Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

HẬU PHƯƠNG MIỀN BẮC TRONG SỰ NGHIỆP KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC (1954-1975)

HỒ KHANG
          Trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào, hậu phương cũng là nhân tố thường xuyên quyết định thắng lợi. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đối thủ của nhân dân Việt Nam là đế quốc Mỹ - đế quốc mạnh nhất hành tinh. Trong điều kiện đó, để đương đầu và đánh bại quân xâm lược, nhất định dân tộc Việt Nam phải mạnh lên. Muốn vậy, ngoài đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo, cần phải có đường lối và biện pháp xây dựng, bảo vệ hậu phương nhằm tạo nên sức mạnh cần thiết ấy.
          Trên vấn đề này, Việt Nam có kinh nghiệm tích luỹ được trong thời kỳ vận động cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. 

Tuy nhiên, bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, tình hình đất nước, khu vực và thế giới có những đặc điểm khác thời kỳ trước. Những đặc điểm đó tác động tới đường lối kháng chiến, đường lối xây dựng hậu phương kháng chiến của Việt Nam 30 năm sau đại thắng mùa Xuân 1975, bây giờ nhìn lại, Việt Nam càng thấy rõ hơn những nhân tố nền tảng mang ý nghĩa quyết định làm nên thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của toàn dân tộc Việt Nam; bao gồm trong đó đường lối xây dựng, bảo vệ và phát huy sức mạnh của hậu phương lớn miền Bắc. Đường lối đó được thể hiện trong một loạt chủ trương mang tính hệ thống, hình thành giải pháp tối ưu đảm bảo cho miền Bắc trở thành hậu phương- căn cứ địa vững mạnh của cách mạng cả nước suốt 21 năm kháng chiến. Nhưng để có thể đề ra và tổ chức thực hiện được đường lối xây dựng, bảo vệ và phát huy sức mạnh hậu phương, đương nhiên, phải đặt trong bối cảnh tổng thể của toàn bộ tình hình trực tiếp và gián tiếp liên quan tới cuộc chiến và xu hướng chuyển động của tình hình; phải xuất phát từ đường lối chung của cách mạng và đường lối quân sự của Đảng; phải xác định rõ vị trí, vai trò, tác dụng cũng như mối quan hệ biện chứng giữa hai miền Nam, Bắc.
          Trong lãnh đạo, chỉ đạo cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng LĐVN sớm xác định rất rõ kẻ thù chủ yếu, trực tiếp của nhân dân Việt Nam và lường định con đường đấu tranh để hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước sẽ diễn ra lâu dài, gian khổ, ác liệt. Trong cuộc đấu tranh đó, vai trò, vị trí của miền Bắc được xác định rõ ngay từ đầu.
 Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 nhận định: "Miền Bắc là chỗ đứng của ta. Bất kể trong tình hình nào, miền Bắc cũng phải được củng cố”. Tiếp đó, phát biểu trong Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất toàn quốc tháng 9.1955, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “ Miền Bắc là nền tảng, là gốc rễ lực lượng đấu tranh của nhân dân ta. Nền có vững, nhà mới chắc. Gốc có mạnh, cây mới tốt”. Để củng cố, xây dựng miền Bắc vững mạnh, thực sự trở thành nền gốc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, năm 1960, đã chủ trương phải tiến hành cách mạng XHCN ở miền Bắc; cách mạng XHCN ở miền Bắc gắn bó chặt chẽ với cách mạng ĐTCND ở miền Nam và giữ vai trò quyết định nhất đối với sự nghiệp phát triển của toàn bộ sự nghiệp cách mạng cả nước, đối với cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà; cách mạng miền Nam có một vị trí rất quan trọng, nó có tác dụng quyết định trực tiếp đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam. Xác định như vậy tức là Đảng khẳng định phải động viên sức mạnh của toàn dân tộc, của hai miền Nam, Bắc, của mọi người Việt Nam yêu nước để tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, đồng thời nhấn mạnh quyết tâm ghìm đế quốc Mỹ và đánh bại chính sách xâm lược của Mỹ ngay tại chiến trường chính miền Nam.
