Thứ Ba, 21 tháng 3, 2017

LÊ DUẨN VỚI CÁC BƯỚC NGOẶT CỦA CHIẾN TRANH VIỆT NAM (1954 – 1975)

PGS.TS. Hồ Khang,
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam,
Bộ Quốc phòng
Sinh ra ở Quảng Trị, Lê Duẩn đã sớm tham gia vào phong trào yêu nước Việt Nam và chính thức đặt dấu ấn trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng năm 1931 khi được bổ nhiệm làm Ủy viên Ban Tuyên huấn xứ ủy Bắc Kỳ. Những năm tháng hoạt động sôi nổi ấy, ông đã bị bắt, chịu tù đầy hai lần (1931 và 1940) và thử thách khắc nghiệt trong môi trường nhà tù đã tôi luyện bản lĩnh, ý chí đấu tranh của người thanh niên đầy nhiệt huyết, làm đầy thêm khát khao cống hiến cho đất nước, dân tộc. Với tinh thần và nghị lực  phi thường, Lê Duẩn đã có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh giành và bảo vệ độc lập tự do của dân tộc, đặc biệt đã có những cống hiến quan trọng cả về lý luận lẫn chỉ đạo thực tiễn tại các thời điểm mang tính bước ngoặt trong cuộc chiến tranh Việt Nam (1954-1975).

1-Trên chặng đường dài 21 năm chiến tranh với Mỹ, quãng thời gian từ năm 1954 đến năm 1959 giữ vị trí rất quan trọng. Đó là giai đoạn VNDCCH vừa bước ra khỏi cuộc chiến chống thực dân Pháp và phải đối diện với không ít thử thách, khó khăn, phức tạp cả về tình hình trong nước cũng như trên thế giới. Trong cuộc đụng đầu lịch sử này, đối thủ của VNDCCH là nước Mỹ- một quốc gia giàu về kinh tế, mạnh quân sự, theo đuổi chiến lược ngăn chặn “làn sóng đỏ” với một quyết tâm to lớn và mạnh mẽ. Để hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước, ngoài các nhân tố bên trong, VNDCCH nhận thức rằng cần tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ quốc tế, trước hết là các nước XHCN, đặc biệt là của Liên Xô, Trung Quốc. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, phản ứng cũng như lập trường, quan điểm của hai nước lớn nhất trong hệ thống XHCN đối với cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam Việt Nam là hết sức bất lợi. Với mục tiêu đảm bảo an ninh phía Nam, Trung Quốc không muốn Việt Nam đẩy mạnh cuộc đấu tranh ở miền Nam, dù lúc này Mỹ và Chính quyền Ngô Đình Diệm đã công khai từ chối hiệp thương Tổng tuyển cử thống nhất đất nước, triển khai thực hiện giai đoạn hai “tố cộng, diệt cộng trên tinh thần "thấy cộng sản ở đâu là phải bắn bỏ ngay, thấy ai tuyên truyền cho cộng sản cũng bắn bỏ ngay"[1]. Tương tự, e ngại "một đốm lửa đốt chảy cả cánh rừng", Liên Xô cũng không ủng hộ VNDCCH đẩy cuộc đấu tranh ở miền Nam Việt Nam lên một bước. Nếu như Moscow khuyên Hà Nội tập trung củng cố miền Bắc, qua đó tác động tới miền Nam, thì Bắc Kinh cũng cho rằng, Việt Nam cần trường kỳ mai phục, xây dựng và tích luỹ lực lượng lâu dài. Đặc biệt những quan điểm đó của Liên Xô và Trung Quốc tiếp tục được bảo vệ ngay cả khi từ giữa năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm mở nhiều đợt càn quét có trọng điểm vào các chiến khu cũ như chiến dịch "Thoại Ngọc Hầu" (từ 6-1956 đến 10-1956) đánh phá các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long kể cả miền Tây và miền Trung Nam Bộ, Chiến dịch "Trương Tấn Bửu" (từ 7-1956 đến 12-1956) ở miền Đông Nam Bộ và giáp biên giới Campuchia. Tình hình miền Nam hết sức căng thẳng, nhiều cơ sở bị phá vỡ, hàng vạn quần chúng, đảng viên bị giết hại, bị bắt giam, cách mạng miền Nam chịu tổn thất nặng nề. Khả năng thực hiện điều khoản chính trị của Hiệp định Genève không còn tồn tại nữa.
Trước những diễn biến đó, tháng 6-1956, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam ra Nghị quyết xác định tính chất và nhiệm vụ cách mạng miền Nam, nêu rõ: Tuy hình thức đấu tranh trong cả nước là đấu tranh chính trị, nhưng như thế không có nghĩa là không dùng vũ trang tự vệ ở những hoàn cảnh nhất định. Vì thế, cần "củng cố các lực lượng vũ trang và bán vũ trang hiện có và xây dựng căn cứ làm chỗ dựa. Đồng thời xây dựng cơ sở quần chúng vững mạnh làm điều kiện căn bản để duy trì và phát triển lực lượng vũ trang"[2]. Điểm mới của Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 6-1956 so với những nghị quyết trước đó là đã nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì, phát triển lực lượng vũ trang. Đây là bước ngoặt đánh dấu sự chuyển hướng ban đầu trong lãnh đạo cách mạng miền Nam của Đảng Lao động Việt Nam thông qua phương thức đấu tranh chính trị kết hợp với vũ trang tự vệ.
Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 6-1956 được đưa xuống Xứ ủy Nam Bộ và Liên khu ủy 5 – nơi Lê Duẩn  đang hoạt động với tư cách là  ủy viên Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ. Được Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 6-1956 phát "tín hiệu" về hướng đấu tranh mới và trên cơ sở sự vận động của thực tiễn cách mạng miền Nam, tháng 8-1956, Lê Duẩn đã soạn thảo Đường lối cách mạng miền Nam[3], chỉ rõ ba nhiệm vụ chính tạo thành nền tảng trong đường lối chung cho toàn bộ cách mạng Việt Nam: "1). Củng cố thật vững chắc miền Bắc; 2). Đẩy mạnh phong trào cách mạng miền Nam; 3). Tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hoà bình, dân chủ, độc lập dân tộc trên thế giới"[4].
