Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

CHUẨN BỊ CHIẾN TRƯỜNG VÀ NGHI BINH CHIẾN LƯỢC CHO ĐÒN TẾT MẬU THÂN 1968


PGS, TS. Hồ Khang[*]
Chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu thân là cả một quá trình nỗ lực phấn đầu, khắc phục nhiều gian khổ, khó khăn của các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược, của các cấp lãnh đạo, chỉ huy trên chiến trường, của quân và dân hai miền Nam, Bắc Việt Nam.
Ngay từ tháng 5 năm 1967, sau thắng lợi đánh bại cuộc phản công chiến lược lần thứ hai, mùa khô 1966-1967, căn cứ vào Dự thảo kế hoạch tác chiến chiến lược đã được Bộ Chính trị Trung ương Đảng LĐVN thông qua lần 1, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các chiến trường vừa đẩy mạnh đợt tác chiến mùa mưa 1967, vừa gấp rút bắt tay chuẩn bị cho cuộc tiến giữa năm 1968, trên thực tế, quân và dân trên cả hai miền đã đi vào chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968.

Trên miền Bắc, cuối tháng 7 năm 1967, Quân ủy Trung ương mở các lớp tập huấn nhằm quán triệt về tình hình và nhiệm vụ mới cho cán bộ cao cấp, trung cấp trong toàn quân. Tháng 8 năm 1967, lực lượng vũ trang nhân dân mở cuộc vận động lớn “Nâng cao chất lượng, phát huy sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Binh chủng Đặc công. Ngày 19 tháng 3 năm 1967, Binh chủng Đặc công chính thức ra đời. Ngay sau đó, Binh chủng được lệnh khẩn trương tổ chức các đơn vị đặc công tăng cường cho các chiến trường, bổ túc, đào tạo cán bộ đặc công cho toàn quân. Trong năm 1967, Binh chủng đã huấn luyện được 3.835 đặc công, đào tạo và bổ túc gần 1.000 cán bộ trung đội, đại đội và tiểu đoàn, tăng cường cho chiến trường miền Nam 2.563 người.
Để đảm bảo lực lượng chiến đấu trên chiến trường miền Nam và ở hậu phương miền Bắc, công tác tuyển quân được xúc tiến mạnh mẽ. Chỉ một thời gian ngắn, hàng vạn nam nữ thanh niên có trình độ văn hóa, có giác ngộ chính trị, có sức khỏe được động viên vào lực lượng vũ trang và thanh niên xung phong. Trong năm 1967, số quân rời hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam chiến đấu tăng 1,5 lần so với năm 1966. Từ quý II năm 1967 đến quý I năm 1968, 15 vạn 5 ngàn quân đã được đưa vào miền Nam. Trong hơn 2 tháng, nghĩa là từ cuối tháng 12 năm 1967 đến cuối tháng 1 năm 1968, miền Bắc tổ chức chuyển vào chiến trường một khối lượng vật chất gồm 3 vạn tấn; riêng mặt trận Thừa Thiên-Huế, Binh trạm 42 tổ chức chuyển gấp 3.000 tấn lương thực, vũ khí, đạn dược phục vụ cho việc đánh chiếm Huế.
Trên tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn, Đoàn 559 nhanh chóng mở rộng mạng đường, tăng thêm lực lượng và phương tiện, cải tiến phương pháp vận chuyển, bảo vệ vận chuyển. Đến cuối năm 1967, tuyến vận tải chiến lược tiếp tục vươn sâu xuống các mặt trận, vươn xa về phía nam với mạng trục ngang 800km, mạng trục dọc 3.000km, mạng đường vòng tránh 500km và hệ thống binh trạm, kho tàng, bến bãi ẩn dưới tán cây rừng Trường Sơn. Nhờ đó, 6 tháng cuối năm 1967, tuyến vận tải chiến lược đã nhận từ miền bắc, vận chuyển vào Nam một khối lượng vật chất lớn gấp 6 lần năm 1965, đảm bảo hành quân cho hàng chục vạn lượt người từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc.
Được miền Bắc dồn sức chi viện, lực lượng cách mạng miền Nam có bước phát triển nhanh chóng. Đến cuối năm 1967, lực lượng vũ trang Quân giải phóng lên tới 220.000 quân chủ lực và 57.000 quân địa phương, chưa kể dân quân, du kích, tự vệ[1]. Ngoài số hiện có, các chiến trường còn tổ chức thêm một số đơn vị nhằm đáp ứng đòi hỏi của tình hình và nhiệm vụ mới: Miền Đông Nam Bộ thành lập Trung đoàn Quyết thắng, Khu 5 thành lập Trung đoàn 401 đặc công, Đồng bằng sông Cửu Long, Quân khu 8 thành lập 2 tiểu đoàn và tổ chức lại chủ lực Quân khu thành 2 trung đoàn; Quân khu 9 thành lập thêm Tiểu đoàn 307, đồng thời tổ chức chủ lực Quân khu thành 1 lữ đoàn và 5 tiểu đoàn.
Cần lưu ý ở đây rằng, tại miền Nam, các chiến trường dự kiến đến giữa năm 1968 mới bắt đầu mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy và bắt tay chuẩn bị theo dự kiến đó. Thế nhưng, tháng 10 năm 1967, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp bàn và quyết định thời điểm bắt đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy vào dịp Tết Nguyên đán năm Mậu thân 1968. Với thời gian còn 3 tháng, việc chuẩn bị trở nên cập rập. Trong một thời gian ngắn, các chiến trường, các mặt trận, các địa phương phải khẩn trương hoàn chỉnh phương án, kế hoạch công kích, khởi nghĩa; tổ chức, điều động, bố trí lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị và binh vận; phân chia chiến trường; tổ chức hệ thống đảm bảo hậu cần; triển khai mạng lưới giao liên từ căn cứ tới vùng ven vào nội thành; chuẩn bị khu vực ém giấu lực lượng, vũ khí và các bàn đạp xuất phát tiến công; tổ chức điều tra các mục tiêu và nắm tình hình địch ở nội đô… Để khắc phục mâu thuẫn giữa thời gian quá ngắn và nội dung chuẩn bị quá nhiều, các chiến trường đã phân cấp, phân hướng; trên, dưới đồng thời chuẩn bị.
