Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2015

ĐỒNG BÀO CÔNG GIÁO VIỆT NAM VỚI CÁCH MẠNG THÁNG TÁM 1945


PGS.TS. Hồ Khang,
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam,
 Bộ Quốc phòng
Cách mạng tháng Tám 1945 là một sự kiện lịch sử đặc biệt, có sức lan tỏa, có tầm ảnh hưởng sâu rộng vượt ra khỏi biên giới quốc gia dân tộc. Đi đến thắng lợi ấy, nhân dân Việt Nam đã phải trải qua những chặng đường vô cùng gian khó với bao hy sinh xương máu. Vượt lên từ kiếp đoạ đày, áp bức ngót trăm năm, vùng dậy làm cuộc đổi đời vĩ đại, nhân dân Việt Nam đã viết nên một trang sử mới – trang sử của những thay đổi lớn lao trên nền tảng đại đoàn kết và chủ nghĩa dân tộc chân chính.

1- Ngay từ khi ra đời, với mục tiêu giành độc lập tự do cho dân tộc, ĐCSVN luôn giương cao ngọn cờ đại đoàn kết. Đặt quyền lợi dân tộc cao hơn hết thảy, ĐCSVN chủ trương thu phục, gắn kết tất cả đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, trai gái, không phân biệt tôn giáo cũng như xu hướng chính trị, đặng thực hiện cuộc đấu tranh sinh tồn, vì các quyền cơ bản của con người và dân tộc. Trong quá trình thực hiện chiến lược đại đoàn kết, dù các vấn đề tôn giáo ít được thể hiện một cách cụ thể và thường xuyên trong các văn kiện, nghị quyết, song nắm vững tinh thần “đoàn kết là sức mạnh”, đoàn kết tôn giáo luôn hiện hữu trong các chương trình hành động của ĐCSVN[1]. Chỉ thị thành lập Hội phản đế Đồng minh (18-11-1930) tuyên bố: “Đảm bảo tự do tín ngưỡng của quần chúng, đập tan luận điệu phản tuyên truyền cộng sản là vô Chính phủ, vô gia đình, vô tôn giáo”[2].
  Năm 1941, chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, Mặt trận Việt Minh được thành lập. Với chủ trương “liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, trai gái, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị”[3], Mặt trận Việt Minh là đỉnh cao của chiến lược đại đoàn kết. Coi quyền lợi dân tộc cao hơn hết thảy, Việt Minh kêu gọi quốc dân đồng bào "bắt tay nhau chặt chẽ, không phân biệt trai, gái, già, trẻ, lương, giáo, giàu, nghèo"[4] mưu cuộc dân tộc giải phóng, vì “chỉ có đoàn kết, phấn đấu, nước ta mới được độc lập” và Việt Minh là cơ sở cho sự đoàn kết ấy. Mặt trận Việt Minh sẵn sàng giơ tay đón tiếp mọi cá nhân, đoàn thể, mọi tôn giáo, tín ngưỡng, không cứ theo chủ nghĩa quốc tế hay quốc gia, “miễn thành thực muốn đánh đuổi Nhật, Pháp để dựng lên một nước Việt Nam tự do và độc lập”[5]. Chủ trương đoàn kết, tập hợp lực lượng rộng rãi, đông đảo của Mặt trận Việt Minh đã động viên công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, phụ nữ, tư sản, địa chủ, công chức, đồng bào theo đạo, các đảng phái...kết thành đội ngũ trong thời khắc quyết định vận mệnh quốc gia dân tộc. Như thế, trước năm 1945, đặt trong mối quan hệ với mục tiêu đấu tranh giành độc lập dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân, “những nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đã có được những quan điểm đúng đắn vượt trội về tôn giáo, điều mà trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế lúc đó không phải Đảng Cộng sản nào cũng có được”[6]. Đặt vấn đề tôn giáo trong khuôn khổ đoàn kết dân tộc, cứu nước giành độc lập, những người cộng sản Việt Nam đã có cái nhìn mới mẻ về đồng bào có đạo nói chung, đồng bào công giáo nói riêng. Dẹp bỏ mọi định kiến hẹp hòi, nắm bắt tinh thần, cốt cách, truyền thống dân tộc, những người Cộng sản Việt Nam cổ vũ đồng bào Công giáo vượt qua tự ti, mặc cảm, chia rẽ, tham gia vào quá trình vận động tiến tới đấu tranh giành chính quyền.
