Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013

KHU KHÁNG CHIẾN HẠ LÀO: BIỂU TƯỢNG SINH ĐỘNG CỦA MỐI QUAN HỆ VÀ TÌNH ĐOÀN KẾT ĐẶC BIỆT VIỆT NAM - LÀO TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (1945 -1954)



PGS, TS  Hồ Khang
                                         Viện Lịch sử quân sự
Trong lịch sử phát triển của thế giới đương đại, hiếm thấy có những quốc gia, dân tộc nào có mối quan hệ và tình đoàn kết đặc biệt như Việt Nam và Lào. Từ lúc phôi thai cho tới nay, cách mạng hai nước luôn gắn bó chặt chẽ với nhau. Trải qua năm tháng, sự đoàn kết của nhân dân hai nước đã trở thành một quy luật tất yếu của lịch sử, tạo thành sức mạnh vô địch, đủ sức đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, đem lại độc lập tự do cho nhân dân mỗi nước. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, trên tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình”, quân và dân Việt Nam đã có mặt ở hầu hết các chiến trường Lào, cùng nhân dân các bộ tộc Lào chiến đấu và chiến thắng, viết nên “mối tình đoàn kết đặc biệt”; trong đó, việc cùng nhau xây dựng, phát triển Khu kháng chiến Hạ Lào(1) là một minh chứng điển hình.
Ngay sau khi thực dân Pháp trở lại xâm lược Lào, với quan hệ truyền thống tốt đẹp và theo hiệp định(2) liên minh giữa hai nước đã ký kết, dù lực lượng còn nhỏ yếu, vũ khí thiếu thốn, Việt Nam đã nhanh chóng đưa các đơn vị vũ trang sang phối hợp với quân dân Lào chống kẻ thù chung, bảo vệ nền độc lập non trẻ của mỗi nước. Theo đường số 9, Liên quân Việt - Lào đã đánh địch ở Sê Pôn, Mường Phìn (Xa-vẳn-na-khệt), Bản Cơn, Thà Ngòn, Ilay (Viêng Chăn). Ở Thượng Lào, quân dân Việt - Lào đánh đuổi địch ở Huội Xài, Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, Nọong Hét (dọc đường số 7) và Na Pê, Khăm Cợt, Lạc Xao (dọc đường số 8). Hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh là những địa phương sớm đưa lực lượng sang phối hợp với quân dân Lào đánh Pháp (ngày 6 và 7 tháng 9 năm 1945).
Là người dày công vun đắp mối quan hệ đoàn kết giữa các dân tộc trên bán đảo Đông Dương, ngày 1 tháng 6 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi Thư chúc tết Việt kiều ở Lào, Xiêm, trong đó có đoạn: “Lào và Việt Nam là hai nước anh em. Mối quan hệ giữa hai dân tộc là rất mật thiết. Đối với Kiều bào ta làm ăn sinh sống ở đất nước Lào thì Lào lại như một Tổ quốc thứ hai. Tục ngữ có câu: Bán bà con xa, mua láng giềng gần ý nghĩa là như thế. Vậy nên sự đoàn kết chẳng những bao gồm đồng bào Việt, mà bao gồm cả đồng bào Việt với đồng bào Lào. Đoàn kết chặt thì lực lượng to. Lực lượng to thì quyết thắng lợi. Bây giờ, hai dân tộc ta tuy còn phải khó nhọc, nhưng tương lai của chúng ta là rất vẻ vang. Đến ngày Việt - Lào được quyền hoàn toàn độc lập, anh em ta sẽ cùng hưởng phúc thái bình”(3).
Thấm nhuần tư tưởng của Người, quân dân Việt Nam luôn luôn đoàn kết, giúp đỡ cách mạng Lào, đầu tiên là việc giúp bạn củng cố, xây dựng lực lượng, xây dựng căn cứ địa cách mạng làm chỗ dựa cho cuộc kháng chiến lâu dài. “Giữa năm 1946, lực lượng kháng chiến Lào rút sang Việt Nam đã được củng cố tổ chức, huấn luyện, bổ sung vũ khí, trang bị và lần lượt trở lại Lào để xây dựng cơ sở, phát triển chiến tranh du kích dọc các trục đường số 7, 8, 9, 12 và dọc biên giới Lào- Việt Nam”(4).
