Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2014

CHIẾN THẮNG NÚI THÀNH Ý NGHĨA VÀ BÀI HỌC

PGS, TS Hồ Khang[1]
Cách đây 45 năm, vào đêm 25 rạng ngày 26 tháng 5 năm 1965, chấp hành Chỉ thị của Bộ tư lệnh Quân khu 5: “Phải đánh tiêu diệt một đơn vị Mỹ để hạ uy thế quân Mỹ ngay từ đầu, tìm hiểu cách đánh của chúng, rút kinh nghiệm đánh Mỹ cho ta, cổ vũ khí thế đánh Mỹ trong toàn Khu”[2, Đại đội 2, Tiểu đoàn 70 và 12 chiến sĩ đặc công thuộc Đại đội đặc công VI6 bộ đội địa phương tỉnh Quảng Nam đã tập kích tiêu diệt gọn một đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ tại cứ điểm Núi Thành, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đặt trong bối cảnh cuộc chiến lúc bấy giờ, chiến thắng Núi Thành đã vượt xa ý nghĩa của một trận đánh thông thường, trở thành một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, có sức cổ vũ to lớn đối với quân và dân Quảng Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

 để lại nhiều bài học trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Bản tham luận này của chúng tôi muốn làm rõ thêm ý nghĩa của chiến thắng Núi Thành và bước đầu rút ra một số bài học kinh nghiệm.
Thất bại của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, từ đầu năm 1965, Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ” bằng việc ào ạt đổ quân trực tiếp tham chiến tại chiến trường miền Nam Việt Nam và leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân, hải quân. Với một đội quân nhà nghề thiện chiến, được trang bị vũ khí hiện đại, chưa từng nếm thất bại trước bất kỳ đối thủ nào trong những lần đưa quân tham chiến ở nước ngoài, giới lãnh đạo Oasinhtơn tin chắc rằng, chỉ trong một thời gian ngắn sẽ nhanh chóng đè bẹp đối phương, buộc đối phương phải chịu khuất phục.
Việc Mỹ đưa quân vào tham chiến tại chiến trường miền Nam và mở rộng đánh phá hậu phương miền Bắc đã đặt sự nghiệp kháng chiến của nhân nhân Việt Nam  trước một bước ngoặt mới, phải đối mặt với tình thế rất hiểm nghèo. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đụng đầu trực diện với cả 3 quân chủng “át chủ bài” của lực lượng quân sự khổng lồ là lục quân, không quân, hải quân Mỹ. Ý chí và quyết tâm đã có, nhưng đánh Mỹ bằng cách nào để đảm bảo cho việc đương đầu và đánh bại đội quân xâm lược này thì vẫn đang còn là một câu hỏi lớn. Trận Núi Thành được hình thành và thực hiện là nhằm mục đích giải đáp đòi hỏi bức xúc trên đây. Chỉ với một đơn vị bộ đội địa phương tỉnh, dựa trên thế trận chiến tranh nhân dân hình thành và phát triển vững chắc trong những năm đánh thắng chiến tranh đặc biệt, đã tiến công tiêu diệt gọn một đại đội chính qui quân chiến đấu Mỹ, được trang bị hoả lực mạnh, chiếm ưu thế phòng ngự trên điểm cao. Đó là sự đáp trả mãnh liệt và kiên quyết của quân và dân miền Nam, là đòn phủ đầu hạ uy thế quân viễn chinh Mỹ khi Mỹ bước vào chiến tranh cục bộ, giáng mạnh vào ý chí xâm lược của Mỹ ngay từ những ngày đầu đổ quân xuống miền Nam.
Tuy chỉ diễn ra chớp nhoáng và với quy mô một trận đánh, nhưng với Việt Nam, đây là đòn tiến công đầu nhằm thẳng vào một đơn vị lính thủy đánh bộ Mỹ trên chiến trường. Chiến công đầu oanh liệt đó là nguồn cổ vũ mạnh mẽ khí thế tiến công và trận đầu đánh thắng quân viễn chinh Mỹ ở miền Nam, có ý nghĩa thôi thúc tinh thần dám đánh và quyết thắng quân xâm lược Mỹ, mở ra khả năng thực tế, củng cố niềm tin và quyết tâm đương đầu, đánh bại hoàn toàn quân xâm lược.
