Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

BÀN THÊM VỀ TÁC ĐỘNG TẾT MẬU THÂN





PGS,TS. HỒ KHANG
        Tết Mậu thân, thoắt đó mà đã 25 năm trôi qua. Nhưng cho đến nay, kết quả và tác động của sự kiện “TẾT” Mậu Thân vẫn còn là một đề tài khoa học không ngừng gây ra nhiều ý kiến tranh luận. Có điều, ngay từ khi “TẾT Mậu thân” bùng nổ tới nay, với niềm tin không hề lay chuyển, giới quân sự Mỹ vẫn khẳng định: Trong Tết Mậu thân, quân đội Mỹ không thua trên chiến trường, nhưng đối phương lại giành được thắng lợi về tâm lý và chính trị ở ngay nước Mỹ (!). Nhà báo danh tiếng Đôn 0-bơc-đôi-phơ  (Don Oberdoifer) - người đã chứng kiến trực tiếp đòn Tết Mậu thân ở miền Nam, đã giành nhiều tâm sức điều tra về sự kiện này để viết cuốn TẾT, cũng khẳng định: “Cái trớ trêu của cuộc tấn công Tết Mậu thân là ở chỗ Cộng sản đã thua trên chiến trường nhưng đã thắng về chính trị trên nước Mỹ”(1).
Gần đây nhất, trong cuốn Những bí mật về chiến tranh Việt Nam, trung tướng Đê-vít-sơn (P.B.Davidson) - nguyên là cục trưởng cục Tình báo bộ Tư lệnh viện trợ quân sự Mỹ tại Sài Gòn (MACV) từ tháng 6-1967 đến tháng 5-1969 - cho biết: “Không có sử gia danh tiếng nào chịu chấp nhận là Mỹ đã thất bại về quân sự trong Tết” (2).
        Mô tả về kết quả, tác động của Tết Mậu Thân, hoặc lý giải về nguyên nhân tạo nên tác động đó, giới quân sự, chính trị cũng như một số tác giả Mỹ - và ngay cả một số nhà nghiên cứu trong nước – thường tập trung vào các sự kiện như: sự bí mật, bất ngờ trong “Tết Mậu thân”; việc đưa tin và tô đậm ấn tượng về Tết Mậu thân của các phương tiện truyền thông ở Mỹ; sự phản ứng không đúng lúc của giới quân sự Mỹ; phong trào phản đối chiến tranh bùng lên dữ dội giữa lòng nước Mỹ v.v…
        Thật ra, nhờ độ lùi của hơn một phần tư thế thế kỷ, chúng ta mới có thể nhận ra rằng: tất cả những ý kiến trên đây chỉ là biểu hiện trực tiếp của kết quả, tác động của “Tết Mậu thân” mà thôi. Bởi vì, cả chuỗi ngày ứng phó với “Tết Mậu thân”, giới lãnh đạo cao cấp Mỹ đã từ chủ động, đến ứng phó, rồi phải soát xét lại toàn bộ đường lối tiến hành chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Trong suốt quá trình đó, giới lãnh đạo Mỹ không chỉ căn cứ vào những gì mà báo chí, vô tuyến truyền hình Mỹ mô tả, mà đã dựa trên những SỰ THẬT do các phái viên cao cấp của chính phủ trực tiếp khảo sát, hoặc do những báo cáo trực tiếp từ chiến trường gửi về. Phong trào phản đối chiến tranh trong và sau Mậu thân chẳng qua cũng chỉ là một trong số những phản chiếu của kết quả và tác động của “Tết Mậu thân” mà thôi. Bởi vì, “hầu hết người Mỹ chỉ trở nên chán nản sau khi cuộc chiến tranh bị kéo dài” (3). Những thắng lợi “có thể sờ thấy được”, qua Tết Mậu thân, càng trở nên xa vời…
        Khái quát vậy, đã thấy rằng: Những thất bại của Mỹ trong và sau “Tết Mậu thân” mới chính là căn nguyên làm cho tình hình chính trị, xã hội và kinh tế Mỹ bị biến động mạnh, buộc giới cầm quyền Mỹ phải lung túng ứng phó, rồi phải xuống thang chiến tranh, thay đổi chiến lược của Mỹ ở Việt Nam.
