Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2014

CUỘC TIẾN CÔNG CHIẾN LƯỢC NĂM 1972 VÀ BƯỚC NGOẶT TRÊN BÀN ĐÀM PHÁN HỘI NGHỊ PARIS



PGS.TS. Hồ Khang
Viện Lịch sử quân sự
1. Cục diện mới và thời cơ lớn
Năm 1971 là năm đánh dấu sự cố gắng cao nhất của chính quyền R. Nixon trên chiến trường Đông Dương. Huy động lực lượng lớn của quân đội Sài Gòn, với sự phối hợp chiến đấu của không quân và lục quân, Mỹ mở cuộc phiêu lưu quân sự lớn ra chiến trường đường 9 - Nam Lào, đi đôi với các cuộc hành quân lên Đông Bắc Campuchia và ở vùng Tây Nguyên Việt Nam. Tuy nhiên, các cuộc hành quân, đặc biệt là cuộc hành quân lớn nhất ở đường 9 - Nam Lào đã thất bại thảm hại, khiến lực lượng quân sự của đối phương trên chiến trường giảm sút về số lượng, tinh thần suy yếu. Quân đội Sài Gòn cũng như quân đội thân Mỹ ở Campuchia và Lào ngày càng bị cô lập, mâu thuẫn. Sự lục đục, bất hòa trong tập đoàn lãnh đạo Sài Gòn cũng ngày một gay gắt, nhất là giữa Thiệu và Kỳ. 

Ở các đô thị lớn của miền Nam (Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế..) và phần lớn các thành thị, phong trào đấu tranh diễn ra khá sôi nổi, mục tiêu đấu tranh cao hơn - đòi lật đổ Chính quyền Thiệu, chống bầu cử gian lận, đòi quân Mỹ rút về nước, kết hợp với các yêu cầu dân chủ, dân sinh, bằng “nhiều hình thức phong phú, có khí thế tiến công, đánh dấu một bước biến chuyển về chất lượng”[1], khiến hậu phương, hậu cứ của chính quyền và quân đội Sài Gòn luôn bất ổn. Những thắng lợi to lớn trên mặt trận quân sự và chính trị trên chiến trường Đông Dương đã làm bùng phát các phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới, nhân dân tiến bộ Mỹ, đòi chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam, tác động trực tiếp đến chính trường nước Mỹ, khiến nội bộ chính quyền Mỹ bị chia rẽ nghiêm trọng[2] trước cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 1972. Có thể nhận thấy rằng, những nỗ lực bao vây, cô lập và bóp nghẹt phong trào cách mạng miền Nam của Mỹ đã bị thất bại; chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" đã bị đẩy lùi một bước căn bản. Mặc dù vậy, cuộc đàm phán ở Hội nghị Paris vẫn đang bế tắc, vì Mỹ vẫn muốn vớt vát để đàm phán trên thế mạnh và kết thúc chiến tranh có lợi nhất có thể.
Về phía VNDCCH, với so sánh lực lượng quân sự mạnh hơn hẳn đối phương về mọi mặt, lại nắm quyền chủ động chiến trường và ở trong thế bố trí chiến lược có lợi, các lực lượng kháng chiến miền Nam đẩy mạnh hoạt động, giải phóng nhiều vùng bị chiếm đóng từ trước ở đồng bằng khu V, nông thôn Nam Bộ…, buộc đối phương vào thế bị động chống đỡ. Bên cạnh đó, miền Bắc làm tốt nhiệm vụ hậu phương lớn, chi viện hiệu quả cho chiến trường Đông Dương. Cách mạng Campuchia và Lào có những bước tiến quan trọng và phối kết hợp với cách mạng Việt Nam,  hình thành chung một căn cứ rộng lớn, liên hoàn và vững chắc, thực sự là địa bàn đứng chân, xây dựng, phát triển lực lượng kháng chiến. Sự đồng tình ủng hộ, sự giúp đỡ của các nước XHCN anh em cũng như của nhân dân tiến bộ trên thế giới đối với Việt Nam ngày càng được tăng cường và mở rộng. Nhìn chung, thế, lực của quân và dân miền Nam đã mạnh lên nhiều và giành được thế chủ động rõ rệt trên chiến trường, nhất là những địa bàn xung yếu có liên quan mật thiết đến miền Nam Việt Nam. Ở chiến trường chính miền Nam, “nhiều điều kiện thuận lợi mới đã xuất hiện về lực lượng, về thế bố trí, về tinh thần của quân và dân”[3]. Có thể khẳng định rằng, thắng lợi trong năm 1971 là những thắng lợi “có một ý nghĩa chiến lược lớn (…), tạo điều kiện thuận lợi để ta giành những thắng lợi trong thời gian tới”[4].
