Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

TÂY NGUYÊN - ĐÒN QUYẾT CHIẾN MỞ ĐẦU ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975


                   PGS, TS. Hồ Khang
  Viện lịch sử quân sự Việt Nam
          Sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam, cho đến năm 1974, đã trải qua chặng đường dài hai mươi năm với biết bao gian khổ hy sinh vì nền tự do, độc lập và vẹn toàn sông núi của Tổ quốc Việt Nam. Trong khoảng thời gian đó, vượt qua những thử thách sống còn, toàn dân, toàn quân Việt Nam, triệu người như một đã bền lòng chiến đấu, vững tin vào thắng lợi cuối cùng, đưa sự nghiệp Đại nghĩa thống nhất non sông về một mối, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác mà Đồng khởi mùa Xuân 1960, Tết Mậu Thân 1968, cuộc tiến công chiến lược năm 1972 và “Điện Biên Phủ trên không” là những mốc son chói lọi. Những thắng lợi to lớn và toàn diện trên chiến trường của toàn quân và dân miền Nam  đã buộc đối phương phải ký kết Hiệp định Pari mà ý nghĩa cơ bản nhất của sự kiện quan trọng này là “Mỹ phải ra, quân ta thì ở lại”, mở ra giai doạn cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

          Từ sau ngày Hiệp định Pari được ký kết, tình hình chiến trường miền Nam chuyển biến mau lẹ. Những hành động phá hoại Hiệp định, lấn chiếm vùng giải phóng của chính quyền và quân đội Sài Gòn bị quân dân miền Nam trừng trị đích đáng. Ý chí chiến đấu, lực lượng và thế trận của quân đội Sài Gòn suy giảm mạnh. Thế và lực của phía Việt Nam tăng nhanh. Trên cơ sở nắm vững những nhân tố tác động tới cuộc chiến, lượng định đúng xu thế phát triển của tình hình trên chiến trường, trong nước và trên thế giới có liên quan, bộ não chỉ đạo cách mạng Việt Nam đã hạ quyết tâm động viên cao độ sức mạnh của toàn dân tộc, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 và 1976. Kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam mà Hội nghị Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương tháng 9 và tháng 12 năm 1974 thông qua, Tây Nguyên - trọng điểm là nam Tây Nguyên, được chọn làm hướng tấn công chiến lược chủ yếu trong năm 1975.
          Tây Nguyên - miền đất của nắng gió cao nguyên và trùng điệp núi rừng là địa bàn cư trú của gần 30 dân tộc anh em sống gắn bó và một lòng son sắt với cách mạng, với kháng chiến, với Bác Hồ. Miền đất này còn được biết đến là quê hương của những bản trường ca nổi tiếng như Đam San, Sin Nhã; của những nhạc cụ âm thanh trầm hùng như đàn Tơ-rưng, Klông-pút… Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ, do nằm ở vị trí chiến lược trọng yếu, Tây Nguyên là địa bàn giành giật quyết liệt giữa cách mạng và phản cách mạng. Kẻ thù dày công xây dựng nơi đây thành căn cứ chiến lược lớn hòng khống chế để tiến tới đè bẹp cách mạng ba nước Đông Dương, ngăn chặn sự chi viện từ Bắc vào Nam và từ rừng núi xuống đồng bằng. Về phía quân dân miền Nam, những năm chống Mỹ xâm lược, Tây Nguyên được xác định là chiến trường tác chiến lớn của bộ đội chủ lực. Các chiến dịch tiến công Plây Me, Đắc Tô, Búp Răng - Đức Lập, Bắc Tây Nguyên của chủ lực Quân giải phóng là mốc son trong trang sử truyền thống chống Mỹ, cứu nước của lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
          Và mùa Xuân 1975, Tây Nguyên trở thành nơi diễn ra đòn tiến công chiến lược dẫn tới sự suy sụp hoàn toàn của chính quyền và quân đội Sài Gòn sau đó.
          Trên thực tế, ngay khi Hội nghị Bộ Chính trị (họp từ ngày 18.12.1974 đến ngày 8.1.1975) kết thúc, Thường trực Quân uỷ Trung ương họp bàn việc triển khai thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị. Tham dự cuộc họp còn có các đồng chí Chu Huy Mân, Võ Chí Công, Lê Trọng Tấn, Hoàng Minh Thảo. Trọng tâm cuộc họp bàn về chiến dịch Tây Nguyên. Những người tham dự đều thống nhất cao việc chọn Buôn Ma Thuột làm mục tiêu đột phá có ý nghĩa then chốt quyết định, đảm bảo cho chiến dịch Tây Nguyên giành thắng lợi.
