PGS.TS. Hồ Khang
Đã 50 năm trôi qua kể
từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 nổ ra với hướng tiến
công chính là các đô thị trên toàn miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, khoảng thời
gian tương đối dài đó vẫn không hề làm cho sự kiện lịch sử này bị lãng quên;
trái lại, nó vẫn luôn sống động trong ký ức của nhiều người dân Việt Nam, lôi
cuốn giới chính trị, quân sự, sử học, báo chí... tìm hiểu, nghiên cứu về nó, nhằm
nhận rõ nhiều vấn đề xung quanh sự kiện độc đáo này. Những đợt tấn công sau Tết
của Quân giải phóng là một trong những vấn đề như thế và sự mô tả, luận giải về
những đợt tấn công này dù khá phong phú nhưng chưa bao giờ là đủ; nó luôn đòi hỏi
được phân tích, bình giải một cách kỹ lưỡng hơn nữa, sâu hơn nữa.
1- Sau gần 2 tháng Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 diễn
ra, quân, dân miền Nam đã tiêu diệt và làm tan rã khoảng 160.000 binh lính đối
phương (trong đó có 55.00 binh lính Mỹ), tiêu diệt gọn 32 tiểu đoàn bộ binh (có
4 tiểu đoàn Mỹ); diệt 1 trung đoàn và 6 chi đoàn cơ giới, 253 đại đội (có 73
đại đội Mỹ), làm tan rã 25 vạn binh lính của quân đội Sài Gòn (1/2 số quân), phá hủy và bắn
rơi 2.578 máy bay (58% tổng số máy bay của đối phương ở miền Nam Việt Nam);
phá 3 căn cứ hải quân, 57 kho bom đạn, phá hủy 1.400.000 tấn vật tư quân sự[1].
Riêng ở Trị-Thiên-Huế, hầu hết nông thôn 2 tỉnh Quảng Trị-Thừa Thiên được giải
phóng với 296 thôn, trong đó có 240 thôn đã xây dựng được chính quyền cách mạng. Những thắng lợi nói trên là to lớn và toàn diện đưa thế chiến lược tiến
công của chiến tranh cách mạng phát triển lên một bước mới. Nhìn chung, qua
hai tháng tổng tấn công của quân, dân miền Nam, quân đội Mỹ và Quân lực Việt
Nam cộng hòa bị tổn thất nặng nề về người và phương tiện chiến tranh, sa sút về
tinh thần, bị cô lập thêm về chính trị,
suy yếu về kinh tế. Cả binh lính Mỹ và quân đội Sài Gòn đều ngập sâu trong thế
bị động và tiêu cực, chiến lược chiến tranh bị phá sản đột ngột, ý chí tiến
hành chiến tranh bị đổ vỡ một bước nghiêm trọng[2].
Mặc dù vậy, Mỹ và chính quyền Sài Gòn vẫn cố gắng tổng động viên sức mạnh mọi mặt, tập trung lực lượng, tiến hành các hoạt động phản
công trên nhiều địa bàn với những cuộc hành quân quy
mô lớn, nhằm đánh bật lực lượng vũ trang
cách mạng ra xa các đô thị, khôi phục lại các tuyến đường giao thông chiến lược
đã bị cắt đứt để giành lại thế chủ động trên các khu vực trọng yếu. Bên cạnh
đó, đối phương cũng đồng thời tăng cường đàn áp,
khủng bố ác liệt các cơ sở cách mạng, ráo riết tiến hành "bình định" nhằm giành lại các vùng nông thôn đồng bằng,
đặc biệt là các vùng trọng điểm vừa bị mất.
Dù
bị những tổn thất to lớn trong đợt 1 của Tổng tiến công và nổi dậy Mậu thân
1968, song tính đến tháng 4-1968, tổng quân số quân đội Mỹ và Quân lực
Việt Nam cộng hòa ở miền Nam có 1.066.000 binh lính (trong đó có 516.000 lính
Mỹ và 492.000 binh lính của quân đội Sài Gòn, 58.000 quân đồng minh của Mỹ),
3.800 máy bay (trong đó có 790 máy bay chiến đấu)[3].
