PGS.TS. Hồ Khang,
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam,
Bộ Quốc phòng
Cách mạng
tháng Tám năm 1945 nổ ra, giành thắng lợi là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố
tạo nên; trong đó, xây dựng lực lượng, tập hợp, tập dượt, tổ chức, dẫn dắt và chuyển
hóa lực lượng đó thành sức mạnh quật khởi quấn phăng mọi gông xiềng áp bức là yếu
tố vô cùng quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm, bao trùm mọi hoạt động của những
người cộng sản Việt Nam. Trong cuộc cách mạng mùa Thu năm 1945, người ta nhìn
thấy sự có mặt của nhiều tầng lớp, giai cấp khác nhau được gắn kết lại bởi một
mẫu số chung: Lòng yêu nước.
Lực lượng
cách mạng ấy được hình thành và không ngừng nhân lên trong suốt tiến trình
chông gai, gian khó vận động tiến tới giành chính quyền phản ánh một cách chân
thực, sinh động nỗ lực âm thầm của bao lớp người cách mạng. Đó là một câu chuyện
dài không hề đơn giản, bền bỉ sáng tạo và không ít hy sinh máu xương...
1- Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt
Nam (ĐCSVN)[1] ra
đời là dấu mốc có tính bước ngoặt và tính đột phá trong phong trào yêu nước Việt
Nam. Vừa được thành lập, còn non trẻ, việc xây dựng lực lượng cách mạng, xây dựng
một đội ngũ quần chúng nhân dân hùng hậu, mạnh mẽ, giác ngộ mục tiêu lý tưởng
cách mạng là hết sức cần thiết đối với ĐCSVN. Song, tại thời điểm đó, trong phong trào cộng sản
và công nhân quốc tế xu hướng tả khuynh – một xu hướng đang thịnh hành đã đánh
giá khắt khe về khả năng, tinh thần cách mạng của giai cấp địa chủ, tư sản dân
tộc, các trí thức yêu nước tiến bộ xuất thân từ tầng lớp trên ở các nước thuộc
địa. Vượt qua cái nhìn thiếu khách quan, vượt qua những rào cản tư duy để nhìn
nhận cho đúng sự phân hóa xã hội Việt Nam, giải quyết thấu đáo mối quan hệ dân tộc – giai cấp đòi hỏi
một nhãn quan chính trị tỉnh táo, nhạy bén. Cương lĩnh cách mạng đầu tiên của ĐCSVN đã đảm nhận và hoàn thành
trách nhiệm lịch sử đó.
Phân tích đặc điểm xã hội Việt Nam, đánh giá thái độ của từng
giai tầng, Cương lĩnh xác định mục tiêu tập hợp lực lượng cách mạng, đưa ra nguyên tắc tập hợp và sắp
xếp lực lượng cách mạng. Trên tinh thần giải quyết hài hoà từng bước quyền lợi
của các giai cấp cách mạng, ĐCSVN chủ trương "thu
phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được
dân chúng..."[2]; đồng thời, “phải thu phục cho được đại bộ phận dân
cày và phải dựa vào hạng dân cày nghèo làm thổ
địa c.m đánh trúc bọn đại địa chủ và phong kiến”[3],
ra sức liên minh với các giai cấp cách mạng, các tầng
lớp yêu nước khác, đoàn kết họ, tổ chức họ đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến
lên xây dựng xã hội không có người bóc lột người. Cương lĩnh nhấn mạnh: "Giai cấp vô sản lãnh đạo cách mạng tư
sản dân quyền ở Đông Dương mà không tổ chức được toàn dân lại thành một lực lượng
thật rộng, thật kín, cuộc cách mạng cũng khó thành công"[4].
Dù quan điểm nêu trên phù hợp
với thực tiễn Việt Nam, song nó chưa tìm ngay được sự đồng thuận và ủng hộ rộng
rãi. Cuộc
đấu tranh tư tưởng giữa một số lãnh đạo Quốc tế cộng sản III, một bộ phận lãnh
đạo ĐCSVN với Nguyễn Ái Quốc – người soạn thảo Cương lĩnh cách mạng đầu tiên diễn ra tuy không ồn ào nhưng hết sức
gay gắt. Nguyễn Ái Quốc bị lên án là "hữu khuynh", "nặng tinh thần
dân tộc", "nhẹ về đấu tranh giai cấp"... . Cuối cùng, thực tiễn
cách mạng trong nước và thế giới đã xác nhận quan điểm tập hợp tối đa lực lượng
nêu ra trong Cương lĩnh là đúng đắn.
