Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

TRUNG QUỐC GIÚP ĐỠ VIỆT NAM VỀ QUÂN SỰ NHỮNG NĂM 1950-1954

PGS.TS Hồ Khang
Viện lịch sử Quân sự Việt Nam
Tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trong điều kiện bị bao vây bốn bề, nhân dân Việt Nam luôn nêu cao tinh thần “tự lực cánh sinh, dựa vào sức mạnh là chính”; “muốn người ta giúp cho thì trước hết mình phải tự giúp lấy mình”[1]; đồng thời, hết sức coi trọng liên minh, đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Từ năm 1950, thế lực của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp có những biến đổi tích cực, tạo điều kiện cho Việt Nam tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các lực lượng tiến bộ trên thế giới. Từ thời điểm đó, Việt Nam đẩy mạnh vận động quốc tế, tranh thủ sự giúp đỡ của Trung Quốc, nhất là về quân sự, nỗ lực đưa cuộc kháng chiến đến đích cuối cùng.
1. Viện trợ trang thiết bị và đào tạo nhân lực quân sự
Ngay sau khi Việt Nam - Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao (1-1950), nhằm tranh thủ sự ủng hộ của Trung Quốc và Liên Xô đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang bước vào giai đoạn quyết định, Hồ Chí Minh lên đường sang Trung Quốc, “đây là chuyến đi bí mật... về danh nghĩa, đây là phái đoàn của Trung ương Đảng qua gặp Đảng Cộng sản Trung Quốc”[2]. Đến Trung Quốc, Hồ Chí Minh được Lưu Thiếu Kỳ tiếp đón, làm việc trực tiếp với Lưu Thiếu Kỳ và Chu Ðức[3]. Tại cuộc gặp, Lưu Thiếu Kỳ phát biểu: “Cuộc kháng chiến ở Việt Nam do Đảng Việt Nam lãnh đạo rất đúng và rất hay. Đảng Trung Quốc hết sức giúp đỡ Đảng Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ đó”[4]. Về yêu cầu viện trợ của Hồ Chí Minh, Lưu Thiếu Kỳ trả lời: “Chúng tôi quyết tâm chi viện cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam. Việc này sau khi Mao Chủ tịch và đồng chí Chu Ân Lai về nước, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ nghiêm chỉnh nghiên cứu nội dung và phương pháp viện trợ, chúng tôi sẽ xác định cụ thể theo yêu cầu của các đồng chí”[5].
Theo hai nhà nghiên cứu Jung Chang và Jon Halliday, tại Moscow, bàn về vấn đề viện trợ cho Việt Nam với Mao Trạch Đông, I.V.Stalin khẳng định: “Viện trợ và ủng hộ cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam thuộc trách nhiệm, nghĩa vụ của Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc”[6], bởi vì “Trung Quốc và Việt Nam có nhiều mối liên hệ trong quá khứ cũng như hiện tại”[7]. I.V.Stalin nói thêm: "Chúng tôi đã đánh xong đại chiến thế giới, còn rất nhiều vũ khí dùng chưa hết, chúng tôi có thể chở sang Trung Quốc, các đồng chí giữ lấy, trong đó có những thứ phù hợp với chiến tranh Việt Nam, các đồng chí cũng có thể chở một số sang Việt Nam”[8]; đồng thời hào phóng hứa rằng, những gì Trung Quốc chuyển cho Việt Nam sẽ được Liên Xô hoàn trả. Hồi ký của Trương Quảng Hoa[9], cũng cung cấp một thông tin tương tự về trao đổi giữa I.V.Stalin và Hồ Chí Minh xung quanh vấn đề viện trợ Việt Nam: “Chúng tôi (Stalin- TG) đã trao đổi với các đồng chí Trung Quốc, công việc viện trợ chiến tranh chống Pháp của Việt Nam chủ yếu do Trung Quốc phụ trách thích hợp hơn”[10]; “Trung Quốc ở sát Việt Nam, hiểu rõ tình hình Việt Nam hơn chúng tôi, kinh nghiệm đấu tranh của Trung Quốc càng có tác dụng làm gương đối với Việt Nam, giúp các đồng chí sẽ thuận tiện hơn”[11].
Nhà nghiên cứu Lý Kiện cho biết: Sau khi thỏa thuận với I.V.Stalin về phân công trách nhiệm ủng hộ Việt Nam chống Pháp, trở về Trung Quốc, Mao Trạch Đông nhanh chóng triệu tập Quân ủy Trung ương bàn về viện trợ Việt Nam. Trong buổi làm việc với Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông tuyên bố: “Việt Nam cần trang bị 10 đại đoàn để đánh thắng Pháp, trước mắt hãy trang bị cho 6 đại đoàn có mặt ở miền Bắc. Việt Nam có thể đưa ngay một số đơn vị sang nhận vũ khí trên đất Trung Quốc. Tỉnh Quảng Tây sẽ là hậu phương trực tiếp của Việt Nam”[12]. Theo thỏa thuận trên, tháng 4-1950, ba trung đoàn của Việt Nam (đại đoàn 308, 209, 174) sang Mông Tự (Vân Nam) Hoa Ðồng (Quảng Tây) nhận vũ khí và được Trung Quốc huấn luyện quân sự[13]. Thực hiện cam kết, Trung Quốc nhanh chóng chở vũ khí sang Cao Bằng trang bị tiếp cho hai trung đoàn khác của Việt Nam đang phải đối phó với quân Pháp trên chiến trường[14].
Đđảm bảo hậu cần và tăng cường công tác vận chuyển vật tư viện trợ cho bộ đội Việt Nam, ngày 6-8-1950, Tổng cục Hậu cần Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc thành lập văn phòng ở Nam Ninh. Sau khi quân và dân Việt Nam mở chiến dịch Biên giới (1950) và giành thắng lợi, phá vòng vây, khai thông con đường nối Việt Nam với Trung Quốc và các nước dân chủ, Đảng Cộng sản và nhân dân Trung Quốc có điều kiện ủng hộ Việt Nam mạnh mẽ hơn. Trung Quốc trở thành cầu nối, giúp Việt Nam tiếp nhận viện trợ từ Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa; vùng Quảng Tây trở thành nơi tiếp nhận hàng viện trợ cho Việt Nam.
Về viện trợ của Trung Quốc cho Việt Nam năm 1950, nhà nghiên cứu Francois Joyaux cung cấp một thông tin như sau: Sau khi Chính phủ Trung Quốc công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một hiệp định đầu tiên về viện trợ quân sự giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được ký kết tại Bắc Kinh. Theo Hiệp định này, Bắc Kinh sẽ giao 150.000 súng trường tịch thu được của Nhật và 10.000 súng cacbin Mỹ cùng với đạn dược tương ứng. Việt Minh đã bắt đầu nhận được số vũ khí này kể từ mùa Xuân (1950-TG)[15]. Tính theo một cách khác, n nghiên cứu Quang Zhai đưa ra thống kê: Từ tháng 4 đến tháng 9-1950, Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam 14.000 súng trường và súng lục, 1700 súng máy và tiểu liên, 150 súng cối, 60 khẩu pháo, 300 bazooka cùng đạn dược[16]. Theo thống kê của Việt Nam, cho đến hết năm 1950, Việt Nam đã tiếp nhận của Trung Quốc 3.983 tấn hàng viện trợ, trong đó có 1.020 tấn súng đạn (kể cả số súng đạn các đơn vị bộ đội Việt Nam sang Trung Quốc huấn luyện rồi đem về nước), 161 tấn quân trang, 20 tấn thuốc và dụng cụ quân y, 71 tấn hàng quân giới, 30 xe vận tải Môlôtôva, 2.634 tấn gạo[17]. Số hàng viện trợ nói trên chiếm 18,5% tổng số vật chất quân đội Việt Nam sử dụng trong năm 1950.
