PGS.TS. Hồ Khang
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
Trong chiến tranh,
quan hệ giữa quân sự và ngoại giao luôn là mối quan hệ chặt chẽ, quy định và
chi phối lẫn nhau. Trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân
Việt Nam, quan hệ giữa giành thắng lợi quyết định trên chiến trường và củng cố,
mở rộng thắng lợi đó bằng hoạt động ngoại giao thể hiện đậm nét qua thế đánh-
đàm – một trong những sách lược tiến hành chiến tranh độc đáo đạt tới tầm nghệ
thuật. Tuy nhiên, trước những phức tạp của bàn cờ chính trị thế giới tác động
trực tiếp tới chiến tranh Việt Nam, bộ não lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã phải
hết sức mềm dẻo, khéo léo, kiên quyết và bản lĩnh để thực hiện sách lược “vừa
đánh, vừa đàm”.
1. Bước ngoặt của cuộc kháng chiến và sách lược đánh -
đàm
Sau “sự kiện Vịnh Bắc
Bộ”, chiến tranh Việt Nam bước vào giai đoạn khốc liệt. Dựa vào ưu thế quân sự của cường quốc, Mỹ tuyên bố: “Đẩy lùi
miền Bắc Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá”.
Ngày 7-2-1965, Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc với mục đích
ngăn chặn chi viện của miền Bắc cho miền Nam, cho Việt Nam thấy sức mạnh quân sự
của Mỹ, gây sức ép để Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải ký thỏa thuận với Chính
quyền Việt Nam Cộng hòa; hy vọng cuộc ném bom miền Bắc Việt Nam sẽ trở thành liều
thuốc giữ ổn định tinh thần cho Chính quyền Sài Gòn, nâng cao hiệu quả chiến đấu
của quân đội Việt Nam Cộng hoà.
Trong hai năm
1965-1966, dù cố gắng tăng cường lực lượng, đẩy mạnh các hoạt động quân sự trên
nhiều hướng chiến trường khác nhau, song Mỹ và quân đội Sài Gòn đã vấp phải những
thảm bại to lớn: Cuộc phản công chiến lược
mùa khô lần thứ nhất, lần thứ hai lần
lượt bị thua đau, chiến tranh phá hoại miền Bắc vấp phải sự giáng trả
kiên cường, thất bại trên những âm mưu cơ bản[1].
Thắng lợi những năm 1965-1966 không chỉ đơn thuần là những thắng lợi về chiến
thuật, chiến lược quân sự, mà còn là những thắng lợi chính trị to lớn và ý
nghĩa, tác động kép của những chiến thắng ấy đã tạo nên bước ngoặt của cách mạng
miền Nam, hình thành những tiền đề cơ bản, vững chắc cho bước phát triển mới của
cuộc kháng chiến.
Phân tích, nắm bắt
tình hình, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 13 (1-1967) chỉ rõ trước đó chưa thể
thực hiện sách lược “đánh – đàm”, vì chưa có thời cơ, vì Mỹ còn tin rằng, nếu ồ
ạt đưa quân quân vào miền Nam tham chiến thì có thể giành thắng lợi. Tuy nhiên,
bước sang năm 1967, tình hình đã căn bản khác trước, trở nên thuận lợi và chín
muồi cho một trận đấu trí, đấu lực mới. Thắng lợi đối với hiệp đầu của chiến lược
chiến tranh cục bộ khiến Mỹ bị một đòn phủ đầu choáng váng, hết sức bất ngờ, phải
đối diện với ba khó khăn lớn: 1-Rơi vào thế bị động quân sự trên chiến trường,
lúng túng về chiến lược; 2-Vấp phải những khó khăn to lớn trong nội bộ, xu hướng
sớm muốn chấm dứt chiến tranh lan rộng; 3- Bị cô lập và lên án trên thế giới.
Tình hình đó là hoàn toàn bất lợi đối với Mỹ trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống
năm 1968.
Trước những biến chuyển có lợi, chủ trương
phát huy thế mạnh, thế thắng, Hội nghị Trung ương lần thứ 13 quyết định mở mặt
trận ngoại giao, kết hợp đấu tranh ngoại giao với đấu tranh quân sự, hình thành
thế chiến lược tiến công. Xác định “đấu
tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam là nhân tố chủ yếu quyết định
thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao”[2], Hội nghị Trung
ương lần thứ 13 chủ trương phối hợp đấu
tranh quân sự với đấu tranh chính trị, đẩy mạnh hơn nữa đấu tranh ngoại giao,
chủ động tiến công địch về chính trị, vận dụng sách lược vừa đánh vừa đàm, vừa đàm
vừa đánh. Hội nghị giải thích: “Vận dụng sách lược vừa đánh vừa đàm, vừa đàm vừa
đánh có nghĩa là trong khi ở miền Nam vẫn tranh thủ đánh để giành thắng lợi quyết
định thì giữa ta và địch có thể nói chuyện từ hình thức tiếp xúc cho đến hội
đàm”[3].
