Hồ Khang & Nguyễn
Văn Minh
Thất bại trong chiến tranh đặc biệt, từ giữa mùa hè 1965,
các đơn vị lớn quân Mỹ bắt đầu ồ ạt đổ vào miền Nam Việt Nam, tiến hành chiến
tranh cục bộ. Dựa trên tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh, có quân đông và vũ khí
hiện đại, đế quốc Mỹ tin rằng: các đơn vị chiến đấu Mỹ sẽ nhanh chóng “bẻ gãy
xương sống Việt cộng”, tiêu diệt Quân giải phóng, giành lại thế chủ động chiến
trường, cứu quân đội và chính quyền miền Nam đang suy sụp. Vừa đặt chân lên bờ,
quân Mỹ nhanh chóng chiếm lĩnh những vị trí then chốt có ý nghĩa chiến lược để
làm bàn đạp và biến những vị trí đó thành những căn cứ quân sự lớn: căn cứ tác
chiến của các sư đoàn, thiết đoàn, của không quân, hải quân; làm nơi xuất phát
những cuộc hành quân “tìm diệt”; căn cứ hậu cần – kỹ thuật, nơi tích trữ lực
lượng, vũ khí, phương tiện chiến tranh.
Quân Mỹ đã sử dụng một khối lượng lớn
bom, đạn, đánh phá dữ dội vùng giải phóng xung quanh các căn cứ, kết hợp với
quân đội Sài Gòn mở các cuộc hành quân càn quét, dồn dân, nhằm thiết lập vành đai an toàn cho cả một hệ
thống căn cứ quân sự Mỹ ở miền Nam Việt Nam.
Để xây dựng căn cứ Chu Lai, đối phương đã đánh phá các xã
Kỳ Sanh, Kỳ Liên, Kỳ Anh, Kỳ Khương, Kỳ Hòa… suốt ngày đêm. Chỉ tính riêng xã
Kỳ Sanh rộng không quá 50 km2 với 8000 dân, trong suốt 12 ngày đầu
tháng 6 năm 1965 đối phương đã ném 500 quả bom các loại. Trung bình mỗi tháng,
Kỳ Sanh phải chịu 37 trận càn quy mô từ 2 trung đội đến 6 tiểu đoàn Mỹ và quân
đội Sài Gòn, có máy bay, pháo binh và xe tăng yểm trợ. Ở Tây Ninh, sau khi lữ
đoàn 196 Mỹ đổ quân xây dựng căn cứ Trảng Lớn, những cánh rừng nơi đó nhanh
chóng bị bom đạn và chất độc hóa học Mỹ tàn phá, hủy diệt. Các xã Bình Đức,
Thạch Phú sát căn cứ Đồng Tâm bị đối phương đánh phá ác liệt, chỉ còn lại một
hai đảng viên và vài ba du kích trụ bám. Ở căn cứ An Khê, khi sư đoàn kỵ binh
không vận số 1 đến, bom đạn Mỹ liên tiếp dội xuống các vùng xung quanh, nhân
dân xã Bắc phải dời làng đi nơi khác sống, v.v.
Tình hình trên đây đặt ra cho các cấp ủy Đảng ở địa
phương miền Nam
một vấn đề nóng bỏng phải giải quyết: làm thế nào để quân và dân từng địa phương bám trụ tại chỗ, đánh Mỹ, diệt quân đội Sài
Gòn ngay tại tại mảnh đất quê hương? Trong điều kiện quân Mỹ có trang bị,
vũ khí hiện đại, sức cơ động nhanh, hỏa lực nhiều và mạnh, nếu chỉ dùng phương
thức tác chiến như trong thời kỳ “chiến tranh đặc biệt” thì khó thắng được quân
Mỹ. Phải tìm cách bao vây và tiến công,
hạn chế những mặt mạnh cơ bản của đối
phương, đánh đối phương từ nơi xuất phát, đánh gần. Muốn vậy, phải
tạo nên một vành đai xung quanh căn cứ Mỹ, trong đó xây dựng một lực lượng mạnh
đủ sức làm nòng cốt cho toàn dân bám trụ và phải lấy tiến công tiêu diệt đối
phương làm phương thức chủ yếu để tồn tại.