          Như vậy, từ đầu, vai trò, vị trí của miền Bắc đã được xác định rất rõ. Để làm tròn vai trò đó, miền Bắc phải tiến hành cách mạng XHCN; chỉ có tiến hành cách mạng XHCN, miền Bắc mới trở thành hậu phương- căn cứ địa cách mạng của cả nước, mới đảm đương được vai trò “nền gốc” cho lực lượng đấu tranh cách mạng của nhân dân miền Nam.
          Để xây dựng miền Bắc vững mạnh về chính trị, trong khi lãnh đạo toàn dân và toàn quân tiến hành cải cách ruộng đất, cải tạo các thành phần kinh tế tư nhân, phát hiện và đập tan mọi âm mưu của các thế lực phản động phá hoại hậu phương miền Bắc v.v…, Đảng đồng thời tự chỉnh đốn, tự đổi mới nhằm không ngừng nâng cao sức mạnh và quyền lãnh đạo của Đảng. Chuyển sang làm nhiệm vụ lịch sử của chuyên chính vô sản, chính quyền dân chủ nhân dân từng bước được củng cố, kiện toàn. Sức mạnh của chính quyền bắt nguồn từ khối đại đoàn kết vững chắc của các lực lượng yêu nước tập hợp trong mặt trận dân tộc thống nhất. Trước yêu cầu của cuộc đấu tranh trong giai đoạn cách mạng mới, tháng 9-1955, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra đời. Tuyên ngôn và Cương lĩnh của Mặt trận thể hiện ý chí và nguyện vọng của mọi người Việt Nam yêu nước là đại đoàn kết để hoàn thành sự nghiệp thống nhất tổ quốc. Là chỗ dựa vững chắc của chính quyền, cơ sở để cũng cố Mặt trận, khối liên minh công-nông không ngừng được tăng cường trên nền tảng chính trị kinh tế-xã hội mới.
          Đi đôi với xây dựng miền Bắc vững mạnh về chính trị, Đảng, Nhà nước đề ra và tổ chức thực hiện các kế hoạch kinh tế ngắn hạn và dài hạn nhằm từng bước biến đổi sâu rộng nền kinh tế miền Bắc, làm cho miền Bắc vững mạnh về kinh tế. 10 năm xây dựng trong điều kiện hoà bình và tiếp đó trong điều kiện có chiến tranh, nền kinh tế miền Bắc phát triển vững chắc về cơ cấu, về thành phần, về năng suất. Nền kinh tế đó đi dần vào thế tương đối ổn định và tỏ rõ tác dụng to lớn trong khói lửa đạn bom với 2 ngành sản xuất chính công- nông nghiệp; với 2 hình thức sở hữu bao trùm, quốc doanh và tập thể. Cùng với những biến đổi trong đời sống kinh tế, đời sống văn hoá- xã hội miền Bắc cũng đạt những thành tựu đáng tự hào, dặc biệt là sự nghiệp y tế, giáo dục…Mức sống của các tầng lớp nhân dân chưa cao nhưng xã hội miền Bắc thực sự là xã hội của những người lao động, trong đó, mọi người tin yêu nhau, tin yêu Đảng và Chính phủ, cùng chung sức, chung lòng xây dựng miền Bắc thành hậu phương vững chắc cho cách mạng miền Nam.
