Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014

VỊ TRÍ ĐỊA – CHIẾN LƯỢC BÌNH DƯƠNG QUA HOẠT ĐỘNG QUÂN SỰ TRÊN ĐỊA BÀN NÀY NHỮNG NĂM CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC (1954 – 1975)

PGS,TS. Hồ Khang
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
Dù có sự thay đổi về mặt địa giới hành chính qua từng thời kỳ đi nữa thì Bình Dương vẫn là một trong số những địa bàn có tầm quan trọng xét về vị trí địa - chiến lược trên các chặng đường cách mạng và kháng chiến. Miền đất này, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đã diễn ra những hoạt động quân sự của cả hai bên mà kết quả đưa lại của những hoạt động đó sẽ tác động mạnh tới chiều hướng phát triển của tình hình cuộc chiến. Một cách tổng quát, chúng tôi, ở bài viết nhỏ này, muốn đề cập tới đôi ba sự kiện diễn ra ở vùng đất Bình Dương trên nền chung của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, trong mối tương tác với cục diện cuộc chiến ở miền Đông Nam Bộ nói riêng và toàn miền Nam nói chung.
Trong cuộc chống Mỹ, Bình Dương cùng với Tây Ninh, Bình Long, Phước Long là Vành đai chiến lược hết sức xung yếu án ngữ phía bắc Sài Gòn và tiếp cận với Campuchia. Đây là địa bàn chở che, nuôi dưỡng lực lượng vũ trang nói riêng, lực lượng cách mạng nói chung từ thuở ban đầu, khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, cuộc chống Mỹ bắt đầu; khi Mỹ Diệm lê máy chém khắp miền Nam đàn áp, khủng bố những người dân yêu nước miền Nam... Đây còn là địa bàn đứng chân của các đơn vị bộ đội chủ lực , nơi diễn ra các hoạt động tác chiến quy mô lớn mà tác động của nó có giá trị chiến lược: uy hiếp Sài Gòn từ phía bắc...
Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, khi chưa có nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15, lực lượng vũ trang cùng với nhân dân các địa phương tỉnh Thủ Dầu Một đã chủ động tổ chức các trận đánh ở Bến Củi, Minh Thạnh, Trại Be, Dầu Tiếng. So sánh với tình hình chung lúc bấy giờ, có thể nói, đấy là những trận đánh đầu tiên của Tỉnh, diễn ra khá sớm ở miền Nam. Đặc biệt, chiến thắng Dầu Tiếng (ngày 10.8.1958) mà lực lượng tham gia trận đánh gồm các đơn vị vũ trang của Xứ uỷ, của Bình Xuyên và của tỉnh Thủ Dầu Một, đã khiến Mỹ-Diệm rất đỗi bàng hoàng bởi quy mô, cường độ tiến công của trận đánh.
Thời kỳ chống chiến lược Chiến tranh đặc biệt (1961-1965), cùng toàn miền, quân và dân Bình Dương vận dụng sáng tạo phương châm "hai chân, ba mũi, ba vùng", đẩy mạnh các hoạt động quân sự, chính trị, bảo vệ và mở rộng vùng căn cứ, vùng giải phóng, vùng làm chủ. Sau Đồng khởi và thời kỳ đầu Mỹ triển khai chiến lược Chiến tranh đặc biệt, lực lượng tại chỗ của Tỉnh đã bẻ gãy nhiều cuộc càn của quân đội Sài Gòn; phối hợp với chủ lực Khu miền Đông tiến công tiêu diệt tiểu khu Phước Vĩnh, giáng đòn quyết liệt vào chiến lược Chiến tranh đặc biệt khi nó vừa mới được triển khai. Tiếp đó, lực lượng vũ trang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quân sự, hỗ trợ cho quần chúng nhân dân nổi dậy phá banh, phá rã hệ thống ấp chiến lược ở nhiều địa phương, mà nổi bật là chiến thắng Đường Long - Bến Cát tiêu diệt gọn một tiểu đoàn biệt động khét tiếng của quân đội Sài Gòn từng được mệnh danh là "Cọp đen", gây cú xốc mạnh khiến binh lính địch rất đỗi hoang mang...
