PGS, TS Hồ Khang
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
Tròn nửa thế kỷ trước
đây, giữa những ngày phía bên kia vĩ tuyến 17, cả miền Nam đang ngập chìm trong
đau thương và uất hận do chính sách và hành động phát xít tàn sát dã man những
người yêu nước, những người “kháng chiến cũ” của chính quyền Sài Gòn, tại Thủ
đô Hà Nội, Đảng CSVN và Hồ Chí Minh đi đến quyết định thành lập tuyến
giao liên quân sự trên bộ và trên biển chi viện cho cách mạng miền Nam. Đó là một
quyết định lịch sử; quyết định đó nằm trong tổng thể một loạt các giải pháp tầm
chiến lược được đưa ra của Đảng, nhằm tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến tranh yêu nước
của nhân dân miền Nam, hoàn thành thắng lợi sự nghiệp giải phóng miền Nam, bảo
vệ miền Bắc, thống nhất đất nước trong những điều kiện mới, vừa thuận lợi nhưng
cũng lắm chông gai phức tạp, xét trên bình diện tình hình trong nước, trong khu
vực và trên thế giới có liên quan đến sự nghiệp cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ.
Sự nghiệp kháng chiến
chống thực dân Pháp kéo dài 9 năm, kết thúc bằng trận quyết chiến chiến lược Điện
Biên Phủ, buộc chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơ ne vơ (tháng 7. 1954) công
nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam, rút
quân về nước. Do âm mưu và hành động xâm lược của đế quốc Mỹ và chính quyền tay
sai ở miền Nam, dù Hiệp định Giơ ne vơ đã được ký kết, song sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do và thống
nhất non sông của toàn dân tộc Việt Nam chưa hoàn thành. Sự nghiệp đó
còn phải tiếp tục trên chặng đường dài 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
(1954-1975). Trong cuộc đấu tranh này, kẻ thù mới là đế quốc Mỹ giàu mạnh về
kinh tế, quân sự, đang theo đuổi chiến lược toàn cầu mà Việt nam là một “điểm
ngắm”. Để đương đầu và đánh thắng kẻ thù xâm lược, hoàn thành sự nghiệp thống
nhất đất nước, ngoài các nhân tố bên trong, Việt Nam cần tranh thủ sự đồng
tình, ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, trước hết là các nước xã hội chủ
nghĩa, đặc biệt là hai nước Liên Xô, Trung Quốc. Nhưng vào lúc đó hai nước lớn
nhất trong hệ thống xã hội chủ nghĩa lại đang thi hành chính sách đối ngoại
khác nhau và có quan điểm khác nhau với cách mạng Việt Nam . Đã có ý kiến
khuyên Việt Nam nên giữ nguyên hiện trạng ở
miền Nam , tập trung củng cố
miền Bắc để qua đó, tác động tới miền Nam ! Lại cũng có ý kiến khác cho rằng,
Việt Nam
cần trường kỳ mai phục, xây dựng và tích lũy lực lượng lâu dài!
Nếu giữ nguyên hiện
trạng ở miền Nam, thực hiện “trường kỳ mai phục”, chịu sự chia cắt lâu dài đất
nước thì đồng bào miền Nam tiếp tục phải chịu nhiều tổn thất, hy sinh to lớn;
cách mạng miền Nam có nguy cơ bị tiêu diệt. Đó là điều mà mọi người Việt Nam yêu nước đều
không thể chấp nhận được. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thống nhất ý chí giải
phóng miền Nam ,
thống nhất đất nước. Nhưng bằng cách nào để đạt mục tiêu bất di bất dịch đó?
