Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

VỀ QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH CHỦ TRƯƠNG CHIẾN LƯỢC “TẾT MẬU THÂN” 1968*



PGS,TS. Hồ Khang
      Sự kiện lịch sử “Tết Mậu thân 1968” tại miền Nam Việt Nam lùi xa đã hơn 1/3 thế kỷ! Nhưng thời gian không hề làm cho sự kiện lịch sử này bị nguội lạnh mà nó vẫn luôn được thức dậy trong các giới chính trị, quân sự, sử học, báo chí… cả ở Việt Nam và nước ngoài, đặc biệt là ở Mỹ. Từ bao năm qua và cho đến hôm nay, đây đã và vẫn đang còn là một chủ đề gây tranh luận. Như một khối thuỷ tinh nhiều chiều cạnh, “Tết Mậu thân” thâu nạp nhiều nguồn ánh sáng để tự phản quang thành nhiều diện, nhiều hình. Người đứng ở góc độ này, tưởng mình đã thấy được toàn thể. Người đứng ở góc độ kia lại như thấy chưa biết nhận diện ra sao. Có người tự nhận mình mới chỉ nhìn thấy một chiều, một cạnh khía nhất định.
Trong khuôn khổ tham luận này, chúng tôi muốn đề cập tới quá trình hình thành ý đồ chiến lược “Tết Mậu thân” của Đảng CSVN - một quá trình thực ra không đơn giản, không hề chủ quan “duy ý chí” như nhìn nhận của một số tác giả lâu nay1, với hy vọng sẽ góp phần vào việc trình bày rõ hơn sự kiện lịch sử trọng đại này.
          Cuộc chiến tranh cục bộ - đỉnh cao nhất trong toàn bộ nỗ lực chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, đến đầu năm 1967, đã bước sang năm thứ ba. Trong khoảng thời gian đó, cho dù phía Mỹ và đồng minh của Mỹ dồn sức hòng khuất phục ý chí kháng chiến của nhân dân Việt Nam, qua đó, hoàn tất các mục tiêu chiến lược của cuộc chiến tranh cục bộ ở miền Nam trong khoảng thời gian từ hai năm đến hai năm sáu tháng như kế hoạch đề ra ban đầu… nhưng đã không sao thực hiện được. Trong khi đó, qua hai năm, quân và dân miền Nam vẫn giữ vững và phát huy mạnh mẽ chiến lược tiến công làm thất bại một bước quan trọng nỗ lực chiến tranh của địch, giữ vững quyền chủ động chiến trường. Trên miền Bắc, trong khói lửa đạn bom, quân và dân miền Bắc vừa đánh trả quyết liệt và hiệu quả máy bay, tàu chiến Mỹ, vừa giữ vững sản xuất, tăng sức chi viện mạnh mẽ và liên tục cho cách mạng miền Nam.
          Trong khi dồn sức vào các hoạt động quân sự, cả hai phía Mỹ và Việt Nam đồng thời chú trọng đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại phục vụ cho yêu cầu quân sự, chính trị của mỗi bên. Các hoạt động này được triển khai khá nhịp nhàng, được cả hai phía tính toán rất kỹ lưỡng, nhằm những mục tiêu xác định và đều chịu sự tác động của sức ép dư luận quốc tế và trong nước. “Các quan chức Mỹ về sau tổng kết lại là từ năm 1965 đến năm 1967, đã có tới 2.000 nỗ lực nhằm bắt đầu các cuộc đàm phán hoà bình. Không bên nào có thể tỏ ra thờ ơ với những nỗ lực như vậy, nhưng cũng không bên nào muốn có những nhượng bộ cần thiết để biến các cuộc đàm phán thành hiện thực”2. Cần mở ngoặc để nói ở đây rằng, nếu chính quyền Mỹ chịu sức ép ngày càng tăng ở cả trong nước và trên thế giới đòi hỏi phải mở đường đi vào thương lượng thì Việt Nam cũng đang trong một hoàn cảnh phức tạp. “Do đánh giá cao sức mạnh của Mỹ, Liên Xô tìm mọi cách hướng Việt Nam đi vào thương lượng với Mỹ khi điều kiện chưa chín muồi”3. Sự thật, từ năm 1965 đến năm 1968, Liên Xô đã 24 lần truyền đạt ý kiến của Mỹ cho phía Việt Nam về đàm phán. Trong khi đó, Trung Quốc lôi kéo muốn Việt Nam ngả theo đường lối Trung Quốc...