Cũng cần nói thêm rằng, do Trung Quốc còn nhiều khó khăn, Giải phóng quân Trung Quốc thiếu những trang bị hiện đại, nên không thể viện trợ cho Việt Nam một số vũ khí mà bộ đội Việt Nam đang rất cần (súng chống tăng và súng phòng không), còn trung liên Bru-nô, đại liên Ma-xim nặng và cồng kềnh, không thích hợp với tầm vóc nhỏ bé của bộ đội Việt Nam[18]; đồng thời, cũng không thể gửi sang Việt Nam các loại vũ khí hạng nặng như pháo cao xạ 37 ly, pháo lựu 105 ly[19]. Điều này cũng đã được Mao Trạch Đông thẳng thắn nói ngay từ đầu trong khi thảo luận về khả năng viện trợ với Hồ Chí Minh: “Tất nhiên các đồng chí cũng đã rõ, công nghiệp quân sự của Trung Quốc cực kỳ lạc hậu, lực lượng của chúng tôi rất có hạn, quân giải phóng đánh bại Tưởng Giới Thạch chủ yếu dựa vào sự giúp đỡ và ủng hộ của quần chúng nhân dân. Trang bị vũ khí của quân giải phóng nhân dân tuyệt đại bộ phận là do đại đội trưởng vận tải Tưởng Giới Thạch chở đến”[20]. Mặc dù vậy, số viện trợ này đã góp phần gia tăng đáng kể sức mạnh chiến đấu của một số đơn vị chủ lực Quân đội nhân dân Việt Nam.
Sự tăng cường hỏa lực thực sự làm vững mạnh thêm một quân đội giàu lòng yêu nước và tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Những năm qua, mỗi chiến sĩ chỉ ước mơ có một khẩu súng trong tay. Bây giờ không chỉ có súng, mà đạn dược cũng khá dồi dào. Sức mạnh hoả lực của trung đoàn bộ binh ta đã hoàn toàn thay đổi so với trước”[21]. Bình luận về viện trợ của Trung Quốc cho Việt Nam, tác giả cuốn sách “Tại sao Việt Nam?” A.Patti khẳng định: “Đến năm 1950, Mao đã ở trong thế có thể giúp đỡ ông Hồ qua đường biên giới phía Bắc Việt Nam. Ông Hồ không còn bị cô lập như trước, ông đã có rất nhiều đồng minh, trước hết là Trung Quốc và sau đó là Liên Xô, một sân bóng mới đã bắt đầu”[22]. A.Patti đã nhận định hoàn toàn chính xác, VNDCCH không còn đơn độc, không còn buộc phải “chiến đấu trong vòng vây”, có nhiều cơ hội tranh thủ viện trợ, tăng cường thực lực kháng chiến.
Minh chứng cho những thời cơ và khả năng mới mở ra đối với VNDCCH trong tranh thủ ủng hộ quốc tế mà Trung Quốc là đại diện, nhà nghiên cứu Micheal Clodfelter đưa ra thống kê: “Nếu như năm 1951, mỗi tháng Việt Nam nhận được từ Trung Quốc khoảng 10-20 tấn hàng/tháng, thì năm 1952, số lượng viện trợ tăng lên 250 tấn/tháng, tiếp tục tăng lên 600 tấn/tháng vào năm 1953 và 1.500 đến 4.000 tấn/tháng trong năm cuối của cuộc chiến (năm 1954)”[23]. Nhà nghiên cứu Bob Seals nhận định: Từ năm 1950 đến năm 1952, viện trợ của Trung Quốc đã giúp VNDCCH trang bị cho 7 sư đoàn[24]. Trong công trình “Vietnam at War, The History 1946-1975”, bàn về hỏa lực của quân đội Việt Nam, Phillip B. Davidson khẳng định: “Quân đội Việt Nam trở thành một lực lượng hùng mạnh được trang bị vũ khí hạng nhẹ, súng máy, vũ khí hạng nặng loại 120mm và 105mm cùng với pháo cao xạ 20mm và 40mm”[25]. Đành rằng, nhân tố con người là nhân tố quyết định sức mạnh quân sự, “người trước, súng sau”, song khi ưu thế vũ khí, trang bị được được kết hợp nhuần nhuyễn với yếu tố con người, sức mạnh quân sự sẽ được nhân lên gấp nhiều lần.
Những năm 1951-1953, Trung Quốc tiếp tục đóng vai trò chủ yếu giúp đỡ, viện trợ vũ khí, phương tiện chiến tranh, trang bị quân sự cho Việt Nam. Theo thống kê của phía Trung Quốc, trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Pháp, Trung Quốc đã viện trợ cho Việt Nam “155.000 khẩu súng các loại, 57.850 viên đạn, 3.692 khẩu pháo, hơn 1.080.000 quả đạn pháo, hơn 840.000 quả lựu đạn, 1.231 ô tô, hơn 1.400.000 bộ quân phục, 14.000 tấn lương thực, thực phẩm phụ, hơn 26.000 tấn dầu và một lượng lớn thuốc men, vật tư quân dụng khác”[26]. Một tài liệu khác cho biết: “Từ năm 1950 đến năm 1954, Trung Quốc đã giúp Việt Nam 116.000 khẩu súng các loại, 420 khẩu pháo, nhiều khí tài thông tin và công binh”[27]. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa viện trợ cho Việt Nam, Trung Quốc cải tạo mạng lưới giao thông vận tải (đường bộ và đường sắt) từ Trung Quốc sang Việt Nam; đồng thời, hỗ trợ khoảng 1.000 xe tải cho việc chuyên trở[28]. Trong tình thế bấy giờ, viện trợ của Trung Quốc về vật lực – phương tiện chiến tranh là hết sức cần thiết cho quân dân Việt Nam thúc đẩy nhanh hơn, hiệu quả hơn công cuộc kháng chiến.
Về công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ quân sự cho Việt Nam, tính đến tháng 6-1950, có 3.100 cán bộ Việt Nam được cử sang Trung Quốc học tập, bổ túc trung và sơ cấp, chỉ huy bộ binh sơ cấp, pháo binh, công binh[29]. Để thuận tiện cho việc đào tạo nguồn nhân lực quân sự giúp Việt Nam, năm 1951, Chính phủ Việt Nam thỏa thuận với Chính phủ Trung Quốc mở hai cơ sở đào tạo cho Việt Nam trên đất Trung Quốc - đó là khu học xá ở Nam Ninh và trường thiếu sinh quân ở Lư Sơn[30]. Hàng loạt cán bộ quân sự của Việt Nam như Thiếu tướng Hồ Sĩ Liêm, Thiếu tướng Phạm Dần, Thiếu tướng Hồ Sĩ Hậu… đều trưởng thành từ đây, kịp thời bổ sung nguồn nhân lực cho quân đội Việt Nam.
Từ tháng 7-1952 đến tháng 1-1953, Trung Quốc đảm nhiệm đào tạo cán bộ, nhân viên kỹ thuật, huấn luyện bộ đội cho Trung đoàn 45- trung đoàn pháo binh hạng nặng đầu tiên của quân đội Việt Nam và Trung đoàn pháo cao xạ 367. Ngoài ra, còn có hai tiểu đoàn công binh và trường sĩ quan lục quân sang học tập, huấn luyện tại Trung Quốc. Đảng và Chính phủ Trung Quốc đã cử nhiều cán bộ có kinh nghiệm đến giúp bộ đội Việt Nam học tập, như Tư lệnh Quân khu Hồ Nam Trần Canh, Tư lệnh Quân đoàn 13 Chu Hy Hán, Sư đoàn phó Sư đoàn 7 Ngô Huy Vân và nhiều cố vấn quân sự tới cấp tiểu đoàn[31]. Qua thời gian luyện tập, được bắn đạn thật, bộ đội Việt Nam tiến bộ rất nhanh. Ngoài chiến thuật công kiên, bộ đội Việt Nam còn học “đánh vận động dã ngoại, có hiệp đồng bộ binh, pháo binh, cách đánh "vị thành đả viện" (vây thành đánh quân cứu viện), "nhất điểm lưỡng diện" (một điểm, hai mặt), tổ chức "tứ tổ, nhất đội" (bốn tổ, một đội)”[32]. Về chiến thuật, kỹ thuật, các đơn vị bộ đội Việt Nam được “phía Trung Quốc huấn luyện thêm về chiến thuật công kiên, đặc biệt là kỹ thuật đánh bộc phá”[33], cụ thể là 5 kỹ năng lớn: Đánh bộc phá, xây dựng công sự, bắn súng, đâm lê, ném lựu đạn. Bộ đội Việt Nam còn được làm quen với tác phong chiến đấu của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc như "tứ khoái, nhất mạn" (bốn nhanh, một chậm), "mãnh đả, mãnh xung, mãnh truy" (đánh mạnh, xung phong mạnh, truy kích mạnh)[34]… Quân đoàn 13 của Trung Quốc cử một tiểu đoàn pháo binh đến giúp Đại đoàn 308 học tập sử dụng pháo 70 ly, 57 ly, ĐKZ[35]… Trong đào tạo, huấn luyện và bồi dưỡng cán bộ quân sự Việt Nam, phía Trung Quốc  nhiệt tình, tận tâm, góp phần nâng cao trình độ tác chiến của Quân đội nhân dân Việt Nam.
