Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013

LỰC LƯỢNG VŨ TRANG BA THỨ QUÂN VỚI CUỘC CHIẾN ĐẤU CHỐNG CHIẾN TRANH PHÁ HOẠI CỦA KHÔNG QUÂN VÀ HẢI QUÂN MỸ (1965-1972)


Chống phá miền Bắc nhằm hỗ trợ cho nỗ lực quân sự ở miền Nam luôn là một ưu tiên hàng đầu của Mỹ trong toàn bộ cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Song song với quá trình đưa lục quân Mỹ vào miền Nam, Mỹ dùng không quân, hải quân mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc trên quy mô lớn, với cường độ ngày càng khốc liệt, ngày càng dữ dội.
Từ năm 1965, chiến tranh lan rộng ra cả nước. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11 (khoá III) tháng 3.1965 quyết định chuyển toàn bộ hoạt động miền Bắc từ thời bình sang thời chiến nhằm bảo đảm cho miền Bắc có đủ sức mạnh đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của hai quân chủng “át chủ bài” trong lực lượng quân sự khổng lồ của Mỹ và làm tròn vai trò, nhiệm vụ hậu phương lớn - vai trò có ý nghĩa thường xuyên quyết định thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam.
Chuyển đất nước từ thời bình sang thời chiến là cả một quá trình gian khổ, khó khăn, mà ở đó, biết bao vấn đề to lớn, phức tạp đặt ra đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phải tăng cường đoàn kết xung quanh Ban Chấp hành Trung ương, ra sức khắc phục gian khổ hy sinh, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nỗ lực phấn đấu thực hiện
Cùng với việc chuyển hướng về tư tưởng, tổ chức, chuyển hướng nền kinh tế, miền Bắc nhanh chóng tăng cường lực lượng vũ trang ba thứ quân, triển khai thế trận chiến tranh nhân dân đất đối khôngđất đối biển, sẵn sàng giáng trả đích đáng và hiệu quả không quân, hải quân Mỹ trên vùng trời, vùng biển miền Bắc. Theo lời kêu gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, khắp nơi trên miền Bắc, các phong trào thi đua “ba sẵn sàng”, “ba đảm đang”... dấy lên sôi nổi và mạnh mẽ, biểu hiện khí thế của người dân hậu phương. Năm 1965, gần 290.000 thanh niên tình nguyện gia nhập quân đội, trong đó, tháng 5.1965, đã có tới 150.000 người. Những tháng cuối năm 1965, hàng chục nghìn thanh niên và quân nhân chuyển ngành hoặc phục viên được động viên vào quân đội, hàng chục nghìn người khác được gọi vào lực lượng thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến. Đến cuối năm 1965, khối bộ đội chủ lực trên miền Bắc tăng từ 195.000 lên 400.000 quân; các quân chủng, binh chủng cũng tăng gấp ba lần so với một năm trước đó. Riêng Quân chủng Phòng không - Không quân, những tháng năm ấy, đã phát triển vượt bậc - không chỉ có pháo phòng không mà còn có các binh chủng tên lửa đất đối không, rađa cảnh giới, không quân tiêm kích. Nếu năm 1964, lực lượng phòng không miền Bắc chỉ có 15 trung đoàn và 14 tiểu đoàn pháo cao xạ, 1 trung đoàn không quân tiêm kích, 2 trung đoàn rađa, thì từ năm 1965 đến 1967, con số đó tăng lên 33 trung đoàn và 66 tiểu đoàn cao xạ, 10 trung đoàn tên lửa đất đối không, 2 trung đoàn không quân tiêm kích, 4 trung đoàn và 1 tiểu đoàn rađa. Đến năm 1972, số trung đoàn, tiểu đoàn pháo phòng không của bộ đội chủ lực tăng gấp 5 lần đến 7 lần so với năm 1965. Bên cạnh bộ đội phòng không chủ lực, lực lượng phòng không của bộ đội địa phương cũng phát triển với tốc độ nhanh, được tổ chức thành nhiều tiểu đoàn, nhiều đại đội pháo phòng không 12,7 mm, 14,5 mm, 37 mm, 100 mm; dân quân tự vệ hình thành hàng nghìn đơn vị trực chiến, tham gia phối hợp chiến đấu với bộ đội.
Cùng với lực lượng phòng không, lực lượng phòng thủ biển cũng có bước phát triển mạnh mẽ, bao gồm các đơn vị pháo binh bờ đối biển của chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ. Đến năm 1972, pháo binh của bộ đội chủ lực có 12 trung đoàn, 1 tiểu đoàn, 4 đại đội; của bộ đội địa phương, dân quân tự vệ lên tới 500 đơn vị và được trang bị các loại pháo bắn biển nhiều gấp 17 lần so với năm 1964.