Con đường giải phóng miền nam phải như thế nào để bảo vệ được miền Bắc, giảm bớt
nguy cơ Mỹ tung quân vào miền Nam, không để chiến tranh lan rộng ra toàn khu vực
hoặc thành chiến tranh thế giới; giữ gìn hòa bình, tranh thủ sự đồng tình, ủng
hộ của quốc tế, mà trước hết là của Liên Xô, Trung Quốc? Đó là những câu hỏi lớn
và rất phức tạp mà việc tìm lời giải đáp thực không đơn giản, không thể một sớm
một chiều trong điều kiện khả năng đấu tranh chính trị đòi hiệp thương tổng tuyển
cử đã không đưa lại kết quả, nhưng để phát động một cuộc chiến tranh giải phóng
miền Nam ngay sau ngày kháng chiến chống Pháp kết thúc thì điều kiện khách quan
và chủ quan chưa chín muồi. Đó là điều giải thích vì sao so với quá trình hoạch
định đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp, quá trình hình thành đường lối
kháng chiến chống Mỹ còn gay go, gian khổ, phức tạp, công phu hơn nhiều. Khi bước
vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đã hình thành đường lối kháng chiến;
còn khi bắt đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, từ 1954 đến 1958, Việt Nam mới chỉ có những định hướng chiến lược của Hồ Chí Minh và các Hội nghị Trung ương 6, 7, 8.
Theo dõi sát mọi diễn
biến tình hình miền Nam, nghiên cứu những kiến nghị khẩn thiết của nhiều cán bộ,
đảng viên cũng như một số cấp ủy Đảng miền Nam gửi ra, Bộ Chính trị đã giành
nhiều tâm lực vào việc tìm một giải pháp cơ bản cho cách mạng Việt Nam ở miền
Nam. Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15(1) do Hồ Chí Minh chủ tọa đã họp và quyết nghị vấn đề trọng đại này.
Hội nghị chỉ rõ con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền
Nam là con đường sử dụng bạo
lực cách mạng để giải phóng miền Nam , hoàn thành cách mạng dân chủ
nhân dân. Để hoàn thành nhiệm vụ đó, miền Bắc phải đẩy mạnh chi viện cho miền
Nam .
Thực hiện chủ trương
chi viện cho miền Nam ,
Đảng và Nhà nước Việt Nam đã xây dựng
tuyến vận tải chiến lược, chỉ đạo chặt chẽ quá trình xây dựng, mở rộng, bảo vệ
và phát huy vai trò, tác dụng của nó trong chiến tranh.
Ngày 5.5.1959, Quân ủy
TW ra quyết định thành lập tuyến giao liên quân sự trên bộ (Đoàn 559). Tiếp đó,
tháng 7/1959, tuyến vận tải đường biển chi viện miền Nam ra đời (Đoàn 759).
Tháng 1 năm 1961, Bộ
Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp và đề ra nhiệm đẩy mạnh hơn nữa đấu
tranh chính trị, đưa đấu tranh vũ trang lên song song với đấu tranh chính trị.
Bộ Chính trị giao cho Quân ủy Trung ương và Ban Thống Nhất Trung ương chỉ đạo
công tác quân sự ở miền Nam ,
quyết định tăng cường cho cách mạng miền Nam
và mở rộng giao thông liên lạc Bắc – Nam .
Thực hiện Nghị quyết
của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương chủ trương nhanh chóng tăng cường lực lượng
cho Đoàn 559 nhằm mở rộng tuyến vận tải Trường Sơn theo phương hướng: kiên trì
giữ vững hành lang phía đông, khẩn trương mở đường vận tải phía Tây Trường Sơn.
Đồng thời, mạnh dạn áp dụng phương thức vận tải cơ giới, kết hợp với phương thức
vận tải thô sơ (xe đạp thồ), chú trọng khai thác đường sông.
Được tăng cường lực
lượng và bằng những biện pháp tổ chức chặt chẽ, hiệu quả, đến giữa năm 1964,
Đoàn 559 đã xây dựng được địa bàn hoạt động từ tây Quảng Bình vào đến ngã ba
Biên Giới, triển khai được một số tuyến, thành lập được các cung trạm, xây dựng
được tuyến hành lang nối liền miền Bắc với chiến trường miền Nam. Nhờ đó, trong
4 năm thực hiện nhiệm vụ (1961-1965), Đoàn đã vận chuyển bàn giao cho các chiến
trường gần 3.000 tấn vật chất các loại, đảm bảo hành quân cho 12.000 lượt người
qua lại trên đường Trường Sơn.