Đường lối cách mạng miền Nam luận giải sự cần thiết phải thực hiện đồng thời ba nhiệm vụ nói trên, khẳng định thực hiện hai nhiệm vụ ở miền Bắc và miền Nam không thể tách rời nhiệm vụ tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ thế giới, vì đương đầu với thế lực mạnh nhất thời đại về kinh tế, quân sự, cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam là một bộ  phận  trong  phong trào đấu tranh của nhân dân tiến bộ -cuộc đấu tranh ấy không chỉ cần mà còn nhất định phải có được sự  đồng  tình  và ủng hộ của nhân dân thế giới. Bên cạnh đó, Đường lối cách mạng miền Nam còn tập trung xác định mục đích, vị trí và đối tượng của phong trào cách mạng miền Nam, chỉ rõ mục đích của cách mạng miền Nam.
Nghiên cứu, xem xét toàn bộ nội dung và những luận giải của bản Đường lối cách mạng miền Nam, có thể nhận thấy một trong những điểm đặc biệt của nó là đã đồng thời xác định ba nhiệm vụ; trong đó hai nhiệm vụ thuộc về đối nội liên quan đến cách mạng miền Bắc và cách mạng miền Nam, nhiệm vụ còn lại là về đối ngoại. Ba nhiệm vụ này là ba bộ phận hợp thành đường lối chung của VNDCCH trong giai đoạn cách mạng mới- chuyển dần từ đấu tranh chính trị sang kết hợp giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Xác định những nội dung, nhiệm vụ cụ thể bám sát tình hình thực tiễn, hướng đến mục tiêu giải quyết những vấn đề nóng bỏng của thực tiễn, Đường lối cách mạng miền Nam là những chỉ định trực tiếp đối với phong trào cách mạng miền Nam. Đó đồng thời cũng là những cơ sở quan trọng để sau đó Đảng LĐVN tiếp tục hoạch định đường lối tiến hành chiến tranh chống Mỹ.
Như vậy, trong điều kiện phức tạp cả về trong nước và quốc tế, là người đã, đang “nếm mật nằm gai”, trực tiếp chia sẻ những khó khăn, đau thương, mất mát với đồng bào miền Nam, Lê Duẩn đã thai nghén, hình thành chín muồi và cho ra đời bản Đường lối cách mạng miền Nam. Điều đáng nói là với nhãn quan chính trị nhạy bén, Lê Duẫn đã tương đối sớm nhìn ra và dự đoán rằng, chính sự khủng bố, đàn áp của chính quyền Ngô Đình Diệm “sẽ đẩy nhân dân ta ở miền Nam đứng lên đập tan chế độ độc tài phát xít của Mỹ, Diệm để tự cứu mình”[5]“ngoài con đường cách mạng, nhân dân miền Nam không còn con đường nào khác”[6].
Sự sáng tạo của Lê Duẩn chính là ở chỗ khi tình hình miền Nam vô cùng đen tối, ông đã vững tin vào lực lượng tại chỗ của nhân dân, tin vào lòng yêu nước của đồng bào miền Nam và khẳng định: Con đường cách mạng miền Nam phải “lấy chỗ dựa chủ yếu là bạo lực cách mạng của quần chúng”, xem “bạo lực của quẩn chúng đóng vai trò quyết định”[7]. Tầm nhìn xa của Lê Duẩn còn được thể hiện rõ trong Đề cương cách mạng miền Nam khi dự liệu về cuộc kháng chiến chống Mỹ: “Cũng có thể có cơ hội thắng lợi cho một cuộc nổi dậy quy mô lớn như cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945”[8]. Gần 20 năm sau- năm 1975, cả miền Nam từ nông thôn tới thành thị, quả thật, đều “nổi dậy quy mô lớn” trên nền móng đòn tiến công quân sự như vũ bão của Quân giải phóng.
2- Sau năm năm (1954-1959), tình hình miền Nam ngày càng trở nên căng thẳng bởi chính sách thanh trừng của chính quyền Ngô Đình Diệm. Chính sách đó của Ngô Đình Diệm dẫn đến sự bất mãn ngày càng dâng cao của dân chúng. Thomas D. Boettcher mô tả tình hình đó như sau: “Hậu quả của những biện pháp đàn áp càng ngày càng tăng là sự bất mãn của quần chúng đối với Diệm cũng ngày càng gia tăng, bất kể là Diệm luôn toan tính sử dụng mọi cơ hội để dập tắt sự bất mãn này”[9]. Thật vậy, nếu như năm 1957, có 2 triệu lượt người tham gia đấu tranh chính trị, thì đến năm 1958 đã có tới 3,7 triệu lượt người và sang năm 1959, đã lên tới gần 5 triệu. Trong khi đó, dưới sự lãnh đạo của các cơ sở cách mạng còn trụ lại, cuộc đấu tranh vũ trang tự vệ, trừ gian, diệt ác vẫn được tiến hành (tuy không thường xuyên) và nhiều đơn vị vũ trang cách mạng đã ra đời. Thời kỳ này, phong trào cách mạng miền Nam phải trải qua những thử thách cực kỳ nghiêm trọng - đó là những năm tháng hết sức khó khăn.