Theo tư tưởng tiêu diệt đối phương để làm chủ, làm chủ để
tiêu diệt, các cấp ủy đảng địa phương đã kịp thời lãnh đạo nhân dân và lực
lượng vũ trang bám trụ bằng cách trên cơ sở những làng xã chiến đấu đã có, phát
triển, xây dựng thành những “Vành đai diệt Mỹ”. Đó là hệ thống những thôn, xã chiến đấu áp sát, bao vây quanh các căn
cứ quân sự Mỹ, được tổ chức thành thế trận vây hãm và tiến công đối phương ngay tại căn cứ chỉ huy và xuất phát hành
quân của đối phương.
“Vành đai diệt Mỹ” xuất hiện là sự kế tục và phát triển lên
một trình độ mới những làng xã chiến đấu và phương thức tác chiến của chiến
tranh nhân dân địa phương đã từng tồn tại và chiến thắng trong kháng chiến
chống Pháp trước đây cũng như trong “chiến tranh đặc biệt” vừa qua. Hình thức
“toàn dân đánh giặc” này ra đời cho phép
lực lượng vũ trang và nhân dân các xã xung quanh căn cứ Mỹ trụ bám vững chắc
trên quê hương, vừa sản xuất, vừa chiến đấu và đấu tranh trực diện với kẻ thù
bằng cả tiến công quân sự, đấu tranh chính trị và thực hành binh vận. Trên
một thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc, rộng khắp, quân và dân các xã Vành
đai đã thực hiện chủ động tiến công đối phương kết hợp với phòng giữ vững chắc,
tiêu hao tiêu diệt đối phương để giữ vững quyền làm chủ, làm chủ để tiêu diệt đối
phương đạt hiệu quả ngày càng cao.
Ngay sau khi thành lập, quân dân Vành đai Chu Lai đã dựa
vào thế trận được xây dựng, chiến đấu tiêu diệt một đại đội bảo an, hai trung
đội dân vệ vào sáng 28 tháng 5 năm 1965. Được sự hỗ trợ của đòn quân sự, nhân
dân các xã đã nổi dậy diệt ác, phá kìm, giải phóng hoàn toàn hai xã Kỳ Xuân, An
Xuân và 5 thôn của Kỳ Hòa, Kỳ Khương với số dân 13.000 người. Ở Vành đai Rạch
Kiến (Long An) sau 3 tháng kể từ khi thành lập, quân dân 12 xã Vành đai đã tiêu
diệt hơn 1000 tên Mỹ, đánh thiệt hại một tiểu đoàn quân đội Sài Gòn, phá hỏng
20 xe quân sự, bắn cháy 20 máy bay, giữ vững các thôn xã giải phóng. Trải qua
2250 ngày đêm chiến đấu (1965 – 1972), quân dân Vành đai Trảng Lớn (Tây Ninh)
đã đánh 3825 trận, tiêu diệt hàng ngàn Mỹ, quân đội Sài Gòn, bắn hỏng, bắn cháy
hàng trăm xe quân sự và tàu xuồng chiến đấu trên sông, trừng trị nhiều tên “cán
bộ bình định” và ác ôn, bảo vệ vững chắc quyền làm chủ địa phương. Trên thực tế
“Vành đai diệt Mỹ” là một hình thức đánh
địch của toàn dân, thực hiện làm chủ và tiến công, tiêu hao, tiêu diệt địch rất
rộng lớn, xây dựng, phát triển lực lượng, bảo vệ vùng giải phóng.
Ai cũng biết nhảy vào miền Nam, quân Mỹ quyết giành lại
thế chủ động, “đánh gãy xương sống Việt cộng” bằng các cuộc hành quân “tìm
diệt”. Nhưng, từ đầu và suốt thời gian tham chiến trên chiến trường miền Nam,
quân viễn chinh Mỹ chẳng những không giành lại được thế chủ động chiến trường,
không diệt được chủ lực, mà còn bị quân và dân tmn Việt Nam tiến công liên tục
ngay tại căn cứ của đối phương, buộc đối phương phải thường xuyên đối phó bị
động, phải xé lẻ lực lượng phòng giữ căn cứ, điều mà quân đội Mỹ “tối kỵ”. Hệ
thống “Vành đai diệt Mỹ” ở miền Nam
đã góp phần quan trọng vào việc đẩy đội quân viễn chinh Mỹ bị hãm vào tình thế
đó. Dựa vào công sự, trận địa và giao thông hào chiến đấu, lực lượng Vành đai
đã thực hành vây hãm căn cứ Mỹ, sử dụng các tổ đội đặc công, trinh sát, các đội
pháo, súng cối chuyên trách, các tổ bắn tỉa, các tổ, đội nữ pháo binh liên tục
tiến công, tiêu hao binh lực đối phương. Nếu đối phương nống ra ngoài càn quét
thì bị hệ thống các bãi chông, mìn, bẫy, bố trí xung quanh Vành đai sát thương.