        Từ những ngày đầu, khi cuộc tấn công “TẾT” vừa xảy ra, nhiều nhà hoạt động chính trị Mỹ đã ý thức được rằng: “Cuộc tấn công “Tết Mậu thân” chứng tỏ Mỹ hoàn toàn không kiểm soát được gì đất nước này” (4), “Tết chứng tỏ nhân dân Việt Nam ủng hộ kẻ thù của Mỹ” (5). “Tết đã đập tan cái mặt nạ của những ảo tưởng chính thức từng che đậy không cho Mỹ nhìn thấy hoàn cảnh thực của Mỹ” (6). Thế nên, khi “cái mặt nạ của những ảo tưởng” đó bị “Tết Mậu thân” đập tan, mâu thuẫn trong tập đoàn cầm quyền Mỹ vốn đã gay gắt, lại càng thêm gay gắt.
        Cuộc đấu tranh nội bộ diễn ra trong chính quyền Mỹ, ngay từ đầu, là việc xoay quanh các giải pháp cấp thời nhằm ứng phó với “Tết Mậu thân”. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân cho rằng: phải gửi quân sang miền Nam Việt Nam. Nhưng mâu thuẫn là ở chỗ: khi gửi bất kỳ một người lính nào, Mỹ cũng phải tìm cho được giải pháp tối ưu để không làm mỏng thêm lực lượng dự bị chiến lược vốn đã đến giới hạn nguy hiểm. Giải pháp đó, giờ đây, chỉ có thể là gọi lực lượng trù bị vào quân đội. Đó là điều mà Giôn-xơn trong suốt 3 năm leo thang chiến tranh đã tìm mọi cách né tránh để tranh thủ sự ủng hộ của Quốc hội và dư luận công chúng. Thế nhưng, Mc. Na-ma-ra vẫn cho sang miền Nam Việt Nam 10.500 quân và khuyên Tổng thống Giôn-xơn không gọi lực lượng trù bị nhập ngũ.
        Tiếp đó, HĐTMTLQ và tướng W.Oét-mo-len yêu cầu được tăng viện thêm 206.000 quân vào miền Nam. Điều đó có nghĩa là Mỹ phải công khai đặt đất nước vào trạng thái có chiến tranh, đẩy quy mô chiến tranh lên mức độ mới mà hậu quả sẽ ra sao thì chính quyền Mỹ, cho đến tháng 2-1968, vẫn chưa lường định được. Dễ hiểu vì sao giới chức cao cấp Mỹ đã phải sững sờ khi nhận được đề nghị xin tăng viện; Giôn-xơn phải cử người bạn thân cận là Clác Clip-phớt chủ trì một ủy ban bao gồm những nhà lãnh đạo cao cấp của Mỹ để nghiên cứu yêu cầu tăng viện của tướng Uyn-lơ và Oét-mo-len vào thời điểm ấy.
        Ngay từ phiên họp đầu, thay vì việc bàn bạc vấn đề tăng quân, giới chức Mỹ đã quay sang kiểm điểm toàn bộ chính sách chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Các phiên họp diễn ra khẩn trương và đầy căng thẳng dưới sức ép của tình hình chiến trường đang diễn ra từng ngày ở Việt Nam trong “Tết Mậu thân”. Sau này, nhớ lại những phiên họp đó, Clíp-phớt cho biết: “Tôi không thể nhận thấy bao giờ chiến tranh kết thúc; không biết nó kết thúc bằng cách nào; không biết liệu những yêu cầu tăng quân và trang bị như vậy bao lâu nữa; không biết liệu đến bao giờ quân đội Nam Việt Nam có thể thay thế được quân Mỹ” (7). Vậy nên, sau những ngày căng thẳng cuối tháng 2, đầu tháng 3 năm 1968, ông tin chắc rằng: đường lối quân sự mà Mỹ theo đuổi ở Việt Nam “không chỉ không có tận cùng mà còn vô vọng” (8). Giới lãnh đạo Mỹ ngày đó đã phải thừa nhận rằng: “Tết Mậu thân” đã đặt họ trước “một bước rẽ trên đường đi”. “Các giải pháp để lựa chọn đã bày ra trong một thực tế tàn nhẫn” (9). Nhưng đó không chỉ là sự khủng hoảng về chiến lược của Mỹ ở Việt Nam ngày ấy mà còn là sự thật đau đớn hơn nữa: sự chia rẽ gay gắt trong chính quyền, sự phẫn nộ đang tăng lên trong công chúng Mỹ. Ấy là khi, trong lúc chính quyền Mỹ đang lúng túng ứng phó với “Tết Mậu thân”, đang ngập ngừng trước sự chọn lựa leo thang hoặc xuống thang chiến tranh… thì ở ngay trong các thành phố và các trường đại học Mỹ, phong trào phản đối chiến tranh, phản đối chính quyền bừng lên mạnh mẽ. Vô tuyến truyền hình và báo chí Mỹ đã tới tấp đưa tin và bình luận về sự kiện này. Đon Ô-bớc-đôi-phơ viết: “Hình ảnh trên truyền hình có chiều hướng nhất trí với ý kiến áp đảo của các phóng viên và tổng biên tập ở nước Mỹ: cuộc chiến tranh là bế tắc và sai lầm” (10) đối với Mỹ. Kỹ thuật truyền thông hiện đại cùng với những bài tốc ký của các giới phóng viên báo chí Mỹ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phơi bày thực tế chiến tranh, giúp cho nhân dân Mỹ thấy được những gì đã và đang xảy ra trên chiến trường.
