Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

LIÊN QUÂN LÀO - VIỆT PHỐI HỢP CHIẾN ĐẤU TRONG CHIẾN DỊCH PHÒNG NGỰ CÁNH ĐỒNG CHUM – XIÊNG KHOẢNG (1972)



PGS.TS. Hồ Khang
 Viện Lịch sử quân sự
Cùng uống chung dòng nước ngọt ngào của sông Mê Kong, cùng tựa lưng vào dãy núi Trường Sơn – Phù Luổng hùng vĩ và trong trường kỳ giữ nước luôn phải đối mặt với những kẻ thù chung, nên vì thế, liên minh chiến đấu Việt – Lào trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc hình thành một cách tự nhiên như chính yêu cầu của lịch sử. Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, liên minh chiến đấu Việt – Lào ngày càng được củng cố bền chặt, gắn liền với những chiến công vang dội trên chiến trường, mà một trong những chiến công như thế là chiến dịch phòng ngự cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng năm 1972.
1. Cục diện chiến trường Đông Dương
Trong thế thất bại và bị động sau Tổng tiến công Mậu Thân 1968  ở Việt Nam, đế quốc Mỹ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán Paris, song vẫn ngoan cố chuyển sang chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh", hòng giành thế mạnh trên chiến trường và trên bàn Hội nghị. Đối với Đông Dương, Mỹ thực hiện kế hoạch mở rộng phản kích ra bên ngoài, tăng cường chiến tranh đặc biệt ở Lào, xóa bỏ nền trung lập ở Campuchia, xây dựng lực lượng thân Mỹ và liên minh khu vực, hỗ trợ cho việc củng cố phát triển thế lực của chính quyền tay sai ở Campuchia và Lào, làm cho lực lượng kháng chiến của ba dân tộc Đông Dương suy yếu.
 Lúc này ở Lào, cuộc chiến tranh đặc biệt được Mỹ đẩy lên với quy mô và cường độ ngày càng cao. Cuộc hành quân Cù Kiệt (8-1969) được xem như một biểu hiện điển hình đầu tiên của chiến lược “Lào hóa chiến tranh”. Tháng 3- 1970, ở Campuchia diễn ra cuộc đảo chính lật đổ chính phủ trung lập Vương quốc Campuchia với sự “bật đèn xanh” của Mỹ. Mới lên cầm quyền, chính quyền Lon-non đã gây cho lực lượng của VNDCCH những khó khăn nghiêm trọng[1]. Trước những diễn biến mới của tình hình, Việt Nam thực hiện phối hợp chặt chẽ lực lượng cách mạng trên bán đảo Đông Dương, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ba nước Đông Dương vượt qua những thử thách to lớn, phát triển lên một bước mới, hình thành thế trận của ba dân tộc cùng kề vai, sát cánh chống kẻ thù chung. Cuộc đảo chính ngày 18-3-1970 và việc Mỹ mở rộng chiến tranh xâm lược sang Campuchia hỗ trợ cho chính sách Việt Nam hoá ở miền Nam đã không đạt được mục đích ngăn chặn phong trào cách mạng Campuchia, trái lại, tạo ra một tình thế mới cho cách mạng Campuchia phát triển; thúc đẩy nhân dân ba nước Việt Nam - Campuchia - Lào tăng cường đoàn kết chiến đấu, sát cánh cùng nhau chống lại kẻ thù chung là đế quốc Mỹ và bè lũ tay. Đáp ứng yêu cầu khách quan của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ đang bước vào giai đoạn quyết liệt, chiến trường Đông Dương tiếp tục đóng vai trò một địa bàn chiến lược rộng lớn, thống nhất, nối liền ba nước, nối liền tiền tuyến lớn với hậu phương lớn, “trong đó Campuchia là khâu yếu nhất của Mỹ - nguỵ, miền Nam Việt Nam là chiến trường chủ yếu quyết định thắng lợi chung, Lào là chiến trường rất quan trọng”[2]. Đánh giá về tình hình chiến trường Đông Dương, tháng 6-1971, Lê Duẩn chỉ rõ: “Nhìn chung cả chiến trường Đông Dương, thì ở Lào và Campuchia, ta và bạn đều mạnh hẳn hơn địch và giữ quyền chủ động tiến công. Sau bước phát triển nhảy vọt của cách mạng Campuchia từ năm ngoái đến nay và sau các chiến thắng lớn ở Nam Lào, cao nguyên Bôlôven, quân dân Việt Nam đã mở ra một vùng căn cứ chiến lược rộng lớn từ Nam Lào, Tây Trị Thiên đến miền Đông Nam Bộ và Biển Hồ, tạo nên một thế mạnh mới cho ta không những trước mắt mà cho cả về sau nữa. Hành lang tiếp tế chiến lược từ hậu phương lớn miền Bắc đến tận Nam Bộ, Campuchia đã được mở rộng và củng cố”[3].