2- Lựa chọn đồng hành cùng dân tộc, trước sự xâm lăng của Pháp – Nhật, người Công giáo Việt Nam “bắt đầu dám nói tới lòng yêu nước, nhưng theo cách kín đáo tại các chủng viện. Một vài linh mục và giáo dân tỏ ra thiện cảm với các phong trào cách mạng”[7]. Không cam tâm ngồi nhìn đất nước bị giày xéo, nhiều phong trào yêu nước của người công giáo xuất hiện, một số tổ chức kháng chiến của người Công giáo Việt Nam được thành lập, sau đó tự nguyện đứng vào hàng ngũ của Mặt trận Việt Minh. Ở Ninh Bình, thậm chí chưa hề được Việt Minh vận động, “một nhóm thanh niên công giáo đi vào rừng kháng chiến, đánh Pháp đuổi Nhật”[8]. Trong các tổ chức Công giáo yêu nước trước ngày khởi nghĩa, tổ chức Đoàn Công giáo cứu quốc Việt Nam của Trần Công Chính ở Hà Nội đã hoạt động hết sức tích cực. Tổ chức này đứng trong Mặt trận Việt Minh, thu hút đông đảo người Công giáo tham gia đánh Nhật, đuổi Pháp. Một nhóm Công giáo khác tại Quỳnh Lưu (chỉ huy là Nguyễn Văn Mộc) đã đứng ra vũ trang và tổ chức chiến khu, dùng chiến thuật du kích tấn công các đồn bốt Pháp, Nhật[9]. Một nhóm thanh niên Công giáo Phát Diệm tổ chức kháng chiến dưới danh nghĩa Công giáo cứu quốc, chủ trương chống thực dân Pháp và phát xít Nhật – những thế lực đang áp bức, "đè đầu, cưỡi cổ" người dân Việt Nam. Trước ngày khởi nghĩa, nhóm thanh niên Công giáo Phát Diệm hoạt động bí mật trong vùng Rịa (Nho Quan, Ninh Bình) và chỉ trong một thời gian ngắn đã gây được thanh thế to lớn. Nhóm đã liên lạc với Việt Minh, cử người lên Sơn La lấy bản Điều lệ Mặt trận Việt Minh; đồng thời, bắt liên lạc với nhóm Nguyễn Văn Mộc (Quỳnh Lưu), "giao thân và thường hỗ trợ nhau trong những cuộc phục kích Nhật, Pháp”[10]. Hay như Linh mục Nguyễn Văn Luận đã dẫn dắt họ đạo Vĩnh Lạc (Mỹ Đức, Hà Tây) theo cách mạng và chỉ huy cuộc đánh chiếm huyện Mỹ Đức trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945. Cụ Ngô Tử Hạ - một giáo dân yêu nước ở Hà Nội, sở hữu nhà in Ngô Tử Hạ ủng hộ Việt Minh hàng tạ chữ chì để in truyền đơn cho Cách mạng tháng Tám.
Vào những ngày mùa Thu năm 1945, tại các xứ đạo Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình…, những tin tức về cách mạng, về khởi nghĩa dồn dập đổ về, tạo nên sự hứng khởi chưa từng có. Những tờ truyền đơn của Việt Minh với các từ ngữ mới mẻ như “cách mạng”, “tự do”, “giải phóng”, “độc lập”... đã trở nên quen thuộc, có sức cuốn hút kỳ lạ. Giáo dân các xứ Văn Hải, Tân Khẩu, Cồn Thoi (5-1945) vùng lên, tiến về Sở quản lý đòi giảm tô, xóa nợ lãi, đòi chia ruộng đất. Những thắng lợi ban đầu của các cuộc đấu tranh càng củng cố vững chắc thêm niềm tin của giáo dân vào Mặt trận Việt Minh. Nhiều giáo xứ như có hội, giáo dân tấp nập gia nhập Mặt trận, hăng hái chuẩn bị tham gia khởi nghĩa giành chính quyền. Việt Minh đối với bà con công giáo thật đơn giản, gần gũi: Việt Minh lãnh đạo người nghèo nổi dậy diệt phát xít Nhật, phá kho thóc Nhật cứu đói. Giữa hai lựa chọn: Ngồi đợi cái đói cướp đi sinh mạng và theo Việt Minh cướp thóc lúa của Nhật, như đa phần người nghèo Việt Nam lúc đó, người công giáo Việt Nam lựa chọn đứng cùng Việt Minh.