Khi cách mạng miền Nam đang ở vào tình thế “dầu sôi, lửa bỏng” rất cần những quyết sách phù hợp, thì trong khối XHCN, giữa các đồng minh lớn của Việt Nam có những bất đồng, mâu thuẫn gay gắt. Kiên trì thuyết phục Việt Nam “trường kỳ mai phục”, Mao Trạch Đông nêu quan điểm: “Tình trạng nước Việt Nam bị chia cắt không thể giải quyết được trong một thời gian ngắn mà cần phải trường kỳ... Nếu 10 năm chưa được thì phải 100 năm”[10], còn Liên Xô chủ trương giữ nguyên hiện trạng, giải quyết bằng thương lượng. Những lập trường, ý kiến nói trên, ở một mức độ nhất định đã tác động đến nội bộ Đảng LĐVN, đến tư duy, chính kiến một số lãnh đạo cấp cao của Hà Nội. Trong bối cảnh đó, tháng 1-1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng LĐVN họp Hội nghị lần thứ 15. Hội nghị Trung ương 15 họp thành nhiều đợt và khi bàn về phương pháp tiến hành cách mạng ở miền Nam, có khá nhiều luồng ý kiến khác nhau[11]. Kết thúc họp đợt 1 (từ 12 đến 22-1-1959), Hội nghị vẫn chưa thống nhất được quan điểm và chưa ra được Nghị quyết, cuối cùng quyết định tiếp tục nghiên cứu và sẽ kết luận vào đợt 2. Hai đại biểu Xứ uỷ Nam Bộ là Phan Văn Đáng và Phạm Văn Xô ra báo cáo với Trung ương đã phải chờ đợi hơn một năm mà chưa có nghị quyết nên đã xin trở về Nam Bộ.
Trước đòi hỏi cấp bách của thực tiễn, một lần nữa Lê Duẩn tiếp tục thể hiện rõ bản lĩnh chính trị và sự khéo léo, tinh tế trong giải quyết các tình huống. Lê Duẩn đã bố trí cho Phan Văn Đáng và Phạm Văn Xô gặp Hồ Chí Minh, căn dặn: “Cứ nói hết tình hình miền Nam với Bác”[12]. Trong cuộc gặp, Hồ Chí Minh nhắn nhủ: “Nhất định không để cho địch tiêu diệt lực lượng cách mạng ở miền Nam[13]- đó đồng thời cũng được coi như hiệu lệnh cho một cao trào đấu tranh mới ở miền Nam, nhất là khi giữa hai đợt họp, Xứ ủy Nam Bộ liên tục gửi báo cáo, phản ánh tình hình, chuyển đến Trung ương Đảng LĐVN mong muốn và đề nghị được cầm súng đứng lên.
Dưới sự chỉ đạo của Lê Duẩn, tháng 7-1959, Hội nghị Trung ương 15 họp đợt 2 và trên cơ sở thống nhất ý kiến qua hai đợt họp, Hội nghị chính thức thông qua Nghị quyết 15. Nghị quyết 15 xác định con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân[14]. Con đường đó dựa vào sức mạnh của quần chúng, lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang nhân dân. Định hướng đó cho thấy Nghị quyết Trung ương 15 chủ chương sử dụng bạo lực cách mạng để đánh đổ ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng nhân dân. Nghị quyết cũng lường định về tính lâu dài, gian khổ của cách mạng miền Nam, đặt ra yêu cầu phải tích cực xây dựng, củng  cố và  phát triển lực lượng cách mạng, tạo điều kiện nắm lấy thời cơ thuận lợi và giành lấy thắng lợi[15]. Như vậy, “xuất phát từ những định hướng chiến lược đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ tháng 7-1954 khi hòa bình vừa mới lập lại trên một nửa đất nước, có sự trực tiếp chỉ đạo công phu của đồng chí Lê Duẩn”[16], Nghị quyết Trung ương 15 đã chỉ ra một cách toàn diện con đường tiến lên của cách mạng miền Nam, xác định rõ đường lối, phương pháp cách mạng chung cả nước và đặc biệt là của cách mạng miền Nam. Với những nội dung quan trọng, thể hiện sự chuyển hướng chiến lược trong lãnh đạo cách mạng của Đảng LĐVN, Nghị quyết 15 được mệnh danh là "bó đuốc soi đường cho cách mạng miền Nam". Dưới ánh sáng Nghị quyết Trung ương 15, Đảng bộ các cấp ở nhiều nơi lãnh đạo nhân dân vùng lên diệt ác ôn, đánh đồn bốt, làm chính quyền ở nhiều thôn, xã tan rã, mất quyền kiểm soát, lực lượng cách mạng làm chủ nhiều khu vực ở rừng núi và nông thôn. Nhiều làng xã thành lập chính quyền cách mạng, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang tạo nên một hình thức căn cứ địa, có nơi hình thành thế liên hoàn bao gồm các vùng giải phóng và vùng du kích. Các cuộc đấu tranh chính trị có vũ trang hỗ trợ ở một số địa phương miền Nam lập tức bùng lên thành phong trào Đồng khởi năm 1960; theo đó, phong trào đấu tranh chính trị phát triển nhanh chóng: Năm 1960, có hơn 10 triệu lượt người và năm 1961 đã lên tới 33 triệu lượt người. Đồng khởi đã đưa cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng chuyển hẳn sang thế tiến công, đẩy chế độ Sài Gòn bước vào một thời kỳ khủng hoảng nặng nề, triền miên, buộc Mỹ phải tự giới hạn phản ứng trong phạm vi miền Nam...
3- Sau Đồng khởi, cách mạng miền Nam bước vào một giai đoạn mới, từ khởi nghĩa vũ trang phát triển thành chiến tranh cách mạng, chiến tranh giải phóng. Trong quá trình đó, cùng tập thể Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam, Lê Duẩn tiếp tục có những cống hiến xuất sắc chỉ đạo toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trên cả hai miền đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ, tạo điều kiện quyết định để đi tới hạ quyết tâm hoàn thành sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vào mùa Xuân năm 1975.
