Nguyễn
Sơn là một nhân vật khá đặc biệt không chỉ trong Quân đội nhân dân Việt Nam
nói riêng, mà còn trong lịch sử cách mạng Việt Nam nói chung. Chỉ riêng danh
hiệu “Lưỡng quốc tướng quân” cũng đã đủ nói lên một phần sự đặc biệt ấy. Sống
và hoạt động cách mạng khá ngắn ngủi nhưng những gì mà ông để lại, những gì
mà ông đóng góp cho nhân dân, cho Tổ quốc Việt Nam quả là không hề nhỏ bé chút
nào. Nguyễn Sơn thực sự là một người có khí phách, một danh tướng “văn võ toàn tài”.
1- Góp phần củng cố tình hữu nghị Việt - Trung
Nguyễn Sơn có tên thật
là Vũ Nguyên Bác, sinh năm 1908 trong một gia đình
vốn có truyền thống yêu nước; do đó, ông sớm giác ngộ lý tưởng cộng sản, dấn
thân vào con đường cách mạng đầy chông gai và trở thành một trong những chiến
sĩ cộng sản đầu tiên gây dựng phong trào cách mạng Việt Nam.
Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc cử phái viên Nguyễn Công Thu gặp và
đưa Vũ Nguyên Bác sang Quảng Châu (Trung Quốc) tham gia lớp huấn luyện chính
trị đặc biệt do Nguyễn Ái Quốc tổ chức. Tại Quảng Châu, ông lấy tên mới là Lý Anh Tự[1],
tích cực hoạt động cùng với Lý Tống (Phạm Văn Đồng), Lý Quý (Trần Phú), Lý
Trí Phương (Nguyễn Thị Minh Khai) … Giữa năm 1926, Vũ Nguyên Bá - Lý Anh Tự được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên
và được gửi đi học tại Trường Quân chính Hoàng Phố cùng với Lê Hồng Phong, Lê
Thiết Hùng, Phùng Chí Kiên. Tại Trường Quân chính, cùng với các đồng chí của
mình, Lý Anh Tự học tập, nghiên cứu dưới sự hướng dẫn nhiệt tình, tận tâm của
các chuyên gia quân sự Xô-viết và Trung Quốc;
nhờ đó và cùng với tư chất cá nhân vốn có, ông đã có sự bước trưởng thành vượt
bậc về kiến thức quân sự cũng như lập trường chính trị.
Tháng 8-1927, Lý Anh Tự gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc và
sau thất bại của cuộc khởi nghĩa Quảng Châu do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh
đạo (12-1927), Lý Anh Tự chuyển tới khu du kích Đông Giang (phía Tây Quảng Châu),
được bổ nhiệm chính trị viên đại đội thuộc Trung đoàn 74 của Hồng quân Trung Quốc
và sau đó lấy tên là Hồng Thủy. Năm 1931, Hồng Thủy trở thành Chính ủy Trung
đoàn 102, sau đó là Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 34, Quân đoàn 12 Hồng quân
Trung Hoa. Tháng 1-1934, tại Đại hội Đại biểu công- nông- binh toàn quốc lần
thứ hai, Hồng Thủy được tín nhiệm bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương nước
Cộng hòa Xô-viết Trung Hoa với tư cách là “đại biểu dân tộc ít người” kiêm Ủy viên Chính phủ dân chủ công -nông
khu Xô-viết Trung ương. Với những hoạt động đó, Hồng Thủy “là một cuốn sách ghi lại
toàn bộ quá trình về Trường Quân sự Hoàng Phố, khởi nghĩa Quảng Châu, năm lần chống
vây quét, cuộc trường chinh hai vạn năm nghìn dặm và tám năm kháng chiến”[2].
Sau một thời gian về nước hoạt động (1945 - 1950), Hồng Thủy
tiếp tục quay trở lại Trung Quốc làm cố vấn quân sự cho Quân ủy Trung ương Trung
Quốc và tham gia “kháng Mỹ, viện Triều”; sau được bổ nhiệm là Phó Cục trưởng
Cục Điều lệnh, Tổng giám bổ huấn luyện Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa. Với
những đóng góp to lớn, Hồng Thủy được coi là một trong 72 “đại công thần” của cách
mạng Trung Quốc, được phong cấp hàm Thiếu tướng trong đợt đầu tiên của nước
Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (9-1955) và được Chính phủ Trung Quốc trao tặng
Huân chương Giải phóng hạng Nhất.