Đây là một quá trình đấu tranh hết sức phức tạp, gay go, khó khăn, gắn chặt
với các mặt đấu tranh quân sự, chính trị và ngoại giao. Do vậy, để thực hiện
thành công sách lược “đánh – đàm” đòi hỏi phải giữ vững tính nguyên tắc, song
phải biết cơ động, linh hoạt, lợi dụng mọi "kẽ hở" của đối phương; đồng
thời, giữ vững độc lập, tự chủ.
Chọn
đúng thời cơ để mở đòn tiến công ngoại giao, kéo Mỹ vào bàn đàm phán khi đang ở
thế thắng, Hội nghị Trung ương lần thứ 13 (1-1967) đã đưa ngoại giao trở thành
thành một mặt trận tích cực, chủ động, đan quyện hai mặt đánh – đàm, nhằm
vào chỗ yếu cơ bản về chính trị của đối phương để giành thắng lợi từng
bước, tranh thủ thời cơ giành thắng lợi quyết định.
2. Chủ động, độc lập khởi đầu thế đánh - đàm
Đương đầu với một đối
phương có tiềm lực, sức mạnh kinh tế, quân sự vượt trội, Đảng, Nhà nước Việt
Nam luôn xác định sự ủng hộ quốc tế, nhất là sự ủng hộ của các nước XHCN là vô
cùng quan trọng và hết sức cần thiết. Trong mỗi bước phát triển của cuộc kháng
chiến, chủ động, độc
lập trong hoạch định chủ trương, chính sách, song Đảng, Nhà nước Việt
Nam rất chú ý tham
khảo ý kiến các nước anh em[4]. Về ngoại giao, ngay khi Hội nghị
Trung ương lần thứ 13 (1-1967) kết thúc, Việt Nam tích cực đẩy mạnh các hoạt động
đối ngoại nhằm làm cho các nước anh em,
trước hết là Liên Xô,Trung Quốc hiểu, đi đến ủng hộ sách lược đánh – đàm của Việt
Nam.
Đối với
Trung Quốc, nếu như trước năm 1964, Trung Quốc “hướng tới xây dựng môi trường quốc tế hòa bình cho phát triển kinh tế bằng cách
ủng hộ Bắc Triều Tiên,
Bắc Việt Nam đấu tranh chính trị là chủ yếu và tránh chiến tranh với Hoa Kỳ trong khu vực Đông Nam Á”[5],
thì từ năm 1964 trở đi, Trung Quốc ủng hộ Việt Nam đẩy mạnh đấu tranh vũ trang
chống Mỹ. Vì thế, sách lược “đánh – đàm” của Việt Nam gặp phải phản ứng không
thuận từ phía Trung Quốc. Trong cuộc hội đàm giữa hai đoàn đại biểu cấp cao Việt
Nam, Trung Quốc tại Bắc Kinh (17-2-1967), sau khi phê phán sách lược “đánh
–đàm”, Thủ tướng Chu Ân Lai cho rằng có bốn hậu quả khi thực hiện “đánh – đàm”:
1- Gây hiểu lầm về giải quyết tách rời vấn đề miền Bắc và miền Nam; 2- Làm cho
nhân dân có ảo tưởng hòa bình; 3- Gây hiểu lầm miền Bắc bán rẻ miền Nam; 4- Các
nước xét lại gây áp lực đàm phán đối với Việt Nam[6].
Trước tình hình đó, tránh để Trung Quốc nghi ngờ Việt Nam thương lượng non, nhằm
giải thích, thuyết phục các nước anh em, tránh không để đối phương lợi dụng bất
đồng về sách lược giữa Việt Nam với bạn bè, đồng minh, trong cuộc hội kiến với
Chu Ân Lai (4-1967), Thủ tướng Phạm Văn Đồng, một mặt, khẳng định quan điểm không thay đổi “trên cơ sở thắng lợi
của đấu tranh quân sự, chính trị tiến hành đấu tranh ngoại giao với thế chủ động,
thế tiến công”[7],
“trước mắt đòi Mỹ phải đình chỉ vĩnh viễn và vô điều kiện việc ném bom, bắn phá
và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”[8]
của Việt Nam; mặt khác, giải thích rõ
thêm rằng, trên thực tế dư luận quốc tế có những biểu hiện ủng hộ Việt Nam; Việt
Nam nhận thức đầy đủ Mỹ chưa muốn ngồi nói chuyện với Việt Nam, chắc chắn sắp tới
sẽ đánh mạnh, hiểu rõ những thủ đoạn cực kỳ ngoan cố, xảo quyệt của Mỹ và hoàn
toàn “không có chút ảo tưởng nào, mà trái lại sẵn sàng đánh, đánh mạnh hơn”[9].
Về phía Liên Xô, quan
điểm về “đánh – đàm” có phần trái ngược với Trung Quốc. Ngay từ năm 1965, Liên Xô đã khuyến
khích Việt Nam tiếp xúc với phía Mỹ để đi đến một giải pháp ở Việt Nam, “duy
trì vĩ tuyến 17 như là một đường ranh giới"[10],
chủ trương giải quyết vấn đề Việt Nam bằng thương lượng trên những điều kiện thấp
so với yêu cầu của Việt Nam. Liên Xô truyền đạt ý kiến
của Mỹ cho Việt Nam về đàm phán và để đạt mục đích, Liên Xô điều hòa lượng cung cấp
hàng viện trợ cho Việt Nam[11].
