PGS.TS. Hồ Khang,
Viện Lịch sử quân
sự Việt Nam
Sau khi Hiệp định
Geneve được ký kết (7-1954), Đảng LĐVN chủ trương “thi hành triệt để Hiệp định đình chiến (tập kết
quân đội, rút quân ra Bắc... Đấu tranh đòi Pháp phải thi hành đúng Hiệp định"[1]. Tuy nhiên, đến giữa năm 1956, Việt Nam Cộng
hòa đã từ chối Tổng tuyển cử, tiến hành nhiều biện pháp chống cộng quyết liệt. Lúc
này, khả năng thực hiện các điều khoản chính trị của Hiệp định Giơnevơ hầu
như không còn tồn tại, cách mạng miền
Nam rơi vào tình thế hết sức khó khăn, yêu cầu chuyển hướng đấu tranh đặt
ra cấp thiết- thời điểm này hết sức cần những quyết sách đúng đắn, kịp thời.
1- Trước những đòi hỏi của tình hình, tháng 6-1956, Bộ Chính trị họp và ra Nghị quyết “Về tình hình, nhiệm vụ và công tác miền Nam”,
nêu rõ cần thành lập một Mặt trận dân tộc thống
nhất rộng rãi chống Mỹ - Diệm cho miền Nam, Mặt trận
đó phải "đoàn kết bất cứ người nào đoàn kết được, trung lập bất cứ người
nào có thể trung lập được"[2].
Trên cơ sở thực tiễn cách mạng miền Nam, tháng 8-1956, Uỷ
viên Bộ Chính trị Lê Duẩn soạn thảo “Đường
lối cách mạng miền Nam”, xác định nhiệm vụ của cách mạng miền Nam là “đánh
đổ chính quyền độc tài phát xít Mỹ - Diệm, thực hiện một chính quyền liên hiệp
dân chủ có tính chất dân tộc độc lập, để giải phóng nhân dân miền Nam khỏi ách
đế quốc phong kiến độc tài phát xít Mỹ -
Diệm để cùng với toàn quốc thực hiện hoà bình, thống nhất, độc lập dân tộc”[3]. Thực hiện nhiệm vụ lịch sử
đó, Đường lối cách mạng miền Nam khẳng
định cần thiết phải xây dựng một mặt trận dân tộc có tính giai cấp rõ ràng, đồng
thời phải bao hàm các lực lượng yêu nước, tiến bộ trong dân tộc, đặt quyền lợi
Tổ quốc lên trên hết, tránh “tả khuynh” cô độc, hẹp hòi, nhằm tập hợp mọi lực
lượng để chống kẻ thù chung- đây là “một nhiệm vụ quan trọng của Đảng ta hiện
nay để chiến thắng quân thù”[4].
Trong khi đó, chính sách chống cộng của Mỹ - Diệm đã
khiến cách mạng miền Nam chịu nhiều tổn thất. Đến năm 1959, nhiều xã không còn
chi bộ, cả Nam Bộ chỉ còn 5.000 đảng viên; ở đồng bằng Liên khu V, 70% chi uỷ viên, 60% huyện uỷ
viên, 40% tỉnh uỷ viên bị địch bắt, giết; 12 huyện không còn cơ sở đảng; có tỉnh
chỉ còn một chi bộ Đảng. Đến năm 1959, ở miền Nam có gần nửa triệu người bị bắt,
bị tù đầy và gần 7 vạn người bị giết hại. Cách mạng miền Nam đứng trước những
thử thách cực kỳ nghiêm trọng. Trước tình
hình đó, đáp ứng yêu cầu của cách mạng miền Nam, Hội nghị Trung ương lần thứ 15
(khoá II) của Đảng LĐVN được tổ chức (1-1959) và ra nghị quyết lịch sử, phân
tích sâu sắc thái độ của các giai cấp, tầng lớp (công nhân, nông dân, tiểu tư sản, trí thức, tư sản dân tộc, địa chủ), các dân
tộc thiểu số, các tín đồ tôn giáo, binh lính trong quân đội miền Nam. Trên cơ sở
đó, Nghị quyết chỉ ra khả năng tập hợp ngày càng đông đảo các lực lượng yêu nước,
dân chủ ở miền Nam trong một mặt trận dân tộc thống rộng rãi trên cơ sở liên
minh công nông, do Đảng lãnh đạo, nhằm
cô lập đến cao độ và đánh đổ chế độ Ngô Đình Diệm.