          Trên nền móng của chế độ chính trị-xã hội mới, lực lượng vũ trang và nền quốc phòng toàn dân không ngừng được củng cố, tăng cường. Từ chỗ thành phần lực lượng chủ yếu là bộ binh, trang bị thô sơ, phân tán, chiến đấu và công tác trên các chiến trường, lực lượng vũ trang nhân dân nhanh chóng trưởng thành về mọi mặt; bao gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân, du kích. Chế độ xã hội ưu việt trên miền Bắc đã cung cấp cho lực lượng vũ trang những con người mới có giác ngộ chính trị cao, có đạo đức trong sáng, có trình độ khoa học kỹ thuật, có sức khoẻ, hăng hái và đầy nhiệt tình, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Nền quốc phòng miền Bắc là nền quốc phòng toàn dân. Vì vậy, đi dôi với xây dựng lực lượng vũ trang, Đảng, Nhà nước đề ra và thực hiện nhiều biện pháp nhằm tăng cường sức mạnh của nền quốc phòng: giáo dục chính trị, nâng cao ý thức quốc phòng trong nhân dân; kết hợp kinh tế với quốc phòng trong mọi lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, bưu điện… Kết hợp phân chia địa bàn kinh tế với xây dựng tiềm lực quốc phòng từng khu vực; tổ chức và bố trí lực lượng phù hợp với yêu cầu xây dựng kinh tế bảo vệ miền Bắc và sẵn sàng cơ động vào chiến trường miền Nam…Các nông trường, lâm trường quốc doanh và quân đội, các tập đoàn sản xuất của cán bộ miền Nam tập kết ra đời, được bố trí trên những địa bàn có ý nghĩa chiến lược; hoặc mạng đường sá nông thôn liên xã, liên huyện và liên tỉnh đựợc tu bổ, xây dựng mới trong những năm sau chiến tranh từ 1955 đến năm 1965 ở miền Bắc cũng đã chứng tỏ điều đó. Trên thực tế, từ năm 1965 trở đI, nhiều nông trường, lâm trường trở thành địa bàn ém quân, đảm bảo hành quân cho các đơn vị chủ lực vào Nam chiến đấu; mạng đường sá liên xã, liên huyện phát huy tác dụng to lớn chẳng những trong sự nghiệp xây dựng nông thôn mới mà còn trong cuộc chiến đấu bảo vệ miền Bắc, giữ vững mạch máu giao thông, đản bảo sự chi viện liên tục và ngày càng tăng cho chiến trường miền Nam. Ngoài ra, công tác xây dựng các căn cứ, kho tàng, mạng đường phục vụ yêu cầu quân sự được tiến hành có hệ thống, chỉ đạo chặt chẽ từ Trung ương tới cơ sở…
          Cũng phải nói thêm rằng, quá trình xây dựng và chiến đấu không lẻ loi. Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ tích cực cả về vật chất, tinh thần của Liên Xô, Trung Quốc, các nước trong phe xã hội chủ nghĩa khác (khi đó) và nhân dân tiến bộ toàn thế giới. Chưa bao giờ sự giúp đỡ quốc tế đối với cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam to lớn như lúc bấy giờ.
          Như vậy, trong kháng chiến chống Mỹ, hậu phương miền Bắc được xây dựng theo một đường lối đúng đắn, sáng tạo. Đó là đường lối tiến hành cách mạng XHCN ở miền Bắc; gắn chặt nhiệm vụ xây dựng với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc hậu phương; gắn chặt nhiệm vụ chiến lược của hậu phương với nhiệm vụ chiến lược của tiền tuyến. Chế độ xã hội ưu việt được thiết lập không những đảm bảo cho miền Bắc trở thành hậu phương vững mạnh toàn diện, được tổ chức chặt chẽ mà còn mang lại cho người thợ trong xưởng máy, dưới hầm lò, người nông dân trên đồng ruộng, người chiến sĩ trên chiến hào sức mạnh tập thể to lớn và niềm tin không gì lay chuyển vào sự lãnh đạo của Đảng, vào tương lai tốt đẹp. Đó là nguồn gốc, là nền tảng tạo nên sức mạnh và tính bền vững của hậu phương miền Bắc suốt những năm kháng chiến chống Mỹ.
