Hồ Khang & Trần Ngọc Long
Trong
cuộc chiến Việt Nam (1954-1975), cùng với việc triển khai các chiến lược chiến
tranh, Mỹ đồng thời thực hiện nhiều hình thức, chiến thuật được mệnh danh là
"tân kỳ” hòng tiêu diệt lực lượng vũ trang miền Nam, đè bẹp sự kháng cự của
nhân dân miền Nam Việt Nam. Thế nhưng, như lịch sử đã chứng tỏ, tất thảy những
hình thức chiến thuật đó, sau một thời gian được áp dụng ở miền Nam, cuối cùng
đã bị hoàn toàn thất bại. Trên chiến trường sông nước Tiền Giang cũng vậy, nếu
như Ấp Bắc được coi là trận thắng tiêu biểu, mở đầu cho sự phá sản của chiến
thuật "trực thăng vận" và "thiết xa vận", thì Ba Rài cũng
là một trận thắng tiêu biểu mở đầu cho sự phá sản chiến thuật "hạm đội nhỏ
trên sông" của Mỹ, quân đội và chính quyền Sài Gòn trong "chiến tranh
cục bộ".
Trong khuôn khổ bài viết này, xin được làm rõ nhận định trên qua
sự tìm hiểu đôi nét về "lực lượng đặc nhiệm thủy - bộ" của sư đoàn 9
- đốì thủ của các tiểu đoàn 263 và 514 trong cuộc đụng đầu giữa đôi bên trên
dòng sông Ba Rài ngày 15-9-1967.
Khi
bắt đầu triển khai thực hiện chiến lược "chiến tranh cục bộ”, các chiến
lược gia Hoa Kỳ đã tính đến khả năng và hiệu quả của việc đưa quân Mỹ xuống
vùng 4 chiến thuật - một vùng đồng bằng trống trải, nhiều sình lầy và kinh rạch
chằng chịt. Trên một địa hình như thế, theo họ, nhiệm vụ của quân Mỹ ở đây
không phải là để mở những cuộc hành quân quy mô lớn "tìm diệt" quân
giải phóng như ở miền Trung và Đông Nam bộ mà nhiệm vụ chủ
yếu là đốì phó với chiến tranh du kích, với phong trào nổi dậy mạnh mẽ của quần
chúng cách mạng đang lan rộng tại đây và nhiều nơi khác ở
vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chính vì lẽ đó, trong tính toán của Bộ Chỉ huy
quân sự Mỹ (MACV), lực lượng quân Mỹ tham chiến ở vùng 4 chiến thuật cần phải có sự đổi mới
về cơ cấu tổ chức, cần áp dụng một chiến thuật hợp lý, và cần được trang bị
thích hợp với điều kiện địa hình khá đặc trưng trên vùng sình lầy, sông nước.
Đầu
tháng 12-1965, khái niệm về lực lượng nổi trên sông của Mỹ ở đồng bằng sông Cửu
Long được viên tướng một sao Uyliam Đơpuy đệ trình lên tướng Oétmolẹn. Cuối
tháng 12 năm đó, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương bắt tay thực hiện kế hoạch xây dựng
lực lượng đặc nhiệm thủy - bộ trên sông. Nhiệm vụ chính của lực lượng này được
xác định là để bảo đảm an toàn cho các căn cứ quân sự Mỹ và các tuyến giao
thông quan trọng, phối hợp với các lực lượng khác của quân đội và chính quyền
Sài Gòn tiến hành các hoạt động tiến công quân giải phóng, yểm trợ cho công tác
bình định nông thôn.
Ngày
5-7-1966 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ M.Namara chính thức phê chuẩn quyết định tổ
chức lực lượng đặc nhiệm thủy bộ. 6 tháng sau, ngày 28-1-1967, lực lượng này
chính thức được triển khai tại căn cứ Đồng Tâm - Mỹ Tho. Cần phải nói ngay ở đây rằng, trong đội hình sư đoàn 9 thì lữ
đoàn 2 là lực lượng nòng cốt của cái gọi là "lực lượng đặc nhiệm thủy
bộ" hay còn gọi "lực iượng cơ động đường sông". Trong lịch sử
quân đội Hoa Kỳ đây là lần thứ 2 quân đội Mỹ có mô hình tổ chức theo kiểu này.
