾN LƯỢC BÌNH DƯƠNG QUA HOẠT ĐỘNG QUÂN SỰ TRÊN ĐỊA BÀN NÀY NHỮNG NĂM CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC (1954 – 1975)

PGS,TS. Hồ Khang
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
Dù có sự thay đổi về mặt địa giới hành chính qua từng thời kỳ đi nữa thì Bình Dương vẫn là một trong số những địa bàn có tầm quan trọng xét về vị trí địa - chiến lược trên các chặng đường cách mạng và kháng chiến. Miền đất này, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đã diễn ra những hoạt động quân sự của cả hai bên mà kết quả đưa lại của những hoạt động đó sẽ tác động mạnh tới chiều hướng phát triển của tình hình cuộc chiến. Một cách tổng quát, chúng tôi, ở bài viết nhỏ này, muốn đề cập tới đôi ba sự kiện diễn ra ở vùng đất Bình Dương trên nền chung của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, trong mối tương tác với cục diện cuộc chiến ở miền Đông Nam Bộ nói riêng và toàn miền Nam nói chung.

Thứ Tư, 9 tháng 4, 2014

“VÀNH ĐAI DIỆT MỸ” – MỘT HÌNH THỨC “TOÀN DÂN ĐÁNH GIẶC”

Hồ Khang & Nguyễn Văn Minh
Thất bại trong chiến tranh đặc biệt, từ giữa mùa hè 1965, các đơn vị lớn quân Mỹ bắt đầu ồ ạt đổ vào miền Nam Việt Nam, tiến hành chiến tranh cục bộ. Dựa trên tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh, có quân đông và vũ khí hiện đại, đế quốc Mỹ tin rằng: các đơn vị chiến đấu Mỹ sẽ nhanh chóng “bẻ gãy xương sống Việt cộng”, tiêu diệt Quân giải phóng, giành lại thế chủ động chiến trường, cứu quân đội và chính quyền miền Nam đang suy sụp. Vừa đặt chân lên bờ, quân Mỹ nhanh chóng chiếm lĩnh những vị trí then chốt có ý nghĩa chiến lược để làm bàn đạp và biến những vị trí đó thành những căn cứ quân sự lớn: căn cứ tác chiến của các sư đoàn, thiết đoàn, của không quân, hải quân; làm nơi xuất phát những cuộc hành quân “tìm diệt”; căn cứ hậu cần – kỹ thuật, nơi tích trữ lực lượng, vũ khí, phương tiện chiến tranh. 

Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2014

ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRÊN BIỂN – TUYẾN VẬN TẢI CHIẾN LƯỢC HUYỀN THOẠI

PGS.TS. Hồ Khang
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
Trong suốt 14 năm liên tục (1961-1975), đã tồn tại một tuyến vận tải đặc biệt với những tuyến, nhánh, bến, bãi khắp các tỉnh ven biển miền Trung vào đến tận  miền Tây Nam Bộ, vận chuyển vũ khí chi viện đắc lực cho nhiều hướng chiến trường, nhiều chiến dịch lớn, nhiều địa bàn trọng yếu mà tuyến đường bộ chưa vươn tới được. Vượt qua những thử thách khắc nghiệt, đối diện với bao mất mát, hy sinh, cán bộ, chiến sĩ tuyến vận tải trên biển mang tên Hồ Chí Minh, bằng nghị lực phi thường và trí thông minh, đã lập nên  những chiến công huyền thoại.

Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

MỞ ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH – MỘT QUYẾT ĐỊNH LỊCH SỬ

PGS, TS Hồ Khang
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
Tròn nửa thế kỷ trước đây, giữa những ngày phía bên kia vĩ tuyến 17, cả miền Nam đang ngập chìm trong đau thương và uất hận do chính sách và hành động phát xít tàn sát dã man những người yêu nước, những người “kháng chiến cũ” của chính quyền Sài Gòn, tại Thủ đô Hà Nội, Đảng CSVN và Hồ Chí Minh đi đến quyết định thành lập tuyến giao liên quân sự trên bộ và trên biển chi viện cho cách mạng miền Nam. Đó là một quyết định lịch sử; quyết định đó nằm trong tổng thể một loạt các giải pháp tầm chiến lược được đưa ra của Đảng, nhằm tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến tranh yêu nước của nhân dân miền Nam, hoàn thành thắng lợi sự nghiệp giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước trong những điều kiện mới, vừa thuận lợi nhưng cũng lắm chông gai phức tạp, xét trên bình diện tình hình trong nước, trong khu vực và trên thế giới có liên quan đến sự nghiệp cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ.

Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

TRUNG QUỐC VỚI CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ

PGS.TS. Hồ Khang
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
Điện Biên Phủ - địa danh đã đi vào lịch sử với ý nghĩa là biểu tượng chiến thắng của các dân tộc bị áp bức trước chủ nghĩa thực dân cũ. 60 năm trôi qua sau sự kiện “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ngày nào, song đối với giới nghiên cứu, nhiều chiều cạnh của kỳ tích mang tên “Điện Biên Phủ”, trong đó có sự đóng góp, vai trò của Trung Quốc, vẫn tiếp tục cần được chiếu rọi, nghiên cứu. Trong tham luận này, chúng tôi đặt mục tiêu làm sáng tỏ sự ủng hộ của Trung Quốc trên hai phương diện: Viện trợ vật chất và giúp đỡ bồi dưỡng tác chiến.

Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2014

CHIẾN THẮNG NÚI THÀNH Ý NGHĨA VÀ BÀI HỌC

PGS, TS Hồ Khang[1]
Cách đây 45 năm, vào đêm 25 rạng ngày 26 tháng 5 năm 1965, chấp hành Chỉ thị của Bộ tư lệnh Quân khu 5: “Phải đánh tiêu diệt một đơn vị Mỹ để hạ uy thế quân Mỹ ngay từ đầu, tìm hiểu cách đánh của chúng, rút kinh nghiệm đánh Mỹ cho ta, cổ vũ khí thế đánh Mỹ trong toàn Khu”[2, Đại đội 2, Tiểu đoàn 70 và 12 chiến sĩ đặc công thuộc Đại đội đặc công VI6 bộ đội địa phương tỉnh Quảng Nam đã tập kích tiêu diệt gọn một đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ tại cứ điểm Núi Thành, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đặt trong bối cảnh cuộc chiến lúc bấy giờ, chiến thắng Núi Thành đã vượt xa ý nghĩa của một trận đánh thông thường, trở thành một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, có sức cổ vũ to lớn đối với quân và dân Quảng Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2014

TRẬN ĐÁNH TRÊN SÔNG BA RÀI - GIÁ TRỊ VƯỢT HƠN MỘT TRẬN ĐÁNH

             Hồ Khang & Trần Ngọc Long
Trong cuộc chiến Việt Nam (1954-1975), cùng với việc triển khai các chiến lược chiến tranh, Mỹ đồng thời thực hiện nhiều hình thức, chiến thuật được mệnh danh là "tân kỳ” hòng tiêu diệt lực lượng vũ trang miền Nam, đè bẹp sự kháng cự của nhân dân miền Nam Việt Nam. Thế nhưng, như lịch sử đã chứng tỏ, tất thảy những hình thức chiến thuật đó, sau một thời gian được áp dụng ở miền Nam, cuối cùng đã bị hoàn toàn thất bại. Trên chiến trường sông nước Tiền Giang cũng vậy, nếu như Ấp Bắc được coi là trận thắng tiêu biểu, mở đầu cho sự phá sản của chiến thuật "trực thăng vận" và "thiết xa vận", thì Ba Rài cũng là một trận thắng tiêu biểu mở đầu cho sự phá sản chiến thuật "hạm đội nhỏ trên sông" của Mỹ, quân đội và chính quyền Sài Gòn trong "chiến tranh cục bộ". 

Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

ĐÁNH THẮNG CUỘC CHIẾN TRANH PHÁ HOẠI LẦN THỨ NHẤT CỦA ĐẾ QUỐC MỸ (1965 - 1968)



PGS, TS. Hồ Khang
Sau một loạt hành động chống phá và khiêu khích (nã pháo vào các đảo và một số vùng bờ biển miền Bắc, bắt ngư dân, tung biệt kích, thám báo vào sâu trong nội địa, dựng lên sự kiện vịnh Bắc Bộ, lấy cớ cho việc tăng cường và mở rộng chiến tranh...), từ năm 1965, đế quốc Mỹ sử dụng không quân, hải quân mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Đây là một bộ phận khăng khít của chiến lược "chiến tranh cục bộ", hỗ trợ cho hoạt động của lục quân Mỹ trên chiến trường miền Nam.

Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI VIỆT – TRUNG THÁNG 2-1979



PGS,TS. Hồ Khang
1- Ba khúc mắc lớn
Chiến tranh biên giới Việt - Trung tháng 2-1979 bùng nổ sau một loạt các khúc mắc, bất đồng và mâu thuẫn - những khúc mắc hoặc mới nảy sinh, hoặc đã được tích tụ qua năm tháng theo chiều dài quan hệ giữa hai quốc gia tuy cùng ý thức hệ, song không ít những “đồng sàng dị mộng”.
Vấn đề “nạn kiều”
Người Hoa là một trong số 54 dân tộc cùng hợp thành một cộng đồng dân tộc Việt Nam. Họ di cư đến Việt Nam từ lâu đời, kéo dài trong nhiều thời kỳ với nhiều thành phần xã hội khác nhau. Họ đến cư trú ở hầu hết các nơi, tập trung đông nhất ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng Nam Bộ và các thị xã, thành phố lớn của Việt Nam. 

Thứ Hai, 10 tháng 2, 2014

VIỆT NAM ĐỘC LẬP, TỰ CHỦ THỰC HIỆN SÁCH LƯỢC “ĐÁNH – ĐÀM” (1967-1972)



PGS.TS. Hồ Khang
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
Trong chiến tranh, quan hệ giữa quân sự và ngoại giao luôn là mối quan hệ chặt chẽ, quy định và chi phối lẫn nhau. Trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam, quan hệ giữa giành thắng lợi quyết định trên chiến trường và củng cố, mở rộng thắng lợi đó bằng hoạt động ngoại giao thể hiện đậm nét qua thế đánh- đàm – một trong những sách lược tiến hành chiến tranh độc đáo đạt tới tầm nghệ thuật. Tuy nhiên, trước những phức tạp của bàn cờ chính trị thế giới tác động trực tiếp tới chiến tranh Việt Nam, bộ não lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã phải hết sức mềm dẻo, khéo léo, kiên quyết và bản lĩnh để thực hiện sách lược “vừa đánh, vừa đàm”.

Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2014

CUỘC TIẾN CÔNG CHIẾN LƯỢC NĂM 1972 VÀ BƯỚC NGOẶT TRÊN BÀN ĐÀM PHÁN HỘI NGHỊ PARIS



PGS.TS. Hồ Khang
Viện Lịch sử quân sự
1. Cục diện mới và thời cơ lớn
Năm 1971 là năm đánh dấu sự cố gắng cao nhất của chính quyền R. Nixon trên chiến trường Đông Dương. Huy động lực lượng lớn của quân đội Sài Gòn, với sự phối hợp chiến đấu của không quân và lục quân, Mỹ mở cuộc phiêu lưu quân sự lớn ra chiến trường đường 9 - Nam Lào, đi đôi với các cuộc hành quân lên Đông Bắc Campuchia và ở vùng Tây Nguyên Việt Nam. Tuy nhiên, các cuộc hành quân, đặc biệt là cuộc hành quân lớn nhất ở đường 9 - Nam Lào đã thất bại thảm hại, khiến lực lượng quân sự của đối phương trên chiến trường giảm sút về số lượng, tinh thần suy yếu. Quân đội Sài Gòn cũng như quân đội thân Mỹ ở Campuchia và Lào ngày càng bị cô lập, mâu thuẫn. Sự lục đục, bất hòa trong tập đoàn lãnh đạo Sài Gòn cũng ngày một gay gắt, nhất là giữa Thiệu và Kỳ. 