Những ngày tháng tham gia hoạt động cách mạng và chiến đấu
trong hàng ngũ những người cộng sản Trung Quốc, với lòng nhiệt huyết và tài năng quân
sự, Hồng Thủy đã chỉ huy Hồng quân Trung Quốc chiến đấu, lập nên những chiến
công vang dội, đóng góp xứng đáng vào thắng lợi của cách mạng Trung Quốc. Dù ở
bất cứ vị trí nào, ông luôn thể hiện bản lĩnh vững vàng, tinh thần sẵn sàng
xông pha nơi tuyến đầu, bất chấp mọi hiểm nguy, coi sự nghiệp cách mạng của
nhân dân Trung Quốc như chính sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam. Đặc
biệt, kinh quá nhiều vị trí, đồng thời, Hồng Thủy cũng phải trải qua rất nhiều thăng
trầm[3], song chưa bao giờ ông nản
lòng, ngã gục trước thách thức, khó khăn; trái lại, luôn coi đó là cơ hội để
rèn luyện bản lĩnh, ý chí chiến đấu. Ông thực sự là “một khối thép không han gỉ
trong đói rét cực nhọc, không run sợ trước mọi sự hăm dọa, không ngã gục trong
mưa bom bão đạn, không giận hờn bởi sự hiểu lầm hoặc bị xúc phạm”[4]. Tấm gương phấn đấu hy
sinh và kiên định con đường cách mạng của Hồng Thủy đã khiến những người cộng sản
Trung Quốc khâm phục và nể trọng. Hồng Thủy
là hình ảnh hưởng thu nhỏ của những chiến sĩ cách mạng Việt Nam quả cảm. Qua
Hồng Thủy, đất nước Việt Nam nhỏ bé, xa xôi trở nên thân quen và gần gũi hơn. Có
thể nói, Hồng Thủy “là một chiến sĩ quốc tế đã để
lại tấm gương tốt đẹp về tình hữu nghị giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng
Trung Quốc”[5]. Bằng
những tháng ngày cống hiến tận tâm và hết mình cho cách mạng Trung Quốc, Hồng
Thủy thực sự là nhịp cầu hữu nghị nối kết những bến bờ Việt- Trung.
2- Rèn luyện và xây dựng lực lượng cho kháng chiến
Tháng 11-1945, theo yêu cầu của Trung ương Đảng Cộng sản
Đông Dương, Hồng Thủy trở về tiếp tục hoạt động ở căn cứ địa Việt Bắc. Với tên
mới là Nguyễn Sơn, ông được Chính phủ cách tin tưởng giao đảm trách nhiều cương
vị quan trọng trong chính quyền và quân đội. Tháng 12-1945, Nguyễn Sơn được cử làm
Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính miền Nam Việt Nam. Sau khi Ủy ban Kháng
chiến giải thể (12-1946), Nguyễn Sơn lần lượt đảm nhiệm các chức vụ quan trọng như
Tư lệnh kiêm Chính ủy Liên khu IV và Liên khu V, Hiệu trưởng trường Lục quân
trung học Quảng Ngãi (1946), Cục trưởng Cục quân huấn Bộ Tổng tham mưu (1947), Tư
lệnh kiêm Chính ủy Liên khu IV (1948-1949).…
Nhận trách nhiệm lãnh đạo ở những vị trí nói trên, Nguyễn
Sơn luôn quan tâm rèn
luyện và xây dựng lực lượng cho cách mạng, tích cực bồi dưỡng đội ngũ cán bộ.
Trong các cuộc họp bàn về quân sự, về kháng chiến, Nguyễn Sơn đã tham gia tích cực, “có nhiều ý kiến
sâu sắc về đào tạo cán bộ cũng như về tác chiến, về xây dựng chủ lực cũng như về
xây dựng lực lượng dân quân”[6]. Để bổ
túc kiến thức, bồi dưỡng cho cán bộ, tại Nông Cống, Thanh Hóa (Khu IV), Nguyễn Sơn chỉ đạo tổ chức các lớp học ngắn ngày. Lớp đầu tiên là
lớp bồi dưỡng cán bộ trung cấp gồm 50 người, tiếp đến là các lớp bổ túc cán bộ
đại đội, lớp bồi dưỡng ngắn ngày cho các ủy viên thường vụ, thường trực ủy ban
các tỉnh Liên khu IV[7].