Hơn 200 năm trước đó, trong cuộc nội chiến Nam - Bắc đã từng có một tổ chức như
vậy được tổ chức, làm nhiệm vụ tác chiến dọc các dòng sông ở Bắc Mỹ. Ngược dòng
thời gian, người ta thấy được rằng, sư đoàn 9 là một đơn vị có nhiều kinh nghiệm
trận mạc của quân đội Mỹ. Ra đời ngày 1-8-1940, không bao lâu sau đó, đơn vị
này lập tức được tung ngay vào chiến trường Bắc Phi; sau đó tham gia cuộc đổ bộ
vào eo biển Noóc-măng-đi của nước Pháp. Đánh giá về sư đoàn này, trong cuốn "Lực lượng lục quân Mỹ và
quân đội Đồng minh"[1], Shenlly Stanton viết:
"Sư đoàn 9 là khối hoàn
chỉnh, không phụ thuộc vàocác căn cứ yểm trợ cố định. Nó là một thực thể gồm
những căn cứ lưu động
trên sông".
Rõ
ràng là khi đưa sư đoàn 9 đến hoạt động ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Chỉ
huy quân sự Mỹ vững tin và đặt rất nhiều kỳ vọng ở sức mạnh cũng như tính hiệu
quả trong hoạt động tác chiến của ỉực lượng này. Ngay cả phái đoàn của Bộ Tổng
tham mưu quân đội Sài Gòn khi đến thăm căn cứ Đồng Tâm cũng đã nhận xét rằng:
"Quan niệm về chiến thuật của sư đoàn 9 tỏ ra rất thích hợp với cuộc chiến
tranh tại Việt Nam, nhất là ở vùng 4 chiến thuật". Bởi theo họ, nhờ có lực
lượng hùng hậu và phương tiện chiến tranh dồi dào, "lực ỉượng đặc nhiệm thủy bộ" có thể tham dự hành quân tại
bất cứ khu vực nào thuộc vùng 4 chiến thuật. Thật vậy, để có thể hoạt động một cách có hiệu quả ở vùng đồng bằng
sông nước, các phân đội thuộc "lực lượng đặc nhiệm thủy bộ" Mỹ khi
đến Mỹ Tho đều được trang bị thuyền cao su (loại thuyền chở 3 người), binh lính
được trang bị phao cá nhân (loại có 3 ngăn) và các loại giày đặc biệt (không
ngấm nước hoặc ráo nước nhanh), các loại lựu đạn mini (nhỏ
bằng 1/3 loại thông dụng nhưng sức công phá không kém). Điều này chứng tỏ trước
khi đưa lực lượng đặc nhiệm thủy bộ vào đồng bằng sông Cửu Long, các chuyên gia
quân sự Mỹ đã phân tích, tính toán rất kỹ yếu tố địa - quân sự ở chiến trường này để tìm ra các biện
pháp đối phó thích hợp. Bên cạnh đó, để triển khai kế hoạch hoạt động của
"lực lượng đặc nhiệm thủy bộ", Mỹ đã xây dựng ở Đồng Tâm một cụm tàu
xung phong đường sông gồm:
52
chiếc LCM - 6 chở quân và thiết giáp.
5
chiếc LCM - 6 làm tàu chỉ huy truyền tin.
10
chiếc LCM - 6 làm tàu giám sát.
32
tàu tuần tra yểm trợ xung phong.
2 tàu tiếp dầu LCM - C.
Ngoài
ra, còn có một lực lượng cứu nạn gồm 2 tàu vận tải 2.000 tấn, 2 tàu kéo VTB, 2
tàu đa năng LCU, 3 đốc nổi 100 tấn.
