Tết Mậu Thân cùng những hậu quả của nó, cho đến hôm nay, vẫn còn
là một nghịch lý trong tâm trí của giới quân sự, chính trị và một số tác giả Mỹ.
Bởi theo họ, điều trớ trêu của Tết là ở chỗ: “Cộng sản đã thua trên chiến trường nhưng lại
thắng về chính trị ngay trên nước Mỹ”. Không chỉ khi còn là Tư lệnh chiến trường
tại miền Nam Việt Nam mà lúc đã bị triệu hồi về nước và nhiều năm sau đó, Tướng
W. Oét-mo-len vẫn luôn khẳng định rằng, trong
dịp Tết Mậu
Thân, quân đội
Mỹ sắp giành được thắng lợi quyết định thì lại bị các nhà dân sự trong chính phủ
Mỹ cùng các nghị sĩ Quốc hội Mỹ buộc phải bỏ cuộc. Theo ông, Tết là một khúc ngoặt của cuộc chiến tranh; có điều, khúc ngoặt đó lẽ ra dẫn
đến thắng lợi của Mỹ và đồng minh Nam Việt Nam thì ngược lại, nó dẫn tới thất bại
của Mỹ!
Kỷ niệm tròn 30 năm Tết Mậu Thân, bài viết nhỏ này mong góp phần lý giải câu hỏi: Mỹ có
thua về quân sự trong Tết Mậu Thân không? Và nếu thua thì thua như thế nào ngay trên chiến trường Việt Nam thuở đó?
*
* *
* *
Từ
ngày đầu “chiến tranh cục bộ”, mục tiêu của Mỹ là dùng lực lượng quân sự Mỹ (lục
quân, không quân, hải quân) để tiêu diệt lực lượng vũ trang và cơ sở chính trị
của cách mạng miền Nam, uy hiếp tinh thần kháng chiến của nhân dân Việt Nam, củng
cố chế độ Sài Gòn làm cơ sở cho việc triển khai chiến lược của Mỹ.
Để
đạt mục tiêu chiến lược đó, Mỹ sử dụng quân Mỹ mở các cuộc hành quân “tìm diệt”
chủ lực Quân giải phóng và cơ quan chỉ đạo cách mạng miền Nam, dùng quân đội
Sài Gòn yểm trợ chương trình “bình định” nông thôn, dùng không quân và hải quân
leo thang đánh phá miền Bắc nhằm ngăn chặn sự chi viện của miến Bắc cho cách mạng
miền Nam. Thế nhưng, trải qua hai mùa phản công chiến lược, những biện pháp
trên đây không mang lại hiệu quả như Mỹ trông đợi. Ngược lại, qua hơn hai năm
đương đầu với quân Mỹ, lực lượng, thế trận chiến tranh nhân dân của Việt Nam
ngày càng phát triển; ý chí, quyết tâm đánh Mỹ được tăng cường trong toàn Đảng
LĐVN, toàn quân và toàn dân trên cả hai miền Nam - Bắc. Lực lượng, thế trận, ý
chí, quỵết tâm đó cho phép quân dân miền Nam mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.
Trong
gần hai tháng, Tết
Mậu Thân như những
đợt sóng tới tấp đánh vào 4 trong 6 thành phố lớn, 37 trong số 44 thị xã và
hàng trăm thị trấn, quận lỵ. Tại nhiều đô thị, lực lượng vũ trang quân giải
phóng chiếm giữ nhiều nơi trong nhiều ngày, nhiều giờ. Hầu hết các cơ quan đầu
não từ Trung ương tới địa phương của Mỹ và chính quyền Sài Gòn bị tiến công. Bộ
binh, pháo binh, đặc công, biệt động Quân giải phóng đã đánh mạnh, đánh trúng 4
Bộ Tư lệnh quân đoàn, 8 trong số 11 Bộ Tư lệnh sư đoàn quân Sài Gòn, 2 Bộ Tư lệnh
biệt khu, 2 Bộ Tư lệnh dã chiến Mỹ cùng nhiều bộ tư lệnh lữ đoàn, trung đoàn,
các tiểu khu, chi khu và hàng trăm căn cứ quân sự, kho tàng, sân bay, bến cảng.
