Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

VỀ CÁC ĐỢT TẤN CÔNG SAU TẾT MẬU THÂN 1968

PGS, TS. HỒ KHANG


Sau thắng lợi vang dội của "Tết Mậu thân"[1], thực hiện Nghị quyết của BCT tháng 4-1968, trong tháng 5 và tháng 8- 1968, quân và dân miền Nam trên chiến trường mở tiếp các đợt tiến công đồng loạt mà hướng chính vẫn nhằm vào đô thị. Trong điều kiện yếu tố bất ngờ không còn, đối phương đã tăng cường phòng thủ đô thị, lực lượng quân giải phóng bị tổn thất chưa kịp phục hồi và bổ sung, việc quân giải phóng vẫn nhằm vào đô thị, liên tiếp mở thêm các đợt tiến công và nổi dậy, dù có gây cho đối phương những thương vong nặng nề về sinh lực và phương tiện chiến tranh nhưng phía VNDCCH cũng bị tiêu hao lớn. Hơn nữa, nhân lúc quân giải phóng dồn sức đánh vào đô thị, bỏ ngỏ trận địa Nông thôn, đối phương kịp thời tận dụng cơ hội đó để tung quân chiếm lại các vùng vừa bị mất trong dịp Tết Mậu thân. 

Từ đấy, ThẾ trẬn ba vùng chiến lược của quân dân miền Nam ngày càng bị suy giảm: Mất bàn đạp đứng chân ở vùng ven, vùng nông thôn đồng bằng, các đơn vị vũ trang phải lùi dần lên vùng rừng núi; thậm chí phải qua bên kia biên giới Campuchia và Lào, một số đơn vị chủ lực phải trở ra vùng Nam Quân khu 4 để củng cố lực lượng. Trong khi đó, tại các đô thị vùng ven, vùng đồng bằng bị chiếm, Mỹ và quân đội Sài Gòn liên tiếp mở các cuộc hành quân càn quét, hành quân bình định, triển khai mạnh mẽ các hoạt động "Phượng hoàng"... hòng tận diệt các cơ sở chính trị của cách mạng miền Nam. Từ giữa năm 1968 qua năm 1969 đến năm 1970, cách mạng miền Nam lâm vào thời kỳ đầy thử thách, khó khăn.
Tình hình trên đây khiến nhiều người khi nhìn lại các đợt tiến công tháng 5 và tháng 8 năm 1968 của quân và dân miền Nam trên chiến trường ngày đó đã xem như một hạn chế về tầm nhìn hoặc sai lầm của các cấp chỉ đạo chiến lược mà hậu quả của sai lầm này đã làm cho cục diện chiến trường sau "Tết Mậu thân" trở nên "xấu hơn trước năm 1968", cách mạng miền Nam lâm vào "thời kỳ đen tối". Nhiều ý kiến cho rằng: "Đáng lẽ sau đợt 1, nếu ta biết ngừng và chuyển hướng hoạt động chiến đấu để chống địch bình định mới đúng"[2]; "nếu có chủ trương từ trước, từ đầu, thì rất hay, sau đợt 1 nên chuyển hướng ngay là đúng nhất, hay nhất, có nhiều khả năng giữ được lực lượng, đứng được ở vùng ven, nắm được nông thôn, địch vẫn phải thua to mà ta đỡ tổn thất"[3]; "đặc biệt, lẽ ra với đợt 2, ta tiếp cận các thành phố, thị xã, giải phóng cả vùng nông thôn rộng lớn, nếu lấy việc giữ vùng mới giải phóng làm hướng phấn đấu chính thì tình thế có cơ phát triển tốt hơn nhiều, ta đỡ hao sinh lực mà thế đến bàn hội nghị cũng vững hơn"[4].
Nhìn trên thực tế của chiến trường lúc ấy, những ý kiến trên đây quả thật có nhiều mặt xác đáng. Nhưng đó là những ý kiến được phát biểu vào 18, 20 năm sau "Tết Mậu thân" - nghĩa là nó đã mang sắc thái của những ý kiến tổng kết, rút kinh nghiệm nên không tránh được những chữ "NẾU", "ĐÁNG LẼ", "LẼ RA"... Nhưng sự kiện lịch sử lại là những sự kiện "một đi không trở lại", không có chữ NẾu như... Chính vì thế mà, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: "Lịch sử, nói chính xác hơn là hiện thực lịch sử chỉ xảy ra một lần, duy nhất và không thể chữa lại, nhưng nhận thức lịch sử, cũng như viết sử có thể làm đi làm lại nhiều lần"[5]. Và chỉ trong khi viết đi viết lại về một sự kiện lịch sử nào đó, người nghiên cứu mới đặt ra những chữ NẾU mang ý nghĩa giả thiết này để lật đi, lật lại một vấn đề theo nhiều chiều cạnh mà chiêm nghiệm, mà rút ra những bài học từ những chiến thắng hay chiến bại trong lịch sử. Ở một ý nghĩa nào đó, trong nghiên cứu khoa học lịch sử, lại rất cần đào sâu vào nguyên nhân của những chiến bại. Bởi vì, những bài học rút ra từ những thắng lợi và thất bại bao giờ cũng là những bài học có tính cập nhật, cần thiết cho cuộc chiến đấu trong tương lai. Với ý nghĩa đó, người ta thường nói "thất bại là mẹ của thành công" là vì thế. Xô viết Nghệ - Tĩnh sở dĩ được xem là "cuộc tổng diễn tập lần thứ nhất" của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chính là do những người Cộng sản Việt Nam đã từ tổn thất đó mà chắt lọc được những bài học máu để 15 năm sau vùng lên, làm một cuộc tổng khởi nghĩa ít đổ máu trong lịch sử dân tộc. Cái cay đắng có thật của một số chiến trường sau Tết Mậu thân cũng chính là những "bài học" để 7 năm sau đó, quân dân hai miền đã đưa sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam từ 3 năm rồi 2 năm trong kế hoạch, rút xuống chỉ còn 55 ngày đêm chiến đấu dũng mãnh mà giành lại được một Sài Gòn hầu như nguyên vẹn, tránh được "cuộc tắm máu" trong tưởng tượng của không ít người của phía bên kia.
