Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

TẾT MẬU THÂN 1968 – CỘT MỐC LỚN TRONG SỰ NGHIỆP KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỦA NHÂN DÂN VIỆT NAM



PGS, TS. HỒ KHANG[1]
          Cuộc chiến tranh cục bộ (1965 – 1968) là đỉnh cao nhất trong toàn bộ nỗ lực chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ (1954 – 1975). Cuộc chiến tranh đó, đến giữa năm 1967, đã trải qua hai năm. Trong khoảng thời gian này, Mỹ ồ ạt tăng quân và phương tiện chiến tranh vào miền Nam, liên tiếp tung ra hai cuộc phản công chiến lược với hàng nghìn cuộc hành quân “tìm diệt” của quân Mỹ và quân đồng minh đánh sâu vào toàn bộ hệ thống căn cứ địa cũng như vùng giải phóng của cách mạng miền Nam. Trên miền Bắc, cuộc chiến tranh phá hoại của không quân, hải quân Mỹ ngày càng gia tăng cả về quy mô lẫn cường độ đánh phá. Trước sự hung hãn tột độ của đế quốc Mỹ, cả thế giới lo lắng dõi theo cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Việt Nam – một đất nước nhỏ bé, thua kém Mỹ nhiều lần về sức mạnh kinh tế, quân sự, có đương đầu được với đế quốc Mỹ.
  Và liệu “đốm lửa Việt Nam” có bùng lên và lan nhanh thành đám cháy thiêu đốt nhân loại như cuộc chiến tranh thế giới đã qua? Đó quả thực là những băn khoăn, những câu hỏi lớn của nhiều quốc gia trên thế giới ngày ấy. Những băn khoăn, những câu hỏi này, cùng với thời gian, đã dần dần được thực tiễn cuộc chiến đấu của quân và dân Việt Nam trên cả hai miền Nam, Bắc giải đáp.
          Qua hai năm trực tiếp đương đầu với lục quân, không quân, hải quân Mỹ, quân và dân Việt Nam đã bền bỉ chịu đựng muôn vàn gian khổ, hy sinh, giữ vững niềm tin và quyết tâm, từng bước làm thất bại các mục tiêu quân sự, chính trị của Mỹ trong cuộc chiến tranh này. Suốt quá trình đó, ở miền Nam, lực lượng và thế trận chiến tranh nhân dân ngày càng phát triển trên cả ba vùng chiến lược. Đó là thế trận lồng xen giữa vùng địch kiểm soát, bao vây, áp sát, uy hiếp trực tiếp nhiều căn cứ quân sự, nhiều tuyến giao thông, nhiều vùng ven và cả trong đô thị địch. Trong khói lửa chiến tranh, miền Bắc không nao núng ý chí quyết tâm, thực sự là hậu phương chiến lược ổn định, vững chắc, là chỗ dựa đáng tin cậy cho tiền tuyến lớn miền Nam. Trên thế giới, sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, được nhân dân và chính phủ nhiều nước – đặc biệt là các nước xã hội chủ nghĩa đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ.
          Về phía Mỹ, trải qua hai năm lao sâu vào chiến trường miền Nam, mặc dù cố gắng chiến tranh đã được đẩy tới đỉnh cao, đã chịu nhiều tổn thất, đã áp dụng nhiều thủ đoạn và biện pháp… nhưng Mỹ vẫn không sao giành được quyền chủ động trên chiến trường. Ngược lại, quân Mỹ vẫn luôn ở thế bị động cả về chiến lược lẫn chiến thuật; lực lượng bị căng mỏng, bị gìm chân, và bị vây hãm trong thế trận chiến tranh nhân dân của đối phương; quân đội Sài Gòn chẳng những không làm được nhiệm vụ “bình định” mà chỉ thêm phụ thuộc vào sự có mặt của quân Mỹ… Tất cả những điều đó chứng tỏ Mỹ đang lâm vào tình trạng bị sa lầy, bế tắc cả về chiến lược lẫn chiến thuật trên chiến trường Việt Nam. Điều này càng làm nóng bỏng thêm tình hình chính trị, kinh tế, xã hội nước Mỹ - đặc biệt trong lúc nước Mỹ đang tiến gần tới năm tranh cử tổng thống nhiệm kỳ mới. Đây là một thời kỳ rất nhạy cảm trong đời sống chính trị ở nước Mỹ. Thế nên, cho dù muốn nghiêng theo giới quân sự hiếu chiến để tăng thêm hàng chục vạn quân vào miền Nam, đẩy mạnh hơn nữa chiến tranh phá hoại miền Bắc… nhưng tổng thống Mỹ Giôn-xơn vẫn buộc phải rất thận trọng trong tính toán bước đi của Mỹ sao cho vừa tránh được mọi sự đảo lộn bất ngờ trên chiến trường, vừa làm dịu được sự phẫn nộ của dư luận trong nước… để bước vào năm vận động tranh cử một cách “xuôi chèo, mát mái”. Có thể thấy, đến nửa sau của năm 1967, giới lãnh đạo cao cấp Mỹ đang ngập ngừng đứng giữa một “ngã ba đường” trong việc chọn lựa “đường đi, nước bước” ở Việt Nam!