Sự tồn tại ngang nhiên của các Vành đai
diệt Mỹ” đã trở thành áp lực đe dọa ngày càng tăng, uy hiếp nặng nề các căn cứ
quân sự Mỹ, khiến đối phương thường
xuyên căng thẳng, luôn luôn nơm nớp lo sợ, bị động đối phó.
Quân Mỹ phải sử dụng một bộ phận lực lượng liên tiếp mở
các cuộc hành quân càn quét nống ra xung quanh nhằm tạo lập và nới rộng vành
đai trắng an toàn cho căn cứ. Trong các cuộc hành quân đó, bao giờ đối phương
cũng chiếm ưu thế về binh lực tập trung và hỏa lực yểm trợ. Nhưng, lực lượng vũ
trang và nhân dân các xã Vành đai đã dựa vào thế trận được chuẩn bị, kết hợp
chặt chẽ giữa lực lượng tại chỗ và lực lượng cơ động, liên tục tiến công vào
chính diện, bên sườn và sau lưng quân Mỹ; buộc đối phương phải đánh theo cách
đánh của quân giải phóng, hạn chế tối đa những mặt mạnh vốn có của đối phương.
“Hậu phương” của đội quân viễn chinh luôn luôn bị đe dọa, bị tiến công, khiến
cho quân Mỹ phải thường xuyên sử dụng ít nhất là 1/3 lực lượng để bảo vệ căn
cứ, không tập trung được lực lượng vào các cuộc hành quân “tìm diệt”, chủ lực
Quân giải phóng. Ví như, lính thủy đánh bộ Mỹ là một trong những binh chủng
mạnh nhất của quân đội Hoa Kỳ, nhưng sau khi vào miền Nam đã “phải tập trung cố
gắng vào việc phòng thủ 3 căn cứ Chu Lai, Phú Bài, Đà Nẵng” [i].
Cuộc chiến đấu của nhân dân Vành đai, bởi thế, đã kìm giữ, giam chân một bộ
phận lực lượng cơ động quân Mỹ, góp phần cùng với quân và dân ở các nơi khác
trên khắp chiến trường buộc đối phương phải phân tán, dàn mỏng lực lượng, bộc
lộ sơ hở, tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực Quân giải phóng tập trung được ưu thế
binh, hỏa lực trên hướng chính, chiến dịch và trong những trận then chốt, tiêu
diệt từng bộ phận quan trọng, đập tan các cuộc hành quân lớn của đối phương.
Ở “Vành đai diệt Mỹ”, ngoài lực lượng các xã vành đai,
các xã, huyện kế cận đã luân phiên đưa du kích, bộ đội địa phương đến hoạt động
tác chiến trong từng thời gian, vừa để chi viện cho Vành đai, vừa rút kinh
nghiệm chuẩn bị sẵn sàng đánh Mỹ khi đối phương đến. Đồng thời, bộ đội chủ lực
cơ động của Quân giải phóng dựa vào “Vành đai diệt Mỹ” mở những trận tiến công
bằng bộ binh, pháo binh, đặc công vào căn cứ Mỹ. Nhờ có “Vành đai diệt Mỹ” mà
lực lượng vũ trang giải phóng đã thực hiện được hàng nghìn trận đánh sâu vào
căn cứ đối phương, trong đó trận tiến công vào căn cứ Đồng Dù (ngày 26-7-1966),
căn cứ Biên Hòa (ngày 28-10-1966), căn cứ An Khê và sân bay Plây Cu (ngày 29
tháng 2 và 24 tháng 4 năm 1966), căn cứ Chu Lai (ngày 20 tháng 2 và 3 tháng 3
năm 1966), sân bay Đà Nẵng (ngày 24 tháng 1 năm 1966)… đã gây cho đối phương
tổn thất nặng nề. Chỉ kể các trận tiến công vào sân bay Đà Nẵng trong tháng 4
năm 1969 đã tiêu hủy 38.000 tấn bom đạn và 20.000 thùng dầu, đánh đòn nặng vào
các kho tồn trữ hành quân của Mỹ. Sư đoàn lính thủy đánh bộ số 1 Mỹ làm nhiệm
vụ bảo vệ các cửa ngõ vào căn cứ Đà Nẵng đã phải “chiến đấu ác liệt… để đẩy đối
phương khỏi vành đai có thể đặt tên lửa bắn vào Đà Nẵng. Chỉ sau một thời gian
ngắn, việc liên tục tuần tra các cánh đồng và làng mạc đầy mìn, bẫy đã gây cho
quân Mỹ nhiều tổn thất” [ii].