Tại chiến trường miền Đông Nam Bộ, tháng 10 năm 1967, Trung ương Cục miền Nam quyết định giải thể Quân khu I miền Đông, Quân khu IV Sài Gòn – Gia Định, thành lập Khu trọng điểm gồm Sài Gòn – Gia Định và một số địa phương thuộc các tỉnh bao quanh như Long An, Hậu Nghĩa, Bình Dương, Biên Hòa. Trên cơ sở “Kế hoạch X” được khởi thảo cuối năm 1964 và được bí mật chuẩn bị trong các năm sau đó[2], giờ đây Trung ương Cục quyết định chia Khu trọng điểm thành 6 phân khu. 5 phân khu vòng ngoài được lập ra với ý nghĩa lấy Sài Gòn, Chợ Lớn và tỉnh lỵ Gia Định làm mục tiêu tiến công và các vùng bao quanh là những bàn đạp xuất phát tiến công. Về địa hình, 5 phân khu này có vùng nông thôn, vùng ven đô và một số quận nội thành. Ở nội thành có phân khu 6. Đây là phân khu không bao gồm các khu vực địa lý mà chỉ phụ trách các lực lượng quân sự, chính trị hoạt động trong nội thành.
Ở các phân khu, Trung ương Cục chỉ định Phân khu ủy và Bộ chỉ huy phân khu. Mỗi Phân khu ủy chia làm hai bộ phận, một bộ phận chỉ đạo các hoạt động trên địa bàn nông thôn và một bộ phận chỉ đạo các hoạt động trên địa bàn đô thị thuộc phân khu. Các phân khu ủy chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Khu ủy Khu trọng điểm do Nguyễn Văn Linh làm bí thư. Về mặt quân sự, Trung ương Cục quyết định thành lập hai Bộ chỉ huy tiền phương: Bộ Chỉ huy tiền phương 1 (hoặc gọi là Bộ Tư lệnh Tiền phương Bắc) do Trần Văn Trà làm Tư lệnh, phụ trách các mũi phía Đông, phía Bắc và các đơn vị chủ lực Miền; Bộ Chỉ huy tiền phương 2 (hoặc còn gọi là Bộ Tư lệnh Tiền phương Nam) do Võ Văn Kiệt làm Tư lệnh, phụ trách các mũi phía Nam, Tây Nam và các lực lượng nội thành. Toàn bộ các lực lượng vũ trang chiến đấu trên Mặt trận Sài Gòn – Gia Định được chia làm 3 khối. Khối biệt động thành gồm hơn 100 cán bộ, chiến sĩ biệt động từ Đoàn F100 giải thể, tổ chức thành 3 cụm, mỗi cụm phân thành từng đội. Nhiệm vụ của Khối là đồng loạt đánh chiếm các mục tiêu Bộ Tổng tham mưu chính quyền Sài Gòn, dinh Độc Lập, Đài phát thanh, Bộ Tư lệnh hải quân, Tòa Đại sứ Mỹ[3], Biệt khu Thủ đô, Khám Chí Hòa, Tổng nha cảnh sát. Theo kế hoạch, sau khi đánh chiếm, các đội biệt động sẽ phải trụ lại trong khoảng thời gian từ nửa giờ đến 2 giờ, chờ các tiểu đoàn mũi nhọn và lực lượng thanh niên, sinh viên đến tiếp ứng[4].
- Khối các Tiểu đoàn mũi nhọn và các lực lượng đặc công của các phân khu 1, 2, 3, 4, 5. Mỗi phân khu có từ 4 đến 6 tiểu đoàn mũi nhọn hoặc tiểu đoàn đặc công. Các tiểu đoàn này được tổ chức và trang bị gọn nhẹ, xuất phát từ các căn cứ bàn đạp, dùng phương pháp bôn tập luồn sâu vào tiếp ứng cho các đội biệt động trong nội thành, đánh địch phản kích, mở rộng khu vực kiểm soát. Một số tiểu đoàn mũi nhọn, tiểu đoàn đặc công các phân khu được giao nhiệm vụ đánh chiếm các mục tiêu như sân bay Tân Sơn Nhất, cầu Bình Lợi, cầu Xa Lộ, kho quân cụ Gò Vấp…
- Khối chủ lực Miền được tăng cường thêm 1 trung đoàn bộ binh của Mặt trận Tây Nguyên và một số đơn vị binh chủng từ miền Bắc vào, bao gồm 3 sư đoàn bộ binh, 1 sư đoàn pháo binh, 1 trung đoàn bộ binh và các đơn vị binh chủng như công binh, đặc công, thông tinh, phòng hóa… Tất cả các đơn vị này được bố trí ở khu vực vùng ven trên hướng Đông, hướng Bắc và Tây Bắc Sài Gòn, có nhiệm vụ chặn đánh các sư đoàn chủ lực Mỹ, quân đội Sài Gòn; không cho chúng quay về ứng cứu cho khu vực nội thành.