Nhận thấy cán bộ chỉ huy chưa qua huấn luyện, chưa có kiến thức quân sự, ông
giao nhiệm vụ cho các chi đội (tương đương trung đoàn) các tỉnh tự tổ chức
trường quân chính đào tạo cán bộ tiểu đội, còn Ủy
ban Kháng chiến hành chính miền Nam Việt Nam thì tổ chức trường chính quy
đào tạo cán bộ trung đội. Trường Sĩ quan Lục quân Quảng Ngãi đã ra đời như thế
và khai giảng năm học đầu tiên vào ngày 1-6-1946. Chương trình quân sự do Nguyễn Sơn lập
ra, dạy từ chiến đấu cá nhân, lăn lê bò toài đến bắn súng, đâm lê, ném lựu đạn
theo kiểu Nhật, kiểu Pháp. Điểm đặc biệt ở Trường Lục quân Quảng Ngãi là có một số sĩ quan người Nhật tình
nguyện đứng về phía Việt Nam trực tiếp giảng dạy – đây là những người được Nguyễn Sơn góp phần vận động, thuyết phục rời bỏ
Quân đội Nhật đến với kháng chiến (sau đó, một số giáo viên người Nhật này đã
trở thành đảng viên Đảng Lao động Việt Nam, có người hy sinh ở chiến trường). Cần
phải nói thêm rằng, trong điều kiện lúc bấy giờ vừa mới giành
chính quyền, khó khăn, thiếu thốn mọi bề, Nguyễn Sơn đã chỉ đạo xây dựng được
một ngôi trường chuyên huấn luyện tương đối chính quy về quân sự thì đó không
đơn thuần là những cố gắng, nỗ lực vượt bậc của ông, mà còn cho thấy tầm nhìn
xa, trông rộng, nhãn quan nhạy bén của một lãnh đạo có tầm.
Nguyễn Sơn cũng tổ chức những buổi giảng bài về chiến thuật, cách
cầm quân, những kiến thức tối thiểu mà người chỉ huy phải có cho đối tượng cán
bộ trung tâm tiểu đoàn. Ông
đã dành nhiều tâm sức phát triển tinh thần thi đua và tính tập thể trong huấn
luyện bộ đội. Phục vụ cho việc giảng dạy, Nguyễn Sơn đã viết,
dịch và cho ra đời những tác phẩm về lý luận quân sự như: “Chiến thuật”, “Dân
quân”, “Chiến tranh cách mạng Trung Hoa và vấn đề chiến lược của Mao Trạch Đông”,
“Nuôi quân, luyện quân và cầm quân”…Trong phong trào luyện quân lập công, ông đã tổ chức
thành công "Đại hội tập"[8]- một
hình thức huấn luyện lôi cuốn cả quân đội và nhân dân[9]. "Đại hội tập" lần đầu tiên được tổ chức
rầm rộ tại núi Nưa, Nông Cống vào ngày 30-11-1947 như một hình thức kết hợp giữa
lý thuyết với thực hành.
Những năm làm Khu trưởng Liên khu IV, V, Nguyễn Sơn đã tích cực
xây dựng lực lượng vũ trang. Chỉ trong một thời gian ngắn, dưới sự chỉ đạo, điều
hành của Nguyễn Sơn, các Trung đoàn 18 - Quảng
Bình, Trung đoàn 85 - Quảng Trị, Trung đoàn 101 - Thừa Thiên đã được thành lập.
Lực lượng quân sự địa phương cũng không ngừng lớn mạnh, dân quân tự vệ phát
triển nhanh chóng, các làng xã chiến đấu được củng cố, hậu phương kháng chiến
được mở rộng.
Để bổ sung cán bộ nòng cốt tương lai cho quân đội, cơ quan Đảng và
Nhà nước sau này; đồng thời, tạo điều kiện cho thiếu niên học tập, Nguyễn Sơn
cho thành lập trường Thiếu sinh quân. Trường khai giảng ngày 6-1-1948, có lúc
sĩ số lên đến hàng ngàn em học sinh. Đây là cái nôi đầu tiên đào tạo nên nhiều
cán bộ cốt cán và thành danh của Việt Nam sau này.