Để có được mùa Xuân toàn thắng này, toàn dân tộc Việt Nam đã phải trải qua chặng đường dài chiến đấu với biết bao thử thách, hy sinh mà Xuân Mậu Thân 1968 là cột mốc ghi dấu bước ngoặt lớn của cuộc chiến tranh. Mậu Thân 1968 thêm một minh chứng nữa chứng tỏ tầm nhìn chiến lược của Lê Duẩn. Năm 1962, khi phân tích tình hình cách mạng Lào sau chiến thắng Nậm Thà, Lê Duẩn từng lưu ý các lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam: “Đế quốc Mỹ phải thua nhưng có thể thua đến mức nào. Ta phải thắng nhưng thắng đến mức nào”[17]. Từ đó, vấn đề “thắng Mỹ đến mức nào” đã thường xuyên xuất hiện trong nhiều bài nói, bài viết, điện chỉ đạo của Lê Duẩn, được Lê Duẩn đặt ra để suy nghĩ, “để tính toán, đo lường chuẩn xác”[18]. Ngày 1-7-1967, trong thư gửi Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, Lê Duẩn viết: “Phấn đấu tiến tới Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa là quyết tâm cách mạng rất cao, là phương pháp cách mạng rất quyết liệt, rất triệt để của chúng ta. Song mặt khác, chúng ta phải có sách lược mềm dẻo và biết thắng với mức độ thích hợp”[19]. Để thực hiện quyết tâm chiến lược đó, Lê Duẩn phân tích rằng, mặc dù Mỹ đang bị động, đang lâm vào thế khó khăn, “nhưng nó là kẻ mạnh… nên ta phải biết thắng nó”. Muốn thế, không thể đánh theo lối cũ, “mà phải chuyển qua một giai đoạn mới, tức là giai đoạn Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa, có khả năng đè bẹp ý chí xâm lược của nó; làm cho nó tan rã thực sự, buộc nó phải đi đến ngồi với ta, thương lượng với ta”[20].
Như vậy, theo Lê Duẩn, chủ trương mở cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 là nhằm giáng một đòn quyết liệt vào ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ phải đơn phương ngừng ném bom miền Bắc, buộc phải ngồi đàm phán. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Lê Duẩn và các thành viên Bộ Chính trị, Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 nhằm vào toàn bộ mục tiêu hiểm yếu của đối phương trên chiến trường, đặc biệt bằng cách đánh hiểm, đánh vào yết hầu, đánh vào tim óc của đối phương. Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 nổ ra vào thời điểm nhạy cảm nhất trong đời sống chính trị của nước Mỹ, buộc giới lãnh đạo Mỹ phải nhìn nhận lại những nỗ lực chiến tranh ở Việt Nam. Thực vậy, Tổng tiến công và nổi dậy “Tết Mậu Thân” 1968 của quân và dân Việt Nam không chỉ sau này mà ngay từ ngày đó - khi chiến sự đang diễn ra ở khắp các đô thị trên toàn miền Nam, đã đưa lại những hậu quả và hệ lụy nặng nề cho phía Mỹ. Nó giáng một đòn quyết định vào toan tính của Mỹ sau bao năm theo đuổi chiến tranh Việt Nam, nó buộc Mỹ phải đơn phương thay đổi chiến lược, rút dần quân Mỹ về nước... Nó là nỗi ám ảnh không nguôi trong chính giới Mỹ, trở thành một “hội chứng Việt Nam” của Mỹ suốt bao năm.
Cho dù phạm một số khuyết điểm trong chỉ đạo chiến lược sau Tết Mậu Thân, nhưng cuộc tiến công “xuất thần” này đã làm lung lay ý chí xâm lược của Mỹ, tạo ra bước ngoặt có ý nghĩa quyết định trong cục diện chiến tranh. Cục diện đó cho phép cách mạng miền Nam tiếp tục tiến lên theo phương hướng chiến lược: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào”.
Thực hiện phương châm nói trên, từ năm 1969, Lê Duẩn đã cùng Bộ Chính trị lãnh đạo quân và dân Việt Nam vượt qua nhiều thử thách khốc liệt của chiến tranh, không ngừng xốc tới; trong đó, đặc biệt phải kể đến việc thực hiện sách lược đánh đàm, từng bước tạo điều kiện, đặt nền móng đi đến ký kết một hiệp định buộc “Mỹ phải ra còn quân ta thì ở lại”[21]    
4- Như đã nói ở trên, vấn đề “thắng Mỹ đến mức nào” được Lê Duẩn đặt ra khá sớm ngay từ năm 1962 sau chiến thắng Nậm Thà, khi bước đầu đề cập đến phương châm “có tác chiến và có đàm phán”. Lê Duẩn đã tính đến khả năng sau khi Mỹ bắt buộc phải ngồi lại nói chuyện với VNDCCH: “Nếu chúng ta đưa ra yêu cầu có mức độ mà địch thấy rằng tuy phải thua, nhưng với một sự thua trận có thể chịu được… thì chúng cũng đành chịu thua”[22]. Thống nhất với quan điểm đó, bốn ngày sau khi những lính thủy đánh bộ Mỹ đầu tiên đổ bộ lên Đà Nẵng (8-3-1965), trong hai ngày 12 và 13-3-1965, Bộ Chính trị đã họp để nhận định tình hình. Tại Hội nghị, Hồ Chí Minh nêu ý kiến: “Phải thấy trong quá trình tiến hành chiến tranh chống Mỹ, phải vừa kiên quyết vừa khéo léo. Lúc nào Mỹ muốn đi ra thì tạo điều kiện cho Mỹ rút”[23]. Phát biểu tại Hội nghị, Lê Duẩn nhấn mạnh thêm: “Trong tình hình của chúng ta, có lẽ không đợi phải giành được thắng lợi một cách căn bản rồi mới đàm, mà đến một lúc nào đó, trong những điều kiện nhất định sẽ có thể vừa đánh vừa đàm, nhằm hạn chế những hành động quân sự của đối phương, tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ rộng rãi hơn nữa trên thế giới, và cũng để giấu bớt ý đồ chiến lược của chúng ta[24]. Lê Duẩn giải thích: “Vấn đề hiện nay là phải có thời cơ thuận lợi: thời cơ đó là những thắng lợi to lớn và giòn giã hơn nữa của chúng ta trên chiến trường, là tình thế của địch khốn quẫn hơn nữa, ý chí xâm lược của chúng bị giảm sút hơn nữa. Thời cơ đó cũng còn là sự nhất trí về quan điểm đánh và đàm trong các đảng, các nước xã hội chủ nghĩa anh em nữa”[25]. Hai ý kiến trên của Lê Duẩn chỉ ra ba vấn đề cốt yếu trong đánh đàm mà Bộ thống soái tối cao của VNDCCH phải giải quyết: 1-Tạo thời cơ để thực hiện đánh đàm; 2- Tranh thủ sự đồng thuận của các đồng minh chiến lược trong khối XHCN; 3- Thúc đẩy và hình thành mặt trận ngoại giao hoạt động một cách hiệu quả, nhất là trong đàm phán khi thời cơ đến.