          Trong khi kiên trì đánh Mỹ, ra sức tranh thủ dư luận, Việt Nam kiên quyết giữ vững đường lối độc lập, tự chủ. Đầu năm 1967, trên cơ sở những thắng lợi đã giành được ở cả hai miền Nam, Bắc, bộ não chỉ đạo cách mạng Việt Nam chủ trương, đã đến lúc, có thể và cần phải chủ động bước vào một giai đoạn mới của cuộc chiến: vừa đánh vừa đàm. Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 13 (tháng 1. 1967) chủ trương mở mặt trận tiến công địch về ngoại giao và khẳng định “chúng ta tiến công địch về ngoại giao bây giờ là đúng lúc4.
          Nghiên cứu kỹ một số bài nói, bài viết của lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước, Quân đội Nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ, có thể thấy ở đây những tư tưởng chỉ đạo mà nổi bật là: ta biết thắng Mỹ vừa với sức ta; chúng ta biết khởi đầu chiến tranh thì chúng ta cũng biết kết thúc chiến tranh theo truyền thống quân sự Việt Nam. Phát biểu tại Hội nghị BCHTW Đảng lần thứ 14 (tháng 1. 1968), Bí thư thứ nhất BCHTW Lê Duẩn cho rằng: “Lịch sử Việt Nam ta đánh giặc rồi kêu (gọi) giặc; đánh mãi mãi không được. Nguyễn Trãi trước kia như vậy. Bây giờ ta cũng như vậy”5.
          Chính vì thế, nhằm hiện thực hoá chủ trương vừa đánh vừa đàm mà Hội nghị Trung ương lần thứ 13 đề ra, phía Việt Nam đã chỉ cần yêu cầu phía Mỹ phải ngừng ném bom miền Bắc - chứ không còn bao gồm cả việc đòi Mỹ phải rút hết quân viễn chinh ra khỏi miền Nam như trước đây phía Việt Nam từng tuyên bố. Việc hạ thấp yêu cầu so với tuyên bố trước năm 1967 là cốt tạo ra đồng thuận cho một cuộc hoà đàm giữa hai quốc gia Hoa Kỳ và Việt Nam. Thế nhưng, đáp lại thiện chí trên đây, phía Mỹ vẫn kiên quyết đòi “có đi có lại” bằng việc đưa ra điều kiện buộc phía Việt Nam phải công khai cam kết không lợi dụng việc Mỹ ngừng ném bom dể đưa người và vũ khí vào miền Nam. Thư của Tổng thống Mỹ Giônxơn gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 8.2.1967 thể hiện rất rõ việc Mỹ còn rất ngoan cố, ý chí xâm lược của Mỹ chưa bị lung lay. Trước tình hình này, các cơ quan chỉ đạo chiến lược Việt Nam đã bắt tay khởi thảo kế hoạch nhằm giáng đòn quyết liệt, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, phải ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam.
          Trên thực tế, tháng 5 và tháng 6 năm 1967, Bộ Chính trị, Quân Uỷ Trung ương đã mở những cuộc họp bàn về dự thảo kế hoạch chiến lược Đông Xuân 1967-1968 do Tổ kế hoạch thuộc Bộ Tổng tham mưu QĐNDVN chuẩn bị. Tuy bàn bạc rất tỷ mỷ về tương quan lực lượng lúc đó nhưng Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương cũng mới chỉ dự kiến: Trên cơ sở phương châm đánh lâu dài, đẩy mạnh nỗ lực chủ quan đến mức cao nhất để giành thắng lợi quyết định trong năm 1968, theo phương hướng đánh lớn.
