Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

CHIẾN THẮNG ĐƯỜNG 9 - KHE SANH XUÂN HÈ 1968



PGS, TS. HỒ KHANG
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
Cách đây hơn 40 năm, đã diễn ra trận chiến quyết liệt ở khu vực đường số 9 - Khe Sanh tại miền tây Quảng Trị giữa quân đội Mỹ và lực lượng vũ trang Quân giải phóng miền Nam. Mở màn trước đòn tiến công Tết Mậu thân 1968 đúng 10 ngày và kết thúc thắng lợi sau hơn 170 ngày đêm tấn công, vây hãm, giam chân một lực lượng lớn quân đội Mỹ, buộc quân Mỹ phải rút bỏ khỏi căn cứ lớn quan trọng sau những hao tổn nặng nề về sinh lực và phương tiện chiến tranh, chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh xuân hè 1968 của quân và dân miền Nam thuở ấy tạc vào lịch sử hiện đại Việt Nam như biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đánh Mỹ.

Khe Sanh, một vị trí có tầm quan trọng chiến lược ở miền núi phía tây tỉnh Quảng Trị, nằm trên cao nguyên mỗi chiều gần 10km. Đây là khu vực phía tây phòng tuyến Mắc Na-ma-ra mà địch tổ chức phòng thủ rất mạnh nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, là bình phong chắn giữ cho khu vực phía đông đường số 9, bảo vệ vùng dân cư đồng bằng ven biển thuộc tỉnh Quảng Trị. Trong nhìn nhận của các tướng lĩnh Mỹ, Khe Sanh là căn cứ tuần tra để ngăn chặn chủ lực miền Bắc thâm nhập từ Lào sang theo trục đường số 9; là bàn đạp để quân đội Mỹ và quân đội Sài Gòn triển khai các hoạt động đánh phá căn cứ của Việt Nam trên đất Lào; là sân bay phục vụ cho việc trinh sát đường không tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn; "là cái mỏ neo ở phía tây cho toàn bộ hệ thống phòng thủ phía nam khu phi quân sự và là bàn đạp cho các cuộc hành quân trên bộ để cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh". Theo Oét-mo-len - Tư lệnh Bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam, bỏ Khe Sanh tức là bỏ mất tất cả lợi thế đó, "đồng thời chấp nhận cái tất yếu là đưa chiến tranh vào vùng dân cư ven biển thuộc tỉnh Quảng Trị". Vì tầm quan trọng đó, trên tuyến đường số 9, từ Cửa Việt đến Lao Bảo, bộ chỉ huy quân sự Mỹ (MACV) tập trung tới 45 nghìn quân, trong đó có 28 nghìn quân Mỹ; riêng tại căn cứ Khe Sanh, vào những tháng cuối năm 1967 đầu năm 1968, số quân đồn trú Mỹ lên tới hơn 6.000.
Về phía Việt Nam, ngay từ giữa năm 1966, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, trên cơ sở đánh giá tầm quan trọng của khu vực Đường số 9 - Khe Sanh, đã quyết định thành lập Quân khu Trị Thiên, mở Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị. Từ đây, mặt trận này đã thu hút, ghìm chân một bộ phận quan trọng binh lực của đối phương. Trong kế hoạch Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, một lần nữa, khu vực đường 9 - Khe Sanh được xác định là hướng tiến công và là đòn chính của bộ đội chủ lực nhằm "nghi binh, lừa địch", kéo ra và ghìm chặt một bộ phận lực lượng cơ động chiến lược của quân Mỹ, tạo điều kiện cho quân và dân miền Nam chuẩn bị và tiến công đồng loạt vào các đô thị trên khắp miền Nam. Chiến dịch tiến công Đường 9 - Khe Sanh là nhằm hiện thực hóa chủ trương chiến lược táo bạo đó. Quân đội nhân dân Việt Nam tập trung vào chiến dịch này các sư đoàn bộ binh 304, 320, 324 và 3251, Trung đoàn 270 (Vĩnh Linh) và 2 tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh Quảng Trị, 1 đoàn và 5 đại đội đặc công, 5 trung đoàn pháo binh, 3 trung đoàn pháo phòng không, 1 tiểu đoàn xe tăng, 1 tiểu đoàn thông tin, 6 tiểu đoàn vận tải… cùng các lực lượng đảm bảo khác và lực lượng vũ trang các huyện Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa. Đây là lần đầu tiên phía Việt Nam tổ chức một chiến dịch tập trung quy mô lớn trên chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ.