        Đương nhiên, báo chí, vô tuyến truyền hình chỉ là phương tiện truyền thông phản ánh các sự kiện chứ không thay thế sự kiện, nhưng mặt khác, nó đã trở thành những “ý kiến áp đảo” lợi hại của giới báo chí Mỹ dội thẳng vào Nhà Trắng và phơi bày trước công chúng Mỹ về sai lầm của Mỹ trong Tết Mậu thân; phản ánh thực tế thất bại của Mỹ, quân đội và chính quyền Sài Gòn trên chiến trường và quan trọng hơn là đã phá vỡ bức tường bưng bít của chính quyền Giôn-xơn dựng lên trước đây, khiến cho các tầng lớp xã hội ở Mỹ thấy được sự trái ngược giữa thực tế xảy ra trên chiến trường Việt Nam xa xôi với “thắng lợi” mà chiến dịch tuyên truyền của chính quyền Mỹ đưa lại. Hơn nữa, qua đây, nhân dân Mỹ đã thấy được rõ ràng: chính phủ của Tổng thống Giôn-xơn đã và đang cố ý lừa dối công chúng Mỹ. Một cuộc tập hợp lực lượng phản đối chiến tranh, phản đối chính quyền trên quy mô toàn quốc ở Mỹ đã bắt đầu: “Cuộc Tổng tấn công Tết như một tia chớp soi sáng để những ai còn hồ nghi và những người đang bất mãn nhận thấy nhau” (11), giúp họ “có dũng khí để bây giờ công khai đấu tranh cho một chiến lược mới của Mỹ nhằm kết thúc cuộc chiến tranh không cần thắng lợi, không cần vinh quang” (12). Ngay cả những người trước Tết Mậu thân còn ủng hộ đường lối của Giôn-xơn cũng quay ra bàn về chiến tranh, bàn về chiến lược quân sự của Mỹ với một tâm trạng buồn lo, thất vọng. Nhiều người đã thay đổi lập trường, kiên quyết đòi chấm dứt chiến tranh, rút quân Mỹ về nước.
        Trong cuộc họp báo tổ chức ở Oa-dinh-tơn ngày 3 tháng 2 sau khi Tết Mậu thân nổ ra, Tổng thống Mỹ gọi những người phản đối chiến tranh là những người thất bại chủ nghĩa, bị Cộng sản lừa dối và số đó chỉ là đại diện ít ỏi mà thôi. Tuy nhiên, ngay sau đó, một loạt sự kiện đã khiến tổng thống Mỹ không còn cách gì bưng bít mãi sự thật: Ngày 14 tháng 2 năm 1968, ông đã đích thân bay đi Brắc để từ biệt những người lính được gửi sang Việt Nam nhằm ứng phó với Tết Mậu thân. Trong số những binh lính này, nhiều người vừa từ Việt Nam trở về với vẻ mặt buồn rầu. Họ không còn là những thanh niên ra đi để tìm thú vui phiêu lưu mà đã là những cựu binh lão luyện buộc phải trở lại cuộc chiến tranh mà họ biết rõ sẽ có một số không bao giờ còn trở về. Sau này, khi bình luận về đoạn phim tài liệu trong đó có cảnh Tổng thống bắt tay binh lính dù tại cầu thang máy bay trong hun hút gió của một ngày tháng 2 dạo ấy; ông đứng trước binh lính và kêu gọi lòng hy sinh của họ nhưng họ không biểu lộ nhiệt tình gì cả, một nhà bình luận Mỹ đã viết: “Có thể là những quyết định quan trọng làm đảo ngược chính sách chiến tranh của Hoa Kỳ trong một tháng rưỡi sắp tới đã bắt nguồn từ cái bắt tay lúng túng này” (13).
