Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014

"VÀNH ĐAI DIỆT MỸ" - NHÂN TỐ QUAN TRỌNG GÓP PHẦN ĐÁNH BẠI NỖ LỰC QUÂN SỰ CAO NHẤT CỦA MỸ TRONG CUỘC CHIẾN VIỆT NAM THỜI KỲ 1965 -1968

HỒ KHANG - NGUYỄN VĂN TRÍ,
Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam[*]
"Vành đai diệt Mỹ" - mà thoạt đầu, khi mới hình thành, được gọi là "vành đai du kích diệt Mỹ", là một hiện tượng lịch sử khá độc đáo, xuất hiện trong những năm quân dân miền Nam Việt Nam trực tiếp đương đầu với quân đội Mỹ và quân đội một số nước đồng minh của Mỹ (1965 - 1972). Mấy chục năm qua, đặc biệt sau khi nước nhà thống nhất, hiện tượng lịch sử độc đáo và là cách thức đánh giặc sáng tạo này được giới sử học quân sự Việt Nam chú tâm tìm hiểu, nghiên cứu; ở một chừng mực nhất định, đã thu được những kết quả quan trọng. Bài viết này, trên cơ sở tổng quát sự hình thành và phát triển, sẽ làm rõ hơn vai trò, vị trí của "vành đai diệt Mỹ" trong những tháng năm quân dân Việt Nam đứng lên đánh Mỹ vì nền độc lập, tự do và vẹn toàn núi, sông.

Là một siêu cường bậc nhất trong thế giới hiện đại luôn nhất quán trong mục tiêu chiến lược, học thuyết quân sự Mỹ chủ yếu dựa vào vũ khí, trang bị, phương tiện chiến tranh tân tiến, dồi dào mà Mỹ luôn sẵn có trong tay; trong đó vũ khí hạt nhân được xem là “lá chắn”, “công cụ răn đe” và nếu cần, sẽ là lực lượng chính để Mỹ “trả đũa ồ ạt” đối tượng chiến lược của Mỹ. Điều này được chứng tỏ rất rõ cả trên bình diện lý thuyết cũng như trong hoạt động quân sự thực tiễn của Mỹ, chẳng những trước, trong mà cả sau cuộc chiến Việt Nam - ở cuộc chiến Vùng Vịnh hay cuộc chiến được mệnh danh "chống khủng bố" tại Áp-ga-ni-xtan mà Mỹ phát động gần đây.
Còn như, tại miền Nam Việt Nam, vào mùa hè nóng bỏng năm 1965, cùng với việc ồ ạt đổ các đơn vị quân Mỹ với đủ các sắc phục rằn ri vào trực tiếp tham chiến, một khối lượng khổng lồ vũ khí, trang bị, phương tiện chiến tranh, thiết bị chiến trường, hậu cần đảm bảo cho các đơn vị quân Mỹ cũng được chuyển vận đêm ngày bằng đường biển, đường không tới. Điều này là dễ hiểu nếu biết rằng, "việc sử dụng hoả lực chưa từng có và hoang phí để thay cho con người là một đặc điểm nổi bật của các chiến thuật quân sự Mỹ trong chiến tranh Việt Nam"(1). Ghi nhận phần nào thực tế đó, tác giả Mỹ Sh.Stantơn trong cuốn Sự thăng trầm của đạo quân đánh bộ Hoa Kỳ ở Nam, đã viết: "Quân đội Mỹ bành trướng ở Việt Nam đã xây dựng một hệ thống yểm trợ tốn kém kinh khủng... có khả năng cung cấp một cách phong phú các phương tiện cần thiết" cho các đơn vị quân Mỹ. Chỉ riêng về mặt đảm bảo hậu cần thôi, cũng theo tác giả Sh.Stantơn, Bộ chỉ huy 1 hậu cần quân đội Mỹ - được triển khai vào cuối tháng 3-1965, “cuối cùng đã bành trướng và trở thành một trong những tổ chức lớn nhất của lục quân trên thế giới với chương trình yểm trợ thuộc loại thượng hạng”. Thế cho nên, như Sh.Stantơn ghi nhận, chẳng mấy chốc, người ta đã thấy chất đầy những đống đĩa giấy, những phần ăn nóng, kem, hàng núi rượu, bia, nước ngọt... phục vụ cho các đơn vị Mỹ ở các vùng tiền tuyến. Cũng vì vậy, các bến cảng, sân bay khá dày đặc trên chiến trường Nam Việt Nam vào mùa hè 1965 hầu như bị nghẽn tắc bởi một số lượng lớn tàu bè vào ra, máy bay vận tải lên