Xác định nhiệm vụ trước
mắt của cách mạng miền Nam là "đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh chống
đế quốc Mỹ xâm lược và gây chiến, đánh đổ tập đoàn thống trị độc tài Ngô Đình
Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ, thành lập một chính quyền liên hiệp dân tộc, dân
chủ ở miền Nam, thực hiện độc lập dân tộc và các quyền tự do dân chủ, cải thiện
đời sống nhân dân, giữ vững hoà bình, thực hiện thống nhất nước nhà"[5], Hội nghị Trung ương 15 chủ
trương thành lập một mặt trận riêng cho miền Nam. Mặt trận đó "phải rất rộng
rãi, phải đoàn kết tất cả các dân tộc đa số và thiểu số, các đảng phái các tôn
giáo và những cá nhân yêu nước, đoàn kết với ngoại kiều, đặc biệt là Hoa kiều;
không phân biệt chủng tộc, tôn giáo chính kiến, điều cố yếu là chống Mỹ - Diệm,
tán thành tự do dân chủ, cải thiện dân sinh và hoà bình thống nhất Việt Nam"[6].
Nghị quyết 15 như mồi lửa ném vào đống củi khô, làm bùng
phát một phong trào đấu tranh mạnh mẽ và rộng khắp miền Nam- phong trào "Đồng
khởi" làm xoay chuyển tình hình và mở đường cho cách mạng miền Nam tiến
lên. "Đồng khởi” đã đánh một đòn quyết
định làm vào chiến lược Aixenhao, đưa cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng
chuyển sang thế thế tiến công. Bước ngoặt của cách mạng miền Nam đòi hỏi phải có một tổ chức cách mạng có đường lối đấu
tranh phù hợp với đặc điểm tình hình miền Nam, có khả năng đứng ra động viên, tổ
chức toàn thể nhân dân đoàn kết lại đặng hoàn thành công cuộc đấu tranh thống
nhất đất nước.
Nhấn mạnh lại và làm rõ thêm nhiều điểm trong nội dung
Nghị quyết Trung ương 15, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9-1960)
khẳng định quá trình thực hiện nhiệm vụ của cách mạng miền Nam là quá trình tập
hợp, đoàn kết, tổ chức và phát triển các lực lượng đấu tranh chống Mỹ - Diệm. Đại
hội III Đảng LĐVN nhấn mạnh một lần nữa nhiệm vụ “thực hiện một mặt trận dân tộc
thống nhất rộng rãi chống Mỹ - Diệm”[7] ở miền Nam.
Thực hiện Nghị quyết 15 và Nghị quyết Đại hội III, đáp ứng
yêu cầu phát triển của cách mạng miền Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam
Việt Nam (MTDTGPMNVN) ra đời (12-1960), chủ trương "đoàn kết tất cả các tầng
lớp nhân dân, các giai cấp, các dân tộc, các đảng phái, các đoàn thể, các tôn
giáo và thân sĩ yêu nước không phân biệt xu hướng chính trị"[8] trong sự nghiệp đấu tranh
thống nhất đất nước. Với Tuyên ngôn, Chương trình hành động 10 điểm, MTDTGPMNVN
chính thức trở thành người đại diện cho nhân dân miền Nam, giương cao ngọn cờ đoàn kết, tiên phong trong cuộc
đấu tranh đầy hi sinh gian khổ trên con đường đi tới độc lập, thống nhất.
2- Từ khi MTDTGPMNVN được thành lập, phong trào đấu tranh cách
mạng của nhân dân miền Nam phát triển về quy mô khắp các vùng nông thôn, đồng
bằng rừng núi và đô thị. Ở nhiều vùng của nông thôn Nam Bộ và rừng núi miền Nam
Trung Bộ, nhân dân đã vùng lên phá thế kìm kẹp của địch, hình thành vùng giải
phóng. Thực hiện Cương lĩnh và Chương trình hành động 10 điểm, lúc này, Mặt trận tồn tại, phát triển với tư
cách là chính quyền cách mạng, hoặc đại diện cho chính quyền cách mạng, đảm nhận chức năng của bộ máy chính quyền,
có thêm trách nhiệm quản lý một vùng giải phóng rộng lớn. Xây dựng, phát triển vùng giải
phóng trên mọi phương diện, hình thành chế độ tự quản của nhân dân trở thành một trong những nhiệm vụ đặc biệt và hàng
đầu của Mặt trận.