Phân tích về thế và lực của đôi bên, diễn biến cơ bản của tình hình, Trung ương Đảng LĐVN nhận định: “Ta đang ở thế thắng, thế thuận lợi, thế đi lên, mặc dầu còn có những khó khăn và nhược điểm cần khắc phục; địch đang ở thế thua, thế khó khăn, thế đi xuống, mặc dầu chúng đang còn có lực lượng và có những chỗ mạnh nhất định”[5]. Trong điều kiện đó, “nếu ta đánh mạnh đồng loạt trên toàn chiến trường thì lực lượng của chúng sẽ bị co kéo và phân tán hơn nữa”[6] và sẽ tạo ra một bước chuyển biến căn bản trong chiến tranh ở miền Nam và Đông Dương, tạo ra bước ngoặt trên bàn Hội nghị Paris.
Như vậy, cục diện mới trên chiến trường đã đem đến thời cơ lớn - thời cơ chiến lược, cho phép VNDCCH đẩy mạnh nỗ lực chủ quan, giáng một đòn quyết liệt vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ.
2. Quá trình hình thành ý đồ tiến công chiến lược
Những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của VNDCCH trong mùa Xuân năm 1971, việc Mỹ phải rút thêm quân cuối năm này và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trong năm 1972 là những sự kiện “trùng hợp nhau tạo nên một thời cơ thuận lợi”[7] để đưa cách mạng tiến lên. Hợp điểm của những sự kiện đó đã mở ra khả năng; đồng thời, đặt ra yêu cầu về một đòn tiến công chiến lược.
Bắt mạch diễn biến của tình hình, ngay từ tháng 5-1971, Bộ Chính trị đã đề ra nhiệm vụ cần kíp: "Kịp thời nắm lấy thời cơ lớn, trên cơ sở phương châm chiến lược đánh lâu dài, đẩy mạnh tiến công quân sự, chính trị, ngoại giao, phát triển thế chiến lược tiến công mới trên toàn chiến trường miền Nam và trên cả chiến trường Đông Dương (…), giành thắng lợi quyết định trong năm 1972, buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trên thế thua”[8]. Đầu tháng 6-1971, Lê Duẩn trực tiếp chỉ đạo: “Nắm lấy thời cơ lớn, quật địch những đòn quyết liệt hơn nữa, làm cho ngụy quân, ngụy quyền suy sụp, bắt Mỹ phải chịu thua và rút hết quân về nước”[9]. Cũng trong tháng 6-1971, Quân uỷ Trung ương họp bàn kế hoạch tổ chức thực hiện chủ trương trên của Đảng LĐVN và xác định quyết tâm chiến lược năm 1972: "Tập trung mọi cố gắng đẩy mạnh tiến công quân sự và chính trị trên cả ba vùng, trên khắp các chiến trường Đông Dương, miền Nam Việt Nam là chiến trường chính, giành thắng lợi cao nhất”[10]. Quân uỷ Trung ương dự kiến các hướng tiến công chính của đòn tiến công chiến lược 1972: “Hướng chủ yếu số 1 là chiến trường biên giới Campuchia và miền Đông Nam Bộ; hướng chủ yếu số 2 là chiến trường Tây Nguyên; hướng phối hợp quan trọng là miền núi Tây Trị - Thiên”[11]. Trong bức điện xác định phương hướng, nhiệm vụ của cách mạng miền Nam gửi Trung ương Cục (29-6-1971), Lê Duẩn tiếp tục nhấn mạnh hai nhiệm vụ: 1- “Nỗ lực vượt bực, tranh thủ thời cơ thuận lợi đẩy mạnh tấn công quân sự, chính trị kết hợp với tiến công về ngoại giao”[12]; 2- “Đẩy mạnh hoạt động quân sự, mở nhiều chiến dịch lớn trong mùa đông năm 1971 và cả năm 1972 trên toàn chiến trường Đông Dương, hướng tiến công chính là chiến trường miền Nam”[13]. Lê Duẩn cũng giải thích thêm rằng, trên chiến trường chính miền Nam, “đây là một kế hoạch tiến công chiến lược, đẩy mạnh tiến công quân sự đi đôi với đẩy mạnh tiến công chính trị trên cả ba vùng chiến lược, đánh sập ba trụ cột của chính sách Việt Nam hoá chiến tranh của đế quốc Mỹ”[14], nhằm tạo ra một bước chuyển biến căn bản, tiến lên làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh ở miền Nam và cả Đông Dương.