Nhiều tuyến giao thông thuỷ, bộ bị chặn cắt, nhiều cơ sở thông tin bị tiến công
khiến hoạt động vận chuyển, liên lạc tại nhiều vùng do Mỹ và chính quyền Sài
Gòn kiểm soát bị ngừng trệ. Như vậy, đầy là lần đầu tiên sau nhiều năm lao vào
chiến tranh Việt Nam, toàn bộ hệ thống phòng thủ đô thị của Mỹ và chính quyền
Sài Gòn bị tiến công, bị phá vỡ, hậu phương, hậu cứ chiến tranh trở thành chiến
trường - nơi đọ sức,
đọ lực, đọ ý chí giữa hai bên trong nhiều tuần, nhiều tháng.
Trong
cuộc đọ sức đó, bằng lối đánh táo bạo và dũng mãnh, lực lượng vũ trang Quân giải
phóng đã tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch; phá huỷ, phá hỏng nhiều
phương tiện chiến tranh; làm rối loạn hậu phương, hậu cứ an toàn của chúng. Mặc
dù trong cuộc đọ sức quyết liệt Tết Mậu Thân ngày đó, cả hai bên tham chiến đều bị hao tổn nặng nề
về lực lượng, phương tiện chiến tranh, nhưng điều quan trọng khiến cho phía Mỹ
và dư luận thế giới kinh ngạc là ở chỗ: Quân giải phóng có thể tiến công đồng
loạt, rộng khắp vào hàng trăm đô thị trên toàn Miền và gây cho phía Mỹ nhiều
thương vong trong khi chỉ sử dụng một bộ phận lực lượng không nhiều. Theo nhận
định của Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ tại Sài Gòn lúc đó và được nhiều tác giả Mỹ sau
này trích dẫn thì, “Bộ Chỉ huy Cộng sản đã tung vào một lực lượng ước chừng
67.000 quân trong tổng số 240.000 ở miền Nam Việt Nam... Dàn ra để chống lại họ
là
1.100.000 tay súng - 492.000
quân chiến đấu Mỹ, 61.000 quân Nam Triều Tiên, Thái Lan và các nước trong “thế
giới tự do” khác, 342.000 quân thường trực của chính phủ Việt Nam cộng hoà và
284.000 quân địa phương, phòng vệ dân sự. Ngoài ra Mỹ còn huy động 2.600 máy
bay, 3.000 trực thăng và 3.500 xe thiết giáp”([1]) mong chống đỡ lại cuộc tiến công. Cho dù
sự chênh lệch về quân số, hoả lực là hết sức lớn - nghiêng hẳn về phía Mỹ,
nhưng Quân Giải phóng không những đã phá vỡ tuyến phòng thủ kiên cố của địch,
gây cho đối phương những tổn thất nặng nề về sinh lực, phương tiện chiến tranh mà
còn ghìm chân
được một đội quân đông hơn 1 triệu lính được trang bị hiện đại vào mặt trận đô thị. Mười bảy
năm sau Tết Mậu
Thân, G.
Côn-cô trong Giải
phẫu một cuộc chiến tranh, đã xem đây là “một trong những bài học cay đắng nhất
trong
chiến đấu của Mỹ”.