          Một ngày sau Tết Âm lịch, tại sở chỉ huy của đại diện Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh bên bờ dòng Đắc Đam phía tây Buôn Ma Thuột, thay mặt Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, Đại tướng Văn Tiến Dũng công bố quyết định thành lập Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên. Theo đó, Trung tướng Hoàng Minh Thảo - Tư lệnh, Đại tá Đặng Vũ Hiệp - Chính uỷ, Bí thư Đảng uỷ chiến dịch… Thường vụ Khu uỷ Khu 5 cử đồng chí Bùi San - Phó Bí thư Khu uỷ và đồng chí Nguyễn Cần - Bí thư Tỉnh uỷ Đắc Lắc, tham gia Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh chiến dịch, trực tiếp chỉ đạo các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc phối hợp với bộ đội chủ lực. Bộ phận đại diện cho Quân uỷ và Bộ Tổng Tư lệnh do Đại tướng Văn Tiến Dũng đúng đầu cũng được đặt tại Tây Nguyên, trực tiếp chỉ đạo quá trình chuẩn bị và thực hành chiến dịch.
          Vào lúc đó, trên toàn chiến trường miền Nam, quân chủ lực Sài Gòn có 13 sư đoàn, 18 liên đoàn biệt động, 6 sư đoàn không quân, 2.000 xe tăng, thiết giáp, 1.500 khẩu đại bác các loại, nhiều hạm đội trên sông, hơn một triệu cảnh sát và phòng vệ dân sự. Đó là một lực lượng mạnh. Tuy vậy, do nghệ thuật điều hành chiến tranh của quân dân miền Nam, chủ lực địch buộc phải căng ra và bị ghìm chặt ở hai đầu chiến tuyến là Huế - Đà Nẵng ở phía bắc và Sài Gòn ở phía nam. Quãng giữa gồm các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên là địa bàn Quân khu 2, địch bố trí 2 sư đoàn, 8 liên đoàn biệt động, 283 khẩu đại bác, 477 xe tăng, thiết giáp, 2 sư đoàn không quân. Riêng ở Tây Nguyên - nơi đặt sở chỉ huy Quân đoàn 2, Quân khu 2 quân đội Sài Gòn, đối phương bố trí Sư đoàn 2 (thiếu), 7 liên đoàn biệt động, 1 sư đoàn không quân, 5 thiết đoàn xe tăng, thiết giáp, 4 tiểu đoàn pháo, 37 tiểu đoàn bảo an. Phần lớn lực lượng này được bố trí theo thế phòng ngự hoàn chỉnh, tập trung chủ yếu ở hướng bắc Tây Nguyên, phòng giữ Kon Tum, Plây Cu; hướng nam Tây Nguyên được xem là hậu phương, lực lượng phòng giữ mỏng yếu hơn.
Quyết tâm giành thắng lợi trong chiến dịch mở đầu kế hoạch chiến lược năm 1975, bộ đội Việt Nam tập trung vào đây một bộ phận lực lượng mạnh gồm 5 sư đoàn bộ binh và các đơn vị binh chủng cùng lực lượng vũ trang địa phương và các đoàn cán bộ chính trị của Đắc Lắc, Kon Tum, Gia Lai, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà. Để đảm bảo chắc thắng, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã xây dựng một kế hoạch tiến công địch rất công phu, chủ trương nghi binh “lừa địch” ở hướng bắc là Plây Cu và Kon Tum, khiến phần lớn chủ lực địch bị ghìm chặt trên hướng này; đồng thời cắt các trục đường 19, 14, 21 nhằm ngăn chặn triệt để mọi sự ứng cứu của địch từ phía bắc xuống phía nam cũng như đồng bằng lên Tây Nguyên, đánh Đức Lập và Thuần Mẫn khiến Buôn Ma Thuột trở nên bị cô lập; tập trung lực lượng chủ yếu giáng một đòn quyết định giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột và sẵn sàng đánh bại các hoạt động phản kích của địch.