Trong cuộc hội đàm cấp cao với đoàn đại biểu Việt Nam (3-1967), Liên Xô đề nghị
Việt Nam không nên yêu cầu Mỹ chấm dứt ném bom không điều kiện: “Mỹ khó nhận việc
chấm dứt ném bom không điều kiện, nêu ra không có ích gì, chỉ cản trở thương lượng...”[12],
gợi ý “có thể chấp nhận xuống thang về hình thức để đánh lừa Mỹ”[13].
Nhằm tranh thủ sự ủng hộ của Liên Xô, ngăn chặn tính toán làm trung gian, gây
thêm tình hình phức tạp[14],
các chuyến thăm con thoi của các đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ Việt Nam liên tục
tới Liên Xô, khẳng định quan điểm, kiên trì giải thích, thuyết phục.
Để phát huy hiệu quả
sách lược “đánh - đàm”, về quân sự, điều cần thiết đối với cách mạng miền Nam lúc này là phải tổ chức được những
đợt hoạt động, những cuộc tiến công quy mô chiến lược đủ sức làm xoay chuyển cục
diện chiến trường, giáng một đòn vào ý chí xâm lược của Mỹ, kéo Mỹ xuống thang
chiến tranh, tạo điều kiện để đấu tranh ngoại giao thực hiện hai mục tiêu chủ yếu:
Buộc Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc, rút quân khỏi miền Nam[15].
Thực hiện mục tiêu nêu trên, kế hoạch chiến lược Đông – Xuân 1966-1967 được khởi
thảo với điểm cốt lõi: Giành thắng lợi quyết định không phải “bằng cách đánh thông thường mà phải tìm cách đánh
khác để đập tan ý chí tiếp tục chiến tranh của Mỹ, làm cho Mỹ hiểu rằng không thể thắng được
dân tộc Việt Nam bằng vũ khí và bom đạn”[16]. Sau những bàn bạc, tính toán, cân nhắc, phương thức tiến công mới, táo bạo bất ngờ và đồng loạt đánh mạnh vào các
đô thị trên toàn miền Nam được lựa chọn.
Để đảm bảo hiệu lực chiến đấu, toàn bộ ý định chiến lược được giữ bí mật nghiêm
ngặt[17].
Tháng 1-1968, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 14 quyết định thực hiện Tổng công kích- Tổng khởi nghĩa, chính
thức mở ra trên thực tế một giai đoạn mới vừa
đánh vừa đàm, phù hợp với truyền thống quân sự Việt Nam.
Đêm ngày 29 rạng ngày 30 -1-1968 (tức là đêm giao
thừa theo lịch miền Nam), cả miền Nam rung chuyển bởi đòn tiến công quân sự
mãnh liệt và bất ngờ. Sự kiện “Tết” đã khiến nước Mỹ bàng hoàng sửng sốt. Nếu
như năm 1967, Mỹ
vẫn mưu toan "đàm phán trên thế mạnh", đòi miền Bắc phải "giảm
hoạt động quân sự ở miền Nam, giảm thâm nhập vào miền Nam", đưa ra công thức
thương lượng "có đi, có lại"..., thì thắng lợi của Tổng tiến công Mậu
Thân đã buộc Tổng thống Mỹ L.Johnson, vào đêm 31-3-1968,
chẳng những đã phải công khai tuyên bố: Mỹ đơn phương chấm dứt chiến tranh phá
hoại miền Bắc (từ vĩ tuyến 20 trở ra), sẵn sàng cử đại diện đàm phán với Chính
phủ Việt Nam DCCH, mà hơn thế, còn quyết định rút dần quân Mỹ ra khỏi miền Nam
Việt Nam khi chưa một mục tiêu nào của cuộc chiến tranh này được thực hiện. Tuy nhiên, phía Hoa Kỳ chưa đáp ứng hoàn
toàn những điều kiện do Việt Nam nêu ra, nên đàm phán ngay là quá sớm, song
không thể bỏ lỡ cơ hội đàm phán. Cân nhắc, phân tích tình hình, ngày 3-4-1968,
Chính phủ Việt Nam DCCH ra tuyên bố: “Sẵn sàng cử đại diện
của mình tiếp xúc với đại diện Mỹ nhằm xác định với phía Mỹ việc Mỹ chấm
dứt không điều kiện việc ném bom và các hoạt động chiến tranh khác chống nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hoà để có thể bắt đầu cuộc nói chuyện”[18].
Về phía quốc tế, Trung Quốc đánh giá Tuyên bố 3-4-1968 của Việt Nam là “đã nhân nhượng một phần, giải
cứu khó khăn cho Mỹ (…) tuyên bố vội vã và quá nhanh”[19],
“các đồng chí Việt Nam dễ nhân nhượng (…) không phải các đồng chí chủ động thêm
mà là mất thêm chủ động”[20].