Đêm 20 tháng 1 năm 1968, quân dân miền Nam nổ súng tiến công quận lỵ Hướng Hoá. Những ngày tiếp sau, quân dân miền Nam tấn công Huội San, chi khu Cam Lộ, đánh chiếm Làng Vây,... dồn ép địch ở khu vực Tà Cơn, chặn đánh quyết liệt lực lượng ứng cứu của địch...
Lúc này, nước Mỹ đang bước vào năm vận động tranh cử tổng thống nhiệm kỳ mới. Đó là thời điểm rất nhạy cảm trong đời sống chính trị của nước Mỹ. Cho nên, bất cứ sự đảo lộn nào trên chiến trường Việt Nam đều gây chấn động mạnh tới tình hình nước Mỹ. Vì thế, chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh vừa nổ ra đã ngay lập tức thu hút tâm trí của giới lãnh đạo Oa-sinh-tơn. Mai-cơn Mắc-li-a, một tác giả Mỹ, sau này bình luận rằng, đạn pháo của chủ lực miền Bắc vừa giội xuống Khe Sanh đã "rơi ngay vào thủ đô Oa-sinh-tơn". Giới lãnh đạo Mỹ khi đó nhận định: Khe Sanh là một "Điện Biên Phủ" trong ý đồ của các cơ quan chỉ đạo chiến lược Việt Nam. Vì thế, tổng thống Giôn-xơn chỉ thị cho tướng Tay-lo lập phòng "tình hình đặc biệt" tại Nhà Trắng và đích thân theo dõi diễn biến tình hình Khe Sanh từng giờ. Ông lệnh cho các tham mưu trưởng liên quân Mỹ phải cam kết giữ vững Khe Sanh bằng mọi giá, lệnh cho tướng Oét-mo-len hàng ngày phải gửi về Oa-sinh-tơn báo cáo chi tiết về tình hình chiến sự Khe Sanh. Cũng đã có ý kiến đề xuất việc sử dụng vũ khí nguyên tử nhằm giải vây quân Mỹ ở Khe Sanh. Toan tính này của giới lãnh đạo Mỹ ngày ấy, bị "ém nhẹm" và phải gần 40 năm sau mới được chính phủ Mỹ tiết lộ.
Vì tình hình căng thẳng ở Khe Sanh, đêm đêm, Oét-mo-len phải ngủ lại trung tâm hành quân trong bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Sài Gòn. Ông và các cộng sự trong bộ chỉ huy quân sự Mỹ nhận định Khe Sanh là hướng tiến công chính của quân dân miền Nam trong Đông - Xuân 1968. Ám ảnh bởi Điện Biên Phủ
năm 1954 từng chôn vùi uy danh quân đội Pháp, Oét-mo-len cho mời nhà sử học quân sự công tác tại MACV, đại tá R. Ác-gơ thuyết trình về nguyên do đưa đến sự bại trận của quân đồn trú Pháp ở Điện Biên Phủ. Theo nhà sử học này, tại Điện Biên Phủ cũng như nhiều nơi khác trong lịch sử chiến tranh thế giới, sở dĩ quân đồn trú thất bại là bởi bị đối phương bao vây và bị tước mất quyền chủ động. Kết luận đó, theo hồi ký Oét-mo-len, khiến ông và cả bộ chỉ huy vô cùng "choáng váng". Trong lo lắng, Oét-mo-len quyết định thành lập sở chỉ huy tiền phương của bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại vùng 1 chiến thuật nhằm kiểm soát, chỉ huy toàn bộ lực lượng quân Mỹ và quân đội Sài Gòn ở mặt trận phía bắc, và nhằm đối phó kịp thời với tình hình chiến sự ở Khe Sanh. Toàn bộ lực lượng này, vào cuối tháng 1 năm 1968, lên tới 40% số tiểu đoàn bộ binh và thiết giáp mà MACV hiện có trong tay.
Trong khi tâm trí và lực lượng quân sự Mỹ dồn vào Mặt trận Khe Sanh thì cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân miền Nam Việt Nam nổ ra mà hướng chính là nhằm vào các đô thị trên toàn miền Nam. Đòn tiến công táo bạo, bất ngờ và mãnh liệt này đã đặt một bộ phận quan trọng quân Mỹ bấy giờ đang tập trung ở khu vực rừng núi Khe Sanh, vào thế "cá voi mắc cạn".
Phối hợp với đòn tiến công vào các đô thị, tại Khe Sanh, quân dân miền Nam tăng thêm lực lượng đẩy mạnh các hoạt động tiến công, vây lấn. Tại đây, chiến sự diễn ra ngày càng ác liệt. Oét-mo-len tung cả vào đây sư đoàn kỵ binh không vận số 1, sư đoàn thủy quân lục chiến số 3 và nhiều đơn vị thiện chiến khác của quân Mỹ. Đồng thời, không quân, pháo binh được phía Mỹ huy động tối đa nhằm chi viện hoả lực ồ ạt cho quân đồn trú và quân giải cứu. Chỉ tính riêng từ 20 tháng 1 đến 31 tháng 3 năm 1968, phía Mỹ đã sử dụng đến 24.000 lần chiếc máy bay chiến thuật, 2.700 lần chiếc "pháo đài bay" B.52, giội xuống khu vực Khe Sanh 100.000 tấn bom; các trận địa pháo của quân Mỹ bắn tới 150.000 quả, tạo ra những trận bão lửa hòng đánh bật đối phương khỏi khu vực Khe Sanh.