Với tư tưởng chiến lược tiến công và không ngừng tiến công, quân dân Việt Nam chủ động, tích cực phối hợp chiến đấu với quân và dân hai nước Lào, Campuchia đánh bại các cuộc hành quân quan trọng của địch trên chiến trường Đông Dương: (1). Giành chiến thắng ở Đắc Siêng, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Khu 5, Trị Thiên; (2). Giành chiến thắng Cánh Đồng Chum, Longcheng, Mườngxui, Xalaphukhun, cao nguyên Bôlôven; (3). Giành thắng lợi lớn chống lại cuộc hành quân "Chenla 2" ở Campuchia, trên mặt trận xung quanh Phnôm Pênh, trên đường số 7…. Những thắng lợi mang ý nghĩa chiến lược đó đã tạo ra một thế đứng mới, chủ động trên chiến trường, cho thấy sự phá sản bước đầu của “Việt Nam hóa chiến tranh”, "Lào hoá chiến tranh" và "Khơme hoá chiến tranh"; đồng thời phản ánh sự lớn mạnh của lực lượng của VNDCCH và Lào, sự phát triển không ngừng của tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân ba nước Đông Dương và cục diện thay đổi trên chiến trường Đông Dương. Nhìn chung thế so sánh lực lượng giữa ba nước Đông Dương và đối phương, diễn biến cơ bản của tình hình, thì “ta đang ở thế thắng, thế thuận lợi, thế đi lên, mặc dầu còn có những khó khăn và nhược điểm cần khắc phục; địch đang ở thế thua, thế khó khăn, thế đi xuống, mặc dầu chúng đang còn có lực lượng và có những chỗ mạnh nhất định”[4]. Trên cơ sở nhận định đó, ở chiến trường Đông Dương, quân và dân ba nước tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phối kết hợp quân sự, giữ vững quyền chủ động, tạo tiền đề cho những thắng lợi quân sự to lớn tiếp theo. Trong thế chiến lược ấy, mặt trận Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng trở thành một mũi nhọn đấu tranh quan trọng, mà Lào và Việt Nam  cùng quyết tâm dồn dốc sức lực thực hiện.
2. Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng và yêu cầu tổ chức chiến dịch phòng ngự năm 1972
Với vị trí “đắc địa”[5], cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng có tầm quan trọng về cả thế công và thế thủ, là một địa bàn chiến lược trọng yếu, có tầm ảnh hưởng chiến lược rộng lớn không chỉ đối với sự tồn vong của khu căn cứ địa cách mạng Lào, mà còn có giá trị khống chế đối với vùng Đông Dương. Chính vì thế, trong suốt chiếu dài cuộc kháng chiến chống Mỹ, nơi đây trở thành nơi đọ sức, giành giật giữa lực lượng cách mạng Lào và Mỹ, Quân đội Viêng Chăn; đồng thời cũng là địa bàn mang tính phối hợp chiến trường chung rất quan trọng của Việt Nam và Lào.