Thứ Ba, 28 tháng 1, 2014

CHIẾN THẮNG ĐƯỜNG 9- NAM LÀO VÀ CUỘC ĐẦU TRANH NGOẠI GIAO NĂM 1971



PGS.TS. Hồ Khang
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
Trong chiến tranh, quan hệ giữa quân sự và ngoại giao luôn là mối quan hệ chặt chẽ, quy định và chi phối lẫn nhau. Quan hệ giữa giành thắng lợi quyết định trên chiến trường và củng cố, mở rộng thắng lợi đó bằng hoạt động ngoại giao thể hiện đậm nét trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước qua thế đánh- đàm sau thắng lợi của chiến dịch phản công Đường 9- Nam Lào (1971). Thắng lợi này đã đã thúc đẩy đấu tranh ngoại giao phát triển lên những bước mới, phát huy hiệu quả tối ưu trên các bình diện khác nhau của mặt trận ngoại giao và quân sự.

Thứ Hai, 27 tháng 1, 2014

VẬN ĐỘNG, ĐẤU TRANH NGOẠI GIAO VÀ ĐÒN TIẾN CÔNG CHIẾN LƯỢC MẬU THÂN 1968

PGS,TS. Hồ Khang
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy "Tết Mậu thân" 1968 của quân và dân Việt Nam, không chỉ sau này mà ngay từ ngày đó - khi chiến sự đang diễn ra ở khắp các đô thị trên toàn miền Nam, đã đưa lại những hậu quả và hệ lụy nặng nề cho phía Mỹ. Nó giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của Mỹ sau bao năm theo đuổi chiến tranh Việt Nam, buộc Mỹ phải đơn phương "xuống thang", thay đổi chiến lược, rút dần quân Mỹ về nước... Để đi đến thắng lợi Tết Mậu thân 1968, cũng như phát huy thắng lợi ấy trong tiến trình cuộc kháng chiến, đặc biệt là đối với việc kéo Mỹ vào thế “đánh – đàm” có sự góp mặt tích cực của cuộc vận động, đấu tranh ngoại giao trước và sau sự kiện Tết 1968.

Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2014

MẬU THÂN 1968: NGHỆ THUẬT TIẾN CÔNG VÀ SỬ DỤNG LỰC LƯỢNG



PGS,TS. Hồ Khang
Suốt chặng đường 21 năm chiến đấu giành độc lập, tự do cho Tổ quốc (1954-1975), dân tộc Việt Nam đã trải qua nhiều thử thách khốc liệt của chiến tranh, đã chịu nhiều tổn thất hy sinh, đã phải tự tìm đường đánh Mỹ - một cường quốc của thế kỷ XX đang theo đuổi chiến lược toàn cầu mà Việt Nam là một "đô-mi-nô" trong tính toán chiến lược từ lâu của Mỹ. Trên chặng đường 21 năm tìm đường đánh Mỹ và tìm cách thắng Mỹ , "Tết Mậu thân" 1968 đã thể hiện đậm nét nghệ thuật tiến công bằng cách đánh chiến lược mới, giành thế bất ngờ, đưa chiến tranh vào thành thị; là nghệ thuật tổ chức, bố trí và sử dụng lực lượng để lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông, lấy trí tuệ của con người Việt Nam để chiến thắng vũ khí và trí tuệ của bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ.

Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2014

TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY MẬU THÂN 1968: PHÁT HIỆN VÀ CHỚP THỜI CƠ CHIẾN LƯỢC



PGS,TS. HỒ KHANG
“Tết Mậu thân" là sự kiện tạo nên bước ngoặt quyết định của cuộc chiến tranh kéo dài suốt 21 năm tại Việt Nam (1954-1975) trên một quy mô rộng lớn, đồng thời cũng là hiện tượng phức tạp nhất trong công tác tổng kết và biên soạn lịch sử chiến tranh chống Mỹ. Vì là một sự kiện lịch sử có tính bước ngoặt của cuộc chiến tranh, lại diễn ra trên một địa bàn rộng lớn với một ý đồ chiến lược hết sức quy mô nhưng cũng vô cùng bí mật... nên cho đến nay, chúng tôi tin chắc rằng chưa một nhà nghiên cứu nào có thể dám cho rằng đã nắm được hết các tài liệu tối mật của Bộ Chính trị hay Quân ủy Trung ương (sau này là Đảng ủy Quân sự Trung ương) về chủ trương chiến lược này.

Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

GIÁ TRỊ KHÔNG THỂ ĐẢO NGƯỢC CỦA ĐÒN TIẾN CÔNG TẾT MẬU THÂN - 1968 TRÊN CHIẾN TRƯỜNG MIỀN NAM VIỆT NAM


PGS. TS. HỒ KHANG
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy “Tết Mậu Thân” 1968 của quân và dân Việt Nam không chỉ sau này mà ngay từ ngày đó - khi chiến sự đang diễn ra ở khắp các đô thị trên toàn miền Nam, đã đưa lại những hậu quả và hệ lụy nặng nề cho phía Mỹ. Nó giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của Mỹ sau bao năm theo đuổi chiến tranh Việt Nam, nó buộc Mỹ phải đơn phương “xuống thang”, thay đổi chiến lược, rút dần quân Mỹ về nước... Nó trở thành nỗi ám ảnh không nguôi trong chính giới Mỹ, trở thành một “hội chứng Việt Nam” của Mỹ suốt bao năm qua, trở thành một kỷ niệm không vui của nước Mỹ nói chung - một nước lần đầu tiên bị thua trận trong lịch sử 200 năm lập nước của mình.

Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014

MẬU THÂN 1968: DIỄN BIẾN TOÀN CUỘC


PGS,TS. Hồ Khang
Các hoạt động nghi binh chiến lược, đặc biệt chiến dịch Khe Sanh mở màn trước Tết Mậu Thân 1968 mười ngày, đã làm cho Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ tại Sài Gòn (M.A.C.V) và giới lãnh đạo Oa-sinh-tơn bị lạc hướng. Trong khi phía Mỹ dồn tâm trí và lực lượng ra hướng Đường 9 - Khe Sanh, nhận định Khe Sanh là một Điện Biên Phủ trong ý đồ chiến lược của Bộ Thống soái Việt Nam, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân đồng loạt nổ ra trên khắp chiến trường miền Nam mà hướng chính là nhằm vào đô thị - trung tâm quân sự, chính trị và kinh tế của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Thứ Năm, 9 tháng 1, 2014

CỤC DIỆN VÀ THỜI CƠ MỚI TRƯỚC MẬU THÂN 1968

 PGS,TS. Hồ Khang
Sau 10 năm (1954-1964) thế chân Pháp nhảy vào miền Nam Việt Nam và sau 4 năm (1961-1964) tiến hành chiến lược "chiến tranh đặc biệt", mặc dù đã bỏ ra nhiều tiền của và công sức, thi hành nhiều thủ đoạn và biện pháp, nhưng Mỹ vẫn không dập tắt được phong trào cách mạng miền Nam. Đến giữa năm 1965, mặc dù đã được đẩy lên tới đỉnh cao; vượt quá mức lý thuyết và dự tính ban đầu, nhưng chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của Mỹ ở miền Nam Việt Nam vẫn có nguy cơ bị quân và dân miền Nam đánh bại hoàn toàn. Tình hình đó đặt Mỹ đứng trước sự lựa chọn gay cấn: