Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

TRUNG QUỐC VỚI CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ

PGS.TS. Hồ Khang
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
Điện Biên Phủ - địa danh đã đi vào lịch sử với ý nghĩa là biểu tượng chiến thắng của các dân tộc bị áp bức trước chủ nghĩa thực dân cũ. 60 năm trôi qua sau sự kiện “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ngày nào, song đối với giới nghiên cứu, nhiều chiều cạnh của kỳ tích mang tên “Điện Biên Phủ”, trong đó có sự đóng góp, vai trò của Trung Quốc, vẫn tiếp tục cần được chiếu rọi, nghiên cứu. Trong tham luận này, chúng tôi đặt mục tiêu làm sáng tỏ sự ủng hộ của Trung Quốc trên hai phương diện: Viện trợ vật chất và giúp đỡ bồi dưỡng tác chiến.

1- Điện Biên Phủ - cuộc đọ sức cuối cùng
Bắt đầu cuộc chiến tranh tái chiếm Đông Dương (9-1945), người Pháp không bao giờ ngờ rằng sẽ bị rơi vào một cuộc chiến giằng co. Cuộc chiến kéo dài đã làm bộc lộ rõ thêm những điểm yếu trong hoạt động quân sự của đội quân chinh phạt nhà nghề và khiến ngân khố nước Pháp thâm hụt trầm trọng[1]. Trong khi đó, nước Pháp còn buộc phải đối diện với một bài toán khó: Một mặt, căng mình ở châu Âu, bảo vệ châu Âu “chống lại chủ nghĩa cộng sản”; mặt khác, níu giữ hệ thống thuộc địa châu Á, gồng mình chống chủ nghĩa cộng sản tại châu Á xa xôi. Đó là tình trạng - như Bernard B Fall nhận xét: “Các chính phủ của nền Cộng hòa thứ tư bị co kéo gíữa những cam kết và những ưu tiên không thể dung hợp được với nhau”[2]. Nhằm tìm lời giải cho bài toán chiến tranh Đông Dương, Tổng Chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương một lần nữa bị thay thế - R. Salan kế nhiệm J. L. de Tassigny bị cách chức, thay bằng Tướng H. Navarre. Nước Pháp đặt cược hi vọng kết thúc chiến tranh “một cách thể diện” vào H.Navarre.
Sau khi lên nhậm chức, Navarre đã phân tích, nghiên cứu tình thế chiến trường Đông Dương, nhanh chóng vạch ra một kế hoạch quân sự hòng thoát khỏi thế bị động, giành thế chủ động, chuyển bại thành thắng. Trong kế hoạch đó, với chủ trương ''chứng minh cho Việt Minh thấy rằng nếu như chúng ta (tức phía Pháp -TG) không thắng trong cuộc chiến tranh thì họ cũng không có hy vọng gì thắng ta bằng quân sự và do đó cần phải thương lượng''[3], Điện Biên Phủ được người Pháp xây dựng thành một tập đoàn cứ điểm mạnh chưa từng có trong cuộc chiến tranh Đông Dương, thực hiện nhiệm vụ chốt giữ, phòng thủ, phân tán một bộ phận quan trọng khối chủ lực cơ động của đối phương. Cần nói thêm rằng, kế hoạch H. Navarre được Mỹ tán thưởng và ủng hộ. Sau đình chiến ở Triều Tiên, để thực hiện chiến lược toàn cầu, Mỹ ráo riết can thiệp vào Đông Dương, quyết định tăng 50% viện trợ quân sự cho Pháp, chi 400 triệu USD trang bị quân sự cho quân đội Pháp - số lượng vật chất ấy đủ để cho H. Navarre biến Điện Biên Phủ thành “con nhím thép”.
Không phải ngẫu nhiên H. Navarre chọn Điện Biên Phủ để biến nó thành pháo đài, thành “Verdun” của Đông Nam Á, nhằm gây “mất ổn định trong vùng hậu phương quân địch (Việt Minh-TG), buộc nó phải phân tán lực lượng và bảo vệ các nơi bị uy hiếp”[4]. Điện Biên Phủ (thuộc tỉnh Lai Châu) là một thung lũng rộng lớn nằm ở phía tây vùng rừng núi Tây Bắc Việt Nam[5], chiếm giữ một vị trí chiến lược quan trọng đối với toàn bộ chiến trường Đông Dương, được các nhà phân tích quân sự coi là địa điểm, mà ở đó, một trong hai bên tham chiến sẽ đánh mất mọi cơ may đạt tới mục tiêu chiến tranh của mình. Địa hình Điện Biên Phủ hết sức đặc biệt, xen kẽ giữa núi, sông và bình địa[6], có thời tiết phức hợp với mùa mưa kéo dài[7], khiến việc cơ động trong rừng rất khó khăn.