Ở Nam Bộ, vốn có truyền thống yêu nước, những năm 1941 – 1945, phong trào đánh Nhật đuổi Pháp của người Công giáo lan rộng. Tổ chức Việt Nam Quốc gia tiến hành của đồng bào công giáo ra đời có mục đích lật đổ ách thống trị của phát xít Nhật, giành độc lập cho dân tộc đã cuốn hút hàng nghìn thanh niên Công giáo tham gia, trở thành một lực lượng yêu nước sâu rộng, có ảnh hưởng và uy tín trong cộng đồng. Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên tiền phong tập hợp nhiều người Công giáo yêu nước hoạt động khá hùng hậu trước ngày Tổng khởi nghĩa, trở thành nhân tố tích cực, thúc đẩy sự ra đời của đoàn Công giáo cứu quốc ở Nam Bộ.
Tháng 8-1945, khi thời cơ Tổng khởi nghĩa đã chín muồi, trong đêm trước Tổng khởi nghĩa, tại căn cứ địa Việt Bắc, trong 60 đại biểu của Quốc dân Đại hội Tân Trào đại diện cho các đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc từ Bắc, Trung, Nam có đại biểu các dân tộc và tôn giáo[11]. Trong không khí sục sôi, cháy bỏng “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”[12], khát khao độc lập tự do mãnh liệt đã liên kết 60 con người với những thành phần xuất thân, niềm tin tín ngưỡng khác nhau thành một khối thống nhất, đại diện cho ý chí quyết không chịu làm nô lệ của toàn thể dân tộc. Giây phút thiêng liêng ấy, tinh thần dân tộc, tình yêu đất nước, quê hương - một giá trị phổ quát vốn đã được hình thành từ ngàn năm trước khi đạo Công giáo du nhập vào Việt Nam lúc này tỏa bóng xuống tôn giáo, kết dính một cách bền chặt Kito hữu với những đạo hữu và không đạo hữu.
Trong những ngày tháng cách mạng sục sôi khí thế, trừ một số ít người công giáo có thái độ lo âu, e ngại, còn đa phần người Công giáo Việt Nam đã nhanh chóng hăm hở hòa vào dòng thác cách mạng, hân hoan đóng góp vào sự đổi thay rung trời lở đất có một không hai của đất nước. Đồng bào công giáo thực hiện trách nhiệm của người Việt Nam yêu nước, “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, người nào việc nấy, cùng chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa. Ngày 16, 17-8-1945, thanh niên Công giáo miệt mài in truyền đơn, viết khẩu hiệu, may cờ đỏ sao vàng. Một nhóm thanh niên Công giáo khác vào nhà in Tin Mới sắp chữ, in những tờ báo, tờ tin tường thuật lại các cuộc biểu tình chống Nhật. Nhiều đội tuyên truyền xung phong Công giáo táo bạo hoạt động giữa ban ngày ngay ở những vị trí đông người qua lại (trước Nhà thờ Lớn, trong khu Ngõ Huyện, trên đường Phủ Doãn, trước cửa hiệu sách Têrêxa, góc phố Lý Quốc Sư...). Tiếng súng của Việt Minh tiêu diệt lính Nhật và Việt gian nổ giòn trên các phố phường càng khích lệ giáo dân Hà Nội thêm hăng say đóng góp.