Như vậy, ngay trong tháng 5, tháng 6 năm 1971, Trung ương Đảng LĐVN và Quân ủy Trung ương đã sớm nắm bắt thời cơ chiến lược đang xuất hiện, đề xuất chủ trương tận dụng, thúc đẩy thời cơ, chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tiến công chiến lược 1972. Cũng cần nói thêm rằng, trong toàn bộ năm 1971 cho đến thời điểm Trung ương Đảng LĐVN trù định chớp lấy thời cơ, đưa cách mạng miền Nam tiến lên thì Hội nghị Paris vẫn đang diễn biến rất chậm chạp. Các cuộc họp trong thời gian này không mang lại kết quả nào đáng kể, vì phía Mỹ vẫn muốn đàm phán trên thế mạnh, cuộc đàm phán được dư luận gọi là “cuộc nói chuyện giữa những người điếc”. Điều đáng lưu ý là ngày 26-6-1971, khi Lê Đức Thọ và Xuân Thủy gặp riêng Kissinger, đưa ra Sáng kiến hòa bình 9 điểm của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa[15], thì câu trả lời của Mỹ là cuộc đánh phá ác liệt ở Quảng Bình, Vĩnh Linh và hai cuộc hành quân lớn đánh vào cánh đồng Chum (Lào) và đánh vào vùng Mỏ vẹt (Campuchia). Động thái này của Chính quyền Mỹ càng cho thấy cần phải đẩy mạnh các hoạt động quân sự, kết hợp chặt chẽ ba mặt quân sự, chính trị, ngoại giao, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tiến lên một bước đột phá, tạo ra khả năng buộc Mỹ đi đến giải pháp có lợi cho Việt Nam ở Hội nghị Paris trước bầu cử Tổng thống vào năm 1972, nhằm xoay chuyển tình hình cách mạng miền Nam một cách căn bản. Quan điểm này được thể hiện đầy đủ trong bức điện của Lê Duẩn gửi cho Xuân Thủy và Lê Đức Thọ ngày 10-7-1971: “Vấn đề quan trọng hiện nay là làm thế nào ba mặt đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao phối hợp nhịp nhàng, ăn khớp với nhau để có thể nắm vững thời cơ và giành được thắng lợi lớn nhất”[16].
Đến cuối năm 1971, sau khi phân tích tình hình và nhận thấy so sánh lực lượng đang chuyển biến có lợi cho Việt Nam, bất lợi cho đối phương, tạo thời cơ rất thuận lợi, trong bức điện ngày 29-11-1971 gửi Trung ương Cục về nhiệm vụ trong năm 1972, Lê Duẩn chỉ rõ: “Năm 1972 là năm cách mạng miền Nam có thời cơ lớn để chuyển sang một bước ngoặt, một giai đoạn mà quy luật chiến tranh cách mạng của ta, quy luật nổi dậy và tiến công, tiến công và nổi dậy, làm chủ để tiêu diệt địch, tiêu diệt địch để làm chủ, có khả năng phát huy tác dụng đầy đủ nhất của nó, với tất cả quy mô và sức mạnh của nó[17]. Đúng như dự đoán của Lê Duẩn, bước sang năm 1972, tình hình quân sự, chính trị trên bán đảo Đông Dương, đặc biệt là ở miền Nam Việt Nam chuyển biến mau lẹ. Đế quốc Mỹ ngày càng đi sâu vào phòng ngự trên chiến trường miền Nam, tăng cường bình định và xây dựng quân đội Sài Gòn. Những khó khăn của Mỹ về tài chính, kinh tế, chính trị, xã hội do chiến tranh kéo dài ở Đông Dương đưa lại rất ít có khả năng giải quyết. Phân tích âm mưu của Mỹ, Báo cáo chính trị tại Hội nghị Trung ương lần thứ 20 (1-1972) nhận định: “Đối với đế quốc Mỹ, năm 1972 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng”[18], vì đây là thời điểm Mỹ quyết thực hiện cho được mục tiêu tiếp tục giữ vững cục diện trên các chiến trường, nhất là ở miền Nam Việt Nam, giành thắng lợi quân sự để tạo được thế mạnh, buộc VNDCCH phải chấp nhận một giải pháp chính trị có lợi cho Mỹ, hoặc tiếp tục chiến tranh mà R. Nixon vẫn trúng cử Tổng thống. Do vậy, nhiệm vụ cần kíp lúc này là “kiên trì kháng chiến cho đến thắng lợi, phải động viên toàn lực, cố gắng vượt bậc, kịp thời nắm vững những thời cơ thuận lợi và tạo nên thời cơ mới”[19]; đồng thời, “đẩy mạnh tiến công quân sự, chính trị, kết hợp với tiến công ngoại giao, phát triển thế tiến công chiến lược mới”[20], nhằm “buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh trên thế thua bằng một giải pháp chính trị có lợi cho ta mà chúng có thể chấp nhận được”[21].