Toàn bộ lực lượng phòng không, phòng thủ biển được bố trí thành thế trận chiến tranh nhân dân, vừa đánh địch rộng khắp vừa tập trung hoả lực mạnh bảo vệ các khu vực mục tiêu trọng điểm. Thế trận đó cho phép quân dân miền Bắc đánh địch rộng khắp, liên tục ở mọi nơi, mọi lúc và sáng tạo nhiều cách đánh mưu trí, táo bạo, hiệu quả cao, vô hiệu hóa được nhiều thủ đoạn đánh phá cũng như nhiều loại vũ khí, khí tài hiện đại của máy bay, tàu chiến Mỹ.
Các lực lượng vận tải và đảm bảo giao thông như công binh, vận tải quân sự, vận tải Nhà nước, vận tải nhân dân ..., theo nhịp độ gia tăng của chiến tranh, cũng ngày càng lớn mạnh, đáp ứng đòi hỏi của tình hình.
Với quyết tâm cao, cơ cấu, tổ chức và bố trí lực lượng, bố trí thế trận hợp lý; với vũ khí, trang bị, phương tiện đảm bảo ngày càng được cải tiến và tăng cường; với trí tuệ, tài năng, lòng dũng cảm của con người Việt Nam, lực lượng phòng không, phòng thủ biển và lực lượng đảm bảo vận tải ba thứ quân trên miền Bắc thực sự là lực lượng nòng cốt phát động phong trào toàn dân tham gia chống chiến tranh phá hoại.
Leo thang đánh phá miền Bắc, mục tiêu hàng đầu của phía Mỹ là khuất phục ý chí chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương cho tiền tuyến. Để đạt được mục tiêu đó, Mỹ đã không từ một thủ đoạn và biện pháp đánh phá nào – dù tàn bạo, độc ác đến đâu, hòng “đưa miền Bắc trở lại thời đồ đá”. Theo tính toán của một số tác giả người Mỹ, chỉ tính đến năm 1967 thôi, thì không lực Hoa Kỳ cũng đã kịp ném xuống miền Bắc Việt Nam 1.630.000 tấn bom đạn các loại, nghĩa là nhiều hơn khối lượng bom đạn mà Mỹ ném xuống chiến trường châu Âu trong Thế chiến 2 và gấp đôi số bom ném xuống Triều Tiên, gấp ba lần số bom ném xuống chiến trường Thái Bình Dương trong Thế chiến 2. “Cái thác bom dội xuống Việt Nam đạt tới mức cứ mỗi dặm vuông hứng chịu tới 12 tấn ở cả miền Bắc và miền Nam, và khoảng 100 pao (50kg) chia cho mỗi đầu người dân Việt, kể cả đàn bà và trẻ con mà rất nhiều người trong số họ không nặng tới trọng lượng đó – kể cả máu, thịt và xương”. Lời nhận xét trên đây của tác giả Don Oberdoifer, quả thật đã được chứng tỏ trên thực tế. Cơ quan phân tích Cục tình báo Trung ương Mỹ ước tính, chiến dịch ném bom miền Bắc của Mỹ đã cướp đi sinh mạng 13.000 người dân trong năm 1965, 24.000 người trong năm 1966, khoảng 29.000 người trong năm 1967 và con số đó tăng theo nhịp độ của các bước “leo thang”. Hầu hết toàn bộ hệ thống giao thông, cầu đường, nhà ga, kho bãi, bệnh viện, trường học, nhiều cơ sở kinh tế, công trình công cộng, hệ thống thuỷ lợi như đê điều, đập nước bị bom đạn Mỹ tàn phá nặng nề; trong đó có hàng trăm trường học và cơ sở y tế, hàng trăm nhà thờ và chùa chiền, hàng chục thị xã và thành phố bị san phẳng ...