Từ năm 1965, Mỹ sử dụng
không quân, hải quân leo tháng đánh phá miền Bắc, đưa các đơn vị quân bộ của Mỹ
và chư hầu vào miền Nam tiến hành “chiến tranh cục bộ”. Trước tình hình đó, chống
Mỹ cứu nước là nhiệm vụ hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trên cả
hai miền Nam, Bắc. “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”
là ý chí của hậu phương miền Bắc đối với cách mạng miền Nam. Từ đây, miền Bắc vừa
sản xuất, vừa chiến đấu, vừa tăng sức chi viện cho miền Nam, cho cách mạng Lào
và Cam-pu-chia.
Để đảm bảo vận chuyển
người và phương tiện chiến tranh cùng các loại vật chất cần thiết khác vào chiến
trường trong điều kiện địch đánh phá ác liệt, toàn bộ hệ thống giao thông vận tải
từ miền Bắc vào các chiến trường đều được chấn chỉnh và tăng cường. lực lượng vận
tải quân sự cùng lực lượng vận tải dân sự trên miền Bắc tập trung năng lực
phòng không, lực lượng đảm bảo giao thông tăng nhanh về số lượng; hình thành thế
trận vừa đánh địch rộng khắp vừa tập trung bảo vệ, bảo đảm các đầu mối giao
thông, các địa bàn trọng điểm.
Trên tuyến vận tải
chiến lược, Đoàn 559 được tăng cường lực lượng và phương tiện, hình thành lực
lượng binh chủng hợp thành. Lực lượng này được bố trí thành thế trận đánh địch,
đảm bảo giao thông và vận tải quân sự trên toàn tuyến theo phương châm vừa có lực
lượng và phương tiện tại chỗ vừa có lực lượng cơ động mạnh. Nhiều cán bộ và
nhân viên kỹ thuật thuộc nhiều binh chủng và cơ quan dân sự được điều động vào
chiến đấu, công tác trên đường Trường Sơn.
Khắc phục gian khổ,
khó khăn, cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong và nhân viên kỹ thuật của
Đoàn 559 đã bền bỉ, anh dũng và mưu trí đánh địch, mở đường, đảm bảo giao
thông, thực hiện nhiệm vụ trung tâm là tiếp nhận các nguồn hàng từ hậu phương
miền Bắc (bao gồm của Tổng cục Hậu cần, của Ban THống Nhất Trung ương, của các
cơ quan Nhà nước gửi vào chiến trường, gửi cho bạn Lào) và nguồn thu mua ở hướng
Cam-pu-chia, tổ chức vận chuyển chi viện tới các chiến trường miền Nam và Lào,
đảm bảo hành quân cho bộ đội và các đoàn cán bộ dân – chính – đảng qua lại trên
đường Trường Sơn.
Bốn năm (1965-1968),
Đoàn 559 đã chuyển tới chiến trường miền Nam và Lào gần 100.000 tấn vật chất, đảm
bảo cho hơn 200.000 lượt người qua lại trên đường Trường Sơn; góp phần đánh bại “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam và đánh thắng
“chiến tranh đặc biệt” ở Lào; tạo điều kiện cho việc hoàn thành nhiệm vụ trong
các giai đoạn tiếp theo.
Từ năm 1969 đến năm
1972 là thời kỳ Mỹ triển khai một loạt biện pháp nhằm ngăn chặn bằng được mọi
nguồn tiếp tế từ bên ngòai vào miền Nam, đặc biệt là tuyến vận tải chiến lược từ
Bắc vào Nam. Bộ Quốc phòng Mỹ áp dụng triệt để những thành tựu mới nhất của nền
khoa học – công nghệ Mỹ vào mục đích ngăn chặn, tăng cường độ, mật độ đánh phá
của không quân, bộ binh và các hoạt động biệt kích trên khu vực Trường Sơn và hệ
thống đường ngang rẽ tới các chiến trường của tuyến vận tải chiến lược. Cùng một
lúc, bộ đội Trường Sơn phải đương đầu với điều mà Mỹ mệnh danh là “chiến tranh
ngăn chặn” và “chiến tranh hủy diệt” trong thời kỳ “Việt Nam hóa chiến tranh”.
Trước tình hình đó, Đảng
và Nhà nước chủ trương tăng cường thêm lực lượng và phương tiện để đảm bảo cho
Đoàn 559 tác chiến bảo vệ giao thông, đủ sức đối phó có hiệu quả mọi âm mưu và
thủ đoạn đánh phá ngăn chặn của địch, giữ vững sự chi viện cho chiến trường.