          Với tầm nhìn chiến lược, Hồ Chí Minh và Đảng LĐVN đã nắm bắt các nhân tố khách quan trên đây. Theo dõi chặt chẽ mọi động thái mới của giới lãnh đạo nước Mỹ, lượng định kịp thời mọi diễn biến trên chiến trường, trong nước và trên thế giới có liên quan tới cuộc chiến tranh, Bộ Chính trị Đảng LĐVN cho rằng: một thời cơ mới đang xuất hiện, cần phải khai thác triệt để để tạo thế xoay chuyển cục diện chiến tranh. Vấn đề đặt ra là: tuy Mỹ bị sa lầy và rất lúng túng trong ý đồ chiến lược, bởi sức mạnh quân sự Mỹ không giành được thắng lợi trên chiến trường Việt Nam, song Mỹ vẫn chưa chịu “xuống thang” chiến tranh, vẫn muốn dùng quân sự ép Việt Nam ngồi vào bàn đàm phán theo điều kiện của Mỹ. Trong khi đó, tuy đã giành được thắng lợi, làm thất bại các mục tiêu quân sự, chính trị của Mỹ qua hai mùa phản công, song Việt Nam cũng chưa thể nào đủ lực để mong đánh bật được hơn 50 vạn quân Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam. Muốn chớp thời cơ có lợi để tạo nên bước ngoặt quyết định của chiến tranh – trong điều kiện so sánh lực lượng quân sự vẫn nghiêng về phía địch – cần giải quyết một loạt vấn đề thuộc về nghệ thuật chỉ đạo chiến lược nhằm giáng một đòn quyết liệt vào ý chí xâm lược của Mỹ. Một đòn như thế, nếu thực hiện vào năm 1967 là sớm (vì cuộc chiến tranh cục bộ của Mỹ mới chỉ diễn ra 2 năm); nhưng lùi sang năm 1969 lại là muộn (vì kỳ bầu cử Tổng thống nước Mỹ đã kết thúc). Đây là lúc đòi hỏi các cơ quan chỉ đạo chiến lược phải rất mẫn cảm trong việc tính toán, cân nhắc, chọn lựa thời điểm, cách thức, tung ra đòn đánh quyết định trên chiến trường chính miền Nam.
          Trước thế cục như vậy, từ tháng 5-1967 đến đầu năm 1968, các cơ quan chỉ đạo chiến lược của Việt Nam DCCH đã có nhiều cuộc họp quan trọng, nhận định: Nếu tiếp tục mở các đợt hoạt động quân sự như trước, đánh theo cách đánh cũ thì khó tận dụng được thời cơ có lợi để tạo nên chuyển biến chiến lược trên chiến trường. Chiến tranh vẫn diễn ra ở thế dằng co. Nhưng mặt khác, trước một đối thủ quân số đông, hỏa lực mạnh, tiếp ứng nhanh, chiếm ưu thế áp đảo trên không, trên sông, trên biển như quân Mỹ ở miền Nam lúc này thì phương án bao vây để tiêu diệt trong một trận chiến lược đối với đội quân này – như đã từng làm đối với quân Pháp ở Điện Biên Phủ trước đây là không hiện thực. Vì vậy, tháng 10-1967, Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định thực hiện một phương thức tiến công, một cách đánh mới có hiệu lực cao nhằm vào toàn bộ mục tiêu hiểm yếu, huyết mạch, then chốt của đối phương đúng vào năm nhạy cảm nhất trong đời sống chính trị Mỹ - năm bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ mới; vào thời điểm bất ngờ là đêm giao thừa Tết Mậu Thân 1968… để “chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam sang một thời kỳ mới – thời kỳ giành thắng lợi quyết định”. Đây quả là chủ trương táo bạo, độc lập, tự chủ trong chỉ đạo chiến tranh của Đảng LĐVN. Bởi vì, trong khi quân Mỹ đang thực hiện chiến lược “tìm và diệt” chủ lực, cũng như các cơ quan chỉ đạo cách mạng miền Nam; trong khi chúng vẫn đinh ninh chiến lược của đối phương là “lấy nông thôn để bao vây thành thị”… thì, bằng cách chọn hướng, chọn thời điểm, chọn mục tiêu, chọn phương thức tiến công đồng loạt như thế, lần đầu tiên sau bao năm kháng chiến, Quân giải phóng đã phá vỡ hệ thống phòng thủ đô thị kiên cố, đưa chiến tranh vào ngay giữa vùng hậu phương, hậu cứ của Mỹ - chính quyền và quân đội Sài Gòn, trên