Thực hiện các nhiệm vụ đó, tháng 5-1965, trong Thư gửi Trung ương Cục miền Nam, Lê Duẩn nhấn mạnh: Chúng ta phải đánh mạnh, đánh trúng hơn nữa chứ chưa phải lúc nói chuyện thương lượng, đàm phán[26]. Đầu năm 1967, Bộ Chính trị quyết định mở mặt trận ngoại giao, thực hiện sách lược vừa đánh, vừa đàm và Hội nghị lần thứ 13 của Ban Chấp hành Đảng Lao động Việt Nam (1-1967) đã lĩnh hội và hoàn thành sứ mệnh lịch sử đó. Về quan hệ giữa đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 13 chỉ rõ: “Đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam là nhân tố chủ yếu quyết định thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. Chúng ta chỉ có thể giành được trên bàn hội nghị những cái mà chúng ta đã giành được trên chiến trường”[27]. Tiếp đó, Tháng 12-1967, Bộ Chính trị họp phiên đặc biệt, chính thức thông qua kế hoạch chiến lược năm 1968. Tháng 1-1968, Hội nghị BCHTƯĐ lần thứ 14 họp, thông qua Nghị quyết tháng 12-1967 của Bộ Chính trị quyết định thực hiện Tổng công kích – Tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trên cơ sở phân tích toàn diện tình hình, so sánh lực lượng trên chiến trường, Trung ương Đảng quyết định “đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định”[28]. Đó sẽ là “một giai đoạn, một quá trình tiến công chiến lược rất mãnh liệt và phức tạp (...) là một quá trình ta liên tục tiến công, truy kích, tiêu diệt và đánh đổ địch cả về quân sự và chính trị”[29]. Đây là một đòn giáng mạnh vào lực lượng quân sự của Mỹ và Chính quyền Sài Gòn, vì thế, chắc chắn địch sẽ phản kích ác liệt để giành giật và chiếm lại những vị trí chiến lược quan trọng đã mất. Do vậy, trong quá trình tổng công kích và tổng khởi nghĩa, phải “kết hợp tiến công quân sự với tiến công chính trị, thực hành ba mũi giáp công trên cả ba vùng chiến lược và phối hợp với tiến công ngoại giao”[30]. Nhiệm vụ chủ yếu của hoạt động quốc tế và công tác ngoại giao lúc này là phải “phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng với đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở trong nước, tích cực phục vụ cho cuộc tổng công kích và tổng khởi nghĩa giành được thắng lợi"[31]. Đạt mục tiêu trên, mặt trận ngoại giao cần phải có những phương pháp và hình thức thích hợp để tiến công ngoại giao, nhằm làm cho phía Mỹ lúng túng, bị động, mâu thuẫn, do dự, lừng chừng trong âm mưu kéo dài chiến tranh; đồng thời, “ra sức tranh thủ sự ủng hộ quốc tế của các nước xã hội chủ nghĩa, các nước dân tộc chủ nghĩa tích cực và của nhân dân thế giới”[32]; từ đó, “mở  đường cho địch đi vào thương lượng theo hướng có lợi nhất cho ta”[33]. Phát biểu trong Hội nghị, Lê Duẩn lưu ý rằng, làm cho Mỹ tan rã thực sự, “buộc nó phải đi đến ngồi với ta, thương lượng với ta"[34] chính là chủ trương “biết thắng Mỹ” vừa với sức ta, mở ra một giai đoạn mới vừa đánh vừa đàm, phù hợp với truyền thống quân sự Việt Nam. Đó cũng là chủ trương đánh lớn để đi vào đàm phán; thắng lợi của cuộc tổng công kích lần này chính là điều kiện tiên quyết cho cuộc đàm phán diễn ra theo tính toán của Trung ương Đảng và Bộ Chính trị.