Chiến lược Chiến tranh đặc biệt  bị phá sản buộc  đế quốc Mỹ phải bị động chuyển sang chiến lược Chiến tranh cục bộ. Đây thực sự là nỗ lực quân sự cao nhất của Mỹ trong toàn bộ 21 năm theo đuổi cuộc chiến đẫm máu Việt Nam, được quyết định vào lúc nước Mỹ vừa trải qua một quá trình kinh tế tăng trưởng cao, quân đội Mỹ được đánh giá có chất lượng tốt nhất mà sức mạnh của nó là "bất khả chiến bại" ! Và quả thật, trong lịch sử hơn 200 năm lập nước của mình, cho đến thòi điểm ấy - mùa hè 1965, một khi đưa quân ra ngoài biên giới, nước Mỹ bao giờ cũng giành phần thắng. Thế cho nên, khi những đơn vị quân Mỹ với sắc phục rằn ri loang màu cỏ úa với trang bị đầy người được những chiếc tàu há mồm đổ lên bãi biển miền Nam Việt Nam, cả thế giới dõi theo tình hình chiến sự đang leo thang ở Việt Nam với tâm trạng lo lắng; còn với quân dân miền Nam, trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân, xuất hiện tâm lý băn khoăn, hoặc thậm chí hoang mang trước sức mạnh quân sự khổng lồ của Mỹ. Trong bối cảnh ấy, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 11 (tháng 3.1965) trên cơ sở lượng định toàn bộ diễn biến và xu thế phát triển của tình hình đã đề ra nhiệm vụ cho quân dân miền Nam trên cả hai miền kiên quyết đánh thắng chiến lược Chiến tranh đặc biệt. Còn như, quyết tâm đánh bại quân Mỹ trong chiến lược chiến tranh cục bộ phải đợi đến Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 12 (tháng 12.1965). Giữa hai kỳ Hội nghị ấy của Ban chấp hành Trung ương là chiến sự gia tăng trên chiến trường miền Nam và cuộc chiến tranh phá hoại leo thang trên vùng trời, vùng biển miền Bắc. Trên chiến trường miền Nam, tiếp sau các trận đầu thắng Mỹ ở Núi Thành, Vạn Tường nhằm vào các đơn vị lính thuỷ đánh bộ Mỹ, Bộ Chỉ huy quyết định mở hai chiến dịch quân sự lớn, một ở miền Đông Nam Bộ và một ở Tây Nguyên, nhằm vào các sư đoàn, lữ đoàn thiện chiến và khét tiếng của lục quân Mỹ nhằm hạ uy thế của đối phương, đồng thời tìm ra cách đánh hiệu quả. Giờ đây, Bầu Bàng - Dầu Tiếng được chọn làm địa bàn mở một trong hai chiến dịch quân sự quan trọng này. Cũng phải mở ngoặc để nói thêm rằng, do tầm quan trọng chiến lược của địa bàn phía bắc Sài Gòn, địch đã bố trí ở đây Sư đoàn bộ binh "Anh cả đỏ" quân Mỹ và Trung đoàn 7 thuộc Sư đoàn 5 quân đội Sài Gòn. Còn trước đó, trong tháng 9 và tháng 10.1965, địch sử dụng một lực lượng lớn quân đội Sài Gòn và quân Mỹ và quân Ốt-xtrây-lia liên tiếp mở cuộc càn đánh phá vùng căn cứ Bến Cát, giải toả đường 13. Quân dân các xã An Điền, An Tây, Phú An đã chiến đấu quyết liệt, bẻ gãy các đợt tiến công của địch. Chiến công của quân dân khu "Tam giác sắt" trên thực tế, đã góp phần không nhỏ vào việc giải quyết các vấn đề hiện đang được đặt ra trên chiến trường khi quân Mỹ vào. Nhưng dẫu sao, do tính chất, quy mô, đối tượng tác chiến nên tác động của chiến thắng ở khu vực "Tam giác sắt" phần nào cũng còn bị hạn chế. Phải đến chiến dịch tiến công Bầu Bàng - Dầu Tiếng, Plây-me. câu hỏi lớn: có đánh được quân Mỹ không? Đánh Mỹ bằng cách nào? mới được trả lời một cách chắc chắn. Chiến dịch Bầu Bàng - Dầu Tiếng là chiến dịch tiến công đầu tiên của lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ nhằm vào đơn vị quân sự được đánh giá là tinh nhuệ nhất trong các sư đoàn bộ binh Mỹ ngay khi đối phương đang ở thế chuẩn bị ra quân "tìm diệt" chủ lực Quân giải phóng. Xét trong bối cảnh chung, chiến công này vượt khỏi ý nghĩa của một chiến dịch quân sự bình thường; nó có tầm quan trọng về mặt chiến lược, bởi chính đó đã là một trong số những cơ sở thực tiễn của chiến trường nóng bỏng để Hội nghị Trung ương 12 của Đảng hạ quyết tâm đánh bại chiến lược Chiến tranh cục bộ.