2. Cố vấn quân sự Trung Quốc ở Việt Nam
Tháng 3-1950, trên đường từ Liên Xô trở về Việt Nam, dừng chân tại Bắc Kinh, trong cuộc hội đàm với Chu Ân Lai, Hồ Chí Minh đề nghị Trung Quốc cử cố vấn hỗ trợ Việt Nam. Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc sẽ là cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhân dân Việt Nam với Đảng, nhân dân Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt liên quan tới phương diện viện trợ nguồn lực cần thiết, kịp thờichia sẻ kinh nghiệm cách mạng của Trung Quốc cho công cuộc kháng chiến chống thực dân  Pháp của nhân dân Việt  Nam. Trên ý nghĩa đó, phía Trung Quốc đồng ý cử cố vấn sang giúp Việt Nam tác chiếncông tác[36] trên tinh thần “cần bao nhiêu cấp bấy nhiêu, quyết không giảm bớt, mà còn phải chọn, điều động cho tốt cán bộ cử đi”[37]; đồng thời, đề ra 6 tiêu chí nghiêm ngặt trong tuyển chọn[38]. Bốn lãnh đạo Đoàn cố vấn gồm La Quý Ba (Trưởng đoàn cố vấn), Vi Quốc Thanh (Trưởng đoàn cố vấn về quân sự), Mai Gia Sinh (cố vấn về công tác tham mưu), Mã Tây Phu (cố vấn về công tác hậu cần) được Trung ương Đảng, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc cân nhắc, lựa chọn[39]. Theo Xiaobing Li, tổng số Đoàn cố vấn có 281 người, gồm những cán bộ có nhiều kinh nghiệm về công tác tài chính, kinh tế, dân vận và chỉ huy chiến đấu[40]. Trao đổi với Lã Quý Ba trước khi Lã Quý Ba được cử sang Việt Nam, Mao Trạch Đông căn dặn: “Làm Tổng cố vấn không thể rập khuôn theo kiểu của Liên Xô, mà Việt Nam cũng không phải là Trung Quốc, đồng chí không thể rập khuôn theo kiểu Trung Quốc. Mọi việc phải xuất phát từ thực tế Việt Nam, phải thật thà, thành khẩn trước mặt mọi người, giới thiệu kinh nghiệm thành công của cách mạng Trung Quốc, cũng phải nói đến bài học thất bại”[41].
  Tháng 7-1950, Đoàn cố vấn quân sự (gồm 79 người và một số trợ lý) chính thức được thành lập tại Nam Ninh. Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc soạn thảo bộ Quy tắc công tác của Đoàn cố vấn quân sự, đề ra những chuẩn tắc, yêu cầu rõ ràng trong công tác và hành động. Ngày 9-8-1950, Đoàn cố vấn quân sự từ Nam Ninh lên đường, để giữ bí mật, lấy tên là Đoàn công tác Hoa Nam[42]. Về tổ chức, Đoàn cố vấn được chia thành các tổ cố vấn quân sự, chính trị và hậu cần.
Đây là lần đầu tiên Đảng Cộng sản Trung Quốc cử cố vấn quân sự ra nước ngoài; do vậy, tại buổi gặp mặt các thành viên (tại Bắc Kinh) trước khi  Đoàn lên đường sang Việt Nam, Mao Trạch Đông phát biểu: "Hồ Chí Minh và nhiều người Việt Nam đã từng tham gia và giúp đỡ cho cuộc đấu tranh cách mạng của Trung Quốc, có người còn đổ máu hy sinh. Bây giờ các đồng chí sang giúp đỡ cuộc đấu tranh chống Pháp của họ là hoàn toàn nên"[43]. Mao Trạch Đông căn dặn: "Làm cố vấn chính là làm tham mưu, không được bao biện làm thay, cũng không thể làm "Thái Thượng Hoàng" chỉ tay năm ngón"[44]. Chu Ân Lai cụ thể hóa cơ chế hoạt động: "Về sinh hoạt Đảng vẫn thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo, nhưng về công tác thì các đồng chí lấy tư cách cố vấn mà tiến hành. Làm việc ở cơ quan nào thì do đồng chí Việt Nam phụ trách cơ quan đó mà lãnh đạo"3. Thực tế, những lời căn dặn từ Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai đối với cố vấn Trung Quốc mang ý nghĩa chỉ đạo phương hướng hành động, hình thành những nguyên tắc phối hợp hoạt động để Đoàn công tác giữ đúng vai trò cố vấn.
Những năm 1950-1954, Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc công tác bên cạnh Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, phát huy nhiệm vụ được giao, đã tham gia nhiều ý kiến đối với các hoạt động tác chiến của bộ đội chủ lực Việt Nam trên chiến trường chính Bắc Bộ. Trong tổng số 50 chiến dịch lớn nhỏ, Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc tham gia bảy chiến dịch[45], trực tiếp giúp đỡ một số đơn vị chủ lực Việt Nam tác chiến. “Hầu hết các chiến dịch đều giành thắng lợi, có chiến dịch thắng lợi vượt mức kế hoạch đề ra như chiến dịch Biên giới, nhưng cũng có chiến dịch không đạt yêu cầu chiến lược như ba chiến dịch đầu năm 1951”[46]. Sở dĩ có một số “chiến dịch không đạt yêu cầu chiến lược” một phần bởi chiến thuật của cố vấn Trung Quốc không phù hợp với quy mô, trang bị của Quân đội Việt Nam vốn nhỏ hơn nhiều so với quân đội Trung Quốc. Đến chiến dịch Hòa Bình (1952), các cố vấn Trung Quốc không tham gia mà tập trung ở vùng Ba Bể, Bắc Cạn, để chỉnh huấn chính trị. Từ đó về sau, vai trò của cố vấn Trung Quốc thực ra chỉ dừng ở mức tham khảo ý kiến mà thôi.
Quan hệ giữa cố vấn Trung Quốc với chỉ huy và chiến sĩ Việt Nam khá tốt. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại: “Quan hệ giữa chúng tôi và các chuyên gia quân sự Bạn từ sau Chiến dịch Biên giới tới giờ, nhìn chung là tốt đẹp. Bạn đã giúp chúng ta nhiều kinh nghiệm quý rút ra từ cuộc chíến tranh cách mạng của Trung Quốc và chiến tranh chống Mỹ ở Triều Tiên”[47]. Khi làm việc với cố vấn Trung Quốc, phía Việt Nam, “từ Bộ Tổng tư lệnh đến các đại đoàn đều trân trọng nghiên cứu ý kiến của bạn, nhất là những kinh nghiệm về cách đánh công sự vững chắc. Nhưng đồng thời Quân ủy Trung ương và riêng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp cũng luôn căn cứ vào thực tế trình độ tác chiến của bộ đội ta mà vận dụng những ý kiến và kinh nghiệm của bạn cho phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, nhằm bảo đảm chắc thắng đồng thời hạn chế tổn thất ở mức thấp nhất”[48]. Đến tháng 10-1954, tổng số cố vấn quân sự Trung Quốc ở Việt Nam là 237 người, đa số là các nhân viên làm công tác đảm bảo, như cung cấp, y vụ, điện đài. Đến tháng 8-1955, chỉ còn lại các tổ cố vấn quân sự, hậu cần, chính trị, pháo binh, công binh, hàng không dân dụng với vài chục nhân viên kỹ thuật và cố vấn. Thực hiện chỉ thị giải thể Đoàn cố vấn của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (sau khi kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam kết thúc), nhân viên Đoàn cố vấn quân sự chia thành ba đợt rút về nước. Các chuyên gia quân sự và nhân viên kỹ thuật được mời làm chuyên gia, chuyển sang cho Phòng Tùy viên quân sự lãnh đạo (theo chế độ chuyên gia). Đảng, Chính phủ Việt Nam đánh giá cao sự đóng góp của Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc. Nhân dịp Quốc khánh Việt Nam, ngày 2-9-1953, Đảng, Chính phủ Việt Nam đã “trao huân chương anh hùng, chiến sĩ thi đua và huân chương kháng chiến cho hơn 30 cố vấn và nhân viên công tác; đồng thời, tặng kỷ niệm chương kháng chiến cho 397 nhân viên Đoàn cố vấn”[49].