Trong
khi cuộc tiến công Tết đang lên tới đỉnh cao, Uy-lơ, Chủ tịch Hội đồng tham
mưu trưởng Liên quân Mỹ đã báo về Oa-sinh-tơn ngày 17-2-1968 rằng, cuộc tiến
công ban đầu của đối phương đã “gần thành công” ở hàng chục địa điểm. Để tránh
bị thất bại, Mỹ chỉ có thể có những biện pháp “phản ứng kịp thời”. Sự "phản
ứng kịp thời” đó đã buộc Mỹ phải sử dụng ồ ạt hoả lực trọng pháo, máy bay, thiết
giáp để san bằng nhiều thành phố, giết hại nhiều dân thường ngay ở giữa hậu cứ,
hậu phương chiến tranh của chúng. Tại cố đô Huế, “hoả lực Mỹ đã biến 80% thành
phố thành gạch vụn”([2]). Trọng pháo và máy bay Mỹ còn san bằng một
nửa tỉnh lỵ Mỹ Tho - thị xã có 80.000 người dân sinh sống. Thị xã Bến Tre cũng
chịu chung số phận.
“Cần
phải huỷ diệt thành phố này để cứu nó”. Đó là lời một sĩ quan Mỹ nói trong lúc
quân Mỹ đang tàn phá thị xã Bến Tre. Lời nói điển hình đó ngay lập tức được phổ
biến rộng rãi trên báo chí Mỹ và nhiều nước trên thế giới. Bởi lẽ, nó như một định
đề vạch rõ sự trớ trêu đầy mâu thuẫn giữa mục đích và biện pháp của cuộc chiến
tranh mà Mỹ đề ra từ ban đầu, hy vọng sẽ chinh phục được “khối óc và trái tim”
của người dân miền Nam; hy vọng có thể làm cho ai nấy tin rằng sự có mặt của
quân Mỹ vì là sự phồn vinh và nền “độc lập” của một miền Nam không Cộng sản!
Như vậy, dù cho sau đó với quan điểm thuần tuý quân sự “kiểu Mỹ” và phương Tây,
Mỹ có đẩy được Quân giải phóng ra khỏi đô thị và xem đấy đích thị là một thắng
lợi của mình đi chăng nữa thì Tết Mậu Thân và hành động thực tế của quân Mỹ, về thực chất, vẫn
là một thất bại nặng nề của Mỹ trên chiến trường miền Nam Việt Nam.
Trong
khi đó, tại nông thông đồng bằng và rừng núi, đòn tổng tiến công đã làm cho bộ
máy kìm kẹp của chế độ Sài Gòn và hơn 50.000 “cán bộ bình định” thuộc 555 đội
chẳng được ai ngó ngàng tới, làm mục rã một trong những “gọng kìm” của Mỹ. Bởi
vì, một khi phần lớn lực lượng địch bị ghìm chặt vào mặt trận đô thị thì, ngay
lập tức, lực lượng vũ trang tại chỗ đã hỗ trợ cho nhân dân nổi dậy diệt ác, phá
kìm, giải tán dân vệ, giành quyền làm chủ, mở rộng vùng giải phóng, giáng đòn nặng vào hệ thống chính quyền cơ
sở địch ở nông thôn.
Tình
hình trên đây đã được chính Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ thú
nhận trong báo cáo gửi Tổng thống Giôn-xơn ngày 17-2-1968 rằng: “Trên một số phạm
vi rộng lớn, Việt cộng đã nắm quyền kiểm soát nông thôn”. Chương trình “bình định”
mà lúc đó Mỹ gọi là “chương trình phát triển cách mạng” đã bị “thụt lùi nghiêm
trọng”([3]). Vào thời gian này, tại Oa-sinh-tơn, Văn
phòng Hệ thống phân tích tình hình Việt Nam của Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra nhận
xét: “Cuộc tiến công Tết hình như đã vĩnh viễn giết chết chương trình bình định”([4]).
Sau
này, một số
tác giả Mỹ trong các công trình nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam cũng gặp
nhau ở nhận định về thất bại này của Mỹ. Ấy là khi họ đều nhận xét rằng, thật
khó mà mình họa được tình hình kiểm soát của mỗi bên ở nông thôn. Theo G.
