Thứ Tư, 30 tháng 11, 2016

VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CHIẾN TRANH NHÂN DÂN TRONG XÂY DỰNG NỀN QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

PGS.TS. Hồ Khang
Viện Lịch sử quân sự, Bộ Quốc phòng
TÓM TẮT
Chiến tranh nhân dân không là một hiện tượng xa lạ trong lịch sử dựng và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đó là một thứ “bảo bối” giúp dân tộc Việt Nam đánh bại những đội quân xâm lược lớn mạnh. Là người sáng lập, giáo dục và rèn luyện Đảng cộng sản Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam, Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến lĩnh vực quân sự; tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh mà nội dung cốt lõi là về chiến tranh nhân dân không chỉ có sức mạnh hiện thực trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, mà còn được vận dụng trong thời bình, trong xây dựng quân đội, xây dựng hậu phương quân đội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân… Đó là hệ thống quan điểm về quân sự và những vấn đề có liên quan đến quân sự, thể hiện quan hệ giữa chiến tranh và chính trị, giữa chính trị và quân sự trên nền tảng do dân và vì dân.
Bài viết nhằm làm rõ nội dung tư tưởng về chiến tranh nhân dân của Hồ Chí Minh và sự vận dụng trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân giai đoạn hiện tại.
Từ khóa: Chiến tranh nhân dân, nền quốc phòng toàn dân, tư tưởng quân sự, tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc

Trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, tư tưởng về chiến tranh nhân dân chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng. Kế thừa tư tưởng quân sự truyền thống của dân tộc, tiếp thu những tinh hoa quân sự nhân loại, tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân trở thành nền tảng căn bản trong đường lối quân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam, soi rọi chặng đường 30 năm chiến tranh cách mạng của dân tộc, góp phần phát triển truyền thống quân sự Việt Nam; đồng thời là cơ sở quan trọng trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân cả lịch sử và hiện tại.

1- Về quan hệ giữa chiến tranh nhân dân và nền quốc phòng toàn dân
Chiến tranh là một hiện tượng chính trị - xã hội có tính lịch sử, là sự tiếp nối của chính trị bằng bạo lực giữa các lực lượng đối kháng trong một nước, hoặc giữa các nước, hay liên minh các nước, nhằm đạt tới những mục đích kinh tế, chính trị nhất định. Chiến tranh nhân dân và công tác động viên quân sự trên toàn thể cộng đồng quốc gia-dân tộc không phải một hiện tượng hiếm hoi trên thế giới; trái lại khá phổ biến. Đặc biệt, chiến tranh nhân dân là vũ khí thích hợp của một cộng đồng yếu thế tận dụng mọi nguồn lực chống lại những kẻ thù hùng mạnh. Đối với thời kì tiền tư bản, việc tiến hành chiến tranh trên phạm vi toàn quốc, thậm chí xuyên biên giới có rất nhiều điều kiện thuận lợi- ít nhất thì sự chuyên môn hóa lực lượng quân đội quốc gia – chính quy thời tiền tư bản tuy đã rất bài bản nhưng chưa đến ngưỡng chuyên biệt hẳn như thời đại công nghiệp về sau. Nhưng ngay cả trong thời đại công nghiệp, thì nền quốc phòng toàn dân chiến tranh nhân dân không phải là hiện tượng hiếm hoi ngay cả ở châu Âu trong Thế chiến thứ II[1].
Như đã nói, lý do dẫn đến sự ra đời của nền quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân là từ mâu thuẫn giữa nhu cầu kháng chiến/tiến hành chiến tranh chống lại những kẻ thù vượt trội với thực trạng thua kém về tiềm lực quân sự. Giải quyết mâu thuẫn đòi hỏi bộ máy chỉ đạo chiến tranh phải có những quyết sách phù hợp, tận dụng hết mọi lợi thế vốn có, nhanh chóng loại bỏ những yếu kém; đồng thời, làm cho những ưu thế của đối phương bị triệt tiêu còn hạn chế thì ngày càng trầm trọng thêm – một quyết sách và mục tiêu như thế hoàn thành chúng là cách thức tạo ra những điều kiện ưu việt, thuận lợi cho lực lượng trực tiếp tham chiến giành thắng lợi cho những cuộc đọ sức không cân sức.