Được tăng cường về lực
lượng và phương tiện, bộ đội Trường Sơn nhanh chóng tổ chức lại đội hình, bố
trí lại thế trận, điều chỉnh giới chiến tuyến chiến đấu, hiệp đồng giữa các
binh chủng và từng binh trạm, cải tiến hệ thống chỉ huy, tăng cường cho các trọng
điểm… Rút kinh nghiệm thời kỳ “chiến tranh cục bộ”, hệ thống binh trạm, khu
kho, mạng đường các điểm vượt, các đoạn vòng tránh và việc tổ chức cung đoạn, đội
hình vận tải… cũng được cải tiến phù hợp với tình hình mới… Vì vậy, mặc dù địch
đánh phá ác liệt bằng bộ binh, bằng không quân; giội xuống khu vực đường Trường
Sơn một khối lượng bom đạn, chất độc hóa học và các loại thiết bị điện tử hiện
đại tăng gấp 4 lần thời kì Giôn-xơn (1965-1968) và gấp 20 lần thời kì
1960-1964… nhưng tuyến vận tải chiến lược vẫn không ngừng được xây dựng và mở rộng,
vươn sâu và vươn xa vào các chiến trường. Nếu trong thời kỳ “chiến tranh cục bộ”,
Đoàn 559 mới mở thông trục đường 20 – cửa khẩu vượt đỉnh Trường Sơn, nối với hệ
thống đường chiến lược ở sườn phía tây Trường Sơn, rút ngắn cung độ đến các hướng
chiến trường… thì từ 1968-1972, thêm 4 trục đường từ đông Trường Sơn sang tây
Trường Sơn, bao gồm đường 18,16,10 và 12, tạo thành hệ thống đường vượt
khẩu chống địch ngăn chặn, nâng tổng số chiều dài tuyến đường từ 2.930km (1968)
lên tới gần 11.000km (1972), chưa kể 6.500km đường giao liên, gùi thồ. Nhờ đó,
trong 4 năm thực hiện nhiệm vụ (1969-1972), tuyến vận tải chiến lược đã vận
chuyển được tổng khối lượng vật chất đạt 118%; đảm bảo hành quân đạt 184 đến
190% so với chỉ tiêu; bàn giao cho các chiến trường một khối lượng vật chất và
một số lượng nhân lực tăng gấp 3-6 lần so với 4 năm trước đó(2), đáp
ứng ngày càng đầy đủ nhu cầu của cách mạng miền Nam, cách mạng Lào và
Cam-pu-chia, đặc biệt vào những thời didểm quân và dân miền Nam mở cuộc tiến
công chiến lược 1972, quân và dân Lào mở cuộc tiến công chiến lược buộc địch phải
ký Hiệp định Pa-ri và Hiệp định Viên-chăn.
Thời kỳ cuối của cuộc
chiến tranh (1973-1975), nhiệm vụ của tuyến vận tải chiến lược là phải tranh thủ
thời cơ, “tiếp tục thực hiện nhiệm vụ vận chuyển chiến lược, tiếp tục bảo đảm
hành quân vào các chiến trường… đảm bảo cho các quân khu thực thiện tốt việc tổ
chức chiến trường, xây dựng lực lượng dự trữ chiến lược. ĐỒng thời phải bảo đảm
một phần nhu cầu dân sinh kinh tế, góp phần xây dựng căn cứ địa, vùng giải
phóng miền Nam và các nước bạn”(3).
Tháng 11 năm 1973, Hội
đồng Chính phủ phê chuẩn kê shoạch thiết kế, mở rộng tuyến vận tải chiến lược
Trường Sơn. Lực lượng công binh của Đoàn 559 và ngành vận tải miền Nam được huy
động làm đường. Từ 8 trung đoàn và 65 tiểu đoàn năm 1972, lực lượng công binh của
Đoàn 559 đã tăng lên 1 sư đoàn 17 trung đoàn và 40 tiểu đoàn với tổng quân số bằng
36.341 người. Bên cạnh lực lượng công binh, lực lượng mở đường còn bao gồm
2.741 thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến… Đồng thời, Nhà nước và quân
đội còn tăng cường thêm phương tiện cho Đoàn 559, bao gồm hành nghìn xe máy các
loại, xe lu, máy ép hơi, máy nghiền đá, máy san ủi…
Khí thế chiến thắng
trên khắp chiến trường cùng với việc lực lượng và phương tiện được bổ sung, được
tổ chức chặt chẽ đã tạo nên sức mạnh mới, giúp Đoàn 559 nhanh chóng mở thêm
3.480km đường cơ giới với các trục dọc men theo đông và tây Trường Sơn. Số
ki-lô-mét đường mới mở đó lớn hơn tổng số chiều dài giao thông được xây dựng
trong vòng 13 năm trước đó. Các tuyến đường ngang hỗ trợ cũng được khai thông.