Với suy nghĩ như thế, trong bài viết này, chúng tôi không hề ngần ngại hay né tránh những tổn thất có thật hoặc những thiếu sót của các cấp chỉ đạo chiến lược mà chính Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 21 (năm 1973) đã chỉ ra. Chúng tôi nhận thấy rằng: trong quá trình nghiên cứu về "Tết Mậu thân", dù còn nhiều ý kiến chưa thống nhất nhưng chưa hề có một ai dám nghi ngờ hay phủ nhận hoàn toàn tác động chiến lược to lớn của cuộc tiến công đợt 1 - tức là Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu thân 1968; một cuộc tiến công mà, như Lê Duẩn từng nhận định, như "một cú bombarde (ném bom, đập thẳng, đập mạnh) cho các yếu tố chính trị tung tóe ra"[6]; một cuộc tiến công mà, như một tác giả Mỹ đã nhận ra rằng: "Đảng hoàn toàn không được chuẩn bị sẵn sàng" để đón nhận "quy mô to lớn của tác động TẾT"[7]. Nhưng vấn đề còn lại thường gây tranh luận, thường tạo nên sự né tránh, kiêng kỵ, do sợ "đụng chạm" chính là nằm ở những đợt tiến công tiếp theo như chúng tôi đã trình bày, đã được một số tác giả đặt ra nhiều chữ NẾU, GIÁ NHƯ, ĐÁNG LẼ... THÌ SẼ tránh được những tổn thất, tránh được sự "mất thế"... Để tránh những mâu thuẫn, lúng túng trong cách nhìn nhận, đánh giá các đợt tiến công sau "Tết Mậu thân", chúng tôi nghĩ rằng: người nghiên cứu cần phải đứng trên quan điểm lịch sử cụ thể, toàn diện hơn nữa để xem xét nó. Trong một loạt bài viết của Lê Đức Thọ về Tổng kết chiến tranh và biên soạn lịch sử quân sự, đã có lúc bắt gặp một thoáng suy nghĩ này khi Lê Đức Thọ cho rằng: trong việc tổng kết những giai đoạn cách mạng trước đây, "cần phải nắm chắc hoàn cảnh lịch sử của mỗi sự kiện, không được lấy tình hình và kinh nghiệm hiện nay để đối chiếu vào những sự kiện đã qua, bất chấp hoàn cảnh, thời gian, không gian của sự kiện lịch sử lúc đó"[8]. Vì vậy, chúng tôi muốn đặt suy nghĩ của mình vào chính thời kỳ lịch sử sau "Tết Mậu thân", nghĩa là từ sau ngày 31 tháng 3 đến ngày 31 tháng 10 năm 1968, để xem xét, để đặt ra những câu hỏi cần thiết. Cần mở ngoặc để nói ngay ở đây rằng, làm như vậy, chúng tôi không hề có ý định phủ nhận những tổn thất của các đợt tiến công sau ngày 31 tháng 3 khi mà, do dồn sức tiến công mà hướng chính vẫn nhằm vào đô thị nên lực lượng và thế trận cách mạng miền Nam đã bị thương vong và suy giảm mạnh. Thế nhưng, để làm rõ vai trò và vị trí của các đợt tiến công tháng 5 và tháng 8 năm 1968, cần phải đặt nó trong bối cảnh tổng thể của thời kỳ lịch sử sau Tết Mậu thân. Điều này đòi hỏi phải có những công trình, những luận văn chuyên sâu vào thời kỳ lịch sử phức tạp này - mà ở đó, độ lùi của thời gian đã cho phép các văn bản, các tư liệu lịch sử liên quan tới tính toán chiến lược của cơ quan chỉ đạo chiến lược Việt Nam và giới lãnh đạo cấp cao Mỹ lúc đó đã được công bố, được đào xới tới từng chi tiết. Vẫn biết đó không phải là nhiệm vụ đặt ra cho bài viết này và thực sự là chúng tôi chưa thể đủ sức ôm trùm một khối tư liệu như mong ước, song trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi thấy vẫn buộc phải tự đặt ra một số câu hỏi cho chính mình, xem như những "nghi vấn khoa học" nhằm bổ sung, soi sáng thêm cho những luận điểm của chúng tôi khi đặt cho mình nhiệm vụ nghiên cứu kỹ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu thân 1968. Làm được như vậy, chúng tôi hy vọng rằng, những nghi vấn khoa học đặt ra mà nếu tìm được lời giải đáp đúng, sẽ càng tô đậm thêm thắng lợi của cuộc tiến công "Tết Mậu thân"; bằng không, đó cũng chỉ là những suy nghĩ bước đầu chúng tôi tự đặt ra cho mình phấn đấu tự giải đáp trong quá trình nghiên cứu sau này và không vì thế mà tác động vĩ đại của "Tết Mậu thân" bị giảm tầm giá trị đã đi vào lịch sử của nó - như một bước ngoặt, một cột mốc lớn trong tiến trình 21 năm (1954-1975) cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Quả thực là, cho đến nay, chưa một tác giả nào có điều kiện đầy đủ về tư liệu như chúng tôi mong ước để đi sâu hơn nữa vào từng đợt tổng tiến công tháng 5 và tháng 8 năm 1968 như một chuyên luận độc lập. Một chuyên luận như vậy, chúng tôi hình dung nhất định phải đặt ra và giải quyết được những câu hỏi sau đây:
1. Ý đồ chiến lược thực sự của cơ quan chỉ đạo chiến lược Việt Nam và tập đoàn cầm đầu Nhà Trắng sau cuộc Tổng tiến công "Tết Mậu thân" là gì?
