Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

TÂY BẮC - ĐIỆN BIÊN - TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC CỦA ĐẢNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM


Bản đồ Tây Bắc
PGS. TS. Hồ Khang
Đại tá Nguyễn Huy Cầu
 Sau những năm dài kháng chiến, đến 1953 – 1954, miền Tây Bắc điệp trùng đồi núi của Tổ quốc trở thành chiến trường chính trong cuộc chiến tranh giữa thực dân Pháp, can thiệp Mỹ với nhân dân Việt Nam. Tại đây, quân dân Việt Nam đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, đánh sập ý chí xâm lược của thực dân Pháp. Nhưng tại sao đến mùa khô 1953 – 1954, Tây Bắc mới trở thành nơi định đoạt số phận cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất? Để lý giải, phải xem xét diễn biến tình hình liên quan tới cuộc chiến cũng như sự chỉ đạo tầm chiến lược của Đảng LĐVN đối với toàn cục và đối với chiến trường Tây Bắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Với kinh nghiệm xâm lược và thống trị Đông Dương hàng chục năm trước đó, nên trong cuộc chiến tranh xâm lược lần 2 (1945 – 1954), phía Pháp, ngay từ đầu, đã hiểu rõ và triệt để lợi dụng tầm quan trọng của vùng Tây Bắc Việt Nam nhằm phục vụ cho cuộc chiến tranh tái chiếm Đông Dương. Đây là vùng rừng núi rộng lớn, địa bàn cư trú của nhiều tộc người mà dựa vào đó, về mặt quân sự, Pháp có thể uy hiếp, bao vây sườn căn cứ Việt Bắc và vùng đồng bằng Bắc Bộ; về chính trị, Pháp có điều kiện triển khai thực hiện âm mưu chia rẽ dân tộc, thi hành chính sách “dĩ Việt trị Việt” – một chính sách “truyền thống” không chỉ của thực dân Pháp mà còn của nhiều tên xâm lược trước đó và sau này. Đồng thời ở vị trí tiếp giáp Lào, Tây Bắc còn là địa bàn quan trọng, thuận lợi, để khống chế hai xứ của Đông Dương – Lào và Bắc Bộ Việt Nam; tạo được mối liên hệ và thế “ỷ dốc” giữa hai “xứ” này. Vì lẽ đó, ngay từ đầu tháng 11/1945, 2 tiểu đoàn quân Pháp quay lại đánh chiếm Lai Châu và một số nơi khác. Đầu năm 1946, từ Vân Nam (Trung Quốc), quân Pháp dưới sự chỉ huy của A-lếch-xăng-dri đã kéo vào Tây Bắc. Từ Lai Châu, chúng lấn chiếm Sơn La và nhảy dù xuống cao nguyên Mộc Châu… Trước tình hình đó, Bộ Tổng tham mưu đã điều động một bộ phận lực lượng gồm 7 đại đội từ xuôi lên, hợp sức cùng quân dân địa phương ngăn chặn và tiêu hao quân địch.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Trong khi quân dân Thủ đô và quân dân một số thành phố khác đang ra sức vây hãm địch, tạo thêm điều kiện cho cả nước chuyển vào chiến tranh thì Bộ Tổng chỉ huy quyết định mở “Mặt trận Tây Tiến” mà địa bàn hoạt động là miền biên giới Việt – Lào, thuộc các tỉnh Bắc Trung Bộ và Tây Bắc. Đợt hoạt động này nhằm tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận lực lượng địch, phá thế uy hiếp của chúng ở vùng biên viễn Bắc Trung Bộ và Tây Bắc Việt Nam. Trong bối cảnh “nước sôi lửa bỏng” lúc đó, khi cuộc kháng chiến đang diễn ra rất khẩn trương trên phạm vi toàn quốc, việc Bộ Tổng chỉ huy quyết định mở Mặt trận Tây Tiến và huy động một bộ phận lực lượng quan trọng cho đợt hoạt động này đã chứng tỏ, Đảng LĐVN, từ sớm đã rất quan tâm đến chiến trường Tây Bắc. Trong thư gửi cán bộ, chiến sĩ mặt trận miền Tây, đề ngày 1/2/1947, Bộ Tổng chỉ huy chỉ rõ: "Miền Việt Tây đối với nước ta có một vị trí chiến lược rất quan trọng. Hùng cứ được vùng đó, không những quân địch ở vào cái thế “cứ cao lâm hà” có thể uy hiếp hậu phương chúng ta, mà chúng lại mong thực hiện cái âm mưu độc ác “dĩ Việt, chế Việt”, chia rẽ các anh em thiểu số, lập bộ đội người Việt thiểu số để tiến đánh chúng ta".