xuống đêm ngày, làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, phương tiện chiến tranh cho quân chiến đấu Mỹ. Thực tế này, ở một khía cạnh nào đó, cũng đã phản chiếu cung cách tiến hành chiến tranh của quân đội Mỹ và cung cách ấy buộc Bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại Nam Việt Nam (MACV), ngay từ đầu, đã phải dồn sức vào việc thiết lập hệ thống căn cứ quân sự trên khắp chiến trường, bao gồm hàng loạt căn cứ tác chiến của các sư đoàn, lữ đoàn, thiết đoàn, của không quân, của hải quân; căn cứ hậu cần, kỹ thuật - nơi tích luỹ lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn bom, phương tiện chiến tranh và nhiều loại thiết bị chiến trường khác của các quân chủng lục quân, không quân, hải quân Mỹ... Với khả năng dồi dào về sức mạnh kinh tế, quân sự vốn có của một siêu cường, phía Mỹ vững tin sẽ nhanh chóng hoàn tất công việc xây dựng và mở rộng hệ thống căn cứ trên khắp chiến trường để có thể sớm triển khai các hoạt động “tìm diệt” chủ lực Quân giải phóng và cơ quan chỉ đạo cách mạng miền Nam. Thế nhưng, đổ quân vào khi lực lượng và thế trận chiến tranh nhân dân của cách mạng miền Nam đã phát triển mạnh mẽ, rộng khắp, được bố trí hợp lý trên cả ba vùng chiến lược là rừng núi, nông thôn đồng bằng và đô thị nên, để có thể thiết lập hệ thống căn cứ quân sự - mà hệ thống này, như đã trình bày, là khá dày đặc, quân Mỹ và quân đội Sài Gòn buộc phải ráo riết tiến hành các hoạt động quân sự rất quyết liệt nhằm đánh tróc cơ sở chính trị cũng như đánh bật lực lượng vũ trang cách mạng ra khỏi khu vực đổ quân, “dọn mặt bằng”, tạo chỗ đứng chân, nới rộng vành đai trắng an toàn xung quanh căn cứ quân sự Mỹ.
Để xây dựng căn cứ cho lính thuỷ đánh bộ Mỹ ở Chu Lai, phía Mỹ đã đánh phá dữ dội các địa phương xung quanh khu vực này. Chỉ tính riêng xã Kỳ Sanh - nằm cạnh Chu Lai, rộng không quá 50 km2 với 8.000 dân tính tròn cho đến thời điểm đó, suốt 12 ngày đêm đầu tháng 6-1965, phía Mỹ đã dội xuống nơi đây 500 quả bom các loại. Ở Tây Ninh, sau khi Lữ đoàn 196 Mỹ đổ quân xây dựng căn cứ Trảng Lớn, những cánh rừng bạt ngàn nhanh chóng bị bom đạn, chất độc hoá học Mỹ tàn hại. Các xã Bình Đức, Thạnh Phú sát căn cứ Đồng Tâm (Mỹ Tho), bị địch đánh phá ác liệt đến mức, trong một thời gian, cơ sở cách mạng bị vỡ, chỉ còn vài ba đảng viên, du kích trụ bám. Tình hình tương tự, nhìn chung, cũng đã xảy ra ở một loạt khu vực xung quanh các căn cứ quân sự Mỹ tại Đồng Dù (Củ Chi), Lai Khê, Công Xanh (Thủ Dầu Một), Rạch Kiến (Long An), Lái Thiêu, Bến Cát (Bình Dương), Núi Tô (An Giang), An Khê (Gia Lai), Phú Bài (Thừa Thiên-Huế), Đà Nẵng... Thêm vào đó, bộ máy bình định và bộ máy chiến tranh tâm lý khá đồ sộ của Mỹ và chính quyền Sài Gòn cũng được huy động vào việc triệt phá cơ sở cách mạng, uy hiếp tinh thần của nhân dân các địa phương có căn cứ quân sự Mỹ, hỗ trợ đắc lực cho quá trình thiết lập, củng cố và mở rộng hệ thống căn cứ đó trên khắp chiến trường. Ở miền Bắc Việt Nam, không quân và hải quân Mỹ được huy động mở cuộc chiến tranh phá hoại toàn diện nhằm “đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá” như tuyên bố của viên tướng tư lệnh không quân Hoa Kỳ, nhằm hỗ trợ cho nỗ lực quân sự của Mỹ tại miền Nam Việt Nam...

Trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam, đây là thời kỳ quân dân Việt Nam phải trực tiếp đương đầu với một lực lượng quân sự hùng hậu và thiện chiến bao gồm lục quân, không quân, hải quân Mỹ; quân đội Sài Gòn và quân một số nước đồng minh của Mỹ. Dõi nhìn lại tháng năm thuở ấy, người ta thấy được một thực tế từng làm cả thế giới lúc bấy giờ lo ngại rằng, Việt Nam - đất nước nhỏ bé bên bờ Tây Thái Bình Dương, thua kém Mỹ nhiều lần về tiềm lực và sức mạnh kinh tế, quân sự có thể đương đầu được với quân Mỹ không? Và liệu cuộc chiến ở Việt Nam có được kiểm soát hay sẽ lan nhanh để trở thành chiến tranh khu vực, chiến tranh thế giới - những cuộc chiến từng làm kinh hoàng nhân loại như trước đấy không lâu? Cân nhắc lại ở đây một lần nữa rằng, cho đến thời điểm năm 1965 và cả sau ngày cuộc chiến Việt Nam kết thúc (1975), việc đánh bại quân đội Mỹ để qua đó, bẻ gãy ý chí xâm lược của giới lãnh đạo nước Mỹ là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử thế giới. Nói cách khác, trong lịch sử hơn hai trăm năm lập nước của mình, một khi xuất quân ra ngoài biên giới tham chiến, phía Mỹ chẳng những chưa bao giờ bại trận mà hơn thế, luôn giành phần thắng. Chắc hẳn "truyền thống" đó của quân đội Mỹ đã là một trong số những nhân tố mang tính quyết định thúc đẩy giới lãnh đạo nước Mỹ thời Giôn-xơn dấn sâu hơn vào vấn đề Việt Nam, bước qua “lời nguyền” khi kết thúc cuộc chiến ở bán đảo Triều Tiên - là nước Mỹ sẽ không đưa quân chiến đấu trên bộ của Mỹ vào trực tiếp tham chiến tại lục địa châu Á - bằng việc ồ ạt quân vào miền Nam với niềm tin vững chắc và lớn lao vào một thắng lợi chớp nhoáng, mang tính quyết định của lực lượng quân sự hùng hậu Mỹ trên chiến trường Việt Nam. Đấy rõ ràng là một thử thách lớn, mang ý nghĩa sống còn đối với vận mệnh đất nước, đặt ra cho phía Việt Nam.
Trước tình hình cuộc chiến leo thang và lan nhanh ra khắp cả hai miền Nam Bắc, Hội nghị lần thứ 11 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (tháng 3-1965) quyết định chuyển toàn bộ miền Bắc từ thời bình vào thời chiến nhằm đảm bảo cho miền Bắc có đủ điều kiện và sức mạnh cùng một lúc hoàn thành các nhiệm vụ trọng đại là tiếp tục giữ vững công cuộc xây dựng miền Bắc, đánh thắng các bước "leo thang" chiến tranh của không quân, hải quân Mỹ, duy trì và đẩy mạnh sự chi viện toàn diện, mạnh mẽ, liên tục sức người, sức của cho cách mạng miền Nam. Tuy nhiên, tại Hội nghị quan trọng này, trên cơ sở lượng định rằng, quân dân Việt Nam đang phải đương đầu với cuộc chiến trong khuôn khổ chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của phía Mỹ ở mức độ cao, bao gồm trong đó một số nhân tố đang manh nha của “Chiến tranh cục bộ” một loại hình chiến tranh khác, ở mức độ cao hơn “chiến tranh đặc biệt”, của chiến lược quân sự toàn cầu “phản ứng linh hoạt” mà nước Mỹ đề ra và theo đuổi từ năm 1961, nên Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng mới chỉ đề ra nhiệm vụ cho toàn quân, toàn dân Việt Nam tập trung đánh bại nỗ lực quân sự cao nhất của Mỹ trong khuôn khổ “Chiến tranh đặc biệt” mà thôi. Còn như, việc chính thức hạ quyết tâm đánh thắng chiến lược "Chiến tranh cục bộ" thì phải tới tháng 12 năm 1965, khi Hội nghị lần thứ 12 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam được triệu tập. Khoảng thời gian giữa hai kỳ Hội nghị đó, chiến sự leo thang ở mức độ "chóng mặt" trên cả hai miền Nam, Bắc từng ngày, từng tuần. Trước việc quân chiến đấu Mỹ ùn ùn đổ vào miền Nam, không quân, hải quân Mỹ đêm ngày dội bom đạn xuống mọi làng mạc của miền Bắc với quy mô và cường độ cực kỳ khốc liệt, quả thật, trong một bộ phận cán bộ đảng viên, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang và một bộ phận nhân dân ta ở miền Nam xuất hiện tâm trạng băn khoăn, lo lắng, thậm chí hoang mang... Trên thực tế, đã có một số người rời làng đi nơi khác để tránh sự đánh phá của quân Mỹ, đặc biệt những nơi có các căn cứ quân sự Mỹ.