Về phía cách mạng Lào, trong những năm đầu kháng chiến đầy khó khăn, những người đứng đầu Chính phủ độc lập lâm thời Lào It-xa-la nhận thấy cần phải xây dựng căn cứ địa cho cuộc kháng chiến, trong đó việc xây dựng căn cứ địa ở Hạ Lào là một việc làm cấp bách. Để biến Hạ Lào trở thành một trong những căn cứ địa mạnh của cả nước và là chỗ dựa cho nhân dân Hạ Lào cũng như nhân dân cả nước kháng chiến, giữa năm 1947, Chính phủ Lào It-xa-la đã phái một đơn vị liên quân Lào - Việt từ hữu ngạn sông Mê Kông tiến vào Cao nguyên Bô-lô-ven và vùng nông thôn Chăm-pa-sắc để xây dựng cơ sở.
 Năm 1948, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đề ra nhiều Nghị quyết để lãnh đạo cách mạng ba nước phát triển hơn nữa. Nghị quyết Trung ương mở rộng, tháng 1 năm 1948 nhấn mạnh phải: “Gia cường việc tuyên truyền cho cuộc vận động giải phóng của các dân tộc Miên, Lào”(5).
 Đối với quân đội Việt Nam, tháng 3 năm 1948, Bộ Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân Tự vệ đã ra Chỉ thị số 110/T.C.U, đề ra phương châm, phương hướng hoạt động cho bộ đội Việt Nam chiến đấu và công tác trên chiến trường Lào. Bản Chỉ thị nêu rõ: “Phải đứng trên lập trường giúp nhân dân Lào giải phóng khỏi ách thống trị thực dân Pháp... Phải giữ vững lập trường dân tộc tự quyết, lấy tinh thần huynh đệ mà phụng sự công cuộc giải phóng  Lào; về quân sự phải đi dần đến chỗ cán bộ Lào tự phụ trách... giúp bạn thành lập quân giải phóng ngoài liên quân Lào - Việt; về phương châm hành động là: kết hợp chính trị với quân sự... Nơi nào cơ sở chính trị khá rộng rãi và vững chắc thì phát động du kích chiến tranh, đi dần đến thành lập căn cứ kháng chiến hay khu giải phóng”(6). Tiếp đó, tháng 5 năm 1948, Bộ Tổng chỉ huy đã giao nhiệm vụ cho các liên khu(7) của Việt Nam tổ chức thực hiện nhiệm vụ giúp bạn Lào về quân sự: Liên khu 10 giúp bạn các tỉnh Thượng Lào; Liên khu 3 giúp hai tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng; Liên khu 4 giúp các tỉnh Trung Lào; Liên khu 5 giúp các tỉnh Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia.
Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, Liên khu 5 Việt Nam đã quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo và nhận đúng đúng đắn trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó, nhanh chóng đưa lực lượng sang giúp quân và dân Hạ Lào xây dựng căn cứ và tiến hành kháng chiến. Ngày 19 tháng 8 năm 1948, quân tình nguyện Việt Nam lên đường Tây Tiến đã tập trung tại một địa điểm ở Quảng Ngãi. Trước khi lên đường sang Lào, Phạm Văn Đồng đến thăm và căn dặn: “Chỉ có vận động được nhân dân Lào đứng dậy kháng chiến thì mới tiêu diệt được giặc Pháp được(8). Từ đây, phong trào cách mạng của Liên khu V Việt Nam và Hạ Lào luôn có sự hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau, tạo điều kiện cho nhau thúc đẩy kháng chiến tiến tới.
