Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

"TẾT MẬU THÂN - 1968" QUA NHỮNG CON SỐ



PGS, TS Hồ Khang
                            Viện Lịch sử QS
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân - 1968 không chỉ sau này mà ngay từ khi xảy ra, đã thu hút sự quan tâm, tìm hiểu, đánh giá, bình luận của giới chính trị, quân sự, sử học và báo chí trong nước Mỹ cũng như nước ngoài, đặc biệt là ở Mỹ. Xung quanh sự kiện lịch sử "quan trọng nhất và phức tạp nhất này" của cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Mỹ - như nhìn nhận của Giáo sư sử học G. Côncô, cho đến nay, vẫn còn nhiều ý kiến khác biệt. Sở dĩ có tình hình trên đây là bởi quan điểm xem xét của các tác giả, nguồn tài liệu từ hai phía Mỹ và Việt Nam còn hạn chế và chưa được thẩm định kỹ lưỡng; mặt khác, tính đa diện, sự phức tạp của hiện tượng Tết Mậu Thân - 1968, của thời kỳ lịch sử trước, trong và sau Tết Mậu Thân đã là những nguyên nhân dẫn tới tình hình trên đây.
Bài viết này dẫn ra những số liệu liên quan tới sự kiện lịch sử Tết Mậu Thân 1968 mà hai phía Mỹ và Việt Nam công bố với mong muốn giúp cho bạn đọc có thêm cơ sở khi nhìn nhận, ngẫm suy về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - cuộc tiến công bất ngờ và táo bạo nhất: đồng loạt đánh vào các mục tiêu quan trọng của chính quyền Sài Gòn ở các đô thị trên toàn miền Nam thuở ấy.

I. Số quân các bên trên chiến trường miền Nam trước "Tết Mậu Thân - 1968"
1. Về phía Việt Nam (dẫn theo Tài liệu số 790, lưu tại Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng Việt Nam)

- Chủ lực Quân giải phóng
220.000
- Bộ đội địa phương
57.000

Tổng cộng

277.000
 2. Phía Mỹ, một số đồng minh của Mỹ và Việt Nam cộng hoà (dẫn theo Tình hình quân sự năm 1967 của Võ Phòng, Phủ Thủ tướng Việt Nam cộng hoà. Hồ sơ 16.105, phông Phủ Thủ tướng Việt Nam cộng hoà, lưu tại Trung tâm lưu trữ quốc gia II).

- Quân đội Hoa Kỳ
497.498
- Nam Triều Tiên
48.839
- Ốtxtrâylia
6.579
- Thái Lan
2.242
- Philíppin
2.021
- Niu Zilân
 534
- Tây Ban Nha
13
- Chủ lực Sài Gòn
634.475
- Lực lượng bán quân sự
141.345