quy mô toàn miền, làm đảo lộn thế bố trí chiến lược ở miền Nam, làm sửng sốt nước Mỹ vốn đầy kiêu hãnh, tự tin vào sức mạnh kinh tế và quân sự to lớn của mình… Nhưng quan trọng hơn lại chính là ở chỗ: sự kiện “Tết Mậu Thân” đã như một “phép thử” nhiệm mầu phơi bày toàn bộ những mâu thuẫn mà Mỹ- chính quyền và quân đội Sài Gòn không sao khắc phục được trong đường lối và cách thức tiến hành chiến tranh; làm lộ rõ “gót chân A-sin” của “chàng khổng lồ” Mỹ. Người ta nhận ra rằng, qua thực tế chiến tranh ở Việt Nam sức mạnh kinh tế của quân sự Mỹ là có giới hạn. Nếu Mỹ tiếp tục lao vào chiến tranh Việt Nam theo chiến lược cũ sẽ phải gánh chịu những hậu quả “không sao kể xiết cho vị trí kinh tế của Mỹ trong nước cũng như ở nước ngoài, cho sức mạnh quân sự của Mỹ ở những nơi khác và cho đời sống chính trị của Mỹ”. Sự kiện này đã mở đầu một cao trào chống chiến tranh hết sức mạnh mẽ của nhân dân Mỹ và kéo dài suốt những năm sau đó. Ngay cả các tập đoàn tài chính – công nghiệp đầy thế lực ở Mỹ bị “vỡ mộng”, cũng phải thay đổi quan điểm đối với “cuộc chiến tranh bên kia bờ đại dương”, không còn tích cực hậu thuẫn cho chính sách chiến tranh Việt Nam của chính quyền Giôn-xơn nữa.
          Bởi thế, vào đêm 31-3-1968, với dáng vẻ đắn đo và mệt mỏi, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn xuất hiện trước vô tuyến truyền hình toàn liên bang để đọc bài diễn văn quan trọng nhất trong cuộc đời hoạt động chính trị của ông và cũng là “bài diễn văn bi thảm nhất”[2] mà suốt 21 năm dính líu ở Việt Nam, chưa một vị tổng thống Mỹ nào phải đưa ra. Trong bài diễn văn đó, Giôn-xơn tuyên bố: Mỹ đơn phương chấm dứt thời kỳ đưa quân chiến đấu Mỹ vào miền Nam, ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, sẵn sàng cử đại diện đàm phán với Việt Nam DCCH. Bài diễn văn lập tức gây nên một “tác động mãnh liệt ở Hoa Kỳ và khắp thế giới”; nó chứng tỏ một thực tế hiển nhiên rằng: “Hoa Kỳ đã vượt qua một bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến tranh cũng như trong chính sách và không có chuyện quay trở lại nữa”.
          Như vậy, với quyết định ngày 31-3-1968, Mỹ mặc nhiên thừa nhận sự thất bại hoàn toàn của chiến lược “chiến tranh cục bộ”. Ngày 31-3, do đó, đã mở ra “một chương rất nhiều ý nghĩa trong lịch sử can thiệp của Hoa Kỳ: cuộc chiến tranh Việt Nam đã đi đến hồi kết thúc” đối với Hoa Kỳ. Từ đó, phù hợp với việc thay đổi chiến lược chiến tranh-từ chiến tranh cục bộ sang “phi Mỹ hóa” rồi “Việt Nam hóa” chiến tranh, vai trò, nhiệm vụ của lực lượng quân sự Mỹ trên chiến trường ngày càng giảm mạnh. Đồng thời, Quốc hội Mỹ lần lượt ban hành các nghị quyết hạn chế trước khi chấm dứt hoàn toàn hoạt động chiến đấu của lực lượng đó. Cho dù, sau “Tết Mậu Thân”, sự dính líu quân sự của Mỹ vẫn còn tiếp tục dưới chính quyền Ních-xơn thêm 5 năm và phải 7 năm sau chế độ Sài Gòn mới hoàn toàn sụp đổ… Nhưng, về mặt chiến lược, Mỹ đã công khai thừa nhận sự thua trận từ mùa xuân 1968 bởi tác động sâu rộng, mãnh liệt của “Tết Mậu Thân”. Với ý nghĩa chính trị và quân sự to lớn như vậy “Tết Mậu Thân” trở thành cột mốc ghi dấu bước ngoặt lớn trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam.
 

Download toàn văn bài viết tại: Trang Web NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ




[1] Tạp chí Cộng sản, số 1/1-1998.
[2] P.A. Pu-lơ: Nước Mỹ và Đông Dương từ Ru-zơ-ven đến Ních-xơn, Nxb Thông tin lý luận, Hà Nội, 1985, tr 260.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!