Triển khai chủ trương của Hội nghị Trung ương 20, Quân uỷ Trung ương họp bàn về nhiệm vụ quân sự năm 1972 và cuộc tiến công chiến lược 1972. Quân uỷ Trung ương quyết định phương án đánh bại đối phương bằng ba đòn chiến lược: 1- Đòn tiến công của bộ đội chủ lực trên những hướng và chiến trường có lợi; 2- Đòn tiến công và nổi dậy ở các vùng nông thôn đồng bằng quan trọng; 3- Đòn tiến công của phong trào đấu tranh chính trị ở đô thị.
Từ tháng 5-1971 đến đầu năm 1972, công tác chuẩn bị cho cuộc tiến công chiến lược 1972 về cơ bản đã đạt được những kết quả quan trọng và thời cơ cũng đã chín muồi. Do vậy, ngày 11-3-1972, Thường vụ Quân uỷ Trung ương họp, quyết định chính thức phương án tiến hành cuộc tiến công chiến lược 1972. So với phương án được xác định vào tháng 6-1971, thì phương án mới có một số thay đổi: Trị - Thiên hướng phối hợp quan trọng nay chuyển thành hướng tiến công chiến lược chủ yếu. Chiến trường Đông Nam Bộ và Tây Nguyên hướng chủ yếu số 1 và số 2 nay cùng với Khu 5 đẩy mạnh tác chiến quy mô vừa và lớn để thành một cuộc tiến công chiến lược trên toàn miền Nam và sẵn sàng đưa một sư đoàn chủ lực xuống đồng bằng khi có thời cơ. Chọn chiến trường Trị - Thiên làm hướng tiến công chiến lược chủ yếu vào thời điểm tháng 3-1973 là phù hợp, bởi so sánh tương quan lực lượng đôi bên đã có thay đổi đáng kể và Trị - Thiên là địa bàn gần hậu phương lớn, điều kiện tiếp tế kịp thời, có thể chủ động sử dụng lực lượng binh chủng hợp thành mạnh ở miền Bắc tham gia trực tiếp vào cuộc tiến công một cách thuận lợi. Ngày 23-3-1972, Bộ Chính trị thông qua phương án mà Quân ủy Trung ương đã lựa chọn.
Với tinh thần cách mạng tiến công, cuối tháng 3-1972, Bộ Chính trị hạ quyết tâm mở cuộc tổng tiến công trên ba mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao với mục tiêu làm thất bại chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh”, đẩy đối phương lún sâu vào thế bị động, tạo sức mạnh trên bàn đàm phán Hội nghị Paris; đồng thời lưu ý: “Phải lường cho hết mọi cách đối phó quyết liệt của địch và có sự chuẩn bị để đánh bại chúng với mức cao nhất”[22]. Ngày 30-3-1972, đồng loạt vang lên tiếng súng trên các chiến trường Trị - Thiên, Tây Nguyên, Khu 5 và Đông Nam Bộ, báo hiệu chiến dịch tiến công chiến lược lịch sử năm 1972 đã bắt đầu.
3. Kết hợp giữa thắng lợi quân sự với đấu tranh ngoại giao trên bàn đàm phán
Cho đến trước cuộc tiến công Xuân - Hè 1972, cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán Hội nghị Paris giữa Việt Nam và Mỹ tiếp tục diễn ra căng thẳng, quyết liệt, nhưng hầu như không có tiến triển.