Từ năm 1969, đẩy mạnh “chiến tranh đặc biệt tăng cường” ở Lào, chính quyền R.Nixon ồ ạt đưa quân Thái Lan vào Lào, phát triển lực lượng đặc biệt[6], tăng mật độ không quân, hòng giáng những đòn quyết định, tiêu diệt cách mạng Lào, giành quyền kiểm soát toàn bộ đất Lào. Thực hiện âm mưu đó, chiếm giữ bằng được cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng trở thành mục tiêu tất yếu, mang tính quyết định được đặt ra đối với quân Mỹ, ngụy Viêng Chăn, mà chúng tính toán giải quyết bằng những cuộc hành quân quy mô lớn, với lực lượng đông, trang bị vũ khí tối tân, có sự hỗ trợ, hiệp đồng của nhiều binh chủng.
Từ tháng 10-1969 đến tháng 4-1972, liên tục diễn ra các cuộc tấn công và phản công giữa liên quân chiến đấu Lào – Việt và quân địch, trong đó nổi bật hai chiến dịch lớn: (1). Chiến dịch Toàn Thắng (10/1969- 4/1970) giáng trả cuộc hành quân Cù Kiệt, tạo thế thuận lợi cho cách mạng Lào phát triển; (2).  Chiến dịch Cánh đồng Chum – Long Chẹng (12/1971-4/1972), giải phóng Cánh đồng Chum – Mường Sủi, tạo thế uy hiếp Long Chẹng  – “Thủ đô vương quốc Mẹo”.
Như vậy, suốt một thời gian dài, mặt trận cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng ở trong thế giằng co giữa liên quân Lào – Việt và đối phương. Nơi đây tập trung cao sức mạnh quân sự của hai bên đối chiến và là nơi mức độ hủy diệt của chiến tranh đạt tới sự khốc liệt hiếm thấy; tổn thất về con người, vũ khí của cả Lào, Việt Nam và đối phương đều rất to lớn.
Đầu năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ba nước Đông Dương tiếp tục có những chuyển biến quan trọng. Đảng nhận định: “Thực tiễn diễn biến trên chiến trường Việt Nam và Đông Dương chứng tỏ rằng, mặc dầu đế quốc Mỹ đã cố gắng đến mức cao nhất, song chúng đã thất bại nặng nề nhiều mặt”[7]. Điều kiện lịch sử mới này mở ra những thuận lợi cơ bản cho cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương. Phân tích, đánh giá tình hình một cách khách quan, khoa học, Đảng đề ra nhiệm vụ: “Đánh bại học thuyết Níchxơn trên toàn chiến trường Đông Dương, tạo ra một chuyển biến căn bản làm thay đổi cục diện chiến tranh ở miền Nam và trên cả bán đảo Đông Dương, giành thắng lợi to lớn, buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh trên thế thua  bằng một giải pháp chính trị có lợi cho ta mà chúng có thể chấp nhận được”[8]. Triển khai nhiệm vụ, trên chiến trường hai miền Nam, Bắc Việt Nam, chiến dịch tiến công Trị Thiên và Bắc Tây Nguyên, chiến dịch phòng không chống cuộc tập kích chiến lược B-52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng được tiến hành. Trong thế liên hoàn chiến trường, nhằm bảo vệ vững chắc địa bàn chiến lược quan trọng của chiến trường Lào, đồng thời bảo vệ sườn phải, hỗ trợ cho chiến dịch tiến công chiến lược 1972 trên chiến trường miền Nam Việt Nam, đầu tháng 4-1972, ngay sau khi kết thúc chiến dịch Cánh đồng Chum – Long Chẹng, Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng hai nước Việt Nam, Lào quyết định mở chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng. Đây cũng là chiến dịch phòng ngự phá thế giằng giật quyền kiểm soát địa bàn này nhiều năm giữa liên quân Lào- Việt và đối phương theo quy luật mùa khô, mùa mưa[9]. Đây cũng là chiến dịch trọng yếu trong toàn bộ các chiến dịch diễn ra trên mặt trận Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng những năm 1969-1972, mà ở đó, sự phối hợp chiến đấu của liên quân Lào – Việt nhịp nhàng, chặt chẽ, đạt hiệu quả cao.