Từ
tháng 12-1960, dưới sự lãnh đạo của MTDTGPMNVN, cuộc sống mới nảy nở ở những
vùng giải phóng, các cải cách dân chủ trong đó có chính sách ruộng đất được thực
hiện, khẩu hiệu “người cày có ruộng” trở thành hiện thực ở nhiều nơi. Nhận thức
rõ rằng, xây dựng vùng giải phóng toàn diện về kinh tế, chính trị,
quốc phòng là nhằm tạo sức mạnh tổng hợp, lực lượng vững chắc chủ động đối phó với đối phương, chỉ có xây dựng được kinh tế phát triển thì mới đảm bảo được đời sống của nhân dân,
mới có cơ sở để giải quyết hậu cần tại chỗ, có cơ sở vật chất để tổ chức vùng
kinh tế lấn sâu vào vùng kinh tế địch, Mặt trận phát động phong trào tăng gia sản
xuất, bảo vệ mùa màng, tăng cường chỉ đạo xây dựng cho
được nền kinh tế vững mạnh thật sự ở vùng giải phóng. Dưới ngọn cờ của
MTDTGPMNVN, nhân dân các vùng giải phóng đẩy mạnh tăng gia, sản xuất, thực hiện
tự cung, tự cấp, cung ứng một phần nhu cầu về lương thực, thực phẩm; đồng thời,
góp sức, góp phần nuôi quân đánh giặc. Mặt trận chủ trương trao đổi lưu thông hàng hoá giữa các vùng giải phóng với các vùng bị tạm
chiếm, triệt để khai thác các nguồn vật chất trong dân, các loại vật tư thiết yếu
từ các cơ sở của quần chúng yêu nước trong vùng địch kiểm soát. Trong vùng địch tạm chiến, tuỳ theo tình hình từng vùng, từng thời kỳ, Mặt trận triển khai phù
hợp cuộc đấu tranh kinh tế với địch, hạn chế và phá các
kế hoạch vơ vét lúa gạo; khai thác nhân, vật lực, làm thất bại âm mưu “lấy chiến
tranh nuôi chiến tranh” của đối phương, coi đây là một mặt
trận đấu tranh không kém phần quan trọng, đặc biệt là đối với những chiến trường
trù phú như ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, từ năm
1965, miền Bắc đã gửi cán bộ thuộc nhiều lĩnh vực như tuyên giáo, giáo dục, y tế,
văn hoá... vào miền Nam để hỗ trợ Mặt trận trong bảo vệ, xây dựng vùng giải
phóng. Sự hỗ trợ này của miền Bắc cùng với những nỗ lực to lớn của Mặt trận đã
góp phần thay đổi đáng kể bộ mặt vùng giải phóng, cuộc sống ở đó đơm hoa, khởi
sắc.
Trong
thế xen cài giữa vùng giải phóng và vùng địch kiểm soát, cùng với Trung ương Cục
miền Nam, MTDTGPMNVN chỉ đạo mở rộng vùng giải phóng, bao gồm những cơ sở cách
mạng, căn cứ, khu du kích, vùng căn cứ được xây dựng thành hậu phương tại chỗ của
cách mạng miền Nam thành địa bàn triển khai các lực lượng vũ trang và lực lượng
chính trị một cách hợp lý trên khắp các vùng chiến lược. Trong thế phát triển
đi lên của cách mạng miền Nam, tư tưởng chỉ đạo chung ở các vùng giải phóng
và trên chiến trường là phải “vừa tiến công, vừa xây dựng;
tiến công để xây dựng, củng cố và mở rộng vùng giải phóng; xây dựng để tiếp tục
đẩy mạnh thế tiến công quyết liệt với địch, giành thắng lợi lớn nhất”. “Đoàn kết giết giặc và sản xuất” vừa là mục tiêu, vừa là phương châm
hành động của MTDTGPMNVN trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của nhân dân vùng giải
phóng.