Ngày 19-8-1945, đông đảo đồng bào Công giáo tham gia mít tinh giành chính quyền, chiếm Phủ khâm sai, trại lính Bảo An, Ty Liêm phóng, Sở Cảnh sát…. Đêm 20-8-1945, những lớp người tiên phong của phong trào Công giáo cứu quốc tiến hành cướp chính quyền ở Kim Sơn (Phát Diệm), Yên Khánh, Nho Quan, Thường Tín..., thiết lập tại đó chế độ hành chính và quân sự. Ngày 21-8-1945, hơn 2.000 người, hầu hết là thanh niên; trong đó đa số là thanh niên theo đạo Thiên Chúa  tập trung ở thị trấn Phát Diệm tổ chức biểu tình ủng hộ Việt Minh, hô vang các khẩu hiệu: “Việt Minh độc lập muôn năm!”, “ủng hộ Mặt trận Việt Minh”[13]. Ở Sài Gòn, từ ngày 25 đến ngày 30 tháng 8-1945, đồng bào Công giáo tham gia các cuộc diễu hành biểu dương ý chí, ủng hộ nền độc lập, ủng hộ tự chủ và thống nhất của Tổ quốc, ủng hộ Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh. Trong các cuộc tuần hành, ngoài đông giáo dân còn có sự góp mặt của nhiều chức sắc Công giáo.
Ngày 30-8-1945, đồng bào Công giáo từ khắp các giáo xứ thuộc Hà Nội và vùng lân cận đã có mặt trước Nhà thờ Lớn tổ chức biểu tình hoan nghênh nền độc lập và chế độ dân chủ mới. Trong buổi mít tinh có sự hiện diện của đại diện Chính phủ Cách mạng – ông Nguyễn Văn Đồng. Thay mặt Việt Minh, Nguyễn Văn Đồng đã chào mừng đồng bào Công giáo, đồng tình với đề nghị Giáo hoàng chúc phước lành và ủng hộ nền độc lập của Việt Nam. Với tư cách Chủ tịch Công giáo Cứu quốc, người thanh niên công giáo Trần Công Chính phát biểu, truyền cảm hứng cho đồng bào công giáo, kêu gọi giáo dân nhập cuộc, đem tài sức cống hiến cho đất nước.
Tại giáo phận Bùi Chu, Giám mục Hồ Ngọc Cẩn cho phát hành tờ bán nguyệt san Đa Minh nhấn mạnh yêu cầu “đoàn kết toàn thể dân chúng Việt Nam thành một khối duy nhất để kiến thiết Tổ quốc và chống giặc ngoại xâm”[14]. Nguyệt san Đa Minh khẳng định: "Người Công giáo chúng ta cũng có bổn phận yêu Tổ quốc không những vì Tổ quốc, lại vì Thiên Chúa của chúng ta nữa"[15] và "hai triệu người Công giáo chúng ta, vốn từ trong thâm tâm, đoàn kết với 20 triệu người ngoại đạo”[16].
Vào ngày lễ trọng đại của dân tộc – ngày lễ độc lập lịch sử (2-9-1945), trong cuộc biểu dương lực lượng của 50 vạn quần chúng nhân dân, có sự tham gia của đông đảo đồng bào công giáo, các sinh viên Đại chủng viện Xuân Bích và nhiều chức sắc thuộc giáo phận Hà Nội, Bắc Ninh. Cuộc biểu dương lực lượng trong ngày lễ độc lập thể hiện một cách tập trung và cô đọng nhất tinh thần vì Tổ quốc, khát vọng độc lập, tự do; đồng thời, cũng nói lên sự lựa chọn đồng hành cùng dân tộc của người công giáo Việt Nam. Sự tự nguyện chính là đặc điểm lớn nhất trong thái độ của đồng bào công giáo đối với Việt Minh, đối với cách mạng. Nhu cầu tự thân hòa vào dòng chảy chung dân tộc và sức hấp dẫn của cuộc đổi đời ngàn năm chưa từng có biến thành một lực đẩy vô cùng mạnh mẽ, “xóa sạch mọi ký ức về cuộc giao ước xa xưa giữa họ với các giáo sỹ Pháp[17]. Họ hòa vào sự nhiệt thành hăng hái của toàn thể dân chúng lúc bấy giờ "không phải chỉ vì mục đích tự bảo vệ lấy mình, mà nhất là còn vì lòng yêu nước của họ nữa”[18]. Khi tòa lâu đài thuộc địa sụp đổ cũng là lúc một chân trời mới được mở ra cho người công giáo Việt Nam – chân trời của độc lập, tự do, ấm no, vươn lên làm chủ và xác lập vị trí của mình trong lòng dân tộc, trong lòng đất nước. Trong Sứ điệp gửi Đức Giáo hoàng Pie XII (23-9-1945), Linh mục Phạm Bá Tòng đã viết: “Toàn thể nhân dân Việt Nam không phân biệt tôn giáo, mừng lễ này với một tinh thần yêu nước chân thành và nồng nhiệt chưa từng có"[19] - người Công giáo đang sôi lên trong lò lửa ái quốc.