Tổng cộng

1.333.546

(Chưa kể hàng chục vạn dân vệ và 70.000 cảnh sát quốc gia của chính quyền Sài Gòn).
Vào dịp Tết Mậu Thân, 40% số sư đoàn chiến đấu của lục quân Mỹ, 50% số sư đoàn lính thuỷ đánh bộ Mỹ, 50% số máy bay chiến đấu, 30% số tàu chiến Mỹ đang tập trung vào cuộc chiến tranh Việt Nam. Cần thấy rằng, trong chiến lược quân sự toàn cầu của Mỹ, châu Âu chứ không phải châu Á và lại càng không phải Việt Nam, là hướng trọng điểm mà Mỹ luôn giành sự ưu tiên về tất cả các phương diện quân sự Mỹ. Thế nhưng, trên hướng trọng điểm này, vào những thời điểm căng thẳng nhất, lực lượng quân đội Mỹ tập trung ở mức cao nhất cũng chỉ đạt tới con số 493.000 quân mà thôi. Còn tại Việt Nam, vào đầu năm 1968, số quân Mỹ trên bộ và số quân tập trung ngoài khơi đạt tới 800.000 người (theo Biên bản điều tra của Quốc hội Mỹ, tháng 5/1970), tức gấp đôi số quân Mỹ triển khai ở châu Âu.
Bên cạnh quân số, Mỹ đem vào sử dụng trong chiến tranh Việt Nam các hệ vũ khí và các loại phương tiện, thiết bị chiến trường tối tân nhất mà thành tựu khoa học - kỹ thuật Mỹ đạt được trong những năm giữa thế kỷ XX. Chỉ riêng việc thành lập sư đoàn kỵ binh không vận và đưa vào miền nam 4.000 chiếc máy bay lên thẳng, theo Oétmolen, có thể thay thế cho hơn 1 triệu quân đánh bộ mà lẽ ra Mỹ và Sài Gòn phải huy động.
Tác giả Đôn Obớcđoiphơ, trong cuốn sách nổi tiếng của ông, cuốn TẾT (Doubeday Company, New York, 1971), thì, "trong trận chiến" của mọi trận chiến này của cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, Bộ Chỉ huy cộng sản đã tung vào một lực lượng ước chừng 67.000 quân trong tổng số 240.000 quân ở miền nam Việt Nam, tức là 1/4 con số. Dàn ra để chống lại họ là 1.100.000 tay súng - 492.000 quân chiến đấu Mỹ, 61.000 quân Nam Hàn, Thái Lan và các nước trong "thế giới tự do" khác; 342.000 quân đội thường trực của Chính phủ Việt Nam cộng hoà, 284.000 quân địa phương và lực lượng phòng vệ dân sự. Ngoài ra, lực lượng viễn chinh Mỹ (ở miền Nam Việt Nam) còn có 2.600 máy bay, 3.000 trực thăng, và 3.500 xe thiết giáp".
Trong gần hai tháng, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân miền Nam đã như những đợt sóng tới tấp đánh vào 4 trong số 6 thành phố lớn, 37 trong số 44 thị xã và hàng trăm thị trấn, quận lỵ. Hầu hết các cơ quan đầu não từ Trung ương tới địa phương của Mỹ và chính quyền Sài Gòn bị tiến công. Bộ binh, pháo binh, đặc công, biệt động Quân giải phóng đã đánh mạnh, đánh trúng 4 bộ tư lệnh quân đoàn, 8 trong số 11 bộ tư lệnh sư đoàn quân Sài Gòn, 2 bộ tư lệnh biệt khu, 2 bộ tư lệnh dã chiến Mỹ cùng nhiều bộ tư lệnh lữ đoàn, trung đoàn, các tiểu khu, chi khu và hàng trăm căn cứ quân sự, kho tàng, sân bay, bến cảng, đường giao thông huyết mạch... 
II. Tổn thất của các bên tham chiến trong năm 1968
1. Phía Việt Nam
- 111.306 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và chính trị ở miền nam đã hy sinh và bị thương, hàng vạn quần chúng cách mạng đã ngã xuống" (dẫn theo Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam, tập 2 - 1954-1975, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 441).
- Trong đó, 44.824 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đã anh dũng hy sinh (Đường 9: 3.994, Trị Thiên: 4.862; Đồng bằng Khu 5: 10.732; Tây Nguyên: 3.436; Khu 6: 1.254; Khu 10: 440; Đông Nam Bộ: 14.121; Khu 8: 2.484; Khu 9: 3.501); 61.267 bị thương (Cục Tác chiến, số 124/TGi, hồ sơ 1.103 (11/2/1969)).
2. Phía quân Mỹ và quân đội Sài Gòn