        Ngày 10 tháng 3, tờ Nữu ước thời báo tiết lộ tin tướng W.Oét-mo-len xin thêm 206.000 quân đã trở thành sự kiện lớn ở Mỹ, trở thành “tiêu điểm” cho cuộc tranh luận chính trị và làm tăng thêm “tinh thần bất mãn của công chúng” (14). Chỉ hai ngày sau đó, cuộc bầu cử thử của đảng Dân chủ ở Niu Hăm-sai gửi về Oa-dinh-tơn đã cho thấy: Mác Các-ti – người chống đối chính sách chiến tranh của Giôn-xơn đã giành hơn số phiếu so với đương kim tổng thống Mỹ. Sự kiện này chứng tỏ rằng: “Lin-dơn Giôn-xơn, nhà chính trị bậc thầy đã bị thách thức không phải bởi một người tranh phiếu hấp dẫn và được nhiều người hưởng ứng, mà bởi một ứng cử viên đã có khả năng động viên và thâu tóm được mọi sự bất bình và chán ngán đối với chiến tranh” (15). “Dậu đổ, bìm leo”, được khuyến khích bởi những biểu hiện ở Niu Hăm-sai, ngày 16 tháng 3, thượng nghị sỹ đảng Dân chủ R.Ken-nơ-đi – địch thủ chính trị của Giôn-xơn đã tuyên bố ra tranh cử và tiến công gay gắt vào đường lối hiếu chiến của Giôn-xơn. Cùng thời gian này, điều tra của Viện Galớp cho thấy số người ủng hộ đường lối chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam xuống tới mức 26%, số người ủng hộ Giôn-xơn chỉ còn 36%. Cần nói thêm rằng: qui luật mà Viện này cho thấy: một khi mà số người ủng hộ tổng thống dưới mức 50% thì khi đó ông ta thực sự đã bị nguy khốn về chính trị.
        Tại sao lại có sự bất bình rộng lớn này của công chúng Mỹ? Trả lời câu hỏi này, “một trong số những nhân vật chính trị ủng hộ Giôn-xơn đã để công nghiên cứu vấn đề và kết luận: Nguyên nhân trực tiếp là cuộc tấn công vào dịp Tết” (16).
        Trong những ngày căng thẳng đó, có lúc Tổng thống Mỹ đã lặng lẽ trở về Tếch-giát, quê hương ông, nơi có những dãy đồi nhấp nhô, mong tìm lại điều mà Giô-dép. A.Am-tơ trong Lời phán quyết về Việt Nam gọi là “sự bình tĩnh của tâm hồn”. Bởi lẽ, như sau này ông nhớ lại, lúc đó, ông cảm thấy “đang bị đuổi tứ phía bởi một cuộc nổi dậy khổng lồ đến từ các hướng” (17). Chốn riêng tư, ông tâm sự với bạn bè: “Cái khác nhau giữa việc J.Ken-nơ-đi bị ám sát và ông là ở chỗ: ông thì vẫn còn sống và điều đó lại càng bị dằn vặt nhiều hơn” (18). Tháng 2 và tháng 3 năm 1968 thực sự là quãng thời gian u ám nhất trong đời hoạt động chính trị của ông và tất cả đều bắt nguồn từ hậu quả của “Tết Mậu thân”.
        Nếu sự chia rẽ trong nội bộ chính quyền và phong trào phản đối chiến tranh tăng nhanh ở Mỹ là những yếu tố quan trọng khiến cho Giôn-xơn lâm vào tình trạng trên đây thì sự thay đổi quan điểm về đường lối chiến tranh ở Việt Nam của Quốc hội và nhóm cố vấn cấp cao “Những người thông thái” là một đòn cân não quyết định số phận của vị tổng thống này: Ngày 11 tháng 3 năm 1968, ngoại trưởng Mỹ phải ra điều trần trước Ủy ban đối thoại Thượng Nghị viện Mỹ về chính sách của Mỹ đối với Việt nam. Tại Hạ nghị viện, ngày 18 tháng 3, 139 nghị sĩ (trong số đó có 89 nghị sĩ đảng Cộng hòa và 41 nghị sĩ đảng Dân chủ của Giôn-xơn) lại ra Nghị quyết đòi Quốc hội duyệt xét lại toàn bộ chính sách của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Trước tình hình đó, Quốc hội đã phản đối mạnh mẽ ý định tăng quân cho tướng Oét-mo-len; các nghị sĩ “ngày càng chán ghét chiến lược chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam” (19)