3. Trung Quốc với chiến dịch Điện Biên Phủ 1954
Sau thắng lợi của chiến dịch Tây Bắc (1952) và chiến dịch Thượng Lào (1953), cục diện chiến tranh chuyển biến mạnh mẽ theo chiều hướng có lợi cho VNDCCH. Qua gần tám năm vừa xây dựng, vừa chiến đấu (1946-1953), lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng[50], “có khả năng chống chọi với những gì tốt đẹp nhất mà nước Pháp có thể đưa ra trong cuộc đối đầu”[51]. Với chủ trương ''chứng minh cho Việt Minh thấy rằng nếu như chúng ta (tức phía Pháp -TG) không thắng trong cuộc chiến tranh thì họ cũng không có hy vọng gì thắng ta bằng quân sự và do đó cần phải thương lượng''[52], Điện Biên Phủ được người Pháp xây dựng thành một tập đoàn cứ điểm mạnh chưa từng có trong cuộc chiến tranh Đông Dương, thực hiện nhiệm vụ chốt giữ, phòng thủ, phân tán một bộ phận quan trọng khối chủ lực cơ động của đối phương. Điện Biên Phủ, giờ đây trở thành “điểm hẹn lịch sử”, nơi diễn ra cuộc đọ sức quyết liệt, mà nếu như về phía VNDCCH, nó phải trở thành trận quyết chiến lược đánh bại ý chí duy trì thuộc địa Đông Dương của Pháp, buộc Pháp phải hòa đàm, cuốn cờ, rút quân, thì đối với với phía Pháp, đó lại là canh bạc mà “cái được đem ra đặt cược không phải chỉ là số phận của quân đội Pháp tại Đông Dương, vai trò của nước Pháp ở Đông Nam Á, mà còn là sự duy trì thuộc địa Việt Nam và trên một chừng mực nào đó cả nước Lào và Cao Miên trong phe những nước không cộng sản”[53].
Nói như vậy để thấy rằng, thắng lợi hay thất bại trong trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ sẽ quyết định số phận và toan tính của mỗi bên tham chiến. Do tầm quan trọng đặc biệt của chiến dịch, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Chính phủ, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam hết sức quan tâm đến công tác huy động, cung cấp lương thực, vũ khí đạn dược, trang bị vật chất cho mặt trận. Khối lượng vật chất bảo đảm cho chiến dịch lên tới 20.000 tấn, trong đó có 1.200 tấn đạn, 1.783 tấn xăng dầu, 14.950 tấn gạo, 268 tấn muối, 577 tấn thịt, 1.034 tấn thực phẩm và 177 tấn vật chất khác[54]. Đóng góp vào nỗ lực đó, Trung Quốc đã giúp đỡ cho Việt Nam khá chu đáo, từ đạn dược đến gạo muối. Nhà nghiên cứu Micheal Clodfelter đưa ra số liệu về sự chi viện của Trung Quốc trong 8 tuần chiến dịch Điện Biên Phủ như sau: “Trung Quốc cung cấp 8.286 tấn vật tư, bao gồm 4.620 tấn xăng dầu, 1.360 tấn đạn dược , 46 tấn vũ khí và 1.700 tấn gạo[55]. Một thống kê khác của Trung Quốc cho biết: Riêng chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung Quốc đã viện trợ cho Việt Nam tổng cộng hơn 200 ô tô, hơn 10.000 thùng dầu, hơn 3000 khẩu súng các loại, 2.400.000 viên đạn, hơn 100 khẩu pháo các loại, hơn 60.000 viên đạn pháo và đạn hỏa tiễn, 1.700 tấn lương thực, ngoài ra còn có một lượng lớn thuốc men, khí tài, thuốc nổ[56].
Theo các tư liệu từ phía Việt Nam, trước yêu cầu cấp bách của trận chiến, Trung Quốc đã viện trợ 1.700 tấn gạo, bằng 6,8% tổng số gạo huy động cho chiến dịch[57], chi viện 3.600 viên đạn pháo 105 ly (đó là cơ số đạn đi theo 24 khẩu pháo viện trợ đưa về Việt Nam từ cuối năm 1953), chiếm 18% tổng số đạn pháo sử dụng[58], sau vét ở các kho chuyển thêm cho Quân đội nhân dân Việt Nam 7.400 viên đạn 105 ly[59], dù đạn pháo 105 ly của Trung Quốc đã trở nên khan hiếm sau chiến tranh Triều Tiên (vì điều kiện vận chuyển khó khăn, 7.400 viên đạn này đến tháng 5 năm 1954 mới tới, khi trận đánh đã kết thúc). Trong những ngày cuối chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung Quốc còn giúp trang bị cho một tiểu đoàn ĐKZ 75mm và 12 dàn hỏa tiễn (cachiusa) 6 nòng[60] - loại hỏa lực mạnh nhất mà Quân đội nhân dân Việt Nam có được lúc bấy giờ. Hai tiểu đoàn này đã kịp thời tham gia đợt tổng công kích cuối cùng diễn ra chiều ngày 6 tháng 5 năm 1954 và đã sử dụng 1.136 viên đạn.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đẩy mạnh công tác huấn luyện bộ đội Việt Nam. Sau sáu tháng được tích cực bồi dưỡng ở Mông Tự (Vân Nam) và Tân Dương (Quảng Tây), được Trung Quốc trang bị toàn bộ vũ khí của Liên Xô, Trung đoàn pháo binh 45 và Trung đoàn pháo cao xạ 367 trở về nước tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. “Trước khi về nước, cán bộ và chiến sĩ đã nắm vững chiến thuật và kỹ thuật. Đây là một lực lượng đáng tin cậy để hạn chế hoạt động của không quân địch”[61].
Chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, Tham mưu trưởng Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc Mai Gia Sinh, Trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc Vi Quốc Thanh  và một số cán bộ, cố vấn tham mưu, chính trị, hậu cần tích cực tham gia cùng với các tướng lĩnh Việt Nam trong các khâu khảo sát, lên kế hoạch và chuẩn bị chiến trường. Về phương án tác chiến, sau khi cân nhắc thuận lợi và khó khăn về cách đánh cũng như về khả năng bảo đảm hậu cần, ngày 9-12-1953, các cố vấn Trung Quốc đề nghị chọn phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” trong hai phương án[62] được đặt ra. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu kế hoạch tác chiến “đánh chắc, tiến chắc” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; đồng thời, phân tích và quan sát tình hình thực tế, ngày 26-1-1954, Trưởng đoàn cố vấn Vi Quốc Thanh đã hoàn toàn ủng hộ phương án của Đại tướng: “Tôi đồng ý với Võ Tổng. Tôi sẽ làm việc với các chuyên gia”[63]. Sau khi nhất trí với chủ trương thay đổi phương châm chiến dịch, các cố vấn Trung Quốc “đều bày tỏ quyết tâm đồng cam cộng khổ, đem hết trí tuệ và năng lực giúp bộ đội Việt Nam giành toàn thắng”[64]. Để đóng góp thêm cho Việt Nam về kinh nghiệm tác chiến trong một chiến dịch quan trọng như vậy, Vi Quốc Thanh “đề nghị Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tham mưu Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc gửi gấp những tài liệu tổng kết kinh nghiệm chiến đấu mới nhất ở Triều Tiên, nhất là kinh nghiệm xây dựng trận địa và chiến đấu đường hầm, kể cả cuốn Thượng Cam Lĩnh để bộ đội Việt Nam tham khảo”[65].