          Theo phương hướng đó, quân và dân miền Nam khẩn trương chuẩn bị mọi mặt với tinh thần “Mừng Đảng, mừng Xuân, ra quân đại thắng, quét sạch quân thù, giải phóng Tây Nguyên”. Dưới tán rừng bạt ngàn, các đơn vị bộ binh, công binh, pháo binh, cao xạ, xe tăng, thông tin, vận tải, hậu cần… hối hả triển khai lực lượng và phương tiện, làm đường, bắc cầu, tập kết vũ khí, đạn dược, xăng dầu, lương thực, thuốc men. Nhằm giữ vững bí mật tuyệt đối quá trình chuẩn bị và để củng cố thêm sai lầm của địch, bộ đội giải phóng đồng thời tiến hành một loạt biện pháp nghi binh trên hướng Kon Tum, Plây Cu.
          Ngày 4.3.1975, chiến dịch Tây Nguyên mở màn. Quân dân miền Nam nhanh chóng cắt đứt các tuyến giao thông huyết mạch nối Tây Nguyên với các tỉnh đồng bằng, nối phía nam với phía bắc Tây Nguyên; tiếp tục tiến công ghìm chặt địch trên hướng bắc - Kon Tum và Plây Cu, đánh chiếm hai mục tiêu quan trọng của chiến dịch là chi khu quân sự Thuần Mẫn và quận lỵ Đức Lập - tuyến phòng thủ vững chắc của địch trên đường 14 phía tây nam Buôn Ma Thuột. Sau 6 ngày đêm chiến đấu, bộ đội giải phóng đã hoàn toàn bao vây cô lập thị xã này của địch.
          Đối với chiến trường miền Nam, Buôn Ma Thuột là địa bàn xung yếu, có tầm quan trọng chiến lược. Nếu chiếm được Buôn Ma Thuột, sẽ tạo được bàn đạp giải phóng Tây Nguyên, uy hiếp các tỉnh đồng bằng ven biển miền Trung và mở ra hướng quan trọng tiến công miền Đông Nam Bộ và Sài Gòn. Thế nhưng, do phán đoán sai lầm ý đồ tiến công của bộ đội giải phóng, nên tại đây địch chỉ bố trí một lực lượng khoảng chừng 8.000 tên, gồm một trung đoàn thiếu, 1 tiểu đoàn xe bọc thép, 1 tiểu đoàn pháo binh, quân hậu cứ của sư đoàn bộ Sư đoàn 23 và hậu cứ của một số trung đoàn cùng một số đơn vị bảo an, dân vệ và cảnh sát. Là tỉnh lỵ của Đắc Lắc, bấy giờ, Buôn Mê Thuột có khoảng 15 vạn dân, địa hình tương đối bằng phẳng, ít sông suối chia cắt, xung quanh có một số điểm cao độc lập.
          0 giờ 35 phút ngày 10.3.1975, cuộc tiến công mục tiêu then chốt quyết định Buôn Mê Thuột bắt đầu. Bằng sức mạnh của bốn cánh quân chủ lực binh chủng hợp thành kết hợp với các đơn vị tinh nhuệ, chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng tiến công đã đập vỡ 2 đầu não chỉ huy của địch là sở chỉ huy Sư đoàn 23 và sở chỉ huy tiểu khu Đắc Lắc, nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu. Phối hợp với bộ đội, nhân dân các dân tộc trong thị xã lùng bắt bọn ác ôn, tề điệp, giành quyền làm chủ phường ấp. 10 giờ 30 phút ngày 11.3, Buôn Mê Thuột hoàn toàn giải phóng.
          Sau chiến thắng vang dội này, trong các ngày từ 12 đến 17.3, quân giải phóng chuyển ngay sang đánh bại cuộc phản kích của Sư đoàn 23 và Liên đoàn 21 biệt động quân ở khu vực Nông Trại - Phước An, phía đông thị xã và tây sân bay Hoà Bình; xoá sổ toàn bộ lực lưọng phản kích đông tới 5.600 tên. Cố gắng cuối cùng của địch trên chiến trường cao nguyên hoàn toàn bị đập tan. Sài Gòn hoang mang. Phối hợp với Tây Nguyên, quân dân các địa phương dồn dập tiến công và nổi dậy. Mọi toan tính cứu nguy cho Tây Nguyên của Nguyễn Văn Thiệu và Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn trở nên bất lực. Tổng thống Thiệu quyết định rút bỏ địa bàn chiến lược trọng yếu này, về giữ khu vực các tỉnh đồng bằng ven biển miền Trung.