Tình hình trên đây đặt ra cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam những vấn đề bức xúc mà việc giải quyết để đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ tiếp tục phát triển là chưa hề có tiền lệ. Ấy là: Việt Nam có thể đương đầu được với lực lượng quân sự Mỹ không? Đánh Mỹ và thắng Mỹ như thế nào? Riêng đối với lãnh đạo, chỉ huy các cấp ở chiến trường, mới quan tâm hàng đầu giờ đây là phải tìm ra cách thức, biện pháp để, trong điều kiện quân Mỹ chiếm ưu thế về quân số, vũ khí trang bị, hoả lực, sức cơ động, vẫn có thể trụ bám và đánh địch ngay tại mảnh đất quê hương vẫn tiếp tục giữ vững thế chủ động tiến công, không cho địch phân vùng, phân tuyến - một cố gắng thường trực của quân Mỹ hòng phát huy được ưu thế của họ là hoả lực, sức cơ động, quân số đông... Sau cả một quá trình nỗ lực suy nghĩ, tìm tòi, chọn lựa các giải pháp khả dĩ, đến những tháng của nửa đầu năm 1965, Khu uỷ và Bộ Tư lệnh Khu 5 đã thống nhất chủ trương phải bắt tay tổ chức lại lực lượng và thế trận chiến tranh nhân dân trên địa bàn toàn Khu, mà trước hết là ở những địa phương có các căn cứ quân sự Mỹ, đảm bảo cho lực lượng vũ trang và nhân dân có điều kiện bám trụ để tiến công quân Mỹ ngay tại căn cứ xuất phát hành quân, nghĩa là đánh gần, đánh quần lộn với quân Mỹ, kiên quyết giữ vững quyền làm chủ quê hương, làng xóm của mình. Cần mở ngoặc để nói ngay ở đây rằng, trước đó, nghĩa là trong những năm đương đầu với“Chiến tranh đặc biệt”, quân dân các địa phương miền Nam đã xây dựng, củng cố được và ngày càng mở rộng hệ thống các làng xã chiến đấu, thôn ấp chiến đấu. Tại đó, lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị của ta không ngừng lớn mạnh, thực hành các hình thức đấu tranh, các phương thức tác chiến linh hoạt, biến hoá, hiệu quả. Thế cho nên, sau khi có chủ trương trên đây của Khu uỷ và Bộ Tư lệnh Khu 5, các cấp uỷ đảng đã chỉ đạo quân dân các địa phương có căn cứ quân sự Mỹ bắt tay tổ chức các làng xã, thôn ấp chiến đấu thành “vành đai” bao vây, áp sát, vây hãm những căn cứ quân sự đó. Thế trận chiến tranh nhân dân theo kiểu "vành đai", thực ra, không phải là một tập hợp đơn giản các làng xã, thôn ấp chiến đấu sẵn có, mà là sự gắn bó chặt chẽ trên các phương diện liên quan (như hệ thống tổ chức lãnh đạo, chỉ huy; hệ thống công sự, trận địa; phối hợp giữa các lực lượng, công tác đảm bảo hậu cần, thông tin, liên lạc...) đủ để tạo nên sức mạnh và tính bền vững của thế trận này. Một cách tổng quát, có thể hình dung rằng, toàn bộ làng xã, thôn ấp chiến đấu giờ đây được tổ chức lại để thành một hệ thống gắn bó, theo một chủ trương thống nhất, có ban chỉ huy chung, đặt dưới sự lãnh đạo của Thường vụ Tỉnh uỷ, sự điều hành của ban chỉ huy quân sự tỉnh. Nhiệm vụ chủ yếu của ban chỉ huy chung - tức ban chỉ huy “vành đai”, là tổ chức, điều hành hoạt động đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị và công tác binh vận của toàn bộ lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị trên mặt trận “vành đai”. Chiến đấu và công tác trên mặt trận này trước hết và chủ yếu phải kể đến các tổ đội: săn cơ giới, bắn máy bay, bắn tỉa, pháo cối mang vác, trinh sát... Những tổ đội trên được tổ chức gọn, trang bị vũ khí “nhẹ” để có thể cơ động linh hoạt, thực hiện các cuộc tập kích, phục kích chớp nhoáng vào sâu căn cứ Mỹ hoặc nhằm vào các toán lính Mỹ và xe cơ giới của Mỹ lùng sục bên ngoài hàng rào căn cứ. Bên cạnh đó, lực lượng đấu tranh chính trị, binh vận bao gồm đông đảo phụ nữ mà nòng cốt là các nữ dân quân, du kích cũng được tổ chức ở các “vành đai”. Họ làm nhiệm vụ đảm bảo hậu cần cho lực lượng chiến đấu, cất dấu thương bệnh binh, cắm chông, đặt bẫy, đào công sự hầm bí mật, chặn đầu các đoàn xe hoặc các toán lính Mỹ càn quét, cày ủi ruộng vườn, nhà cửa, thuyết phục binh lính Mỹ, binh lính quân đội Sài Gòn không bắn phá bừa bãi vào xóm thôn, làng mạc của dân... Cuối cùng, mặt trận “vành đai” được phân thành các tuyến hoặc các khu vực tuỳ điều kiện địa hình cụ thể từng nơi. Thông thường, mỗi “Vành đai” được tổ chức thành tuyến 1 - tuyến trực tiếp tiếp xúc với hàng rào căn cứ Mỹ, tuyến trung gian - tạo thêm chiều sâu cho thế trận, tuyến 2 - tuyến phía sau, và đây thường là tuyến tiếp giáp với vùng làm chủ, vùng giải phóng, vùng căn cứ của cách mạng miền Nam. Ở mỗi tuyến, mỗi khu vực đều có hệ thống hầm hào, công sự, trận địa, hầm bí mật, hào giao thông đảm bảo cho việc trụ bám địa bàn, sản xuất, chiến đấu của các lực lượng hoạt động, công tác trên mặt trận “vành đai”… Đặc      biệt, trong điều kiện “vành đai” thường xuyên bị địch đánh phá, càn quét, để trụ vững, các lực lượng vũ trang hoạt động tại đây đã nhận được sự che chở, đùm bọc, giúp đỡ và tham gia tích cực của mọi người dân ở các thôn ấp, làng xã. Như thế, “vành đai” là bước phát triển mới, đồng thời là một biểu hiện sinh động của chiến tranh nhân dân Việt Nam; là thế trận của lòng dân, của sức dân, của ý chí, nghị lực, sức sáng tạo của con người Việt Nam thời đánh Mỹ.
Ngay sau ngày xuất hiện các "vành đai diệt Mỹ" ở Chu Lai, Đà Nẵng, An Khê thuộc địa bàn Khu 5, hình thức tổ chức thế trận này cũng như cách thức xây dựng, điều hành hoạt động của các lực lượng chiến đấu, công tác trên trận tuyến "vành đai" nhanh chóng được các địa phương miền Nam, nơi có căn cứ quân sự Mỹ, vận dụng sáng tạo tuỳ theo điều kiện địa hình cụ thể và tình hình thực tế của mỗi nơi. Dựa trên thế trận lợi hại đó, với sự giúp đỡ của nhân dân địa phương, các đơn vị vũ trang “vành đai đã mở một số trận chiến đấu nhằm vào quân Mỹ và giành thắng lợi ở Núi Thành, Vạn Tường, Đất Cuốc, Bàu Bàng, Plâyme... Đây là những chiến công đầu của quân dân các địa phương miền Nam trên các địa bàn trọng yếu khác nhau ở Khu 5, Tây Nguyên, Đông Nam bộ..., mà ý nghĩa của nó, xét trong bối cảnh cuộc chiến lúc bấy giờ, vượt quá khuôn khổ của một trận đánh, một chiến dịch quân sự bình thường. Nó giáng đòn phủ đầu vào quân Mỹ, hạ uy thế của lực lượng thuỷ quân lục chiến và một số sư đoàn, lữ đoàn "khét tiếng" Mỹ như Lữ đoàn dù 173, Sư đoàn bộ binh 1 "Anh cả đỏ", Sư đoàn kỵ binh không vận số 1... khi các đơn vị này vừa đổ quân vào miền Nam. Nhưng quan trọng hơn, tự bản thân các hoạt động quân sự nói trên cũng như kết quả của nó đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của nhân dân, của lực lượng vũ trang Việt Nam và báo hiệu khả năng quân dân Việt Nam có thể đương đầu, có thể đánh bại quân đội Mỹ về quân sự ngay trên chiến trường miền Nam. Quả nhiên, từ nửa cuối của năm 1965, ở nhiều địa phương miền Nam đã dấy lên phong trào “tìm Mỹ mà đánh, tìm nguỵ mà diệt”. Tiếp đó, trong lực lượng vũ trang, xuất hiện nhiều gương điển hình “dũng sĩ diệt Mỹ”, “dũng sĩ diệt cơ giới Mỹ”Rồi, “vành đai” còn là địa bàn cho lực lượng vũ trang từ các địa phương khác tới hoạt động nhằm rèn luyện bản lĩnh chiến đấu, rút kinh nghiệm đặng chuẩn bị một cách tích cực, chủ động cho việc đón đánh quân Mỹ ngay trên chính địa phương mình. Nhưng quan trọng hơn, những trận đấu đánh Mỹ trên mặt trận “vành đai” nhằm tìm hiểu sự ứng phó của quân Mỹ cũng như khả năng thực tế của quân dân Việt Nam là một trong số những nhân tố quan trọng để Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động đi đến nhận định rằng: Ngày nay, mặc dù đế quốc Mỹ đưa vào miền Nam hàng chục vạn quân đội viễn chinh, lực lượng so sánh giữa hai bên vẫn không thay đổi lớn; tuy cuộc chiến sẽ ngày càng gay go, ác liệt hơn, nhưng quân dân Việt Nam đã có cơ sở chắc chắn để giữ vững và phát huy tư tưởng chiến lược tiến công, tiếp tục giành quyền chủ động chiến trường, có điều kiện và lực lượng để đánh bại âm mưu trước mắt và lâu dài của đế quốc Mỹ. Vì thế, tại Hội nghị này, Trung ương Đảng hạ quyết tâm động viên cao độ sức mạnh của cả nước, kiên quyết kìm chân và đánh bại quân Mỹ ngay trên chiến trường Nam Việt Nam.
Theo thời gian, cùng với sự gia tăng lực lượng quân sự Mỹ và chư hầu là việc xuất hiện ngày càng nhiều căn cứ quân sự Mỹ trên chiến trường miền Nam. Một cách tổng quát, có thể thấy rằng, những căn cứ quân sự đó chủ yếu được bố trí trên các địa bàn trọng yếu, các đô thị, các khu vực khống chế trục lộ giao thông huyết mạch, đặc biệt tập trung ở miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên, Khu 5, Trị Thiên. Và như thực tế lịch sử đã chứng tỏ, chỉ một thời gian sau đó, xung quanh các căn cứ quân sự Mỹ, thế trận chiến tranh nhân dân được tổ chức lại - mức cao là các "vành đai diệt Mỹ", mức thấp là sự xuất hiện các làng xã chiến đấu mới bên cạnh những làng xã chiến đấu đã có từ trước đó. Ngoài ra, bao quanh, áp sát các căn cứ quân sự, các vùng ven đô thị - thậm chí lồng xen giữa vùng địch kiểm soát, là những vùng lõm - bao gồm lõm chiến đấu, lõm chính trị. Dựa vào thế trận đó của chiến tranh nhân dân, lực lượng vũ trang tại các “vành đai”, tại các làng xã chiến đấu, tại các căn cứ lõm, bằng mọi vũ khí, với nhiều hình thức sáng tạo, linh hoạt đã tổ chức các trận đánh sâu, đánh hiểm, đồng thời thường xuyên duy trì các hoạt động quấy rối, tiêu hao, tạo nên áp lực uy hiếp ngày càng mạnh toàn bộ hệ thống căn cứ. Theo cuốn Từ điển chiến tranh Việt Nam của tác giả James s.Olson, có tới 90% số thương vong của lính thuỷ đánh bộ Mỹ ở căn cứ Đà Nẵng là do mìn chông, súng bắn tỉa của đối phương(2).
Trong những năm 1966 - 1967, hoạt động quân sự của du kích, bộ đội địa phương phía Việt Nam tại các vành đai tiếp tục gia tăng, gây cho địch những tổn thất nặng nề về sinh lực và phương tiện chiến tranh. Chỉ 10 tháng đầu của năm 1967, tại các sân bay Đà Nẵng, Chu Lai, An Khê, Plâyku, Nha Trang, pháo binh và đặc công Việt Nam đã phá huỷ, phá hỏng 476 máy bay các loại của Mỹ - chiếm 84% tổng số máy bay Mỹ do quân dân Khu 5 diệt và bằng 24,3% tổng số máy bay các loại của Mỹ trên địa bàn Khu 5(3). Riêng căn cứ Đà Nẵng, số máy bay Mỹ bị thiệt hại trị giá 75 triệu đô la(4). Ngoài ra, như một số tác giả Mỹ sau này nhận xét, ở miền Nam, Cộng sản vô hiệu hoá một phần không lực Mỹ bằng đặc công, bằng việc sử dụng đường hầm vào ban đêm và bằng cách buộc kẻ thù dùng nhiều máy bay để bảo vệ căn cứ. Còn như, việc quân Mỹ thường xuyên sử dụng pháo binh dội đạn ra các khu vực xung quanh thì, “các lực lượng cách mạng đối phó với trọng pháo bằng cách đánh vào các căn cứ cố định hoặc dã chiến”(5) của Mỹ. Bộ máy thống kê của Lầu Năm Góc nhận xét, vào năm 1969, có nhiều cuộc tiến công của đặc công đối phương vào các căn cứ Mỹ, “mỗi cuộc gây ít nhất một triệu đô la thiệt hại”(6). Như vậy, “vành đai diệt Mỹ”, trong thực tế, luônlà mặt trận nóng bỏng, nơi đó, bằng cuộc chiến đấu bền bỉ, kiên cường, quân dân các địa phương xung quanh các căn cứ quân sự Mỹ đã tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận đáng kể sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ tại các căn cứ hậu càn, căn cứ xuất phát hành quân của chúng trên chiến trường miền Nam.