Trong quá trình chuẩn bị chiến địch theo phương châm mới, các cố vấn Trung Quốc (Vi Quốc Thanh, Mai Gia Sinh) trực tiếp giới thiệu cách xây dựng trận địa tiến công và bao vây cho cán bộ Việt Nam trên cơ sở kinh nghiệm của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc trong chiến dịch Hoài Hải và của Quân chí nguyện Trung Quốc ở Triều Tiên; hướng dẫn công binh Việt Nam xây dựng trận địa mẫu để cán bộ các đơn vị tham quan học tập, hướng dẫn cụ thể cho cán bộ Việt Nam ở thực địa[66]. Đại tá Nguyễn Minh Phương – nguyên Trợ lý Ban chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, người trực tiếp phiên dịch cho các cố vấn Trung Quốc nhớ lại: “Ở các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần cũng như ở các binh chủng, các đơn vị chiến đấu, trước cũng như sau khi thay đổi phương châm chiến dịch, các cố vấn quân sự Trung Quốc đã giúp bộ đội Việt Nam một cách chân thành, tích cực, tận tình, không nề hà hiểm nguy gian khổ”[67]. Như vậy, trong chiến thắng chung cuộc của sự kiện lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, có dấu ấn và những đóng góp đáng ghi nhận của nước đồng minh Trung Quốc.
4. Đôi điều luận giải và suy ngẫm  
Trong quãng thời gian chống Pháp 9 năm gian khó, toàn thể nhân dân Việt Nam đã đồng cam, cộng khổ, phấn đấu không mệt mỏi cho mục tiêu độc lập, tự do. Hy vọng về một ngày toàn thắng và một tương lai tươi sáng đã nâng đỡ bước chân dân tộc tiến về phía trước. Trong chặng đường đầy chông gai, thử thách, trên nền tảng chính nghĩa của cuộc kháng chiến, nhân dân Việt Nam không đơn độc. Kề vai, sát cánh cùng với Việt Nam luôn có các lực lượng dân chủ thế giới. Việt Nam nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình và to lớn từ các nước trong “đại gia đình dân chủ”, trong đó có Trung Quốc.
Mặc dù có sự cách biệt số liệu viện trợ trong thống kê của Trung Quốc và Việt Nam, khác biệt trong cách đo lường, tính toán và cách nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, song về tổng thể, có thể khẳng định rằng, viện trợ của Trung Quốc cho Việt Nam những năm 1950-1954 là đáng ghi nhận, có hiệu quả. Đặc biệt, trong điều kiện gian khổ, thiếu thốn của cuộc kháng chiến, viện trợ của Trung Quốc càng trở nên hết sức quan trọng, nhất là khi sự giúp đỡ ấy được dồn vào hai thời điểm có tính chất bước ngoặt: 1- Năm 1950 - khai thông biên giới, mở ra cánh cửa cho Việt Nam tiếp xúc với các nước dân chủ; 2- Năm 1954 - chiến thắng Điện Biên Phủ, dẫn tới việc ký kết Hiệp định Giơnevơ lập lại hòa bình ở Đông Dương, giải phóng miền Bắc Việt Nam.
Bàn về sự giúp đỡ của Trung Quốc cho Việt Nam những năm Việt Nam gồng mình kháng Pháp, các nhà nghiên cứu đứng trên những lập trường khác nhau thường đặt câu hỏi về vấn đề lợi ích quốc gia, chủ nghĩa quốc tế vô sản, vấn đề ý thức hệ…; dựa trên đó lý giải nguyên nhân, lý do viện trợ. Trả lời cho những câu hỏi nêu trên, xuất hiện hai khuynh hướng chủ yếu: Một là, nhấn mạnh yếu tố dân tộc chủ nghĩa – giúp đỡ đi kèm với lan tỏa ảnh hưởng và “thôn tính” bằng nhiều phương cách; hai là, dựa trên yếu tố ý thức hệ - yếu tố vừa là đặc trưng, vừa là di sản của thời kỳ chiến tranh Lạnh. Hai khuynh hướng trên đây đều có những hạt nhân hợp lý nhất định, song nhấn mạnh bất kỳ một khuynh hướng nào cũng đều khiên cưỡng, thiên kiến. Nhìn chung, chính sách Đông Dương của Trung Quốc, chính sách ủng hộ, viện trợ cho Việt Nam được xây dựng/ra đời và vận hành/thực hiện trên cơ sở tổng hòa những yếu tố khách quan, chủ quan, từ thực tiễn địa – chính trị, nền tảng ý thức hệ, lợi ích phe phái, lợi ích quốc gia, hoàn cảnh, yêu cầu lịch sử - chính trị cụ thể, cho đến các mối quan hệ và tính cách cá nhân của những nhà lãnh đạo đứng đầu hai quốc gia. Nói cách khác, quyết định giúp đỡ Việt Nam của Mao Trạch Đông là kết quả của những tính toán và cân nhắc cẩn trọng, có thể được coi là hết sức đặc biệt, soi chiếu trong điều kiện Trung Quốc mới giải phóng, đang phải đương đầu với rất nhiều khó khăn và sự nghiệp “kháng Mỹ, viện Triều” khiến Trung Quốc hao tổn không ít nguồn lực, thậm chí buộc Trung Quốc phải hoãn kế hoạch giải phóng Đài Loan[68].
Ở bài viết này, chúng tôi không đi sâu vào khía cạnh nêu trên của vấn đề. Trên tinh thần “lịch sử chỉ có một” và luôn là tấm gương soi chiếu công bằng, chân thực, hiểu biết về lịch sử để đi đúng hướng ở hiện tại, chúng tôi muốn đề cập một chiều cạnh khác – tính hai mặt trong sự vận động khách quan của quá trình lịch sử. Theo đó, cần thấy rằng, sự viện trợ của Trung Quốc, sự hiện diện của cố vấn Trung Quốc, dù sao đi nữa, cũng có những ảnh hưởng nhất định không chỉ tới nhịp độ của cách mạng Việt Nam, mà còn cả tới một số chiến lược cách mạng nhất định. Nên nhớ rằng, lịch sử, ngay cả lịch sử anh hùng nhất, cũng không đơn giản là những sự kiện được liệt kê thành chuỗi ngày tháng, như thể được chụp lại thành những hồi tưởng đơn giản trên trang sách. Lịch sử là một quá trình phức hợp, mà mỗi nhân tố của lịch sử đều không ngừng vươn lên khẳng định tính chủ thể của mình. Là người nghiên cứu, cần thấy rằng, chính quyền cách mạng Việt Nam lúc đó cùng lúc phải đối mặt với một loạt các vấn đề lịch sử phức tạp, mà để có thể giải quyết hiệu quả những vấn đề này, điều có ý nghĩa quyết định là phải động viên cao độ sức mạnh của toàn dân tộc, nghĩa là phải “tự lực cánh sinh”. Nhưng bên cạnh đó, lại cũng rất cần nỗ lực vận động quốc tế, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của bè bạn, đồng minh, kể cả việc tham khảo, tiếp thu kinh nghiệm của các nước. Tuy nhiên, và chắc chắn rằng, để tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế cũng như tiếp thu có hiệu quả kinh nghiệm của nước khác, phải giữ vững đường lối độc lập, tự chủ, phải xuất phát từ lợi ích quốc gia, dân tộc…
Những tiếp thu kinh nghiệm Trung Quốc của Việt Nam đầu tiên là trong lĩnh vực tư tưởng và quân sự. Ngoài việc học tập kỹ thuật, chiến thuật, bộ đội Việt Nam cũng được học tác phong chiến đấu, tư tưởng quân sự của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc; đồng thời, công tác giáo dục chính trị, công tác xây dựng Đảng được đẩy mạnh từng bước[69], nhằm nâng cao “trình độ giác ngộ giai cấp”, làm “xoay chiều tư tưởng” cán bộ, chiến sĩ. Theo William Duiker, các cố vấn quân sự của Trung Quốc đã xúc tiến trong quân đội Việt Nam một chiến dịch nghiên cứu kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ cuộc chiến tranh chống Nhật Bản và Quốc Dân Đảng[70]. Các tác phẩm về chiến tranh nhân dân của Mao Trạch Đông (Đánh lâu dài, Chính phủ liên hiệp, Mâu thuẫn luận, Thực tiễn luận, Báo cáo quân sự của Chu Đức...), trong thời gian đó, được phổ biến rộng rãi đối với hàng ngũ cán bộ quân đội Việt Nam. Qua những chiến dịch như vậy, tư tưởng Mao Trạch Đông dần dần thâm nhập vào hàng ngũ cán bộ quân sự, dân chính Việt Nam. Năm 1952, tại Đại hội II Đảng Lao động Việt Nam, Điều lệ Đảng đã ghi nhận tư tưởng Mao Trạch Đông.