        Sau hơn nửa tháng tìm hiểu tình hình chiến tranh Việt Nam, trực tiếp gặp các quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao, Bộ quốc phòng, Cục tình báo Trung ương Mỹ (C.I.A), Đin A-ki-sơn, nguyên ngoại trưởng Mỹ thời Tru-man, một người có ảnh hưởng lớn đối với Giôn-xơn “càng đi sâu vào chính sách của Mỹ ở Việt Nam” càng thấy “tình hình là vô vọng” (20). Vì thế, mặc dù trước Mậu Thân từng ủng hộ một cách mạnh mẽ chính sách chiến tranh của Giôn-xơn nhưng giờ đây Đin A-ki-sơn trong cuộc gặp Tổng thống ngày 15 tháng 3 năm 1968 đã cho rằng: “Không có mối liên quan giữa một bên là các mục tiêu quân sự và bên kia là thời gian và tài nguyên mà Mỹ có để thực hiện các mục tiêu đó. Cuộc tấn công Tết cho thấy số 50 vạn quân Mỹ là vô cùng thiếu, không thể nào đánh đuổi và khuất phục nổi Việt cộng” (21). Theo ông, Mỹ “cần phải đánh giá lại và thay đổi hoạt động của lực lượng mặt đất, cần phải ngừng hay giảm nhiều các cuộc ném bom và chấm dứt chiến tranh sao cho Mỹ bị ít thiệt hại nhất” (22). Ngay sau đó, ngày 19 tháng 3, Clíp-phớt yêu cầu Giôn-xơn triệu tập các phiên họp của nhóm cố vấn cấp cao “Những nhà thông thái” (23) để giải quyết các vấn đề mà Ủy ban Clác Clíp- phớt còn bỏ ngỏ. Trong Nhóm này, trước Tết Mậu thân, trừ hai người là Bôn (G.W.Ball) và Gôn-béc, còn tất cả thành viên đều ủng hộ Giôn-xơn trong việc leo thang chiến tranh bằng không quân đánh phá miền Bắc Việt Nam. Không lấy làm lạ quan điểm của Nhóm này bởi lẽ: các thành viên trong nhóm có liên hệ chặt chẽ với giới tài chính, các tập đoàn luật và các tập đoàn kinh doanh đầy thế lực ở Mỹ. Quan điểm của họ chính là sự phản ánh trung thực thái độ của giới tài phiệt Mỹ.
        Nhìn lại hoạt động của giới công nghiệp, tài chính Mỹ từ vài ba năm trước, người ta thấy được rằng: ngay trước “Tết Mậu thân, họ đã cả tin rằng sức mạnh quân sự Mỹ sẽ nhanh chóng giành thắng lợi ở Việt Nam: tháng 11 năm 1965, Đin A.ki-sơn tuyên bố “ủng hộ cam kết của Mỹ ở Việt Nam và quyết tâm đưa mọi tài nguyên quốc gia để thực hiện” (24) bằng được cam kết đó.
          Thế nhưng, do phải đương đầu với những vấn đề khó khăn về kinh tế bởi chiến tranh Việt Nam gây ra, sự thâm hụt tài chính và lạm phát tăng lên, giá trị đồng đô-la bị giảm đi nghiêm trọng. Nhiều ngân hàng châu Âu đã tung đô-la để thu vàng về. Toàn bộ hệ thống tài chính thế giới lấy đồng đô-la làm cơ sở ngày càng bị ảnh hưởng do việc săn vàng tăng nhanh. Vàng dự trữ của Ngân khố Mỹ ngày một vơi khiến có lúc Mỹ buộc phải đóng cửa thị trường vàng; làm xuất hiện nguy cơ bùng nổ các cuộc chiến tranh hối đoái…” giữa Mỹ với các nước tư bản phát triển. Tháng 3 năm 1968, Theo G.Côn-cô, “Nếu chính quyền Mỹ không đặt vị trí của việc bảo vệ đồng đô-la lên tất cả các xem xét khác thì lúc đó, các ngân hàng châu Âu sẽ giữ quyền đòi một bước đi có thể làm đảo lộn hoàn toàn địa vị của Mỹ trong nền kinh tế thế giới, với tất cả tác động đến vai trò lãnh đạo chính trị của Mỹ” (25).