2. Những nhân tố quốc tế nào đã tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới tính toán chiến lược của Mỹ và Việt Nam thời kỳ sau "Mậu thân"?
3. Phía Việt Nam sẽ ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp với Mỹ ở tư thế như thế nào nếu như sau "Tết Mậu thân", quân và dân trên chiến trường thôi không tiến công vào đô thịquay ra củng cố vùng giải phóng nông thôn - vốn là địa bàn thuận lợi để Mỹ phát huy ưu thế về hỏa lực, bom đạn? Và liệu phía Mỹ, chính quyền Sài Gòn có chịu để yên cho quân dân miền Nam "củng cố" như vậy hay không khi Mỹ là nước lớn và khi trong tay vẫn còn hơn một triệu quân, một khối lượng vũ khí, phương tiện chiến tranh lớn, hiện đại?[9].
Nhìn lại lịch sử, có thể nhận thấy được rằng: từ "Tết Mậu thân" trở về trước, lập trường của Chính phủ VNDCCH là: Mỹ phải chấm dứt không điều kiện mọi hành động chiến tranh chống phá Việt Nam Dân chủ cộng hòa trước khi có bất cứ cuộc tiếp xúc chính thức nào giữa đại diện của Mỹ và Việt Nam. Đến ngày 31 tháng 3 năm 1968, do tác động của đòn "Tết Mậu thân", phía Mỹ phải đơn phương xuống thang chiến tranh, tuyên bố sẵn sàng cử đại diện đi vào đàm phán với phía Việt Nam nhưng trên thực tế, Mỹ vẫn duy trì cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc từ vĩ tuyến 17 đến vĩ tuyến 20, vẫn duy trì các chuyến bay trinh sát đường không trên vùng trời, vùng biển miền Bắc và vẫn giành quyền ném bom trở lại toàn bộ lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa khi cần.
Trong khi đó, chiến sự trên chiến trường vẫn không ngừng tiếp diễn và ngày càng quyết liệt. Tháng 3 và tháng 4 năm 1968, Mỹ tập trung lực lượng, liên tiếp mở các cuộc hành quân quy mô lớn nhằm đánh bật lực lượng vũ trang giải phóng ra xa các đô thị, khôi phục lại các tuyến đường giao thông chiến lược đã bị cắt đứt, đồng thời tăng cường đàn áp, khủng bố ác liệt các cơ sở cách mạng, ráo riết tiến hành "bình định" nhằm giành lại các vùng nông thôn đồng bằng, đặc biệt là các vùng trọng điểm vừa bị mất. Đứng trước tình hình này, Đảng LĐVN không thể không cân nhắc kỹ lưỡng mọi phương án hành động nhằm đưa sự nghiệp kháng chiến của nhân dân tiếp tục phát triển. Chúng tôi tin chắc rằng, ở đây, kinh nghiệm của những lần đàm phán trực tiếp với phía Pháp năm 1945, 1946 hoặc năm 1954 trong lịch sử chắc hẳn để lại cho Đảng LĐVN nhiều bài học quý báu trong cuộc đấu tranh ngoại giao cũng như sự cảnh giác cao độ của một nước nhỏ ngồi "đàm phán hòa bình" với một nước lớn đầy tham vọng. Và bối cảnh phức tạp của quan hệ quốc tế mà ở đó, kể cả một số bè bạn của VNDCCH như Liên Xô và Trung Quốc vẫn còn những sự nhìn nhận không thuận chiều khi phía Việt Nam quyết định đi vào đàm phán với phía Mỹ, chắc chắn cũng là một nhân tố được Đảng LĐVN lượng định, đánh giá trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Còn nhớ, mới chỉ 36 tháng trước khi Tổng thống Mỹ Giôn-xơn đọc diễn văn ngày 31 tháng 3 năm 1968, phát biểu tại Ban-ti-mo (ngày 7 tháng 4 năm 1965), Giôn-xơn từng nói rằng: "Mỹ sẵn sàng thương lượng không điều kiện" với Hà Nội nhằm chấm dứt chiến tranh. Nhưng, cùng với lời tuyên bố này là việc quân viễn chinh Mỹ ồ ạt đổ vào miền Nam và không quân, hải quân Mỹ leo thang đánh phá dữ dội miền Bắc (!). Dư luận rộng rãi trên thế giới ngày đó đã nhận thấy giữa lời tuyên bố công khai với hành động thực tế của Chính phủ Mỹ là hai chiều ngược nhau. Đến tháng 9 năm 1967, đọc diễn văn tại Hội nghị lập pháp toàn quốc ở Xan An-tô-ni-ô, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn tuyên bố: Mỹ và đồng minh Nam Việt Nam "đã chuẩn bị sẵn sàng để thảo luận tối hôm nay", với Bắc Việt Nam; "sẵn sàng nói chuyện với Cụ Hồ Chí Minh", sẵn sàng cử Bộ trưởng Ngoại giao Ra-xcơ đi gặp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của các vị ấy ngày mai", "sẵn sàng cử một đại diện có thẩm quyền của nước Mỹ đi bất cứ nơi nào trên trái đất để nói chuyện công khai hay bí mật với người phát ngôn của Hà Nội"[10]. Nhưng chính là do kinh nghiệm dạn dày trong đấu tranh ngoại giao của Đảng LĐVN cũng như sự thấu hiểu bản chất của đối phương mà VNDCCH đã ít "xúc động" trước lời tuyên bố dường như là "thiện chí" đó của Mỹ. Và sự thực là đến trước "Tết Mậu thân", Mỹ vẫn quyết tâm giành thắng lợi trên chiến trường Việt Nam bằng biện pháp quân sự. Điều đó được chứng tỏ trong Thông điệp ngày 17 tháng 1 năm 1968 về tình hình liên bang của Tổng thống Mỹ Giôn-xơn. Trong thông điệp này, khi đề cập tới chiến tranh Việt Nam, Giôn-xơn vẫn nói rằng "các cuộc thương lượng (với Bắc Việt Nam) phải trên cơ sở công thức Xan An-tô-ni-ô"[11] - một công thức bề ngoài có vẻ "mềm dẻo" nhưng thực chất chứa đựng một lập trường thương lượng cứng rắn và có điều kiện của Mỹ; một công thức khả dĩ xoa dịu dư luận ở Mỹ và trên thế giới, qua đó, "để cho Mỹ vượt qua được năm khó khăn trước tuyển cử, còn lập trường của Mỹ vẫn là lập trường chiến tranh"[12].