Ngoài ra, để cứu vãn tình thế trên chiến trường, Mỹ, chính quyền Sài Gòn dự định
tiếp tục tăng thêm quân Mỹ vào miền Nam Việt Nam, để đến tháng 8-1968 sẽ đạt
550.000 quân và đến cuối năm 1968 sẽ bắt thêm lính, bổ sung 26.800 lính mới cho
Quân lực Việt Nam cộng hòa[4].
Với một lực lượng như vậy cùng với những phương tiện chiến tranh hiện đại, đội
quân đông đảo này sẽ gây ra những khó khăn nghiêm trọng và to lớn cho cách
mạng miền Nam. Nếu không tiếp tục tiêu hao sinh lực đối phương, đánh gục ý
chí, quyết tâm tiến hành chiến tranh của cả Mỹ và chính quyền Sài Gòn, thì những
thành quả giành được ở đợt 1 của Tổng tiến công
và nổi dậy Mậu thân 1968 rất có thể sẽ bị hạn chế nhiều phần. Bộ Tổng tham mưu
Quân đội nhân dân Việt Nam phân tích: Nếu Quân giải phóng đẩy
mạnh hoạt động quân sự, tiêu diệt một bộ phận lực lượng Mỹ và quân đội Sài Gòn,
thì dù có tăng quân, thế phòng ngự của đối phương vẫn sẽ trống rỗng[5]. Bộ Tổng tham mưu phân tích rõ thêm: Nếu quân
đội Mỹ vào đông, Quân giải phóng đánh mạnh vào các căn cứ hậu cần, phá hủy nặng
phương tiện chiến tranh, thì lực lượng bộ binh của Mỹ và Quân lực Việt Nam cộng
hòa dù có tăng nhanh thì sức chiến đấu cũng không đáng kể[6].
Nhận
định, đánh giá tình hình mọi mặt, cân
nhắc kỹ lưỡng mọi phương án hành động,
Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết
định tiếp tục tiến hành những đợt tấn công lớn, nhằm giành ưu thế trên
chiến trường, bảo vệ kết quả quân sự của đợt 1; đồng thời, thúc đẩy cuộc đàm
phán trên bàn Hội nghị Paris với những điều kiện có lợi nhất[7].
2- Thực hiện chủ trương
nói trên, ngay từ đầu tháng 3-1968, trong cuộc hội ý với Võ Nguyên Giáp, Song
Hào, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam Văn Tiến Dũng đã trình
bày dự kiến kế hoạch tác chiến tiếp theo ở miền Nam Việt Nam. Kết thúc cuộc hội
ý, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kết luận: Kế hoạch tác chiến
chia làm 3 đợt lớn, tập trung nỗ lực giành thắng lợi lớn về quân sự, chính trị;
đối tượng tác chiến trong các đợt phải nhằm tiêu diện sinh lực đối phương, nhất
là lực lượng cơ động, hỗ trợ việc đẩy mạnh đấu tranh chính trị, lập chính quyền
cách mạng; dự định tập trung cố gắng chiến đấu vào Vùng I của đối phương[8].
Cuối
tháng 3-1968, Thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu hội ý với Cục Tác chiến về thời gian
bắt đầu mở đợt Tổng công kích đợt 2 trên chiến trường miền Nam[9].
Qua phân tích tình hình cụ thể trên từng chiến trường, Thủ trưởng Bộ Tổng tham
mưu và Cục Tác chiến thống nhất dự kiến thời gian chung của đợt tấn công đợt 2 trên
toàn chiến trường bắt đầu từ cuối tháng 4 đầu tháng 5-1968, cao điểm là từ ngày
15-5-1968[10].
Tiếp đó, ngày mùng 3 và mùng 4-4-1968, Tổ
5 đồng chí Bộ Chính trị[11]
họp bàn về kế hoạch chiến lược Hè –Thu 1968[12],
xác định: Phương châm trong đợt tấn công Hè – Thu 1968 là nắm vững thời cơ, động
viên phát huy hết sức mạnh để đẩy mạnh hoạt động quân sự và chính trị, kết hợp
hoạt động thường xuyên với từng đợt lớn, đánh những đòn nối tiếp dồn dập, kết hợp
công kích và nổi dậy của quần chúng, tranh thủ giành thắng lợi quyết định; đồng
thời, chuẩn bị điều kiện thuận lợi để nếu chiến tranh kéo dài thì tiếp tục chiến
đấu để giành thắng lợi hoàn toàn[13].