Quán
triệt tinh thần Cương lĩnh cách mạng đầu
tiên, những người cộng sản Việt Nam tiến hành vận
động, giác ngộ nhân dân, xây dựng lực lượng cách mạng trên nền tảng phát huy chủ
nghĩa dân tộc chân chính, coi đó là một động lực lớn của đất nước. Chính động lực ấy “đã gây
nên cuộc nổi dậy chống thuế năm 1908, nó dạy cho người culi biết phản đối, nó
làm cho những người “nhà quê” phản đối ngầm trước thuế tạp dịch và thuế muối.
Cũng chủ nghĩa dân tộc đã luôn thúc đẩy các nhà buôn An Nam cạnh tranh với người
Pháp và người Trung Quốc; nó đã thúc giục thanh niên bãi khoá, làm cho những
nhà cách mạng trốn sang Nhật Bản và làm vua Duy Tân mưu tính khởi nghĩa năm
1917”[5]. Phát động “chủ nghĩa dân
tộc bản xứ” là một “chính sách mang tính hiện thực tuyệt vời”, là con đường đưa
người dân bản xứ thoát khỏi những u ám tối tăm của kiếp đọa đầy. Thật vậy, “người
ta sẽ không thể làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên các động lực vĩ
đại và duy nhất của đời sống xã hội của họ”[6].
Sớm nhận ra khát khao độc lập, tự do như làn sóng ngầm
dưới bề mặt xã hội bị áp bức và nô dịch, ĐCSVN hóa giải một cách khôn ngoan những đối kháng về quyền lợi giữa các
giai cấp, tầng lớp, phát huy tinh thần dân tộc và lòng yêu nước, thực hiện đại kết toàn dân, tập trung toàn bộ tinh thần, sức lực,
ý chí cao nhất cho quyền lợi toàn cục,
cho độc lập, tự do của dân tộc.
2-Năm 1939, bất chấp mọi nỗ lực chống
chiến tranh, bảo vệ hòa bình của nhân loại tiến bộ,
cuối cùng, cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai vẫn nổ ra, cuốn không ít quốc gia
dân tộc vào vòng xoáy của nó với một viễn cảnh hết sức ảm đạm.
Đối với cách mạng Việt Nam, cuộc
chiến tranh với mọi cơ tầng và chiều cạnh của nó đã tác động mạnh mẽ
và trực tiếp, đặt ra nhiều vấn đề mới về chiến lược và sách lược. Muốn đánh đổ
ách áp bức và nô dịch dân tộc, lực lượng tiên phong lãnh đạo cách mạng nhất thiết
phải có chủ trương, chính sách nhạy bén, phù hợp, tập hợp cho được mọi lực lượng
dân tộc, kể cả những lực lượng có tính nhất thời. Phân tích cuộc Chiến tranh thế
giới thứ hai, ĐCSĐD đã dự
báo về một trào lưu cách mạng khi hết thảy dân chúng bị áp bức sẽ thừa
cơ nổi dậy bẻ xiềng nô lệ kéo dài đã hàng mấy chục thế kỷ. ĐCSĐD
nhận định chiến tranh chính là tác nhân thúc đẩy thời cơ cách mạng nhanh chóng
chín muồi, cần phải chuyển từ tích luỹ lực lượng sang đấu tranh trực diện đánh
đổ cường quyền.
Xác định “bước đường sinh tồn của
các dân tộc Đông Dương không còn có con đường
nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc
Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm, vô luận da
trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng độc
lập”[7],
ĐCSĐD coi việc làm cho mỗi người “có ý thức về
sự tồn vong của dân tộc và sự liên
quan mật thiết của vận mạng dân tộc với lợi
ích cá nhân mình; đặt quyền lợi dân tộc lên
trên các quyền lợi khác, thống nhất lực lượng
dân tộc”[8]
là điều kiện cốt yếu, là con đường duy nhất đánh đổ
đế quốc Pháp, giành độc lập dân tộc.
Với ưu
thế trên võ đài chính trị trong xứ, “là đảng có thế lực
nhất, có cơ sở vững vàng nhất trong quần
chúng, chiến đấu cương quyết hơn hết để bênh vực
quyền lợi cho dân chúng và tranh đấu đòi tự
do, độc lập cho dân tộc”[9],
ĐCSĐD chủ trương thành
lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương “để tranh đấu chống đế quốc
chiến tranh, đánh đổ đế quốc Pháp và bọn phong kiến thối nát, giải phóng các
dân tộc Đông Dương làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập”[10].