Côn-cô, chính vào dịp Tết Mậu Thân, tại Oa-sinh-tơn lẫn ở Sài Gòn, giới lãnh đạo chỉ huy
Mỹ đều đã phải thừa nhận rằng: “Mặc dù Mặt trận dân tộc giải phóng không thành
công ở các đô thị, nhưng họ đã thu được những thành tựu ở nông thôn”([5]). Lời thú nhận này từ phía Mỹ và quân đội
Sài Gòn ở thời điểm Tết Mậu Thân trên đây đã chứng minh rõ ràng rằng: Tết Mậu Thân không chỉ đưa chiến tranh vào tận dinh luỹ
của Mỹ và chính quyền Sài Gòn mà còn là đòn nặng giáng vào chương trình “bình định”
trên phạm vi toàn Miền.
Tình
hình đó làm cho nhiều người Mỹ làm việc trong chương trình “bình định” hoang
mang, kinh hãi. Họ không lý giải nổi tại sao “Việt cộng đã vào được tất cả các
thành thị để tiến công mà không có một người Việt Nam nào báo cho chính phủ Nam
Việt Nam biết”([6]). Tình hình đó rõ ràng đã là mối đe doạ
trực tiếp tới sự tồn tại của chính quyền Sài Gòn - một cơ cấu chính trị mà Mỹ từ
lâu dày công xây dựng và dựa vào để tiến hành chiến tranh xâm lược kiểu thực
dân mới. Vì thế, cuối tháng 2-1968, Uỷ ban Clác Clíp-phớt được thành lập theo
chỉ định của Tổng thống Giôn-xơn nhằm cứu xét yêu cầu xin được tăng quân của Tướng
Oét-mo-len để ứng phó với Tết Mậu Thân - đã nhận thấy rằng: “Sự đáp ứng chính trị không có hiệu
quả của chính phủ Việt Nam Cộng hoà có thể còn giúp cho Việt cộng cải thiện sự
nghiệp của họ trong các đô thị cũng như ở nông thôn”([7]). “Sự đáp ứng” chính trị mà Mỹ nói ở đây
không ngoài điều giì khác, mà chính là Mỹ đã bật đèn xanh cho chính quyền Thiệu - Kỳ - Hương bắt
giam các nhân vật đối lập, thanh lọc các cơ quan hành chính, ban hành lệnh tổng
động viên để bắt lính đôn quân, đẩy việc “tổ chức phòng vệ dân sự” lên thành
“quốc sách”, cấm tụ họp quá ba người, cấm dân chúng ra vào thành phố, phát “thư
tố cáo” cho mọi gia đình... Song, hậu quả của những “đáp ứng” chính trị đó,
trên thực tế, mang lại những kết quả trái với mong muốn ban đầu của Mỹ: nó càng
làm tăng thêm sự thù địch của nhân dân, thu hẹp hơn cơ sở xã hội của chế độ Sài
Gòn và làm suy yếu thêm lực lượng quân đội Sài Gòn - một lực lượng vốn đã bại
trận trước khi Mỹ buộc phải đổ quân vào miền Nam và ngày càng thêm phụ thuộc vào sự có mặt của quân đội Mỹ;
và ngay cả trong nhiệm vụ “bình định” nông thôn, nó cũng đã tỏ ra thụ động, bất
lực. Vì thế, vào lúc Tết Mậu Thân nổ ra, tỷ lệ đào ngũ trong quân đội Sài Gòn lên tới đỉnh
cao hơn bao giờ hết; các tiểu đoàn chiến đấu, trong hai tuần đầu của Tết, chỉ còn một nửa số quân. Sau Tết, tình trạng đó tiếp tục gia tăng. Cũng từ đây, hiện tượng
phản chiến ngày càng trở nên phổ biến, không chỉ trong hàng ngũ binh lính mà cả
trong hàng ngũ sĩ quan, không chỉ có ở quân đội Sài Gòn mà ở cả quân đội Mỹ - một
đội quân mà từ sau tuyên bố ngày 31-1-1968 của vị Tổng thống - Tổng Tư lệnh
Giôn-xơn, đã bước vào thời kỳ thoái chí.