Phục vụ mục tiêu đánh thắng “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ, MTDTGPMNVN đã công bố bức thư tố cáo chính sách
xâm lược vũ trang của Mỹ, một lần nữa kêu gọi tất cả mọi người Việt Nam yêu nước,
các tổ chức, các khuynh hướng đoàn kết lại một cách rộng rãi để đánh bại bọn
xâm lược Mỹ ; đồng thời, đề ra bốn
chủ trương cứu nước khẩn cấp[9].
Hiện thực hóa bốn chủ trương cứu nước
khẩn cấp, ở vùng giải phóng, Mặt trận tập trung phát động
quần chúng, đẩy mạnh phong trào chống phi pháo, chống gom dân, lập ấp… đẩy mạnh
tăng gia sản xuất, tiết kiệm, xây dựng xã ấp chiến đấu, củng cố các tổ chức quần
chúng phát huy vai trò làm chủ của nông dân ở vùng nông thôn; kiên quyết bảo vệ
quyền lợi ruộng đất cho dân…. Đối với vùng tranh chấp, Mặt trận phát động nông dân liên tục nổi dậy khởi nghĩa phá ấp chiến lược, diệt ác
phá kìm, giải phóng đến đâu chia ngay ruộng đất cho dân đến đó; xây dựng và củng
cố xã ấp, các tổ chức chính trị như chi bộ Đảng, nông thôn, phụ nữ…”.
Thực hiện chủ trương "tìm mọi cách để tuyên truyền,
giáo dục cho ngụy quân hiểu rõ nhiệm vụ của họ là quay súng trở về với nhân
dân, cùng nhân dân đánh đổ chế độ Mỹ-Diệm”[10] và chủ trương “tăng cường
tổ chức binh vận từ trên xuống đến xã. Dùng mọi mối liên hệ với các giai đình
binh lính, của các giới”[11], Mặt trận cùng Vụ Binh vận
trực thuộc Ban Thống nhất Trung ương hình thành nhiều bộ phận chuyên trách như
tuyên truyền, tổ chức đấu tranh, xây dựng quản lý nội tuyến, đội vận động sĩ
quan… MTDTGPMNVN, Ban Binh vận tập trung vân động, thuyết phục và tổ chức cho
nhân dân lợi dụng thế hợp pháp đấu tranh trực diện không cho địch dồn dân lập ấp,
vận động gia đình binh sĩ giáo dục con em không thực hiện các hành động tội ác;
đẩy mạnh xây dựng cơ sở nội tuyến trong lực lượng dân vệ, thanh niên, phá địch
từ bên trong và làm nội ứng cho lực lượng từ bên ngoài đánh vào. Trên cơ sở
Cương lĩnh, Mặt trận cho công bố các chính sách đối với tù binh, hàng binh,
nghĩa binh, chính sách đối với đơn vị theo cách mạng, chính sách đối với những
đơn vị ly khai Diệm. Mặt trận đẩy mạnh tuyên truyền về việc hoan nghênh, khen
thưởng, giúp đỡ làm ăn, sắp xếp công tác cho cá nhân hoặc từng nhóm, từng đơn vị
làm binh biến, nếu cả đơn vị tình nguyện theo cách mạng sẽ được giữ nguyên biên
chế; đối với những đơn vị có khuynh hướng chính trị hòa bình, trung lập ly khai
Diệm, nhưng chưa hoàn toàn tán thành Cương lĩnh Mặt trận, thì liên hiệp hành động,
giúp đỡ với điều kiện cùng chống Mỹ-Diệm. Bên cạnh đó, Mặt trận cũng chỉ đạo hướng
dẫn các cấp, các địa phương, các ban ngành, đoàn thể như Thanh vận, Phụ vận,
Nông vận, Trí vận, Hoa vận… kết hợp công tác dân vận với công tác binh địch vận,
giao trách nhiệm cho từng đoàn viên, hội viên kết hợp với phong trào đấu tranh
của quần chúng để vận động binh lính, sĩ quan.
