Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

NHỮNG SUY NGHĨ VỀ “MIỀN ĐẤT LỬA” VĨNH LINH THỜI CHỐNG MỸ



PGS. TS Hồ Khang
Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam
P. Nora[1], sử gia người Pháp, từng nhận định rất đúng: có hai thứ lịch sử. Loại thứ nhất là lịch sử trong trí tuệ thuần túy, thứ lịch sử chỉ còn lưu lại trong sách vở, bị lãng quên, bị phân giải thành những thông tin mất hết sức sống của nó. Loại thứ hai, trái lại, trở thành ký ức, trở thành cái cấu tạo nên tinh thần của đời sống thực tại. Nhắc lại lịch sử “miền đất lửa” Vĩnh Linh những tháng năm toàn dân tộc gồng mình đánh Mỹ vì nền độc lập, tự do, thống nhất đất nước chính là nói đến cái lịch sử - ký ức đó. Bởi lẽ, với tất cả những gì từng diễn ra trên vùng đất này những ngày năm xưa ấy,Vĩnh Linh có đủ trong nó tư cách của một chiến trường khốc liệt, một tuyến đầu của hậu phương miền Bắc, một hậu phương trực tiếp của tiền tuyến miền Nam, một địa danh tạc vào lịch sử hiện đại như một biểu tượng cho của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời chống Mỹ.