Về kinh tế, Mao Trạch Đông và Lưu Thiếu Kỳ chỉ thị cho Đoàn cố vấn: “Biện pháp trưng thu công lương, thu hồi tiền tệ về ngân hàng và phát triển sản xuất mà Trung Quốc áp dụng trong thời kỳ chiến tranh chống Nhật và chiến tranh giải phóng về cơ bản thích dụng với Việt Nam, có thể cung cấp để các đồng chí ấy tham khảo”[71]. Tuân thủ chỉ thị, Đoàn cố vấn Trung Quốc đã “giới thiệu và vận dụng kinh nghiệm của Trung Quốc để giúp Việt Nam từ chính sách, phương châm, điều lệ, chế độ, nội quy của công tác tài chính kinh tế cho đến biện pháp thực thi cụ thể”[72]. Trong cuốn Hồi ký “Ghi chép thực về Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp”, Vương Nghiên Tuyền – một trong những cán bộ trong Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc thừa nhận: Trước Hội nghị Trung ương 4 (1-1953)[73], “Chủ tịch Mao Trạch Đông đã nhiều lần nêu kiến nghị với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo khác của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam về việc thực hành giảm tô, giảm tức, giảm nhẹ gánh nặng của nông dân, cải thiện đời sống nông dân ở vùng giải phóng Việt Nam”[74]. Vương Nghiên Tuyền cho biết thêm về quan điểm của Đoàn cố vấn: “Các cố vấn Trung Quốc trong Quân đội nhân dân Việt Nam cũng sớm cảm thấy nếu không thực hành giảm tô, giảm tức, phát động hơn nữa nhiệt tình của nông dân tham gia chiến đấu thì muốn kiên trì cuộc chiến tranh chống Pháp lâu dài đến thắng lợi cuối cùng là có khó khăn”[75].
Đối với vấn đề cải cách ruộng đất, nhà sử học Yinghong Cheng cung cấp một thông tin đáng lưu ý và suy ngẫm: “Trung Quốc bắt đầu hối thúc các đồng chí Việt Nam thực thi cải cách ruộng đất … ngay từ mùa Hè năm 1949”[76].Theo quan điểm của những người cộng sản Việt Nam, để không phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc, chưa nên vội làm cải cách ruộng đất, trước mắt chỉ thực hiện giảm tô, giảm tức, tạo điều kiện vận động và đưa tầng lớp tinh hoa nông thôn vào Mặt trận dân tộc. Dưới áp lực của việc đẩy mạnh kháng chiến trên đà thắng lợi, kéo theo nhu cầu nhận viện trợ mỗi lúc một gia tăng; đồng thời, chịu tác động của những quan điểm “cứng rắn” từ Ban lãnh đạo các nước đồng minh, mùa Hè năm 1952, sau khi đi Trung Quốc và Liên Xô về, Hồ Chí Minh chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương lần thứ 4 (khóa II, 1-1953), quyết định cải cách ruộng đất, quán triệt tinh thần “phải ra sức phát động quần chúng nông dân, làm cho quần chúng tự giác tự nguyện đứng ra đấu tranh triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức và giành lấy ưu thế chính trị ở nông thôn”[77]. Phát biểu tại lớp chỉnh Đảng Trung ương khóa II (10-4-1953), Hồ Chí Minh khẳng định: “Ta còn khuyết điểm trong việc thi hành chính sách ruộng đất (…). Đảng, Chính phủ quyết tâm phát động quần chúng triệt để thi hành chính sách ruộng đất”[78].
Thực hiện chủ trương trên, Trung Quốc cử Đoàn cố vấn hỗ trợ Việt Nam cải cách ruộng đất, bao gồm cố vấn công an, cố vấn tổ chức, cố vấn tuyên truyền, do Kiều Hiểu Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Tây làm Trưởng đoàn, đem các nề nếp từ Trung Quốc sang, đem kinh nghiệm chỉnh đảng, chỉnh phong từ Diên An áp đặt vào Việt Nam. Cùng với sự giúp đỡ của các cố vấn Trung Quốc, Việt Nam áp mô hình “thổ cải” của Trung Quốc vào cải cách ruộng đất, luận tội phú nông, địa chủ yêu nước đã từng hiến ruộng, nuôi cách mạng; đánh tan lớp trung nông - người sản xuất giỏi nhất, biến phú nông, trung nông thành kẻ thù giai cấp, đi ngược lại chủ trương tập hợp lực lượng mà Đảng Cộng sản Việt Nam vốn đã đề ra ngay từ khi mới ra đời. Việc áp đặt giáo điều các biện pháp rập khuôn từ cải cách ruộng đất của Trung Quốc, mà không cân nhắc kĩ hoàn cảnh cụ thể Việt Nam, đã gây ra nhiều phương hại và tổn thất, tạo nên không khí căng thẳng tại nông thôn miền Bắc, “làm cho uy tín của Đảng và Chính phủ bị giảm sút trong quần chúng một phần nào, tinh thần phấn khởi và lòng tin tưởng của cán bộ và quần chúng bị hạn chế, tình đoàn kết trong nông dân lao động tạm thời bị sút kém, và quan hệ trong Mặt trận dân tộc thống nhất có lúc bị ảnh hưởng” [79].
Bên cạnh đó, diễn ra dồn dập các đợt chỉnh huấn, chỉnh quân, nhằm “nâng cao giác ngộ chính trị cho cán bộ và chiến sĩ về ý thức giai cấp, về nhiệm vụ cách mạng của Quân đội nhân dân”[80], nhưng lại đề cao việc bồi dưỡng tư tưởng Mao Trạch Đông[81]. Cùng với “chỉnh quân”, Đảng Lao động Việt Nam tiến hành “chấn chỉnh tổ chức, tư tưởng, tác phong của Đảng”, biến cuộc “chỉnh đảng” thành đánh "địch" khắp nơi trong Đảng, “đả kích vào nội bộ Đảng và một bộ phận nông dân lao động, gây nên những tổn thất nghiêm trọng”[82]; trong đó, thất bại “đau đớn nhất là về mặt tổ chức đảng (…). Kết quả là trong một thời gian tương đối dài, một số cơ sở của ta ở nông thôn bị tạm thời suy yếu, sự đoàn kết trong nhiều đảng bộ bị tổn thương nặng”[83].
Lịch sử là một dòng chảy, có điểm bắt đầu và tiếp nối, phản ánh tính đa diện của hiện thực khách quan. Tái hiện lại bức tranh lịch sử, từ những thành công, thất bại, được và mất của ngày hôm qua, không thể không có những ưu tư về hiện tại. Rập khuôn, máy móc hay mơ hồ, ấu trĩ, tả khuynh để tính hướng đích chính trị đơn thuần lấn át những chuẩn mực khoa học, những chuẩn mực giá trị của cộng đồng và dân tộc, bỏ qua những kinh nghiệm lịch sử xương máu; có thể, một lần nữa, chúng ta sẽ phải tự vấn trước tương lai.





[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.6, tr. 522
[2] Ðại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tập hồi ký, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.629.
[3] Lúc này, Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai đang ở Liên Xô chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp ước hợp tác hữu nghị Trung –Xô.
[4] Tư liệu nghiên cứu về quan hệ của Trung Quốc với Việt Nam 1949-1979, Cục Nghiên cứu Bộ Quốc phòng, bản đánh máy, t.1, tr. 29
[5] Ghi chép thực về Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, Nxb. Lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bắc Kinh, 2002 (Trần Hữu Nghĩa, Dương Danh Dy dịch; Dương Danh Dy hiệu đính), tr.18.
[6] Jung Chang and Jon Halliday, Mao: The Unknown Story, (New York, NY: Alfred A. Knopf, 2005), p. 482.
[7] Lý Kiện (Chủ biên): Trung – Xô – Mỹ cuộc đối đầu lịch sử, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2008, tr. 527.
[8] Lý Kiện (biên soạn,), Trung – Xô – Mỹ cuộc đối đầu lịch sử, Sdđ, tr. 527
[9] Một trong những cố vấn thuộc Đoàn cố vấn Trung Quốc tại Việt Nam, phụ trách công tác thống kê, kiểm giao viện trợ.
[10] Ghi chép thực về Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, Sđd, tr.33.
[11] Ghi chép thực về Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, Sđd, tr.34.