Cuối năm 1948, Khăm-tày Xi-phăn-đon cùng ông Xỉ-thôn Cô-ma-đăm đã sang vùng căn cứ kháng chiến của Liên khu 5. Trên cương vị là đại diện Chính phủ độc lập lâm thời Lào It-xa-la tại Hạ Lào, Khăm-tày Xi-phăn-đon đã đưa Công hàm của Hoàng thân Xu-pha-nu-vông tới đồng chí Phạm Văn Đồng- đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Liên khu V. Trong Công hàm Hoàng thân Xu-pha-nu-vông đã  đề nghị phía Việt Nam giúp đỡ thành lập Khu kháng chiến Hạ Lào.
 Được sự giúp đỡ của Việt Nam, ngày 1 tháng 3 năm 1949(9), tại Khu căn cứ Đắc Chưng (tỉnh At-ta-pư), đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đon chính thức tuyên bố thành lập Ủy ban kháng chiến và Khu quân sự Hạ Lào (hay còn gọi là Khu kháng chiến Hạ Lào). Ông Xỉ-thôn Cô-ma-đăm được cử làm Khu trưởng, kiêm chỉ huy quân sự; ông Xổm Ma-nô-viêng được cử làm Chủ tịch chính quyền Khu. Sau khi thành lập Khu kháng chiến Hạ Lào, Việt Nam giải thể Khu đặc biệt(10), thành lập  Ban Cán sự Hạ Lào do Nguyễn Chính Cầu làm Bí thư. Ban chỉ huy bộ đội tình nguyện Việt Nam ở Hạ Lào do Đoàn Huyên làm chỉ huy trưởng. Sự điều chỉnh này làm cho mối quan hệ phối hợp, giúp đỡ giữa quân đội hai nước trên chiến trường Hạ Lào trở nên hợp lý và hiệu quả hơn.
Hơn hai tháng sau khi thành lập, nhận thấy những thiết sót về chỉ huy, kỹ thuật, chiến thuật cũng như phương pháp vận động quần chúng tại Khu kháng chiến Hạ Lào, ngày 15 tháng 5 năm 1949, những người lãnh đạo Khu đã thống nhất với Ban Cán sự Hạ Lào đưa quân về vùng tự do Quảng Nam - Đà Nẵng tiến hành đợt chỉnh huấn quân sự, chính trị. Nhờ đó trình độ về quân sự, nhận thức chính trị, tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ có sự chuyển biến rõ rệt.
Kết thúc đợt chỉnh huấn cho cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại Hạ Lào, ngày 25 tháng 6 năm 1949, Liên khu V đã tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm về công tác xây dựng cơ sở cách mạng tại Hạ Lào. Các đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đon, đại diện Chính phủ Lào It-xa-la, Xỉ-thôn Cô-ma-đăm, Khu trưởng Khu Hạ Lào tham dự. Hội nghị đã đưa ra nhiều quyết nghị quan trọng, trong đó các đại biểu nhất trí lấy vùng đồng bằng của tỉnh At-ta-pư làm nơi xây dựng khu giải phóng của Hạ Lào. Về quân sự, “Liên khu V đã tăng cường hai đại đội quân tình nguyện cho liên quân Lào - Việt ở Hạ Lào. Đại bộ phận bộ đội Lào - Việt chia làm ba mũi vượt sông Xê Công, sang vùng tây nam At-ta-pư, Bô-lô-ven, Xa-ra-van xây dựng căn cứ mới”(11). Đến cuối năm 1949, các lực lượng Việt - Lào đã xây dựng được căn cứ đứng chân ở phía đông Hạ Lào (Xa-ra-van, At-ta-pư, Xê- Công), thành lập các Hội It-xa-la, tổ dân quân du kích và chính quyền bản, xã... Vì vậy, khi địch điều động một tiểu đoàn Âu - Phi tăng viện phối hợp với quân địa phương mở cuộc càn quét vào chống phá Hạ Lào, nhân dân trong Khu kháng chiến Hạ Lào hết lòng giúp đỡ bộ đội Lào - Việt đánh địch, gây cho chúng nhiều tổn thất. 