3- Tham gia phát triển văn hóa
kháng chiến
Nguyễn Sơn được biết đến như một nhân tài không chỉ có khả năng về
quân sự mà còn có khả
năng về chính trị, về tuyên truyền và về văn hóa, văn nghệ.
Thời
kỳ hoạt động ở Trung Quốc, Nguyễn Sơn đã kinh qua nhiều vị trí liên quan đến
lĩnh vực lý luận, chính trị, tuyên huấn, văn nghệ. Ông đã từng là Trưởng ban Tuyên truyền Đảng ủy Đảng Cộng sản
Trung Quốc khu Tiến Đông Bắc; Tổng Biên tập tờ Kháng địch báo; Trưởng
ban Tuyên truyền Liên khu Tiến Sát Ký; Trưởng khoa Tuyên truyền, kiêm giáo viên
chính trị văn hóa của Trường Quân sự Trung ương, là người sáng lập Đoàn Kịch
Công nông (Công nông Kịch đoàn- đoàn kịch đầu tiên trong lịch sử Quân giải
phóng nhân dân Trung Quốc)[10]. Nguyễn Sơn cũng có thời
gian công tác tại Bộ
Dân vận thuộc Tổng bộ chính trị Hồng quân công nông, Tổng Biên tập Tạp chí huấn luyện chiến
đấu của Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Những kinh nghiệm
trên mặt trận văn hóa, chính trị- tuyên truyền thời kỳ hoạt động sôi nổi và hào
hùng ấy được Nguyễn Sơn áp dụng trong công tác ở Việt Nam, nhằm thúc đẩy, bồi
dưỡng, phát huy tác dụng của nền văn hóa kháng chiến.
Nhớ về Nguyễn Sơn,
ngoài những phẩm chất và tài năng tiêu biểu của một vị danh tướng, người ta còn
nhớ về ông như một người đứng đầu có sức lan tỏa trên lĩnh vực văn hóa. Ông đã
có công vận động, tập hợp nhiều văn nghệ sĩ đi theo và cống hiến cho kháng chiến,
nhất là đã giúp đỡ và mạnh dạn sử dụng nhiều nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ còn
đang lưỡng lự phân vân, chưa quyết tâm đến với kháng chiến. Ở Liên khu IV, Nguyễn
Sơn đã tập hợp và cộng tác với các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhà phê bình…, bước
đầu xây dựng lý luận văn nghệ kháng chiến. Ông cho mời các văn nghệ sĩ (Nguyễn
Công Hoan, Trần Văn Cẩn, Phạm Duy, Hồ Dzếnh…) vào Quân khu, chu cấp gạo, tiền để
họ có thời gian sáng tác, phục vụ bộ đội; nhờ đó, những văn nghệ sĩ này đã cho
ra đời những tác phẩm để đời, bất hủ, phục vụ trực tiếp công cuộc “vừa kháng
chiến, vừa kiến quốc”. Là cha đẻ của Trường Văn hóa kháng chiến, người sáng lập tờ báo Tiền tuyến, Nguyễn Sơn đồng thời tham
gia giảng dạy và viết hàng trăm bài báo. Bên cạnh đó, Nguyễn
Sơn đặc biệt chú trọng việc giáo dục tinh thần nhân văn, nuôi dưỡng tâm hồn cán
bộ, chiến sĩ nói riêng, người Việt Nam nói chung trên quan điểm: Yêu nước hăng
say cùng với yêu con người, yêu ngôn ngữ, yêu điệu múa, yêu thơ ca... Ông không muốn nghe
những ca từ kiểu như: “Bao chiến sĩ anh hùng lạnh lùng vung gươm ra sa trường...”;
hay: “Không quân Việt Nam lướt bay rầm trời... bom đạn gầm réo”..., vì như ông
giải thích: “Nó đế quốc quá!”[11].