Bên cạnh lực lượng vũ trang, cơ sở chính trị nội – ngoại thành cũng được gấp rút phát triển. Đến cuối năm 1967, ở nội thành, đã có được 19 cơ sở chính trị gồm 325 gia đình. Phần lớn các gia đình này đều ở gần các mục tiêu đánh chiếm của các đội biệt động. Quân giải phóng đã tạo được 400 điểm ém giấu lực lượng, vũ khí, trang bị trong nội thành và các khu vực ven đô. Tổ chức Đảng và các đoàn thể cách mạng (công đoàn, thanh niên, phụ nữ, nông hội…) đều được xây dựng ở các quận, huyện nội ngoại thành[5]. Nhìn chung, so với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra thì lực lượng chính trị và phong trào đấu tranh quần chúng nội, ngoại thành còn yếu. Nhiều căn cứ, lõm du kích, lõm chính trị bị đánh tróc, nhất là ở địa bàn Củ Chi, Hóc Môn, Gò Vấp.
Để đảm bảo tiếp tế vũ khí, lương thực cho lực lượng vũ trang, Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền tổ chức 5 đoàn hậu cần khu vực tương đương 5 trung đoàn. Ngoài các đoàn hậu cần, lực lượng vận chuyển vũ khí hoạt động trên địa bàn vùng ven Sài Gòn cũng được tổ chức và tăng cường. Đến cuối năm 1967, Nam Bộ nhận được hơn 5.000 khẩu súng bộ binh, trong đó có súng B.40, B.41. Nhân dân vùng ven thành lập các đội cứu thương, tải thương, tiếp tế hậu cần cho bộ đội. Hàng vạn lượt người đã tham gia vận chuyển vũ khí, lương thực từ căn cứ về vùng ven.
Tại chiến trường các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Quân khu 8, Quân khu 9 cũng gấp rút hoàn chỉnh phương án tổng tiến công và nổi dậy, lấy thị xã, thị trấn, quận lỵ trên địa bàn quân khu làm hướng tấn công chính. Bằng cách động viên lực lượng tại chỗ, các quân khu này đã thành lập thêm một số đơn vị bộ đội chủ lực trực thuộc Quân khu, tỉnh, huyện.
Khu 6, trong điều kiện địch càn quét, đánh phá ác liệt, sự liên lạc giữa Trung ương Cục và Quân khu gặp nhiều khó khăn, mãi tới ngày 8 tháng 1 năm 1968, Thường vụ Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu mới nhận được chủ trương và nhiệm vụ cụ thể của trên giao cho Quân khu. Dù vậy, với ý thức chấp hành mệnh lệnh và quyết tâm cao, Khu ủy và Bộ tư lệnh Quân khu lập tức họp bàn biện pháp thực hiện và quyết định chọn Đà Lạt, Phan Thiết là trọng điểm tổng tiến công và nổi dậy của Quân khu.
Khu 5, được chia thành bốn hướng tiến công: Hướng Quảng Nam – Đà Nẵng, hướng Bình Định (bao gồm cả An Khê), hướng Tây Nguyên và hướng Phú Yên – Khánh Hòa. Trong kế hoạch tổng tiến công và nổi dậy của Quân khu, tỉnh Quảng Đà được xác định là chiến trường chính và thành phố Đà Nẵng là trọng điểm. Tháng 7 năm 1967, Bộ Tư lệnh Quân khu thành lập Mặt trận 4 để thống nhất chỉ huy tất cả các đơn vị vũ trang chiến đấu trên mặt trận này. Vào lúc thành lập, Mặt trận 4 bao gồm toàn bộ lực lượng vũ trang của Tỉnh đội Quảng Đà, của Thành đội Đà Nẵng và một số đơn vị bổ sung của Quân khu. Trước cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, Mặt trận được tăng cường thêm 2 trung đoàn pháo binh, 1 trung đoàn bộ binh từ miền Bắc mới hành quân vào. Tháng 11 năm 1967, Quân khu thành lập trung đoàn đặc công đầu tiên của Quân khu, sử dụng để đánh chiếm thị xã Quảng Ngãi. Đội quân chính trị được động viên lên tới 20 vạn người, tổ chức thành từng đại đội hoặc tiểu đoàn, do các lãnh đạo trong cấp ủy Đảng ở các địa phương phụ trách. Theo kế hoạch, khi tiến công và nổi dậy ở đô thị nổ ra, lực lượng này sẽ từ ngoài kéo vào, phối hợp với quần chúng ở nội đô khởi nghĩa giành chính quyền.
Ở Trị - Thiên, chuẩn bị cho tổng tiến công và nổi dậy, từ tháng 5 năm 1967, Trung ương Đảng chuẩn y việc tổ chức lại hệ thống lãnh đạo, chỉ huy cho phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ quân sự mới đối với chiến trường quan trọng này. Theo đó, các tỉnh ủy và tỉnh đội giải thể. Các huyện ủy đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Khu ủy. Về mặt quân sự, trên các hướng, thành lập các đoàn theo từng khu vực nhằm phân rõ trách nhiệm cho từng cấp chỉ huy trên từng khu vực mặt trận. Các đoàn chịu sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Tư lệnh Quân khu.
Tháng 12 năm 1967, Thường vụ Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu[6] hạ quyết tâm tiến công và nổi dậy ở Trị - Thiên, xác định mặt trận thành phố Huế chiến trường trọng điểm, Quảng Trị và Phú Lộc là hai chiến trường phối hợp. Ban chỉ đạo Tổng tiến công và nổi dậy toàn Khu và mặt trận Huế do Ban thường vụ Khu ủy và Thường vụ Quân khu ủy hợp thành. Về quân sự, một Bộ Chỉ huy mặt trận Huế được chỉ định, gồm Tư lệnh Lê Minh, Chính ủy Lê Chưởng, Phó Tư lệnh Nam Long, Tham mưu trưởng Đặng Kinh. Theo kế hoạch quân sự, Mặt trận Huế được chia làm hai cánh, lấy sông Hương làm giới tuyến chiến đấu giữa mỗi cánh. Cánh Bắc là hướng tiến công chủ yếu, cánh Nam là hướng tiến công quan trọng; đồng thời là hướng chủ yếu đánh địch phản kích. Kế hoạch khởi nghĩa dự định ngay đêm tiến công và ngày hôm sau sẽ phát động mạnh mẽ nhân dân thành phố, nhân dân nông thôn tiến hành khởi nghĩa vũ trang, chiếm toàn bộ thành phố và vùng nông thôn. Để đảm bảo hậu cần tiếp tế phục vụ tổng tiến công và nổi dậy, Khu ủy và Quân khu ủy thành lập Ban chỉ đạo, chỉ huy hậu phương toàn khu.