Rõ ràng “Vành đai diệt Mỹ” tồn tại, phát triển không những tạo nên thế trận vây
hãm đối phương mà còn là bàn đạp tiến công lợi hại để bộ đội chủ lực đánh sâu
vào các căn cứ của đối phương, là nơi rèn luyện tinh thần và cách đánh cho lực
lượng du kích, bộ đội địa phương các nơi khác.
Để có những “Vành đai diệt Mỹ” vừa chủ động tiến công đối
phương liên tục, vừa phòng giữ kiên cường, bảo tồn và phát triển được lực lượng
quân giải phóng, đồng bào và chiến sĩ các xã quanh căn cứ Mỹ đã phải vượt qua
những thử thách gay go, ác liệt, trụ bám địa bàn, thắng đối phương từng bước
mới xây dựng được. Do đó, “Vành đai diệt Mỹ” không chỉ tập hợp giản đơn các làng xã chiến đấu đã có, mà phải là sự gắn
kết chặt chẽ và thống nhất về tổ chức chỉ huy giữa các lực lượng, các đơn vị bộ
đội, xây dựng lực lượng và hệ thống công sự, trận địa thành một thế trận liên
hoàn vững chắc. Toàn bộ lực lượng trực tiếp tác chiến thường xuyên của Vành
đai và lực lượng cơ động của khu, tỉnh, huyện… đều hoạt động theo phương án
hiệp đồng tác chiến thống nhất, hỗ trợ cho nhau, tạo nên sức mạnh tổng hợp của
chiến tranh nhân dân trên Vành đai. Cùng với những hoạt động của các tổ săn cơ
giới, bắn máy bay, các tổ đội bắn tỉa, pháo, súng cối được tổ chức gọn nhẹ, cơ
động linh hoạt, kìm giữ, đánh tiêu hao, sát thương đối phương, gây cho đối
phương căng thẳng thường xuyên, là những đòn đánh tiêu diệt quy mô vừa của bộ
đội chủ lực, nhằm tiêu diệt từng bộ phận lực lượng quan trọng của quân Mỹ, tạo
nên những rung động mạnh trong căn cứ đầu não của đối phương.
Trong điều kiện lực lượng chiến đấu gồm nhiều thành phần,
thường xuyên đối diện trực tiếp với quân Mỹ, tình huống diễn biến phức tạp…,
Vành đai tổ chức Ban chỉ huy chung gồm
chỉ huy trưởng, chính trị viên và các chỉ huy phó do Thường vụ tỉnh ủy lãnh đạo và Ban chỉ huy quân sự tỉnh chỉ huy. Nhiệm
vụ của ban chỉ huy chung là tổ chức các hoạt động quân sự, chính trị và binh
vận trên toàn tuyến Vành đai phù hợp với ý định của cấp trên và tình hình,
nhiệm vụ, khả năng của địa phương. Vành đai lại được tổ chức thành hai hoặc nhiều tuyến chiến đấu. Một số Vành đai như
Trảng Lớn, Bình Đức… được phân thành các cụm hoặc các mặt trận. Mỗi cụm, mỗi
mặt trận lại được phân thành các tuyến. Tuyến
một, bao gồm những thôn, xã trực tiếp tiếp xúc với căn cứ Mỹ, xây dựng cho
được một hệ thống công sự, hào giao thông kiên cố, bí mật, bất ngờ bảo đảm phát
huy được mọi loại hỏa lực và cách đánh, đồng thời che dấu được lực lượng giải
phóng và do một bộ phận lực lượng nhỏ chiếm giữ. Thường là những tổ trinh sát,
bắn tỉa, tổ đặc công, tổ du kích… Do đó, phổ biến ở tuyến một là công sự bắn
tỉa, hầm chông, bãi mìn, lựu đạn gài và các loại bẫy.