3. Liên quân Lào –Việt tiến hành thắng lợi chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng năm 1972
Để đảm bảo thắng lợi, việc tổ chức và chuẩn bị chiến dịch được thực hiện hết sức cẩn trọng, kỹ càng.
Việt Nam cử Cục phó Cục tác chiến Đoàn Thế Hùng  và các cán bộ bộ phận theo dõi chiến trường Lào tham mưu giúp Bộ Tổng Tham mưu Lào; cử phái viên tham gia công tác tham mưu chiến dịch. Tư lệnh chiến dịch là đồng chí Vũ Lập, Chính ủy là đồng chí Lê Linh.
Địa bàn phòng ngự được tổ chức tại khu tứ giác Mường Sủi - Noọng Pét - thị xã Xiêng Khoảng - Thẩm Lửng (dài 60 km, rộng 50 km), chia thành 5 khu vực: khu trung tâm (Cánh Đồng Chum), khu trung gian (Hin Tặng), khu thứ yếu (Noọng Pét) và 2 khu tác chiến phối hợp (Mường Sủi và thị xã Xiêng Khoảng); mỗi khu vực có một số cụm chốt.
Lực lượng của phía Việt Nam tham gia phòng ngự gồm: 5 trung đoàn bộ binh (174, 148, 866, 335 và 88), 2 tiểu đoàn đặc công, 1 tiểu đoàn pháo binh, 4 tiểu đoàn pháo và súng máy phòng không, 1 tiểu đoàn xe tăng và 2 tiểu đoàn công binh của quân tình nguyện Việt Nam; 7 tiểu đoàn chủ lực, 1 đại đội xe tăng, 2 đại đội pháo binh, 2 đại đội súng máy phòng không, 1 đại đội công binh và 4 đại đội bộ đội địa phương của Quân Giải phóng Nhân dân Lào.
Chiến dịch diễn ra trong 179 ngày, với 244 trận đánh (từ 21-5 đến 15-11-1972) và liên quân Lào – Việt phải đương đầu với 76 tiểu đoàn bộ binh (trong đó có 18 tiểu đoàn Thái Lan), 3 tiểu đoàn pháo binh, được không quân Mỹ chi viện. Chiến dịch gồm 4 đợt:
- Đợt 1 : Từ 21-5 đến 10-8, đánh địch tiến công khu trung gian;
- Đợt 2: Từ 11-8 đến 10-9, đánh 40 tiểu đoàn địch và quân đổ bộ đường không, phản đột kích đánh bại cánh quân chủ yếu;
- Đợt 3: Từ 11-9 đến 30-9, phản đột kích lần thứ 2, giành chủ động trên chiến trường;
- Đợt 4: Từ 1-10 đến 15-11-1972, đánh bại hoàn toàn chiến dịch tiến công lớn của quân ngụy Lào - Thái Lan.
Liên quân Lào – Việt tổ chức lực lượng thích hợp (chia thành bộ phận phòng ngự tại chỗ và cơ động đánh địch trên các hướng), ngăn chặn, phản kích bẻ gãy các mũi và hướng tiến công của địch, kết hợp tập kích tiêu hao sinh lực, tạo thế và lực đánh trận then chốt quyết định, tiêu diệt phần lớn cụm quân địch từ nam Bản Quay đến bắc Khang Kho (26-10), sau đó tiếp tục tiến công, truy quét địch khỏi nam Cánh Đồng Chum, buộc địch phải co về giữ Long Chẹng. Trong chiến dịch, cách đánh phối hợp giữa chiến đấu phòng ngự và chiến đấu tiến công đã được liên quân Lào – Việt thực hiện nhuần nhuyễn, linh hoạt, làm tăng đáng kể hiệu quả chiến đấu.