Trước những bước chuyển biến chậm chạp trên bàn đàm phán, trong khi các cuộc phiêu lưu quân sự trên chiến trường Đông Dương có nguy cơ thất bại hoàn toàn và dư luận Mỹ đang lên án mạnh mẽ chính quyền R.Nixon, Tổng thống R. Nixon đã tìm kiếm khả năng đối phó với tình hình thông qua việc chia rẽ Việt Nam với các đồng minh chiến lược, thực hiện chiến dịch ngoại giao con thoi với Trung Quốc, Liên Xô, nhằm “phá vỡ mối quan hệ với Hà Nội và hai cường quốc cộng sản, đồng thời lợi dụng sự chia rẽ giữa Moscow và Bắc Kinh để giúp ông ta (Nixon) chấm dứt cuộc chiến tranh ở Đông Dương thông qua thương lượng về một giải pháp tại Paris”[23]. Sau chuyến thăm chính thức Bắc Kinh, ngày 21-3-1972, Tổng thống R.Nixon đơn phương “ngừng không thời hạn” Hội nghị Paris, cáo buộc hai Đoàn Việt Nam gây bế tắc và không thương lượng nghiêm chỉnh, tuyên bố tiến hành ném bom miền Bắc trở lại với quy mô chưa từng có (4-1972) – một cuộc ném bom như “chưa bao giờ bị ném bom như sắp bị ném bom lúc này”[24]. Trong điều kiện đó, Trung ương Đảng LĐVN chủ trương duy trì Hội nghị Paris, “dùng nó làm diễn đàn tuyên truyền để tranh thủ dư luận quốc tế và kết hợp với chiến trường đấu tranh với chúng về mặt ngoại giao”[25]. Thấu triệt quan điểm này, tại Paris, Đoàn Ngoại giao Việt Nam đã chủ động, tích cực đấu tranh xung quanh việc ấn định ngày họp bí mật và họp lại công khai, đòi phải họp lại Hội nghị như thường lệ. Cuối cùng, phía Mỹ phải đồng ý nối lại cuộc đàm phán.
Tháng  5-1972, khi cuộc tiến công chiến lược của quân Giải phóng trên chiến trường miền Nam đang diễn ra quyết liệt, thì tại Hội nghị Paris, cuộc đấu tranh ngoại giao vẫn đang trong giai đoạn gay go, bế tắc. Nhận định về thực tế này, Trung ương Đảng LĐVN cho rằng: “Hiện nay, ta đang thắng lớn nhưng chưa đến mức buộc Mỹ phải buông con bài Việt Nam và Đông Dương”[26]. Nắm chắc quan điểm chúng ta chỉ có thể giành được trên bàn hội nghị những cái mà chúng ta đã giành được trên chiến trường”[27], Trung ương Đảng LĐVN xác định cần “tiếp tục thực hiện ý đồ quân sự và chính trị trên chiến trường, có như vậy mới có cơ sở để đạt một giải pháp vững chắc”[28]; đồng thời, phải giành phần thắng lợi lớn nhất trong tháng 5 và tháng 6, “tạo nên một cục diện chiến lược mới trên toàn bộ chiến trường miền Nam có lợi về mọi mặt, trong thời gian đó, và trên cơ sở đó, chúng ta tiếp tục tấn công địch, khuếch trương thắng lợi”[29].
Triển khai chủ trương nêu trên, thắng lợi Xuân - Hè 1972 của quân và dân trên khắp chiến trường miền Nam đã khiến “quân ngụy miền Nam bị tổn thất rất nặng, suy yếu nghiêm trọng, đang ở thế bị động đối phó”[30]. Bên cạnh đó, từ giữa năm 1972, nước Mỹ đang bước vào cuộc chạy đua nước rút của bầu cử Tổng thống, mà chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam là đề tài trung tâm trong cuộc vận động đối với cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Thất bại và hy vọng, thực tế và khả năng, nhu cầu trước mắt và lâu dài… tất cả thúc đẩy Tổng thống R. Nixon tìm lối thoát bằng một giải pháp thương lượng. Trước những chuyển biến mau lẹ của tình hình, cuối tháng 6, đầu tháng 7-1972, Bộ Chính trị tổ chức các cuộc họp để đánh giá toàn bộ diễn biến và xu hướng chuyển động của cục diện chung. Nhận định rằng, thắng lợi Xuân - Hè 1972 không những là một bước phát triển mới về số lượng, mà còn là một sự chuyển biến mới với một chất lượng mới của cục diện chiến tranh giữa nhân dân Việt Nam với đế quốc Mỹ, khiến đế quốc Mỹ vấp phải một thất bại to lớn và “đó không phải là một bước thất bại bình thường của một chiến lược chiến tranh, mà là một bước suy sụp mới của cả quá trình cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ”[31], Bộ Chính trị quyết định phát huy thắng lợi trên chiến trường, khai thác khó khăn từ trong nội bộ Mỹ, đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao trên bàn Hội nghị Paris, buộc Mỹ phải đàm phán theo hướng giải quyết toàn bộ vấn đề về chiến tranh Việt Nam.