Từ tháng 12 năm 1967, quân và dân Trị - Thiên khẩn trương hoàn tất các mặt chuẩn bị. Trước ngày cuộc tiến công và nổi dậy bắt đầu, lực lượng vũ trang Quân khu có 4 trung đoàn, 4 tiểu đoàn bộ binh, 4 tiểu đoàn đặc công, 15 đội biệt động thành, một số đơn vị binh chủng. Mỗi huyện trong Quân khu đều có 1 đại đội bộ đội tập trung và hàng trăm dân quân, du kích. Toàn bộ lực lượng này, ngay từ những tháng cuối của năm 1967, đã được chấn chỉnh về biên chế, tổ chức; bổ sung quân số, trang bị; đẩy mạnh việc học tập, rèn luyện kỹ thuật, chiến thuật – nhất là cách đánh trong thành phố, phương pháp phối hợp giữa tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng… Đồng thời, vào lúc đó, các tổ đội vũ trang công tác, các bộ phận trinh sát chuẩn bị chiến trường đã mưu trí và bí mật tiếp cận các mục tiêu xung quanh và bên trong Huế như khu vực An Hòa, Mang Cá – nơi bộ tư lệnh sư đoàn 1 quân đội Sài Gòn đóng bản doanh; sân bay Tây Lộc, khu vực Đại Nội… Cùng lúc, lực lượng an ninh khu, tỉnh tỏa xuống phối hợp với dân quân, du kích địa phương mở rộng lực lượng. Trước tháng 11 năm 1967, trên địa bàn Thừa Thiên – Huế chỉ có 5 đội trinh sát vũ trang hoạt động khá phân tán thì đến đầu tháng 1 năm 1968, Bộ Tư lệnh Mặt trận đã xây dựng được 1 tiểu đoàn và 7 đội trinh sát an ninh vũ trang với tổng số hơn 400 người.
Ở nội thành Huế, cho đến trước ngày nổ súng tiến công, đã xây dựng 8 chi bộ Đảng và 100 cơ sở bí mật và nửa bí mật. Để phát động quần chúng nổi dậy, Khu ủy đã mở nhiều lớp tập huấn cho 700 cán bộ và quần chúng cách mạng cơ sở ở đô thị và nông thôn đồng bằng vùng địch chiếm. Sau khi kết thúc khóa tập huấn, họ trở về địa phương, thành lập các đội công tác, làm nòng cốt phát động quần chúng khởi nghĩa. Về hậu cần, bằng việc thu mua và dựa vào sự đóng góp của nhân dân, hậu cần Quân khu đã chuẩn bị được gần 2.000 tấn lương thực ở đồng bằng, 1.000 tấn ở vùng căn cứ, 8 tấn thuốc men và dụng cụ y tế. Để phục vụ bộ đội tiến công, nhiều địa phương tổ chức các đội vận tải, cứu thương, đào hầm bí mật. Một số xã phía bắc, phía tây cố đô Huế đẩy mạnh lùng diệt, trấn áp ác ôn, buộc co vào đồn, tạo thêm điều kiện cho việc vận chuyển vũ khí, lương thực và tạo bàn đạp xuất phát tiến công cho các đơn vị vũ trang. Trong khi đó, phía nam sông Hương, ở các phường Phú Ninh, Phú Nhuận, Phú Xuân, Phường Đúc, Xuân Giang, Vĩ Dạ, Vân Dương, Thanh Thủy, các đoàn thể cách mạng phát triển khá nhanh; đặc biệt từ tháng 12 năm 1967 trở đi, nghĩa là sau khi căn cứ quân sự đối phương ở Phú Lộc bị đánh chiếm… Mạng lưới giao liên, giao thông, nhờ vậy, được củng cố và mở rộng; mỗi đêm có đến hàng chục người ra vào nội thành làm nhiệm vụ.
Như vậy, trong điều kiện thời gian gấp, chiến trường bị chia cắt mạnh, hơn một triệu quân Mỹ, quân đội Sài Gòn, quân đồng minh với hệ thống đồn bốt, trạm kiểm soát và bộ máy kìm kẹp cùng mạng lưới tình báo, gián điệp giăng khắp mọi nơi nhưng quá trình chuẩn bị của ta vẫn giữ được bí mật. Được như vậy là bởi cách mạng miền Nam xây dựng được thế trận chiến tranh nhân dân ngày càng phát triển trên cả ba vùng chiến lược. Thế trận đó đan cài, xen kẽ với vùng địch kiểm soát. Tổ chức và con người cài cắm, lồng xen vào hàng ngũ địch ở nhiều cấp, nhiều nơi. Mặt khác, trong suốt quá trình này, lục lượng cách mạng dựa vào sự che chở, giúp đỡ, tham gia của đông đảo nhân dân ở vùng giải phóng, vùng giáp ranh, vùng tranh chấp và vùng địch kiểm soát. Thế trận và lòng dân đó cho phép quân và dân miền Nam trên chiến trường, trong một khoảng thời gian không nhiều, đã hoàn tất được mọi mặt chuẩn bị với một khối lượng công việc phức tạp, khó khăn trên quy mô rộng lớn toàn miền từ rừng núi đến đồng bằng, từ nông thôn tới đô thị, từ vùng giải phóng vào vùng địch kiểm soát…
Cùng với quá trình chuẩn bị, các chiến trường đã mở đợt hoạt động Thu Đông 1967. Đợt hoạt động này nằm trong khuôn khổ giai đoạn 1 của kế hoạch tác chiến chiến lược. Mục đích của đợt hoạt động này là trực tiếp tạo thế, tạo lực cho “Tết Mậu Thân”; buộc đối phương phải phân tán chiến lược trên chiến trường, nghi binh làm lạc hướng chú ý của chúng, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho quá trình chuẩn bị của Quân giải phóng.