 Kế đó, trong cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966, phối hợp với chủ lực Miền và lực lượng vũ trang các địa phương, quân dân Bình Dương chiến đấu dũng cảm, chặn đánh quyết liệt các cuộc hành quân "tìm diệt" của quân Mỹ, gây cho đối phương những thiệt hại nặng nề về sinh lực và phương tiện chiến tranh, góp phần bẻ gãy mũi phản công thứ nhất của quân Mỹ trên hướng bắc và tây bắc Sài Gòn. Hẳn rằng, cuộc chiến đấu của quân dân các địa phương Thủ Dầu Một, Dầu Tiếng, Bến Cát, Tân Uyên, Phú Giáo... trong những tháng năm này đã góp một phần không nhỏ vào kinh nghiệm đánh Mỹ. Cùng vói Củ Chi và nhiều địa phương khác trên chiến trường Đông Nam Bộ, kinh nghiệm đó đã được Đại hội dũng sĩ diệt Mỹ do Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn triệu tập (ngày 7.2.1966) đúc kết và rút ra 10 bài học đánh Mỹ  và thắng Mỹ và Quân uỷ Trung ương, trong tháng 2.1966, đề ra 6 phương thức tác         chiến chiến lược để chỉ đạo các chiến trường hành động.
Sau cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất, để củng cố tuyến phòng thủ phía bắc Sài Gòn, lập Vành đai trắng chia cắt vùng giải phóng hai tỉnh Gia Định và Thủ Dầu Một, chuẩn bị cho cuộc hành quân Xê đa Phôn đánh vào khu vực "Tam giác sắt" (Bến Súc - Củ Chi - Bến Cát), Bộ chỉ huy quân sự Mỹ (MACV) quyết tâm triệt phá bằng được khu Tam giác này. Họ sử dụng vào đây Sư đoàn bộ binh số 1 Mỹ "Anh cả đỏ", Lữ đoàn 3 Sư đoàn bộ binh số 4, Lữ đoàn 2 Sư đoàn bộ binh 25 “Tia chớp nhiệt đới”, Lữ đoàn bộ binh nhẹ số 196, Lữ đoàn dù 173, Trung đoàn Thiết giáp số 11 và một bộ phận Sư đoàn 5 quân chủ lực Sài Gòn... Quân dân các địa phương trên địa bàn diễn ra cuộc hành quân của địch dựa vào hệ thống công sự, trận địa, hầm hào, địa đạo đã kiên cường trụ bám địa bàn, quần lộn với địch, bẻ gãy nhiều đợt tiến công của đối phương. Trong khi đó, các đơn vị chủ lực Miền được sự phối hợp hiệu quả của lực lượng vũ trang tại chỗ đã kiên quyết chặn đánh, hoặc bất ngờ tập kích vào đội hình hành quân, đội hình trú đóng của quân Mỹ. Bị hao tổn rất nặng nề về sinh lực, phương tiện chiến tranh nhưng mục tiêu đặt ra lại không thực hiện được, cuối cùng, Bộ chỉ huy cuộc hành quân Xê đa Phôn buộc phải kết thúc sớm chiến dịch đầy tham vọng này. Chiến thắng cuộc càn Xê đa Phôn, quân dân các địa phương Bình Dương đã góp phần làm thất bại một trong ba cuộc hành quân lớn nhất của Mỹ trong mùa phản công chiến lược thứ hai ở miền Nam.
Trong Tết Mậu thân 1968, là địa bàn thuộc Phân khu 1 Phân khu 5, quân dân các địa phương Dầu Tiếng, Bến Cát, Tân Uyên, Phú Giáo, Thủ Dầu Một... đã góp phần rất quan trọng. Trong suốt quá trình chuẩn bị cũng như những tháng ngày diễn ra cuộc Tổng tiến công, đã có biết bao tấm gương của các mẹ, các chị, các gia đình cách mạng, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ sinh ra tại đây hoặc suốt bao năm trường trụ bám, gắn bó với mảnh đất này đã không tiếc mồ hôi, xương máu cho khát vọng cháy lòng về một mùa Xuân thắng lợi. Dẫu chưa được như mong muốn nhưng bằng cuộc tiến công xuất thần trong mùa Xuân 1968, quân dân miền Nam Việt Nam đã giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của Mỹ, buộc họ dù còn rất ngoan cố; quân số và phương tiện chiến tranh hiện có ở nước Mỹ và ở ngay trên chiến trường Nam Việt Nam vẫn rất dồi dào, thậm chí áp đảo nữa nếu như tính về số lượng... vẫn phải đơn phương tuyên bố xuống thang chiến tranh, rút dần quân Mỹ ra khỏi miền Nam, ngừng ném bom miền Bắc, cử đại diện đi vào đàm phán ở Pa-ri, mặc nhiên thừa nhận sự phá sản hoàn toàn của chiến lược Chiến tranh cục bộ.Từ đó, khởi đầu của một quá trình đi xuống về mặt chiến lược của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam.