        Thế khó xử của Mỹ trong lĩnh vực kinh tế - tài chính bắt nguồn từ việc Mỹ bị sa lầy trong chiến tranh Việt Nam. Chiến tranh Việt Nam còn làm Mỹ suy sụp nhanh chóng trong lĩnh vực quân sự toàn cầu, đến nỗi vào Tết Mậu thân. 40% số sư đoàn chiến đấu của lục quân Mỹ, 50% số sư đoàn lính thủy đánh bộ, 50% số máy bay chiến đấu, 30% số tàu chiến Mỹ đã và đang bị ghìm chân trong chiến tranh Việt Nam. Lực lượng quân sự phi hạt nhân còn lại của Mỹ lại bị căng mỏng đến độ nguy hiểm ở hàng trăm căn cứ quân sự trên khắp thế giới. Người ta sửng sốt khi được biết rằng: Nước Mỹ chỉ còn mỗi Sư đoàn dù 82 là lực lượng sẵn sàng chiến đấu – nhưng 1 trong 3 lữ đoàn của sư đoàn này đã phải cấp tốc đưa sang Nam Việt Nam để ứng phó với “TẾT Mậu thân”, “chỉ còn lại có hai phần ba sư đoàn để bảo vệ nước Mỹ” (26) mà thôi! Bởi thế, trước một loạt sự kiện xảy ra trên thế giới liên quan tới lợi ích quân sự, chính trị, kinh tế Mỹ ở Béc-lin, ở Trung Đông, đặc biệt ở Triều Tiên, chính quyền Mỹ vô cùng lúng túng (27).
        Lợi dụng việc Mỹ bị sa lầy trong chiến tranh Việt Nam, các đồng minh chiến lược của Mỹ là Tây Âu và Nhật Bản đã nhanh chóng vươn lên, trở thành đối thủ cạnh tranh với Mỹ về kinh tế, chính trị. Liên Xô, Trung Quốc và khối hiệp ước Vác-sa-va ra sức tăng cường về nhiều mặt, đặc biệt là về quân sự.
        Như vậy, “TẾT Mật thân” rõ ràng đã như một nguyên cớ trực tiếp phơi bày toàn bộ sự thất bại của chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ, buộc Chính phủ Mỹ phải đối mặt với một thực tế khắc nghiệt là: Nếu Mỹ vẫn tiếp tục theo đuổi chiến tranh trên con đường cũ thì sẽ gây ra những hậu quả “không thể kể xiết cho vị trí kinh tế của Mỹ trong nước cũng như ở ngoài nước, cho sức mạnh quân sự của Mỹ ở những nơi khác và cho đời sống chính trị của Mỹ nữa” (28). Thực tế này khiến cho giới tài chính và công nghiệp Mỹ buộc phải thay đổi quan điểm đối với chiến tranh Việt Nam. Tất cả những điều trên đây đã tác động mạnh vào Tổng thống Mỹ, khiến cho ngày 22 tháng 3 năm 1968, tại Phòng Bầu dục, trước đông đảo giới báo chí, phóng viên truyền hình, Tổng thống Mỹ buộc phải thông báo sự thay đổi nhân sự trong chính phủ (chủ yếu là đối với một số tướng lĩnh cao cấp liên quan chặt chẽ tới cuộc chiến tranh Việt Nam). Đô đốc Sáp (G.Shap) – người chủ trương tăng quân vào miền Nam, đẩy mạnh ném bom miền Bắc, thôi giữ chức Tư lệnh Thái Bình Dương. Tướng Oét-mo-len thôi giữ chức tư lệnh Bộ chỉ huy Viện trợ quân sự Mỹ tại Sài Gòn (MACV) (29). Tướng A.Bram được gọi về Oa-dinh-tơn để trình bày kế hoạch quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam… Ngay ngày hôm sau (26-3-68), Giôn-xơn đã cử Uyn-lơ bí mật bay đi Clác (Phi-líp-phin) gặp Oét-mo-len. Tại đây, ông thông báo cho Oét-mo-len rằng: số quân 206.000 mà ông và tướng Oét-mo-len xin tăng viện đã hoàn toàn bị bác bỏ, chiến lược “tìm và diệt” đang bị chê trách ở Mỹ. Ông yêu cầu Oét-mo-len phải tìm một tên gọi khác thay thế. Sau đó, MAVC đã lệnh cho các cấp chỉ huy dưới quyền trong các văn bản không được dùng từ “Tìm và diệt”; thay vào đó, các cuộc hành quân cơ động tấn công bắt đầu được gọi là các cuộc “càn quét chiến đấu”, “trinh sát có vũ trang”, hoặc đơn giản là các “cuộc càn quét” (30). Đến đây. Vai trò của giới tài chính và công nghiệp đầy thế lực của Mỹ lại xuất hiện. Liền trong hai ngày 25 và 26 tháng 3, “Nhóm thông thái” đã họp ở Oa-dinh-tơn để bày tỏ quan điểm của họ đối với cuộc chiến tranh Việt Nam. Tại cuộc họp này, Giôn-xơn buồn bã lắng nghe và kết luận rằng: “trừ các ông Mớc-phi, Brét-ti, Tay-lo, Phoóc-tát và tướng Uyn-lơ, còn tất cả mọi người đều đề nghị rút ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam” (31) Thái độ mà phóng viên S.H.Lo-ry của tờ Lốt Ăng-giơ-lét gọi là “quay ngoắt” của hầu hết những người am hiểu đối với cuộc chiến tranh đã khiến cho Giôn-xơn càng “giao động một cách sâu sắc” (32).