Ngày mùng 6-4-1968, Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng làm việc với Lê Trọng Tấn,
bàn kỹ hơn về kế hoạch tổng công kích- tổng khởi nghĩa trong Hè – Thu 1968. Văn
Tiến Dũng đã truyền đạt những kết luận quan trọng trong cuộc họp của Tổ 5 đồng chí Bộ Chính trị, thống nhất kế hoạch hoạt
động và thời gian của các đợt tấn công; theo đó, đợt 1 bắt đầu từ đêm ngày 4, rạng
ngày 5-5-1968.
Ngày 24-4-1968, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam ra Nghị
quyết về phương hướng giành thắng lợi quyết định trên chiến trường miền Nam,
nêu rõ: “Động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phát huy khí thế chiến thắng,
tiếp tục phát triển tiến công toàn diện, giành thắng lợi ngày càng to lớn hơn nữa
(…), càng đánh, càng mạnh, đẩy kẻ địch vào thế thất bại liên tiếp, ngày càng
suy yếu, tan rã không sao gượng dậy được, nhằm đi tới giành thắng lợi quyết định?”[14].
Bộ Chính trị nhấn mạnh mục tiêu của các đợt tấn công sau Tết là: “Liên tục đánh
vào các đô thị nhằm siết chặt vòng vây, tạo ra tình trạng khủng hoảng thường
xuyên ở đó, phát động quần chúng nổi dậy mạnh mẽ giành và giữ chính quyền, làm
cho địch rối loạn, không ổn định và mất dần chỗ dựa”[15].
Ngoài mục tiêu đó, các đợt tấn công sau Tết còn nhằm “giải phóng đại bộ phận
nông thôn, tiến tới giành toàn bộ nông thôn – vùng hậu phương rộng lớn của ta”[16];
đồng thời, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực của đối phương, làm tổn thất
nặng nề hơn nữa cơ sở vật chất và phương tiện chiến tranh, làm cho đối phương bị
suy yếu nghiêm trọng không sao gượng dậy được”[17].
Như
vậy, trong suốt hai tháng 3 và tháng 4-1968, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương
cùng Bộ Tổng tham mưu, Cục Tác chiến đã bàn soạn kế hoạch quân sự cho các đợt tổng
công kích tiếp theo một cách vừa kỹ lượng, vừa toàn diện, vừa cụ thể. Quá
trình phân tích tình hình, ra quyết định và xác định các chủ trương, biện pháp
tiến hành các đợt tấn công sau Tết cho thấy mục tiêu, ý đồ của các cấp chiến lược
được cân nhắc một cách cẩn trọng đặt trên việc hoàn thành mục tiêu chung, lớn
nhất là tạo ra những điều kiện, tiền đề vững chắc và hiện thực nhằm nhanh chóng
đưa công cuộc thống nhất đất nước đến đích cuối cùng.
Sau
quá trình chuẩn bị mọi mặt, theo đúng kế hoạch Bộ Tổng tham mưu đã thống nhất
với các chiến trường từ ngày 6-4-1968, hồi 1 giờ sáng ngày mùng 5-5-1968, các lực
lượng vũ trang miền Nam đồng loạt tấn công vào 116 mục tiêu trên toàn chiến trường;
trong số các mục tiêu nói trên có 3 thành phố lớn là Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, 21
tỉnh lỵ, 29 quận, 24 sân bay và một số Sở chỉ huy sư đoàn của Mỹ và Quân lực
Việt Nam cộng hòa[18].
Như vậy, các cơ quan quân sự, chính trị của Mỹ và quân đội,
chính quyền Sài Gòn ở khắp các đô thị tại miền Nam đều bị tấn công. Có điều, đợt
tấn công này bị lộ về thời gian[19],
gây ra cho Quân giải phóng nhiều khó khăn, bất lợi.