Để huy động và phát huy nội lực dân tộc thông qua khối đại đoàn kết toàn dân,
khác với Mặt trận dân chủ trước đây chưa đánh bại các xu hướng cải lương, thì Mặt
trận thống nhất dân tộc phản đế “là một mặt trận kịch liệt chống đối với các đảng
phái, các xu hướng cải lương đề huề, làm liệt bại chúng nó hoàn toàn trong
phong trào giải phóng dân tộc”[11].
Để tập hợp lực lượng rộng rãi hơn nữa phù hợp với bước chuyển của tình hình, Đảng
chủ trương thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập
đồng minh (Mặt trận Việt Minh). Đây là hình thức tập hợp lực lượng hết sức linh
hoạt, nhằm liên hiệp tất cả các dân tộc, đoàn kết tất
cả các giai cấp, các đảng phái, các phần tử phản đế muốn giải phóng dân tộc, để
cùng tranh đấu chống đế quốc thực dân đòi cơm áo, hoà bình, thực hiện nền độc lập
hoàn toàn và quyền dân tộc tự quyết cho các dân tộc Đông Dương.
Với chủ trương “liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước,
không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, trai gái, không phân biệt tôn giáo và xu
hướng chính trị”[12],
mặt trận Việt Minh nhanh chóng có được sự ủng hộ không chỉ của hai giai cấp
công nhân, nông dân, mà còn của tầng lớp trí thức, địa chủ yêu nước tiến bộ,
tư sản dân tộc, tăng ni, giáo sĩ, phật tử.... Các nhà hữu sản góp nhiều tiền của,
thóc gạo, mua công phiếu Việt Minh, kín đáo ủng hộ tiền vàng và mua súng giúp
Việt Minh. Tầng lớp trí thức tiến bộ ngả về phía Việt Minh, hoạt động trong các
hội truyền bá chữ quốc ngữ. Theo tiếng gọi của Việt Minh, nhiều trí thức nổi tiếng
"xếp bút nghiên" lên vùng chiến khu tham gia cách mạng. Các vị giáo
sĩ, tăng lữ, đồng bào theo đạo Thiên chúa và các tôn giáo khác... giúp Việt
Minh in tài liệu, giao thông liên lạc, đưa đón cán cán bộ.... Từ miền núi đến
miền xuôi, từ ngoài Bắc vào trong Nam, một cao trào cứu nước phát triển mạnh mẽ,
khối đoàn kết dân tộc lớn mạnh chưa từng có. Từ đầu nguồn cách mạng trên chiến
khu rừng rậm đến đồng bằng cả nước, trong một thời gian ngắn đã nhanh chóng xây
dựng được các cơ sở và lực lượng cách mạng đều khắp, tạo bước đột phá về chất
cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Nhằm
xây dựng lực lượng liên minh chính trị rộng rãi trong mặt trận để thực hiện những
nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng, Đảng CSĐD chủ trương: Công nhân và nông dân phải
gương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, vì lợi ích sống còn của dân tộc mà không
ngần ngại bắt tay với tiểu tư sản và những tầng lớp tư bản bản xứ, trung tiểu địa
chủ, là những thành phần ít nhiều có lòng căm thù đế quốc. Khi họ bước vào hàng
ngũ, đứng dưới ngọn cờ lãnh đạo của giai cấp vô sản, đấu tranh vì mục tiêu lớn
nhất là giải phóng dân tộc thì lực lượng lãnh đạo phải làm cho họ hiểu rằng chỉ
có thực hiện tư sản dân quyền cách mạng
và thổ địa cách mạng mới thoát khỏi sự áp bức, đè nén mọi mặt của chính quyền
đế quốc, chỉ có đứng vào mặt trận, quyền lợi của họ mới được giải quyết. Trong
khi bảo vệ lợi ích tối cao của dân tộc và công nông, cách mạng không có gì khác
hơn là phải giải quyết hài hoà quyền lợi kinh tế, chính trị của các thành viên
mặt trận.
