Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

PHỐI HỢP TÁC CHIẾN BA THỨ QUÂN – MỘT THÀNH CÔNG CỦA NỀN NGHỆ THUẬT QUÂN SỰ HIỆN ĐẠI VIỆT NAM

PGS,TS. Hồ Khang
          Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược để bảo vệ nền độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc, gắn liền với các bước phát triển của chiến tranh, gắn với quá trình ngày càng lớn mạnh của lực lượng vũ trang nhà dân là sự hình thành và phát triển trên thực tế một nền nghệ thuật quân sự hiện đại Việt Nam. Xét về bản chất, đó là nền nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân phát triển đến trình độ cao, là nền nghệ thuật quân sự của toàn dân đánh giặc lấy lực lượng vũ trang 3 thứ quân làm nòng cốt.
        Đương đầu với kẻ thù xâm lược có quân số đông, vũ khí trang bị dồi dào và hiện đại, Đảng CSVN, ngay từ những ngày đầu kháng chiến, đã chủ trương xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang nhân dân 3 thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích) làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Thời gian đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp (9.1945 – 1948), lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam – như Tổng Bí thư Trường Chinh lúc bấy giờ, đã nói: “Mới chinh làm hai hạng: quân chính quy và dân quân”. Từ giữa năm 1949, lực lượng đó phát triển thành 3 thứ quân với việc xuất hiện bộ đội địa phương. Một cách tổng quát, có thể thấy rằng: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương hợp thành quân đội nhân dân; dân quân, du kích, tự vệ là tổ chức vũ trang của quần chúng cách mạng.
          Ba thứ quân gắn bó chặt chẽ với nhau trong quá trình xây dựng, trưởng thành cũng như trong hoạt động chiến đấu và công tác.
    Thực tế 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược cho thấy, đẩy mạnh tác chiến của ba thứ quân làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, phát triển chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy, kết hợp chặt chẽ chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy là một nội dung lớn, đồng thời là một thành công lớn của nền nghệ thuật quân sự hiện đại Việt Nam.
          Chiến tranh du kích là hình thức đấu tranh vũ trang của đông đảo quần chúng nhân dân. Trong 30 năm chiến tranh, hình thức đấu tranh này phát triển mạnh mẽ, sâu rộng và phong phú. Nó có tác dụng rất quan trọng trong việc bao vây, chia cắt đối phương ở mọi nơi; tiêu hao, tiêu diệt sinh lực đối phương và phương tiện chiến tranh của đối phương; Kiềm chế và phân tích cao độ binh lực đối phương, khiến đối phương ngày càng bị sa lầy, không thể nào khắc phục được mâu thuẫn giữa phân tích và tập trung. Chiến tranh du kích phát triển tạo nên thế chiến lược có lợi cho bộ đội chủ lực, tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc tác chiến tập trung của bộ đội.
          Bên cạnh chiến tranh du kích, để đánh bại lực lượng quân sự đối phương, phải xây dựng bộ đội chủ lực ngày càng mạnh và phải đưa chiến tranh du kích phát triển lên chiến tranh chính quy. Chỉ có chiến tranh chính quy mới bẻ gãy được các cuộc tiến công lớn của đối phương, mới tiêu diệt được những bộ phận lực lượng lớn, mới giải phóng được những vùng đất đai rộng lớn, tạo nên những bước ngoặt quyết định trong cục viện chiến tranh trước khi giành thắng lợi hoàn toàn.
          Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, hàng triệu người ra nhập dân quân, du kích, tự vệ, tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương; hàng nghìn làng xã chiến đấu được dựng lên trên cả 3 miền đất nước. Phong trào chiến tranh du kích, vì vậy, phát triển rộng khắp và ngày càng mạnh mẽ, đặc biệt là vùng sau lưng đối phương. Để đánh bại các hoạt động càn quét, lấy chiếm, đã có lúc, thực hiện chủ trương “Biến hậu phương địch thành tiền phương ta”, từ Liên khu 5 trở ra, hơn một phần ba đại đội chủ lực (103/299) được lệnh tiến sâu vào vùng địch, phân tán hoạt động dưới các hình thực đại đội độc lập, đội vũ trang, đội xung phong công tác. Tác chiến du kích ngày càng mở rộng buộc đối phương phải phân tán binh lực để ứng phó và điều đó đã tạo điều kiện cho chủ lực tập trung lực lượng, mở các chiến dịch chống càn, các đội hoạt động, các chiến dịch tiến công và phản công. Đặc biệt, trong Thu Đông 1950, lần đầu tiên VNDCCH tập trung một bộ phận lực lượng lớn gấp 9 lần đối phương, mở chiến dịch Biên giới và giành thắng lợi. Trong chiến dịch Hòa Bình, vừa đánh đối phương trên hướng chính diện, Quân đội VNDCCH vừa táo bạo đưa hai đại đoàn vòng ra phía sau mở mặt trận mới của bộ đội chủ lực sâu trong vùng đối phương kiểm soát, phát động và tạo điều kiện đẩy mạnh chiến tranh vùng sau lưng đối phương. Thực tế lịch sử đã chứng tỏ, quyết định này đã đưa đến thắng lợi to lớn trong chiến dịch Hỏa Bình – một chiến dịch đã làm cho người Pháp “hoàn toàn hết hy vọng đánh thắng ông Hồ Chí Minh” như tác giả M. Mác lia nhận xét trong cuốn Việt Nam – cuộc chiến mười nghìn ngày. Bước vào Đông – Xuân 1953-1954, để đập tan kế hoạch Na-va – một kế hoạch tổ chức lại và tăng cường thêm khối cơ động chiến lược để từng bước thực hành phản công, giành lại quyền chủ động chiến trường của phía Pháp, Đảng LĐVN chủ trương điều một bộ phận chủ lực mở các cuộc tiến công trên những hướng đối phương sơ hở ở miền rừng núi; đồng thời đẩy mạnh chiến tranh du kích vùng sau lưng đối phương ở đồng bằng, phối hợp với các cuộc tiến công của bộ đội chủ lực. Lực lượng vũ trang ba thứ quân đã thực hiện xuất sắc phương hướng chiến lược trên đường, giành thắng lợi to lớn và toàn diện trong chiến cuộc Đông – Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
          Trong kháng chiến chống Mỹ, những kinh nghiệm tích lũy được từ cuộc kháng chiến 9 năm trước đó về việc kết hợp hai phương thức tác chiến của lực lượng và vũ trang 3 thứ quân liên tục được vận động sáng tạo và phát triển lên một tầm cao mới. Trên chiến trường miền Nam, từ sau Đồng Khởi năm 1960, phong trào chiến tranh du kích nhanh chóng phát triển rộng khắp trên cả 3 vùng chiến lược (rừng núi, nông thôn đồng bằng, đô thị). Giờ đây, chiến tranh du kích tiến hành bằng cả hai lực lượng chính trị và quân sự đã đưa hiệu lực tiến công của hình thức đấu tranh này không chỉ dừng lại ở việc tiêu hao, tiêu diệt và kìm chân lực lượng quân sự đối phương mà hơn thế, làm tan rã lớn quân địch, ghìm chặt một bộ phận quan trọng binh lực đối phương và bao vây, chia cắt đối phương trong thế trận chiến tranh nhân dân hiểm hóc tiện ích các chiến trường, các địa phương miền Nam. Đó là thế trận lồng xen giữa vùng đối phương kiểm soát, bao vây, áp sát nhiều căn cứ quân sự - hậu cần - kỹ thuật của Mỹ, quân đội và chính quyền Sài Gòn , nhiều vùng ven đô thị, nhiều tuyến giao thông huyết mạch… Đặc biệt, khi Mỹ đưa quân viễn chinh vào trực tiếp tham chiến, quân dân các địa phương miền Nam đã tổ chứng những làng xã chiến đấu hình thành trong những năm đánh bại chiến lược chiến tranh đại diện thành những vành đai du kích xung quanh các căn cứ quân sự Mỹ. Thế trận chiến tranh nhân dân kiểu “vành đai”, thật ra, không phải là sự tập hợp đơn giản các làng xã, thôn ấp chiến đấu sẵn có, mà là sự gắn bó chặt chẽ trên các phương diện như hệ thống tổ chức lãnh đạo, chỉ huy; hệ thống công sự, trận địa; phối hợp giữa các lực lượng, công tác đảm bảo hậu cần, thông tin, liên lạc… đủ để tạo nên