Sau khi đổ quân, Pháp lợi dụng những điểm cao và sân bay Mường Thanh tổ chức phòng ngự thành tập đoàn có 49 cứ điểm, mỗi cứ điểm đều có hệ thống công sự, hàng rào vật cản, hoả lực để độc lập chiến đấu. Những cứ điểm gần nhau lại được tổ chức lại thành cụm cứ điểm - 8 trung tâm đề kháng và được chia thành ba phân khu: Phân khu Trung tâm, Phân khu Bắc và Phân khu Nam. Mỗi một trung tâm đề kháng đều có lực lượng cơ động, hoả lực riêng của mình, có giao thông hào và hàng rào dây thép gai bao quanh.
Phân tích như vậy để thấy rằng, bước vào cuộc quyết chiến chiến lược đầy khó khăn, thách thức, “một trận đánh có tính chất quyết định ngang với trận La  Marne đầu tiên, trận Stalingrad và trận Midway”[8], Việt Nam DCCH phải chuẩn bị hết sức chu đáo về mọi mặt, nắm bắt mọi yếu tố thuận lợi, tập trung cao độ sức mạnh tổng hợp, tranh thủ mọi sự chi viện và ủng hộ.
2- Giúp đỡ vật chất và huấn luyện quân sự
Nhận thức tầm quan trọng đặc biệt của chiến dịch, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Chính phủ, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam hết sức quan tâm đến công tác huy động, cung cấp lương thực, vũ khí đạn dược, trang bị vật chất cho mặt trận. Chiến dịch Điện Biên Phủ là một trận công kiên chiến quy mô lớn. Trang bị vũ khí, bổ cấp đạn dược, tổ chức hoả lực, cung ứng hậu cần… số lượng yêu cầu đều cực kỳ lớn. Khối lượng vật chất bảo đảm cho chiến dịch lên tới 20.000 tấn, trong đó có 1.200 tấn đạn, 1.783 tấn xăng dầu, 14.950 tấn gạo, 268 tấn muối, 577 tấn thịt, 1.034 tấn thực phẩm và 177 tấn vật chất khác[9]. Đóng góp vào nỗ lực đó, “Trung Quốc quyết định toàn lực chi viện, chiến trường cần thứ gì, cần bao nhiêu, đều cố gắng cung cấp nhanh nhất”[10]đã giúp đỡ cho Việt Nam khá chu đáo, từ đạn dược đến gạo muối. Nhà nghiên cứu Micheal Clodfelter đưa ra số liệu về sự chi viện của Trung Quốc trong 8 tuần chiến dịch Điện Biên Phủ như sau: “Trung Quốc cung cấp 8.286 tấn vật tư, bao gồm 4.620 tấn xăng dầu, 1.360 tấn đạn dược , 46 tấn vũ khí và 1.700 tấn gạo[11]. Một thống kê khác của Trung Quốc cho biết: Riêng chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung Quốc đã viện trợ cho Việt Nam tổng cộng hơn 200 ô tô, hơn 10.000 thùng dầu, hơn 3000 khẩu súng các loại, 2.400.000 viên đạn, hơn 100 khẩu pháo các loại, hơn 60.000 viên đạn pháo và đạn hỏa tiễn, 1.700 tấn lương thực, ngoài ra còn có một lượng lớn thuốc men, khí tài, thuốc nổ[12].
Theo các tư liệu từ phía Việt Nam, trước yêu cầu cấp bách của trận chiến, Trung Quốc đã viện trợ 1.700 tấn gạo, bằng 6,8% tổng số gạo huy động cho chiến dịch[13], chi viện 3.600 viên đạn pháo 105 mm (đó là cơ số đạn đi theo 24 khẩu pháo viện trợ đưa về Việt Nam từ cuối năm 1953), chiếm 18% tổng số đạn pháo sử dụng[14], sau vét ở các kho chuyển thêm cho Quân đội nhân dân Việt Nam 7.400 viên đạn 105 mm[15], dù đạn pháo 105 mm của Trung Quốc đã trở nên khan hiếm sau chiến tranh Triều Tiên[16]. Trung đoàn lựu pháo 105mm là đơn vị hỏa lực mạnh nhất của Việt Nam do Trung Quốc giúp đỡ[17], rót đạn xuống đầu đối phương tới mức khiến “tất cả đều kinh ngạc và tự hỏi không biết Việt Minh lấy ở đâu ra nhiều đạn pháo đến thế, có thể bắn mạnh đến thế. Đạn đại bác trút xuống không ngừng như một trận mưa đá bất thần. Lô cốt, đường hào nối tiếp nhau đè bẹp, chôn vùi người và vũ khí"[18].