          Suốt những năm đó, miền Bắc đã vươn lên, hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Trong khuôn khổ tham luận này, chúng tôi không thể đề cập một cách đầy đủ vai trò to lớn, mang ý nghĩa thường xuyên quyết định đối với sự nghiệp kháng chiến của miền Bắc mà chỉ nêu ra ở đây một số nội dung rất khái quát sau đây:
          Thứ nhất, miền Bắc, với thủ đô Hà Nội, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị Trung ương Đảng và các cơ quan chiến lược đề ra và chỉ đạo thực hiện đường lối kháng chiến. Một đặc điểm của cách mạng Việt Nam thời kỳ từ năm 1954 đến 1975 là đất nước tạm chia làm hai miền với hai chế độ chính trị xã hội đối lập. Sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, về thực chất và trên thực tế, do một Đảng lãnh đạo, một dân tộc, một nhân dân, một quân đội tiến hành, nhằm mục tiêu chung và cũng là nguyện vọng tha thiết của mọi người Việt Nam yêu nước, là qui luật tồn tại của dân tộc: đó là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thực tế lịch sử cho thấy, từ đường lối chung đến các quyết định trọng đại liên quan tới vận mệnh dân tộc, liên quan tới diễn tiến và toàn bộ quá trình phát triển của cuộc kháng chiến, đều được phát đi từ Hà Nội- Trái tim của cả nước. Vả chăng, sự ổn định, vững vàng của miền Bắc; sự đồng tâm  nhất trí của người hậu phương; niềm tin lớn lao vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi cuối cùng của quân dân miền Bắc đã là một trong những nhân tố nền tảng để Đảng đề ra và chỉ đạo toàn dân, toàn quân trên cả hai miền thực hiện thắng lợi đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
          Thứ hai, Đoàn kết quốc tế, phát huy sức mạnh của thời đại là một bộ phận hợp thành của đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trên vấn đề này, Đảng đặt hoạt động đối ngoại, đấu tranh ngoại giao thành một mặt trận có tầm quan trọng chiến lược. Với tư cách là một quốc gia, một thành viên trong cộng đồng các nước XHCN, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã tiến hành các hoạt động đối ngoại và đấu tranh ngoại giao, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn chiến thắng đối phương. Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam diễn ra trong lúc tình hình thế giới, bên cạnh những thuận lợi, cũng chứa đựng nhiều phức tạp, khó khăn, thử thách, tác động tới sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Trong những điều kiện ấy, nhờ có đường lối kháng chiến và chính sách đối ngoại đúng đắn, sáng tạo; đồng thời nhờ kiên quyết giữ vững nguyên tắc nhưng mềm dẻo về sách lược trong hoạt động đối ngoại và đấu tranh ngoại giao, Việt Nam dân chủ cộng hoà đã phát huy được những nhân tố thuận lợi, hạn chế những khó khăn phức tạp, biến yếu tố quốc tế, yếu tố thời đại thành sức mạnh hiện thực để tăng cường thực lực của cuộc kháng chiến.Trên thực tế, với tác động của hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam cùng với những thắng lợi mà quân và dân giành được trên chiến trường, mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ, đoàn kết với Việt Nam chống đế quốc Mỹ đã hình thành và phát triển; liên minh đoàn kết chiến đấu giữa ba dân tộc trên bán đảo Đông Dương tiếp tục được cũng cố, tăng cường; đã làm phá sản âm mưu và các thủ đoạn thâm độc về ngoại giao của Mỹ hòng cô lập cách mạng và sự nghiệp kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Trong khi đó, chính nước Mỹ bị rung động, bị chia rẽ sâu sắc dưới tác động của những thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo, phi nghĩa ở hai miền Nam, Bắc Việt Nam.