        “Một trong những điều trớ trêu của cuộc chiến này là các án tử tình cho cuộc phiêu lưu mà Đin A-ki-sơn đã có nhiều trách nhiệm trong việc khởi sự cũng lại do chính ông đọc” (33). Cái “bản án tử hình” cho cuộc chiến tranh cục bộ của Mỹ ở Việt Nam là sự tóm lược quan điểm của đa số thành viên trong nhóm “Những nhà thông thái”. Theo đó, Mỹ “không còn có thể nào làm được cái công việc mà Mỹ đã khởi sự 3 năm trước đây, do vậy, Mỹ buộc phải “bắt đầu có biện pháp rút lui” (34).
        Tháng 3-1968, việc lựa chọn đã trở thành dứt khoát” (35). Ngày 31 tháng 3 năm 1968, trong điện văn gửi đại sứ Mỹ tại Úc, Tân Tây Lan, Thái Lan, Lào, Phi-líp-phin và Nam Triều Tiên, Bộ Ngoại giao Mỹ đã “nhấn mạnh chủ yếu đến ý nghĩa quan trọng của việc tăng cường hiệu lực chiến đấu của chinh phủ Nam Việt Nam và quân đội Việt Nam Cộng Hòa với trang bị và các thứ chi viện cần thiết khác của Mỹ, coi đó là ưu tiên hàng đầu trong các hành động của Mỹ” (36). Mấy giờ sau, vào đêm ngày hôm ấy (31-3-1968), với vẻ đắn đo và trang trọng, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn xuất hiện trên vô tuyến truyền hình toàn Liên bang đọc bài diễn văn “quan trọng nhất trong cuộc đời chính trị của ông ta, bài diễn văn bi thảm nhất, mà ông ta hoặc bất cứ một tổng thống nào khác của Mỹ đã đưa ra về Đông Dương” (37), trong đó ông tuyên bố: chấm dứt việc ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra, sẵn sàng cử đại diện đi vào đàm phán với VNDCCH, chấm dứt thời kỳ trong đó Mỹ “tăng cường cam kết đưa các lực lượng quân Mỹ vào cuộc chiến tranh trên bộ” (38), “việc trang bị lại cho quân đội Nam Việt sẽ được tăng nhanh để tạo cho chúng khả năng đảm nhận trách nhiệm lớn hơn trong việc phòng thủ Nam V.N” (39). Cuối cùng, ông tuyên bố thôi không ra tranh cử chức vụ Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tiếp theo.
        Bài diễn văn lập tức gây nên “tác động mãnh liệt ở Hoa Kỳ và khắp thế giới” (40). Nó chứng tỏ một điều hiển nhiên rằng: “Hoa Kỳ đã vượt qua một bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến tranh cũng như trong chính sách và không có chuyện quay trở lại nữa” (41).
        Như vậy, với quyết định ngày 31 tháng 3 năm 1968, Mỹ mặc nhiên thừa nhận sự thất bại hoàn toàn của chiến lược chiến tranh cục bộ ở Việt Nam. Ngày 31 tháng 3, do đó, đã mở ra “một chương rất nhiều ý nghĩa trong lịch sử can thiệp của Hoa Kỳ: Cuộc chiến tranh Việt Nam đã đi đến chỗ kết thúc” (42) đối với Hoa Kỳ. Từ đó trở đi, mọi diễn biến liên quan tới cuộc chiến tranh này phải được xem xét trong một khung cảnh khác, khung cảnh mà tất cả cục diện và khuôn khổ của cuộc chiến tranh đã thay đổi.
CHÚ THÍCH
(1)  Don Oberdoifer: TẾT Nxb. Tổng hợp An Giang trích dịch, 1988, tr. 180.
(2) P.B.Davidson: Cuộc tấn công Tết, Tạp chí Lịch sử quân sự trích dịch, số 1-1993.
(3) Don Oberdoifer, TẾT, Sđd tr. 44
(4) (5) (6) Lời của E.Mc.Các-ti, G.Rôn-nây, R.Ken-nơ-đi. Dẫn theo Don Oberdoi fer: TẾT, Sđd tr.116
(7) (8) Ký ức của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Clark Clifford về cuộc họp với giới quân sự cao cấp sau cuộc tiến công Tết Mậu thân, Tạp chí Lịch sử quân sự dịch đăng, số 1-1993.