3- Nhìn tổng thể, diễn biến hai đợt tấn công sau Tết (đợt 2 và
đợt 3) diễn ra như sau:
Từ
ngày 5 đến 21 - 5 - 1968, tại Sài Gòn - Gia Định, Quân giải phóng đồng loạt tiến công vào Tổng nha cảnh
sát, tòa Đô thành, khu nhà ở của Đại
sứ quán Mỹ, Dinh thủ tướng Việt Nam cộng hòa, đài phát thanh, đài vô
tuyến truyền hình, làm chủ nhiều nơi trong nội thành Sài Gòn. Nổi
bật là các trận đánh của các đội biệt động, các tiểu đoàn mũi
nhọn của các phân khu 1, 3 và 4. Ở
cầu chữ Y, ngã tư Bảy Hiền, khu vực Phú Thọ Hòa… là những nơi chiến
sự diễn ra vô cùng ác liệt. Tại Trị Thiên - Huế, nổi bật là trận đánh đêm
20 - 5 – 1968 vào ấp 5 Động Toà (Tây Nam Huế), phá huỷ hơn 100 xe quân sự của
Quân lực Việt Nam cộng hòa. Đêm 19 - 5 -1968, trong trận đánh vào Đồng Lâm, Quân Giải phóng đã
trong diệt 1.600 binh lính thuộc sư đoàn kỵ binh bay Mỹ. Trận phục kích ngày 6
- 5 – 1968 trên sông Hương đã tiêu diệt
nhiều binh lính Mỹ và quân đội Sài Gòn. Đặc biệt, khi Quân lực Việt Nam cộng hòa
tấn công A Lưới (16 - 5 – 1968) đã bị lực lượng vũ trang cách mạng chặn đánh,
diệt 2.197 binh lính, bắn rơi 72 máy bay trực thăng, bắn cháy/phá hủy 33 xe và
33 pháo các loại. Tại Trung và Trung Nam
Bộ, Quân giải phóng đã tấn công và pháo kích vào các thành phố, thị xã
như Đà Nẵng, Hội An, Quảng Ngãi, Phan Thiết...Đặc biệt, đầu tháng 5 đến
đầu tháng 6 năm 1968, trong trận đánh ở núi Ngang (Quảng Nam), Quân giải
phóng đã diệt 2000 binh lính đối phương, phá hủy 74 máy bay, 33 xe tăng. Ở
đồng bằng sông Cửu Long, Quân giải phóng tiến công đối phương khắp các
tỉnh Mỹ Tho, Bến Tre, Cần Thơ, Châu Đốc, Vĩnh Long, Sa Đéc, Cà Mau…
Sơ bộ
nhận xét về tình hình những ngày đầu tổng công kích đợt 2, Thường trực Quân ủy
Trung ương cho rằng, “mặc dù địch có đề phòng, chuẩn bị đối phó và có những hoạt
động phá chuẩn bị tấn công của ta, nhưng cuộc tấn công lần này đã bước đầu thu
được thắng lợi, nổ ra đúng lúc, phối hợp tốt với đấu tranh ngoại giao”[20].
Thường trực Quân ủy Trung ương đánh giá cao hiệu quả của các cuộc tấn công ở
Sài Gòn, phía Bắc Vùng I, Tây Nguyên và Khu V. Thường trực Quân ủy Trung ương
cũng lưu ý thêm về việc cần chú trọng các cuộc chiến đấu ở vùng ven, giữ vững,
mở rộng bàn đạp, nhấn mạnh phải luôn tuân thủ phương châm “càng đánh càng mạnh”;
“giữ vững và phát triển lực lượng”.
Ngày
30-5-1968, Cục tác chiến (Bộ Tổng tham mưu, Quân đội nhân dân Việt Nam) tiến
hành sơ kết cuộc tấn công đợt 2 tổng tiến công và nổi dậy trên chiến trường miền
Nam. Theo tổng hợp của Cục tác chiến: Đã loại khỏi vòng chiến đấu 27.000 binh
lính đối phương, bắn rơi 1.000 máy bay và phá hủy trên 173.000 tấn hàng quân sự[21].
Với những thiệt hại nặng nề như vậy, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã rơi vào tình
trạng suy yếu và khủng hoảng nhiều mặt. Tính đến ngày 15-6-1968, tổng lực lượng
chủ lực của Mỹ và Quân lực Việt Nam cộng hòa trên toàn chiến trường chỉ còn:
1.062.000 binh lính (trong đó có 520.000 lính Mỹ, 482.000 binh lính Việt Nam Cộng
hòa, 60.000 quân đồng minh của Mỹ); 3.400 máy bay các loại; 116 tiểu đoàn pháo;
38 tiểu đoàn và 10 đại đội xe tăng; lực lượng địa phương có 246.000 binh lính
(90.000 bảo an, 85.000 dân vệ, 67.000 cảnh sát)[22].