Trong những ngày cuối chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung Quốc còn giúp trang bị cho một tiểu đoàn ĐKZ 75mm và 12 dàn hỏa tiễn (cachiusa) 6 nòng[19] - loại hỏa lực mạnh nhất mà Quân đội nhân dân Việt Nam có được lúc bấy giờ. Hai tiểu đoàn này đã kịp thời tham gia đợt tổng công kích cuối cùng diễn ra chiều ngày 6 -5 -1954 và đã sử dụng 1.136 viên đạn.
Chuẩn bị lực lượng cho chiến trường, tháng 11-1953, Việt Nam cử hai tiểu đoàn công binh và trường sĩ quan lục quân sang học tập, huấn luyện tại Trung Quốc. Bên cạnh đó, sau sáu tháng được tích cực bồi dưỡng ở Mông Tự (Vân Nam) và Tân Dương (Quảng Tây), được Trung Quốc trang bị toàn bộ vũ khí của Liên Xô, Trung đoàn pháo binh 45 và Trung đoàn pháo cao xạ 367 trở về nước tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Qua thời gian luyện tập, được bắn đạn thật, bộ đội Việt Nam tiến bộ rất nhanh. “Trước khi về nước, cán bộ và chiến sĩ đã nắm vững chiến thuật và kỹ thuật. Đây là một lực lượng đáng tin cậy để hạn chế hoạt động của không quân địch”[20].
Đảng và Chính phủ Trung Quốc đã cử nhiều cán bộ có kinh nghiệm đến giúp bộ đội Việt Nam học tập như Tư lệnh Quân khu Hồ Nam Trần Canh, Tư lệnh Quân đoàn 13 Chu Hy Hán, Sư đoàn phó Sư đoàn 7 Ngô Huy Vân và nhiều cố vấn quân sự tới cấp tiểu đoàn[21]. Bộ đội Việt Nam học “đánh vận động dã ngoại, có hiệp đồng bộ binh, pháo binh, cách đánh "vị thành đả viện" (vây thành đánh quân cứu viện), "nhất điểm lưỡng diện" (một điểm, hai mặt), tổ chức "tứ tổ, nhất đội" (bốn tổ, một đội)”[22]. Về chiến thuật, kỹ thuật, các đơn vị bộ đội Việt Nam được “phía Trung Quốc huấn luyện thêm về chiến thuật công kiên, đặc biệt là kỹ thuật đánh bộc phá”[23], cụ thể là 5 kỹ năng lớn: Đánh bộc phá, xây dựng công sự, bắn súng, đâm lê, ném lựu đạn. Bộ đội Việt Nam còn được làm quen với tác phong chiến đấu của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc như "tứ khoái, nhất mạn" (bốn nhanh, một chậm), "mãnh đả, mãnh xung, mãnh truy" (đánh mạnh, xung phong mạnh, truy kích mạnh)[24]… Quân đoàn 13 của Trung Quốc cử một tiểu đoàn pháo binh đến giúp Đại đoàn 308 học tập sử dụng pháo 70 ly, 57 ly, ĐKZ[25]… Như vậy, đến cuối năm 1953, trước đòi hỏi của chiến trường và sự phát triển của cuộc kháng chiến, các đơn vị đều đã huấn luyện nâng cao trình độ chiến thuật đánh công kiên và đánh vận động cho bộ đội. Bộ đội Việt Nam không những vận dụng tốt các hình thức chiến thuật truyền thống như tập kích, phục kích mà còn có khả năng chiến đấu bằng nhiều hình thức chiến thuật khác. Qua thời gian chỉnh huấn quân sự, trình độ chỉ huy, hiệp đồng của bộ đội đã được nâng lên một bước.