Ngày 21 tháng 1 năm 1950, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã triệu tập Hội nghị toàn quốc lần thứ ba, xác định những vấn đề cơ bản để lãnh đạo cuộc chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương. Ngoài những nội dung chỉ đạo chiến trường chính Việt Nam; với chiến trường Lào và Miên, Hội nghị chỉ rõ cần áp dụng các nhiệm vụ chung một cách thích hợp, trong đó chú trọng:
1. Xây dựng một căn cứ địa chính cho Lào (và Miên) và mở rộng cơ sở quần chúng, nối liền các căn cứ địa với nhau;
2. Tích cực xây dựng quân đội quốc gia cho Lào (và Miên), đặc biệt là chú trọng đào tạo cán bộ cho Lào (và Miên);
3. Chuẩn bị chiến trường cho chủ lực sang hoạt động và chuẩn bị lực lượng quân sự của ta để phối hợp với bạn;
4. Tiến tới thống nhất sự chỉ đạo về quân sự, chính trị toàn Lào...
Về tổ chức và danh nghĩa chính thức của các lực lượng quân sự Việt Nam hoạt động trên đất Lào được xác định: “...Từ nay các lực lượng quân đội Việt Nam hoạt động ở Lào (và Miên) tổ chức theo hệ thống riêng của quân đội Việt Nam và mang danh nghĩa là quân tình nguyện(12).
Cùng thời gian này, Ban Cán sự Hạ Lào mở hội nghị sơ kết công tác và chuẩn bị kế hoạch đối phó với địch. Hội nghị bàn việc chuyển hướng, phương châm hoạt động, nhằm củng cố cơ sở, xây dựng căn cứ đứng chân ở các khu vực. Ban Cán sự Hạ Lào đã quyết định thành lập Ban chỉ huy mặt trậnBan cán sự ở mỗi vùng để thống nhất chỉ đạo các lực lượng của Việt Nam và trực tiếp giúp cán bộ Lào ở các vùng.
 Mặt trận Tây Nam, gồm tỉnh Chăm-pa-sắc (trừ khu vực Pạc-xòong, Pạc-xế), do Nguyễn Mộ phụ trách. Mặt trận có nhiệm vụ củng cố vùng đầm Phạ-phô làm chỗ đứng chân để chỉ đạo hoạt động của toàn tỉnh Chăm-pa-sắc, giữ vững và phát triển cơ sở vùng hữu ngạn sông Mê Kông, tích cực chống âm mưu bình định của địch.
Mặt trận Xara- Bôlô, gồm các huyện U-đôm-xíng, Lầu-ngam, Tha-teng, Xa-ra-van, Không-xê-đôn và Va-pi-khăm-thoong, do Trần Quyết Thắng phụ trách. Mặt trận có nhiệm vụ thống nhất chỉ đạo các lực lượng giúp Lào ở Cao nguyên Bô-lô-ven; trước mắt, tích cực chống địch càn quét, bình định vùng Lầu-ngam và mở rộng cơ sở ra toàn vùng phía bắc cao nguyên, kể cả huyện Tha-teng, tiến tới nối liền cơ sở với các vùng ở phía nam Bô-lô-ven.
Mặt trận Xê-kông, gồm các khu vực xung quanh thị xã At-ta-pư và các địa phương phía nam như: Xa-xảm-xay, Xay-xệt-thá, Phu-vông, do Mai Trọng Định phụ trách. Mặt trận có nhiệm vụ chỉ đạo sự phối hợp hoạt động ở cả hai phía đông và tây thị xã Át-ta-pư, bao vây kiềm chế địch trong thị trấn Mường-mày, giữ vững hành lang tiếp vận từ Liên khu V sang Lào, từng bước xây dựng vùng tây nam At-ta-pư thành căn cứ kháng chiến của toàn Khu kháng chiến Hạ Lào.