          Tiếp đó, từ tháng 7 đến tháng 10 năm 1967, phương án tác chiến chiến lược tiếp tục được bổ sung. Đó là cả một quá trình tính toán, lường định, hoàn thiện dần từng bước chủ trương chiến lược giữa Tổng hành dinh với lãnh đạo, chỉ huy các chiến trường, với các ngành, các cấp… có liên quan. Trong quá trình này, Tổng hành dinh nhận thấy, nếu cứ tiếp tục mở các đợt hoạt động quân sự như trước, đánh theo cách đánh cũ thì khó tận dụng được thời cơ có lợi để tạo nên chuyển biến lớn trên chiến trường, chiến tranh vẫn diễn ra trong thế nhùng nhằng, dằng co. Nhưng mặt khác, trước đối thủ có quân số đông (gồm hơn 1 triệu 30 vạn quân chủ lực), hoả lực mạnh, sức cơ động cao, khả năng tiếp ứng nhanh, lại chiếm ưu thế áp đảo trên không, trên sông, trên biển… thì phương án bao vây để tiêu diệt lớn đội quân này - như đã từng làm ở Điện Biên Phủ đối với quân viễn chinh Pháp trước đây, là không hiện thực. Trong khi “Tổ kế hoạch” còn chưa tìm ra giải pháp thì một số lãnh đạo chủ chốt trong Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương6 chủ trương: hướng sức mạnh chủ yếu của chiến tranh cách mạng vào đô thị miền Nam, đánh thẳng vào trung tâm đầu não địch trên toàn chiến trường. Ngay lập tức, kế hoạch chiến lược được chuẩn bị lại theo phương hướng mới này. Toàn bộ ý định và quá trình xây dựng dự thảo kế hoạch chiến lược được giữ bí mật nghiêm ngặt.
          Trong 5 ngày từ 20 đến 24.10.1967, Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương họp bàn về dự thảo kế hoạch chiến lược năm 1968 và quyết định một phương thức tiến công, một cách đánh chiến lược mới có hiệu lực cao: bất ngờ và đồng loạt đánh mạnh vào các đô thị trên toàn miền Nam. Đây là một quyết định rất táo bạo của Đảng CSVN và nếu chỉ nhìn vào tương quan lực lượng quân sự thuần tuý lúc bấy giờ (tháng 1. 1967), thì không thể có được chủ trương táo bạo ấy. Hơn nữa, tại cuộc họp này, Bộ Chính trị nhận thấy cho đến lúc đó, nhiều nơi, nếu “đánh vào thị xã mà giữ lại, ta cũng chưa làm được” và “khả năng đánh tiêu diệt của ta còn yếu”7. Nhưng đây là vấn đề chớp thời cơ, táo bạo, sáng tạo cách đánh mới. Cách mạng Tháng Tám 1945 là như thế. Về sau này, chiến thắng mùa xuân 1975 cũng là như thế. Trên cơ sở đánh giá tương quan lực lượng và nhận thấy thế “tiến thoái lưỡng nan” của Mỹ khi năm vận động tranh cử ở Mỹ đang đến gần, Bộ Chính trị xác định rất rõ: đến thời điểm này, thời cơ chiến lược đã xuất hiện cho phép chúng ta có thể và cần phải gấp rút tăng cường lực lượng và sức mạnh tiến công để xoay chuyển cục diện chiến tranh. Cần nhắc lại ở đây quan điểm xuyên suốt của Đảng CSVN về sức mạnhso sánh lực lượng trong chiến tranh cách mạng miền Nam. Trong bài viết ở Tạp chí Quân đội nhân dân, tháng 3.1967, Bí thư thứ nhất BCHTW Đảng Lê Duẩn chỉ rõ: “ Chiến tranh nhân dân ở miền Nam là cuộc tiến công toàn diện của cách mạng miền Nam vào nền tảng thống trị của bọn Mỹ và tay sai chứ không đơn thuần là một cuộc tiến công về quân sự. Sức mạnh của nó không đơn thuần là sức mạnh quân sự (nhất là trong thời kỳ đầu thì chủ yếu không phải là sức mạnh quân sự), mà là một sức mạnh tổng hợp mọi mặt về chính trị -tinh thần, về quân sự, về thế và lực của nhân dân và đất nước (…). Khi so sánh lực lượng, nói mạnh yếu là nói trong những điều kiện nhất định. Nhất là phảI xem lực lượng đó với hiệu lực thực tế (efficaicité) trong hành động, trong cuộc đọ sức trực tiếp với nhau, mà trong hành động thì trên cơ sở những điều kiện vật chất nào đó, tính năng động chủ quan của con người ( bao gồm cả ý chí, tài năng, mưu trí sáng tạo) có tác dụng quyết định”8. Trong thư gửi Khu uỷ Sài Gòn- Gia Định tháng7.1967, Lê Duẩn nhấn mạnh: xét lực lượng so sánh đôi bên trên chiến trường “là phải xét kết quả tổng hợp các yếu tố vật chất và tinh thần của các lực lượng chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá mà mỗi bên sử dụng để chống lại đối phương. Nó không phải là trừu tượng mà là cụ thể, nó không phải là một tỷ lệ bất biến mà là một so sánh trong vận động, kết quả của quá trình phát triển biện chứng về số lượng cũng như về chất lượng của các yếu tố, các lực lượng nói trên”9.