Sau 1954, vĩ tuyến 17 cắt đôi Việt Nam thành hai miền - hai chế độ chính trị xã hội đối lập.Vĩnh Linh nằm phía Bắc dòng “sông Tuyến” (như cách gọi của nhà văn Nguyễn Tuân), được đổi thành Đặc khu Vĩnh Linh – đơn vị tương đương cấp tỉnh. Nhưng Vĩnh Linh được biết đến không chỉ không chỉ với tư cách một đơn vị hành chính, mà hơn thế với tư cách một điểm nút chính trị - quân sự địa đầu giới tuyến. Hơn mười năm sau đó, mảnh đất này sẽ trở nên chiến trường khốc liệt, nơi đọ sức, đọ lực, đọ ý chí và trí tuệ hai bên; cũng từ đấy, miền đất anh hùng của ý chí dân tộc, một huyền tích xứng đáng được truyền thuật của Việt Nam trong thế kỷ XX, ra đời.
Trong tham luận ngắn này, chúng tôi muốn góp vài ý tưởng tản mạn về Vĩnh Linh những năm tháng chống Mỹ cứu nước, qua đó phần nào làm rõ thêm một lịch sử rộng lớn hơn thế của cách mạng Việt Nam.
Hình ảnh của chế độ
Hình ảnh của một chế độ chính trị - xã hội bao giờ cũng xuất hiện rõ ràng nhất qua giáo dục. Hay nói cách khác, giáo dục là một trong số những lĩnh vực biểu hiện tập trung nhất tính chất và bộ mặt của chế độ xã hội. Đối với Vĩnh Linh những ngày tháng gian khó cuối thập niên 1950, đầu 1960, giáo dục chính là lĩnh vực đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận nhất.
 Chỉ trong 3 năm, 1958-1960, từ miền xuôi đến miền núi Vĩnh Linh, nạn mù chữ đều được thanh toán cho người dân trong độ tuổi đi học. Hệ thống các trường học từ cấp I đến cấp III được lập ra đều khắp các xã, kể cả khu vực miền núi. Đến 1962, lượng học sinh tốt nghiệp cấp III đã có từ 450-500 học sinh mỗi khóa. Ngay cả trường học mẫu giáo cho trẻ em cũng được xây dựng suốt từ 1961 đến 1965[2]. Cuộc sống của nhân dân cả vật chất và tinh thần, cả khát vọng và hiện thực, như ta thấy trong những năm tháng ấy, chính là mục tiêu của cách mạng, chứ không phải những đồn luỹ, những báo cáo đẹp mắt. Bởi vì không một cuộc cách mạng chân chính nào cũng như chế độ vì dân nào lại không nhận ra rằng, nó chỉ là một phương tiện mà nhân dân nhờ đó truy cầu cuộc sống tốt đẹp hơn cho mình: không phải nhân dân cách mạng, mà là cách mạng phải vì nhân dân –  một kế tục cái nguyên lý trị nước “việc nhân nghĩa cốt để yên dân”; một nguyên lý giữ nước “khoan thứ sức dân làm kế bền gốc sâu rễ” mà cha ông ta truyền dạy. Chính nhân dân sẽ là người phán xét cái đúng sai, được mất trong mọi nỗ lực của chế độ, bất kể trở lực, thách thức, khó khăn, gian khổ, thiếu thốn nào của hiện thực đặc ra mà nhân dân phải đối diện. Nếu vậy, và chính là ở khía cạnh ấy, Đảng bộ và chính quyền Vĩnh Linh bằng những nỗ lực bền bỉ, kiên cường, dũng cảm và sáng tạo vì cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân, đã minh chứng cho tính chính đáng của chế độ mới. Một chế độ do nhân dân, vì nhân dân và do vậy, mọi người dân đều sẵn sàng xả thân để bảo vệ chế độ này.
Nhìn vào niên biểu lịch sử Vĩnh Linh, dễ dàng nhận thấy, cũng như vào buổi đầu độc lập 1945, cả nước tập trung chống giặc đói giặc dốt trước khi đánh giặc ngoại xâm; Vĩnh Linh từ sau tháng 8/1954 cũng bước vào thời kỳ dựng xây một xã hội mới với nhiệm vụ hàng đầu là nâng cao đời sống nhân dân về mọi mặt. Đó là một quá trình kì lạ; vì lẽ ra ở miền đất vốn  địa đầu giới tuyến chắc chắn sẽ phải trực tiếp đối diện với một cuộc chiến sẽ rất khốc liệt như Vĩnh Linh, thì theo lẽ thường, chính quyền phải thiết đặt lên nó không phải trường học mà là trại lính, không phải thanh bình mà là quân luật. Nhưng bao giờ cũng vậy, an nguy của một chế độ vốn không bởi sức mạnh của quân sự, mà nằm ở hình ảnh chế độ ấy trong trái tim và khối óc muôn dân.