Những năm tiếp theo kể từ khi Tết Mậu thân 1968, Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, toàn “thay đổi màu da trên xác chết” bằng cách dùng người Việt Nam đánh người Việt Nam, dùng quân đội Sài Gòn với sự chi viện hoả lực, hậu cần của Mỹ và do Mỹ chỉ huy, làm công cụ để Mỹ giành thế mạnh trên chiến trường, qua đó, tạo áp lực trên địa bàn Hội nghị Pa-ri, buộc nhân dân Việt Nam phải chấp thuận những điều kiện áp đặt của Mỹ... Những năm đó, cáeh mạng miền Nam phải đối mặt với những khó khăn gay gắt, thử thách nặng nề. Bền bỉ và anh dũng vượt qua những gian khổ, hy sinh, khốc liệt, quân dân ở miền Nam từng bước khôi phục lực lượng và thế trận, vươn lên đánh bại các biện pháp bàn của Mỹ và chính quyền Sài Gòn trong chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh. Giờ đây, hướng bắc Sài Gòn lại vẫn là chiến trường quan trọng của bộ đội chủ lực. Trong cuộc tiến công chiến lược 1972, đây là địa bàn được chọn để mở chiến dịch mang tên Nguyễn Huệ - một chiến dịch tiến công trên hướng phối hợp quan trọng, diễn ra trên địa bàn 4 tỉnh Bình Long, Phước Long, Tây Ninh và Bình Dương, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch trên hướng phòng ngự chủ yếu của đối phương ở miền Đông Nam Bộ, giải phóng khu vực có ý nghĩa chiến lược, tạo thế đứng đưa chủ lực Miền trở về, đồng thời phối hợp với hướng tiến công chủ yếu ở Trị- Thiên, thu hút và ghìm chân chủ lực quân đội Sài Gòn, tạo điều kiện cho quân dân đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh chống phá bình định. Trong chiến dịch này, phối hợp với hướng chính, quân dân các huyện Tân Uyên, Phú Giáo, Châu Thành, Lái Thiêu, An Đức đã đẩy mạnh các hoạt động tiến công quân địch, diệt ác, phá tề, bức rút nhiều đồn bốt, hỗ trợ cho nhân dân nổi dậy giành quyền làm chủ. Tiếp đó, từ tháng 10.1972, chiến dịch chuyển sang nhiệm vụ đánh phá bình định ở khu vực bắc Bình Dương, đánh bại các cuộc phản kích của địch ở bắc Bến Cát, chi khu Dầu Tiếng...
Mùa Xuân năm 1975, cùng toàn Miền, quân dân Bình Dương khẩn trương và sôi nổi bước vào chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh. Ngày 10.3.1975, Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4) tiến công đánh chiếm chi khu-quân sự Tri Tâm (thị trấn Dầu Tiếng). Phối hợp với Sư đoàn 9, Tiểu đoàn Phú Lợi phục kích diệt một bộ phận lực lượng của Tiểu đoàn bảo an 360 khi Tiểu đoàn này kéo tới cứu viện cho lực lượng ở Dầu Tiếng. Ngày 13.3, toàn bộ quận Dầu Tiếng được giải phóng. Tuyến phòng thủ phía bắc Sài Gòn của địch bị chặt đứt. Tiếp đó, thị xã và cả tỉnh Thủ Dầu Một cũng được giải phóng... Căn cứ bàn đạp tiến công trên hướng tây bắc và bắc Sài Gòn của các quân đoàn bộ đội chủ lực vì vậy được củng cố, mở rộng. Đó là một trong số những điều kiện đảm bảo cho sự thắng lợi nhanh chóng và vang dội của chiến dịch Hồ Chí Minh, kết thúc vẻ vang quá trình 30 năm chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong chiến công chung, có phần đóng góp mồ hôi, máu xương của quân dân Bình Dương. Trên mảnh đất có truyền thống quật cường chống áp bức, bất công và xâm lược; trên địa bàn có tầm quan trọng chiến lược phía bắc Sài Gòn, suốt dặm dài 21 năm kháng chiến chống Mỹ, quân dân Bình Dương đã trụ bám kiên cường, chiến đấu anh dũng, cùng toàn Miền lập nên bao chiến công, góp phần đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Bởi vì, do vị thế địa - chiến lược của mảnh đất Bình Dương nên bất cứ hoạt động quân sự nào diễn ra trên địa bàn này và kết cục của nó sẽ lập tức có tác động tới tình hình chung của cuộc chiến, mà trước hết là cuộc chiến vùng miền Đông Nam Bộ. Đôi ba sự kiện lịch sử liên quan tới hoạt động tác chiến của chủ lực Miền phối hợp chặt chẽ với quân dân các địa phương Bình Dương thời kỳ chống Mỹ mà chúng tôi vừa gợi nhắc một cách khá sơ lược trên đây đã phần nào chúng tỏ điều đó.

1 nhận xét:

  1. thầy Kính mến.
    Bài viết hay, nhiều tư liệu
    cảm ơn thầy

    Trả lờiXóa

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!