          Chính là xuất phát từ quan điểm trên cũng như xuất phát từ kinh nghiệm của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám.1945, của kháng chiến chống thực dân Pháp và Đồng khởi 1960 mà Đảng CSVN, tại cuộc hội nghị này, chủ trương Tổng công kích- Tổng khởi nghĩa trong dịp Tết Mậu thân.
          Chủ trương này là cơ sở để các chiến trường ở miền Nam bắt tay vào chuẩn bị trực tiếp cho đến Tết Mậu thân 1968.
          Sau một thời gian chuẩn bị mọi mặt về thế trận và lực lượng, trên cơ sở nắm bắt diễn biến tình hình thực tế trên chiến trường, ở trong nước và trên thế giới có liên quan tới cuộc chiến, tháng 12. 1967, Bộ Chính trị họp, chính thức hạ quyết tâm mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu thân 1968, dùng phương pháp tổng công kích- tổng khởi nghĩa để giáng đòn mãnh liệt vào ý chí của đối phương. Hội nghị BCHTW Đảng lần thứ 14 (1. 1968) ngay sau đó đã thông qua Nghị quyết này.
          Căn cứ vào Nghị quyết Bộ Chính trị được Hội nghị BCHTW lần thứ 14 thông qua, Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh đã hoàn chỉnh lần cuối phương án chiến lược Đông- Xuân 1967- 1968 và xác định cụ thể: cùng với đòn tấn công của bộ đội chủ lực - mà hướng chính là đường 9- Khe Sanh, nhằm thu hút, giam chân lực lượng chiến lược của địch, một đòn tiến công chiến lược đánh vào đô thị trên qui mô toàn miền Nam, kết hợp với nổi dậy của quần chúng nông thôn và đô thị, mở đầu cho tổng công kích- tổng khởi nghĩa, lấy chiến trường chính là Sài Gòn, Nam Bộ, Trị - Thiên, Huế và các thành phố lớn. Thời gian tiến hành được chọn vào đung đêm giao thừa Tết Mậu thân.