Như trên đã phân tích, sự kiện “Tết” đã khiến nước Mỹ bàng hoàng sửng sốt. Nếu như năm 1967, Mỹ vẫn muốn "đàm phán trên thế mạnh", đòi miền Bắc phải "giảm hoạt động quân sự ở miền Nam, giảm thâm nhập vào miền Nam", đưa ra công thức thương lượng "có đi, có lại"..., thì thắng lợi của Tổng tiến công Mậu Thân đã buộc Tổng thống Mỹ L.Johnson phải hạ thấp các điều kiện đàm phán. Như vậy, về mặt ngoại giao, “Tết” đã đạt mục đích một cách đầy đủ và chắc chắn, buộc Nhà trắng phải ngoặt theo hướng mà VNDCCH đã tính toán và mong muốn. Đánh giá về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, Lê Duẩn nhận định: "Ta đã thắng rất to, địch đã thua rất nặng. Rõ ràng trận này đã mở ra một bước ngoặt chiến lược đánh dấu thời kỳ Mỹ phải xuống thang chiến tranh do thất bại trong "chiến lược chiến tranh cục bộ"[35]. Như vậy, “Tết” đã làm đảo lộn thế chiến lược của Mỹ, tạo nên cục diện "vừa đánh, vừa đàm" có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thúc đẩy nhanh thêm quá trình tan rã tinh thần của binh lính Mỹ, làm phân hoá và suy sụp quân đội Sài Gòn, khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa Mỹ và Chính quyền Thiệu, tạo thêm điều kiện cho nhân dân trong các thành thị miền Nam đấu tranh đòi hoà bình và chấm dứt chiến tranh. Trong bối cảnh đó, ngày 20-1-1969, R.Nixon bước vào nhà Trắng và đã phải cay đắng thừa nhận: "Nước Mỹ đang có khủng hoảng về tinh thần, mắc kẹt trong chiến tranh, cấu xé và chia rẽ nội bộ. Cuộc chiến tranh Việt Nam đã gây ra căng thẳng gay gắt với nước Mỹ không riêng về kinh tế, quân sự mà cả xã hội cũng như chính trị. Sự bất đồng cay đắng đã "xé rách" cơ cấu đời sống tinh thần nước Mỹ và bất kể kết quả chiến tranh như thế nào, vết rách vẫn còn lâu mới lành"[36]. Đây cũng là khoảng thời gian Hội nghị Paris bước vào giai đoạn hai - giai đoạn đàm phán bốn bên, đàm phán vẫn chưa đi vào thực chất, thế trận vừa đánh, vừa đàm triển khai mới được hơn một năm. Phân tích toàn diện tình hình, tháng 5-1969, Bộ Chính trị nhận định:” Cuộc chiến tranh diễn ra theo khả năng nào còn tùy thuộc vào mức độ sức mạnh tiến công của quân dân Việt Nam trên cả ba mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao, nhất là về quân sự và chính trị cùng với những khó khăn về mọi mặt mà cuộc chiến tranh gây ra cho nước Mỹ”[37]. Phát biểu tại Hội nghị, nhận định về những thắng lợi quân sự -ngoại giao, Lê Duẩn khẳng định: “Mỹ nó thấy rằng nhất thiết nó phải ra và chúng ta đã chủ động thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. Vừa rồi thắng lợi về ngoại giao rất quan trọng đối với Việt Nam”[38] ". Như vậy, Nghị quyết của Bộ Chính trị tháng 5-1969 là cơ sở cho quá trình tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh trên chiến trường miền Nam và đấu tranh trên bàn hội nghị, góp phần đánh thắng chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh". Cục diện chiến tranh "vừa đánh, vừa đàm" được đẩy lên một lên một nấc thang mới, nhằm đối phó với chiến lược chiến tranh mới của Mỹ - "Việt Nam hóa chiến tranh".
Vẫn muốn kết thúc chiến tranh trên thế mạnh, rút lui trong danh dự, Mỹ liên tục giằng dai trên bàn Hội nghị Paris, gây nên những bế tắc về ngoại giao trong suốt những năm 1969-1970. Nhận định tình hình, Hội nghị Trung ương lần thứ 18 của Đảng Lao động Việt Nam (1-1970) kết luận rằng, Mỹ vẫn đang cố tình hạ thấp Hội nghị Paris, đưa ra đề nghị hòa bình để đánh lừa dư luận. Quả thật, cuộc đàm phán Paris chưa đi vào thực chất, Mỹ vẫn muốn vớt vát để đàm phán trên thế mạnh và kết thúc chiến tranh theo chiều hướng có lợi.
Xác định chỉ khi Mỹ “vấp phải thất bại nghiêm trọng hơn, hết hy vọng vào âm mưu “Việt Nam hóa chiến tranh” thì chúng mới buộc phải đi vào con đường thương lượng nghiêm chỉnh để tìm một giải pháp chính trị”[39], đầu năm 1971, Trung ương Đảng hạ quyết tâm: “Ta phải đánh cho quân Mỹ bị thua đau hơn nữa, đánh cho ngụy quân, ngụy quyền phải sụp đổ”[40]. Phân tích so sánh lực lượng, tình hình chiến trường, Trung ương Đảng nhận định: Cục diện mới trên chiến trường đã đem đến thời cơ lớn - thời cơ chiến lược, cho phép đẩy mạnh nỗ lực chủ quan, giáng một đòn quyết liệt vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Thay mặt Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, đầu tháng 6-1971, Lê Duẩn chỉ thị: “Nắm lấy thời cơ lớn, quật địch những đòn quyết liệt hơn nữa, làm cho ngụy quân, ngụy quyền suy sụp, bắt Mỹ phải chịu thua và rút hết quân về nước[41]. Trong bức điện xác định phương hướng, nhiệm vụ của cách mạng miền Nam gửi Trung ương Cục (29-6-1971), Lê Duẩn tiếp tục nhấn mạnh hai nhiệm vụ: 1- “Nỗ lực vượt bực, tranh thủ thời cơ thuận lợi đẩy mạnh tấn công quân sự, chính trị kết hợp với tiến công về ngoại giao”[42]; 2- “Đẩy mạnh hoạt động quân sự, mở nhiều chiến dịch lớn trong mùa Đông năm 1971 và cả năm 1972 trên toàn chiến trường Đông Dương, hướng tiến công chính là chiến trường miền Nam”[43]. Lê Duẩn cũng giải thích thêm rằng, trên chiến trường chính miền Nam, “đây là một kế hoạch tiến công chiến lược, đẩy mạnh tiến công quân sự đi đôi với đẩy mạnh tiến công chính trị trên cả ba vùng chiến lược, đánh sập ba trụ cột của chính sách Việt Nam hoá chiến tranh của đế quốc Mỹ”[44], nhằm tạo ra một bước chuyển biến căn bản, tiến lên làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh ở miền Nam và cả Đông Dương.