Thế nhưng, quan trọng hơn của tình hình này lại chính là ở chỗ: Trước áp lực ngày càng tăng của “vành đai”, phía Mỹ đã buộc phải đầu tư nhiều công sức, lực lượng, tiền của và thời gian vào việc đảm bảo an toàn cho các căn cứ quân sự trải khắp miền Nam bằng việc tập trung một bộ phận lớn binh lực, vũ khí và phương tiện chiến tranh vào nhiệm vụ phòng giữ căn cứ. Như nhà sử học Mỹ G.Côn-cô nhận xét, vào đầu năm 1966, "khoảng một nửa lực lượng trên bộ của Mỹ là để bảo vệ các khu căn cứ và đến cuối năm đó thì tỷ lệ trên là 40% - khi quân số Mỹ tại miền Nam lên tới 485.000 quân"(7).
Cụ thể hơn, Sh.Stantơn - tác giả cuốn Sự thăng trầm của đạo quân đánh bộ Hoa Kỳ ở Việt Nam năm 1965-1973 cho biết, trong năm này - 1966, “toàn bộ nỗ lực của các đơn vị lính thuỷ đánh bộ Mỹ chủ yếu dồn vào việc phòng thủ ba căn cứ Chu Lai, Phú Bài - ngoại ô Huế, Đà Nẵng thuộc vùng một chiến thuật(8). Nhiều tác giả Mỹ sau này nhận xét, việc Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ (MACV) buộc phải tập trung một bộ phận lực lượng chiến đấu làm nhiệm vụ phòng giữ căn cứ là một điều rất mỉa mai. Điều rất mỉa mai này là ở chỗ: trong khi chiến lược quân sự Mỹ tại Nam Việt Nam là “tìm và diệt” chủ lực đối phương thì với cách thức tiến hành chiến tranh nặng về sử dụng hoả lực của quân Mỹ, Mỹ lại buộc phải - ngay từ đầu, tự cố định ở tư thế tĩnh tại. Rồi đó, cùng với sự xuất hiện các “vành đai” và trước sức tiến công của chiến tranh nhân dân Việt Nam, tư thế này của quân Mỹ chẳng những không khắc phục được mà ngược lại, “Mỹ luôn phải tiến hành cuộc chiến tranh Việt Nam trên thế phòng thủ chiến lược”(9). Ta hiểu vì sao, suốt những năm theo đuổi cuộc “Chiến tranh cục bộ”, MACV luôn hối thúc giới lãnh đạo Oasinhtơn tăng quân vào miền Nam. Hẳn rằng, góp phần tạo nên thế lưỡng nan này của quân Mỹ có vai trò và vị trí quan trọng của các “vành đai”. Nhìn lại những năm tháng ấy, người ta thấy được rằng: “Số quân Mỹ và Việt Nam Cộng hoà lại chiếm ưu thế so với lực lượng cách mạng kể từ sau năm 1965 và đến năm 1967 thì tỷ lệ đó là 4,7 trên 1. Trong cùng năm, vì cách mạng ghìm Mỹ và đồng minh Mỹ trong những vị trí tĩnh tại, cho nên cách mạng vượt họ về số quân chiến đấu giành cho các cuộc hành quân tiến công(10). Tất thảy điều đó cũng đủ nói lên ràng, cuộc đấu của lực lượng "vành đai" đã kìm giữ, giam chân một bộ phận quan trọng lực lượng cơ động quân Mỹ, góp phần cùng quân dân toàn miền buộc đối phương phải phân tán, dàn mỏng lực lượng, bộc lộ sơ hở, tạo điều kiện cho chủ lực Quân giải phóng tập trung ưu thế binh, hoả lực mở các cuộc tiến công trên các hướng chiến trường và giành thắng lợi trong hai mùa khô 1965- 1966 và 1966-1967.