Mỗi tấc đất miền Tây là một tấc đất của Tổ quốc Việt Nam. Mỗi một đồng bào miền Tây là một người dân nước Việt. Bảo vệ được lãnh thổ và nhân dân miền Tây, tức là gián tiếp bảo vệ được hậu phương, góp một phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng.
Sau chiến thắng Việt Bắc Thu Đông 1947, bốn đội “Xung phong công tác” của Quân đội nhân dân Việt Nam được gấp rút tổ chức và tiến sâu vào vùng Tây Bắc, phân tán thành tổ nhỏ, tiến hành công tác tuyên truyền giác ngộ quần chúng, gây dựng cơ sở cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, phát động chiến tranh du kích trong vùng địch kiểm soát… Cùng thời gian, chủ lực, Quân đội NDVN đã mở một số “chiến dịch” nhỏ ở sông Đà, sông Thao… Dù vẫn còn rất nhiều khó khăn nhưng dưới sự chỉ đạo của Đảng, bằng các hoạt động trên đây, quân dân miền Tây Bắc đã cải thiện đáng kể tình hình mọi mặt. Từ một vùng hầu như bị địch kiểm soát, giờ đây, Tây Bắc đã xây dựng được các cơ sở cách mạng, chiến tranh du kích khá phát triển, khiến địch không còn tự do tung hoành như trước được nữa. Cuối năm 1949, đầu năm 1950, trong một nỗ lực nhằm làm chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa tình hình mọi mặt miền Tây Bắc, phối hợp với các chiến trường khác trên cả nước, Bộ Tổng tư lệnh quyết định mở hai chiến dịch quan trọng là chiến dịch Lê Lợi và chiến dịch Lê Hồng Phong I. Chỉ riêng việc sử dụng lực lượng tham gia lớn nhất kể từ ngày đầu kháng chiến đến thời điểm đó thì ở chiến dịch Lê Hồng Phong I, các đơn vị chủ lực mạnh của Bộ và của Liên khu 10 đã được tung vào. Và cũng chính trong chiến dịch Lê Hồng Phong I, lần đầu tiên, bộ đội Việt Nam sử dụng một lực lượng pháo binh mạnh (2 tiểu đòan) và tác chiến hiệp đồng bộ binh - pháo binh ở quy mô lớn hơn so với trước đó.
Năm 1950, một lần nữa, Tây Bắc lại là địa bàn được đưa ra chọn lựa, cân nhắc khi Đảng LĐVN chủ trương mở chiến dịch Biên giới (chiến dịch Lê Hồng Phong II) nhằm khai thông biên giới, tranh thủ thuận lợi mới của tình hình quốc tế. Trên cơ sở phân tích toàn bộ tình hình, lượng định những thuận lợi và khó khăn của chiến trường Việt Bắc và Tây Bắc, cuối cùng, Tây Bắc được chọn là hướng tiến công thứ yếu. Kết thúc chiến cục Thu - Đông 1950, riêng trên địa bàn Tây Bắc, đã loại khỏi vòng chiến đấu 2 tiểu đoàn địch, giải phóng một vùng rộng lớn, bao gồm cả hai thị xã Lào Cai...