Như
thế, Tết đã phơi bày toàn bộ những yếu kém, thụ động
và bất lực của chính quyền cũng như của quân đội Sài Gòn. Không ai ở Sài Gòn và
ở Oa-sinh- tơn có thể tin chắc rằng, mai này quân Mỹ rút, chế độ Sài Gòn lại có
thể tự tồn tại được. Đó là lý do vì sao dưới sự lãnh đạo của Đảng LĐVN, quân và
dân miền Nam đã bước vào Tết Mậu Thân với một niềm tin cháy bỏng, với một quyết tâm to lớn
đến nhường ấy. Bởi đây là đòn tiến công đồng loạt, bất ngờ, mãnh liệt, trên qui
mô toàn Miền, nhằm vào chỗ yếu kém nhất của Mỹ ở miền Nam và chính quyền Sài
Gòn để làm nản lòng giới lãnh đạo Oa-sinh- tơn đặng đè bẹp ý chí xâm lược của Mỹ.
Đè bẹp ý chí xâm lược của Mỹ là mục tiêu quán xuyến của cơ quan chỉ đạo chiến
lược Việt Nam. Ngay từ trong ý đồ ban đầu khi hoạch định Tết Mậu Thân, cơ quan chỉ đạo chiến lược Việt Nam không
hề ảo tưởng thắng Mỹ trên thế mạnh đơn thuần về quân sự bằng cách tiêu diệt chiến
lược hoặc đánh bật gần 50 vạn quân chiến đấu Mỹ khỏi Việt Nam mà đã chủ trương
đánh vào ý chí của Mỹ bằng sức mạnh tổng hợp của chiến tranh cách mạng miền
Nam, bằng việc kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa đấu tranh quân sự, đấu tranh
chính trị và đấu tranh ngoại giao...
Để
phát huy cao độ sức mạnh đó, trong Tết Mậu Thân, Đảng LĐVN chủ trương, một mặt, đánh mạnh đồng loạt vào cơ quan đầu não của
Mỹ, và chính quyền Sài Gòn bằng lực lượng tại chỗ để gây cú sốc mạnh, tác động
nhanh tới ý chí xâm lược của Mỹ, mặt khác, rất chú trọng tới lực lượng dậy đồng loạt
của quần chúng ở nông
thôn và đô thị. Việc mở hướng tiến công vài đô thị trên qui mô toàn Miền đã buộc
toàn bộ lực lượng Mỹ đang từ thế phản công “tìm diệt” đối phương phải dồn về mặt
trận đô thị, lâm vào thế bị động chống đỡ. Quân Mỹ đã như vậy, nên quân đội Sài
Gòn cũng co cụm quanh các thành phố, thị xã và thị trấn; khiến cho Uy-cơ - Chủ
tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ phải thúc ép chính phủ Sài Gòn đưa
quân đội đánh thốc ra vùng ven và vòng ngoài để mong giải tỏa áp lực cho Sài
Gòn và các đô thị khác đang bị đối phương vây hãm. Thế nhưng, quân đội Việt Nam Cộng hoà - theo chính lời họ nói, đang ở trong tình thế khó xử, bởi họ không thể
nào đối phó được với bất kỳ cuộc tiến công nào của “địch” vào các thành phố.