3- Tôn giáo nói chung, Công giáo nói riêng là một vấn đề chính trị - xã hội khách quan, gắn liền với đời sống tâm linh và văn hóa của một bộ phận nhân dân Việt Nam. Đối với người công giáo, xác tín tôn giáo ở mỗi tín hữu là vô cùng thiêng liêng, vô cùng đặc biệt.
Vào năm 1945, ở Việt Nam, số lượng theo Thiên Chúa giáo vào khoảng 1.600.000 người với 15 giáo phận, 330 linh mục ngoại quốc, 14.000 linh mục Việt Nam[20] - một cộng đồng đông đảo và trong lịch sử tồn tại, phát triển đã từng có không ít những khúc mắc liên quan đến chính trị. Có lẽ ít tôn giáo nào ở Việt Nam ngay từ khi mới du nhập đã ngay lập tức dính líu đến chính trị, đậm đặc tính chính trị như đạo Công giáo. Lịch sử dân tộc và tôn giáo Việt Nam phản ánh một hiện thực: Thực dân Pháp luôn chủ ý gạt sang một bên tính tôn giáo thuần túy, lồng chính trị vào các hoạt động tôn giáo, cuốn những kito hữu vào cơn lốc chính trị nhuốm màu ý thức hệ. Vì thế, quá trình tìm đường và nhận đường của người công giáo yêu nước Việt Nam hết sức khó khăn, vất vả và không ít chông gai. Trong quá trình ấy, người Công giáo Việt Nam phải giải phóng mình khỏi những lệ thuộc tư tưởng, thoát ra khỏi khuôn khổ sáo mòn dưới vỏ ý thức tôn giáo, thoát khỏi những quấn buộc chính trị, vượt lên lịch sử pha lẫn “ánh sáng và bóng tối” để bảo tồn, phát huy ý thức dân tộc. Sự tham gia sôi nổi, mạnh mẽ và tự nguyện của người công giáo Việt Nam trong Cách mạng tháng Tám không chỉ cho thấy thành công không chỉ của Việt Minh đối với chiến lược vận động, tập hợp lực lượng, mà còn phản ánh cuộc "vượt vũ môn" đầy khắc khoải của chính người công giáo Việt Nam trong nỗ lực bứt khỏi những khuôn định tín ngưỡng cứng nhắc, chật hẹp. Thâu nhận Phúc Âm không cản trở lòng yêu nước của các Kito hữu; Thiên Chúa và Tổ quốc là hai điều thiêng liêng nhất của mỗi người Công giáo Việt Nam. Người công giáo Việt Nam không chỉ có đức tin, người công giáo Việt Nam còn có Tổ quốc. Trước khi trở thành con dân nước Chúa, người Công giáo là con dân nước Việt, là một bộ phận máu thịt của cộng đồng dân tộc Việt Nam, thấm đẫm tinh thần, tư tưởng và  giá trị Việt. Giữa đức tin và lòng yêu nước không hề có rào cản, không hề có xung đột và mâu thuẫn, phụng sự Thiên Chúa cũng chính là phụng sự Tổ quốc. Người công giáo Việt Nam đã nhận ra một chân lý hết sức giản đơn: “Nước có vinh thì đạo mới sáng”, “nước có độc lập thì tín ngưỡng mới được tự do”. Nhanh nhạy nắm bắt hiện thực người Công giáo cũng như mọi người Việt Nam đều không chấp nhận sự cai trị, áp bức, bất công, Việt Minh “chỉ còn phải biến nguyện vọng chống chế độ thực dân của đồng bào Công giáo thành một hoạt động chính trị có hiệu quả”[21], làm thức dậy, lôi cuốn “những năng lực yêu nước”, khơi thông mạch nguồn, tâm thức dân tộc trong đồng bào công giáo. Nhờ đó, người công giáo Việt Nam thanh thản đi trên con đường vừa kính Chúa, vừa yêu nước, sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc. Những người cộng sản Việt Nam đã nắm bắt điều đó, đưa ra chủ trương nhằm giải quyết một vấn đề vốn hết sức nổi cộm xưa nay: “Chỉ có quốc gia mà không phân biệt tôn giáo, mỗi người đều là công dân của nước Việt Nam và có nhiệm vụ chiến đấu cho nền độc lập hoàn toàn của Tổ quốc”[22] – đó cũng là một trong những nguyên nhân căn bản làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, làm cho cuộc cách mạng ấy mang tính dân tộc sâu sắc, biến đoàn kết thành sức mạnh vô địch, cuốn phăng mọi trở ngại trên hành trình đi tới tự do.