Từ giữa tháng 7 đến tháng 8-1972, các cuộc gặp riêng giữa Lê Đức Thọ, Xuân Thủy với H. Kissinger tiếp tục diễn ra song song với các cuộc họp công khai. Nhìn chung, trong các cuộc gặp riêng trên đây, Việt Nam luôn vững vàng, chủ động tiến công, giữ vững nguyên tắc nhưng mềm dẻo về sách lược, còn phía Mỹ thì ngoan cố, lắm thủ đoạn. Trong các cuộc tiếp xúc, cả hai bên vừa thăm dò, vừa bảo vệ những quan điểm đưa ra. Những quan điểm khác biệt, giờ đây, chủ yếu đều tập trung vào vấn đề chính trị - một trong hai vấn đề chủ chốt cho một giải pháp về cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam. Những cuộc gặp riêng này diễn ra trong bối cảnh cuộc tiến công Xuân - Hè của quân dân miền Nam giành được những thắng lợi to lớn, quyết định, giáng một đòn quyết liệt vào chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh”, kết hợp hiệu quả với đòn tiến công ngoại giao, buộc Mỹ phải từng bước xuống thang chiến tranh, đi vào giải quyết vấn đề với Việt Nam theo hướng thực chất.
Giữa tháng 9-1972, tình hình chiến sự ở Quảng Trị diễn biến phức tạp, Quân giải phóng đã phải chuyển sang phòng ngự sau khi mất Thành Cổ. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang ở thời điểm cuối cùng. Trên bàn đàm phán, tiếp tục thế giằng co về vấn đề chính trị ở miền Nam Việt Nam. Lúc này, thắng lợi về quân sự trên chiến trường sẽ là lợi thế của các bên trên bàn Hội nghị. Vì thế, cả hai bên đều dồn sức đẩy mạnh hoạt động quân sự nhằm đáp ứng đòi hỏi của đấu tranh ngoại giao. Chiến trường Quảng Trị trở thành nơi giành giật quyết liệt giữa hai bên, thành cổ Quảng Trị trở thành thước đo cho quyết tâm và ưu thế về chính trị của mỗi bên. Cân nhắc tình hình, Bộ Chính trị chỉ thị cho Đoàn Ngoại giao Việt Nam tại Paris phá vỡ bế tắc, “tạo bước ngoặt quyết định trong đàm phán” và phải ép bằng được Mỹ ký Hiệp định chính thức, đáp ứng yêu cầu lớn nhất hiện nay là chấm dứt dính líu quân sự của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, chấm dứt chiến tranh bằng không quân và thả mìn ở miền Bắc. Để đạt được mục đích đó, Bộ Chính trị chủ trương tạm gác một số yêu cầu khác về nội bộ miền Nam, nới lỏng vấn đề chính quyền ở miền Nam Việt Nam[32]. Trên tinh thần đó, Đoàn Ngoại giao Việt Nam đưa ra lập trường công khai mới qua Tuyên bố ngày 11-9-1972, đòi hỏi giải quyết vấn đề nội bộ ở miền Nam phải xuất phát “từ thực tế ở miền Nam có hai chính quyền, hai quân đội và các lực lượng chính trị khác”[33], ngụ ý tách vấn đề quân sự ra khỏi các vấn đề chính trị như là một nhân nhượng đối với yêu cầu dai dẳng của Mỹ từ khi bắt đầu đàm phán. Ngày 15-9-1972, Việt Nam và Mỹ bước vào cuộc gặp riêng lần thứ 17 trong bối cảnh nước Mỹ tích cực chuẩn bị cho bầu cử và quân đội Sài Gòn đã lấy lại được Quảng Trị. Phía Mỹ đưa ra đề nghị mới gồm 10 điểm, ngoan cố không tôn trọng quyền thống nhất của Việt Nam, về thực chất, chưa muốn chấm dứt dính líu quân sự ở miền Nam Việt Nam.
Thời gian dịch chuyển dần sang những tháng cuối năm 1972, đầu năm 1973 và hoạt động quân sự của cả đôi bên trên chiến trường miền Nam gắn chặt với diễn biến trên bàn Hội nghị Paris. Các nỗ lực của quân đội Sài Gòn tấn công các vùng mới giải phóng bị ngăn chặn quyết liệt. Âm mưu chiếm lại và tái lập vùng chiếm đóng đã bị rơi vào tay Quân giải phóng của đối phương bị thảm bại. Trong tình hình đó, ngày 8-10-1972, Đoàn Ngoại giao VNDCCH đưa ra bản Dự thảo Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam với những nhân nhượng nhất định[34]. Ngày 22-10- 1972, văn bản Hiệp định đã hoàn thành và dự định ngày ký chính thức là ngày 31-10-1972. Tuy nhiên, khi cuộc vận động bầu cử sắp kết thúc, Tổng thống R. Nixon thấy rằng vị trí của ông ta đã đủ mạnh để không cần đến việc ký kết Hiệp định hòa bình; đồng thời, nhằm trấn an chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, R. Nixon tiếp tục kế hoạch chi viện với viện trợ khổng lồ là 260.000 tấn hàng chiến tranh trong vòng hai tháng[35].