- Năm 1968 "là năm gia tăng ghê gớm số thương vong của Mỹ ở miền Nam. Nó gần gấp hai lần tổng số thương vong của tất cả các năm trước gộp lại: 30.610 so với 16.201" (J.Stêin và Mc Lépsơn: Sổ tay sự kiện chiến tranh Việt Nam, sách do Nxb. Chính trị quốc gia và Trung tâm báo chí nước ngoài, Bộ Ngoại giao dịch và phát hành, Hà Nội, 1993, tr. 81).
- Cũng theo cuốn sách trên đây, số binh lính Mỹ bị giết ở miền Nam Việt Nam trong năm 1968 là 14.589; chỉ tính 1 tuần, từ ngày 10 đến ngày 17 tháng 2 năm 1968, đã có tới 543 lính Mỹ bỏ mạng trong các cuộc giao tranh giành quyền kiểm soát các đô thị. "Đó là một trong những tuần thương vong cao nhất trong toàn bộ cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam" (Sđd, tr. 81). Bước sang năm 1969, "số người Mỹ đã chết trong tuần lễ đầu lên tới 453, tuần lễ thứ hai là 336, tuần lễ thứ ba là 351; những thiệt hại của phía Nam Việt Nam (tức quân đội Sài Gòn) còn nặng nề hơn vì lên tới trung bình 500 người mỗi tuần" (H. Kítxingơ: Những năm ở Nhà Trắng).
- Quân đội Sài Gòn: số thương vong cả năm 1968 hiện chưa có tài liệu nào được công bố hoặc sách báo nào đề cập. Sách Cuộc Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa của Việt cộng Mậu Thân 1968 của Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam cộng hoà, tháng 8 năm 1968, cho biết: Trong tháng 2 và tháng 3 năm 1968, quân đội Sài Gòn bị tổn thất 20.977, trong đó có 4.909 chết; quân Mỹ và quân một số nước đồng minh của Mỹ bị tổn thất 24.013, có 4.124 chết.
III. Phản ứng của quân Mỹ trên chiến trường miền Nam Việt Nam trong và sau Tết Mậu Thân - 1968
1. Mỹ sử dụng một khối lượng bom đạn khổng lồ dội xuống các vùng ven đô thị, các vùng nông thôn đồng bằng. Hành động này được báo chí Mỹ và phương Tây ngày đó ghi nhận. Chỉ riêng xung quanh Sài Gòn - Gia Định, trong vòng 9 ngày đầu tháng 6 năm 1968, "máy bay B52 đã thực hiện 166 phi vụ (...) nhằm ngăn chặn Việt cộng tập trung" (Hãng tin AP, ngày 21/6/1968). Để hiểu rõ hơn mức độ tàn phá của bom đạn do loại "pháo đài bay" này rải thảm, xin trích dẫn một đoạn của tờ Thời báo Niu oóc, ngày 26/8/1968: "Mỗi chiếc B52 có đủ bom để trải xuống thành một hình chữ nhật dài 1.000 mét, ngang 100 mét. Thấy kết quả khả quan nên số phi vụ B52 tại miền nam Việt Nam được thực hiện ngày một tăng, trong nửa cuối năm 1965, số phi vụ hàng tuần là 100; đầu năm 1967, mỗi tuần có 186 phi vụ và bây giờ (tháng 8/1968) thì mỗi tuần có 350 phi vụ". Ngay từ tháng 6/1968, Tướng Mỹ G. Abram - người thay W. Oétmolen làm Tư lệnh Bộ Chỉ huy quân Mỹ tại Sài Gòn, đã tuyên bố: "Sẽ cho B52 ném thật nhiều bom đến mức (...) chỉ cần phái một đội tuần tra không vũ trang đi xa với những quyển sổ tay để ghi kết quả" (Hãng tin AP, ngày 29/6/1968). Tạp chí Tin Mỹ và Thế giới, ngày 1/4/1968 cho rằng, việc ném bom và pháo kích bừa bãi của Mỹ có thể sẽ "đẻ ra nhiều Việt cộng hơn là giết họ".
2. Trong khi đó, nhiều đơn vị quân Mỹ thẳng tay tàn sát nhiều người dân vô tội hòng gây nỗi khiếp sợ trong dân chúng miền nam, mà điển hình là vụ thảm sát Sơn Mỹ - vùng ven thị xã Quảng Ngãi, ngày 16/3/1968. Tập sách ảnh Nhật Bản "Việt Nam: cách mạng và thắng lợi" ghi lại vụ thảm sát đẫm máu này như sau: "Ngày 16/3/1968, xã Sơn Mỹ, tỉnh Quảng Ngãi bị quân Mỹ triệt hạ, tàn sát một lúc 500 thường dân. Lúc đó, quân Mỹ dùng mọi loại máy bay sẵn có chia làm bốn tầng bay trên bầu trời Sơn Mỹ. Bay thấp dưới 300 mét là máy bay lên thẳng vũ trang bắn chết tất cả những "Việt cộng" định thoát ra khỏi xã. Trên 300 mét là máy bay chở sĩ quan tư lệnh quân cơ động, chỉ huy trận đánh. Trên 800 mét là máy bay sư đoàn trưởng quan sát trận đánh. Sự tàn bạo lên đến cực điểm khi quân Mỹ coi những cuộc hành quân đó như một trò chơi thể thao. Nó làm chúng ta phẫn nộ tới mức không thể nào tả nổi".