          Thứ ba, xâm lược Việt Nam, ngay từ đầu, giới lãnh đạo Oa-sinh-tơn nhận biết rất rõ vai trò, vị trí có ý nghĩa quyết định của miền Bắc trong việc lãnh đạo điều hành cuộc chiến đấu của quân và dân ở miền Nam. Sau này, Tổng kết chiến tranh Việt Nam của Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã phải ghi nhận: “ Việt Nam dân chủ cộng hào đã nắm được ngọn cờ dân tộc và chống thực dân, nên chính phủ Việt Nam cộng hoà (tức chính quyền Sài Gòn) chỉ còn lại độc ngọn cờ chống cộng”. Chính vì thế, suốt 21 năm tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, vừa đẩy mạnh các nỗ lực quân sự, chính trị ở miền Nam, đế quốc Mỹ đồng thời gia tăng các hành động chống phá miền Bắc, từ bí mật đến công khai, từ leo thang tới “trả đũa ồ ạt”, kể cả việc sử dụng những thủ đoạn ngoại giao độc ác hòng cô lập cách mạng Việt Nam, cô lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Như vậy, miền Bắc XHCN luôn là một nhân tố chi phối mạnh mẽ mọi tính toán chiến lược của đế quốc Mỹ trong vấn đề Việt Nam. Có thể quan sát sự chi phối này trên hai mặt: một mặt, để uy hiếp tinh thần kháng chiến của nhân dân Việt Nam, ngăn chặn sự chi viện từ ngoài vào miền Bắc và từ miền Bắc vào miền Nam, đế quốc Mỹ đã sử dụng  không quân và hải quân- hai “át chủ bài” của lực lượng quân sự Mỹ, gây ra cuộc chiến tranh phá hoại tàn khốc đối với miền Bắc; đó là chưa kể cuộc chiến ngăn chặn dữ dội mà quân đội Mỹ và quân đội Sài Gòn tiến hành trên tuyến vận tải Trường Sơn. Thế nhưng, những nỗ lực đó của đế quốc Mỹ chẳng những không thực hiện được mà ngược lại, họ đã buộc phải chịu những tổn thất nặng nề về sinh lực, phương tiện chiến tranh. Chỉ riêng hai lần gây chiến tranh phá hoại miền Bắc, Mỹ đã mất 4.181 máy bay (trong đó có 68 máy bay B52 và 13 máy bay F111); 271 tàu chiến và tàu biệt kích. Bên cạnh đó, việc đánh phá miền Bắc- một nước có chủ quyền, lại đặt Mỹ vào một tình thế chứa đầy mâu thuẫn trong chiến lược của Mỹ và đây là mặt thứ hai trong sự tác động của miền Bắc đối với chiến lược của Mỹ. Khi  Mỹ hao tổn sức người, sức của vào việc đánh phá miền Bắc thì chính là lúc Mỹ đã rơi vào một canh bạc vô vọng. Bởi vì, leo thang đã khó - mà leo thang đến đâu thì Mỹ chưa thể lường trước được vì đây không chỉ ở chỗ tiềm lực quân sự Mỹ có giới hạn mà còn là ở chỗ đụng tới miền Bắc là Mỹ phải tính toán tới phản ứng của Liên Xô, Trung quốc và hệ thống XHCN lúc ấy. Nhưng không leo thang thì vô hình trung Mỹ đã tự thừa nhận thất bại trong âm mưu đánh phá miền Bắc, sự bất lực trong việc ngăn chặn luồng tiếp tế từ miền Bắc vào miền Nam…Cho nên, việc đánh phá miền Bắc hòng uy hiếp tinh thần kháng chiến của người hậu phương, suy cho kỹ, lại là sự thử thách ý chí xâm lược của chính Mỹ. Những đợt ném bom ào ạt miền Bắc rồi tạm ngưng để mà cả với phía VNDCCH về một hiệp định đình chiến, những thủ đoạn ngoại giao thâm độc hòng cô lập cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam…đã chứng tỏ mâu thuẫn đó trong chiến lược của Mỹ. Rõ ràng, cuộc chiến đấu của quân và dân Việt Nam trên vùng trời, vùng biển miền Bắc và trên tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã góp phần làm thất bại các nỗ lực quân sự và góp phần quan trọng làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ.
          Thứ tư, suốt 21 năm chiến tranh, đặc biệt từ sau Nghị quyết Hội nghị BCHTW Đảng lần thứ 15, miền Bắc đã chi viện liên tục, toàn diện với nhịp độ ngày càng tăng, đáp ứng đòi hỏi của chiến trường miền Nam, cách mạng miền Nam, cách mạng Lào và tiếp đó, cho cách mạng Campuchia. Năm 1959, miền Bắc đưa vào miền Nam hơn 500 người. Năm 1964, con số đó tăng lên hơn 17 nghìn. Trong vòng 10 năm (từ 1965 đến 1975), miền Bắc đã động viên hàng triệu lao động, chủ yếu là thanh niên trẻ, khoẻ, ưu tú để bổ sung, mở rộng lực lượng vũ trang và phục vụ chiến đấu. Trong thời gian diễn ra những cuộc tiến công chiến lược (1968, 1972, 1975), nhân lực động viên ở miền Bắc phục vụ nhu cầu chiến tranh tăng gấp 4 đến 5 lần so với trước. Không tính số quân bảo vệ miền Bắc, làm lực lượng dự bị chiến lược, chiến đấu và công tác trên tuyến vận tải 559, chỉ tính riêng số quân đưa vào miền Nam trong các năm kể trên như sau: năm 1968 là 141 nghìn, năm 1972 xấp xỉ 153 nghìn, năm 1975 là 117 nghìn. Ngoài lực lượng trực tiếp chiến đấu, các lực lượng vận tải, đảm bảo giao thông, mở đường và các lực lượng bảo đảm khác gồm hàng chục vạn người cũng được động viên từ miền Bắc.