3- Bồi dưỡng tác chiến
Chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, Tham mưu trưởng Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc Mai Gia Sinh, Trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc Vi Quốc Thanh và một số cán bộ, cố vấn tham mưu, chính trị, hậu cần tích cực tham gia cùng với các tướng lĩnh Việt Nam trong các khâu khảo sát, lên kế hoạch và chuẩn bị chiến trường. Về phương án tác chiến, sau khi cân nhắc thuận lợi và khó khăn về cách đánh cũng như về khả năng bảo đảm hậu cần, ngày 9-12-1953, các cố vấn Trung Quốc đề nghị chọn phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” trong hai phương án[26] được đặt ra. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu kế hoạch tác chiến “đánh chắc, tiến chắc” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; đồng thời, phân tích và quan sát tình hình thực tế, ngày 26-1-1954, Trưởng đoàn cố vấn Vi Quốc Thanh đã hoàn toàn ủng hộ phương án của Đại tướng: “Tôi đồng ý với Võ Tổng. Tôi sẽ làm việc với các chuyên gia”[27]. Sau khi nhất trí với chủ trương thay đổi phương châm chiến dịch, các cố vấn Trung Quốc “đều bày tỏ quyết tâm đồng cam cộng khổ, đem hết trí tuệ và năng lực giúp bộ đội Việt Nam giành toàn thắng”[28]. Để đóng góp thêm cho Việt Nam về kinh nghiệm tác chiến trong một chiến dịch quan trọng như vậy, Vi Quốc Thanh “đề nghị Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tham mưu Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc gửi gấp những tài liệu tổng kết kinh nghiệm chiến đấu mới nhất ở Triều Tiên, nhất là kinh nghiệm xây dựng trận địa và chiến đấu đường hầm, kể cả cuốn Thượng Cam Lĩnh để bộ đội Việt Nam tham khảo”[29].
Trong quá trình chuẩn bị chiến dịch theo phương châm mới, các cố vấn Trung Quốc (Vi Quốc Thanh, Mai Gia Sinh) trực tiếp giới thiệu cách xây dựng trận địa tiến công và bao vây cho cán bộ Việt Nam trên cơ sở kinh nghiệm của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc trong chiến dịch Hoài Hải và của Quân chí nguyện Trung Quốc ở Triều Tiên[30]; hướng dẫn công binh Việt Nam xây dựng trận địa mẫu để cán bộ các đơn vị tham quan học tập, hướng dẫn cụ thể cho cán bộ Việt Nam ở thực địa[31], cử những chuyên gia đào hào của Quân chí nguyện từ Triều Tiên về nước sang Điện Biên Phủ, giúp đỡ chỉ đạo thực thi tác chiến hầm hào, thu được hiệu quả rất tốt[32]. Đại tá Nguyễn Minh Phương – nguyên Trợ lý Ban chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, người trực tiếp phiên dịch cho các cố vấn Trung Quốc nhớ lại: “Ở các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần cũng như ở các binh chủng, các đơn vị chiến đấu, trước cũng như sau khi thay đổi phương châm chiến dịch, các cố vấn quân sự Trung Quốc đã giúp bộ đội Việt Nam một cách chân thành, tích cực, tận tình, không nề hà hiểm nguy gian khổ”[33]. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết thêm: Nhằm giới thiệu kinh nghiệm trong chiến dịch Hoài Hải, cố vấn Trung Quốc đã “đào những đường hào cho pháo và ô tô vận động dưới những trận oanh kích của địch (…) Quân chí nguyện Trung Quốc và quân đội Triều Tiên đã kiến thiết những đường hầm trong lòng núi tuyệt đối an toàn trong những trận đấu pháo với địch”[34]. Võ Nguyên Giáp trực tiếp cùng cố vấn Mai Gia Sinh theo dõi việc đào trận địa chiến hào của một tiểu đội theo những yêu cầu Bộ Chỉ huy Mặt trận đề ra[35]. Tuy nhiên, chiến thuật đào hào vây lấn tại Điện Biên Phủ có điểm khác biệt so với ở chiến dịch Thượng Cam Lĩnh (chiến tranh Triều Tiên, 1951): Nếu như liên quân Trung Quốc - Bắc  Triều Tiên đào hào áp dụng cho thế trận phòng ngự, thì ở Điện Biên Phủ, chiến thuật đào hào vây lấn sử dụng để vượt qua các bãi đất trống, tiếp cận các mục tiêu tấn công. Các đại đoàn bộ binh tổ chức xây dựng một hệ thống công sự trận địa tiến công quy mô lớn, hình thành một hệ thống chiến hào, giao thông hào vượt qua thung lũng từ nhiều hướng, tạo thành thế trận ngày càng vây lấn đối với tập đoàn cứ điểm[36]. Các sở chỉ huy, hầm thương binh, hầm nghỉ đều được cấu trúc kiên cố, những tuyến chiến hào dài khoảng hơn 100 km và việc đào công sự được thực hiện liên tục thường xuyên với hai loại đường hào: đường hào trục dùng cho việc cơ động pháo, vận chuyển thương binh, điều động bộ đội với số lượng lớn và đường hào tiếp cận đối phương của bộ binh[37]. Chính hệ thống hầm hào đã tạo thuận lợi và gây bất ngờ cho đối phương trong những trận tiến công.