(9) Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ, VNTTX dịch và phát hành, 8-1971, tập I. tr. 247.
(10) TẾT, sđd, tr. 106.
(11) (12) Tau-xen-hup-pơ: Những giới hạn của sự can thiệp.
(13, 14) Tài liệu mật Bộ quốc phòng Mỹ, T I đã dẫn, tr. 246, 247, 255 ;
(15) TET, Sđd, tr. 116.
(16) Dẫn theo G.Côn-cô: “Giải phẫu một cuộc chiến tranh” Nxb QĐND.
(17, 18) TET, Sđd, tr. 63,159,163
(19) TET Sđd, tr. 63, 159. 163.
(20) (21) (22) (24) TET, Sđd, tr. 163, 162.
(23) Hết thảy thành viên thuộc nhóm này đã từng giữ các chức vụ cao trong chính phủ hoặc đã làm cố vấn cho các tổng thống Mỹ từ thời Tru-man, Ai-xen-hao, Ken-nơ-đi, Giôn-xơn.
(25)  Giải phẫu một cuộc chiến tranh, T1, Sđd, tr. 295
(26) Lời của một thành viên thuộc Ủy ban Quân lực Thượng nghị viện Mỹ. Dẫn theo Don Oberdoifer: Tết, Sđd tr. 134.
(27) Ngày 23-1-1968, nước CHDCDN Triều Tiên bắt giữ chiếc tàu tình báo Pu-ê-blô của Mỹ và 83 người có mặt trên tàu. Vô tuyến truyền hình nước này đã chiếu lại cảnh những người bị bắt, bị giải đi trên đường. Sự kiện này là “một hành động làm nhục chính quyền Mỹ và chứng minh rằng chính quyền đã bất lực” (G.Côn-cô): Giải phẫu một cuộc chiến tranh, t1, Sđd, tr. 291.
(28) G.Côn-cô: Giải phẫu một cuộc chiến tranh, tI, Sđd, tr. 312.
(29) Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ bình luận: “Điều khá rõ ràng là Tổng thống đã có quyết định về cuộc chiến tranh trên bộ trước ngày 22-3; vào ngày đó, Tổng thống đã công bố tướng Oét-mo-len sẽ được thay thế trong chức vụ BCH viện trợ Hoa Kỳ tại Việt Nam”.
(30) Cũng theo Don Oberdoifer, trong cuộc họp này, H.Ca-bốt Lốt-người từng hai lần làm đại sứ Mỹ ở Nam Việt Nam, người chuyên theo dõi tình hình VN cho Ken-nơ-đi và Giôn-xơn đã yêu cầu Giôn-xơn phải khẩn cấp xem xét để chuyển từ chiến lược “chiến tranh tiêu hao” và biện pháp chiến lược “tìm và diệt” sang một chiến lược mới. Chiến lược mới này nhấn mạnh vai trò của lực lượng quân sự Mỹ chỉ là “Tấm lá chắn” dựa vào đó, quân đội và chính quyền Nam Việt Nam phải được tổ chức lại để đảm nhận trách nhiệm chiến tranh.
(31) Lời kết luận Hội nghị của Giôn-xơn ngày 26-3-1968, Dẫn theo TET, Sđd, tr. 176.
(32) Tài liệu mật BQP Mỹ, tI đã dẫn, tr. 257.
(33) Nây Si-hân. Lời nói dối hào nhoáng, Nxb.Thành phố Hồ Chí Minh dịch và giới thiệu, 1990, t2, tr. 429
(34) Nây Si-hân: Lời nói dối hào nhoáng. Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh dịch và giới thiệu, 1990, t2, tr. 429.
(35, 36) Dẫn theo Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ, tập I tr. 258, 269.
(37,38) Pi-tơ A Phu-lơ: Nước Mỹ và Đông Dương từ Ru-dơ ven đến Ních-xơn, Nxb Thông tin lý luận dịch và giới thiệu, H. 1986, tr. 259, 260
(39) Nước Mỹ và Đông Dương từ Ru-dơ-ven đến Ních-xơn, Sđd, tr. 260.
(40, 41, 42) Những đoạn trích là bình luận của người viết tài liệu mật Lầu Năm góc về diễn văn ngày 31-3-1968 (Tài liệu mật Lầu Năm góc, thư viện Quân đội Trung ương sao lục, lưu trữ tại VLSQSVN, số ký hiệu VL 781. 82, tr. 568, 569).

Download toàn văn bài viết tại:Trang Web NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!