Xác định nhiệm vụ
chính là chuẩn bị khởi nghĩa và tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, ĐCSĐD ra sức phát triển đảng viên mới. Đến cuối năm 1939, Đảng có 2.300
đảng viên với gần 300 chi bộ được phân bố trong khắp cả nước. Đến năm 1943, số
đảng viên ở xí nghiệp, hầm máy, thành thị tăng rõ rệt; các chi bộ và đảng viên
đặc biệt tăng nhanh ở khu căn cứ Cao – Bắc –Lạng, chiếm 20% số tăng của cả nước:
Từ 2.850 đảng viên năm 1943, đến năm 1944 đã tăng lên 3.150, còn đến khi Cách mạng
tháng Tám thành công, Đảng đã có 5000 đảng viên[13];
số chi bộ tăng từ 300 năm 1943 tới gần 400 vào năm 1944. Lực lượng lãnh đạo
nòng cốt này là những hạt giống đỏ cho thắng lợi của cách mạng sau này.
Trên
quan điểm “cuộc cách mạng Đông Dương phải được kết liễu bằng một cuộc khởi
nghĩa võ trang”[14], về
xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, Trung ương Đảng quyết định duy trì lực lượng vũ trang Bắc Sơn và chủ
trương thành lập những đội du kích hoạt động phân tán, dùng hình thức vũ trang
vừa chiến đấu bảo vệ nhân dân, vừa phát triển cơ sở cách mạng, tiến tới thành lập
khu căn cứ, lấy vùng Bắc Sơn, Vũ Nhai làm trung tâm. Tháng 11-1941, tiểu đội du
kích thoát ly đầu tiên ở Cao Bằng (gồm 13 người) được thành lập. Cuối 1944, trước
đòi hỏi gấp rút của tình hình, khi ngày khởi nghĩa đang đến gần, căn cứ vào điều
kiện thực tiễn, ĐCSĐD thành lập lực lượng vũ trang làm đòn bẩy cho cao trào cách mạng toàn quốc
bùng nổ. Chọn trong hàng ngũ những đội du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ, đội
viên kiên quyết, hăng hái nhất, tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ
lực, tháng 12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân ra đời. Vài ngày
sau khi thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã lập hai chiến
công vang dội hạ đồn Phai Khắt (ngày 25-12) và đồn Nà Ngần (ngày 26-12).
Đi đôi với củng cố lực lượng chủ lực, ĐCSĐD
chỉ thị duy trì lực lượng vũ trang ở các địa phương – hai lực
lượng này cùng phối hợp hành động và giúp đỡ lẫn nhau về mọi phương tiện. Đội quân chủ lực
có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang của các địa phương, tương trợ huấn luyện, tương
trợ vũ khí, làm cho lực lượng vũ trang địa phương nhanh chóng trưởng thành.
3- Hội nghị
Trung ương lần thứ 8 (1941) là một bước
ngoặt quan trọng cả về nhận thức và chỉ đạo hoạt động thực tiễn của ĐCSĐD. Trước những biến đổi nhanh chóng của tình hình trong
nước và thế giới, trên cơ sở phân tích các điều kiện khách quan, chủ quan, Hội
nghị quyết định thay đổi chính sách, giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc,
giải quyết một cách nhuần nhuyễn quan hệ giữa cách mệnh phản
đế và điền địa[15]. Đặt nhiệm vụ thu góp toàn lực đem tất
cả ra quyết giành quyền độc lập, tự do cho dân tộc,
ĐCSĐD tập trung “lực lượng cách
mạng toàn cõi Đông Dương, không phân biệt thợ thuyền, dân
cày, phú nông, địa chủ, tư bản bản xứ”[16],
với tiêu chí duy nhất: Yêu nước thương nòi. Đoàn kết là sức mạnh, chia rẽ là yếu
– trên quan điểm đó, một mặt, ĐCSĐD ra sức kêu gọi nhân dân đoàn kết một lòng, muôn người như một
cùng chung tay vì việc nghĩa; mặt khác,
đánh giá đúng thái độ của các lực lượng chính trị khác nhau trong xã hội để có
chủ trương đoàn kết, tập hợp, “thêm bạn bớt thù”.
Luôn nhận thức rằng, “năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài.