4- Đôi điều luận giải
Với sự chuẩn bị kỹ càng, Sau 55 ngày đêm chiến đấu dũng cảm (từ 13-3 đến 7-5-1954), quân và dân Việt Nam đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giành thắng lợi quyết định buộc Pháp phải ký Hiệp định Geneve lập lại hòa bình ở miền Bắc Việt Nam. Trong chiến thắng chung cuộc của sự kiện lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, có dấu ấn và những đóng góp đáng ghi nhận của nước đồng minh Trung Quốc. Tuy nhiên, như Christopher Goscha đánh giá: "Để tạo được sáu sư đoàn hoạt động trên hai phần ba diện tích Đông Dương, nó chứng tỏ Việt Nam có khả năng phát triển một đội quân hiện đại. Sự giúp đỡ của Trung Quốc rất quan trọng, nhưng nó không phải là cây gậy thần giúp đánh bại Pháp”[38]. Thật vậy, một quân đội giàu lòng yêu nước và tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh đã làm nên “thiên sử vàng”, như Tướng Paul Ély, Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp từng phải thốt lên:Một lần nữa, kỹ thuật lại bị thua bởi những con người có tâm hồn và một lòng tin”[39]. Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của sức mạnh chính trị - tinh thần, của trí tuệ Việt Nam, của việc nhạy bén, cương quyết chuyển từ cách "đánh nhanh, thắng nhanh, với chiến thuật đầu nhọn, đuôi dài nở hoa trong lòng địch" sang cách đánh Việt Nam “đánh chắc, tiến chắc; dùng chiến thuật bao vây đánh lấn theo kiểu bóc vỏ, xẻ múi, nghiền hạt". Chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng đã buộc nước Pháp phải ngồi vào bàn hòa đàm Geneve giải quyết chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương.
Lý ra, chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ đầy đủ và trọn vẹn hơn nữa, nếu trong cuộc hòa đàm ngày ấy, các nước đồng minh tiếp tục ủng hộ Việt Nam với tinh thần giúp đỡ những năm tháng kháng Pháp gian khó trước đó chưa lâu. Song, do ở đặc thù chiến lược của mỗi nước, trong bối cảnh các quan hệ quốc tế diễn biến phức tạp, kết quả Hội nghị Geneve khiến Việt Nam cảm thấy “người chiến thắng thực sự là Chu Ân Lai. Ông rời Geneva gần như với tất cả mọi thứ đã được tiên liệu và dự đoán trước”[40].
Sau chiến tranh Triều Tiên, Trung Quốc phải chống lại sự phong tỏa toàn diện của hệ thống tư bản chủ nghĩa. Ngăn trở việc thành lập các liên minh quân sự, chính trị của các đế quốc phương Tây song song với mở rộng khu vực đệm - một vùng trung lập ở Nam Á và Đông Nam Á trở thành một yêu cầu quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Lúc này, chấm dứt chiến tranh Đông Dương là yêu cầu cấp bách của Trung Quốc. Ngày 24-8-195, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tuyên bố: “Các vấn đề khác có thể được thảo luận tiếp sau việc giải quyết hòa bình vấn đề Triều Tiên”[41]. Xác định Mỹ là đối thủ nguy hiểm, Trung Quốc không hề muốn thấy sự hiện diện của Mỹ tại Đông Dương; vì thế, “tham gia đàm phán, Trung Quốc cố gắng để người Pháp vẫn có thể giữ một vị trí nào đó ở Đông Dương, không để Mỹ thế chân Pháp”[42]. Ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc là “ngăn chặn Mỹ đưa lực lượng quân sự vào Việt Nam, áp sát biên giới Trung Quốc”[43]. Ngoài lý do trên, nhận định về ý nghĩa của Hội nghị Geneve đối với Trung Quốc, Giáo sư Dương Bảo Quân[44] cho rằng, Trung Quốc đã "coi Hội nghị Geneve như là một phương tiện mở cửa sang thế giới phương Tây (…), khiến Trung Quốc có thể hướng ra thế giới một cách đầy tự tin"[45].
Lần đầu tiên có mặt tại một hội nghị quốc tế lớn với tư cách là một cường quốc của châu Á tham gia giải quyết vấn đề khu vực[46], ngoài vấn đề Triều Tiên và Việt Nam, Trung Quốc còn quan tâm đến các vấn đề an ninh, hòa bình tại Viễn Đông, châu Á, các vấn đề phát triển kinh tế, giao thương mậu dịch với phương Tây, từng bước phá vỡ cấm vận phong tỏa của Mỹ một cách hiệu quả. Việc ký kết Hiệp định Geneve và giải quyết hòa bình vấn đề Đông Dương phải đạt mục tiêu làm “rối loạn việc triển khai chiến lược của Mỹ nhằm uy hiếp Trung Quốc từ ba chiến tuyến Nam Triều Tiên, Đài Loan, Đông Dương, đảm bảo an ninh cho Trung Quốc ở biên thùy phía Nam, cũng khiến Trung Quốc có thể tập trung sức người, sức của vào phát triển kinh tế"[47], nới lỏng gọng kìm, "thúc đẩy quan hệ của Trung Quốc với một số nước phương Tây"[48].