Ở vùng ven đô thị và nông thôn, đồng bằng, lực lượng vũ trang tại chỗ được lệnh duy trì các hoạt động theo như lệ thường: Đánh phá giao thông, tập kích các căn cứ quân sự, căn cứ hậu cần và một số mục tiêu trong nội đô, chặn đánh các cuộc hành quân càn quét của Mỹ, quân đội Sài Gòn, đẩy mạnh các hoạt động diệt tề, trừ gian, chuẩn bị địa bàn xung quanh các đô thị.
Trong khi duy trì các hoạt động như lệ thường ở vùng ven và vùng nông thôn đồng  bằng, chủ lực Quân giải phóng liên tiếp mở các chiến dịch có quy mô tương đối lớn ở khu vực rừng núi nhằm lôi kéo, đặng ghìm chân một bộ phận quan trọng chủ lực Mỹ tại vòng ngoài chiến dịch Lộc Ninh – đường 13 chiến dịch Đắc Tô.
Nhận xét về chiến dịch Lộc Ninh – đường 13 và chiến dịch Đắc Tô, Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ tại Sài Gòn vẫn chủ quan cho rằng, “đối phương đã bị những thiệt hại nặng nề đến nỗi nỗ lực chính của Việt cộng và quân Bắc Việt hiện nay phần lớn chỉ giới hạn ở vùng biên giới Nam Việt Nam”[7]. Còn phía chính quyền Sài Gòn thì cho rằng “đại để, qua các trận đánh trên, địch (Quân giải phóng) đã làm những công việc tuyệt vọng và chỉ nhằm gây những tiếng vang yếu ớt”[8].
Cùng với các hoạt động trên chiến trường miền Nam trong Thu Đông 1967, cơ quan chỉ đạo chiến lược đã đề ra các biện pháp nghi binh nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của Bộ Chỉ huy đối phương. Tháng 9 năm 1967, trên báo Nhân dân và Quân đội nhân dân, xuất hiện bài “Thắng lợi lớn, nhiệm vụ lớn” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bài báo khẳng định lại phương châm đánh lâu dài và kêu gọi quân và dân chiến trường ra sức bảo tồn lực lượng. Bài báo lập tức được Cục tình báo Trung ương Mỹ CIA dịch và phân phát qua chi nhánh công khai của nó là Sở thông tin và truyền thanh nước ngoài. Vào tháng 11 năm 1967, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đã phổ biến trực tiếp cho các tư lệnh chiến trường kế hoạch nghi binh chiến lược. Nhằm mục đích đó, một bản kế hoạch tác chiến giả được gửi cho các cấp tại chiến trường miền Nam[9]. Trong hồi ký Tường trình của một quân nhân, Oét-mo-len cho biết, vào tháng 11 năm 1967, quân Mỹ đã thu được một bản tài liệu quan trọng về kế hoạch quân sự năm 1968 của dối phương ở gần Đắc Tô phía bắc Tây Nguyên – nơi từ ngày 3 đến ngày 23 tháng 11 năm 1967, Bộ Tư lệnh Quân giải phóng sử dụng một bộ phận lực lượng gồm 1 sư đoàn tăng cường, 1 trung đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn súng máy cao xạ… mở chiến dịch tiến công nhằm nghi binh “lừa địch”. Cuốn Cuộc tổng công kích – tổng khởi nghĩa của Việt cộng của Ban quân sử - Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam cộng hòa, ghi nhận: “Một bản tài liệu… đã được tìm thấy tại tỉnh Tây Ninh ngày 25 tháng 11 năm 1967 gồm 10 trang chữ in. Tài liệu đề ngày 1 tháng 9 năm 1967. Tài liệu này cũng như các tài liệu khác của Việt cộng được in trên giấy báo khổ sách nhỏ và được ngụy trang ngoài bìa thành một cuốn nghiên cứu giáo lý đạo Phật, tên sách là “Tế độ chúng sinh” của Thượng tọa Thích Minh Tâm, nhà xuất bản Lục Hòa Tăng. Bên trong tài liệu ghi rõ “tài liệu học tập tình hình mới, nhiệm vụ mới” cho các cán bộ sơ cấp, đảng viên và quần chúng cảm tình viên”[10]. Những tài liệu đó chính là bản kế hoạch tác chiến giả, tài liệu giả được tung vào mà nội dung của nó, theo Oét-mo-len, càng củng cố thêm nhận định “Việt cộng đang trong quá trình thất bại lớn mà trận Đắc Tô là bước mở đầu của quá trình này”. Vì vậy, theo phán đoán của Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ tại Sài Gòn (M.A.C.V) thì, trong năm 1968, trọng tâm hoạt động của quân và dân miền Nam sẽ là chống phá “bình định”, mở một số trận đánh dọc biên giới, tiến công các mục tiêu ở 2 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, tìm cách bảo tồn lực lượng, cố gắng duy trì mức độ giao tranh như năm 1967 (!).