Đáp lại, Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định: “Các đồng chí góp ý kiến theo tinh
thần nghiêm chỉnh, chúng tôi sẽ chú ý. Nhưng cuối cùng chúng tôi là những người
đánh Mỹ và thắng Mỹ. Chúng tôi trực tiếp trên mặt trận quân sự cũng như ngoại
giao”[21].
Liên Xô có quan điểm
ngược lại: “Cố nhiên Mỹ không thể chấm dứt 100% việc bắn phá miền Bắc (…) nếu
các đồng chí một mực nói: các anh phải chấm dứt toàn bộ và không có điều kiện
việc đánh phá miền Bắc, còn chúng tôi sẽ không nhượng bộ gì cả, thì là tối hậu
thư. Mà thực sự muốn có đàm phán thì không bên nào được có giọng tối hậu thư...[22]”.
Nhìn chung, Liên Xô “chủ trương giải quyết vấn đề ngừng ném bom miền Bắc trước,
vấn đề miền Nam sau, giải quyết vấn đề quân sự ở miền Nam trước, vấn đề chính
trị sau”[23],
có nghĩa là mong muốn Việt Nam nhượng bộ, nhanh chóng sớm kết thúc chiến tranh,
giữ nguyên hiện trạng hai miền. Đại sứ Liên Xô tại Việt Nam S. Sherbakov đã gửi báo cáo về Moscow, phân tích thái độ không ủng hộ
đàm phán của Trung Quốc, nhận định rằng,“ một giải pháp cho cuộc chiến Việt Nam sẽ
giáng một đòn mạnh vào chiến lược quân sự "trường kỳ kháng chiến" của
Mao và có thể dẫn đến làm suy sụp các tư tưởng khác của Người cầm lái vĩ đại"[24]
và về mặt chiến lược, “cuộc chiến tranh ở Việt Nam sẽ làm suy yếu cả Mỹ và Liên
Xô, làm tăng cơ hội đối đầu quân sự trực tiếp giữa hai đối thủ chính của Trung
Quốc”[25].
Trước những bất đồng
quan điểm của các nước đồng minh chủ chốt, Việt Nam kiên định đi tới bàn đàm
phán với những mục tiêu, yêu cầu được cân nhắc, xác định.
Bước vào đàm phán, buộc
phải coi Việt Nam DCCH là một bên đối thoại trực tiếp, bình đẳng, miễn cưỡng chấp
nhận thương lượng để tìm một lối thoát danh dự, song Mỹ vẫn đàm phán trên tư thế
của kẻ mạnh, dồn mọi nỗ lực, mở hàng loạt các cuộc
hành quân quy mô lớn, áp dụng nhiều biện pháp, ra sức tuyên truyền trên trường quốc tế
về thắng lợi quân sự của Mỹ và đồng minh ở Việt Nam sau Tết Mậu Thân, sử dụng ồ
ạt bom đạn và chất độc… hòng giành thêm những lợi thế mới[26].
Việc Mỹ đặt điều kiện cho Việt Nam về chấm dứt ném bom hoàn toàn miền Bắc[27]
cho thấy: “Chúng ta chỉ có thể giành
được trên bàn hội nghị những cái mà chúng ta đã giành được trên chiến trường”[28]. Trên tinh thần đó,
tháng 5-1968, Bộ Chính trị quyết định bồi tiếp đòn tiến công mới, giáng mạnh
vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, gây cho Mỹ những tổn thất nặng nề về sinh lực
và phương tiện chiến tranh, làm cho đối phương “thất bại trên chiến trường, thất
bại ở các thành thị lớn và thất bại ở ngay nước Mỹ”[29],
thúc đẩy tiến trình trên bàn đàm phán Hội nghị Paris.
3. Tự chủ, vững vàng tiếp tục thế đánh - đàm
Đầu năm 1969, Hội nghị
Paris bước vào giai đoạn hai - giai đoạn đàm phán bốn bên, đàm phán vẫn chưa đi
vào thực chất, thế trận vừa đánh, vừa đàm triển khai mới được hơn một năm, nửa
cuối năm 1969, trên chiến trường miền Nam, quân đội Việt Nam DCCH gặp một số
khó khăn. Nhân cơ hội đó, một mặt, Mỹ
thực hiện chính sách “tiến công hòa bình” với quy mô chưa từng có trong hoạt động
ngoại giao của nước Mỹ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, lôi kéo sự tham gia của
các nước Tây Âu, Bắc Âu, châu Phi, châu Á, một số nước XHCN, các nước Không
liên kết… làm trung gian trong vấn đề Việt Nam; mặt khác, tích cực tìm kiếm thắng lợi trên chiến trường. Với chiến
lược đó, Mỹ liên tục giằng dai trên bàn Hội nghị Paris, gây nên những bế tắc về
ngoại giao trong suốt những năm 1968-1970.