Để đảm bảo lợi ích quốc gia, trong quá trình đàm phán tại Hội nghị Geneve, với vị trí là một nước viện trợ quân sự chủ yếu và nắm con đường vận chuyển duy nhất chi viện cho Việt Nam, trong điều kiện Pháp không muốn nói chuyện với Việt Nam ở thế yếu, trong xu thế hòa hoãn chung, “lãnh đạo đoàn đại biểu Trung Quốc Chu Ân Lai đã không hỗ trợ Việt Nam, đẩy Việt Nam đến chỗ phải chấp nhận những điều khoản mà rõ ràng là chưa muốn chấp nhận”[49]Nhận xét về lập trường chính trị của Trung Quốc tại Hội nghị Geneve, nhà nghiên cứu Francois Joyaux đã viết: “Sau khi Việt Nam bị chia cắt (...) tình trạng đó từ nay sẽ là một chủ bài quan trọng đối với chính sách của Trung Quốc ở Việt Nam”[50]. Lo sợ “khả năng mở rộng ảnh hưởng của Việt Nam sang Lào và Campuchia, tạo thành một sức mạnh mới, thống nhất trong khu vực Đông Dương có thể thách thức vai trò của Trung Quốc tại khu vực”[51], Chính phủ Trung Quốc “chỉ cung cấp đủ viện trợ cho Việt Nam chiến thắng tại Điện Biên Phủ, nhưng không dẫn đến một một thắng lợi hoàn toàn có thể dẫn tới vị trí thống trị của Việt Nam tại Đông Dương”[52]. Sau này, trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Phạm Văn Đồng (29-3-1967), Thủ tướng Chu Ân Lai thừa nhận: “Đúng như đồng chí Mao Trạch Đông nói đối với các đồng chí, Hội nghị Geneve chúng ta nhượng bộ nhiều quá, sai lầm (…) Phải rút kinh nghiệm qua bài học đó”[53]
Như vậy, Việt Nam tuy thắng lợi lớn trên chiến trường, thắng lợi lớn ở Điện Biên Phủ, song “chỉ giành được một nửa nước Việt Nam trên bản đồ thế giới”[54]. Điều đó cho thấy rằng, sự ủng hộ quốc tế dù có to lớn và mạnh mẽ, song trong bàn cờ chính trị thế giới, mỗi quốc gia đều phải tự ý thức xây dựng thực lực, không ngừng củng cố vị thế, hoạch định hướng đi và chủ động nắm bắt tương lai.




[1] Chiến tranh đã tiêu tốn của nước Pháp khoảng 5000 tỉ franc cũ, chưa kể 477 tỉ tiền viện trợ của Mỹ đổ vào Đông Dương trước tháng 7-1954 (Nguồn: Bernard B Fall: Hell in a Very Small Place: The Siege of Dien Bien Phu, Da Capo Press, 2002, p.3)
[2] Bernard B Fall: Hell in a Very Small Place: The Siege of Dien Bien Phu, Ibid, p.3.
[3] Hăng-ri Na-va: Thời điểm của những sự thật, Nxb Công an Nhân dân, Hà Nội , 1994, tr. 90.
[4] Bernard B Fall: Hell in a Very Small Place: The Siege of Dien Bien Phu, Ibid, p.37.
[5] Điện Biên Phủ có cánh đồng Mường Thanh, một chiều từ sáu đến tám ki-lô-mét, chiều kia 18 ki-lô-mét. Thung lũng Điện Biên Phủ nằm gần biên giới Việt Lào cách Hà Nội khoảng 350 ki-lô-mét đường chim bay, cách Luông Pha-băng (Lào) 190 ki-lô-mét. Từ Điện Biên Phủ có những trục đường chạy về phía nam xuống Trung, Hạ Lào, sang phía tây tới Thái Lan, Miến Điện, lên phía bắc tới Trung Quốc. Đây là vùng đông dân, trù phú, có cánh đồng rộng nhất ở Tây Bắc
[6] Bao bọc xung quanh thung lũng Điện Biên Phủ là một vùng rừng núi điệp trùng. Núi có độ cao trung bình 500 mét, có mỏm đột xuất cao tới 1.461 mét. Thung lũng Điện Biên là cánh đồng bằng phẳng, đồng ruộng khô ráo, thỉnh thoảng nổi lên những quả đồi cao hơn mặt ruộng 8 đến 20 mét, cá biệt có điểm cao tới 250 mét, trong thung lũng có sông Nậm Rốm chảy theo hướng bắc nam đổ xuống sông Nậm Hu.