Từ những thực tế đó, Đảng và Chính phủ VNDCCH nhận thức rõ ràng rằng, "sáng kiến hòa bình", "thương lượng không điều kiện" của Mỹ chỉ mang tính tuyên truyền nhằm đánh lạc hướng dư luận, che giấu các hành động chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Cho nên, VNDCCH không hề ảo tưởng vào "thiện chí hòa bình" của Mỹkiểu Mỹ. Tuy nhiên, đương đầu với Mỹ - một nước lớn có tiềm lực quân sự và kinh tế mạnh hơn gấp nhiều lần, ngay từ những ngày đầu, trong khi chỉ ra phương hướng chiến lược cho quân và dân miền Nam trong giai đoạn chiến tranh cục bộ, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 12 (tháng 12 năm 1965) đã đồng thời nhấn mạnh: "Trong quá trình chiến đấu chống Mỹ, cứu nước, ta phải giữ vững quyết tâm chiến lược, đồng thời áp dụng sách lược đấu tranh chính trị và ngoại giao khôn khéo để phối hợp với đấu tranh quân sự, chủ động tiến công, nêu cao ngọn cờ độc lập và hòa bình nhằm tranh thủ rộng rãi dư luận thế giới và cô lập hơn nữa đế quốc Mỹ". Đến tháng 10 năm 1966, Bộ Chính trị đã họp để đánh giá tình hình và đề ra chủ trương "tích cực chủ động và tích cực tạo điều kiện vận dụng sách lược vừa đánh vừa đàm, vừa đàm vừa đánh, nhằm mục đích tranh thủ dư luận thế giới, cô lập đế quốc Mỹ, gây thêm khó khăn cho địch, làm cho chúng bị động, lúng túng và nội bộ chúng mâu thuẫn hơn nữa". Ba tháng sau đó - từ ngày 23 đến ngày 26 tháng 1 năm 1967, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 13 đã quyết định mở mặt trận đấu tranh ngoại giao. Hội nghị khẳng định "mở mặt trận ngoại giao bây giờ là đúng lúc" và cho rằng: "Chúng ta chỉ có thể giành được trên bàn hội nghị những cái mà chúng ta đã giành được trên chiến trường. Tuy nhiên, đấu tranh ngoại giao không chỉ đơn thuần phản ánh cuộc đấu tranh trên chiến trường mà trong tình hình quốc tế hiện nay, với tính chất cuộc đấu tranh giữa ta và địch, đấu tranh ngoại giao giữ một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động".
Xuất phát từ chủ trương nhất quán trên đây, từ sau "Tết Mậu thân", trước đề nghị đàm phán của Tổng thống Giôn-xơn ngày 31 tháng 3 năm 1968 và trước hành động thực tế của Mỹ trên chiến trường, Đảng và Chính phủ VNDCCH đã, một mặt "sẵn sàng cử đại diện của mình tiếp xúc với đại diện của Mỹ nhằm xác định với phía Mỹ việc Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh chống nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, để có thể bắt đầu cuộc nói chuyện"[13]; mặt khác, kiên quyết "động viên toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phát huy khí thế chiến thắng, tiếp tục phát triển tiến công toàn diện, giành thắng lợi ngày càng to lớn hơn nữa (...), đẩy địch vào thế thất bại liên tiếp, ngày càng suy yếu, tan rã, không sao gượng dậy được nhằm đi tới giành thắng lợi quyết định"[14]. Đây là một chủ trương chiến lược thể hiện bản lĩnh vững vàng và sách lược mềm dẻo, bởi lẽ, sau ngày 31 tháng 3 năm 1968, nếu từ chối lời yêu cầu cử đại diện tiếp xúc trực tiếp với đại diện Chính phủ Mỹ thì VNDCCH đã mắc mưu đối phương: ai cũng biết rằng, một mặt, Mỹ tuyên bố "Mỹ sẵn sàng cử đại diện để nói chuyện với Hà Nội" nhưng mặt khác, từ trong thâm tâm, Mỹ rất muốn VNDCCH từ chối để "đẩy quả bóng sang sân", đánh lạc hướng dư luận. Thật vậy, trong bức điện văn gửi cho Sứ quán Mỹ tại Sài Gòn giải thích việc Tổng thống Giôn-xơn giới hạn ném bom từ vĩ tuyến 20 trở vào, Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ ràng Hà Nội có thể sẽ "lên án" việc giới hạn đó của Mỹ và sẽ từ chối cử đại diện tiếp xúc với phía Mỹ. Mỹ hy vọng chính điều này tạo điều kiện cho Mỹ "sẽ được tự do hành động sau một thời gian ngắn" ngừng ném bom mà không bị dư luận trong nước và trên thế giới phản đối.