sức mạnh và tính bền vững của thế trận này. Đó là một biểu hiện độc đáo, ở trình độ cao của thế trận chiến tranh nhân dân trên chiến trường miền Nam thời đánh Mỹ - Dựa trên thế trận này, quân dân các địa phương đã thực hành mạnh mẽ, liên tục, rộng khắp tư tưởng chiến lược tiến công; mở các trận đánh phủ đầu, quân Mỹ ở Núi Thành, Vạn Tường, Bầu Bàng, Đất Cuốc trong năm 1965. Sự tồn tại của các vành đai du kích diệt Mỹ và hiệu lực thực tế của nó đã buộc phía Mỹ phải đầu tư nhiều công sức, lực lượng, tiền của và thời gian vào việc bảo đảm an toàn cho các căn cứ quân sự trải khắp miền Nam. Như nhà sử học Mỹ G. Côncô nhận xét, vào đầu năm 1966, “khoảng một nửa lực lượng trên bộ của Mỹ là để bảo vệ các khu căn cứ và đến cuối năm đó, thì tỉ lệ trên là 40%, khi quân số Mỹ tại miền Nam lên tới 485.000 quân”. Nhìn lại những năm tháng ấy, người ta thấy được rằng, “số quân Mỹ và Việt Nam cộng hòa chiếm ưu thế so với lực lượng cách mạng kể từ sau năm 1965 và đến năm 1967 thì tỉ lệ đó là 4,7 trên 1. Trong cùng năm, vì cánh mạng ghìm Mỹ và đồng minh Mỹ trong một vị trí tĩnh tại, cho nên cách mạng vượt họ về số quân chiến đấu giành cho các cuộc hành quân tiến công” (G. Côncô). Và cũng chính vì thế, cho dù vào cuối năm 1967, đầu năm 1968, quân Mỹ, đồng minh của Mỹ và quân đội Sài Gòn ở miền Nam lên tới 1 triệu 30 vạn tên, trong khi chủ lực và bộ đội địa phương của giải phóng chỉ khoảng 27 vạn nhưng vẫn mở được cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, đánh đòn quyết định làm lung lay ý chí xâm lược của Mỹ đúng vào lúc cố gắng chiến tranh của Mỹ đã lên tới đỉnh cao, vượt quá mức lý thuyết và dự tính ban đầu của giới lãnh đạo Mỹ. Có thể hiểu vì sao, cũng như trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, giới tướng lĩnh Mỹ trên chiến trường miền Nam luôn hối thúc việc tăng quân.
          Trong khi đó, trên vùng trời, vùng biển miền Bắc, những năm chống chiến tranh phá hoại, quân dân Việt Nam đã kết hợp chặt chẽ phương thức tác chiến tại chỗ, rộng khắp của lực lượng phòng không, phòng thủ biển của cả 3 thứ quân với phương thức tác chiến tập trung hiệp đồng binh chủng của lực lượng phòng không chủ lực. Bằng sự kết hợp đó, lực lượng phòng không, phòng trhủ biển đã thực hành nhiều cách đánh linh hoạt, độc đáo, đầy hiệu lực; chống trả kịp thời và hiệu quả các hoạt động đánh phá của không quân, hải quân Mỹ; bắn rơi, bắn chìm, bắn cháy nhiều máy bay và tàu chiến hiện đại trên vùng trời, vùng biển miền Bắc.
          Trong sự kết hợp tác chiến của 3 thứ quân, kết hợp hai phương thức tác chiến, thì tác chiến tập trung hiệp đồng binh quân chủng quy mô ngày càng lớn là xu thế phát triển tất yếu của chiến tranh nhân dân trong điều kiện hiện đại. Thực tế lịch sử cuộc kháng chiến chống Pháp cũng như kháng chiến chống Mỹ đã chứng tỏ điều đó. Ở đây, sức mạnh của chiến tranh chính quy bằng các binh đoàn chủ lực luôn được kết hợp chặt chẽ với hoạt động tác chiến của bộ đội địa phương và dân quân tự vệ, du kích. Càng về cuối cuộc chiến tranh, trên cơ sở đẩy mạnh chiến tranh du kích, Việt Nam đồng thời tổ chức các binh đoàn chủ lực cơ động binh chủng hợp thành, thực hành các hoạt động chiến lược, các chiến dịch và chiến dịch có ý nghĩa chiến lược để tiêu diệt những tập đoàn lực lượng quân sự chủ yếu của đối phương, đè bẹp ý chí xâm lược của đối phương, giành thắng lợi trọn vẹn vào trưa 30 tháng 4 năm 1975, thu non sông về một mối.
          Nhìn lại, trong 30 năm chiến tranh, quân và dân Việt Nam đã giải quyết thành công một loạt vấn đề thuộc về nghệ thuật quân sự của cuộc chiến tranh nhân dân phát triển cao. Đó là nền nghệ thuật quân sự coi trọng việc kết hợp chặt chẽ hai phương thức tác chiến của 3 thứ quân trên cả 3 vùng chiến lược; một nền nghệ thuật phát huy ưu thế về chính trị - tinh thần, lấy chất lượng cao của lực lượng vũ trang nhân dân để đương đầu và làm thất bại lực lượng quân sự đối phương cả trong lĩnh vực chiến thuật, chiến dịch và chiến lược.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!