Nhìn chung, bộ máy chỉ đạo chiến tranh được hình thành dưới hai dạng: (i) lãnh đạo tối cao của quốc gia (ii) hoặc một bộ phận phụ trách chuyên biệt. Trong trường hợp thứ nhất, những lãnh đạo yêu nước chân chính và đi liền với nó là lực lượng quần chúng tiến bộ, còn trong trường hợp thứ hai, có thể là sự ra đời của những nhà nước quân sự và chế độ độc tài quân sự. Nên nhớ rằng, việc ra đời một bộ máy chiến tranh lớn nếu không xuất phát từ nền tảng và mục đích chính nghĩa, rất có thể dẫn đến tình trạng lạm dụng quyền lực trên diện rộng khi quyền lực quân sự kiểm soát mọi trạng thái của quyền lực chính trị. Một bộ máy chiến tranh nếu không dựa trên đường lối chính trị tiến bộ với những nhà lãnh đạo thực sự vì quyền lợi quốc gia dân tộc rất dễ dẫn đến nguy cơ quyền lực quân sự xâm nhiễm và tái cấu trúc mọi định thức xã hội, khiến xã hội bị quân sự hóa cao độ kể cả trong thời bình.
Chiến tranh nhân dân không phair là một hiện tượng xa lạ trong lịch sử dựng và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Có mặt từ rất lâu trong lịch sử dân tộc, dưới sự lãnh đạo của các vương triều phong kiến tiến bộ, hoặc phát triển từ các cuộc khởi nghĩa của nông dân, chiến tranh nhân dân Việt Nam đã đánh bại những đội quân xâm lược ngoài lớn mạnh hơn gấp nhiều lần. Mặt khác, tư tưởng quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân Việt Nam hiện đại không chỉ kế thừa, tiếp nối truyền thống quân sự hàng ngàn năm của dân tộc, mà còn tiếp thu những tinh hoa của thời đại, hấp thu những yếu tố tiên tiến của kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật cho đến lĩnh vực như ngoại giao… Cần nhắc lại rằng, tư tưởng chiến tranh nhân dân nói riêng và tư tưởng quân sự Việt Nam hiện đại nói chung đều là một bộ phận của tư tưởng cách mạng Việt Nam và đều gắn chặt với quá trình phát triển của thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Là người sáng lập, giáo dục và rèn luyện Đảng cộng sản Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam, Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến lĩnh vực quân sự. Trong quá trình hoạt động, Hồ Chí Minh đã trực tiếp biên soạn, hoặc chỉ đạo biên soạn nhiều tác phẩm về quân sự[2]; trong đó, hình thành nên hệ thống tư tưởng về chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện – những tư tưởng đã dẫn dắt dân tộc Việt Nam đi qua những cuộc chiến tranh khốc liệt với tư thế là người chiến thắng.
2- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân
Điểm đặc sắc, nổi bật nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân là sự thống nhất biện chứng giữa tư tưởng tiến hành chiến tranh cách mạng với nỗi khát khao về một nền hòa bình lâu bền cho dân tộc, cho mọi quốc gia trên thế giới – “dùng binh là việc nhân nghĩa, muốn cứu nước, cứu dân”.
Kế thừa truyền thống "vua tôi đồng lòng, anh em hoà thuận, cả nước chung sức", dụng binh với mục tiêu cao cả là vì con người, vì dân- nhân dân luôn đứng ở trung tâm mọi tư tưởng, hoạt động của Hồ Chí Minh. Luận điểm quan trọng nhất trong tư tưởng chiến tranh nhân dân Hồ Chí Minh không gì khác chính là nước lấy dân làm gốc, nhân dân là nguồn sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân.
Trung thành với chủ nghĩa yêu nước truyền thống về vai trò của con người trong sự nghiệp cứu quốc và với quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò của quần chúng trong lịch sử, Hồ Chí Minh sớm nhận thấy khả năng cách mạng to lớn của nhân dân, tin tưởng ở sức mạnh của nhân dân: “Không dùng toàn lực của nhân dân về đủ mọi mặt để ứng phó, không thể nào thắng lợi được”[3] và “một đạo quân dù tối tân, làm trò trống gì được trước thái độ cương quyết của cả một dân tộc”[4].