 Nhưng Mỹ không thể ngờ là ngay sau đó, ngày 3 tháng 4 năm 1968, Chính phủ VNDCCH đã tuyên bố "sẵn sàng cử đại diện của mình tiếp xúc với đại diện Mỹ nhằm xác định với phía Mỹ việc Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống Việt Nam Dân chủ cộng hòa để có thể bắt đầu cuộc nói chuyện"[15]. Trước tuyên bố đó của Chính phủ VNDCCH, một tác giả Mỹ - Pi‑tơ A. Pu-lơ đã nhận xét rằng: "Tốc độ đáp ứng của Hà Nội rõ ràng đã làm cho chính quyền Giôn-xơn bị bất ngờ - điều này được thể hiện qua việc giải quyết một cách lúng túng chung quanh vấn đề chủ yếu thuộc về thủ tục là triệu tập hội nghị ở đâu[16]. Cuối cùng, hai bên đồng ý lấy Pa-ri - Thủ đô của nước Cộng hòa Pháp làm địa điểm gặp nhau, nhưng "Mỹ giữ lập trường cứng rắn ngay từ đầu"[17].
Thực tế đã cho thấy rằng: dù cho Mỹ có "thành tâm" khi ngồi vào bàn đàm phán đầu tháng 4 năm 1968 đi chăng nữa thì đó cũng là ngồi vào bàn trên thế của kẻ mạnh. Theo hồi ký của Tổng thống Giôn-xơn thì, trong cuộc họp giữa Tổng thống với các quan chức hàng đầu trong Chính phủ Mỹ ngày 9 tháng 4 năm 1968 để bàn về việc cử đại diện đàm phán với Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Rốt-xtâu - cố vấn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ - đã bình luận việc Hà Nội chấp nhận cử đại diện đàm phán với Mỹ chính là đã "tự thừa nhận họ (tức chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa) đã ở vào một tình thế quân sự suy yếu"[18]. Trong khi đó Ha-ri-man - người được Giôn-xơn cử cầm đầu phái đoàn Mỹ hội đàm với phái đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa - đã nói tại cuộc họp ngày 9 tháng 4 năm 1968 này rằng: "Trong những cuộc đàm phán sắp tới, chúng ta (tức phía Mỹ - HK) phải cầm chắc là chúng ta sẽ đạt được những kết quả tích cực". Để đạt được "những kết quả tích cực" đó trên bàn hội nghị, theo Ha-ri-man, Mỹ cần phải đẩy mạnh hơn nhữa những nỗ lực quân sự ở trên chiến trường: "Chúng ta (tức là Mỹ) càng mạnh về quân sự trên chiến trường thì lập trường chúng ta trong thương lượng càng có thế"[19]. Xuất phát từ quan điểm đó, trong khi trên chiến trường Việt Nam, quân Mỹ và quân đội Sài Gòn "có những nỗ lực điên cuồng"[20] như nhận xét của tác giả Mỹ Hê-ring, bằng việc dồn sức mở hàng loạt các cuộc hành quân quy mô lớn, áp dụng nhiều biện pháp, sử dụng ồ ạt bom đạn và chất độc... hòng giành thêm những lợi thế mới[21]; đồng thời, trên trường quốc tế, Mỹ ra sức tuyên truyền về "thắng lợi quân sự của Mỹ và đồng minh ở Nam Việt Nam từ sau Tết Mậu thân thì trên bàn hội nghị, phía Mỹ đã đặt điều kiện cho việc chấm dứt ném bom hoàn toàn miền Bắc - bằng cách buộc VNDCCH phải:
- Công nhận đại diện chính quyền Sài Gòn tại Hội nghị Pa-ri;
- Chấm dứt việc đưa người, vũ khí từ miền Bắc vào miền Nam Việt Nam;
- Ngừng ngay các cuộc tiến công vào các thành phố lớn ở miền Nam Việt Nam.
 Giữ lập trường trên đây, ngày 20 tháng 7 năm 1968, trong Thông báo chung nhân cuộc hội đàm giữa Giôn-xơn với Nguyễn Văn Thiệu tại Hô-nô-lu-lu, phía Mỹ khẳng định lại cam kết của Mỹ "quyết tâm ngăn chặn xâm lược", "không bỏ miền Nam Việt Nam", "Mỹ rút quân thì Bắc Việt Nam cũng phải rút quân ra khỏi Nam Việt Nam"... Ngày 31 tháng 7 năm 1968, tại một cuộc họp báo, Giôn-xơn đe dọa nếu không có một đột phá tại Pa-ri, Bắc Việt Nam không thay đổi lập trường của mình, ông "sẽ buộc phải có những biện pháp quân sự mạnh"[22]. Trong lúc đó, các tham mưu trưởng liên quân Mỹ không hề "khoan nhượng", đã liên tiếp thúc ép phải tiếp tục "leo thang", kể cả việc dùng máy bay B.52 ném bom các "vùng đất thánh" của Bắc Việt Nam ở Campuchia. Vào trung tuần tháng 8 năm 1968, phát biểu tại Hội nghị cựu chiến binh Mỹ, Giôn‑xơn đã lại một lần nữa xác nhận quan điểm của Chính phủ Mỹ là: "Không có ý tiến xa thêm nữa cho đến khi có đủ lý do để tin rằng, phía bên kia có những ý đồ nghiêm chỉnh để phối hợp với Mỹ xuống thang chiến tranh và nghiêm chỉnh tiến tới hòa bình"[23]. Trước tình hình này, Trưởng phái đoàn đàm phán Mỹ Ha-ri-man đã có lúc yêu cầu Giôn-xơn thỏa hiệp nhưng ngay lập tức đề xuất đó của Ha-ri-man bị bác bỏ. Sau này, một nhà ngoại giao Mỹ cho biết: "Những cuộc thương lượng gay go nhất của chúng tôi là với Oa-sinh-tơn chứ không phải với Hà Nội. Vào mùa hè đó, chúng tôi không thể thuyết phục được, ngay cả với Tổng thống"[24]. Trong lúc đó, chính quyền Sài Gòn công khai đòi đàm phán trực tiếp với Hà Nội - chứ không phải với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam.