Để đập tan âm mưu của Mỹ, trên cơ sở phát huy những thắng lợi trên chiến trường, ngày 26-10-1972, Chính phủ VNDCCH quyết định công khai quá trình đàm phán và nội dung Thỏa thuận 22- 10, khiến Mỹ không dễ dàng phá hoại nội dung Hiệp định, làm nội bộ chính quyền Thiệu rối ren, mâu thuẫn Mỹ - Thiệu tăng lên. Tuy nhiên, với bản chất ngoan cố, không dễ gì Mỹ nhượng bộ. Phân tích tình hình, Trung ương Đảng LĐVN đi tới nhận định: “Trong thời gian tới, có thể Mỹ sẽ một mặt kéo dài đàm phán hơn nữa, một mặt kiếm cớ bịa đặt rồi đổ trách nhiệm cho ta, đồng thời trên thực tế chúng sẽ tăng cường chiến tranh ở miền Nam và có những hành động quân sự ác liệt hơn đối với miền Bắc”[36]. Đúng như dự đoán, không đợi đến sau bầu cử, để bắt Việt Nam phải nhân nhượng thêm, từ tối 18- 12 đến 30-12-1972, Mỹ dùng máy bay B52 ném 10 vạn tấn bom đạn xuống các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, trọng tâm là Hà Nội, Hải Phòng. Dư luận Mỹ phẫn nộ về cuộc ném bom. Các cuộc đàm phán tạm ngừng sau ngày 13-12-1972. Ngày 21-12-1972, các Trưởng đoàn Việt Nam không tới Hội nghị bốn bên thường lệ, chỉ cử một số thành viên chính thức có mặt. Sau khi lên án bước leo thang chiến tranh của Mỹ, các thành viên bỏ phòng họp ra về.
Trong suốt 12 ngày đêm, quân dân miền Bắc đã kiên cường chiến đấu, giáng trả quyết liệt, đập tan cuộc tập kích chiến lược của không quân Mỹ, giáng cho không quân Mỹ đòn nặng nề nhất trong lịch sử xâm lược. Thất bại đó đã làm tan vỡ cố gắng cuối cùng của chính quyền Mỹ sử dụng sức mạnh huỷ diệt để đạt được mục tiêu “đàm phán trên thế mạnh”. Ngày 22-12-1972, Mỹ gửi Công hàm đề nghị gặp lại ngày 3-1-1973. Ngày 26-12-1972, VNDCCH kiên quyết đòi Mỹ bỏ thủ đoạn đe dọa để thương lượng, khi nào trở lại tình hình trước ngày 18-12-1972,  hai bên sẽ tiếp tục thảo luận. Trong tư thế của người chiến thắng, ngày 8-1-1973, Lê Đức Thọ và Xuân Thủy trở lại bàn đàm phán. Ngày 13-1-1973, văn bản đã được thỏa thuận[37]. Đúng 12h 30p (giờ Paris) ngày 23-1-1973, Lê Đức Thọ cùng H. Kissinger ký tắt vào văn bản Hiệp định. Ngày 27-1-1973, diễn ra lễ ký kết chính thức Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, chấm dứt cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.
Hiệp định Paris được ký kết là thành quả rực rõ của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, của cuộc đấu tranh, đấu trí kiên quyết, sáng tạo trên ba mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao. Bằng trí thông minh và lòng quả cảm, bằng trí tuệ và bản lĩnh, dân tộc Việt Nam đã biết kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh giải phóng Tổ quốc lớn nhất, quyết liệt nhất thời đại một cách tài tình, kết thúc một giai đoạn cách mạng và kháng chiến vẻ vang, “mở ra một giai đoạn mới: đấu tranh để giữ gìn hoà bình, tiếp tục đưa cách mạng tiến lên”[38]. Năm tháng sẽ qua đi, lịch sử đầy ắp các sự kiện, nhưng lịch sử khách quan và công bằng sẽ còn lưu mãi dấu ấn và ghi tạc một vị trí xứng đáng cho năm 1972 máu lửa trong pho sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.


Tải bài viết tại: Web NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 33, tr. 27.