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Cục miền Nam, của Mặt trận,
phong trào phá ấp chiến lược, công tác binh vận ngày càng tăng, hiệu quả cao:
Năm 1961 có 33,8 triệu lượt người tham gia đấu tranh chính trị, có 11 triệu lượt
người tham gia phá ấp chiến lược, đặc biệt ở thành thị có 31,5 vạn người xuống
đường đấu tranh chống Mỹ - Diệm. Năm
1962, số người ở thành thị tham gia đấu tranh tăng lên thành 67,8 vạn, hỗ
trợ cho 2,7 triệu người từ nông thôn kéo vào thành thị đấu tranh. Năm 1963, hưởng
ứng phong trào “thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công”, có 34 triệu lượt người
tham gia đấu tranh chính trị, phá ấp chiến lược. Nhờ nỗ lực của Trung ương Cục
miền Nam, của Mặt trận, vùng giải phóng không chỉ được củng cố, tăng cường mà
còn không ngừng mở rộng, còn ở các vùng tranh chấp, đa phần nhân dân một lòng
hướng về cách mạng, làm hậu thuận, nội ứng cho cách mạng. 80% ấp chiến lược nằm trong “quốc sách” của đế quốc
Mỹ và tay sai bị nhân dân miền Nam phá vỡ. Trên 2/3 lãnh thổ miền Nam có trên một
nửa triệu dân được sống trong vùng tự do, dưới quyền kiểm soát thực tế của
MTDTGPMNVN.
Sau một thời gian hoạt
động, thanh thế của MTDTGPMNVN không ngừng được khuếch chương, uy tín của Mặt
trận ngày càng cao – thực tế đó đặt ra yêu cầu
tập hợp rộng rãi hơn nữa các lực lượng dân tộc ở miền Nam vào Mặt trận. Chỉ thị
“Về phương hướng và nhiệm vụ công tác trước
mắt của cách mạng miền Nam” (1-1961) của Bộ Chính trị nêu những khả năng mới
tăng cường, mở rộng đoàn kết, tập hợp lực lượng dựa trên sự chuyển biến thái độ
chính trị của các giai tầng xã hội miền Nam theo hướng ngày càng "thuận lợi
cho việc tập hợp thêm lực lượng mới chống Mỹ-Diệm và cho việc mở rộng Mặt trận
Dân tộc Thống nhất ở miền Nam để cô lập Mỹ-Diệm hơn nữa”[12]; từ đó, khẳng định “cần mở
rộng Mặt trận dân tộc giải phóng”[13].
Xác định mở rộng MTDTGPMNVN khắp mọi nơi và xây dựng cho được mặt trận ở
bên trên (tỉnh, miền, Trung ương) cũng đồng thời là hình thức phát triển chính
quyền cách mạng rộng khắp, Hội nghị lần thứ nhất (mở rộng) của Trung ương Cục
miền Nam (10-1961) đề cập một cách cơ bản, có hệ thống các vấn đề
về Mặt trận thống nhất ở miền Nam. Hội nghị chủ trương đẩy mạnh công tác
mặt trận, dân vận, củng cố khối liên minh công nông, tăng cường tổ chức, giáo
dục, bồi dưỡng quần chúng công nông, đồng thời mở rộng tổ chức và ảnh hưởng của
Mặt trận trong các tôn giáo và tầng lớp trên, xúc tiến thành lập Uỷ ban mặt trận
các cấp, nhất là Trung ương và tỉnh.
Quán triệt chủ trương nói trên, từ
ngày 16-2 đến 3-3-1962, tại vùng KàTum (Tây Ninh), Đại hội MTDTGPMNVN họp lần
thứ nhất. Đại hội là một sự kiện chính trị quan trọng,
góp phần tăng cường khối đoàn kết của nhân dân miền Nam trong sự nghiệp chống Mỹ.