Rõ ràng là, sau ngày 31 tháng 3 năm 1968, lập trường nhất quán của phía Mỹ vẫn là dành cho mình quyền tự do hành động ở miền Nam trong khi ép đối phương phải giảm thiểu các hoạt động tiến công, chấm dứt đưa người và vũ khí từ miền Bắc vào, công nhận đại diện chính quyền Sài Gòn trên bàn hội nghị - nghĩa là buộc chính phủ VNDCCH phải thỏa mãn các điều kiện của Mỹ đưa ra trước khi Mỹ chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Thực chất, đấy vẫn là đòi hỏi trịch thượng của kẻ mạnh. Trước tình hình đó, Đảng LĐVN vẫn kiên định lập trường vừa đấu tranh đòi Mỹ phải đơn phương chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, vừa chỉ đạo quân và dân miền Nam đẩy mạnh tiến công quân sự - chính trị, mở tiếp đợt 3 mà hướng chính vẫn là đô thị, nhằm làm cho đối phương: "Thất bại trên chiến trường, thất bại ở các thành thị lớn và thất bại ở ngay nước Mỹ"[25].
Như vậy, diễn biến chiến trường sau "Tết Mậu thân" thực chất là sự phản ánh ý đồ chiến lược thực sự của cơ quan chỉ đạo chiến lược Việt Nam và tập đoàn cầm đầu Nhà Trắng ở Oa-sinh-tơn: giành ưu thế trên chiến trường để tạo thế mạnh ở bàn hội nghị. Nhìn lại thực tế lịch sử này, có tác giả Mỹ đã bình luận rằng: "Hình như cả hai bên đều tham gia vào cuộc phô trương công khai sức mạnh ý chí của mình"[26]. Trong cuộc đọ sức quyết liệt đó, chẳng ai lấy làm lạ rằng, các bên tham chiến đều bị tổn thất nặng nề: Nếu như 111.360 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang cùng hàng vạn quần chúng đã hy sinh và bị thương trong năm 1968 thì cũng là trong năm này, số thương vong của quân Mỹ đã "gia tăng ghê gớm, nó gần gấp hai lần tổng số thương vong của tất cả các năm trước đó cộng lại - 30.610 người so với 16.210 người"[27]. Chỉ sáu tháng đầu năm 1968, Mỹ, quân đội Sài Gòn  đã bị tổn thất 101.400 người - như chính tài liệu của họ đã tự thú nhận[28]. Bước sang năm 1969, "số người Mỹ đã chết trong những tuần lễ đầu lên tới 453, tuần lễ thứ hai là 336, tuần lễ thứ ba là 351; những thiệt hại của phía Nam Việt Nam (tức quân đội Sài Gòn) còn nặng nề hơn vì lên tới trung bình 500 người mỗi tuần"[29]. Qua những con số thương vong này, có thể hình dung được phần nào sự ác liệt của cuộc chiến ngày đó - một sự ác liệt mà mỗi bên đều buộc phải chấp nhận nhằm khẳng định ý chí, khẳng định tư thế của mình trên chiến trường đặng thông qua đó, giành lợi thế trên bàn đàm phán. Điều này không chỉ được chứng nghiệm trong thỜi điỂm có tính bước ngoặt lớn - là năm 1968, mà sau đó, còn tái diễn trong năm 1972 để đi tới Hiệp định Pa-ri tháng 1 năm 1973[30].
Như vậy, phải thông qua những hoạt động cụ thể trên chiến trường - đặc biệt ở vào một thời điểm quyết định, quân và dân miền Nam ngày đó mới buộc được phía Mỹ phải xuống tiếp một nấc thang chiến tranh bằng việc ngày 31 tháng 10 năm 1968, bỏ qua sự phản ứng gay gắt của chính quyền Sài Gòn, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn đã đơn phương tuyên bố chấm dứt hoàn toàn mọi hành động chống phá nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - mà không còn đưa ra điều kiện đòi VNDCCH phải ngừng chi viện cho cách mạng miền Nam; công nhận đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Hội nghị 4 bên ở Pa-ri - mà trước đó phía Mỹ vẫn nhất mực phủ nhận... Buộc được Mỹ phải đơn phương xuống tiếp một nấc thang chiến tranh trong khi trên chiến trường, quân số Mỹ, quân đội Sài Gòn và quân đồng minh tiếp tục tăng đến đỉnh cao là một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược to lớn của phía Việt Nam, là một thành công trong chỉ đạo chiến lược: kéo Mỹ xuống thang chiến tranh để đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược của Mỹ.
Nhắc lại một số diễn biến lịch sử liên quan tới thời kỳ sau "Tết Mậu thân", chúng tôi không nghĩ rằng đã lột tả được bối cảnh của tình hình mọi mặt rất phức tạp của thời kỳ này cũng như chưa đề cập trực tiếp sự sai - đúng của các đợt tiến công tháng 5 và tháng 8 năm 1968. Dù vậy, chỉ qua việc điểm lại một số sự kiện lịch sử trên đây, chúng tôi vẫn cho rằng: Sau tuyên bố ngày 31 tháng 3 năm 1968 của Tổng thống Mỹ Giôn-xơn, VNDCCH không thể nào ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp với phía Mỹ ở tư thế chủ động của người chiến thắng được[31]. Để có được nấc xuống thang chiến tranh mới của Mỹ ngày 31 tháng 10 năm 1968 nói trên, VNDCCH buộc phải dồn hết tâm lực và chấp nhận sự hy sinh bằng cách đẩy mạnh các hoạt động tiến công - bằng cách dấn tới để khẳng định Tư thẾ đàm phán, buộc Mỹ phải đàm phán theo yêu cầu của mình. Nếu nói như một tác giả Mỹ vừa dẫn trên đây, trong những đợt tiến công tháng 5 và tháng 8, "hình như cả hai bên đều tham gia vào cuộc phô trương công khai sức mạnh ý chí của mình" thì đó chỉ là một cách nói tưởng như khách quan nhưng về mặt nào đó là chưa đầy đủ và chính xác. Bởi vì, với một tiềm lực kinh tế và quân sự như Mỹ, Mỹ có thể phô trương thanh thế và uy lực quân sự ở bất cứ nơi nào mà Mỹ muốn - và thực tế như ở Cô-xô-vô, ở Áp-ga-ni-xtan hoặc ở I-rắc chẳng hạn, Mỹ đã phô trương và giành chiến thắng bằng chiến lược "lấy thịt đè người". Còn như ở hoàn cảnh năm 1968, chúng tôi cho rằng Việt Nam không hề có ý định "phô trương" mà thực chất là đã buộc phải gồng mình lên, chấp nhận sự hy sinh để biểu hiện sức mạnh ý chí của mình. Buộc phải gồng mình lên để "biểu hiện sức mạnh ý chí" của mình một cách chủ đích, có ý thức không bao giờ là đồng nghĩa với "duy ý chí" hoặc sự "cay cú"[32] như một số ý kiến phê phán khi nhận định về vấn đề này.