[2]Tháng 4.1971, Hạ viện Mỹ biểu quyết đòi rút hết quân Mỹ khỏi việt Nam với số phiếu 122/260. Ngày 17.6. 1971, số phiếu biểu quyết của Hạ viện về việc rút quân Mỹ, chấm dứt chiến tranh Việt Nam tăng lên 158/224 và ngày 28.6 số phiếu đó là 175/219 và Hạ viện Mỹ quyết nghị yêu cầu Chính phủ chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Hạ viện Mỹ bỏ phiếu huỷ bỏ "chính sách Việt Nam" của chính quyền bằng luật.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 33, tr. 31.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 33, tr. 208.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 33, tr. 31.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 33, tr. 207.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 32, tr. 389.
[8] Đảng Lao động Việt Nam, Nghị quyết Bộ chính trị, tháng 5.1971, lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 32, tr. 340.
[10] Nghị quyết Quân ủy Trung ương tháng 6-1971, lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
[11] Nghị quyết Quân ủy Trung ương tháng 6-1971, lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
[12] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 32, tr. 380.
[13] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 32, tr. 380.
[14] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 32, tr. 380.
[15]Đây là Sáng kiến với các nội dung chính như đòi Mỹ phải rút quân, thả tù binh, thành lập chính phủ hòa bình, độc lập, trung lập và dân chủ, tôn trọng độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
[16] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 32, tr. 407.
[17]Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 32, tr. 473.
[18] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 33, tr. 33.
[19] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 33, tr. 37.
[20] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 33, tr. 37.
[21] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 33, tr. 37.
[22]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 33, tr. 225.
[23]Pierre Asselin, Nền hòa bình mong manh – Washington, Hà Nội và tiến trình Hiệp định Paris, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 55-56.
[24]Nguyễn Thị Bình và tập thể tác giả, Mặt trận dân tộc giải phóng, Chính phủ cách mạng lâm thời tại Hội nghị Paris về Việt Nam (Hồi ức), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 252.
[25] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 33, tr. 252.
[26]Dẫn theo Lưu Văn Lợi, Nguyễn Anh Vũ: Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kítxinhgiơ tại Paris, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1996, tr. 440.
[27] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 28, tr. 174.
[28]Dẫn theo Lưu Văn Lợi, Nguyễn Anh Vũ: Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kítxinhgiơ tại Paris, Sđd, tr. 440.
[29] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 33, tr. 265.
[30] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 33, tr. 329.
[31] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 33, tr. 335-336.
[32]Không đòi xóa chính quyền Sài Gòn, đòi Thiệu phải từ chức; chỉ cần một hình thức cơ cấu chính quyền hòa hợp, hòa giải dân tộc theo phương án thấp nhất.
[33]Báo Nhân dân, ngày 12- 9- 1972, tr. 4.
[34]Đó là hai nhân nhượng: 1). Công nhận sự tồn tại của chính quyền Sài Gòn có Thiệu; 2). Giải quyết vấn đề Việt Nam theo mong muốn của Mỹ, tách riêng vấn đề quân sự và chính trị, không đòi lập chính quyền hòa giải và hòa hợp dân tộc trước khi có ngừng bắn, mà để hai bên miền Nam giải quyết việc đó trong vòng ba tháng đầu sau ngừng bắn. Hành động này của phía Việt Nam khiến phái đoàn Mỹ bị bất ngờ và việc chúng ta chủ động đưa ra dự thảo Hiệp định với những yêu cầu mềm dẻo, buộc phía Mỹ, tại cuộc họp, phải công khai thừa nhận thái độ thiện chí của Việt Nam, cho đây là một sự kiện mở ra một trang mới trong thương lượng có khả năng hai bên sớm đi đến giải quyết vấn đề chiến tranh Việt Nam.
[35] Gabriel Kolko, Giải phẫu một cuộc chiến tranh, Sđd, tr. 125.
[36] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 33, tr. 408.
[37]Về cơ bản vẫn là văn bản ngày 20-10-1972 và so với lập trường ban đầu, hai bên đều đã rút bớt một số đòi hỏi quá cao: Mỹ rút bỏ việc đòi hai bên (Mỹ và VNDCCH) cùng rút quân và đòi thừa nhận chính quyền Sài Gòn là chính quyền hợp pháp duy nhất ở miền Nam; chúng ta rút bớt việc đòi xóa bỏ chế độ Sài Gòn.
[38] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 34, tr. 5.

1 nhận xét:

  1. Nên được cả những điểm VNDCCH muốn nhưng đã ko đạt được :)

    Trả lờiXóa

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!