          Trở lên, chúng tôi đã tổng quát quá trình hình thành ý đồ chiến lược của Đảng trong việc quyết định mở cuộc tiến công Tết Mậu thân 1968. Vấn đề này, từ nhiều năm qua, đặc biệt sau ngày nước nhà thống nhất, tại các cuộc hội thảo khoa học, trên các trang viết của các tướng lĩnh hoặc các nhà nghiên cứu…, vẫn chưa được giải quyết thoả đáng. Trong khi một số nhìn nhận quyết định mở cuộc tiến công “ Tết Mậu thân” là chủ trương chiến lược táo bạo, sáng tạo thì một số khác lại cho rằng, trong điều kiện tương quan lực lượng trên chiến trường nghiêng mạnh về phía Mỹ như vào thời điểm năm 1967, chủ trương ấy là chủ quan, duy ý chí. Ở đây, cần nhìn nhận rõ hơn quan điểm của Đảng CSVN về vấn đề cốt tử này. Ngay từ năm 1962, khi phân tích tình hình cách mạng Lào sau chiến thắng Nậm Thà, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn từng lưu ý các lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam rằng: “Đế quốc Mỹ phải thua nhưng có thể thua đến mức nào, ta phải thắng nhưng thắng đến mức nào”. Trên cương vị là Bí thư thứ nhất BCHTW Đảng, ngay từ ngày đó, vấn đề THẮNG MỸ ĐẾN MỨC NÀO đã được đặt ra để suy nghĩ, để “tính toán, đo lường cho chuẩn xác”. Trong những năm tiếp theo, vấn đề trên đây thường xuất hiện trong nhiều bài nói, bài viết, điện chỉ đạo… của Bí thư thứ nhất Lê Duẩn. Trong thư gửi Khu uỷ Sài Gòn- Gia Định ngày 1.7.1967, Lê Duẩn viết: “Phấn đấu tiến tới tổng công kích- tổng khởi nghĩa là quyết tâm cách mạng rất cao, là phương pháp cách mạng rất quyết liệt, rất triệt để của chúng ta. Song mặt khác, chúng ta phải có sách lược mềm dẻo và biết thắng với mức độ thích hợp”. Gần ba tháng sau đó, trong cuộc họp Bộ Chính trị tháng 10. 1967 bàn về “Tết Mậu thân”, Trường Chinh chủ trì cuộc họp, đã kết luận: “Ta tranh thủ giành thắng lưọi cao nhất, song cũng có thể đạt mức độ thôi”10. Điều này, một lần nữa được Lê Duẩn nhấn mạnh trong Hội nghị BCHTW Đảng lần thứ 14 (1.1968): “Vì Mỹ là đế quốc mạnh… cho nên ta phải biết thắng nó, (làm cho) nó ra được”11.
          Biết thắng Mỹ” vừa với sức ta và phù hợp với truyền thống quân sự Việt Nam, Đảng CSVN chủ trương mở cuộc tiến công “Tết Mậu thân” nhằm giáng đòn quyết liệt vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ dù còn rất ngoan cố và hiếu chiến vẫn phải đơn phương xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán; mở ra một giai đoạn vừa đánh vừa đàm.
          Thực hiện chủ trương chiến lược trên đây, trước Tết Mậu thân, quân và dân trên chiến trường miền Nam đã vây hãm quân Mỹ ở Khe Sanh - một vị trí có tầm quan trọng chiến lược ở miền rừng núi phía tây Quảng Trị. Trong khi Oasinhtơn và Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ tại Sài Gòn phán đoán Khe Sanh là một "Điện Biên Phủ" trong ý đồ của các cơ quan chiến lược Việt Nam và họ buộc phải dồn tâm trí, lực lượng ra hướng đường 9 - Khe Sanh thì đúng vào dịp giao thừa Tết Mậu thân, quân và dân miền Nam bất ngờ tiến công vào một loạt đô thị - dinh luỹ của đối phương trên khắp chiến trường. Cuộc tiến công "xuất thần" ấy đã tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực; phá huỷ, phá hỏng nhiều phương tiện chiến tranh; phá rã chính quyền địch ở nhiều vùng nông thôn; phá vỡ hệ thống phòng thủ đô thị kiên cố của Mỹ và chính quyền Sài Gòn trên quy mô rộng lớn; làm đảo lộn thế bố trí chiến lược của chúng ở miền Nam. Rõ ràng, "Tết Mậu thân" đã là một phép thử nhiệm màu làm hiện rõ những mâu thuẫn mà Mỹ và quân đội Sài Gòn đã không sao khắc phục được trong đường lối và cách thức điều hành chiến tranh; phơi bày toàn bộ sự thất bại về quân sự, chính trị của phía Mỹ trong suốt những năm chiến tranh cục bộ; chứng tỏ ý chí, nghị lực, sức mạnh, tài thao lược và sự sáng tạo