3. Ý chí của quân đội Sài Gòn và quân Mỹ trên chiến trường sa sút mạnh
Theo G. Côncô, trong Giải phẫu một cuộc chiến tranh (T1, Nxb Quân đội nhân dân, H, 1991) nhận xét: "Tỉ lệ đào ngũ của quân đội Việt Nam cộng hoà đạt tới đỉnh cao hơn bao giờ hết; nhìn toàn bộ, năm 1968 là năm xấu nhất của cuộc chiến tranh cho đến năm 1975. Các tiểu đoàn bộ binh của Việt Nam cộng hoà trong hai tuần đầu của tháng 2 chỉ có một nửa số quân, các lực lượng biệt động ưu tú lại còn thấp hơn. Bốn trong chín tiểu đoàn không vận không còn hiệu lực chiến đấu. Các quan chức Mỹ vô cùng bất bình về tình hình không kỷ luật và nạn cướp phá của họ suốt giai đoạn đó. Cuốn Sổ tay sự kiện chiến tranh Việt Nam, nhận định: "Việt Nam hoá chiến tranh đã đặt gánh nặng quá lớn lên quân đội Sài Gòn, do đó nảy sinh một vấn đề chủ yếu trong quân đội Sài Gòn (...) tệ đào ngũ". Cũng theo sách trên, "số lượng đào ngũ trong quân đội Sài Gòn riêng năm 1969 đạt tới con số kỷ lục: 107.000 người" (Sđd, tr. 82). Vào cuối năm 1968, các cố vấn Mỹ xếp hạng 2 sư đoàn VNCH là "cực kỳ kém", 8 sư đoàn chỉ ở mức "khá lên" và chỉ một sư đoàn là "giỏi" (dẫn theo G.C. Hơring: Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1999, tr. 274).
Binh lính Mỹ trên chiến trường Việt Nam, từ sau tuyên bố đêm 31.3.1968 của Tổng thống Mỹ Giônxơn, bước vào thời kỳ "thoái chí". Dưới nhan đề Lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam (Tạp chí Xưa và Nay dịch, đăng số 225, tháng 12/2004), tác giả Laurent Cérari ghi nhận: "Chính từ năm 1968, đã phổ biến sử dụng ma tuý và những vụ tấn công sĩ quan bằng lựu đạn" trong số các đơn vị quân Mỹ. Và, chủ trương Việt Nam hoá chiến tranh sau đó của chính quyền Níchxơn chẳng những không ngăn chặn được tình hình này mà ngược lại - như Sổ tay sự kiện chiến tranh Việt Nam cho biết: "Ý chí (của quân Mỹ trên chiến trường) bị chôn vùi, do dự khi bước vào cuộc chiến, sử dụng ma tuý gia tăng, phá vỡ kỹ luật quân đội, tệ tham nhũng và tăng thêm số sĩ quan đào ngũ" (Sđd, tr. 82). Thậm chí, những người lính sư đoàn bộ binh số một "Anh cả đỏ" giờ đây gọi Sư đoàn này là "Anh cả chết" (Sđd, tr. 82). Giáo sư G. Côncô trong tác phẩm Giải phẫu một cuộc chiến tranh cho biết, đến năm 1973, Bộ Quốc phòng Mỹ chính thức ghi nhận: 35% tổng số binh sĩ Mỹ ở Việt Nam dùng bạch phiến và khoảng 20% đã bị nghiện một thời gian trong khi làm nhiệm vụ ở Việt Nam. Theo tác giả, thậm chí "một số ước tính khác còn cho con số cao hơn". Bên cạnh đó, từ năm 1968, nạn xung đột chủng tộc trong binh lính Mỹ tăng nhanh, hiện tượng không tuân lệnh chỉ huy lan rộng trong các đơn vị lục quân, hải quân và không quân Mỹ, kể cả việc phá hoại vũ khí và phương tiện chiến tranh được trang bị. Vì vậy, "theo quan điểm của ngày càng nhiều những nhà dân sự và quân sự trong Lầu Năm góc thì cần thiết phải đưa đại bộ phận lực lượng Mỹ ra khỏi Việt Nam và xây dựng lại toàn bộ cơ cấu nhân sự càng nhanh càng tốt... Các tướng và đô đốc hầu như nhất trí rằng, giải quyết các vấn đề đó là một điều kiện tiên quyết để làm cho sức mạnh quân sự Mỹ trên thế giới lại được tin cậy trở lại một lần nữa" (G. Côncô: Giải phẫu một cuộc chiến tranh, T2, Sđd, tr. 41).
Download toàn văn bài viết tại: Trang Web NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ
 


                                                          


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!