Biến quyết tâm thành hành động, những năm 1971-1972, quân và dân Việt Nam mở các đợt hoạt động quân sự mạnh mẽ, đánh bại các cuộc hành quân, càn quét của Mỹ và quân đội Sài Gòn sang Campuchia, Nam Lào, thực hiện thắng lợi chiến dịch phản công Đường 9- Nam Lào. Các cuộc tiến công chiến lược đó đã tác động trực tiếp đến cục diện cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán Hội nghị Paris đang ở thế giằng co. Nắm bắt tình hình, ngày 10-7-1971, Lê Duẩn đã điện cho Bộ trưởng Xuân Thủy và Cố vấn Lê Đức Thọ, nhấn mạnh “vấn đề quan trọng hiện nay là làm thế nào ba mặt đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao phối hợp nhịp nhàng, ăn khớp với nhau để có thể nắm vững thời cơ và giành được thắng lợi lớn nhất”[45] . Cùng ngày, Lê Duẩn điện riêng cho Bộ trưởng Ngoại giao CPCMLTCHMNVN và VNDCCH chỉ rõ hai yêu cầu trước mắt trong cuộc đấu tranh ngoại giao: 1- Gây một sức ép mạnh trong nước Mỹ, ngay cả trong Thượng và Hạ nghị viện Mỹ để buộc Nixon phải đi đến có chủ trương dứt khoát rút quân ra khỏi miền Nam và phải tuyên bố thời hạn rút quân; 2- Phải kéo chính quyền Sài Gòn xuống một bước, buộc Mỹ phải đưa ra một chính quyền có thể nói chuyện với VNDCCH[46]. Đến cuối năm 1971, sau khi phân tích tình hình và nhận thấy so sánh lực lượng đang chuyển biến có lợi cho Việt Nam, bất lợi cho đối phương, tạo thời cơ rất thuận lợi, trong bức điện ngày 29-11-1971 gửi Trung ương Cục về nhiệm vụ trong năm 1972, Lê Duẩn chỉ rõ: “Năm 1972 là năm cách mạng miền Nam có thời cơ lớn để chuyển sang một bước ngoặt, một giai đoạn mà quy luật chiến tranh cách mạng của ta, quy luật nổi dậy và tiến công, tiến công và nổi dậy, làm chủ để tiêu diệt địch, tiêu diệt địch để làm chủ, có khả năng phát huy tác dụng đầy đủ nhất của nó, với tất cả quy mô và sức mạnh của nó[47]. Đúng như dự đoán của Lê Duẩn, bước sang năm 1972, tình hình quân sự, chính trị trên bán đảo Đông Dương, đặc biệt là ở miền Nam Việt Nam chuyển biến mau lẹ. Mỹ ngày càng đi sâu vào phòng ngự trên chiến trường miền Nam, tăng cường bình định và xây dựng quân đội Sài Gòn; đồng thời, tiếp túc sa vào những khó khăn về tài chính, kinh tế, chính trị, xã hội do chiến tranh kéo dài ở Đông Dương đưa lại.
Chủ động nắm lấy cơ hội, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định: “Đẩy mạnh tiến công quân sự, chính trị, kết hợp với tiến công ngoại giao, phát triển thế tiến công chiến lược mới”[48] , nhằm “buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh trên thế thua bằng một giải pháp chính trị có lợi cho ta mà chúng có thể chấp nhận được”[49]. Với tinh thần tiến công, cuối tháng 3-1972, Bộ Chính trị hạ quyết tâm mở cuộc tổng tiến công trên ba mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao với mục tiêu làm thất bại chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh”, đẩy đối phương lún sâu vào thế bị động, tạo sức mạnh trên bàn đàm phán Hội nghị Paris. Ngày 30-3-1972, đồng loạt vang lên tiếng súng trên các chiến trường Trị - Thiên, Tây Nguyên, Khu 5 và Đông Nam Bộ, báo hiệu chiến dịch tiến công chiến lược lịch sử năm 1972 đã bắt đầu.
Cho đến trước cuộc tiến công Xuân - Hè 1972, cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán Hội nghị Paris giữa Việt Nam và Mỹ tiếp tục diễn ra căng thẳng, quyết liệt, nhưng hầu như không có tiến triển. Tháng  5-1972, khi cuộc tiến công chiến lược của quân Giải phóng trên chiến trường miền Nam đang diễn ra quyết liệt, thì tại Hội nghị Paris, cuộc đấu tranh ngoại giao vẫn đang trong giai đoạn gay go, bế tắc. Nhận thức rằng, hiện nay, ta đang thắng lớn nhưng chưa đến mức buộc Mỹ phải buông con bài Việt Nam và Đông Dương”[50], Trung ương Đảng LĐVN xác định cần “tiếp tục thực hiện ý đồ quân sự và chính trị trên chiến trường, có như vậy mới có cơ sở để đạt một giải pháp vững chắc”[51]. Trên thực tế, suốt những tháng cuối năm 1972, đầu năm 1973 và hoạt động quân sự của cả đôi bên trên chiến trường miền Nam gắn chặt với diễn biến trên bàn Hội nghị Paris. Hai bên đều nỗ lực đến mức cao nhất cả về quân sự lẫn vận động ngoại giao và nước Mỹ đã quyết định đi con bài cuối cùng để buộc Việt Nam phải nhân nhượng thêm. Từ tối 18- 12 đến 30-12-1972, Mỹ dùng máy bay B52 ném 10 vạn tấn bom đạn xuống các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, trọng tâm là Hà Nội, Hải Phòng. Trong suốt 12 ngày đêm, quân dân miền Bắc đã trụ vững trong cuộc tập kích chiến lược của không quân Mỹ và giáng trả quyết liệt, đập tan cuộc tập kích chiến lược của không quân Mỹ. Thất bại đó đã làm tan vỡ cố gắng cuối cùng của chính quyền Mỹ sử dụng sức mạnh huỷ diệt để đạt được mục tiêu “đàm phán trên thế mạnh”. Hiệp định Paris được ký kết vào năm 1973 như một tất yếu lịch sử và sau khi Mỹ rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, Hà Nội đã có thể tính đến chuyện dồn hết tâm lực đánh với khí thế áp đảo “một ngày bằng hai mươi năm” đặng tiến thẳng tới Dinh Độc Lập.
5- Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, không một phút giây ngừng nghỉ, Lê Duẩn tiếp tục cùng với bộ thống soái tối cao nắm bắt, phân tích mọi cơ hội, khả năng, khó khăn, thách thức, khẳng định: “Lúc này, chúng ta đang có thời cơ. Hai mươi năm chiến đấu mới tạo được thời cơ này, chúng ta phải biết nắm lấy để đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn”[52]. Sau Hiệp định Paris, Lê Duẩn đã chỉ thị cho Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam lập Kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam. Trong các phiên họp của Bộ Chính trị sau đó, Lê Duẩn nhận định: Thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam đã đến, cần phải kịp thời nắm lấy để đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ đi tới giành thắng lợi hoàn toàn. Phân tích âm mưu và chiến lược của một số nước lớn, Lê Duẩn khẳng định: "Ngoài thời cơ này, không có thời cơ nào khác”; “nếu để chậm mươi, mười lăm năm nữa... thì tình hình sẽ phức tạp vô cùng”[53]. Kế hoạch giải phóng miền Nam dự định trong hai năm (1975 và 1976) được liên tiếp rút xuống chỉ còn một năm, rồi 6 tháng. Cuối cùng, ngày 31-3-1975, Bộ Chính trị quyết định: “Kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất, tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không để chậm”[54].
 Thực tế lịch sử đã chứng tỏ sự đánh giá và những quyết định nói trên hoàn toàn chính xác. Đại thắng mùa Xuân 1975 là kết quả của cả một quá trình chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trên cả hai miền Nam, Bắc. Thắng lợi đó gắn liền với sự lãnh đạo tài trí, mưu lược, kiên quyết và dũng cảm của tập thể lãnh đạo cách mạng Việt Nam; trong đó có vai trò nổi bật của Lê Duẩn. Ông thực sự là một phần không thể thiếu trong các yếu tố quyết định làm nên những bước ngoặt quan trọng của chiến tranh Việt Nam. Lê Duẩn đi cùng và đứng trong cuộc chiến với nỗi niềm đau đáu “vì miền Nam ruột thịt”- đó cũng đồng thời là động lực thôi thúc ông trong toàn bộ hành trình đầy gian khó dẫn dắt cuộc chiến đi tới thắng lợi cuối cùng.


 





[1] Marilyn B. Young: The Vietnam Wars 1945-1990, Harper Perennial, Reprint edition, 1991, p.297.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 17, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.228.
[3] Ở nhiều công trình khác, văn kiện này thường được gọi là Đề cương cách mạng miền Nam, chúng tôi lấy tên như trên là theo Văn kiện Đảng toàn tập, tập 17 do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản năm 2002, tr.783.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 17, Sđd, tr. 784.
[5] Lê Dun: Thư vào Nam: Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1986, tr. 31
[6] Duẩn Tuyển tập: Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985, tập 1, tr. 80
[7] Duẩn Tuyển tập: Sđd, tr. 92.
[8] Duẩn Tuyển tập: Sđd, tr. 92.
[9] Thomas D. Boettcher: Vietnam: The Valor and the Sorrow, Little Brown & Company, Boston, 1985, p.150.
[10] Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm qua (In lần thứ hai), Nxb Sự thật, Hà Nội, 1981, tr. 37.
[11] Những ý kiến này quy về ba phương án: 1-Tiến hành đấu tranh vũ trang; 2-Đấu tranh bằng phương pháp hòa bình dựa trên những điều khoản của Hiệp định Genève; 3-Tiến hành khởi nghĩa từng phần.
[12] Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ Đảng: Lê Duẩn và Cách mạng Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.69
[13] Lịch sử biên niên Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.203
[14] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 20, Sđd, tr. 82.
[15] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 20, Sđd, tr. 82-83.
[16] Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước: Những mốc son lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.485. 
[17]Lê Duẩn: Thư vào Nam, Sđd, tr. 53
[18]Lê Duẩn: Thư vào Nam, Sđd, tr. 53 
[19] Lê Duẩn: Thư vào Nam, Sđd, tr. 193.
[20] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 29, Sđd, tr.23
[21] Lê Duẩn: Thư vào Nam, Sđd, tr. 373.
[22] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 23, Sđd, tr.721.
[23] Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, t.9, tr. 205
[24] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 26, Sđd, tr.595.
[25] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 26, Sđd, tr.595.
[26] Cục Tác chiến: Lịch sử cục tác chiến 1945-2000, Nxb Quân đội nhân dân, 2000, tr.111.
[27] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 28, Sđd, tr.174.
[28]  Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 29, Sđd, tr.50.
[29]  Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 29, Sđd, tr.51-52.
[30] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 29, Sđd, tr.52.
[31] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 29, Sđd, tr.66.
[32] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 29, Sđd, tr.66.
[33] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 29, Sđd, tr.66.
[34] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 29, Sđd, tr.40.
[35] Lê Duẩn: Thư vào Nam, Sđd, tr. 124..
[36] Bộ Quốc phòng: Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Mấy vấn đề chỉ đạo chiến lược trong 30 năm chiến tranh giải phóng, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1999, tr.187-188
[37] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 30 Sđd, tr.124-125.
[38] Bài nói của đồng chí Lê Duẩn- Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương lần thứ 16 năm 1969 Về nhiệm vụ cách mạng miền Nam, Lưu tại Kho Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.
[39] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 31, tr. 49.
[40] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 32, tr. 128.
[41] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 32, tr. 340.
[42] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 32, tr. 380.
[43] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 32, tr. 380.
[44] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 32, tr. 380.
[45] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 32, tr. 408.
[46] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 32, tr. 409-410.
[47]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 32, tr. 473.
[48] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 33, tr. 37.
[49] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 33, tr. 37.
[50]Dẫn theo Lưu Văn Lợi, Nguyễn Anh Vũ: Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kítxinhgiơ tại Paris, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1996, tr. 440.
[51]Dẫn theo Lưu Văn Lợi, Nguyễn Anh Vũ: Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kítxinhgiơ tại Paris, Sđd, tr. 440.
[52] Lê Duẩn: Thư vào Nam, Sđd, tr. 374.
[53] Lê Duẩn: Thư vào Nam, Sđd, tr.362.
[54] Lê Duẩn: Thư vào Nam, Sđd, tr.386.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!