Tổ
chức trang bị đã vậy, còn về hoạt động của "lực lượng thủy bộ đặc
biệt" khi hành quân, nó thường phối hợp với các đơn vị khác thuộc lực
lượng hải quân, lính thủy đánh bộ, sư đoàn 7 quân đội Sài Gòn trong các hoạt
động trinh sát, ngăn chặn và truy kích. Phần lớn các cuộc hành quân của lực
lượng này đều nhằm phục vụ cho chương trình "bình định nông thôn".
Với
tổ chức mới, trang bị hiện đại và phù hợp với đặc điểm chiến trường đồng bằng
sông nước; với chức năng hoạt động linh hoạt, lực lượng đặc nhiệm thủy bộ của
sư đoàn 9 thoạt đầu đã có gây một số bất ngờ và khó khăn nhất định trong các
cuộc chạm trán diễn ra năm 1967, dù trong các trận này bộ đội giải phóng cũng
tiêu diệt được một số lực lượng của chúng: Cẩm Sơn (17- 5-1967); Bàn Long
(12-9-1967); Long Khánh - Long Trung (13-7-1967)...
Tuy
nhiên, chỉ một thời gian sau, với quyết tâm và sự sáng tạo, quân dân các địa
phương đồng bằng sông cửu Long đã tìm ra cách đánh có hiệu quả, làm thất bại
hoạt động của lực lượng này. John
Foribi trong
cuốn "Lực ỉượng trên sông" (Rive rine) đã nhìn nhận khá xác đáng
rằng, “Không phải lúc nào lực lượng nổi trên sông cũng đánh được theo kiểu của
mình. Việt cộng chiến đấu trong các làng xã địa phương của họ. Họ biết từng
thước các con sông, rạch quanh co uốn khúc, từng điểm phục kích, từng con đường
rút lui... ". Quả thật, trước một đối thủ có tổ chức và hình thức tác
chiến mới lạ thì những trận chống càn của quân dân các địa phương Cẩm Sơn, Long
Tiên, Long Khánh, Long Trung đã giúp bộ đội giải phóng rất nhiều trong việc tìm
hiểu kỹ hơn về đối phương, rút ra được nhiều kinh nghiệm tác chiến phù hợp,
hiệu quả. Ngược lại, về phía quân Mỹ, những trận càn đó được coi như những bước
thử nghiệm hình thức chiến thuật mới và thử thách bản lĩnh của binh lính Mỹ tại
một chiến trường còn nhiều mới mẻ. Như vậy những cuộc càn diễn ra trong 7 tháng
đầu năm 1967 dẫu sao cũng mới chỉ là một bước thăm dò, thử nghiệm. Vị thế của
"lực lượng đặc nhiệm thủy bộ trên sông" cho đến thời điểm đó, trên
thực tế, hầu như chưa được khẳng định là bao. Có lẽ chính vì vậy mà Bộ tham mưu
quân Mỹ quyết định cùng một lúc mở 2 cuộc càn lớn vào Nam - Bắc lộ 4 để khẳng định uy lực; sức mạnh
tính hiệu quả trong hoạt động tác chiến của lực lượng này, trong đó đáng chú ý
là cuộc càn nhằm vào khu vực phía tây sông Ba Rài - nơi mà chúng cho là
"đại bản doanh" của tiểu đoàn 263, một đối thủ tiềm tàng của chúng.
Và như đã biết, cuộc đụng đầu quyết liệt trên dòng Ba Rài diễn ra chỉ trong
vòng một ngày đêm. Trước sự chống trả mãnh liệt, khôn khéo của quân dân miền
Nam Việt Nam, phía Mỹ đã phải trả giá quá đắt. Cái giá đó không chỉ ở những con
số 13 tàu bị chìm, 8 lính Mỹ bỏ mạng cùng 113 lính bị thương, mà quan trọng hơn
là ở chỗ, "một
lượng tinh nhuệ với một chiến thuật được coi là "tân kỳ" nhấtt vừa
mới ra đời đã bị giáng một đòn chí tử".