[7] Thời tiết Điện Biên Phủ chia làm hai mùa rõ rệt. Mùa khô từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau, mùa mưa từ  tháng 4 đến tháng 9. Vào mùa khô, sương mù dày đặc từ 15 giờ ngày hôm trước đến tận 9 giờ ngày hôm sau. Mùa mưa, mưa kéo dài, nhiều lũ, độ ẩm lớn.
[8] Bernard B Fall: Hell in a Very Small Place: The Siege of Dien Bien Phu, Ibid, p.4.
[9] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự: Lịch sử hậu cần kỹ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 296.
[10] Đại thắng Điện Biên Phủ và Đoàn Cố vấn Trung Quốc tại Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, 1-5-2009.
[11] Micheal Clodfelter, Vietnam in Military Statistics, A History of the Indochina Wars, 1772-1991, (Jefferson, NC: McFarland & Co, Inc., 1995), p.28.
[12] Dẫn theo Nguyễn Phương Hoa: Viện trợ của Trung Quốc đối với cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, tr.46.
[13] Trần Trọng Trung: “Trung Quốc giúp đỡ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp” (phần II), Báo Quân đội nhân dân, ngày 2-5-2009.
[14] Sự thật về những lần xuất quân của Trung Quốc và quan hệ Việt – Trung, Nxb. Đà Nẵng, 1996, tr.39.
[15] Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000, tr. 348.
[16] Vì điều kiện vận chuyển khó khăn, 7.400 viên đạn này đến tháng 5 năm 1954 mới tới, khi trận đánh đã kết thúc,
[17] Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử chiến thuật công kiên của Quân đội nhân dân Việt Nam trongn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2008, tr.161
[18] "Operation Castor... Verdun 1954" (Cuộc hành binh Ca-xto, Véc-đoong 1954) của Ku-bi-ắc, tạp chí "Képi blanc", số 10- 1962, tr.36 (dẫn theo Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử. Đại tướng Võ Nguyên Giáp).
[19] Tổng cục Hậu cần: Công tác đảm bảo hậu cần trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 309.
[20] Hoàng Minh Phương: Hồi ức chiến dịch Điện Biên Phủ, tham luận tại hội thảo khoa học “Kỷ niệm 50 năm chiến dịch Điện Biên Phủ và Hội nghị Geneve”, Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc, 2004, tr.4.
[21] Lịch sử Sư đoàn 308 Quân Tiên Phong, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội,1999, tr. 59.
[22] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011, t.4, tr.56.
[23] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Sđd, t.4, tr.54.
[24] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Sđd, t.4, tr.53.
[25] Lịch sử Sư đoàn 308 Quân Tiên Phong, Sđd, tr. 59.
[26] Một là: Dùng toàn bộ lực tượng bộ binh dưới sự yểm trợ của pháo binh và cao xạ, nhiều hướng cùng một lúc tiến công vào tập đoàn cứ điểm, hướng chính thọc sâu vào Sở chỉ huy, giống như một lưỡi gươm đâm thẳng vào tim, tạo nên sự rối loạn ở trung tâm phòng ngự địch ngay từ đầu rồi từ trong đánh ra, từ ngoài đánh vào tiêu diệt địch trong thời gian tương đối ngắn (oa tâm trạng chiến thuật). Hai là : Bao vây địch dài ngày rồi đánh dần từng bước một, lần lượt tiến công từng trung tâm đề kháng bằng nhiều trận công kiên kế tiếp, tiến tới tiêu diệt hoàn toàn quân địch (bóc bì chiến thuật); (Nguồn: Hoàng Minh Phương: Hồi ức chiến dịch Điện Biên Phủ, Tlđd, tr.4).
[27]  Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.42.
[28] Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử, Sđd, tr.136.
[29] Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử, Sđd, tr.136.
[30] Quân chí nguyện Trung Quốc và quân đội Triều Tiên đã kiến thiết những đường hầm trong lòng núi tuyệt đối an toàn trong những trận đấu pháo với địch (Nguồn: Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử, Sđd, tr.155)
[31] Hoàng Minh Phương: Hồi ức chiến dịch Điện Biên Phủ, Tlđd, tr.8.
[32] Đại thắng Điện Biên Phủ và Đoàn Cố vấn Trung Quốc tại Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, 01-05-2009.
[33] Hoàng Minh Phương: Hồi ức chiến dịch Điện Biên Phủ, Tlđd, tr.9.