Tuyến hai là những thôn, xã
chiến đấu bao quanh tuyến một. Lực lượng cơ bản của Vành đai thường bố trí ở
tuyến hai. Ở tuyến này, quân dân Vành đai đã xây dựng hệ thống công sự, trận
địa vững chắc đánh bộ binh, xe tăng, xe bọc thép và máy bay; các hầm trú ẩn
liên kết với những hào giao thông ngang dọc, từ xã này qua xã khác thành thế
trận liên hoàn. Nhờ đó, trong chiến đấu, các lực lượng tham gia tác chiến trên
Vành đai có thể cơ động nhanh, bí mật, kịp thời chi viện cho nhau trong những
tình huống gay cấn, đồng thời phân tán nhanh lực lượng, hình thành các mũi bất
ngờ tiến công vào sườn hoặc sau lưng đối phương. Các Vành đai còn có hệ chống địa đạo kiên cố. Trên những
trục đường và những hướng đối phương có thể đột nhập bất ngờ, (đặc biệt vào
thời kỳ đầu, khi đối phương dùng chiến thuật phân đội nhỏ thọc sâu) quân dân
Vành đai còn bố trí hầm chông, bãi mìn, các loại bẫy, dựng chướng ngại vật, đào
các hào sâu để ngăn xe cơ giới.
Thông thường, ngoài tuyến một và tuyến hai, các Vành đai
còn tổ chức tuyến trung gian nhằm
tăng thêm chiều sâu của thế trận. Khắp Vành đai, ở nơi công cộng và trong mỗi
gia đình, ngoài các loại hầm chiến đấu, hầm trú ẩn và hầm cất giấu tài sản, gia
súc…, là một hệ thống hầm bí mật được
xây dựng công phu, luôn luôn cải tiến về kỹ thuật và dời chuyển vị trí. Đây là
loại công sự nhằm che giấu và bảo tồn lực lượng, thực hiện “3 bám” (bám đất,
bám dân, bám đánh đối phương), bảo đảm thế chủ động, liên tục tiến công. Ở Vành
đai An Khê, nhiều hầm bí mật có thể chứa 70, 80 người, có thể che dấu được một
lực lượng cỡ trung đội, đại đội.
Tuy nhiên, không phải “Vành đai diệt Mỹ” nào cũng bố trí
lực lượng và có cấu trúc giống nhau. Tùy điều kiện, nhiệm vụ, khả năng, địa
hình, quân dân Vành đai đã sáng tạo trong cách bố trí và xây dựng hệ thống công
sự, trận địa, không ngừng cải tiến và hoàn thiện nó. Trước một đội quân có hỏa
lực mạnh, cơ động nhanh, có thể đánh từ xa và lắm thủ đoạn…, quân và dân các xã
vành đai không chỉ dựa vào công sự, trận địa để thắng đối phương mà còn phải xây dựng cho mình một lập trường chính trị
kiên định, vững vàng trước mọi thử thách, một ý chí quyết chiến, quyết thắng
giặc ngoại xâm, một lòng yêu quê hương, đất nước thiết tha. Đó là sức mạnh
to lớn của nhân dân Vành đai – một nhân dân thủy chung với cách mạng, có giác
ngộ chính trị cao, được tổ chức chặt chẽ, có nghệ thuật đánh giặc tài giỏi.
Trong đạn bom ác liệt của kẻ thù, “Vành đai diệt Mỹ” miền
Nam
đã đứng vững, tồn tại và chiến thắng. Đó
là một sáng tạo độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam; thể hiện sự vận dụng
linh hoạt quan điểm “toàn dân đánh giặc”, tư tưởng chiến lược tiến công và làm
chủ của quân và dân miền Nam trong cuộc đương đầu lịch sử với đội quân xâm
lược mạnh nhất, hiện đại nhất của chủ nghĩa đế quốc. “Vành đai diệt Mỹ” thực sự
là một phát triển mới và làm phong phú thêm kho tàng kinh nghiệm và nghệ thuật
quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!