Trong khi đó, ở phía bên kia vĩ tuyến 17, chế độ Diệm vẫn còn mải mê với tham vọng Công giáo hóa miền Nam, với những cuộc thanh trừng tôn giáo, “tố cộng diệt cộng”[3], trả thù những người “kháng chiến cũ”... Miền Trung cũng sẽ là khu vực của Ngô Đình Cẩn, một “lãnh chúa phong kiến mới”, biểu tượng của tham nhũng và chuyên quyền ở miền Trung. Cái chế độ tự xuất hiện trước nhân dân với cảnh sát và bạo lực, đàn áp và bóc lột – chế độ ấy đã viết sẵn đoạn kết cho chính mình.
Quân là dân
Những biến cố lịch sử dồn dập từ  1959-1960 đã thúc đẩy một loạt những nỗ lực mới từ cả chính quyền miền Nam và miền Bắc. Trong khi miền Bắc tiếp tục xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, thắt chặt tình cảm giữa các bộ phận xã hội, bồi dưỡng tình cảm Bắc – Nam, để quân dân đồng lòng, cả nước chung sức vì Đại nghĩa là thu non sông về một mối; thì ở miền Nam, chính quyền Diệm đẩy mạnh ruồng ráp, khủng bố dã man những người yêu nước, ráo riết thành lập những khu trù mật và ấp chiến lược. Trong những năm tháng ấy, Đảng, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã truyền vào nhân dân một ý chí chung, cái tinh thần bất khuất anh hùng bắt nguồn trong truyền thống dân tộc; còn chính quyền miền Nam chỉ tự tin với bạo lực của quân đội và cảnh sát hòng uốn nắn xã hội chạy theo những dự định của mình. Bởi thế, chẳng ngạc nhiên khi những địa đạo phi thường ở Vĩnh Linh có thể chống cự lại với hỏa lực tối tân, dày đặc của Mỹ Ngụy; còn miền Nam được quân sự hóa sau này không chống đỡ được sự sụp đổ trước mùa mưa 1975.
Sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ 1964, kết thúc 10 năm xây dựng kinh tế - văn hóa, cũng là 10 năm xây dựng thế trận lòng dân, Vĩnh Linh cũng như các địa phương miền Bắc, bắt đầu đối diện trực tiếp với sức mạnh hủy diệt của chiến tranh. Mảnh đất địa đầu giới tuyến trở thành chiến trường. Vĩnh Linh gần như bị phá hủy hoàn toàn, nhưng cái ý chí “một tấc không đi, một li không rời” của nhân dân đã kháng cự lại bom đạn. Sự kháng cự kiên gan, bền bỉ không gì lay chuyển nổi ấy của Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể và người dân nơi đây đã biến thành sáng tạo: hệ thống hầm – hào – địa đạo ra đời.
Hệ thống hầm hào thực ra đã được khởi sự từ những năm 1956 khi đồng chí Vương Thừa Vũ cùng đoàn nghiên cứu quyết định xây dựng công sự bằng bê tông cốt thép tại những địa điểm có tầm quan trọng chiến lược và cho đào  hệ thống hầm hào dọc giới tuyến. Từ cuối 1965, hầm – hào bắt đầu xuất hiện ở mọi nơi, từ bệnh xá, trường học, đến khu vực nhà ở dân sự. Sang 1966, với phát hiện của đồng chí Trần Nam Trung (sau này là bộ trưởng Bộ Quốc phòng của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN) rằng phong thổ Vĩnh Linh rất thích hợp cho việc xây dựng địa đạo sâu trong lòng đất. Từ đó, hệ thống hầm – hào – địa đạo hình thành hoàn chỉnh. Hệ thống đó gồm hàng chục vạn những hầm chữ A, hầm vuông, hầm cá nhân, hầm tập thể, hầm gia súc, hàng trăm ki-lô-met địa đạo cách mặt đất từ 10 đến 20 mét. Giờ đây, tất cả đều được chuyển xuống lòng đất mà địa đạo Vịnh Mốc chính là biểu tượng cho hệ thống ấy: biểu tượng của quá trình kiến tạo những làng hầm[4].