Hồ Chí Minh luôn có niềm tin vững chắc ở truyền thống yêu nước nồng nàn của nhân dân, coi đó là một vũ khí sắc bén: “Địch chiếm trời, địch chiếm đất, nhưng chúng không làm sao chiếm được lòng nồng nàn yêu nước của nhân dân ta”; "chúng ta tin chắc vào tinh thần và lực lượng của quần chúng, của dân tộc"[5]. Chính lòng yêu nước nhiệt thành ấy đã khiến “lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”[6]. Cũng vì thế, Hồ Chí Minh luôn coi lực lượng của nhân dân, của dân tộc là lực lượng quyết định mọi thắng lợi. Theo Hồ Chí Minh, quần chúng tham gia vào phong trào cách mạng đông đảo bao nhiêu, thì thế và lực, sức tiến công của cách mạng, của chiến tranh cách mạng càng mạnh mẽ bấy nhiêu.
Xuất phát từ tương quan lực lượng giữa Việt Nam và đối phương luôn có những chênh lệch mà lợi thế phần nhiều nghiêng về phía quân xâm lược, Hồ Chí Minh chủ trương “lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều”, “cách mệnh là việc chung của cả dân chúng chứ không phải việc của một hai người”[7], “nước lấy dân làm gốc”[8]. Mục đích chiến tranh nhân dân là làm cho toàn dân tự giác tham gia kháng chiến, làm cho "cuộc kháng chiến của ta là toàn dân, thực sự là cuộc chiến tranh nhân dân"[9].
Bình luận về tư tưởng coi trọng và phát huy sức mạnh nhân dân trong chiến tranh nhân dân của Hồ Chí Minh, Võ Nguyên giáp viết: "Lấy dân làm gốc, động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, thực hiện kháng chiến toàn dân, toàn diện là nội dung cốt lõi nhất, nổi bật nhất của tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh"[10].
Coi trọng vai trò của nhân dân, luôn phát huy sức mạnh của nhân dân, muốn chiến thắng trong các cuộc đọ sức quyết liệt và không cân sức, Hồ Chí Minh chủ trương luôn tiến công, giữ vững, phát huy tinh thần cách mạng tiến công trong chiến tranh nhân dân. Đây không chỉ là một luận điểm quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, mà còn được coi là nguyên tắc “thép” khi tiến hành chiến tranh cách mạng.
Hồ Chí Minh đã không dưới một lần khẳng định rằng, giữ vững tinh thần cách mạng tiến công và thế tiến công - tiến công vào mọi kẻ thù của dân tộc – đó là cơ sở của hành động, là yếu tố quan trọng phát huy các lợi thế tiêu diệt kẻ thù giành lại độc lập và tự do.
Vào thời khắc “nước sôi lửa bỏng”, tiến hành khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền, Hồ Chí Minh nêu cao quyết tâm:“Dù phải đốt cháy dãy Trường Sơn, chúng ta cũng phải giành lấy độc lập”. Tinh thần kiên quyết tiến công của Hồ Chí Minh được thể hiện xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam: "Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi"[11]; "bất kỳ hoà bình hoặc chiến tranh, ta cũng phải nắm vững chủ động, phải thấy trước, chuẩn bị trước"[12]; "phải luôn luôn giành lấy chủ động"; "bất kể trong tình hình nào ta cũng phải nắm vững thời cơ, nắm vững đường lối chiến lược tiến công"[13]. Tinh thần tiến công ấy được Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam thấm nhuần, thực hành, trở thành động lực quan trọng dẫn đến thắng lợi của các cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam.
Đánh giặc bằng sức mạnh của toàn dân, nhất thiết phải có lực lượng vũ trang ba thứ quân được xây dựng lớn mạnh làm nòng cốt, gồm đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Đó là một quân đội kiểu mới, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, “trung với nước, hiếu với dân”. Nét độc đáo trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng vũ trang là “người trước, súng sau”, trên cơ sở phong trào cách mạng của nhân dân mà tổ chức ra lực lượng vũ trang. Hồ Chí Minh chỉ rõ: Tổ chức lực lượng vũ trang ba thứ quân phải vừa có lực lượng cơ động chiến lược, vừa có lực lượng tại chỗ rộng khắp, có khả năng giải quyết yêu cầu tác chiến tập trung và phân tán, chủ động đánh địch trong mọi lúc mọi nơi, kết hợp nhiều hình thức và qui mô tác chiến, thường xuyên chiến đấu giam chân, chia cắt địch.