Phân
tích tình hình mọi mặt, đặc biệt phân tích những diễn biến mới nhất, cũng như ý
đồ của Mỹ và Chính quyền Sài Gòn, Hội nghị Trung ương lần thứ 18 (27-1-1970) nhận định rằng, Mỹ vẫn đang cố tình hạ thấp Hội
nghị Paris, đưa ra đề nghị hòa bình để đánh lừa dư luận. Quả thật, cuộc
đàm phán Paris chưa đi vào thực chất, Mỹ vẫn muốn vớt vát để đàm phán trên thế
mạnh và kết thúc chiến tranh theo chiều hướng có lợi. Xác định chỉ khi Mỹ “vấp
phải thất bại nghiêm trọng hơn, hết hy vọng vào âm mưu “Việt Nam hóa chiến
tranh” thì chúng mới buộc phải đi vào con đường thương lượng nghiêm chỉnh để
tìm một giải pháp chính trị”[30],
đầu năm 1971, Trung ương Đảng hạ quyết tâm: “Ta phải đánh cho quân Mỹ bị thua
đau hơn nữa, đánh cho ngụy quân, ngụy quyền phải sụp đổ”[31].
Phân tích so sánh lực lượng, tình hình chiến trường, Trung ương Đảng nhận định:
Cục diện mới trên chiến trường đã đem
đến thời cơ lớn - thời cơ chiến lược,
cho phép đẩy mạnh nỗ lực chủ quan, giáng một đòn quyết liệt vào ý chí xâm lược
của đế quốc Mỹ. Thay mặt Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Lê Duẩn hạ quyết
tâm: “Nắm lấy thời cơ lớn, quật địch
những đòn quyết liệt hơn nữa, làm cho ngụy
quân, ngụy quyền suy sụp, bắt Mỹ phải chịu thua và rút hết quân về nước”[32].
Biến quyết tâm thành hành động, những
năm 1971-1972, quân và dân Việt Nam mở các đợt hoạt động quân sự mạnh mẽ, đánh
bại các cuộc hành quân, càn quét của Mỹ và quân đội Sài Gòn sang Campuchia, Nam
Lào. Cuộc tiến công chiến lược năm 1972 với ba chiến dịch tiến công hiệp đồng
binh chủng trên ba hướng Quảng Trị, Bắc Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, hai chiến
dịch tổng hợp ở Bắc Bình Định và đồng bằng Nam Bộ đã tác động trực tiếp đến cục
diện cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán Hội nghị Paris đang ở thế giằng co. Tin
tức thắng lợi từ chiến trường liên tục dội đến bàn đàm phán. Thất
bại nặng nề của quân đội Sài Gòn dưới sự yểm trợ hùng hậu của hỏa lực Mỹ,
phương tiện chiến tranh Mỹ, cố vấn Mỹ “đã làm rung chuyển nước Mỹ, gây ra cho
chúng những khó khăn rất lớn về nhiều mặt”[33].
Để tạo
ra “khả năng kéo Mỹ xuống nữa để thắng một bước căn bản tiến lên giành thắng
lợi hoàn toàn cho cuộc cách mạng miền Nam”[34],
“làm áp lực mạnh hơn buộc chính quyền Mỹ
phải từ bỏ xâm lược, chấm dứt chiến tranh”[35], trước
khi mở đợt tấn công ngoại giao, kéo Mỹ đi vào quỹ đạo đàm phán một cách
thực chất, Việt Nam tích cực tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của Liên Xô, Trung
Quốc.
Trong cuộc hội đàm với Lê Duẩn tại Bắc
Kinh (11-5-1970), Mao Trạch Đông tuy có tuyên bố ủng hộ sách lược đánh đàm của
Việt Nam: “Các đồng chí có thể đàm phán với Mỹ”[36],
song nhấn mạnh rằng, “sức mạnh quyết định vẫn là ở quân sự”[37].
Mao Trạch Đông lấy ví dụ Hiệp định Geneve bị phá hoại để minh chứng đàm phán
không phải là yếu tố quyết định cục diện cuộc chiến. Như vậy, dù không phản đối
Việt Nam đàm phán, song Trung Quốc chưa “tâm phục khẩu phục”, ủng hộ đàm phán
một cách thực sự. Vì vậy, thay mặt Đảng, Chính phủ Việt Nam, Lê Duẩn giải
thích: “Đấu tranh chính trị và quân sự có tầm quan trọng quyết định, tuy nhiên,
thực tiễn Việt Nam, ở một mức độ nhất định đã chứng minh đấu tranh ngoại giao
có hiệu quả trong nhiều năm qua (…) chúng tôi sẽ kiên trì trong cuộc đấu tranh
quân sự, chính trị, coi đó là yếu tố quyết định chiến thắng, song khi tình hình
cho phép, cần đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao”[38].
Cũng ghi nhận rằng, đến cuối năm 1970, quan điểm của Trung Quốc về vấn đề “đánh
– đàm” đã có sự thay đổi mang tính bước ngoặt. Tiếp Thủ tướng Phạm Văn Đồng (23-9-1970),
Mao Trạch Đông phát biểu: “Chúng tôi đã thấy là các đồng chí có thể tiến hành
đấu tranh ngoại giao và làm rất tốt. Cuộc đàm phán đã diễn ra hai năm, lúc đầu
chúng tôi có lo lắng. Lo các đồng chí bị mắc kẹt. Bây giờ thì không còn lo lắng
nữa”[39].