Sau Đại hội, phạm vi và ảnh hưởng hoạt động của Mặt trận ngày càng mở rộng. Mặt
trận đã tổ chức lãnh đạo nhân dân miền Nam kết hợp đấu tranh quân sự với đấu
tranh chính trị, làm công tác binh vận cả nông thôn và thành thị, mở rộng vùng
giải phóng. Ở vùng giải phóng, Uỷ ban Mặt trận các cấp đã được thành lập, chuyển
sang làm chức năng của chính quyền cách mạng, có nhiệm vụ đoàn kết, tổ chức
nhân dân chiến đấu, sản xuất và xây dựng cuộc sống mới. Đến 10-1962, tất cả các
miền (Trung Trung bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Sài Gòn – Gia Định,
Trung Nam bộ, Tây Nam bộ) đều có Uỷ ban Mặt trận[14]. Trong số "41 tỉnh
thành, từ vĩ tuyến 17 đến mũi Cà Mau thì 38 tỉnh thành đã có Uỷ ban Mặt trận ra
mắt nhân dân” [80; tr. 200] và
“uy tín của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ngày càng thêm to lớn
trong quần chúng nông thôn cũng như thành thị”[15]. Cùng với sự phát triển của
cuộc kháng chiến, Uỷ ban nhân dân giải phóng cũng được thành lập ở nhiều vùng
ven đô thị và cả trong lòng các đô thị. Tại nhiều vùng rộng lớn ở miền Nam, Chính quyền Diệm không còn tồn tại thay
vào đó, người dân chỉ biết có “Chính phủ bí mật” (tức Uỷ ban Mặt trận ở các địa
phương), tồn tại song song hoặc thay thế nhiều cấp Chính quyền Diệm. Đặc
biệt, từ sau khi Trung ương Cục miền Nam và Ủy ban Trung ương MTDTGPMNVN ra Chỉ
thị “Tích cực, khẩn trương, củng cố, xây
dựng, phát triển chính quyền cách mạng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở
xã, ấp” (29-2-1968) và Chỉ thị “Ra sức
xây dựng chính quyền cách mạng các cấp theo kịp sự phát triển của tình hình”
(25-5-1968), thì việc lập chính quyền cách mạng càng được nhân dân hưởng ứng rộng
rãi. Chỉ sau 6 tháng thực hiện các chỉ thị trên, chính quyền cách mạng ở các cấp
được xây dựng rộng rãi. Theo số liệu chưa đầy đủ, đã có tới 516/1800 xã được
xây dựng chính quyền; chính quyền cấp huyện được xây dựng trong 21/170 huyện;
3/44 tỉnh (Cà Mau, Gia Lai, Mỹ Tho) đã có chính quyền[16] [117; tr. 412]. “Chính quyền
cách mạng được thành lập một cách dân chủ dưới bom đạn ác liệt của quân thù” và
“thật sự đem lại cho đồng bào quyền dân chủ, dân sinh, quyền sống tự do, bình đẳng,
quyền được thương yêu đùm bọc lẫn nhau, sống với nhau đầy tình người”[17].
Việc việc xây dựng, mở rộng, tăng cường vùng giải phóng, miền
Nam đã có vùng giải phóng rộng lớn, có lực lượng vũ trang cách mạng lớn mạnh,
có lực lượng chính trị hùng hậu thống nhất trong mặt trận đoàn kết dân tộc rộng
rãi – điều kiện đã chín muồi cho việc thành lập chính quyền Trung ương. Năm
1969, Chính phủ Cách mạng lâm
thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời với Mặt trận Dân tộc giải phóng làm nòng
cốt – đó là kết quả của quá trình hoàn chỉnh hệ thống chính quyền, đồng
thời, đánh dấu bước phát triển mới của mặt
trận đoàn kết dân tộc chống Mỹ và tay sai ở miền Nam. Cũng từ thời điểm này, lịch
sử hoạt động của Mặt trận lật sang một trang mới- sát cánh cùng Chính phủ Cách mạng lâm thời thực hiện các
chủ trương lập chính quyền cách mạng, thi hành những cải cách dân chủ, mở rộng vùng giải phóng. Tính
đến 25-6-1969, trong số 44 tỉnh miền Nam Việt Nam “đã có 34 tỉnh và 4 thành phố
đã bầu xong Uỷ ban nhân dân cách mạng tỉnh và thành phố từ cơ sở lên”[18]. Thực
hiện khẩu hiệu “người cày có ruộng”, dưới sự chỉ đạo của Mặt trận và chính quyền
cách mạng, từ năm 1965 đến năm 1973, đã chia cấp thêm 15.000 ha ruộng đất cho
nông dân ; nhờ đó, về cơ bản, “nông dân vẫn giữ được quyền làm chủ ruộng đất
từ “Đồng khởi” cho đến ngày giải phóng”[19].