[12] Lý Kiện (Chủ biên): Trung – Xô – Mỹ cuộc đối đầu lịch sử, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2008, tr.527.
[13] Yang Kuisong: Changes in Mao Zedong's Attitude toward the Indochina War, 1949-1973, Cold War International History Project, Wilson Center, p.5.
[14] Ðại tướng Võ Nguyên Giáp-Tổng tập hồi ký, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2006, tr.624.
[15] Francois Joyaux: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1981, tr. 82-83.
[16] Quang Zhai, China and the Vietnam Wars, 1950-1975 (Chapel Hill, Univ. of North Carolina Press, 2000), p.20.
[17] Hồ sơ viện trợ quốc tế, lưu trữ tại Tổng cục hậu cần, cặp số 20,21.
[18] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011, t.4, tr.55.
[19] Trung Tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, Thống kê Tổng hợp tình hình tiếp nhận viện trợ từ năm 1950 đến ngày 20 tháng 5 năm 1954, Tập báo cáo nhu cầu viện trợ của Trung Quốc cho Việt Nam từ 1952- 1954, Hồ sơ 651, Phông Bộ Quốc phòng, tờ số 102.
[20] Ghi chép thực về Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, Sđd, tr.37.
[21] Võ Nguyên Giáp, Tổng tập Hồi ký, Sđd, tr. 625.
[22]Archimedes Patti: Tại sao Việt Nam? Nxb. Đà Nẵng, 1995, tr. 397.
[23] Micheal Clodfelter, Vietnam in Military Statistics, A History of the Indochina Wars, 1772-1991, (Jefferson, NC: McFarland & Co, Inc., 1995), p.12. Chúng tôi chưa có điều kiện kiểm chứng, song viện dẫn một cách tính khác để có thêm nhiều nguồn đối sánh: Theo thống kê của Việt Nam, từ năm 1950 đến năm 1954, Việt Nam nhận được 3,983 tấn, năm 1951 là 6.086 tấn, năm 1952 là 2.156 tấn, năm 1953 là 4.400 tấn, năm 1954 (từ tháng 1 đến tháng 6) là 4.892 tấn. Về chủng loại bao gồm: 4.253 tấn vũ khí đạn dược, 73 tấn hàng quân giới, 5.069 tấn hàng vận tải, 9.590 tấn gạo, 1.505 tấn hàng quân trang, 157 tấn hàng quân y, 200 tấn hàng thông tin, 40 tấn hàng công binh. Một số loại trang bị chính: 715 xe ô tô vận tải; 24 khẩu pháo 105 mm với 1.100 viên đạn; 48 khẩu sơn pháo 75 mm với 32.484 viên đạn; 76 khẩu cao xạ 37 mm với 51.620 viên đạn. Trong số vũ khí trang bị kể trên, ngoài ô tô vận tải, pháo cao xạ, hỏa tiễn 6 nòng, tiểu liên K50 là của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, còn các loại vũ khí bộ binh, pháo 105 mm, 75 mm, lương thực là do Chính phủ và nhân dân Trung Quốc viện trợ (Nguồn: Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị. Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và bài học, Nxb CTQG, Hà Nội, 1996, tr.459). Theo cuốn Bách khoa tri thức quốc phòng toàn dân (Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003): Gạo, thực phẩm từ Trung Quốc chuyển sang cho Việt Nam có trọng lượng như sau : 120 tấn (năm 1950), 776 tấn (năm 1951), 610 tấn (năm 1952), 1,516 tấn (1953), 1, 772 tấn (năm 1954) [tr.638].
[24] Bob Seals: Chinese Support for North Vietnam during the Vietnam War: The Decisive Edge, MilitaryHistoryOnline.com, 09/23/2008.
[25] Phillip B. Davidson, Lieutenant General USA, Ret., Vietnam at War, The History 1946-1975. (Novato, CA: Presidio Press, 1988), p.123.
[26] Dẫn theo Nguyễn Phương Hoa: Viện trợ của Trung Quốc đối với cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 5 (84)-2008, tr.46. Trong cuốn Ghi chép thực về Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, Trương Quảng Hoa- người đảm nhận công việc thống kê, ghi chép viện trợ của Trung Quốc cho Việt Nam lại đưa ra con số: Theo tài liệu hữu quan, Trung Quốc viện trợ viện trợ cho quân đội nhân dân Việt Nam hơn 150.000 khẩu súng, hơn 3.000 khẩu pháo và số lớn đạn dược, xe cộ, quần áo, lương thực, thực phẩm phụ và đồ dùng hằng ngày khác như màn, khăn bông, bát tráng men v.v..(tr.45-46).
[27] Tân Tử Lăng: Mao Trạch Đông ngàn năm công tội, TTX Việt Nam dịch và xuất bản, Hà Nội, 2009, tr.149.
[28]Bob Seals: Chinese Support for North Vietnam during the Vietnam War: The Decisive Edge, Ibid.
[29]Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994, t.1, tr.451.
[30]Hai cơ sở này sau chuyển về Quế Lâm và đến năm 1955 mới chuyển về Việt Nam.
[31] Lịch sử Sư đoàn 308 Quân Tiên Phong, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội,1999, tr. 59.
[32] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Sđd, t.4, tr.56.
[33] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Sđd, t.4, tr.54.
[34] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Sđd, t.4, tr.53.
[35] Lịch sử Sư đoàn 308 Quân Tiên Phong,Sdd, tr. 59.
[36] Ghi chép thực về Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, Sđd, tr.9.
[37] Ghi chép thực về Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, Sđd, tr.40.
[38] Đó là những tiêu chí: Hoàn toàn trung thực vững vàng về chính trị, tư tưởng tiến bộ, tính kỷ luật cao, tác phong đứng đắn, có thể đoàn kết cán bộ, có năng lực nghiệp vụ nhất định và có tri thức xã hội nhất định,  có trình độ văn hóa từ cấp 2 trở lên, tuổi dưới 40...Các cố vấn được đích thân các lãnh đạo đại quân thân thẩm tra, sau đó tiếp tục được Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thẩm tra, những người không đạt yêu cầu thì trả về, điều động người khác. (Nguồn: Ghi chép thực về Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, Sđd, tr.42).
[39] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Sđd, t.4, tr.56.
[40] Xiaobing Li: A History of the Modern Chinese Army, (Lexington, KY: The University Press of Kentucky, 2007), p.209.
[41] Ghi chép thực về Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, Sđd, tr.10.
[42] Có một chi tiết sau này được La Quý Ba kể lại: Trần Canh là vị tướng do chính Hồ Chí Minh điểm danh với Mao Trạch Đông đã được cử sang Việt Nam từ đầu tháng 7-1950 để cùng phía Việt Nam chuẩn bị chiến dịch Biên giới (Nguồn: Trần Trọng Trung, “Trung Quốc giúp đỡ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp”, Báo Quân đội nhân dân, ngày 2-5-2009).
[43] Sự thật về những lần xuất quân của Trung Quốc và quan hệ Việt - Trung, Nxb Đà Nẵng, 1996, tr. 22.
[44] Sự thật về những lần xuất quân của Trung Quốc và quan hệ Việt - Trung, Sđd, tr. 22.
3. Tư liệu nghiên cứu về quan hệ Trung Quốc với Việt Nam từ năm 1948 đến năm 1979, tập 1, Cục Nghiên cứu Bộ Quốc phòng, 1988, bản đánh máy, tr. 30.
[45] Đó là các chiến dịch Biên giới, Trung du, Đường 18, Hà – Nam – Ninh, Tây Bắc, Thượng Lào, Điện Biên Phủ.
[46] Trần Trọng Trung: “Trung Quốc giúp đỡ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp” (phần II), Báo Quân đội nhân dân, ngày 3-5-2009.
[47] Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 35.
[48] Trần Trọng Trung: “Trung Quốc giúp đỡ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp” (phần II), Tlđd.
[49] Ghi chép thực về Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, Nxb. Lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bắc Kinh, 2002 (Trần Hữu Nghĩa, Dương Danh Dy dịch; Dương Danh Dy hiệu đính),tr. 264.