Download toàn văn bài viết tại: Trang Web NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ




[1] Lâu nay, trong một số công trình và bài báo viết về kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), cụm từ "Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu thân 1968" được dùng để bao quát các hoạt động của quân và dân trên chiến trường miền Nam trong suốt năm 1968. Ví như, công trình tổng kết Quá trình chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và quy luật hoạt động của Mỹ, ngụy trên chiến trường B2 (Ban Tổng kết chiến tranh B2 năm 1984), viết: "Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu thân tuy chưa đạt được mục tiêu chiến lược một cách trọn vẹn (...) nhưng trên thực tế, ngay trong ĐỢT ĐẦU của cuộc tiến công (từ ngày 31 tháng 1 đến cuối tháng 2 năm 1968) đã làm đảo lộn mọi tính toán của địch trên chiến trường" (trang 168). Tác giả Trần Bạch Đằng trong bài Bàn thêm một vài khía cạnh của cuộc tổng diễn tập chiến lược Mậu thân 1968 đăng trên tạp chí Lịch sử quân sự số 7.1988, đã cho rằng "HAI ĐỢT MẬU THÂN, nhất là đợt 1, đã làm choáng váng kẻ thù", "đặc thù của MẬU THÂN ở Sài Gòn là: CẢ HAI ĐỢT không hề xảy ra một sự đáng tiếc nào". Gần đây, giáo sư Cao Văn Lượng đã viết ở tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 1-2/1993: "Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu thân (1968) đã diễn ra thành NHIỀU ĐỢT...". Theo chúng tôi, chính việc "gọi sự vật không đúng với cái tên của nó" như vậy đã là một nguyên nhân trực tiếp dẫn tới những nhận định không thống nhất - thậm chí là mâu thuẫn trong các công trình nghiên cứu về "Tết Mậu thân".
[2] Lê Đức Thọ: Một số vấn đề về tổng kết chiến tranh và biên soạn lịch sử quân sự, Sđd, tr.54.
[3] Hoàng Văn Thái: Mấy vấn đề về chiến lược trong cuộc tiến công và nổi dậy xuân 1968. Tạp chí Lịch sử quân sự, số tháng 2 năm 1988.
[4] Trần Bạch Đằng: Mậu thân - cuộc Tổng diễn tập chiến lược. Tạp chí Lịch sử quân sự, số tháng 2 năm 1988.
[5] Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ xưa và nay. Tạp chí Xưa và Nay, số tháng 5 năm 1994.
[6] Dẫn theo Trần Bạch Đằng: Mậu thân - cuộc Tổng diễn tập chiến lược. Tlđd.
[7] G. Côn-cô: Giải phẫu một cuộc chiến tranh. Sđd, T1, tr.310.
[8] Lê Đức Thọ: Một số vấn đề về Tổng kết chiến tranh và biên soạn Lịch sử quân sự. Sđd, tr. 141.
[9]Trong và sau "Tết Mậu thân", quân đội Mỹ trên chiến trường công khai bộc lộ sự tàn bạo của họ bằng cách gây ra nhiều vụ tàn sát dã man đối với đồng bào miền Nam - mà Mỹ Lai đã là một điển hình; dội bom đạn ồ ạt xuống vùng ven, vùng nông thôn, vùng giáp ranh... Về điều này, viên tư lệnh chiến trường mới được cử thay Oét-mo-len là A.Bram đã tuyên bố: Mỹ sẽ "dùng B.52 ném thật nhiều bom đến mức (...) chỉ cần phái một đội tuần tra không vũ trang đi xa với những cuốn sổ tay để ghi chép kết quả" (Hãng tin AP, ngày 29 tháng 6 năm 1968). Vì thế, "nếu trong nửa cuối năm 1965, mỗi tuần có 50 phi vụ B.52 tại Nam Việt Nam... thì bây giờ, mỗi tuần có 350 phi vụ B.52 (Thời báo Niu Oóc, ngày 26 tháng 8 năm 1968. Dẫn theo Trần Văn Giàu: Việt Nam giữ vững thành đồng, T5, Sđd, tr. 115-116).
[10] Dẫn theo Lưu Văn Lợi, Nguyễn Anh Vũ: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước Hội nghị Pa-ri. Viện Quan hệ quốc tế, H, 1990, tr.243.
[11] Dẫn theo Lưu Văn Lợi, Nguyễn Anh Vũ: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ. Sđd, tr. 243.
[12] Trả lời Thứ trưởng ngoại giao Ru-ma-ni ngày 17.12.1967 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Dẫn theo Lưu Văn Lợi, Nguyễn Anh Vũ: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ. Sđd, tr. 247.
[13] Tuyên bố của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày 3 tháng 4 năm 1968. Dẫn theo Việt Nam - những sự kiện 1954-1975. Nxb Khoa học xã hội, T2, H, 1976, tr.82.
[14] Nghị quyết Bộ Chính trị, tháng 4 năm 1968.