[1] Từ tháng 10-1930, ĐCSVN đổi tên thành ĐCSĐD
[2] Chỉ thị của Trung ương thường Vụ về vấn đề thành lập Hội "Phản đế đồng minh", ngày 18-11-1930, Lưu tại Kho Lưu trữ, Văn phòng Trung ương Đảng.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.461.
[4] Vǎn kiện Đảng (từ 25-1-1939 đến 2-9-1945), Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1963, tr. 532.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Sđd, tr. 407.
[6] Đỗ Quang Hưng: Nghiên cứu tôn giáo nhân vật và sự kiện, tái bản lần 1, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr.56.
[7] Linh Mục Trần Tam Tỉnh: Thập giá và lưỡi gươm, Nxb. Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, 1988, tr.53.
[8] Linh Mục Trần Tam Tỉnh: Thập giá và lưỡi gươm, Sđd, tr.53.
[9] Linh Mục Trần Tam Tỉnh: Thập giá và lưỡi gươm, Sđd, tr.190.
[10] Đoàn Độc Thư và Xuân Huy: Giám mục Lê Hữu Từ và Phát Diệm, Sài Gòn, 1973, tr.53.
[11] Lê Mậu Hãn, Nguyễn Văn Thư: Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946- 1960 (1994), tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.19.
[12] Hồ Chí Minh-Biên niên tiểu sử, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 2,  tr. 26.
[13] Nguyễn Hồng Dương: “Người Công giáo Ninh Bình với cuộc kháng chiến chống Pháp”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo , số 1, 2010, tr. 53.
[14] Hương Khê: “Người Việt Nam Công giáo với cách mạng mùa Thu 1945, Nguyệt san Công giáo và Dân tộc, số 57, 1999, tr. 11.
[15] Hương Khê: “Người Việt Nam Công giáo với cách mạng mùa Thu 1945, Tlđd, tr.11.
[16] Hương Khê: “Người Việt Nam Công giáo với cách mạng mùa Thu 1945, Tlđd, tr.12.
[17] Clementin J.R.: Nội dung chính trị của các thể chế Thiên Chúa giáo ở Việt Nam (tài liệu dịch), Viện Sử học, Hà Nội, 1973, tr.23.
[18] Clementin J.R.: Nội dung chính trị của các thể chế Thiên Chúa giáo ở Việt Nam, Tlđd, tr.23.
[19] Linh Mục Trần Tam Tỉnh: Thập giá và lưỡi gươm, Sđd, tr.59.
[20] Dẫn theo Đỗ Quang Hưng: “Công giáo và cách mạng (1945-1954): Bài học lịch sử và ý nghĩa của nó”, Nghiên cứu tôn giáo, số 1-2010, tr.3-4.
[21] Hammer. H. J: Natinonalism vs. Colonialism and Comunist, (Linconl Richard W , Vietnam. The first five years), Michigan, 1959, p.7.
[22] Hồ Chí Minh - biên niên tiểu sử: tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.10.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!