Xuất phát từ nhận định, đánh giá về ý đồ và khả năng của Quân giải phóng như vậy, Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ chủ trương ổn định tình hình nội bộ chính quyền và quân đội Sài Gòn, tiếp tục thực hiện biện pháp chiến lược “tìm diệt” và “bình định”, đẩy mạnh đánh phá khu vực hành lang vận chuyển và triệt phá căn cứ, kho tàng của ta ở vùng rừng núi. Trong điều kiện Mỹ không còn khả năng tăng quân lớn, Bộ chỉ huy quân sự Mỹ - để duy trì thế giằng co, vẫn quyết định mở cuộc phản công chiến lược lần thứ 3, mùa khô 1967-1968 mà hướng chủ yếu vẫn là miền Đông Nam Bộ và hướng quan trọng là khu vực Trị - Thiên.
Theo kế hoạch này, Mỹ sẽ tuần tự tập trung lực lượng đánh vào các mục tiêu trọng điểm như hệ thống các căn cứ ở miền Đông Nam Bộ, các đầu mối giao thông trên hành lang vận chuyển Bắc – Nam để hỗ trợ cho quân đội Sài Gòn đẩy mạnh chương trình “bình định” vùng nông thôn đồng bằng Nam Bộ; ngăn chặn chủ lực ta ở khu vực tiếp giáp với Lào trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Tại Trị - Thiên, Oét-mo-len dự kiến sẽ mở bốn cuộc hành quân mang mật danh “York”, càn quét vùng biên giới Việt – Lào ở 4 tỉnh phía Bắc của miền Nam Việt Nam nhằm lập lại quyền kiểm soát thung lũng A Sầu…
Như vậy, theo dự định của cuộc phản công lần này, người ta thấy Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ đã tỏ ra dè dặt trong việc xác định mục tiêu mặc dù có trong tay hơn 1.200.000 quân – trong đó có 486.000 quân Mỹ. Âm mưu của Bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại Sài Gòn và của giới lãnh đạo Oa-sinh-tơn là cố giữ thế giằng co trên chiến trường, tránh mọi sự đảo lộn bất ngờ ở miền Nam Việt Nam, chờ cho kỳ bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11 năm 1968 kết thúc sẽ tính toán bước đi tiếp theo.
Tại Mỹ, vào những tháng cuối năm 1967, theo lời khuyên của Đin A-che-sơn[11]và nhóm cố vấn cấp cao về Việt Nam “Những nhà thông thái”, chính quyền Giôn-xơn triển khai mạnh mẽ chiến dịch tuyên truyền về thắng lợi của Mỹ ở Việt Nam nhằm chống lại sự xói mòn lòng tin trong dư luận Mỹ đối với chính quyền. Cố vấn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ Rốt-xtâu được Giôn-xơn chỉ định theo dõi mọi nhân vật trong Quốc hội chống đối đường lối chiến tranh của chính quyền Mỹ tại Việt Nam để có biện pháp đối phó. Giôn-xơn cũng thành lập Nhóm thông tin về Việt Nam nằm trong văn phòng thừa hành của tổng thống. Nhiệm vụ của nhóm này là thông báo đều đặn tình hình tiến bộ của Mỹ ở Việt Nam nhằm tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân Mỹ. Vào giữa tháng 11 năm 1967, nhân ngày Cựu chiến binh Mỹ, Giôn-xơn đi một loạt các bang trong nước nhằm thuyết phục các tầng lớp xã hội Mỹ tin rằng, Mỹ đang thực sự đạt được các tiến bộ vững chắc ở Việt Nam. Đại sứ và Tư lệnh Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ tại Sài Gòn được triệu về Oa-sinh-tơn nhằm bênh vực cho đường lối chiến tranh của Giôn-xơn. Phối hợp chặt chẽ với các hoạt động tuyên truyền ở Mỹ, tại Sài Gòn, Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ được lệnh tổ chức đều đặn các buổi thuyết trình về thắng lợi của Mỹ và quân đồng minh. Bằng chiến dịch tuyên truyền đó, chính quyền Mỹ đã phần nào hồi sinh niềm hy vọng giành thắng lợi trong một bộ phận công chúng Mỹ, ngăn chặn sự “han rỉ” trong thái độ ủng hộ chính quyền, ủng hộ chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, “cái giá” phải trả cho sự hồi sinh đó, như nhận xét của tác giả Đôn O-bớc-đoi-phơ, “quả là đắt”. Bởi vì, chính phủ Mỹ phải đổi lấy sự ủng hộ của dân chúng bằng “một lời hứa hẹn về tương lai”[12] để rồi không bao giờ trở thành hiện thực!
Vào tháng 12 năm 1967, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố phóng thích 2 tù binh Mỹ để họ trở về đoàn tụ với gia đình nhân dịp lễ Nô-en 1967. Cử chỉ này của Chính phủ VNDCCH khiến cho một số quan chức cao cấp trong chính phủ Mỹ vội chủ quan nhận định: “Các nhà lãnh đạo Hà Nội đã từ bỏ hy vọng chiếm được miền Nam trong một tương lai gần”[13]! Điều này, theo họ có nghĩa là: khả năng đàm phán trực tiếp với đại diện miền Bắc Việt Nam đang hé mở và “Mỹ đang ở trong một giai đoạn Bàn Môn Điếm nào đó”! Tại buổi chiêu đãi đoàn ngoại giao ở Hà Nội ngày 30 tháng 12 năm 1967, người ta vẫn còn thấy Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh ngỏ ý rằng: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ đi vào đàm phán với chính phủ Mỹ một khi phía Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam[14]. Tín hiệu này càng làm cho nhiều nhân vật chủ chốt trong chính quyền Giôn-xơn thêm hy vọng. Và chính vì thế mà sức ép đòi ngừng ném bom miền Bắc để mở đường đi vào đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã lập tức tăng lên mạnh mẽ ở trong chính quyền Mỹ, trong dư luận Mỹ và trên thế giới.