Lực lượng vũ trang ba thứ quân là một quân đội vừa chiến đấu, vừa công tác và sản xuất, vì thế, chất lượng chính trị phải được đặt lên hàng đầu: "Phải học tập chính trị. Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại. Quân đội ta là quân đội nhân dân. Nhân dân có Đảng lãnh đạo, Đảng có chính cương, chính sách. Đã là quân đội nhân dân thì phải học chính sách của Đảng"[14]. Bên cạnh đó, quân đội phải có đức dũng cảm, chí hy sinh, có kỷ luật nghiêm, kỷ luật là sức mạnh của quân đội, "kỷ luật trong dân chủ, dân chủ phải có kỷ luật"[15]. Xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân không ngừng lớn mạnh, như Hồ Chí Minh khẳng định, cần thực hiện đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, đoàn kết quốc tế, đồng thời phải luyện tập, làm chủ khoa học - kỹ thuật quân sự.
Một lực lượng vũ trang vững mạnh muốn phát huy được sức chiến đấu, khả năng chiến đấu phải có chỗ đứng chân vững chắc. Do đó, Hồ Chí Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng căn cứ địa, hậu phương, coi đó là một trong những cội nguồn sức mạnh quyết định của chiến tranh nhân dân.
Theo Hồ Chí Minh, căn cứ địa, hậu phương vững chắc nhất là lòng dân, "dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". Hồ Chí Minh nhấn mạnh "phải dùng tinh thần hăng hái của toàn dân để tìm cách giải quyết sự thiếu kém vật chất"[16], vì vậy, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải xây dựng cơ sở chính trị trong nhân dân, "phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ địch không thể nào tiêu diệt được" - ở đâu có nhân dân Việt Nam yêu nước, ở đó có sẵn nhân tố của căn cứ địa, hậu phương.
Hồ Chí Minh còn phân tích rằng hậu phương có nhiều loại hình phong phú, đa dạng khác nhau: Hậu phương chiến lược và hậu phương tại chỗ, ở rừng núi và đồng bằng, ở nông thôn và thành thị, từ cơ sở chính trị đến căn cứ địa, hậu phương, ở phía sau lưng quân đội giải phóng và ở sau lưng địch, trong lòng địch…Xác định loại hình căn cứ địa, hậu phương phù hợp với tình thế chiến tranh từ đó, xây dựng căn cứ địa, hậu phương ở mọi nơi, mọi chỗ, đan cài trong lòng địch…. Như thế, xây dựng căn cứ địa, hậu phương vững mạnh toàn diện về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa - xã hội, gắn xây dựng với bảo vệ là một yêu cầu trọng yếu của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Trong khi ra sức xây dựng căn cứ địa, hậu phương, khai thác sức người, sức của phục vụ chiến tranh cách mạng, cần hết sức coi trọng vận động quốc tế, tranh thủ sự giúp đỡ từ hậu phương quốc tế.
3- Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân Việt Nam
Có ý thức cao về toàn vẹn lãnh thổ, về đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, sẵn sàng hi sinh tính mạng, của cải cho cuộc đấu tranh giữ nước – đó không chỉ là truyền thống Việt Nam, đó còn là đặc trưng dân tộc, là bản sắc văn hóa Việt Nam.
Từ lịch sử đến hiện tại, dân tộc Việt Nam luôn phải đương đầu hoặc có nguy cơ đương đầu với chiến tranh, vì thế, hơn ai hết, người Việt Nam hiểu rõ giá trị hòa bình, luôn tâm niệm và  hành động để giữ gìn, bảo vệ hòa bình.
Đi qua chiến tranh đã gần nửa thế kỷ, khi cuộc chiến kết thúc cũng là lúc nhân dân Việt Nam bắt đầu một khởi đầu mới–xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, một cuộc chiến không kém phần cam go, không ít khó khăn, thách thức. Trong công cuộc ấy, xây dựng nền quốc phòng toàn dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh luôn là một trọng tâm hoạt động của Đảng, Nhà nước Việt Nam.
 Công cuộc giữ nước của một quốc gia gồm tổng thể hoạt động đối nội và đối ngoại về quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học...đòi hỏi không chỉ nỗ lực của riêng Nhà nước, nó phải trở thành hoạt động của cả nước với lực lượng vũ trang làm nòng cốt.
Đối với Việt Nam, xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong điều kiện hiện nay là sự tiếp nối truyền thống lịch sử dựng nước đi đôi với giữ nước, được đặt trong một cơ cấu kinh tế hợp lý với chiến lược phát triển kinh tế đúng đắn, không ngừng xây dựng và hoàn thiện hệ thống quan hệ sản xuất, đảm bảo an ninh – trật tự xã hội, hình thành nền quốc phòng ngày càng hiện đại, đảm tính toàn diện, tập trung, song có trọng điểm trên từng ngành, lĩnh vực, từng địa bàn và trên cả nước.