Nhận
xét về trận đánh này, trong cuốn "lực lượng trên sông" Giôn Phobi
viết: "Trong cuộc hành quân hồi tháng 9- 1967, Việt cộng tổ chức một trận
phục kích dài 2 dặm dọc bờ sông Ba Rài. Sau 4 giờ đụng độ, một nửa đoàn tàu
trúng đạn, 80 lính bị thương vong". Có thể nói, trận Ba Rài đã đánh dấu thời kỳ sa lầy của
lực lượng đặc nhiệm thủy bộ Mỹ trong thế
trận chiến tranh nhân dân ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Mỹ Tho nói
riêng.
Có thể một phần do tổn thất về lực lượng và
phương tiện chiến tranh đã dẫn lực lượng này của Mỹ lâm vào tình trạng trên
nhưng căn nguyên chủ yếu là do lực lượng đó của quân Mỹ đã không phát huy được
hiệu quả cho dù nó được tổ chức công phu và trang bị tốn kém. Sau thất bại này,
lực lượng đặc nhiệm thủy bộ nằm trong thành phần sư đoàn 9 đã được đưa về Mỹ
ngay trong đợt rút quân viễn chinh Mỹ khỏi chiến trường Việt Nam đầu tiên
(8-7-1969).
"Lực
lượng đặc biệt thủy bộ trên sông" là một hình thức tổ chức quân sự và
"hạm đội nhỏ trên sông" là một hình thức chiến thuật mới trong chiến
lược chiến tranh cục bộ của Mỹ ở Việt Nam. Nó đã bị quân và dân đồng bằng sông
Cửu Long đánh bại và đã buộc phải rút khỏi vùng đồng bằng sông nước Cửu Long.
Theo chúng tôi, trận Ba Rài đã mở đầu cho quá trình thất bại đó. Đáng tiếc là
đã 35 năm qua kể từ trận đánh lịch sử này và 32 năm kể từ ngày quân Mỹ cuốn cờ
rời Mỹ Tho, phía Việt Nam chưa có một công trình nào đi sâu tìm hiểu, mô tả,
nghiên cứu, tổng kết đầy đủ về trận Ba Rài, thậm chí chưa có cả một tượng đài
chiến thắng cho dù với quy mô khiêm tốn đi chăng nữa để ghi tạc chiến công của
những người làm nên chiến thắng quan trọng này, trên mảnh đất Tiền Giang anh
dũng, quật cường trong chiến đấu và bền bỉ, sáng tạo trong lao động dựng xây
quê hương.
Một lần nữa xin đừng cho rằng trận Ba Rài chỉ diễn ra
trong một ngày và tiếng tăm của nó không nổi lắm như trong ý nghĩ của những ai
đó mà phải có cái nhìn khách quan, toàn diện hơn; phải thấy trận đánh này là trận đầu tiên đánh bại
hoàn toàn chiến thuật "hạm đội nhỏ trên sông" của Mỹ và điều đó cũng
có nghĩa là mở đầu cho việc đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ" được
Mỹ triển khai ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Mỹ Tho nói riêng.
Một
đội quân đã từng "bách chiến, bách thắng" ở chiến trường Bắc Phi, ở
Pháp trong cuộc chiến tranh thế giới thứ 2, khi đến Việt Nam đã phải nhanh chóng nếm mùi thất bại - mà
lại thất bại cay đắng trong điều kiện được tổ chức hợp lý, trang bị tối tân
hiện đại hơn, với biện pháp chiến thuật "tân kỳ hơn". Điều đó lẽ nào
chưa đủ để tự hào về chiến thắng Ba Rài hay sao.
Trích Kỷ yếu hội
thảo khoa học: Chiến thắng Ba Rài 15.9.1967, Ban Tuyên giáo tỉnh ủy
Tiền Giang, Tiền Giang, 2002.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!