Không nao núng ý chí, quyết tâm, những người lính "Bộ đội Cụ Hồ" mưu trí, dũng cảm đã kiên trì trụ bám trận địa, tiến công và đẩy lùi các đợt phản kích, chặn đánh quyết liệt lực lượng ứng cứu, làm thất bại các cuộc hành quân giải toả của sư đoàn kỵ binh không quân số 1 Mỹ và quân đội Sài Gòn, siết chặt vòng vây căn cứ Tà Cơn, dồn địch vào tình thế có thể bị tiêu diệt hoàn toàn...
Trước tình hình đó, tháng 6 năm 1968, bộ chỉ huy quân sự Mỹ buộc phải rút bỏ Khe Sanh nhằm bảo toàn lực lượng còn lại sau 177 ngày đêm bị đối phương vây hãm, tấn công và sau khi đã bị hao tổn 17.000 quân cùng hàng trăm máy bay khiến cho tuyến phòng thủ đường 9 bị đập vỡ một khâu trọng yếu. "Việc rút lui khỏi Khe Sanh không đơn giản chỉ bỏ rơi một yếu điểm, mà còn là rời bỏ một ảo tưởng và một chính sách. Tất cả nỗ lực của Hoa Kỳ đã tan ra tro như những pháo đài xi-măng cốt sắt ở Khe Sanh" (Bình luận của đài phát thanh BBC ngày 30-6-1968). Đó thực sự là một thất bại nặng nề về quân sự và chính trị của quân Mỹ trong toàn bộ cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh xuân - hè 1968 gắn chặt với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và góp phần quan trọng tạo ra hiệu lực mạnh mẽ buộc chính quyền Mỹ phải đơn phương xuống thang, trút dần gánh nặng chiến tranh xuống vai chính quyền và quân đội Sài Gòn, ngừng ném bom miền Bắc, cử đại diện đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Pa-ri, khởi đầu một quá trình đi xuống về chiến lược và quá trình đó là không thể đảo ngược. Chiến thắng Khe Sanh là kết quả của những nhân tố rất cơ bản tạo ra và nhân lên sức mạnh tổng hợp đánh bại những nỗ lực quân sự khổng lồ của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đó là nghệ thuật chỉ đạo chiến lược, điều hành chiến tranh độc lập, tự chủ, sáng tạo của Đảng Lao động Việt Nam; là hiệu lực thực tế của nền nghệ thuật quân sự hiện đại Việt Nam - một nền nghệ thuật quân sự phát huy mạnh mẽ nhân tố con người, lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông, lấy trí tuệ và bản lĩnh của con người Việt Nam để chiến thắng vũ khí và sức mạnh bạo tàn của kẻ xâm lược. Đó còn là ý chí, nghị lực và sức mạnh của những người lính xung trận với niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng; là sự đùm bọc, chở che, giúp đỡ và tham gia tích cực của đồng bào các dân tộc miền Tây Quảng Trị - những đồng bào Vân Kiều, Pa Cô một lòng thủy chung với cách mạng, với kháng chiến, với Bác Hồ, đã chắt chiu dành dụm, đóng góp hàng trăm tấn gạo, hàng ngàn tấn sắn, hàng ngàn ngày công gùi lương tải đạn, cứu chữa thương binh, chôn cất tử sĩ...
Hơn 40 năm đã trôi qua, kể từ khi cuộc chiến Khe Sanh kết thúc! Kỷ niệm sự kiện lịch sử này, đất nước nghiêng mình tưởng nhớ bao anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền tự do, độc lập và thống nhất non sông! Đây cũng là dịp để ngày hôm nay những thế hệ đi sau thêm một lần chiêm nghiệm sâu sắc hơn những nhân tố đã tạo ra và nhân lên sức mạnh của lòng yêu nước, của toàn dân tộc thời trận mạc. Những nhân tố ấy, đến hôm nay, vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.


Download toàn văn bài viết tại: Trang Web NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ



1 Từ tháng 5, Sư đoàn 308 và Trung đoàn 246 vào thay cho các sư đoàn 324 và 325 đi chiến trường khác. Dẫn theo: Bộ Quốc phòng - Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 1999, tr.173.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!