          Về vật chất, miền Bắc đã tổ chức tiếp nhận hàng triệu tấn vật chất,vũ khí, phương tiện kỹ thuật do nước ngoài viện trợ; tổ chức nghiên cứu, thiết kế, cải biên, cải tiến nhiều loại vũ khí, khí tài; tổ chức vận chuyển vượt hàng nghìn km dưới bom đạn đánh phá của địch tới các chiến trường, các vùng giải phóng. Trong những năm từ 1965 đến 1968, miền Bắc đưa vào miền Nam khối lượng vật chất gấp 10 lần so với những năm từ 1961 đến 1964. Con số đó trong những năm chống chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh còn tăng gấp nhiều lần. Vào giai đoạn cuối chiến tranh, 81% vũ khí đạn dược, 60% tổng lượng xăng dầu, hơn 85% xe vận tải và 65% dược phẩm sử dụng trên chiến trường là từ miền Bắc đưa vào. Cần biết rằng, một tấn hàng đến với tiền tuyến là biết bao công sức, kể cả máu xương của quân dân hậu phương. Những tháng năm ấy, giao thông vận tải trở thành một mặt trận nóng bỏng. Chiến đấu và công tác trên mặt trận này là hàng chục vạn tổ, đội công binh sữa chữa cầu đường, rà phá bom mìn, vận tải thô sơ, bảo quản hàng hoá của nhân dân các địa phương trên miền Bắc; là lực lượng giao thông vận tải chuyên nghiệp của Nhà nước, của quân đội gồm hàng chục vạn người. Chỉ riêng trên tuyến vận tải Trường Sơn, đến cuối cuộc chiến tranh, quân số lên tới hơn 100 nghìn người. Toàn bộ lực lượng trên đây đều động viên từ hậu phương miền Bắc.
          Để phục vụ cho kế hoạch giải phóng miền Nam, trong 2 năm 1973 và 1974, 25 vạn thanh niên miền Bắc gia nhập lực lượng vũ trang, 15 vạn quân từ biệt hậu phương vào Nam chiến đấu, hàng vạn cán bộ, nhân viên kỹ thuật, thanh niên xung phong miền Bắc tới các vùng giải phóng ổn định tình hình. Lực lượng công binh, bộ đội đoàn 559, ngành vận tải miền Bắc cùng hàng vạn dân công hoả tuyến dồn sức mở rộng đường Trường Sơn, đặt thêm đường ống dẫn dầu. Trong hai năm này, 379 nghìn tấn vật chất từ miền Bắc được chuyển tới mặt trận, bằng 54% tổng khối lượng vật chất giao cho các chiến trường trong suốt 16 năm trước đó. Trên miền Bắc, Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương quyết định thành lập các quân đoàn chủ lực. Các quân chủng, binh chủng cũng khẩn trương phát triển thêm nhiều đơn vị mới. 4 tháng đầu của năm 1975, miền Bắc đưa nhanh vào hơn 110 nghìn cán bộ, chiến sĩ, 230 nghìn tấn vật chất các loại, góp phần quyết định để quân và dân Việt Nam mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giành thắng lợi hoàn toàn.