Trong cuộc hội đàm với Lê Đức Thọ (12-7-1972), Thủ tướng Chu Ân Lai thừa nhận:
“Khi các đồng chí bắt đầu đàm phán, một số đồng chí của chúng tôi đã nghĩ các
đồng chí chọn sai thời điểm. Thậm chí tôi cũng từng nhắc nhở đồng chí Lê Duẩn
và đồng chí Phạm Văn Đồng phải chọn thời điểm đàm phán khi đang ở thế mạnh (…)
tuy nhiên, đến giờ chúng tôi hiểu quyết định đàm phán của các đồng chí vào thời
điểm ấy là đúng”[40].
Về
phía Liên Xô, sau khi đạt mục tiêu thuyết phục Việt Nam đàm phán và do bận đối
phó với khủng hoảng ở Tiệp Khắc, nên từ cuối tháng 8-1968 đã giảm bớt sự can dự
vào tiến trình đàm phán. Sau khi sự kiện Tiệp Khắc dẹp yên, Mỹ thúc giục Liên
Xô gây sức ép đối với Việt Nam, “làm cho Bắc Việt Nam nhận thấy rõ ràng họ đang
bám giữ một lập trường không thực tế và hoàn toàn vô lý đối với việc ngăn cản
chế độ Sài Gòn tham gia quá trình đàm phán"[41].
Bị thúc ép bởi yêu cầu cải thiện quan hệ với Mỹ, Liên Xô thuyết phục Việt Nam hạ
thấp điều kiện đàm phán. Tháng 3-1970, khi tình hình Campuchia căng thẳng, Liên
Xô đã hai lần yêu cầu Việt Nam rút quân khỏi Campuchia. Tháng 4-1972, Liên Xô gợi
ý Việt Nam gây sức ép “buộc Mỹ phải rút hết trước bầu cử Tổng thống Mỹ, còn các
vấn đề chính trị, tiếp tục đấu tranh đòi giải quyết theo lập trường của ta”[42].
Do vậy, tháng 5-1972, Lê Duẩn dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao tới Moscow “để giải
thích các kế hoạch mới với Đảng Cộng sản Liên Xô”[43]
– kế hoạch vừa đàm phán, vừa đánh mạnh trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cuối
năm 1972: “Chúng tôi sẽ đánh bại Nixon như đã đánh bại Johnson”[44].
Đoàn đại biểu Việt Nam cũng nói rõ quan điểm đối với việc Nixon thăm Liên Xô,
“vạch rõ kế hoạch hòa hoãn và ngoan cố của Nixon, khẳng định lại lập trường của
ta tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của Liên Xô, mong muốn Liên Xô cùng ta thắng
Mỹ”[45].
Cho đến trước cuộc tiến công Xuân - Hè 1972, cuộc đấu
tranh trên bàn đàm phán Hội nghị Paris giữa Việt Nam và Mỹ tiếp tục diễn ra
căng thẳng, quyết liệt, nhưng hầu như không có tiến triển. Trước những bước
chuyển biến chậm chạp trên bàn đàm phán, trong khi các cuộc phiêu lưu quân sự
trên chiến trường Đông Dương có nguy cơ thất bại hoàn toàn và dư luận Mỹ đang
lên án mạnh mẽ chính quyền R.Nixon, Tổng thống R. Nixon đã tìm kiếm khả năng đối
phó thông qua việc chia rẽ Việt Nam với các đồng minh chiến lược, thực hiện chiến
dịch ngoại giao con thoi với Trung Quốc, Liên Xô, nhằm “phá vỡ mối quan hệ với
Hà Nội và hai cường quốc cộng sản; đồng thời, lợi dụng sự chia rẽ giữa Moscow và Bắc Kinh để giúp ông ta (Nixon) chấm dứt
cuộc chiến tranh ở Đông Dương thông qua thương lượng về một giải pháp tại
Paris”[46]. Sau chuyến thăm chính thức Bắc Kinh, ngày 21-3-1972, Tổng thống R.Nixon
đơn phương “ngừng không thời hạn” Hội nghị Paris, cáo buộc hai Đoàn Việt Nam
gây bế tắc, không thương lượng nghiêm chỉnh và tuyên bố tiến
hành ném bom miền Bắc trở lại với quy mô chưa từng có (4-1972). Trong điều kiện đó, Trung ương Đảng chủ trương duy trì Hội nghị Paris,
“dùng nó làm diễn đàn tuyên truyền để tranh thủ dư luận quốc tế và kết hợp với
chiến trường đấu tranh với chúng về mặt ngoại giao”[47]. Thấu triệt quan điểm này, tại Paris, Đoàn Ngoại giao Việt Nam đã chủ động,
tích cực đấu tranh,
đòi phải họp lại Hội nghị như thường lệ. Cuối cùng, phía
Mỹ phải đồng ý nối lại cuộc đàm phán.