Nhưng vắn dài đều họp nhau lại giữa bàn tay. Trong mấy triệu người, cũng có người
thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi tổ tiên ta”[17],
ĐCSĐD nhất
quán thực hiện chính sách hợp tác giữa các lực lượng cách mạng trong cuộc đấu
tranh giải phóng dân tộc. Đặt cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam vào phạm trù của cuộc cách mạng vô sản thế giới, coi cách mạng Việt Nam là
một bộ phận hữu cơ của cách mạng thế giới, ĐCSĐD nhận thức
một thực
tế khách quan quan trọng hết sức đặc thù cho các xứ thuộc địa và hoàn toàn
không giống như ở châu Âu: Ách áp bức của đế quốc đè nặng lên đầu mỗi người
dân; dù ở bất kể thành phần xã hội hoặc giai cấp nào, người dân xứ thuộc địa đều
phải sống trong bầu không khí hết sức ngột ngạt của nô dịch và bất công. Vì vậy,
dù có địa vị xã hội, quyền lợi kinh tế, chính trị khác nhau, ở xã hội thuộc địa
Việt Nam không có một giai cấp siêu hình đứng ngoài dân tộc. Dù đế quốc xâm lược
có câu kết với một bộ phận nhỏ giai cấp địa chủ phong kiến tay sai, áp bức bóc
lột dân tộc, thì kẻ thù chính, kẻ thù chủ yếu và nguy hiểm nhất vẫn là đế quốc xâm
lược.
Từ tư
duy khoa học đó, nhiệm vụ chiến lược của cuộc cách mạng dân tộc giải phóng ở Việt
Nam có đặc điểm nổi bật: Tập trung mũi nhọn chủ yếu của cách mạng vào đế quốc thực
dân; nhiệm vụ phản phong phải luôn phục tùng nhiệm vụ phản đế. Đó đồng thời
cũng là cơ sở cho sách lược triệt để cô lập đế quốc, triệt để cô lập lực lượng
tay sai, phân hóa giai cấp bóc lột, trung lập các lực lượng chưa thể đoàn kết. Điều
quan trọng đó, trong lịch sử phát triển của phong trào cộng sản thế giới, không
ít tổ chức hoặc lãnh tụ đã mắc sai lầm, thậm chí là sai lầm nghiêm trọng khi giải
quyết mối quan hệ dân tộc và giai cấp, rơi vào chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi hoặc
làm cho cách mạng lâm vào thế đơn độc, cô lập. Kế thừa truyền thống đoàn kết
dân tộc, phát huy tinh thần dân tộc chân chính, trong tập hợp lực lượng cho cuộc
Tổng khởi nghĩa, ĐCSĐD đã vượt qua được tiền lệ đó, vượt qua
được thảm họa của sự chia rẽ. Cách mạng tháng Tám thắng lợi là một minh chứng
thuyết phục cho nhận định nói trên.
* *
*
Soi vào lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc
Việt Nam, có thể dễ dàng nhận thấy ngay rằng, tư tưởng chủ đạo, truyền thống nổi
trội của dân tộc là chủ nghĩa yêu nước chống xâm lăng, bảo vệ sự tồn vong của
dân tộc, là tư tưởng “không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Vốn là một giá trị
căn bản, phổ quát của cộng đồng dân tộc Việt Nam, lòng yêu nước, tinh thần dân
tộc ấy trong những giây phút quyết định vận mệnh quốc gia đã tạo nên sức mạnh
vô địch, cuốn phăng mọi thành trì áp bức, làm lung lay đến tận gốc rễ tòa lâu đài
thuộc địa mà thực dân Pháp đã dày công xây dựng. Trên nền tảng đại đoàn kết vững
bền, lâu đời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, tinh thần dân tộc ấy đã làm sâu sắc
thêm sự gắn kết dân tộc, thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng. Thắng lợi của Cách mạng
tháng Tám là thắng lợi của tư tưởng tập hợp lực lượng toàn dân tộc, thắng lợi của
khối đại đoàn kết toàn dân, thắng lợi của tinh thần dân tộc chân chính – những
yếu tố ấy luôn là những giá trị trường tồn làm nên bản sắc dân tộc Việt Nam, là
vũ khí sắc bén của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do.
[1] Từ tháng 10-1930, đổi tên thành Đảng
Cộng sản Đông Dương (ĐCSĐD)
[2] Đảng
Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội,
1998, tập 2, tr.4.
[9] Đảng
Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội,
2002, tập 6, tr.527.
[12] Đảng
Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc
gia, Hà Nội, 2000, tr.461.
[13] Nguyễn Hữu Tri - Nguyễn Thị Phương Hồng: Lịch sử công tác tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2000),
Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.94.
[15]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 6,
tr.538.
[16] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 7,
tr.112.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!