Đáp ứng yêu cầu nêu trên, trước những diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế và trong nước, với quan điểm “toàn dân xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, toàn quân bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước”, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng cộng sản Việt Nam chủ trương “kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế xã hội với ổn định và đổi mới về chính trị, tăng cường củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội” [17]. Đại hội VII (6-1991) nhấn mạnh: “Sự ổn định và phát triển mọi mặt đời sống xã hội là nền tảng của quốc phòng - an ninh. Phát triển kinh tế- xã hội đi đôi với tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh, quốc phòng - an ninh với kinh tế”[18]. Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 xác định: “Kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh theo phương châm: phát triển kinh tế xã hội là nền tảng để bảo vệ Tổ quốc”[19]. Điều 48, Hiến pháp năm 1992 của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam quy định: “Xây dựng công nghiệp quốc phòng, bảo đảm trang bị cho lực lượng vũ trang, kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ và chiến sỹ, công nhân, nhân viên quốc phòng; xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh, không ngừng tăng cường khả năng bảo vệ đất nước”[20].
Từ những quan điểm mang tính định hướng của Đảng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân phải tuân thủ những nguyên tắc sau: 1- Đảm bảo ổn định chính trị - xã hội (tiền đề quan trọng trong xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc); 2- Có đường lối, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội gắn với tăng cường sức dân; 3-Phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội gắn với công bằng xã hội (yếu tố quan trọng trong củng cố khối đại đoàn kết toàn dân); 4-  Tận dụng thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội của đất nước, tăng cường nguồn lực cho củng cố quốc phòng; 5- Phát triển lực lượng vũ trang toàn diện.
Trong suốt quá trình xây dựng nền quốc phòng toàn dân theo tư tưởng chiến tranh nhân dân của Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn chú trọng “khoan thư sức dân” bằng những chính sách kinh tế, chính trị, văn hóa… hợp lòng dân. Về kinh tế, Đảng, Nhà nước Việt Nam đẩy mạnh phát triển kinh tế nhiều thành phần, đặt trọng tâm vào CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế. Chính sách kinh tế đúng đắn tạo điều kiện cho mọi cá nhân phát triển năng lực kinh tế, làm giàu chính đáng, làm giàu cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội. Với định hướng phát triển kinh tế phù hợp, GDP bình quân đầu người của Việt Nam liên tục tăng[21]. Đi đôi với các cải cách kinh tế, Đảng, Nhà nước Việt Nam tập trung xây dựng hệ thống chính trị với Nhà nước pháp quyền XHCN trên cơ sở gắn kết, thống nhất giữa hai hệ thống thiết chế xã hội là hệ thống chính trị (hệ thống thiết chế trực tiếp thực hiện quyền lực chính trị) và hệ thống xã hội. Đó là điều kiện thuận lợi để tập hợp, đoàn kết các lực lượng quần chúng thực hiện các nhiệm vụ chính trị; đồng thời đảm bảo dân chủ, giữ vững ổn định xã hội. Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, thành tựu phát triển con người của Việt Nam biểu hiện tổng hợp trong sự gia tăng tương đối nhanh chỉ số phát triển con người (HDI)[22]. Giáo dục là một trong những quốc sách hàng đầu ở Việt Nam, tổng chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục không ngừng tăng và đạt quy mô khá[23]. Đời sống văn hoá ngày càng được nâng cao, quyền được chăm sóc sức khỏe được đảm bảo[24], con người được tiếp cận tốt hơn với công nghệ thông tin hiện đại.
Ý thức sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân trước hết và chủ yếu là ở lòng dân – nói cách khác, sự ủng hộ của toàn dân là nền tảng chính trị vững chắc nhất của quốc phòng. Sự giác ngộ cách mạng, tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc cùng với tính ưu việt của chế độ, sự vững chắc của các tổ chức chính trị - xã hội là động lực, là nền tảng cho sự phát triển của nền quốc phòng toàn dân - “lòng yêu nước và sự đoàn kết của nhân dân là một lực lượng vô cùng to lớn, không ai thắng nổi”[25]. Nói đến xây dựng căn cứ lòng dân, Đảng, Nhà nước Việt Nam nhận thức rằng, muốn lôi cuốn, tập hợp nhân dân cần phải có một đường lối chính trị đúng đắn, đáp ứng những nguyện vọng chân chính của nhân dân, có một tổ chức lãnh đạo biết quy tụ, cố kết lòng dân. Do đó, Nhà nước Việt Nam đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng hoạt động của người dân vào thực hiện mục tiêu bảo vệ đất nước, đẩy mạnh công tác giáo dục, quán triệt nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành, lực lượng, địa phương và toàn dân về xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Đảng, Nhà nước Việt Nam hết sức coi trọng công tác xây dựng hệ thống chính trị các cấp, nhất là tổ chức đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu quốc phòng.