Từ giữa năm 1972, nước Mỹ đang bước vào cuộc chạy đua nước rút của bầu cử Tổng
thống, mà chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam là đề tài trung tâm trong cuộc vận động
đối với cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Thất bại và hy vọng, thực tế và khả
năng, nhu cầu trước mắt và lâu dài… tất cả thúc đẩy Tổng thống R. Nixon tìm lối
thoát bằng một giải pháp thương lượng. Nắm bắt thời cơ, Bộ Chính trị quyết định phát huy thắng lợi trên chiến trường, khai thác khó
khăn từ trong nội bộ Mỹ, đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao trên bàn Hội nghị Paris,
buộc Mỹ phải đàm phán theo hướng giải quyết toàn bộ vấn đề về chiến tranh Việt
Nam.
Sự
giằng co, những diễn biến phức tạp trên bàn đàm phán cho thấy thắng lợi về quân sự trên chiến trường sẽ là lợi thế của các bên trên
bàn Hội nghị. Diễn biến trên bàn Hội nghị Paris gắn chặt, phụ thuộc hoạt động
quân sự của cả hai bên trên chiến trường. Trước tình hình đó, Đảng nhận định đối
phương “sẽ tăng cường chiến tranh ở miền Nam và có những hành động quân sự ác
liệt hơn đối với miền Bắc”[48]. Đúng như nhận định của Trung ương Đảng, trong nỗ lực cuối cùng để bắt
Việt Nam phải nhân nhượng thêm, từ tối 18- 12 đến 30-12-1972, Mỹ dùng máy bay
B52 ném 10 vạn tấn bom đạn xuống các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, trọng tâm là Hà Nội,
Hải Phòng. Dư luận Mỹ phẫn nộ về cuộc ném bom. Các cuộc đàm phán tạm ngừng sau
ngày 13-12-1972.
Trong suốt 12 ngày
đêm, quân dân miền Bắc đã kiên cường chiến đấu, giáng trả địch quyết liệt, đập tan
cuộc tập kích chiến lược của không quân Mỹ, giáng cho không quân Mỹ đòn nặng nề
nhất trong lịch sử xâm lược. Thất bại đó đã làm tan vỡ cố gắng cuối cùng của
chính quyền Mỹ sử dụng sức mạnh huỷ diệt để đạt được mục tiêu “đàm phán trên
thế mạnh”. Ngày
22-12-1972, Mỹ gửi Công hàm đề nghị gặp lại ngày 3-1-1973.
Ngày 26-12-1972, Việt Nam DCCH kiên quyết đòi Mỹ bỏ thủ đoạn đe dọa để thương
lượng, khi nào trở lại tình hình trước ngày 18-12-1972, hai bên sẽ tiếp tục thảo
luận. Trong tư thế của người chiến thắng, ngày 8-1-1973, nhà ngoại giao Lê Đức
Thọ và Xuân Thủy trở lại bàn đàm phán. Ngày 13-1-1973, văn bản đã được thỏa thuận.
Đúng 12h 30p (giờ Paris) ngày 23-1-1973, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ cùng Cố vấn
H. Kissinger ký tắt vào văn bản Hiệp định. Ngày 27-1-1973, diễn ra lễ ký kết
chính thức Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, chấm dứt cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam - cuộc
chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ với những thất bại nặng nề mà người Mỹ hằng
tìm cách lý giải.
* *
*
Hiệp định Paris được ký kết là thành quả rực
rỡ của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, là kết quả của cuộc đấu tranh,
đấu trí kiên quyết, sáng tạo trên ba mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao. Bằng trí tuệ, bản
lĩnh và năng lực phân tích khoa học, bộ não lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã nắm
bắt, nắm chắc những thời điểm quan trọng, có những quyết sách kịp thời, lái cuộc
kháng chiến theo hướng có lợi nhất. Thắng lợi trên bàn đàm phán Paris không do
một nhân tố đơn lẻ nào tạo ra, mà là kết quả tổng hợp của một loạt nhân tố quân
sự - chính trị - tâm lý – ngoại giao; trong đó, cuộc đấu tranh kết hợp đánh -
đàm, phát huy thắng lợi
trên chiến trường kết hợp với đấu tranh ngoại giao có vai trò quan trọng. Đó là thắng lợi thuyết phục không chỉ trước một đối
thủ hùng mạnh, mà còn là sự thể hiện cao nhất của nghệ thuật dẫn dắt chiến
tranh – nghệ thuật đánh – đàm độc lập, tự chủ - nghệ thuật quân sự của một dân
tộc tuy không bắt đầu chiến tranh, nhưng biết kết thúc chiến tranh và kết thúc
chiến tranh bằng con đường độc đáo: Dùng đấu tranh quân sự trên nền tảng ngoại
giao chính nghĩa để đoạt lấy hòa bình.
Tải bài viết tại: Trang NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ
[1] Đảng Cộng sản Việt
Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tập
28, tr. 87.
[2] Đảng Cộng sản Việt
Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 28, tr. 170.
[3] Đảng Cộng sản Việt
Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 28, tr. 123.
[4] Đảng Cộng sản Việt
Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 28, tr. 121.
[5] Yang Kuisong: Changes in Mao Zedong's Attitude toward the Indochina War, 1949-1973,
Tlđd, tr. 41.