Sau chiến thằng Biên giới, hướng tiến công chiến lược được xác định là vùng trung du, đồng bằng. Trên địa bàn này, Quân đội NDVN đã liên tiếp mở 3 chiến dịch Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung. Tuy có thu được một số kết quả cụ thể về tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai, tạo thêm điều kiện để phát triển chiến tranh du kích... nhưng nhìn chung, các chiến dịch trên không đạt được mục tiêu chiến lược đề ra ban đầu, mà nguyên nhân chủ yếu là vấn đề chọn hướng. Nghị quyết Tổng quân ủy sau đó chỉ rõ, lẽ ra, "sau chiến dịch Biên giới hoặc ít nhất sau chiến dịch Trung du, phải chọn hướng Tây Bắc để chủ lực lớn của ta mở chiến dịch mới phù hợp với tương quan lực lượng địch - ta lúc đó". Có thể nói rằng , từ kinh nghiệm máu xương trong việc xác định hướng tiến công như đã xảy ra, Đảng LĐVN kịp thời khắc phục sai lầm. Sau chiến thắng Hòa Bình, khi bắt tay hoàn chỉnh kế hoạch tác chiến Thu - Đông 1952, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh đã xác định rất rõ: hướng tiến công chính trong Thu - Đông 1952 là Tây Bắc Bắc Bộ. Tháng 9 - 1952, Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy, trên cơ sở tính toán, cân nhắc một loạt nhân tố liên quan, đã hạ quyết tâm mở chiến dịch tiến công trên chiến trường Tây Bắc. Hai tháng chiến đấu quyết liệt, 80% đất đai miền Tây Bắc được giải phóng đã nối thông với phía tây căn cứ địa Việt Bắc khiến cho thế và lực thêm vững mạnh; có thêm điều kiện rất thuận lợi để phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn với cuộc kháng chiến của quân dân nước bạn Lào. Bởi lẽ, Tây Bắc giải phóng, đường giao thông từ Việt Nam sang Lào, Tây Bắc, Việt Bắc xuống Liên khu 3, Liên khu 4 vào tận miền Nam giờ đây trở nên thông suốt, thuận tiện hơn... Vì thế, tháng 4 - 1953, liên quân Lào - Việt cùng phối hợp mở chiến dịch Thượng Lào giải phóng toàn bộ tỉnh Sầm Nưa cùng một phần tỉnh Xiêng Khoảng và tỉnh Phong Xa Lỳ. Vùng giải phóng thượng Lào mở rộng đã nối thông với vùng giải phóng Tây Bắc của Việt Nam để tạo thành thế uy hiếp mới đối với quân Pháp trên chiến trường Bắc Đông Dương...
Sau thắng lợi của các chiến dịch Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào, cục diện chiến tranh trên đã chuyển biến mạnh theo hướng có lợi cho quân dân Việt Nam và bất lợi cho đối phương. Tạo nên và thúc đẩy đà chuyển biến trên có nhiều nhân tố, trong đóm việc Đảng LĐVN, từ sau chiến dịch Hòa Bình, đã chọn Tây Bắc làm hướng tiến công chủ yếu, rõ ràng, đã là một nguyên nhân quan trọng. Đến Đông - Xuân 1953 - 1954, Tây Bắc vẫn là địa bàn được Trung Ương Đảng LĐVN chọn làm hướng hoạt động chính - hướng tiến công chiến lược chủ yếu; các hướng khác là hướng phối hợp. Quả thực, bằng sự mẫn cảm khi chọn Tây Bắc làm hướng hoạt động chính trong Đông - Xuân 1953 - 1954, quân dân Việt Nam đã điểm đúng huyệt hiểm yếu nhất của đối phương, buộc đối phương phải tung quân lên Điện Biên Phủ, xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh, tiến hành trận quyết chiến chiến lược hòng đi tới kết thúc chiến tranh theo hướng có lợi hơn cho phía Pháp.
Nhưng cũng chính từ toan tính và quyết định chiến lược này của phía Pháp đã buộc họ phải trả giá đắt, chịu sự bại trận trên chiến trường vùng rừng núi Tây Bắc xa xôi...
Từ những trình bày trên đây, đã có thể kết luận được rằng, Tây Bắc, với những đặc điểm về địa lý, quân sự, chính trị, kinh tế, xã hội... có vai trò, vị trí quan trọng trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đánh giá đúng tầm quan trọng đó của miền Tây Bắc, Đảng LĐVN luôn quan tâm tới Tây Bắc và đã có sự chỉ đạo kịp thời, sắc bén, đưa chiến trường này dần phát triển. Trong hai năm cuối cùng của cuộc kháng chiến, Tây Bắc được chọn làm hướng tiến công chiến lược chủ yếu. Tầm nhìn chiến lược sắc sảo trong chỉ đạo và tiến hành chiến tranh đó của Đảng đã là một nhân tố quan trọng đưa đến chiến thắng Điện Biên Phủ "chấn động địa cầu".

Download toàn văn bài viết tạiTrang Web NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!