Báo cáo của Cục tác chiến cũng nhấn mạnh rằng, ngoài những thiệt hại vật chất,
điều quan trọng là đối phương tiếp tục bị suy yếu và hoang mang hơn, mâu thuẫn
nội bộ càng lục đục, tinh thần binh lính sa sút nghiêm trọng, mâu thuẫn giữa
nhân dân Mỹ với giới cầm quyền Mỹ ngày càng cao, đối phương bị lún sâu thêm vào
thế phòng ngự bị động[23].
Thật vậy, các đợt tấn công quyết liệt, liên miên của Quân giải phóng đã khiến
binh lính Mỹ và Quân lực Việt Nam cộng hòa thối chí và bạc nhược về tinh thần.
Tỉ
lệ đào ngũ của quân đội Sài Gòn cao hơn bao giờ hết. J.Stêin và Mc Lépsơn – tác
giả cuốn Sổ tay sự kiện chiến tranh Việt Nam, nhận xét: “Việt Nam hoá chiến tranh đã đặt gánh nặng quá lớn lên quân đội
Sài Gòn, do đó nảy sinh một vấn đề chủ yếu trong quân đội Sài Gòn (...) đặc biệt
là tệ đào ngũ"[24]. G.C.
Hơring cho biết: Vào cuối năm 1968, các cố vấn Mỹ xếp hạng 2 sư đoàn Việt Nam
Cộng hòa là "cực kỳ kém", 8 sư đoàn chỉ ở mức "khá lên" và
chỉ một sư đoàn là "giỏi"[25]. Trong
Giải phẫu một cuộc chiến tranh, G. Côncô khẳng định: "Tỉ lệ đào ngũ
của quân đội Việt Nam cộng hoà đạt tới đỉnh cao hơn bao giờ hết; nhìn toàn bộ,
năm 1968 là năm xấu nhất của cuộc chiến tranh cho đến năm 1975. Các tiểu đoàn bộ
binh của Việt Nam cộng hoà trong hai tuần đầu của tháng 2 chỉ có một nửa số
quân, các lực lượng biệt động ưu tú lại còn thấp hơn. Bốn trong chín tiểu đoàn
không vận không còn hiệu lực chiến đấu. Các quan chức Mỹ vô cùng bất bình về
tình hình không kỷ luật và nạn cướp phá của họ suốt giai đoạn đó”[26]. Dưới
nhan đề Lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, tác giả Laurent Cérari ghi
nhận rằng, trong các đơn vị quân Mỹ từ
năm 1968, nạn xung đột chủng tộc
trong binh lính Mỹ tăng nhanh, hiện tượng không tuân lệnh chỉ huy lan rộng
trong các đơn vị lục quân, hải quân và không quân Mỹ, đã phổ biến sử dụng
ma tuý và những vụ tấn công sĩ quan bằng lựu đạn[27].
Laurent Cérari cho biết thêm: "Ý chí (của quân Mỹ trên chiến trường) bị
chôn vùi, do dự khi bước vào cuộc chiến, sử dụng ma tuý gia tăng phá vỡ kỹ luật
quân đội, tệ tham nhũng và số sĩ quan đào ngũ tăng thêm”[28]. Thậm
chí, những người lính sư đoàn bộ binh số một "Anh Cả đỏ" giờ đây gọi
Sư đoàn này là "Anh Cả chết"[29].