[6] Hồ sơ quan hệ Việt - Trung trong giai đoạn
chống Mỹ, cứu nước (3-1954 đến tháng 8-1973),
tài liệu lưu tại Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị -
hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, tr. 112.
[7] Hồ sơ quan hệ Việt - Trung trong giai đoạn chống
Mỹ, cứu nước (3-1954 đến tháng 8-1973), Tlđd, tr. 113.
[8] Hồ sơ quan hệ Việt - Trung trong giai đoạn
chống Mỹ, cứu nước (3-1954 đến tháng 8-1973),
Tlđd, tr. 113.
[9] Hồ sơ quan hệ Việt - Trung trong giai đoạn
chống Mỹ, cứu nước (3-1954 đến tháng 8-1973),
Tlđd, tr. 114.
[11] Hồ sơ quan hệ Việt - Xô trong giai đoạn chống
Mỹ, cứu nước (7-1954 đến tháng 4-1975),
TLđd, tr. 43.
[12] Hồ sơ quan hệ Việt - Xô trong giai đoạn chống
Mỹ, cứu nước (7-1954 đến tháng 4-1975),
TLđd, tr. 38-39.
[13] Hồ sơ quan hệ Việt - Xô trong giai đoạn chống
Mỹ, cứu nước (7-1954 đến tháng 4-1975),
TLđd, tr. 39.
[14] Đảng Cộng sản Việt
Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 28, Sđd, tr. 195.
[15] Đảng Cộng sản Việt
Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 28, tr. 122.
[16] Lịch sử quân sự Việt
Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tập 11, tr.205-207.
[17] Phương
thức tiến công này không
đưa ra bàn bạc ở Trung ương. Trong Bộ Tổng tham mưu, chỉ ai được phân công làm
kế hoạch mới biết về phương thức tiến công mới này.
[18] Dẫn theo “Hội nghị Pari về Việt Nam, cuộc
đàm phán hòa bình gay go nhất thế kỷ XX”, Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
[19] Hồ sơ quan hệ Việt - Trung trong giai đoạn
chống Mỹ, cứu nước (3-1954 đến tháng 8-1973),
Tlđd, tr. 142-143.
[20] Zhou
Enlai And Pham Van Dong, Beijing, 13 April 1968, 77 conversations between Chinese and foreign leaders on the wars in
Indochina, 1964-1977,
Cold War International History Project, Wilson Center, p.122.
[21] Zhou
Enlai And Pham Van Dong, Beijing, 13 April 1968, Tlđd, p.123.
[22] Hồ sơ quan hệ Việt - Xô trong giai đoạn chống
Mỹ, cứu nước (7-1954 đến tháng 4-1975),
TLđd, tr. 39.
[23] Hồ sơ quan hệ Việt - Xô trong giai đoạn chống
Mỹ, cứu nước (7-1954 đến tháng 4-1975),
TLđd, tr. 39.
[26] G.A. Amato, Lời phán quyết cuối cùng về Việt Nam,
Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1982, tr. 229.
[27] Mỹ đòi Việt Nam DCCH
phải: Công nhận đại diện chính quyền Sài Gòn tại Paris; chấm dứt việc đưa
người, vũ khí từ miền Bắc vào miền Nam Việt Nam; ngừng ngay các cuộc tiến công
vào các thành phố lớn ở miền Nam Việt Nam.
[28] Đảng Cộng sản Việt
Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 28, tr. 170.
[29] Nghị quyết Bộ Chính trị, tháng 8-1968.
[30] Đảng Cộng sản Việt
Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 31, tr. 49.
[31] Đảng Cộng sản Việt
Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 32, tr.
128.
[33] Đảng Cộng sản Việt
Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 32, tr. 195.
[34] Đảng Cộng sản Việt
Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 32, tr. 366.
[35] Đảng Cộng sản Việt
Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 32, tr. 366-367.
[36] Mao Zedong And Le Duan, Beijing, the Great Hall of the People,
11 May 1970, Tlđd, p.161.
[37] Mao Zedong And Le Duan, Beijing, the Great Hall of the People,
11 May 1970, Tlđd, p.162.
[39] Mao Zedong And Pham Van Dong, Beijing, 23 September 1970, Tlđd, p.174.
[40] Zhou
Enlai And Le Duc Tho, Beijing, 12 July 1972, Tlđd, p.180.
[42] Hồ sơ quan hệ Việt - Xô trong giai đoạn chống
Mỹ, cứu nước (7-1954 đến tháng 4-1975),
TLđd, tr. 40.
[43] Lorenz M, Beijing, Moscow, and the Paris Negotiations, 1971-1973, Journal of Cold
War Studies Volume
11, Number 1, Winter , 2009, p. 62.
[44] Lorenz M, Beijing, Moscow, and the Paris Negotiations, 1971-1973, p.62.
[45] Tài liệu lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Cục Tác chiến, hồ sơ 5247.
[46]Pierre Asselin, Nền hòa bình mong manh – Washington, Hà Nội
và tiến trình Hiệp định Paris, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.
55-56.
[47] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 33, tr.
252.
[48] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 33, tr.
408.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!