Để nền quốc phòng toàn dân có sức mạnh vượt trội, nòng cốt của nó là quân đội, là lực lượng vũ trang cần được quan tâm xây dựng thường xuyên, liên tục. Nền tảng kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội, con người Việt Nam hiện nay là đảm bảo tương đối tốt những điều kiện cho xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang. Với mức tăng GDP ở mức độ khá, ngân sách cho quốc phòng của Việt Nam có điều kiện không ngừng tăng cao, tạo những thuận lợi quan trọng cho hiện đại hóa quân đội với trang bị vũ khí tiên tiến, vừa tự nghiên cứu chế tạo, liên hợp sản xuất trang thiết bị, vừa mua sắm khối lượng lớn vũ khí trang thiết bị của nước ngoài có tính năng tiên tiến. Những cố gắng đó đã nâng cao đáng kể thực lực quân sự Việt Nam, quân số đông, sức chiến đấu và sức mạnh tổng hợp đứng đầu các nước Đông Nam Á[26]. Năm 2001, Việt Nam cho ra đời “Kế hoạch hiện đại hóa lực lượng vũ trang thế kỷ mới”, kiến nghị thay đổi toàn diện vũ khí trang thiết bị của ba quân chủng Lục quân, Hải quân và Không quân, ưu tiên đảm bảo hiện đại hóa Phòng không - Không quân và Hải quân, đồng thời lắp đặt các loại trang thiết bị cảnh báo, trinh sát, chỉ huy, cơ động và đảm bảo cung cấp hậu cần. Việt Nam đã mua một số máy bay chiến đấu và tàu chiến có khả năng tác chiến cao, lên kế hoạch phát triển nền công nghiệp quốc phòng với ưu tiên cho Hải quân.
Một cách tổng quát, tư tưởng chiến tranh nhân dân của Hồ Chí Minh góp phần hình thành nên học thuyết quân sự Việt Nam – học thuyết quân sự của một dân tộc nhỏ phải thường xuyên chiến đấu và chiến thắng những kẻ thù lớn hơn nhiều lần về sức mạnh kinh tế và quân sự. Đó là hệ thống quan điểm về quân sự và những vấn đề có liên quan đến quân sự, biểu hiện mối quan hệ giữa chiến tranh và chính trị, giữa chính trị và quân sự trên nền tảng do dân và vì nhân dân. Tư tưởng ấy của Hồ Chí Minh trong thời kỳ hiện tại vẫn là ngọn cờ động viên toàn thể nhân dân, hình thành khối đại đoàn kết toàn dân cho hoạt động xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng, nền quốc phòng toàn dân phát triển, hiện đại.




[1] Có thể nghiên cứu học thuyết toàn quốc kháng chiến hay quốc phòng toàn dân (Total National Defense) qua trường hợp tiêu biểu là Nam Tư (1969). Năm 1969, Luật Quốc Phòng của Nam Tư thông qua học thuyết chiến tranh tổng lực được biết dưới tên toàn quốc kháng chiến (Total National Defense) hay toàn dân kháng chiến (Total People Defense) theo đó, bất kì công dân nào chống lại kẻ thù đều là thành viên của lực lượng quốc phòng quốc gia. Có thể tìm hiểu thêm tại Thư viện Quốc gia Nam Tư (Library of Congress Country Studies), nguồn : http://lcweb2.loc.gov/; hoặc báo cáo về Toàn Quốc Kháng chiến ở Nam Tư (Total National Defense in Yugoslavia) của A. Ross Johnson, Cục Thông tin Kỹ nghệ Quốc gia (Hoa Kỳ, tháng 12, 1971). Thực tế, dạng học thuyết quốc phòng toàn dân với những nguyên lý tổ chức khác nhau có thể tìm thấy ở nhiều nước Đông Âu khác. Ngay ở Indonesia, những năm đầu thế kỷ XXI các tư tưởng quốc phòng toàn dân đang có xu hướng được phục hồi.