3- Quá trình phát triển của cuộc chiến tranh giải phóng ở
miền Nam Việt Nam là quá trình vận động từ thấp lên cao; từ chiến tranh du kích phát triển lên chiến tranh chính quy. Chính vì vậy, từ
sau khi ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng LĐVN, cùng với việc xây dựng và mở rộng
các khu du kích, căn cứ du kích, Mặt trận chủ trương phải tạo ra được những vùng giải phóng tương đối rộng lớn và hoàn chỉnh - nơi đó được triển
khai xây dựng một cách toàn diện cả về chính trị, quân sự, kinh tế và văn hoá,
xã hội; bảo đảm được sự ổn định và vững chắc để có thể đáp ứng được những nhu cầu
đòi hỏi ngày càng cao của chiến tranh.
Quán triệt và thực hiện
tốt xây dựng căn cứ địa-hậu phương về chính trị dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của
MTDTGPMNVN thực chất là công cuộc vận động nhân dân, xây dựng căn cứ lòng dân. Thực hiện nhiệm vụ phức
tạp song hết sức cấp thiết đó, Mặt trận đã xác định đúng đắn vai trò to lớn của
quần chúng nhân dân; xác định rõ phương thức, phương pháp lôi cuốn, tập hợp
nhân dân tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng, bảo vệ căn cứ địa-hậu
phương, xây dựng chế độ mới trong chiến tranh. Hiểu rõ rằng, muốn lôi cuốn, tập
hợp được nhân dân cần phải có một đường lối chính trị đúng đắn, hợp lòng dân,
đường lối chính trị ấy phải có cơ sở vững chắc – chỉ khi đó mới quy tụ, cố kết
lòng dân. Đường lối của Mặt trận với nội dung cốt lõi “phải HOÀ BÌNH ! phải độc lập ! phải dân chủ! Phải cơm no áo ấm! Phải Hoà bình Thống nhất Tổ quốc !”
đã đáp ứng đúng nguyện vọng thiết tha cấp bách nhất của toàn thể nhân dân miền
Nam, trở thành ý chí sắt đá, sức mạnh phi thường thúc đẩy toàn thể đồng bào kết
thành hàng ngũ, kiên quyết đứng lên đấu tranh vì độc lập, tự do,vì quyền lợi tối
cao của Tổ quốc.
Bên cạnh đó, động
viên sức dân để xây dựng căn cứ địa-hậu phương chiến tranh, xây dựng, mở rộng
vùng giải phóng, xây dựng chế độ mới trong chiến tranh cách mạng, Mặt trận đã
tập trung củng cố sức dân, chăm lo đến đời sống nhân dân – đó chính là sự kế
thừa và phát triển tư tưởng “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc”
của cha, ông. Chính sách kinh tế kháng chiến
đã góp phần đáng kể cải thiện, nâng cao đáng kể đời sống vật chất, tinh
thần của người dân tại các vùng giải phóng, khu căn cứ. Tư tưởng dựa vào dân,
chăm lo bồi dưỡng sức dân, phát huy sức mạnh tổng hợp to lớn của nhân dân mà
Mặt trận đã thực hiện nhất quán trong toàn bộ quá trình lãnh đạo xây dựng, mở
rộng vùng giải phóng đã mang lại hiệu quả to lớn và thiết thực. Trong những chặng đường đấu tranh gian khổ, chiến đấu kiên
cường, anh dũng, nhìn chung lại, đó những kinh
nghiệm quý báu mà MTDTGPMNVN để lại từ thực tiễn sôi động và chúng vẫn còn
nguyên giá trị soi rọi cho ngày hôm nay.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam : Văn kiện Đảng toàn tập, tập 15, Nxb
Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.274.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam : Văn kiện Đảng toàn tập, tập 17, Nxb
Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.226.
[9]Đế quốc Mỹ
phải đình chỉ cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam; giải tán toàn bộ “ấp chiến lược”;
thành lập ở miền Nam một chính phủ liên hiệp dân tộc; thực hiện đường lối ngoại
giao hoà bình trung lập.
[17] Nguyễn Văn Linh và tập thể tác giả : Chung một bóng cờ, Nxb
Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993, tr.412.
[19] Lâm Quang Huyên : Cách mạng ruộng đất ở miền Nam Việt Nam, Nxb
Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1985, tr.
132.
Cảm ơn Thầy rất nhiều vì những công trình nghiên cứu đầy tâm huyết và hữu ích Thầy đã chia sẻ trên http://nghiencuulichsu.blogspot.com
Trả lờiXóaKính chúc Thầy luôn khỏe và tiếp tục có nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử chiến tranh hơn nữa!