Kết thúc đợt 2 tổng tiến công và nổi dậy, từ ngày 17 - 8 - 1968 đến 30 - 9 - 1968, quân và dân
miền Nam tiếp tục mở đợt 3 tổng công kích – tổng khởi nghĩa, đánh vào 27
thành phố, thị xã, 100 thị trấn, quận lỵ, chi khu quân sự, 17 sân bay,
3 khu kho, 6 Bộ Tư lệnh sư đoàn của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Tại Sài Gòn,
từ 17 - 8 đến 21 - 9 – 1968, Quân giải phóng đã pháo kích nhà Quốc hội của
chính quyền Sài Gòn và Bộ Tham mưu hành quân của Quân lực Việt Nam cộng
hòa. Tại Đường số 9 - Trị Thiên – Huế, từ 17 - 8 - 1968 đến 14 - 9 -
1968, các lực lượng vũ trang cách mạng tiếp tục tiến công đối phương
và chặn đánh lực lượng hành quân ra vùng rừng núi. Bị vậy hãm, ngày
7-7- 1968, Quân lực Việt Nam cộng hòa đã buộc phải rút khỏi Tà Cơn,
Đường số 9, một vùng rộng lớn từ Lao Bảo đến Ca Lu được giải phóng. Tại Trung Bộ, từ ngày 22
đến 24 - 8 - 1968, Quân giải phóng
pháo kích vào thành phố Đà Nẵng và các thị xã như Hội An, Tam
Kỳ, Hòa Vang, Vĩnh Điện. Quân giải phóng đã tiến công Đài phát thanh Đà
Nẵng, các căn cứ quân sự trên núi Non Nước, bán đảo Sơn Trà, đánh thiệt
hại 2 trung đoàn cơ động của Quân lực Việt Nam cộng hòa và một bộ phận
sư đoàn Amêricơn Mỹ, loại khỏi vòng chiến đấu 23.000 binh lính đối
phương. Ở Tây Ninh, các lực lượng vũ trang cách mạng tiến công khu tòa
thánh, căn cứ lữ đoàn 3, sư đoàn 25 bộ binh Mỹ ở Trảng Lớn, lực
lượng đặc biệt của Quân lực Việt Nam cộng hòa ở Cà Tum, đài truyền tin
Mỹ ở núi Bà Đen, căn cứ Mỹ ở Chà Là, Bến Củi, loại khỏi vòng chiến
đấu 14.000 binh lính đối phương (trong đó có 10.000 binh lính Mỹ) bắn rơi,
phá hủy 85 máy bay, phá hỏng 1.335 xe quân sự. Lực lượng vũ trang cách mạng ở Bình Long tiến công vào sư
đoàn 1 bộ binh Mỹ tại Lộc Ninh, diệt 1.600 lính (Trung tướng sư đoàn 1 bộ binh Mỹ Ketuoa
bị bắn chết trong đợt này).
Tổng kết đợt 1 và 2 tổng tiến công và nổi
dậy, Cục tác chiến (Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) kết luận như
sau:
Về ưu điểm: 1- Lực lượng vũ trang
cách mạng hoàn thành tốt nhiệm vụ, chiến đấu tốt ở nội thành Sài Gòn, còn ở
vùng ven, luôn tạo được thế uy hiếp, vây ép Sài Gòn; làm chủ Huế trong một khoảng
thời gian khá dài; 2- Đã tiêu diệt được một bộ phận lớn sinh lực và phương
tiện chiến tranh, làm suy yếu một cách căn bản cơ sở vật chất, lực lượng hậu cần
của đối phương; 3-Tạo thế chiến tranh du kích rộng khắp ở nông thôn đồng bằng,
làm chủ thành phố, xây dựng chỗ đứng chân ở các khu vực miền núi; 4- Tiếp tục
đánh bại ý chí tiến hành chiến tranh của Mỹ và Quân đội Sài Gòn, đẩy đối phương
vào thế khủng hoảng trầm trọng[30].
Về
khuyết, nhược điểm: 1- Chưa tiêu diệt được các cơ quan đầu não
của đối phương ở các thành phố lớn; 2- Công tác vận động quần chúng nổi dậy làm
còn yếu; 3- Công tác địch vận chưa đạt yêu cầu; 4- Chưa đánh tiêu diệt lớn ở
chiến trường rừng núi; 5- Nhiều lúc sự phối hợp giữa Mặt trận Đường 9 với Sài
Gòn và Huế không kịp thời; 6- Lực lượng Quân giải phóng cũng bị tổn thất khá nặng
nề[31].
*
*
*
Nhìn lại các đợt tiến
công tháng 5 và tháng 8 năm 1968 của quân và dân miền Nam trên chiến trường với
những khó khăn, tổn thất, nhiều nhà nghiên cứu, nhiều học giả đã xem như đó một
hạn chế về tầm nhìn hoặc sai lầm của các cấp chỉ đạo chiến lược mà hậu quả của
sai lầm này đã làm cho cục diện chiến trường sau "Tết Mậu Thân" trở
nên "xấu hơn trước năm 1968",
cách mạng miền Nam lâm vào "thời kỳ đen tối". Nhìn trên thực tế của chiến
trường lúc ấy, những ý kiến trên đây quả thật có nhiều mặt xác đáng; tuy nhiên,
nếu như 111.360 cán bộ, bộ đội lực lượng
vũ trang giải phóng cùng hàng vạn quần chúng đã hy sinh và bị thương trong năm
1968 thì cũng trong năm này, số thương vong của quân Mỹ đã "gia tăng ghê gớm, nó gần gấp hai lần tổng số
thương vong của tất cả các năm trước đó cộng lại - 30.610 người so với
16.210 người"[32].