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng năm 1972 giành thắng lợi, đánh bại hoàn toàn cuộc tiến công quy mô lớn, có tính chất chiến l­ược của địch, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng, tiêu diệt đ­ược một bộ phận quan trọng sinh lực địch[10], góp phần làm thay đổi cục diện chiến trư­ờng. Thắng lợi của chiến dịch làm quân ngụy Lào thất bại ở khắp nơi, phải quay về bám giữ đường số 13, góp phần vào thất bại hầu như không gượng nổi của địch trên toàn bộ chiến trường.
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng năm 1972 được đánh giá là một chiến dịch phòng ngự bài bản, có quyết tâm sớm, chuẩn bị kỹ, thiết bị chiến trường hợp lý. Đây cũng được coi là chiến dịch phòng ngự hoàn chỉnh đầu tiên của liên quân Lào – Việt với cách đánh sáng tạo, hiệu quả; góp phần đúc kết kinh nghiệm, làm phong phú lý luận về nghệ thuật chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ.
4. Kinh nghiệm phối hợp chiến đấu trong chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng năm 1972
Thắng lợi của chiến dịch để lại nhiều kinh nghiệm về đánh giá chính xác tình hình địch, xác định đúng các khu vực phòng ngự, có cách đánh phù hợp, tổ chức đánh địch từ xa, phá thế tiến công của chúng ngay từ đầu, kết hợp chiến đấu phòng ngự và chiến đấu tiến công… Bên cạnh các kinh nghiệm về chuẩn bị, tổ chức chiến dịch, nổi lên một kinh nghiệm quan trọng, có ý nghĩa chính trị, đó là kinh nghiệm liên minh, phối hợp chiến đấu giữa Việt Nam và Lào trong thực hiện nhiệm vụ chiến dịch.
Đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa các dân tộc Đông Dương là một yêu cầu khách quan, là quy luật sống còn của các dân tộc Đông Dương, trong đó tình đoàn kết chiến đấu Việt – Lào hết sức “đặc biệt”, mang tính nguyên tắc. Suốt chiều dài hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, liên minh, phối hợp chiến đấu với quân và dân Lào luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam coi trọng và thực hiện nhất quán. Trong những bước ngoặt của kháng chiến, sự cần thiết liên minh, phối hợp chiến đấu giữa Việt Nam và Lào càng trở nên cần thiết. Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng năm 1972 thể hiện một cách đậm nét sự liên minh, phối hợp chiến đấu với quân và dân Lào khi quân dân Việt Nam làm nhiệm vụ trên đất Lào. Để liên minh chiến đấu giữa Việt Nam và Lào bền chặt, phát huy hiệu quả, cần chú ý những điểm cốt yếu sau:
Thứ nhất, dù Lào và Việt Nam thống nhất trong mục tiêu tiêu diệt kẻ thù chung, song lực lượng tác chiến trong chiến dịch lại là những lực lượng riêng biệt thuộc về hai Đảng, hai Nhà nước, hai quân đội khác nhau. Vì thế, thực hiện hiệp đồng tác chiến vì lợi ích chung của hai nước cần tuân thủ nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, độc lập, tự chủ của Lào, đồng thời giữ quan hệ bình đẳng dân tộc, nêu cao tinh thần quốc tế chân chính, luôn ý thức “giúp bạn là tự giúp mình”. Những nguyên tắc này phải được thấm nhuần, quán triệt từ trong tư duy, nhận thức cho tới hành động.
Thứ hai, cần thấy rõ những đặc điểm, điều kiện cụ thể của Lào, của quân đội Lào, từ đó đưa ra những biện pháp phối hợp tác chiến thích hợp, làm cho sự giúp đỡ, liên minh chiến đấu với quân và dân Lào phát huy tối đa tác dụng, đạt kết quả cao. Đặc biệt, phải luôn phát huy nỗ lực chủ quan, chủ động giành phần khó về mình. Luôn luôn duy trì các hình thức trao đổi, bàn bạc tập thể với Lào một cách thường xuyên, để hai bên nắm vững, hiểu rõ phương hướng chỉ huy, nhiệm vụ và kế hoạch tác chiến của chiến dịch, đi tới sự nhất trí, đồng thuận cao trong thực hành chiến dịch.