          Như vậy, lực lượng và vật chất- hai nhân tố chiến lược quan trọng trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào, đã được hậu phương miền Bắc đáp ứng kịp thời, đầy đủ, liên tục. Đặt trong điều kiện hai lần phải đương đầu với chiến tranh phá hoại rất khốc liệt, vừa phải sản xuất vừa chiến đấu để bảo vệ hậu phương, thì những con số trên đây là một nỗ lực lớn lao của miền Bắc. Có thể nói, miền Bắc đã dốc vào cuộc chiến tranh toàn bộ sức mạnh to lớn và tiềm tàng của mình để miền Nam đánh Mỹ. 21 năm chiến tranh, 70% số gia đình miền Bắc có người thân chiến đấu ngoài mặt trận, nhiều gia đình hai thế hệ cha, con cùng chiến đấu ở miền Nam; trên ruộng đồng, 63% là lao động nữ. Đằng đẵng những tháng năm rầm trời bom đạn ấy, những người mẹ, người vợ, người chị, người em cắn răng chịu đựng thiếu thốn, vất vả và gian lao, “ba đảm đang” cho người thân yên lòng ra trận. Ngày chiến thắng, biết bao trong số đó không được đón chồng, con, em trở về từ chiến trường. Và cho đến hôm nay, mỗi người Việt Nam vẫn xót lòng khi nghe vô tuyến truyền hình quốc gia đọc tên những người ngã xuống khi tuổi vừa 18, đôi mươi trong mục “nhắn tìm đồng đội”.
          Cũng phải nói thêm rằng, bên cạnh việc chi viện sức người, sức của cho chiến trường, miền Bắc, với chế độ XHCN ưu việt được xây dựng và tỏ rõ sức sống mãnh liệt trong khói lửa chiến tranh, không chỉ phát huy sức mạnh như một lực lượng vật chất mà còn là chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho đồng bào, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ miền Nam. Suốt 21 năm kháng chiến, miền Bắc luôn giành cho miền Nam mọi sự giúp đỡ, chi viện to lớn, toàn diện, liên tục và chí tình về vật chất lẫn tinh thần. Trong gian khổ, khó khăn, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào yêu nước miền Nam vẫn hướng về miền Bắc- nơi chế độ xã hội công bằng, tốt đẹp đang trở thành hiện thực, tìm thấy ở đó chỗ dựa vững chắc, giúp họ giữ vững niềm tin, vượt qua gian khổ hy sinh, bền lòng chiến đấu.
          Sau ngày miền Nam giải phóng, những kinh nghiệm tiếp quản thành thị và vùng bị dịch chiếm đóng năm 1954, 1955 và đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân viên kỹ thuật đưa từ miền Bắc vào đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp quản các đô thị và vùng mới giải phóng, nhanh chóng ổn định tình hình chính trị, kinh tế, văn hoá-xã hội ở miền Nam.
Vai trò của miền Bắc trong cuộc chống Mỹ, cứu nước bác bỏ một cách đanh thép những luận điệu phản động và sai lầm muốn phủ định hoặc làm mờ đi những thành tựu và cống hiến lớn lao của hậu phương miền Bắc. Báo cáo chính trị của BCHTW Đảng tại Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ IV khẳng định: “Không thể nào có thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nếu không có miền Bắc xã hội chủ nghĩa suốt 16 năm qua luôn luôn cùng một lúc làm hai nhiệm vụ chiến lược. Đặc biệt từ năm 1965, khi Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương Đảng khẳng định chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thì miền Bắc đã dốc vào chiến tranh cứu nước và giữ nước toàn bộ sức mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa, và đã làm tròn một cách xuất sắc nghĩa vụ căn cứ địa cách mạng của cả nước”.


         


1 nhận xét:

  1. Chúng tôi, những người sinh ra trong thời kỳ hoà bình, cũng rất muốn biết rõ hơn về những công việc, sinh hoạt của những Người Thanh niên xung phong Miền Bắc trong giai đoạn 1954-1975. Xin quý vị có thể cung cấp cho tôi những cuốn sách hay trang thông tin viết về đề tài Thanh niên xung phong Miền Bắc trong giai đoạn 1954-1975, được không ạh? Xin cảm ơn.

    Trả lờiXóa

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!