Chỉ trong sáu tháng đầu năm 1968, Mỹ và quân đội Sài Gòn đã bị tổn thất 101.400
binh lính[33];
Nam Việt Nam (tức quân đội Sài Gòn)
trung bình tổn thất 500 người mỗi tuần[34].
Qua những con số thương vong này, có thể hình dung được phần nào sự ác liệt của
hai đợt tấn công sau Tết Mậu Thân - một sự ác liệt mà Việt Nam Dân chủ cộng
hòa buộc phải chấp nhận nhằm khẳng định
ý chí, khẳng định tư thế của mình trên chiến trường đặng thông qua đó, giành lợi
thế trên bàn đàm phán. Quân và
dân Việt Nam đã phải hy sinh máu
xương, phải gồng mình lên, chấp nhận những mất mát để hướng về và chuẩn bị cho
cuộc chạy đua nước rút tới đích – giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất
nước. Thực vậy, nếu không có những hy sinh, tổn thất của những đợt tấn công sau
Tết ngày đó, rất có thể những thành quả đạt được trong cuộc tấn công đợt 1 đã
không được đảm bảo và phát huy, Việt Nam Dân chủ cộng hòa không thể rút ngắn
ngày kết thúc chiến tranh như đã diễn ra: Đưa sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam từ 3 năm rồi 2 năm trong kế
hoạch, rút xuống chỉ còn 55 ngày đêm chiến đấu mà giành lại được một Sài Gòn hầu
như nguyên vẹn.
[1] Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng, Phông Bộ Quốc phòng, Hồ sơ 1162.
[2] Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng, Tlđd, Hồ sơ 1162.
[3] Bộ Tổng tham mưu Quân đội
nhân dân Việt Nam, Biên niên sự kiện Bộ
Tổng tham mưu trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975, Nxb. Quân đội
nhân dân, Hà Nội, 2005, tập V, tr.299
[4] Bộ Tổng tham mưu Quân đội
nhân dân Việt Nam, Biên niên sự kiện Bộ
Tổng tham mưu, Nxb. Quân đội nhân dân, tập V, tr.299.
[5] Bộ Tổng tham mưu Quân đội
nhân dân Việt Nam, Biên niên sự kiện Bộ
Tổng tham mưu, Sđd, tập V, tr. 153.
[6] Bộ Tổng tham mưu Quân đội
nhân dân Việt Nam, Biên niên sự kiện Bộ
Tổng tham mưu, Sđd, tập V, tr. 153.
[7] Đến ngày 31 tháng 3 năm
1968, do tác động của đòn "Tết Mậu Thân", phía Mỹ phải đơn phương xuống
thang chiến tranh, tuyên bố sẵn sàng cử đại diện đi vào đàm phán với phía Việt
Nam nhưng trên thực tế, Mỹ vẫn duy trì
cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc từ vĩ tuyến 17 đến vĩ tuyến 20, vẫn duy trì
các chuyến bay trinh sát đường không trên vùng trời, vùng biển miền Bắc và vẫn
giành quyền ném bom trở lại toàn bộ lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi
cần. Thực tế đã cho thấy rằng: dù cho
Mỹ có thực sự muốn ngồi vào bàn đàm phán đầu tháng 4 năm 1968 đi chăng nữa thì
đó cũng là ngồi vào bàn trên thế mạnh.
Theo hồi ký của Giônxơn thì trong cuộc họp giữa Tổng thống với các quan chức
hàng đầu trong Chính phủ Mỹ ngày 9 tháng 4 năm 1968 để bàn về việc cử đại diện
đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Rốtxtâu - cố vấn Hội đồng an ninh quốc
gia Mỹ - đã bình luận việc Hà Nội chấp nhận cử đại diện đàm phán với Mỹ chính
là đã "tự thừa nhận họ (tức
Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) đã
ở vào một tình thế quân sự suy yếu".