Đồng thời với thao tác nghi binh trên mặt trận ngoại giao, trên mặt trận quân sự, ta đã bàn với bạn Lào mở chiến dịch Nậm Bạc, buộc đối phương phải phân tán lực lượng, đối phó không chỉ trên chiến trường miền Nam mà cả trên chiến trường Lào, tạo điều kiện cho đòn tiến công đồng loạt đánh vào các đô  thị miền Nam Việt Nam.
Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 12 tháng 1 năm 1968, liên quân Lào – Việt nổ súng mở màn chiến dịch, tiêu diệt đối phương ở khu vực Bắc Lào. Cùng lúc đó, tại miền Nam Việt Nam, các sư đoàn, các trung đoàn chủ lực Quân giải phóng cùng các đơn vị binh chủng bắt đầu rời căn cứ, hướng về các trung tâm dân cư và các đô thị, kể cả Sài Gòn – Gia Định. Đồng thời, một số sư đoàn chủ lực miền Bắc đã tập kết lực lượng xung quanh khu vực rừng núi Khe Sanh, hình thành thế bao vây, uy hiếp căn cứ có tầm quan trọng chiến lược này của đối phương. Trước tình hình đó, ngày 13 tháng 1 năm 1968, Oét-mo-len buộc phải ra lệnh hủy bỏ dự án mở cuộc phản công chiến lược lần thứ 3; triệt thoái các đơn vị Mỹ đã triển khai đánh vào chiến khu C, chiến khu D ở miền Đông Nam Bộ, lùi về giữ vùng quanh Sài Gòn – Gia Định[15]. Đồng thời, vì có mối đe dọa ở phía Bắc, Mỹ cũng buộc phải hủy bỏ các cuộc hành quân mang mật danh “York” ở các tỉnh phía Bắc; lệnh cho sư đoàn kỵ binh không vận số 1 Mỹ thôi không từ Tây Nguyên về miền Đông Nam Bộ theo như dự định ban đầu, mà cùng với lữ đoàn bộ binh nhẹ 196 Mỹ chuyển ra Thừa Thiên, tăng cường cho mặt trận phía Bắc.
Như vậy, đang từ  thế chuẩn bị phản công chiến lược nhằm giành quyền chủ động chiến trường, lực lượng quân sự Mỹ ở miền Nam Việt Nam buộc phải quay về phòng ngự bị động trên hai hướng chính là xung quanh Sài Gòn và Trị - Thiên.
Giữa lúc đó, đêm 20 tháng 1 năm 1968, lực lượng vũ trang ta bất ngờ nổ súng tiến công tập đoàn cứ điểm Khe Sanh16, uy hiếp mạnh tuyến phòng thủ đường 9 của đối phương, chiến dịch Khe Sanh nổ ra đã phá tan những cố gắng của chính quyền Giôn-xơn trong việc thuyết phục công chúng Mỹ tin rằng với Mỹ, cuộc chiến tranh Việt Nam đã thấy “ánh sáng cuối đường hầm”.

Download toàn văn bài viết tại: Trang Web NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ



[*] Trích cuốn: Hồ Khang: Tết Mậu Thân – bước ngoặt lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 1995.

[1] Số liệu dẫn trong tài liệu số 790 tại kho K.4 Bộ Quốc phòng.
[2] Cuối năm 1964 đầu năm 1965, Trung ương Cục miền nam hoạch định kế hoạch đón thời cơ, thực hiện Tổng công kích, tổng khởi nghĩa giành thắng lợi quyết định. Kế hoạch tuyệt mật này mang tên “Kế hoạch X”, lấy Sài Gòn – Gia Định làm địa bàn trọng điểm thực hiện Kế hoạch. Tuy nhiên sau đó, vì Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh vào miền Nam nên việc xúc tiến thực hiện kế hoạch bị hoãn lại.
[3] Được giao nhiệm vụ tổ chức đánh Tòa Đài sứ Mỹ vào giờ chót (ngày 25 tháng 1 năm 1968), trong khoảng thời gian ngắn, Ba Đen đã khẩn trương “gom nhặt” từng người trong đội bảo đảm, thành lập Đội biệt động 11 gồm 17 cán bộ, chiến sĩ để thực hiện nhiệm vụ này.
[4] Theo kế hoạch, sau khi đánh chiếm, các đội biệt động ở các mục tiêu sẽ được tiếp ứng như sau:
-Bộ Tổng tham mưu chính quyền Sài Gòn: 2 tiểu đoàn mũi nhọn và 5.000 thanh niên, sinh viên.
-Biệt khu Thủ đô: 1 tiểu đoàn mũi nhọn và 1.000 thanh niên, sinh viên.
-Khám Chí Hòa: 1 tiểu đoàn mũi nhọn và 1.000 thanh niên, sinh viên.
-Tổng Nha cảnh sát: 2 tiểu đoàn mũi nhọn và 1.000 thanh niên, sinh viên.
-Dinh Độc Lập: 1 tiểu đoàn mũi nhọn và 200 thanh niên, sinh viên.
-Đài phát thanh: 1 tiểu đoàn mũi nhọn và 200 thanh niên, sinh viên.
-Bộ Tư lệnh hải quân: 1 tiểu đoàn mũi nhọn và 200 thanh niên, sinh viên.
[5] Theo số liệu của Ban lịch sử Đảng Thành phố Hồ Chí Minh, đến cuối 1967, tổ chức và lực lượng đảng viên ở một số quận như sau:
-          Quận 3, Quận 5, Quận 6 có 60 đảng viên, các xã đều có chi bộ Đảng.
-          Quận 2, Quận 4 có 14 chi bộ Đảng.