Thứ ba, các cán bộ và lực lượng của Việt Nam tham gia chiến dịch trên đất Lào cần có sự hiểu biết, chấp hành đầy đủ, nghiêm chỉnh các đường lối, chính sách của Lào; tôn trọng phong tục tập quán của Lào cũng như chấp hành nghiêm chỉnh đường lối quốc tế, các chính sách và kỷ luật chính trị của Đảng CSVN. Điều này là vô cùng quan trọng, để tránh các vấp váp, hiểu lầm không cần thiết, tránh sự kích động tinh thần dân tộc hẹp hòi từ phía địch, nhằm chia rẽ và làm suy yếu liên minh chiến đấu.
Thứ tư, trong công tác giúp Lào và phối hợp chiến đấu với Lào, bên cạnh việc ra sức thực hiện nhiệm vụ tác chiến đã đề ra, phải hết sức chú trọng giúp Lào phát triển lực lượng cách mạng, củng cố và giải phóng về mọi mặt theo yêu cầu và chủ trương của Lào, luôn luôn tăng cường khả năng tự lực của Lào. Không chỉ có vậy, cần chú trọng tổng kết kinh nghiệm các mặt công tác, đặc biệt là công tác quân sự, công tác chiến dịch, tìm hiểu sâu những đặc điểm và quy luật của đấu tranh cách mạng ở nước Lào, để phối hợp và giúp Lào thực sự hiệu quả.
*                                   *
*
Liên minh chiến đấu Việt – Lào vì độc lập, tự do của mỗi dân tộc luôn chói ngời tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, là biểu hiện cao đẹp của nghĩa tình Việt – Lào thủy chung son sắt, trước sau như một, “tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”. Trải qua những vận động thăng trầm của lịch sử, tôi luyện trong gian nan, thử thách, như “lửa đã thử vàng”, liên minh chiến đấu Việt – Lào, tình hữu nghị đặc biệt Việt – Lào trường tồn mãi với thời gian, như ngọn lửa ấm áp soi sáng chặng đường đi lên phía trước của hai dân tộc anh em.

Download toàn văn bài viết tại: Trang Web NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ



 [1]Chính quyền Lon-non đã gửi tối hậu thư cho chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa miền Nam Việt Nam, buộc lực lượng ta phải rời khỏi Campuchia trong vòng 48 giờ;đưa quân ngụy Nông Pênh áp sát biên giới Việt Nam từ Tây Ninh, Kiến Tường đến Châu Đốc, Hà Tiên.
 [2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 32, Sđd, tr. 474.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 32, Sđd, tr. 357.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 33, Sđd, tr. 29.
[5] Cánh đồng Chum- Xiêng Khoảng là một vùng cao nguyên rộng lớn, trùng điệp, có rừng rậm xen lẫn núi cao và vùng lòng chảo bằng phẳng, nằm ở phía Tây tỉnh Hủa Phăn, có các con đường nối với Viêng Chăn và biên giới Việt Nam, được coi là chìa khóa của nước Lào.
[6] Đây là một lực lượng do Mỹ trực tiếp tổ chức, huấn luyện, chỉ huy và nuôi dưỡng; là lực lượng xung kích được sử dụng tập trung trong các chiến dịch tiến công lấn chiếm vùng giải phóng. Lực lượng này do Vàng Pao cầm đầu.
[7]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 33, Sđd, tr. 19.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 33, Sđd, tr. 36.
[9] Mùa khô ta đánh địch giành quyền kiểm soát; mùa mưa, địch nống ra đánh chiếm lại.
[10] Loại khỏi chiến đấu hơn 5.600 địch (bắt 179), thu hơn 800 súng (có 4 pháo 105mm và 4 cối 106,7mm), bắn rơi 38 máy bay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!