[8] Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc
phòng, Phông Cục tác chiến, Hồ sơ 2475.
[9] Tham dự có Văn Tiến Dũng,
Phùng Thế Tài, Lê Ngọc Hiền và Phan Hàm.
[10] Bộ Tổng tham mưu Quân đội
nhân dân Việt Nam, Biên niên sự kiện Bộ
Tổng tham mưu, Sđd, tập V, tr. 188.
[11] Gồm có Lê Duẩn, Lê Đức Thọ,
Phạm Hùng, Nguyễn Chí Thanh, Văn Tiến Dũng,
[12] Dự họp còn có Lê Văn
Lương, Lê Trọng Tấn, Lê Ngọc Hiền.
[13] Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng, Phông Cục tác chiến, Hồ sơ 2618.
[14] Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng, Phông Quân ủy Trung ương, Hồ sơ 543.
[15] Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng, Tlđd, Hồ sơ 543
[16] Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng, Tlđd, Hồ sơ 543
[17] Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng, Tlđd, Hồ sơ 543
[18] Bộ Tổng tham mưu Quân đội
nhân dân Việt Nam, Biên niên sự kiện Bộ
Tổng tham mưu, Sđd, tập V, tr. 279.
[19] Trần Văn Bắc và Tám Hà đầu
hàng; đại đội phó trinh sát Lê Văn Thọ bị
bắt đã khai và điệp viên 707 của đối phương dự Hội nghị bàn kế hoạch đợt hai họp
ở núi Gấm (Châu Đốc) [Bộ Tổng tham mưu
Quân đội nhân dân Việt Nam, Biên niên sự kiện Bộ Tổng tham mưu, Sđd, tập V,
tr. 279]. Báo cáo của Văn phòng Thủ tướng chính quyền Sài Gòn ghi rõ: “Cuộc
tổng công kích này được chuẩn bị từ tháng 3-1968 (…). Quân giải phóng đã xúc tiến
mạnh mẽ công tác điều nghiên tại các khu vực quan trọng thuộc duyên hải Vùng I
chiến thuật, cao nguyên Trung phần và miền Đông Nam phần, đặc biệt là các cơ sở
quân sự xung quanh Biệt khu Thủ đô và ven biên Đô thành” [Phiếu trình số 170/P, Th.T/VoP/2 ngày 18-5-1968 của Võ phòng Phủ thủ tướng
chính quyền Sài Gòn về hoạt động VC, PTTg, hồ sơ số 16175].
[20] Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng, Phông Cục tác chiến, Hồ sơ 3250.
[21] Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng, Tlđd, Hồ sơ 2562.
[22] Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng, Tlđd, Hồ sơ 2524.
[23] Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng, Tlđd, Hồ sơ 2562.
[24] J.Stêin và Mc Lépsơn : Sổ
tay sự kiện chiến tranh Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia và Trung tâm báo chí
nước ngoài, Bộ Ngoại giao dịch và phát hành, Hà Nội, 1993, tr. 82.
[25] G.C. Hơring: Cuộc chiến
tranh dài ngày nhất của nước Mỹ, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr.274
[26] Gabrien Côncô: Giải phẫu một cuộc chiến tranh, Nxb. Quân đội
nhân dân, Hà Nội, 1980, t.1, tr.82.
[27] Laurent Cérari: Lính Mỹ
trong chiến tranh Việt Nam, Tạp chí Xưa và Nay dịch, đăng số 225,
tháng 12/2004.
[28] J.Stêin và Mc Lépsơn: Sổ
tay sự kiện chiến tranh Việt Nam, Sđd, tr.82.
[29] J.Stêin và Mc Lépsơn: Sổ
tay sự kiện chiến tranh Việt Nam, Sđd, tr.82.
[30] Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng, Phông Cục tác chiến, Hồ sơ 2570.
[31] Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng, Tlđd, Hồ sơ 2570.
[32] Jeff Stein - Marc Leepson:
Sổ tay sự kiện chiến tranh Việt Nam, Sđd, tr. 81.
[33] Lịch sử kháng chiến chống
Mỹ, cứu nước (1954-1975), Sđd, t. 1, tr. 311.
[34] Henri Kítxinhgiơ: Những
năm ở Nhà Trắng, Thư viện Quân đội dịch, Hà Nội, 1981, t. 1, tr.33.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!