Điều đáng nói ở Nguyễn
Sơn là tư duy văn hóa vượt lên thời đại mình đang sống - tư duy văn hóa đi trước
thời đại. Vào cái thời mà nhận thức ấu trí, tả khuynh khiến phần lớn cán bộ cách
mạng quay lưng lại với văn hóa truyền thống, coi đó là hủ tục, lạc hậu thì ông
đã đặc biệt quan tâm,
trân trọng, gìn giữ và phát huy những giá trị nghệ thuật của cha ông để lại. Sau
Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Nguyễn Sơn là người đã đứng ra bảo vệ và cho khôi phục các hình thức sân
khấu như tuồng, chèo…, khôi
phục điệu múa Xuân phả đã bị mai một, thổi vào sân khấu truyền thống hơi thở đương đại. Ông cũng là
người giúp nhân dân Thanh Hóa phục dựng Hội Múa dân gian cổ truyền, là người khôi
phục lại đội kèn Bảo An của cựu hoàng Bảo Đại, đưa đội kèn trở thành tiền thân
của lực lượng quân nhạc hiện nay. Ông đả phá mạnh mẽ các tư tưởng hẹp hòi, chê
bai Truyện Kiều của Nguyễn Du, khẳng định “Truyện Kiều là một
áng văn chương kiệt tác của dân tộc Việt Nam”, từng say sưa giảng Kiều
cho hàng trăm học viên Trường Thiếu sinh quân và Trường Văn hóa kháng chiến,
đưa những giá trị nhân văn của Truyện Kiều đến với cán bộ, chiến
sĩ. Dưới cây đũa chỉ huy của nhạc trưởng - Tư lệnh kiêm Chính ủy Nguyễn Sơn,
Liên khu IV, Liên khu V đã dần trở thành “vườn ươm” văn hóa -tư tưởng, một trung tâm văn hoá lớn, một “Thủ đô văn hóa kháng chiến” của
nước Việt Nam đang trong lò lửa chiến tranh, đưa văn hóa thực sự trở thành một mặt trận phục
vụ cách mạng và nhân dân, “soi đường cho quốc dân đi”.
Toàn tài, hết lòng vì dân tộc, vì Tổ quốc,
song số phận đã bắt Nguyễn Sơn ra đi quá sớm. Về với cõi thiên thu ở tuổi 49–
tuổi đang sung sức và đầy nhiệt huyết cống hiến, Nguyễn Sơn đã để lại cho đời
một sự nghiệp đồ sộ trên nhiều phương diện và lĩnh vực. Và trên hết, ông để lại
tiếng thơm vọng mãi, để lại những ký ức đẹp, những luyến tiếc không nguôi cho
những ai đã từng biết ông, đã từng sống và làm việc cùng ông; để lại sự kính
trọng, lòng ngưỡng mộ cho cả những người chưa từng biết ông- đó mới là tất cả!
[1] Những
nhà cách mạng Việt Nam hoạt động tại Quảng Châu lúc bấy giờ đều lấy họ Lý, hình
thành nên cộng đồng cách mạng “họ Lý”do Lý Thụy (tức Nguyễn Ái Quốc) đứng
đầu.
[2] Dẫn
theo Phạm Xanh: Tướng Nguyễn Sơn, văn võ song toàn, Nguyệt san "Sự kiện và nhân chứng" (báo
Quân đội nhân dân), số 9, 2010.
[3] Những năm 1933-1938, Hồng
Thủy đã từng ba lần bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc rồi lần
lượt được phục hồi đảng tịch.
[4] Dẫn theo Phạm Xanh: Tướng Nguyễn Sơn, văn võ song toàn, Tlđd
[5] Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Một chiến sĩ cộng sản kiên định, một vị tướng tài năng, Xưa và nay, số 269, tháng 10-2006.
[6] Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Một chiến sĩ cộng sản kiên định, một vị tướng tài năng, Tlđd.
[7] Phạm Xanh: Tướng Nguyễn Sơn, văn võ song toàn, Tlđd.
[8] Mục đích của “Đại hội tập” là: 1. Giáo dục
nhân dân tích cực kháng chiến, dũng cảm đánh Pháp; 2- Biểu dương sức mạnh kháng
chiến toàn dân trước thực dân Pháp; 3-Rèn luyện cán bộ, rèn luyện bộ đội chịu đựng
gian khổ trong chiến tranh.
[9] Đại
tướng Võ Nguyên Giáp: Một chiến sĩ
cộng sản kiên định, một vị tướng tài năng, Tlđd.
[10] Tạ Quang Đạo, Lê Viết Cường:
Nguyễn Sơn –“lưỡng quốc tướng quân văn võ toàn tài”, Tạp chí Cộng sản điện tử, 2-10-2013.
[11] Có một vị tướng như thế, Tiền Phong, 21-10-2006.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!