[15] Tuyên bố ngày 3 tháng 4 năm 1968 của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
[16] Pi-tơ A.Pu-lơ: Nước Mỹ và Đông Dương từ Ru-zơ-ven đến Ních‑xơn. Sđd, tr.162. Về vấn đề này, tác giả G.C Hê-ring ghi nhận: "Câu trả lời tích cực của Hà Nội làm cho Oa-sinh-tơn kinh ngạc và nhiều quan chức Mỹ nghi ngờ Bắc Việt Nam có mưu mẹo khôn ngoan nhằm khai thác tình cảm chống chiến tranh ở Mỹ. Chính quyền Mỹ không có sự lựa chọn nào khác là chấp nhận đề nghị thương lượng trực tiếp của Hà Nội, nhưng họ quyết tâm không vội vã lao vào thương lượng" (Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ, Sđd, tr. 269).
[17] G.C. Hê-ring: Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ, Sđd, tr. 269.
[18] Hồi ký Giôn-xơn. Tlđd, tr, 430, 431. Cũng cần nhắc lại ở đây rằng, đầu năm 1969, khi mới bước vào Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Ních-xơn đã làm một cuộc kiểm điểm liên bộ về tình hình chiến tranh Việt Nam. Trong cuộc kiểm điểm này, theo hồi ký Những năm ở Nhà Trắng của Kít-xing-gơ thì, người ta dễ dàng nhận thấy "có một trường phái tư tưởng tương đối lạc quan (về thắng lợi của Mỹ ở Việt Nam - HK), bao gồm đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn, ông Ét-uốt Bân-cơ, hai vị tổng tham mưu trưởng, tướng Abram và đô đốc Giôn Mc. Ca-in (John Mc.Cain) - chỉ huy hạm đội Thái Bình Dương. Nhóm này nghĩ là khi người Bắc Việt Nam chấp nhận đi vào đàm phán hòa bình thì chính là họ đã thú nhận sự suy yếu của họ trên phương diện quân sự". Tlđd, tr. 26).
[19] Hồi ký Giôn-xơn. Tlđd, tr, 430, 431.
[20] G.C. Hê-ring: Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ, Sđd, tr.273.
[21] Theo G.A. Am-tơ: "những hoạt động mới này là nhằm cản trở các cuộc hội đàm hòa bình, mà cuối cùng đã được bắt đầu ở Pa-ri ngày 13 tháng 5 năm 1968. Rõ ràng, Giôn-xơn muốn thương lượng trên thế mạnh, và chỉ sau khi giành được những thắng lợi mới ở Việt Nam". Ngoài ra, "Giôn-xơn (còn) công bố chính quyền ông ta sẽ không thừa nhận Mặt trận dân tộc giải phóng hay Việt cộng. Hơn nữa, Tổng thống đòi hai nhượng bộ: Nam Việt Nam được phép xác định tương lai chính trị của mình, và Mỹ được phép duy trì một "sự có mặt" có thể là quân sự, ở Đông Nam Á" (G.A.Am-tơ: Lời phán quyết về Việt Nam, Sđd, tr. 229).
[22] Dẫn theo G.C. Hê-ring: Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ, Sđd, tr. 271.
[23] Dẫn theo P.A. Pu-lơ: Nước Mỹ và Đông Dương từ Ru-zơ-ven đến Ních-xơn, Sđd, tr. 264.
[24] Dẫn theo G.C. Hê-ring: Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ, Sđd, tr. 271.
[25] Nghị quyết Bộ Chính trị, tháng 8 năm 1968.
[26] Pi-tơ A.Pu-lơ: Nước Mỹ và Đông Dương từ Ru-zơ-ven đến Ních-xơn, Sđd, tr. 264.
[27] Jeff Stein - Marc Leepson: Sổ tay sự kiện chiến tranh Việt Nam. Sđd, tr. 81.
[28] Dẫn lại: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975). Sđd, T1, tr. 311.
[29] Hen-ri Kít-xinh-gơ: Những năm ở Nhà Trắng, T1. Tlđd, chương 8, tr.33.
[30] Theo Lê Đức Thọ, sau chiến dịch Quảng Trị năm 1972, tại Pa-ri, Kít-xinh-gơ có nói đại ý: Nếu chỉ thuần túy về mặt quân sự thôi thì chẳng bên nào lại đánh và chịu tổn thất đến mức như vậy. Trả lời Kít-xinh-gơ, Lê Đức Thọ cho rằng: "Đó là vấn đề chính trị, đánh để giành thế mạnh về chính trị trong đàm phán, chứ còn đứng về quân sự thì không ai vì một mảnh đất nhỏ đổ nát mà đánh đến như thế" (Lê Đức Thọ: Một số vấn đề tổng kết chiến tranh. Sđd, tr. 67, 68).
[31] Nhiều tác giả Mỹ, ví như G.C. Hê-ring chẳng hạn, đã nhận định: "Mỗi bên có thể tuyên bố "chiến thắng" của mình trong cuộc Tổng tiến công Tết Mậu thân, nhưng thế trận của mỗi bên đều yếu đi nhiều và không bên nào có đủ ảnh hưởng để ép buộc phía bên kia đi đến một giải pháp". Quả thật, phải hơn 4 năm sau, Hiệp định Pa-ri mới được ký kết nhưng riêng cuối năm 1968, rõ ràng, Mỹ đã phải xuống tiếp một nấc thang chiến tranh.
[32] Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng trong bài viết Mậu thân - cuộc Tổng diễn tập chiến lược đăng trên tạp chí Lịch sử quân sự, số 2 năm 1988 đã nhận xét rằng: "Sứ mệnh của Mậu thân căn bản hoàn thành với đợt 1. Ở đây, bệnh cay cú dẫn chúng ta đi xa, và do đó, qua đợt 2, vùng nông thôn giải phóng bị thu hẹp và đến đợt 3 thì trên thực tế, chúng ta để mất gần hết vùng giải phóng".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!