Trong tình huống như thế, bộ chỉ huy quân sự Mỹ buộc phải dốc hết lực lượng hiện
có trong tay để giải quyết vấn đề hòng làm giảm áp lực của đối phương xung
quanh các đô thị. Cùng khi đó, Mỹ lại phải huy động 50% quân số ra mặt trận
phía Bắc để ứng phó với mọi nguy cơ có thể xảy ra ở đây. Và việc này lại đặt Mỹ
trước một tình thế khó khăn mới nảy sinh là lực lượng dự bị của Mỹ trên chiến
trường đã bị tước đi quá mỏng. Điều đó sẽ rất nguy hiểm nếu Khe Sanh, Huế, Quảng
Trị, Tây Nguyên, Sài Gòn,... lại bị đồng loạt tiến công. Vì những lẽ đó, Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ phải xin tăng gấp 206.000 quân Mỹ sang miền Nam Việt Nam. Đề nghị
đó, thêm một lần nữa, lại đã làm bàng hoàng nước Mỹ. Một số thành viên trong chính phủ Mỹ khi đó đã thẳng thừng
nói rằng: ông Oét-mo-len không được sợ thua nếu yêu cầu tăng viện của ông ta
không được Oa-sinh-tơn chấp thuận. Sau nhiều ngày họp bàn, thảo luận, đến giữa
tháng 3-1968, đề nghị tăng quân đó đã bị bác bỏ. Điều đó có nghĩa là Mỹ không
còn ý chí để theo đuổi chiến lược “tìm và diệt” như trước đây. Chính vì vậy mà
từ sau Tết Mậu Thân, quân chiến đấu Mỹ trên chiến trường chuyển sang làm
nhiệm vụ chiếm đóng, phòng thủ, thực hiện chiến lược quân sự “quét và giữ”.
Thế
là, sau 3 năm không sao “tìm diệt” được chủ lực đối phương, quân Mỹ phải quay
sang làm nhiệm vụ “lính giữ nhà” của quân đội Sài Gòn trước kia để tránh bị
thương vong cao, đẩy dần quân đội Sài Gòn ra trận trực tiếp đương đầu với chủ lực
Quân giải phóng, khởi đầu một quá trình đi xuống về mặt chiến lược của Mỹ và
quá trình đó là không thể đảo ngược được.
Như
vậy, với Tết Mậu Thân, quân và dân trên chiến trường miền Nam đã
giành được những kết quả to lớn: tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch; phá
huỷ, phá hỏng nhiều phương tiện chiến tranh; phá rã chính quyền địch ở nhiều
vùng nông thôn; phá vỡ hệ thống phòng thủ đô thị kiên cố của Mỹ và quân đội Sài
Gòn trên qui mô toàn Miền; làm đảo lộn thế bố trí chiến lược ở miền Nam; làm lộ
rõ những mâu thuẫn mà Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã không sao khắc phục được
trong đường lối và cách thức điều hành chiến tranh; phơi bày toàn bộ sự thất bại
về quân sự, chính trị của Mỹ suốt những năm “chiến tranh, cục bộ”. Không phải đợi
đến sau này mà ngay trong Tết Mậu Thân, Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) cũng buộc phải thừa
nhận rằng: “Những người Cộng sản đã đạt được các mục tiêu quân sự, chính trị và
tâm lý lớn. Họ đã kiểm soát được nhiều vùng nông thôn rộng lớn, đập tan hệ thống
chính trị, kinh tế và quân sự Việt Nam cộng hoà”. Thành công đó của Tết Mậu Thân đã là căn nguyên, là động lực chính tạo
nên sức chấn động dữ dội, làm lung lay nền móng sâu xa của đời sống chính trị,
quân sự, kinh tế, xã hội Mỹ; buộc giới cầm quyền Mỹ dù không muốn nhưng vẫn phải
công khai tuyên bố đơn phương “xuống thang”, thay đổi chiến lược, rút dần quân
Mỹ ra khỏi cuộc chiến tranh trên bộ ở miền Nam sau 3 năm lao sâu vào và chưa một
mục tiêu nào của cuộc chiến tranh này được thực hiện. Đó là sự thất bại to lớn
của Mỹ. Đó cũng là lý do tại sao ngót 30 năm qua, Tết vẫn còn là một ám ảnh khôn nguôi trong ký ức của giới
quân sự, chính trị nước Mỹ.
Bài đã đăng trên Tạp
chí Lịch sử quân sự, số 1 & 2/1998.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!