Gần 5000km đường ống dẫn nhiên liệu lỏng với hệ thống trạm bơm, bể chứa tương đối
hiện đại từ hậu phương miền Bắc, men theo các trục dọc Trường Sơn, vươn tới các
chién trường. Các tuyến đường bộ phía Tây được sửa chữa, bảo dưỡng, mở rộng, bảo
đảm cho việc vận chuyển cơ giới theo đội hình lớn.
Qua 16 năm xây dựng,
từ lối mòn giao liên bí mật len lỏi dới các triền rừng, với một số đơn vị nhỏ lẻ,
tổ chức thành các tuyến đường dây lấy phương thức vận tải chiến lược đã phát
triển thành một hệ thống trục dọc và trục ngàng, ngày càng vươn vào chiến trường,
vương sâu vào các hướng chiến lược, bao gồm một lực lượng hùng mạnh lên tới
100.495 đủ các thành phần bộ đội binh chủng hợp thành, thanh niên xung phong,
dân công hỏa tuyến… Sự thật, cùng với sự gia tăng của cuộc chiến tranh, sự lớn
mạnh của các lực lượng yêu nước, kháng chiến, tuyến vận tải chiến lược đã trở
thành một hệ thống mạng đường không thể bị chặn cắt, chuyển vận tòan bộ sức mạnh
tiềm tàng và to lớn từ hậu phương miền Bắc vào chi viện cho cách mạng miền Nam;
cách mạng Lào và Cam-pu-chia; trở thành một chiến trường thu hút và tiêu diệt lớn
sinh lực địch; thành chỗ đứng chân và là bàn đạp xuất phát tiến công của các
binh đòan chủ lực hùng mạnh xuống các tỉnh ven biển miền Trung hoặc tham gia lực
lượng đnáh chiếm Sài Gòn, góp phần xứng đáng Đại thắng màu xuân 1975, hòan
thành sứ mệnh lịch sử lớn lao mà triệu triệu người Việt Nam yêu nước đã không
tiếc tính mạng và của cải giành lại và giữ vững: độc lập, tự do, thống nhất non
sông, hoàng tòan chủ quyền lãnh thổ!
Như thế, quyết định
xây dựng đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh và thực hiện thắng lợi quyết định
đó là một quyết định lịch sử, một thành công lớn trong chỉ đạo chiến lược, điều
hành chiến tranh của Đảng và Nhà nước Việt Nam, là biểu hiện của ý chí, sức mạnh,
trí thông minh, lòng dũng cảm của con người Việt Nam trong những năm chống Mỹ;
biểu hiện ngời sáng của tình đoàn kết chiến đấu và giúp đỡ lẫn nhau giữa cách mạng
Việt Nam với cách mạng Lào, Cam-pu-chia.
CHÚ THÍCH
[1] Hội nghị Trung ương
Đảng lần thứ 15 họp hai đợt: đợt 1 từ ngày 12 đến ngày 22/1/1959; đợt 2 từ ngày
10 đến ngày 15/7/1959.
2 1965-1968: kế hoạch
chi viện 85.000tấn, hành quân 324.000 lượt người; 1969-1972: kế hoạch chi viện
114.820 tấn, hành quân 598.000 lượt người, Dẫn theo Công tác vân tải quân sự chiến lược. Tài liệu lưu hành nội bộ của Tổng cục Hậu cần, 1984, tr.100.
3 Nghị quyết số 221/NQĐU 559, Dẫn theo Công tác vận tải quân sự chiến lược. TLĐD,
tr.106-107.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!