Ngay khi cuộc chiến tranh cục bộ đang diễn ra ác liệt trên chiến trường Việt Nam, bên kia bờ Thái Bình Dương, những người viết Tài liệu mật Lầu Năm Góc đã nhận xét khá xác đáng rằng: "ý nghĩa cơ bản nêu rõ trong chiến lược “tìm và diệt” là muốn đưa cuộc chiến tranh đến tận xứ sở của đối phương, làm cho đối phương không thể tự do đi lại ở bất cứ nơi nào trên mặt đất... và giáng cho đối phương những đòn thật nặng nề"(11). Thế nhưng, thực tế lịch sử cho thấy, trải qua hai mùa phản công chiến lược, bằng việc tung toàn bộ lực lượng quân sự gồm quân Mỹ và quân đội Sài Gòn hiện có trong tay song Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ chẳng những đã không sao thực hiện được mục tiêu chiến lược trên đây mà ngược lại, còn bị tổn thất nặng nề về sinh lực và phương tiện chiến tranh, quân Mỹ bị vây hãm trong thế trận chiến tranh nhân dân Việt Nam. Đó là thế trận xen cài giữa các vùng của hai bên kiểm soát, bao gồm vùng căn cứ, vùng giải phóng liên hoàn, vùng làm chủ, hệ thống các làng xã chiến đấu được tổ chức thành "vành đai diệt Mỹ" bao vây, áp sát và thường xuyên uy hiếp các căn cứ quân sự Mỹ cũng như các trục lộ giao thông huyết mạch trên khắp chiến trường. Trên thế trận đó, quân dân Việt Nam thực hành chiến lược tiến công rộng khắp, liên tục, ngày càng mạnh mẽ cả về quân sự và chính trị; bằng nhiều hình thức và với mọi thứ vũ khí sẵn có trong tay, kể cả việc tiến công sâu và hiểm vào các căn cứ xuất phát hành quân, các căn cứ hậu cần, kỹ thuật của quân Mỹ trên khắp chiến trường. Đấy rõ ràng đã là một trong số những nhân tố quan trọng để Bộ Thống soái Việt Nam hạ quyết tâm.mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân. Trên thực tế, các “vành đai diệt Mỹ” chẳng những góp phần ghìm chân một bộ phận quan trọng sinh lực Mỹ, tạo điều kiện cho quá chuẩn bị Tết Mậu Thân diễn ra tuyệt đối bí mật cho dù hàng bao sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn chủ lực Quân giải phóng rời căn cứ, qua bao làng mạc, xóm thôn để áp sát các vùng ven đô trên toàn miền... mà đấy còn là địa bàn tập kết lượng quân sự, chính trị, là bàn đạp xuất phát tiến công của quân dân miền Nam trong dịp Tết Mậu Thân - cuộc tiến công xuất thần mà hiệu quả chiến lược của nó, xét trên nhiều chiều cạnh, đã giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ, dù còn rất ngoan cố và hiếu chiến, vẫn phải đơn phương xuống thang, rút dần quân Mỹ ra khỏi cuộc chiến Việt Nam, trút gánh nặng chiến tranh xuống vai chính quyền và quân đội Sài Gòn - một đội quân vốn đã bại trận trong những năm “Chiến tranh đặc biệt” 1961-1965 và ngày càng phụ thuộc nặng nề vào sự có mặt của quân đội viễn chinh Mỹ cũng như các đồng minh của Mỹ. Cho dù sau đó, chiến tranh vẫn còn tiếp diễn ác liệt thêm 5 năm nữa và phải 7 năm sau mới kết thúc với thắng lợi thuộc về quân Việt Nam nhưng rõ ràng, về mặt chiến lược, Mỹ đã thua trận kể từ mùa Xuân 1968. Trong chiến công chung của cả dân tộc có sự đóng góp của quân dân trên mặt trận “vành đai” - một mặt trận mà ở đó, suốt bao năm ròng chiến tranh, sức mạnh của lòng yêu quê hương, đất nước, chí căm thù giặc sâu sắc được quân và dân các địa phương “vành đai”, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, phát huy cao độ, bảo đảm cho “vành đai” chẳng những ngang nhiên tồn tại sát với toàn bộ hệ thống căn cứ quân sự Mỹ mà còn trụ vững và phát huy ngày càng đầy đủ vai trò, tác dụng của nó trước mọi sự đánh phá dữ dội của kẻ thù.
  
CHÚ THÍCH
 (1) G. Côn-cô: Giải phẫu một cuộc chiến tranh, tập 1, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội-1991, tr.199.
(2) James S.Olson: Dictionnary of Vietnam War. Green Wood Press. Westport, 1988, P.276, 109.
(3) Quân khu 5: Thắng lợi và bài học trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tập 1, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội-1981, tr.94.
(4) James S.Olson: Dictionnary of Vietnam War, Sđd, tr.276, 109.
(5), (6) G.Côn-cô: Giải phẫu một cuộc chiến  tranh. tập 1, Sđd, tr.203,204.
(7), (9) G.Côn-cô: Giải phẫu một cuộc chiến tranh, tập 1, Sđd, tr.190,191.
(8) Sh. Stantơn: Sự thăng trầm của đạo quân đánh bộ Hoa Kỳ ở      Việt Nam 1965-1973. Tài liệu dịch, lưu trữ tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
(10) G.Côn-cô: Giải phẫu một cuộc chiến tranh, tập 1, Sđd, tr.193.
(11) Tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, tập 2, VNTTX dịch và phát hành, H.1971, tr.137.



[*] Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 5 (324) (IX-X)/2002.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!