của quân dân và các cơ quan chỉ đạo chiến lược Việt Nam. Thế cho nên, "Tết Mậu thân" đã giáng đòn quyết liệt vào uy thế của quân đội Mỹ trên chiến trường Việt Nam, làm suy giảm vị trí và ảnh hưởng của chính quyền và quân đội Sài Gòn ở cả thành thị và nông thôn, khiến cho giới lãnh đạo nước Mỹ phải bàng hoàng, sửng sốt và họ buộc phải  xem xét lại chính sách chiến tranh, chiến lược quân sự của Mỹ ở Việt Nam trong mối liên quan tới chiến lược toàn cầu mà Mỹ đang theo đuổi... dưới sức ép nặng nề của "Tết Mậu thân". Trong cuộc soát xét về mặt chiến lược này, Oasinhtơn nhận thấy: cuộc tiến công "Tết Mậu thân" chứng tỏ Mỹ hoàn toàn không kiểm soát gì được ở đất nước Việt Nam sau cả một quá trình dính líu trực tiếp và sau cả nỗ lực khổng lồ về quân sự; chứng tỏ nhân dân Việt Nam ủng hộ "kẻ thù của Mỹ". Chỉ riêng việc hàng bao sư đoàn, trung đoàn Quân giải phóng rời căn cứ, qua bao làng mạc, thôn ấp, vượt qua bao sông suối, cánh đồng... để về áp sát vùng ven một loạt đô thị trên toàn miền mà không một người dân báo cho phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn... đã là một thí dụ. Ngày đó, giới truyền thông Mỹ đã phải  thừa nhận rằng: sức mạnh kinh tế và quân sự Mỹ là có giới hạn; trong giới hạn đó, "Mỹ không thể dùng các biện pháp quân sự để thắng cuộc chiến tranh mà lại không xé tan toàn bộ tổ chức của nước Mỹ và các mối quan hệ quốc tế"12. Vì thế, cuộc tiến công "Tết" đã làm rung động nước Mỹ, khiến cho đông đảo càng tầng lớp xã hội Mỹ - kể cả các quan chức cao cấp, các nghị sĩ, các tập đoàn tài phiệt đầy thế lực ở Mỹ, phải thay đổi quan điểm đối với cuộc chiến tranh, không còn hậu thuẫn cho chính sách chiến tranh của chính quyền Giônxơn nữa. Tất cả những điều đó buộc Tổng thống Mỹ Giônxơn, vào đêm 31.3.1968, phải công khai đơn phương xuống thang chiến tranh, rút bỏ cam kết đưa quân viễn chinh Mỹ vào cuộc chiến tranh trên bộ ở miền Nam, ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, cử đại diện đi vào đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Pari. Từ đây sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn mới - giai đoạn vừa đánh vừa đàm, nhằm mục tiêu chiến lược "đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào" như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra trong Thư chúc Tết 1969.
Ở đây, chúng tôi muốn được nhắc lại lời của một nhà báo Mỹ Đôn Obơcđoiphơ, khi ông nhìn nhận về sự kiện lịch sử Tết Mậu thân: “Đây là một câu chuyện về một bước ngoặt, khi người dân và các dân tộc đang tìm kiếm những cách nhìn nhận và hướng đi mới. Miêu tả một hành động quân sự không tính đến những hậu quả chính trị của nó, hay miêu tả một hành động chính trị mà không nói đến những yếu tố đang biến chuyển trên chiến trường, tức là mất đi một nửa”. Quả thật là một nhận xét tinh tế. Ở đây, không hẹn mà nên, Đôn Obơcđoiphơ đã nhìn thấy yếu tố chính trị sau yếu tố quân sự! Nói cách khác, “Tết” là phần nổi của tảng băng; nhận thức về phần chìm của nó mới là nhân tố có ý nghĩa quyết định. Phần chìm của tảng băng đó nằm sâu trong ý đồ chiến lược: bằng mọi giá phải kéo Mỹ xuống thang, buộc chúng ngồi vào bàn đàm phán.
          Nếu vậy, ý đồ chiến lược “Tết Mậu thân” không bao giờ đồng nghĩa với sự chủ quan, duy ý chí. Và như thế, trong thực chất và trên thực tế, “Tết Mậu thân” đã giành được thắng lợi quyết định, đúng như khát vọng ban đầu của những người khởi xướng: mong chiến tranh kết thúc cho một nền hoà bình sớm đến trên toàn cõi Việt Nam bằng việc giáng một đòn mãnh liệt làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc đế quốc Mỹ, dù còn hiếu chiến và rất ngoan cố vẫn phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán, khởi đầu cho quá trình đi xuống về chiến lược.