          Thế nhưng, cuộc tháo chạy khỏi Tây Nguyên của địch không nằm ngoài lường định của Tổng hành dinh tại Hà Nội. Ngay từ ngày 13.3, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đã chỉ thị cho Bộ Tư lệnh chiến dịch ngay lập tức hình thành kế hoạch truy kích địch rút bỏ Tây Nguyên. Thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương, từ ngày17 đến ngày 24.3, quân giải phóng chặn đánh quyết liệt, truy kích ráo riết quân địch rút chạy trên tuyến đưòng 7, làm thất bại âm mưu co cụm ở đồng bằng của địch.
          Chiến dịch Tây Nguyên nổ ra và dồn dập thắng lợi là cơ sở rất quan trọng để Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương trong cuộc họp ngày 18.3 hạ quyết tâm chuyển sang thực hiện phương án thời cơ: tập trung sức mạnh của cả nước, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam trong năm 1975.
          Ngày 24.3, chiến dịch Tây Nguyên kết thúc. Hơn 10 vạn tên địch bị loại khỏi vòng chiến đấu. Hơn 60 vạn đồng bào các dân tộc anh em Tây Nguyên từ đây trở thành người chủ trên quê hương mình. Khắp mọi buôn làng, phường, phố, cờ đỏ sao vàng và cờ Mặt trận nửa đỏ nửa xanh phấp phới tung bay trong gió lộng cao nguyên.
          Thừa thắng, các sư đoàn chủ lực của bộ đội giải phóng được lệnh từ Tây Nguyên, theo các trục đường 7, 19 và 21 phát triển tiến công xuống các tỉnh duyên hải miền Trung.
          Trước bão táp tiến công và nổi dậy của quân và dân miền Nam, toàn bộ lực lượng còn lại của Quân đoàn 2 quân đội Sài Gòn tan rã, các tỉnh và thành phố còn lại của Quân khu 2 địch như Bình Định, Phú Yên, Nha Trang, quân cảng Cam Ranh nhanh chóng được giải phóng. Địch vội vàng sáp nhập Ninh Thuận và Bình Thuận vốn thuộc Quân khu 2 vào Quân khu 3 hòng tăng thêm khả năng chống đỡ với cuộc tiến công của quân giải phóng, bảo vệ dinh luỹ Sài Gòn từ xa…
          Cùng lúc, ở chiến tuyến phía Bắc quân giải phóng tiến công giải phóng thị xã và toàn bộ tỉnh Quảng Trị. Ngày 19.3, địch quyết định rút bỏ Trị - Thiên - Huế để co cụm lực lượng về giữ Đà Nẵng. Ở Quân khu 5, Sư đoàn 2 cùng lực lượng vũ trang tại chỗ đánh chiếm quận lỵ Tiên Phước, Trà My, sẵn sằng giải phóng hoàn toàn Quảng Ngãi hoặc phối hợp với chủ lực của Bộ bao vây tiến công vào Đà Nẵng từ phía nam.
          Như thế, chiến dịch Tây Nguyên và bước phát triển tiếp theo của nó khiến cho thế trận chiến lược địch bị rung chuyển dữ dội, địch bị suy sụp mạnh cả về tinh thần và lực lượng. Chiến thắng đó tạo thuận lợi cho đòn tiến công chiến lược Huế - Đà Nẵng. Và trong những điều kiện ấy, đúng vào ngày chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng - ngày 24.3.1975, Hội nghị Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đi tới nhận định: “Cuộc Tổng tiến công chiến lược của ta bắt đầu với chiến dịch Tây Nguyên. Thời cơ chiến lược mới đã đến”. Hội nghị quyết định: Nắm vững thời cơ chiến lược, tranh thủ thời gian cao độ, tập trung sức mạnh của cả nước, kiên quyết giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa 1975.
          Diễn biến chiến trường sau chiến dịch Tây Nguyên đã chứng tỏ quyết tâm chiến lược trên đây của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương là sáng tạo, kịp thời và chính xác.

Download toàn văn bài viết tại: Trang Web NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!