-          Quận 7, Quận 8 có 18 chi bộ.
Quận Nhà Bè có 15 đảng viên.
[6] Bấy giờ, do Trần Văn Quang – Bí thư Khu ủy kiêm Tư lệnh Quân khu, phụ trách.
[7] Dẫn theo Nây Si-hân: Lời nói dối choáng lộn, T2, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1990, tr.392.
[8] Cuộc Tổng công kích – tổng khởi nghĩa của Việt cộng Mậu thân 1968, Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa, tháng 8 năm 1968, tr.358, 359.
[9] Để giữ bí mật, chủ trương và kế hoạch tác chiến thật chỉ được phổ biến cho các chiến trường trực tiếp bằng miệng – thông qua phái viên của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam hoặc cán bộ giữ cương vị chủ chốt ở chiến trường phải ra Hà Nội nhận lệnh, chứ không hề có văn bản.
[10] Cũng tại cuốn sách này, Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa nhận thấy: “Kế hoạch Tổng công kích – tổng khởi nghĩa còn dự liệu tung ra một tin đồn là Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam được sự thỏa thuận của Hoa Kỳ chỉ đánh vào các đơn vị và cơ cấu chỉ huy của Việt Nam cộng hòa. Sự thật, trong cuộc tổng công kích này, quân địch đã không đánh vào bất cứ một cơ sở Hoa Kỳ nào. Như vậy, tin đồn của Việt cộng được phóng ra đã dựa vào một vài yếu tố cụ thể là vào trước Tết, sau lời tuyên bố của Ngoại trưởng Bắc Việt Nguyễn Duy Trinh ngỏ ý mở hội đàm, một vài nhân vật của Mặt trận Giải phóng có giao dịch tiếp xúc với tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn về vấn đề này. Một người trong các nhân vật này bị Tổng nha cảnh sát quốc gia bắt và Chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan – Tổng giám đốc cảnh sát quốc gia, ra ý phản đối việc Hoa Kỳ xen lẫn vào nội bộ của Việt Nam và vì một áp lực nào đó có lẽ là tòa Đại sứ Hoa Kỳ can thiệp đòi tha nhân vật nói trên khiến ông xin từ chức nhưng Hội đồng nội các bác đơn, không chấp thuận. Cũng tin đồn này cho rằng vì Việt Nam Cộng hòa có một thái độ cứng rắn trong vấn đề liên hiệp với Mặt trận Giải phóng miền Nam trái với ý Hoa Kỳ nên người Mỹ để mặc cho Việt cộng đánh vào các cơ sở và lực lượng của Việt Nam Cộng hòa để xem phản ứng của quân đội đạt được đến mức nào và cũng là một cơ hội để Hoa Kỳ xem khả năng tấn kích của Việt cộng thực hư ra sao hầu đánh giá việc mua bán trong việc thương thuyết” (Sđd tr.59-60).
[11] Đin A-che-sơn (Dean Acheson): Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ từ năm 1949 đến 1953 trong chính quyền Tổng thống Mỹ Tru-man, sau này là một thành viên có ảnh hưởng trong nhóm cố vấn về chính sách đối ngoại Mỹ cho đến khi qua đời vào năm 1969; là cố vấn cho Tổng thống Mỹ Giôn-xơn về vấn đề Việt Nam trong Nhóm những nhà thông thái từ năm 1965 đến năm 1968.
[12] Đôn O-bớc-đoi-phơ: Tết, Doubeday Company, New York, 1971, Nxb. Tổng hợp An Giang trích dịch, 1988, tr.72.
[13] Dẫn theo Nây Si-han: Lời nói dối choáng lộn, Sđd, T2, tr.390.
[14] Trước đó, phía VNDCCH chưa bao giờ công khai tuyên bố sẽ đi vào đàm phán, mà chỉ mới hé mở khả năng “có thể nói chuyện với Mỹ” sau khi Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc. Tuyên bố trên đây của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh là đòn tiến công ngoại giao, ngoài mục đích tăng cường sức ép và khoét sâu thêm mâu thuẫn trong nội bộ địch, còn có tác dụng che giấu ý đồ trước khi mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu thân 1968.
[15] Theo hồi ký Tường trình của một quân nhân thì các đơn vị chiến đấu Mỹ sau khi lui quân về đã được bố trí ở “vùng chu vi Sài Gòn hoặc dọc các hành lang đi từ các khu an toàn ở biên giới tới Thủ đô”.
16 Khe Sanh, một vị trí có tầm quan trọng chiến lược ở miền núi phía Tây Quảng Trị, nằm trên cao nguyên mỗi bề gần 10km. Đây là khu vực phía Tây phòng tuyến Mắc-na-ma-ra mà địch phòng thủ rất mạnh nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam, là bình phong chắn giữ cho khu vực phía đông đường 9, bảo vệ vùng dân cư đồng bằng ven biển thuộc tỉnh Quảng Trị. Dưới con mắt của các tướng lĩnh Mỹ, Khe Sanh là một căn cứ tuần tra để ngăn chặn chủ lực miền Bắc thâm nhập từ Lào sang theo đường số 9; là một căn cứ cho các hoạt động của lực lượng đặc biệt Mỹ và chính quyền Sài Gòn nhằm đánh phá các căn cứ của ta trên đất Lào; là sân bay phục vụ cho việc trinh sát đường không tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn; “là cái mỏ neo ở phía Tây cho hệ thống phòng thủ phía Nam khu phi quân sự; và là một bàn đạp cho các cuộc hành quân trên bộ để cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh. Theo Oét-mo-len, bỏ Khe Sanh tức là đã bỏ mất tất cả lợi thế đó, “đồng thời chấp nhận cái tất yếu là đưa chiến tranh vào vùng dân cư ven đô thị”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!