Sứ mệnh “Tết Mậu thân” và ý đồ đích thực của các cơ quan chiến lược Việt Nam khi mở cuộc tiến công xuất thần này là như vậy!
Download toàn văn bài viết tại: Trang Web NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ


1 Ở Việt Nam, trong các cuộc hội thảo và sách báo viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, phần đông các nhà nghiên cứu đều nhất trí nhận định: trong Tết Mậu thân, quân và dân ta đã giành được thắng lợi to lớn. Tuy nhiên, có ý kiến trên cơ sở so sánh mục tiêu đề ra ban đầu cho cuộc tiến công "Tết Mậu thân" và kết quả đạt được cũng như trên cơ sở tính toán những tổn thất của ta trong và sau "Tết" đã đi đến kết luận: "Cuộc Tổng tiến công ấy đã mắc sai lầm là: chủ quan, đánh giá không đúng tương quan lực lượng giữa ta và địch" (Lê Đức Thọ: Một số vấn đề về tổng kết chiến tranh và biên soạn lịch sử Quân sự", Nxb. Sự Thật, H, 1989, tr. 51). Thậm chí một số người còn khẳng định: "Tết Mậu thân 1968 đã không tạo được một bước phát triển đi lên của chiến tranh cách mạng miền Nam, không thay đổi được cục diện chiến trường có lợi cho ta; mà làm cho cục diện xấu hơn năm 1968. Cũng có thể nói rằng, nó đã tạo nên một bước tạm thời đi xuống của cục diện chiến trường miền Nam, buộc quân và dân ta phải phấn đấu gian khổ, bốn năm sau mới dần hồi phục được" (Tham luận của Cục khoa học quân sự tại Hội nghị Tổng kết cuộc Tổng tiến công Tết Mậu thân do Viện Lịch sử quân sự Việt Nam tổ chức tháng 3.1986. Lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam).
2. G.C. Herring: Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ, Nxb.  Chính trị quốc gia, Hà Nội. 1988, tr. 210
3. Ban chỉ đạo  tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước- thắng lưọi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 1996, tr. 66
4. Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 28, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2003, tr. 174
5. Bài gỡ băng ghi âm, lưu hồ sơ văn kiện Hội nghị lần thứ 14 BCHTW Đảng khoá III, chưa được Bí thư thứ nhất Lê Duẩn xem lại. Dẫn trong Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 29, Nxb. CTQG, H, 2004, tr. 37, 38.
6. Trong một bài viết của mình, Thượng tướng Lê Ngọc Hiền- nguyên tổ trưởng Tổ kế hoạch lúc bấy giờ, cho biết: Tháng 9.1967, Đại tướng Văn Tiến Dũng gặp và lệnh cho Tổ làm kế hoạch đánh vào thành phố; sau này Đại tướng Văn Tiến Dũng cho biết đề xuất ấy là của Bí thư thứ nhất Lê Duẩn ( Lê Duẩn- một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam- Nxb Chính trị quốc gia, HN. 2002, tr. 381).
7. Dẫn trong Biên bản chép tay Hội nghị Bộ Chính trị, tháng 10. 1967. Tài liệu mật, lưu tại Bộ môn lịch sử KCCM, Viện LSQSVN
8. Bài viết sau đó được chọn đăng trong Lê Duẩn: Về chiến tranh nhân dân Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 1993, tr. 295, 297.
9.Lê Duẩn: Thư vào Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985, tr. 177.
10. Dẫn trong Biên bản chép tay Hội nghị Bộ Chính trị, tháng 10. 1967. Tài liệu mật, lưu tại Bộ môn lịch sử KCCM, Viện LSQSVN.
11. Bài gỡ băng ghi âm, lưu hồ sơ văn kiện Hội nghị lần thứ 14 BCHTW Đảng khoá III, chưa được Bí thư thứ nhất Lê Duẩn xem lại. Dẫn trong Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 29, Nxb. CTQG, H, 2004, tr. 37, 38.
12 Bình luận của Ban biên tập toà soạn báo Tuần tin tức Mỹ, ngày 11.3.1968. Dẫn theo Đôn Obớcđoiphơ: Tết, Nxb. An Giang trích dịch, 1988, tr. 149.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!