[34] Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử, Sđd, tr.155.
[35] Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử, Sđd, tr.155.
[36] Trận địa hào được xây dựng vào ban đêm, nguỵ trang rất kỹ và triển khai cùng một lúc trên toàn thể mặt trận nên đã phân tán được sự chống phá của đối phương. Việc đào hào, xây dựng trận địa thực sự đã là một cuộc chiến đấu. Bộ đội Việt Nam đã phải lao động cật lực từ 14 đến 18 tiếng mỗi ngày với những công việc liên tục như chuẩn bị vật liệu, đốn gỗ, chặt lá ngụy trang. Thời tiết lại không thuận lợi: mưa dầm, gió bấc, công sự lầy lội bùn nước,...thậm chí mỗi tấc đất công sự đào được phải đổi bằng máu dưới làn mưa bom bão đạn. Cuối cùng bộ đội  đã đưa trận địa chiến hào vào sát khu trung tâm tập đoàn cứ điểm, tạo ra một vòng vây siết chặt cứ điểm.
[37] Loại đường hào thứ nhất chạy một vòng rộng bao quanh toàn bộ trận địa địch ở phân khu trung tâm. Loại đường hào thứ hai chạy từ những vị trí trú quân của đơn vị trong rừng đổ ra cánh đồng cắt ngang đường hào trục, tiến vào vị trí đối phương. Các loại đường hào này đều có chiều sâu 1,7m và  không quá rộng để bảo đảm an toàn trước bom đạn, giữ bí mật cho bộ đội khi di chuyển. Đáy của đường hào bộ binh rộng 0,5m, đáy hào trục rộng 1,2m. Dọc đường hào, bộ binh có hố phòng pháo, hầm trú ẩn, chiến hào và ụ súng để đối phó với những cuộc tiến công.
[38] Christopher Goscha: Building Force: Asian Origins of 20th Century Military Science in Vietnam, (1905-1954), Journal of Southeast Asean Studies, 10-2003.
[39] Paul Ély: Đông Dương trong cơn lốc, Paris, 1964, tr.163.
[40] Chen Jian: China and the First Indo-China War, 1950-54, The China Quarterly, No. 133 (Mar, 1993), p.110.
[41] Nguyễn Anh Thái: “Âm mưu của Trung Quốc từ Điện Biên Phủ đến Giơnevơ”, Mấy vấn đề về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Viện Sử học, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1985, tr. 237.
[42] Qiang Zhai: China and Vietnam Wars, 1950-1975, The University of North Carolina Press, 2000, p.50.
[43]Allen Kempton: The People’s Republic of China and Vietnam: A Complex Relationshipssay Prize in History, 2012, p.5.
[44] Giáo sư công tác tại Học viện Quan hệ quốc tế, Đại học Bắc Kinh.
[45] Bộ Ngoại giao: Hội nghị Giơnevơ và quan hệ quốc tế sau Chiến tranh lạnh - lấy Trung Quốc, Việt Nam và Trung Quốc làm ví dụ, Hội thảo nội bộ ngành "Hiệp định Giơnevơ: 50 năm nhìn lại", ngày 27-7-2004, tài liệu không phổ biến, lưu tại Bộ Ngoại giao.
[46] Hội nghị Giơnevơ giải quyết vấn đề đình chiến ở Triều Tiên, Trung Quốc tham gia với tư cách nước tham chiến.
[47] Bộ Ngoại giao: Hội nghị Giơnevơ và quan hệ quốc tế sau Chiến tranh lạnh - lấy Trung Quốc, Việt Nam và Trung Quốc làm ví dụ, Tlđd, tr.3.
[48] Bộ Ngoại giao: Hội nghị Giơnevơ và quan hệ quốc tế sau Chiến tranh lạnh - lấy Trung Quốc, Việt Nam và Trung Quốc làm ví dụ, Tlđd, tr.4.
[49] An analysis of Vietnam's relations with China from the beginning of the Cold War to the Present, Wilson Quarterly 19 (1), p.35.
[50] Francois Joyaux: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1981, tr.11.
[51] An analysis of Vietnam's relations with China from the beginning of the Cold War to the Present, Tlđd, p.35.
[52] Atwood Martin: The Vietnam War- A Concise International History, Oxford press UK, 2007, p.49.
[53] Hồ sơ quan hệ Việt - Trung trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước (3-1954 đến tháng 8-1973), tài liệu lưu tại Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, tr. 39.
[54]Christopher E. Goscha:Courting Diplomatic Disaster? The Difficult Integration of Vietnam into the Internationalist Communist Movement (1945–1950)”, Journal of Vietnamese Studies, Vol I, N0 1-2, (February, August), 2006.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!