Bên cạnh đó, chiến thắng Núi Thành còn cung cấp cho quân và dân Việt Nam nhiều bài học kỉnh nghiệm quí trong cuộc đối đầu với quân viễn chinh Mỹ- một đối tượng tác chiến hoàn toàn mới. Chiến thắng trận đầu ở Núi Thành tuy chưa làm bộc lộ hết sức mạnh và cách đánh của quân Mỹ, nhưng thực tế bước đầu đã khẳng định: chỉ với một lực lượng nhỏ, nhưng có quyết tâm chiến đấu cao, vận dụng cánh phù hợp với từng địa bàn và biết chọn thời cơ tiến công thích hợp, quân dân miền Nam hoàn toàn đánh bại quân viễn chinh Mỹ dù đối phương có ưu thế về quân số và trang bị, vũ khí; một đại đội địa phương đã đánh bại một đại đội Mỹ, thì một tiểu đoàn địa phương cũng có thể đánh bại được một tiểu đoàn Mỹ; là minh chứng cho sức mạnh và khả năng đánh Mỹ của lực lượng tại chỗ; tính ưu việt của nghệ thuật “lấy ít địch nhiều”, lấy chất lượng cao, thắng số lượng đông ... Sau chiến thắng Núi Thành và một số trận đánh khác xung quanh căn cứ Chu Lai, quân và dân miền Nam đã đúc kết kinh nghiệm thành những khẩu hiệu, phương châm hành động: “Tìm Mỹ mà đánh, gặp Mỹ là diệt”, “bám thắt lưng địch mà đánh”, làm dấy lên một phong trào thi đua“dũng sĩ diệt Mỹ” trên khắp toàn chiến trường miền Nam, gây nên nỗi kinh hoàng, khiếp đảm đối với quân viễn chinh Mỹ.
“Vạn sự khởi đầu nan”, “đầu có xuôi đuôi mới lọt”, chiến thắng Núi Thành chính là sự kế thừa, phát huy truyền thống chiến thắng ngay từ trận đầu của lực lượng vũ trang như chỉ thị của Hồ Chí Minh đối với Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân: “Trận đầu phải đánh thắng”. Trên tinh thần đó, chiến thắng Núi Thành không chỉ là đòn giáng mãnh liệt vào ý chí xâm lược của quân Mỹ, hạ uy thế ngay từ đầu, cổ vũ khí thế đánh Mỹ và tìm ra cách đánh hiệu lực trước đội quân nhà nghề được trang bị tới tận “chân răng” khi vừa đặt chân lên chiến trường miền Nam và đang rất hung hăng “tìm diệt” chủ lực Quân Giải phóng, mà còn là chiến thắng mang ý nghĩa khởi đầu cho hàng loạt chiến thắng tiếp theo của quân và dân trên chiến trường miền Nam như Vạn Tường, Plâyme, Đất Cuốc, Bầu Bàng.... Rõ ràng, những trận đánh dũng mãnh trong nửa sau năm 1965 trên chiến trường miền Nam cùng với đòn giáng trả đích đáng không quân, hải quân Mỹ trên vùng trời, vùng biển miền Bắc chứng tỏ hiệu lực và sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong cuộc đối đầu với chiến lược chiến tranh cục bộ - đỉnh cao nhất trong toàn bộ cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Hiệu lực và sức mạnh được biểu hiện bằng những chiến thắng vang dội trên cả hai miền Nam Bắc đã là cơ sở vững chắc để Hội nghị lần thứ XII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá III (tháng 12 năm 1965) đi tới nhận định: ngày nay, mặc dù Mỹ đưa vào miền Nam hàng chục vạn quân viễn chinh, lực lượng so sánh giữa đôi bên vẫn không thay đổi lớn. Tuy cuộc chiến tranh ngày càng trở nên gay go ác liệt, nhưng nhân dân Việt Nam có cơ sở chắc chắn để giữ vững và tiếp tục giành thế chủ động trên chiến trường, có lực lượng và điều kiện để đánh bại âm mưu trước mắt và lâu dài của địch. Từ nhận định đó, Đảng LĐVN hạ quyết tâm: động viên lực lượng của cả nước, kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ trong bất cứ tình huống nào để bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất Tổ quốc. Thực tiễn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ sau năm 1965 đã chứng tỏ, đó là một quyết định đúng đắn, sáng tạo, độc lập tự chủ. Và như thế, trận Núi Thành có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa tới quyết định lịch sử này.
Từ thành công của trận đầu thắng Mỹ ở Núi Thành, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau :
- Trước hết, phải thường xuyên quán triệt đường lối chiến tranh nhân dân, xây dựng và không ngừng phát triển thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc trên cả ba vùng chiến lược, đảm bảo cho lực lượng vũ trang tại chỗ có thể trụ bám đánh địch và tổ chức những trận đánh phủ đầu quân Mỹ ngay khi mới đổ quân để hạ uy thế của đối phương, qua đó, cổ vũ, động viên tinh thần và khí thế tiến công địch một cách chủ động, tích cực cả về quân sự, chính trị. Quyết định đánh đòn phủ đầu và thắng lợi ở Núi Thành là một kinh nghiệm quí báu trong chỉ đạo và điều hành chiến tranh cách mạng, nhất là ở thời điểm quân Mỹ vừa đổ quân xuống chiến trường miền Nam.
- Thứ hai, trong khi đẩy mạnh xây dựng, củng cố và phát triển thế trận chiến tranh nhân dân, phải thường xuyên tăng cường lực lượng vũ trang ba thứ quân vững mạnh cả về chính trị và quân sự làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, trước hết phải bắt đầu từ công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng ý chí chiến đấu, quyết tâm đánh thắng quân xâm lược; kịp thời phê phán khắc phục tư tưởng sợ ác liệt, hy sinh. Trước đối phương có quân đông, vũ khí trang bị hiện đại, phải quán triệt nguyên tắc: ý chí quyết tâm phải đi đôi với mưu lược, không chỉ dám đánh mà còn phải biết đánh, buộc đối phương phải đánh theo cách đánh của mình, không cho đối phương phát huy sở trường và ưu thế vốn có về vũ khí, trang bị, hỏa lực và sức cơ động; bám sát thực tiễn chiến đấu, thực tiễn chiến trường, phải nhanh chóng kịp thời rút kinh nghiệm để phổ biến cho các đơn vị bộ đội và nhân dân. Trên thực tế, sau trận Núi Thành, bước đầu đã rút ra nhiều kinh nghiệm giá trị như: Mỹ có ưu thế quân đông, vũ khí trang bị hiện đại, nhưng chiến thuật, kỹ thuật cá nhân chậm, đặc biệt là rất sợ đánh đêm; cách đánh tốt nhất để hạn chế hoả lực chi viện ồ ạt của địch là đánh gần, “bám thắt lưng Mỹ mà đánh”, đánh nhanh, rút nhanh.
- Thứ ba, từ trận đầu thắng Mỹ ở Núi Thành, có thể nhận thấy rằng, để thực hiện một trận đánh thành công trước một đối thủ có ưu thế về vũ khí, trang bị, hỏa lực và sức cơ động, ngoài yếu tố tinh thần dám đánh, phải có quá trình chuẩn bị chu đáo, từ yếu tố khảo sát địa hình, chuẩn bị chiến trường, nắm qui luật hoạt động của địch, lựa chọn mục tiến công ... đến việc tổ chức, bố trí, sử dụng lực lượng và áp dụng cách đánh như thế nào cho phù hợp với khả năng và trình độ kỹ thuật, chiến thuật, trang bị của bộ đội địa phương tỉnh... Trận Núi Thành chính là một trận điển hình trong tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc cơ bản như chủ động, bí mật, bất ngờ, đánh nhanh, diệt gọn, để lại nhiều kinh nghiệm về tổ chức và thực hành chiến đấu.
Nhìn lại những tháng năm đương đầu với quân Mỹ trên chiến trường miền Nam, ngẫm suy về chiến công đầu đánh quân xâm lược ở Núi Thành và tác dụng quan trọng của chiến công đó trong toàn bộ diễn biến tình hình cuộc chiến, có thể nhận thấy rằng trận Núi Thành vượt xa không gian của một trận đánh thông thường và đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước như một biểu tượng của ý chí và trí tuệ Việt Nam thời đánh Mỹ. Ý nghĩa của chiến thắng Núi Thành cùng những bài học kinh nghiệm của nó vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn; đồng thời là niền tự hào, nguồn cổ vũ động viên đối với quân và dân Quảng Nam trong sự nghiệp xây dựng quê hương hôm nay.




[1] Trích cuốn: Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Tỉnh ủy Quảng Nam: Chiến thắng Núi Thành – ý nghĩa và bài học lịch sử, Tam Kỳ, tháng 7 năm 2010.

[i] Ch thị ngày 10-5-1965 ca B Tư lệnh Quân khu 5, Lưu trữ Phòng KH-CN và MT Quân khu 5.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!