[50] Tổng quân số bộ đội chủ lực của Bộ Tổng tư lệnh, chủ lực các liên khu và các khu, bộ đội địa phương các tỉnh, huyện lên tới 300.000 người. Khối quân chủ lực của Bộ Tổng Tư lệnh gồm 6 đại đoàn bộ binh và một đại đoàn công pháo cùng nhiều trung đoàn độc lập. Bộ đội chủ lực của Liên khu Việt Bắc, Khu Tây Bắc, Khu Tả Ngạn, Khu Hữu Ngạn, Liên khu 4, Liên khu 5 đã được tổ chức tới cấp trung đoàn. Bộ đội địa phương ở nhiều tỉnh tổ chức đến cấp tiểu đoàn, nhiều huyện đã có đại đội. Riêng Nam Bộ là nơi xây dựng bộ đội tập trung khó khăn cũng xây dựng được một số tiểu đoàn chủ lực mạnh. Ngoài ra còn có hàng chục vạn du kích khắp các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Bình-Trị-Thiên, Liên khu 5 và đồng bằng Nam Bộ (Nguồn: Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự: Lịch sử hậu cần kỹ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.251).
[51] Bernard B Fall: Hell in a Very Small Place: The Siege of Dien Bien Phu, Da Capo Press, 2002, p.4.
[52] Hăng-ri Na-va (H.Navarre). Thời điểm của những sự thật, Nxb Công an Nhân dân, Viện lịch sử quân sự Việt Nam H, 1994, tr. 90.
[53] Bernard B Fall: Hell in a Very Small Place: The Siege of Dien Bien Phu, Ibid, p.5.
[54] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự: Lịch sử hậu cần kỹ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 296.
[55] Micheal Clodfelter, Vietnam in Military Statistics, A History of the Indochina Wars, 1772-1991, Ibid, p. 28.
[56] Dẫn theo Nguyễn Phương Hoa: Viện trợ của Trung Quốc đối với cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, tr.46.
[57] Trần Trọng Trung: “Trung Quốc giúp đỡ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp” (phần II), Tlđd.
[58] Sự thật về những lần xuất quân của Trung Quốc và quan hệ Việt – Trung, Nxb. Đà Nẵng, 1996, tr.39.
[59] Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000, tr. 348.
[60] Tổng cục Hậu cần: Công tác đảm bảo hậu cần trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 309.
[61] Hoàng Minh Phương: Hồi ức chiến dịch Điện Biên Phủ, tham luận tại hội thảo khoa học “Kỷ niệm 50 năm chiến dịch Điện Biên Phủ và Hội nghị Geneve”, Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc, 2004, tr.4.
[62] Một là : Dùng toàn bộ lực tượng bộ binh dưới sự yểm trợ của pháo binh và cao xạ, nhiều hướng cùng một lúc tiến công vào tập đoàn cứ điểm, hướng chính thọc sâu vào Sở chỉ huy, giống như một lưỡi gươm đâm thẳng vào tim, tạo nên sự rối loạn ở trung tâm phòng ngự địch ngay từ đầu rồi từ trong đánh ra, từ ngoài đánh vào tiêu diệt địch trong thời gian tương đối ngắn (oa tâm trạng chiến thuật). Hai là : Bao vây địch dài ngày rồi đánh dần từng bước một, lần lượt tiến công từng trung tâm đề kháng bằng nhiều trận công kiên kế tiếp, tiến tới tiêu diệt hoàn toàn quân địch (bóc bì chiến thuật); (Nguồn: Hoàng Minh Phương: Hồi ức chiến dịch Điện Biên Phủ, Tlđd, tr.4).
[63]  Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ, Sđd, tr.42.
[64] Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử, Sđd, tr.136.
[65] Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử, Sđd, tr.136.
[66] Hoàng Minh Phương: Hồi ức chiến dịch Điện Biên Phủ, Tlđd, tr.8.
[67] Hoàng Minh Phương: Hồi ức chiến dịch Điện Biên Phủ, Tlđd, tr.9.
[68] BCH Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra kế hoạch giải phóng Đài Loan vào năm 1950. Ngay sau khi chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, Đảng Cộng sản Trung Quốc lập tức quyết định hoãn kế hoạch giải phóng Đài Loan để tập trung cho vấn đề Triều Tiên. Trong thời gian diễn ra chiến tranh Triều Tiên, Tưởng Giới Thạch đã kịp cũng cố vững chắc mọi mặt và thời cơ giải phóng Đài Loan qua đi. Hơn nữa, sau chiến tranh Triều Tiên, Mỹ coi Đài Loan là một phòng tuyến chống cộng, ra sức bảo vệ Đài Loan, làm kế hoạch giải phóng Đài Loan càng khó trở thành hiện thực (xem thêm: Chai Chenwen and Zhao Yongtian (1989), Banmendian tanpan, The Panmunjom Negotiation, Beijing: The Press of the People's Liberation Army).
[69] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Sđd, t.4, tr.56.
[70] Duiker William: Ho Chi Minh: A Life, New York, Hyperion, 2000, p.426-427.
[71] Ghi chép thực về Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, Sđd, tr.22.
[72] Ghi chép thực về Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, Sđd, tr.22.
[73] Hội nghị Trung ương 4 (1-1953) thông qua Dự thảo Cương lĩnh của Đảng Lao động Việt Nam về chính sách ruộng đất.
[74]Ghi chép thực về Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, Sđd, tr.142.
[75] Ghi chép thực về Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, Sđd, tr.143.
[76]Yinghong Cheng: “Not only Moscow: The Impact of the Chinese in Eastern Europe and North Vietnamese post-Stalin era”, Modern China Studies, USA, 2007, p.48.
[77] Đảng Cộng sản Việt Nam: Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa II từ ngày 25 đến ngày 30-1-1953, www.cpv.org.

[78] Hồ Chí Minh: Bài nói chuyện ở lớp chỉnh Đảng Trung ương khoá II (10-4-1953),  Tài liệu lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

[79] Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 14 về tổng kết cải cách ruộng đất, Tlđd.
[80] Đảng Cộng sản Việt Nam: Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (khóa II), www.cpv.org.vn

[81] Bài giới thiệu tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi” trên Báo Nhân dân viết: “Đảng có đường lối chính trị và đường lối quân sự đúng đắn, lấy chủ nghĩa Mác-Lê-nin và tư tưởng Mao Trạch Đông làm nền tảng” và đồng chí Trường Chinh  “đã vận dụng một cách sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lê-nin và tư tưởng Mao Trạch Đông để phân tích quy luật chiến tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam, vạch rõ phương châm chiến lược và chiến thuật của cuộc trường kỳ kháng chiến” (Báo Nhân dân ngày 2-1-1956). Bài xã luận Mừng 30 năm thành công vĩ đại của Đảng Cộng sản Trung Quốc” (báo Nhân dân ngày 28-1-1951) có đoạn: Chúng ta “học tập kinh nghiệm phong phú của Đảng Cộng sản Trung Quốc về mọi mặt: Đấu tranh vũ trang, kinh tế, tài chính, chính sách mặt trận, chính quyền dân chủ nhân dân v.v…”. Điện Đảng Lao động Việt Nam gửi Đảng Cộng sản Trung Quốc  nhân Đại hội lần thứ II Đảng Lao động Việt Nam ghi rõ: “Đảng Lao động Việt Nam nguyện noi gương anh dũng Đảng Cộng sản Trung Quốc, học tập tư tưởng Mao Trạch Đông, tư tưởng lãnh đạo nhân dân Trung Quốc và các dân tộc Á Đông trên con đường độc lập và tự chủ” (báo Nhân dân ngày 28-1-1951). ). Trong báo cáo North Vietnam and sino-soviet relations của CIA, khi đánh giá về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Việt Nam trước năm 1954 có viết: “Những người cộng sản Việt Nam đã coi tư tưởng Mao Trạch Đông và chủ nghĩa Mác-Lenin là kim chỉ nam cho hành động, lựa chọn chiến lược cách mạng theo kiểu Trung Quốc, lấy mô hình tổ chức Đảng, quân đội, tổ chức xã hội và thậm chí cả mô hình pháp luật Trung Quốc áp dụng tại Việt Nam. Họ đã tạo cho Trung Quốc một sân chơi khá rộng” (Nguồn: North Vietnam and sino-soviet relations, 4  March  1962, Office of Current Intelligence, Central Intelligence Agency, OCI  No. 1002/62; Copy No. 133, p.4).

[82] Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 14 về tổng kết cải cách ruộng đất, www.cpv.org.vn
[83] Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 14 về tổng kết cải cách ruộng đất, Tlđd. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!