Chính hệ thống hầm hào địa đạo, đặc biệt là những làng hầm, là điều kiện đảm bảo để quân dân nơi đây trụ bám và chiến đấu. Mỗi người dân Vĩnh Linh đều trở thành một chiến sĩ. Một biến chuyển tinh tế về quân sự đã xảy ra trên khắp Vĩnh Linh: dân sự đồng nhất với quân sự, sự sống của nhân dân trực tiếp chống lại hỏa lực của kẻ thù. Đó chính là tinh thần căn cốt của chiến tranh nhân dân. Ở khía cạnh này, chiến trường thực sự không phải là những nhà cửa kho tàng ở Vĩnh Linh – chiến trường thực sự cũng không chỉ là những hầm hào địa đạo ngang dọc: chiến trường cốt lõi nhất mà kẻ thù đối diện chính là lòng dân, là ý chí của nhân dân. Giương lên ngọn cờ Quốc gia, nhưng chính quyền Diệm rồi Thiệu không bao giờ có được ngọn cờ Dân tộc. Ngọn cờ dân tộc của một quốc gia, bao giờ cũng vậy, chỉ thực sự thuộc về chế độ nào, chính quyền nào gắn bó và đại biểu cho lợi ích tối cao của nhân dân, của dân tộc. Trên ý nghĩa ấy, sau ngày cuộc chiến kết thúc, Tổng kết chiến tranh của Bộ Quốc phòng Mỹ thừa nhận: “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nắm được ngọn cờ dân tộc và chống thực dân, do đó, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa chỉ còn lại ngọn cờ chống cộng”[5]
Cũng cần nói thêm rằng, với Vĩnh Linh, trong những năm tháng chống Mỹ, cứu nước, thế trận chiến tranh nhân dân không ngừng được củng cố, là đảm bảo cho lực lượng vũ trang ba thứ quân trụ bám, làm ăn và chiến đấu. Một thế trận như thế chỉ có thể được phát huy trên nền tảng mặt trận chính trị (nhân dân) kết hợp chặt chẽ với mặt trận quân sự (lực lượng vũ trang ba thứ quân). Như thế, khi mặt trận quân sự có mặt trận chính trị làm bệ đỡ/cơ sở, thì quân sự lấy sức mạnh từ dân sự, dân cũng là quân[6]. Đó cũng chính là cống hiến mới về nghệ thuật chiến tranh nhân dân của đồng chí Lê Duẩn; chính tư tưởng đó, được thể hiện qua nhiều lần viết trong Thư vào Nam và nhiều văn kiện quan trọng khác của đồng chí và được hiện thực hóa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, góp phần đưa đến những thắng lợi vẻ vang của quân-dân Việt Nam.
Đất và lửa
Không phải ngẫu nhiên, một đất nước như Việt Nam - nơi hứng chịu nhiều hơn đâu hết bạo lực trực tiếp của thời hiện đại, thứ bạo lực đe dọa hủy diệt chẳng những sự sống mà cả văn hóa của cả một cộng đồng, một dân tộc - lại chính là nơi sức sống và ý chí con người trở nên mãnh liệt, bất diệt. Trên đất nước 30 năm chiến tranh dằng dặc ấy, Vĩnh Linh trở thành một vùng đất lửa, nơi diễn ra cuộc chiến đấu khốc liệt.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Vĩnh Linh đã hứng chịu gần 4000 lần bị pháo đài bay B52 dội bom , với tổng số 560.000 tấn bom. Thêm vào đó, các hạm đội Hoa Kỳ cũng góp 727.000 quả đại bác. Bình quân mỗi người dân ở Vĩnh Linh phải chịu 7 tấn bom và 80 quả đại bác[7]. Nhưng lửa không đốt cháy được đất: bom đạn không hủy diệt được ý chí mãnh liệt của quân và dân Vĩnh Linh; mà ngược lại, gian khổ ác liệt càng trui rèn phẩm chất kiên cường của con người nơi đây.
Vĩnh Linh, vì vậy, vừa là một minh chứng cho sức sống của con người, đặc biệt con người Việt Nam; cũng vừa là một biểu tượng cho truyền thống đấu tranh/cách mạng Việt Nam: truyền thống lấy dân làm gốc – chính cái truyền thống ấy là điểm phát tích thực sự của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa yêu nước, và chủ nghĩa anh hùng trong cách mạng Việt Nam trong thời đại mới.
Cuộc chiến qua đi, cuộc sống nơi đây, như bao miền quê khác, hồi sinh mạnh mẽ. Cho dù vẫn còn đó bao nhiêu khó khăn và cả những hậu quả chiến tranh cần khắc phục, nhưng ý chí quật cường, nghị lực và sức năng động sáng tạo của người dân Vĩnh Linh hẳn sẽ là một nguồn lực lớn lao đảm bảo để miền đất lửa năm xưa có những bước phát triển mạnh mẽ. Và ký ức lịch sử một thời bom đạn chắc chắn vẫn sống động, thôi thúc các thế hệ người dân Vĩnh Linh trên đường đi tới.