[2] Ví dụ như: “Cách đánh du kích”, “Phép dùng binh của Tôn Tử”, “Cách huấn luyện quân sự của Khổng Minh”, “Kinh nghiệm du kích Nga”, “Kinh nghiệm du kích Tàu”, “Chính trị viên trong quân đội”, “Công tác chính trị trong quân đội”…
[3] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, Tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.298.
[4] Như trên, Sđd, tr.88.
[5] Như trên, Sđd, 1980, tập 1, tr. 474
[6]Như trên, Sđd, tập 3, 1995, tr. 198.
[7] Như trên, Sđd,  tập 1, 2000, tr. 14.
[8] Như trên, Sđd, tập 4, tr. 13.                                                     
[9] Như trên, Sđd, tập 2, tr. 267.
[10] Võ Nguyên Giáp (chủ biên), Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam., Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 207
[11] Hồ Chí Minh. Toàn tập, Sđd, tập 7, tr. 317.
[12] Như trên, Sđd, tập 12, tr. 407.
[13] Nghị quyết Hội nghị BCH T.Ư Ðảng lần thứ 21 (7-1973).
[14] Hồ Chí Minh. Toàn tập, Sđd, tập 6, tr. 318
[15] Như trên, Sđd, tập 4, tr. 466.
[16] Như trên, Sđd, tập 6, tr. 163.
[17] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tr. 53.
[18] Như trên, Sđd, tr. 30.
[19] Như trên, Sđd, tr.70.
[20] Hiến pháp Việt Nam (Năm 1946, 1959, 1980, 1992 và Nghị định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.138.
[21] Năm 2002 đạt khoảng 439 USD, đứng thứ 8 khu vực, thứ 39 Châu Á và thứ 112 thế giới đến năm 2010 đã lên đến 1.061 USD.
[22] Năm 2000 đã vươn lên đứng thứ 6 khu vực, thứ 28 châu Á và thứ 109 thế giới, cao hơn xếp hạng về GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo sức mua tương đương, trong khu vực là thứ 6 so với thứ 7, ở châu Á là thứ 28 so với thứ 36, trên thế giới là thứ 109 so với thứ 122.
[23] Năm 2000, toàn bộ (61/61) tỉnh, thành phố đã hoàn thành phổ cập tiểu học; một số tỉnh, thành phố đã hoàn thành phổ cập trung học cơ sở. Quy mô giáo dục tiếp tục tăng ở tất cả các bậc học, ngành học, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng lớn của nhân dân. Năm học 2004-2005, cả nước có 520.300 lớp học phổ thông (cả 3 cấp) với 17,3 triệu học sinh; có 214 trường đại học và cao đẳng với 1.131.000 sinh viên; có 268 trường kỹ thuật với 360.400 học sinh. Từ năm 2000, mỗi năm Nhà nước đã chi 15% ngân sách cho giáo dục, 2% ngân sách cho khoa học.
[24] Thành tựu trong sự nghiệp phát triển y tế là một trong những thành tựu nổi bật. Về cơ sở hạ tầng, tính đến năm 2010, trên toàn Việt Nam có 1.030 bệnh viện, 44 khu điều dưỡng phục hồi chức năng, 622 phòng khám đa khoa khu vực với tổng số giường bệnh khoảng 246.300 giường. Bên cạnh các cơ sở y tế Nhà nước đã bắt đầu hình thành một hệ thống y tế tư nhân, hỗ trợ đắc lực cho các bệnh viện Nhà nước trong điều trị, khám chữa bệnh cho nhân dân.
[25] Hồ Chí Minh. Toàn tập, Sđd, tập 6, tr. 281. 
[26] Theo “Sách Trắng Quốc phòng” Việt Nam (công bố năm 2009), hiện nay lực lượng thường trực của quân đội Việt Nam (bao gồm cả bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương) có tổng cộng 450.000 người, lực lượng dự bị khoảng 5.000.000 người. Bộ đội chủ lực là thành phần cốt cán của Quân đội nhân dân Việt Nam, bao gồm Lục quân, Hải quân, Phòng không - Không quân, Bộ đội biên phòng, chi phí mua sắm vũ khí trang thiết bị cho Hải quân và Phòng không - Không quân chiếm tỉ lệ rất lớn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!