Trong khói lửa chiến tranh, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nêu cao quyết tâm, tăng cường đoàn kết, bền lòng đánh Mỹ. Nhờ thế, dù chiến tranh khốc liệt, cuộc sống bị đảo lộn, tổn thất về người và của ngày càng nặng nề..., nhưng suốt những năm tháng gian lao mà hào hùng thuở ấy, miền Bắc vẫn vững vàng trong lửa đạn, sản xuất và đảm bảo giao thông không bị ngưng trệ; người hậu phương đầy bản lĩnh, tự tin, ngẩng cao đầu đánh Mỹ và trừng trị đích đáng không lực Hoa Kỳ - “át chủ bài” của lực lượng quân sự khổng lồ của Mỹ. Trong cuộc chiến đấu đó, quân dân miền Bắc đã kết hợp chặt chẽ phương thưc tác chiến tại chỗ và rộng khắp của lực lượng phòng không, phòng thủ biển của cả ba thứ quân với phương thức tác chiến hiệp đồng binh chủ - chủ yếu là Quân chủng Phòng không - Không quân. Một sự kết hợp như vậy cho phép vận dụng và sáng tạo nhiều cách đánh độc đáo phù hợp với con người Việt Nam, điều kiện Việt Nam, tạo nên lưới lửa phòng không, phòng thủ liền mạch, dày đặc, rộng khắp và đầy hiệu lực. Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ thừa nhận: “Trong chiến dịch đánh phá bằng không quân vào các khu vực được bảo vệ dày đặc ở miền Bắc Việt Nam, cứ mỗi lần xuất kích, Mỹ mất một phi công”. Báo Mỹ Người hướng dẫn khoa học Đạo Thiên chúa số ra ngày 22.7.1967 xác nhận rằng: “Trong khi đánh nhau với pháo bờ biển miền Bắc Việt Nam, các tàu chiến Mỹ đã gặp phải sự chống trả ngày càng có hiệu lực. Các tàu khu trục và tuần dương phải chạy nhanh qua vùng nguy hiểm để bắn vào mục tiêu trên bờ”. Còn như, những nỗ lực chặn cắt luồng tiếp tế từ ngoài vào miền Bắc và từ miền Bắc vào miền Nam của không quân và hải quân Mỹ, cũng không mang lại hiệu quả như phía Mỹ trông đợi. Tất cả những thực tế đó, không phải sau này mà ngay từ những năm đầu chiến tranh phá hoại, giới chức cao cấp Mỹ đã nhận thấy rằng: “Không một khối lượng bom đạn nào ném xuống miền Bắc - trừ phi có một sự huỷ diệt mang tính diệt chủng, điều mà không một ai tính tới, mới có thể chấm dứt nổi cuộc chiến tranh” (thừa nhận của Mc Namara trong cuốn: Nhìn lại quá khứ - tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam). Vả chăng, như chính Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mc Namara trong Bị vong lục gửi lên Tổng thống Mỹ Giônxơn ngày 15.9.1967 mà ở đó, ông cho răng: “Hình ảnh một siêu cường lớn nhất thế giới cứ mỗi tuần lại giết hại hoặc làm bị thương 1.000 dân thường trong khi tìm cách khuất phục một dân tộc bé nhỏ, lạc hậu vì một vấn đề mà giá trị của nó đang bị tranh cãi sôi nổi - hình ảnh ấy không đẹp đẽ gì”.
Nhìn chung lại, trải qua hai lần đương đầu với không quân, hải quân Mỹ, quân và dân hậu phương miền Bắc đã hiên ngang giáng trả mạnh mẽ và đích đáng hai quân chủng hùng hậu này của quân đội Hoa Kỳ, gây cho chúng nhiều tổn thất nặng nề về người lái, về máy bay, về tàu chiến; làm suy giảm ý chí xâm lược của giới lãnh đạo cao cấp Oasinhtơn, làm thất bại âm mưu đàm phán trên thế mạnh của họ ở Hội nghị Pari ...
Cuộc chiến đấu bảo vệ hậu phương miền Bắc là một phận rất quan trọng của cuộc chiến tranh nhân dân của cả nước chống lại sự xâm lược của Mỹ trong thời kỳ từ 1954 đến 1975. Với thắng lợi qua hai lần đọ sức trực tiếp với những “thần sấm”, “con ma”, “pháo đài bay B52”, “cánh cụp, cánh xoè” của không lực Hoa Kỳ, miền Bắc đã chứng tỏ trên thực tế sức mạnh và tính bền vững của một hậu phương được tổ chức chặt chẽ do chế độ ưu việt được thiết lập và củng cố vững chắc, nhờ khối đại đoàn kết toàn dân không ngừng được chăm lo mở rộng, tăng cường. Và trên nền chung đó, lực lượng phòng không, phòng thủ biển và các lực lượng vận tải, đảm bảo giao thông ba thứ quân được xây dựng và phát triển theo một đường lối đúng đắn, bằng những giải pháp hiệu quả. Nhờ vậy, các lực lượng này ngày càng lớn mạnh cả về đội ngũ, cả về trang bị vũ khí và trình độ tác chiến; thực sự đóng vai trò nòng cốt để Đảng tổ chức thắng lợi cuộc chiến tranh nhân dân đất đối không và đất đối biển đánh bại các mục tiêu chiến lược của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.


Download toàn văn bài viết tại: Trang Web NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!