Download toàn văn bài viết tại: Trang Web NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ

[1] Giáo sư P. Nora (1931, Paris) là đại diện tiêu biểu cho xu hướng sử học tân kỳ ở Pháp. Ông và 60 nhà sử học hàng đầu của Pháp đã tập trung viết nên kiệt tác sử học Những di chỉ của ký ức (bản dịch của NXB Tri Thức, 2009). Một ý tưởng sử học quan trọng mà nhóm Nora đưa ra rằng, lịch sử khi bị phân tích, bị trí tuệ hóa sẽ trở thành một lịch sử mất hết sức sống, chỉ còn xuất hiện với tư cách những thông tin – nói cách khác, lịch sử bị trí tuệ phân rã. Một lịch sử khác, đúng hơn là đối ngược với lịch sử bị phân rã, là cái lịch sử âm thầm và sống động, lịch sử tham gia vào đời sống thực tại, mà Nora gọi nó là ký ức. Trên cơ sở một tư tưởng lịch sử độc đáo như thế, Nora và nhóm của mình chủ trương tập trung phân tích những di chỉ lịch sử, bao gồm các biểu tượng lịch sử, di chỉ lịch sử, ý thức lịch sử… của xã hội. Trong đó, nếu ý thức lịch sử biểu tượng lịch sử thường có tính trừu tượng và không đồng đều ở mỗi người; thì những di chỉ lịch sử lại hiện hữu, sống động, có thể được chứng kiến – do đó, nếu được chú ý và tận dụng, sẽ trở thành điểm quy tụ/phát tán ý thức lịch sử vào nhận thức của mỗi người. Chính điều đó sẽ gia cố ý thức cộng đồng cùng những truyền thống một cách sâu sắc hơn vào mỗi người. Vì thế, không ngạc nhiên khi các di chỉ lịch sử được xếp vào vốn văn hóa trong phát triển xã hội.
[2] Xem thêm Giáo dục khu vực Vĩnh Linh, website Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Linh, http://pgdvinhlinh.edu.vn: “Công tác thanh toán nạn mù chữ và bổ túc văn hóa cho cán bộ và nhân dân được đặt ra cấp thiết hơn trong hòa bình xây dựng. Mọi lực lượng có văn hóa trong cơ quan xí nghiệp, nông thôn, cùng với cán bộ ngành Giáo dục đều được huy động. Các hình thức học: tại chức, nửa tập trung định kỳ và tập trung đều được sử dụng. Năm 1958, miền xuôi Vĩnh Linh, rồi năm 1960 miền núi Vĩnh Linh được Chính phủ công nhận thanh toán xong nạn mù chữ cho tất cả những người trong độ tuổi đi học …đến năm 1960 đại bộ phận cán bộ và thanh niên đã có trình độ văn hóa cấp III…Trường cấp I hoàn chỉnh được tổ chức đều khắp các xã miền xuôi từ năm 1956 và ở miền núi năm 1960 kể cả xã Hướng Lập xa xôi. Từ năm học 1959 trường cấp II chuyển dần về xã đến năm 1963 tất cả các xã đồng bằng đều có trường cấp II và toàn miền núi có 2 trường tại Bãi Hà và Hướng Lập. Trường cấp III Vĩnh Linh được xây dựng từ năm 1959, đến nay đã phát triển thành hai trường với qui mô vừa và lớn và 1 trường phổ thông cấp III vừa học vừa lao động sản xuất đang xây dựng… Bắt đầu thí điểm từ năm 1961, các lớp mẫu giáo phát triển khắp các xã và năm 1964 - 1965 khu Vĩnh Linh  đã huy động ngót 50% số cháu từ 3 đến 5 tuổi ra lớp…Khi Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ra đời Vĩnh Linh đã đào tạo bổ sung cho công cuộc giải phóng đất nước, giải phòng quê hương, những chiến sĩ có trình độ văn hóa khoa học, những cán bộ am hiểu về đường lối của Đảng trở lại miền Nam thực hiện công cuộc cách mạng chống Mĩ cứu nước” (chúng tôi nhấn mạnh).
[3] Xem thêm Quảng Trị - lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), Thường Vụ Đảng Ủy và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị, 1998. Chính quyền Diệm “mở chiến dịch Phan Chu Trinh kéo dài từ tháng 4 đến mãi về sau với mục đích khủng bố…những người kháng chiến…Chúng bắt người, cướp của, vây thôn xóm không cho đi lại làm ăn, phát quang vườn tược, triệt hạ nhà cửa…Chún tập trung trên 1000 quân cùng các đoàn “Công dân vụ”,  “đội Biệt kích áo đen”…bắt bớ tra khảo hàng nghìn người. Tiếp đó, chúng xua quân chiếm đóng các khu vực thuộc miền Tây Quảng Trị” (tr31-32).
[4] Xem thêm Nguyễn Tiến Lực, Hệ thống Hầm – Hào – Địa đạo ở Vĩnh Lĩnh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, NCLS số 409, 2010: “Nếu như ở Điện Biên Phủ, chúng ta xây dựng một hệ thống giao thông hào chằng chịt, như một sợi dây thong lọng ngày càng thít chặt quân địch, hay ở Củ Chi hình thành nên hệ thống địa đạo nối thôn này qua thôn khác, xã này qua xã khác… thì sự khác biệt lớn nhất của Vĩnh Linh đó là sự liên hoàn thành một hế thống…tạo thành một lá chắn thép vững chắc không gì xuyên thủng nổi”. Cũng xem thêm Vĩnh Uyên, Địa đạo Vịnh mốc “lâu đài trong lòng đất”, nguồn http://www.kinhtenongthon.com.vn: “Đây thực sự là công trình trí tuệ, thể hiện nỗ lực phi thường của quân và dân Vịnh Mốc. Trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn và luôn bị địch rình rập, đánh phá, quân dân đã đồng lòng góp sức, tổ chức khoa học để hoàn thành một khối lượng công việc đồ sộ. Với hơn 18.000 ngày công, đào và vận chuyển ra khỏi lòng đất 6.000m3 đất đá, mỗi mét đường hầm thực sự là kết tinh tình cảm, trí tuệ, ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân dân Vịnh Mốc”.
[5] Bộ Quốc phòng Mỹ,Tổng kết chiến tranh Việt Nam, Thư viện Quân đội sao lục, 1982
[6] Tinh thần của Nghị Quyết 15 vẫn luôn  đầy tính thời sự, với chủ trương: lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu.
[7] Theo Vũ Kỳ Lân, Nguyễn Sinh, Ký sự miền đất lửa, NXB TPM, Hà Nội 1978, dẫn theo Nguyễn Tiến Lực, tài liệu đã dẫn, tr13-14.

1 nhận xét:

  1. đúng là một chiến trường nóng bỏng, tuyến đầu chống Mỹ, tinh thần yêu nước, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của nhân dân Vĩnh Linh.
    Xin cảm ơn PGS, TS Hồ Khang đã cung cấp nhiều tư liệu hữu ích

    Trả lờiXóa

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!