Để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp một cách toàn diện hơn nữa, từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 8 năm 1950, Đại hội Mặt trận Lào kháng chiến đã diễn ra. Hơn 100 đại biểu đại diện cho lực lượng vũ trang các khu, các bộ tộc, các tổ chức quần chúng và nhân sĩ, trí thức trong cả nước đã về dự. Đại hội đề ra Cương lĩnh chính trị 12 điểm, bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Mặt trận Lào It-xa-la gồm 12 người, do Hoàng thân Xu-pha-nu-vông làm Chủ tịch, kiêm Thủ tướng Chính phủ. Cương lĩnh 12 điểm có nhiều nội dung quan trọng, trong đó khẳng định: “Muốn kháng chiến, giành độc lập, lực lượng kháng chiến của ba dân tộc không thể chia cắt hẳn ra được. Nước Lào không thể độc lập được một khi Việt Nam và Miên chưa độc lập. Việt hay Miên không thể có sự độc lập thực sự được một khi nước Lào còn là bàn đạp của Pháp ở Đông Dương”(13). Đại hội là một sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu bước phát triển mới cuộc kháng chiến của nhân dân các bộ tộc Lào, làm cho thế và lực cách mạng Lào được tăng cường, liên minh chiến đấu Việt - Lào thêm củng cố vững chắc.
Khi cách mạng ba nước Đông Dương đang phát triển sôi động, thì vào tháng 2 năm 1951, tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang, Đại hội đại biểu lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương đã diễn ra. Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn dẫn đầu đoàn đại biểu Lào tham dự. Đại hội đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng, trong đó đề cập đến việc thành lập Mặt trận thống nhất các dân tộc Việt- Miên- Lào; vấn đề thành lập ở mỗi nước một Đảng riêng; việc tăng cường lực lượng giúp cách mạng Lào, Miên trong giai đoạn mới.
Thực hiện Nghị quyết của Đại hội, các liên khu của Việt Nam lần lượt tăng cường lực lượng cho các mặt trận của Lào. Liên Khu V tăng cường cho Hạ Lào một tiểu đoàn quân tình nguyện. Bộ đội Việt Nam đã “ba cùng” với nhân dân để xây dựng cơ sở. “Sống trong lòng dân, theo đúng nghĩa cao đẹp của nó, các chiến sĩ tình nguyện không bao giờ quên hình ảnh những người cha Lào ngày đêm vót chông, đào hào, đánh giặc, vượt qua bao nhiêu ngọn núi để báo tin địch; những người mẹ Lào, người em gái Lào đem từng “típ” xôi, con cá khô, điếu thuốc, đi hết cánh đồng này đến khu rừng kia tìm đến anh em Việt Nam trong những ngày địch càn quét... Chính vì vậy mà các chiến sĩ tình nguyện đã vượt qua được những năm tháng gian khổ, quyết liệt ở đây”(14).
Trong những năm 1951, 1952 và đầu năm 1953, các lực lượng vũ trang Lào cùng quân tình nguyện Việt Nam đã vượt mọi khó khăn trở ngại, lập nhiều thành tích xuất sắc. Các Đại đội 7,8,9 quân tình nguyện đã phối hợp với quân dân Khu kháng chiến Hạ Lào bám sát địa bàn chặn đánh các cuộc càn quét của địch, gây cho chúng nhiều tổn thất. Đến cuối năm 1952, đầu năm 1953, các khu căn cứ kháng chiến ở Hạ Lào đã được xây dựng liên hoàn cả hai vùng đông và tây nam At-ta-pư, nối liền hai phía nam và bắc Cao nguyên Bô-lô-ven, trở thành trung tâm của cuộc kháng chiến trên toàn Hạ Lào và là bàn đạp hỗ trợ, chi viện cho cuộc kháng chiến ở vùng Đông Bắc của quân và dân Campuchia.
Nhằm đánh bại kế hoạch quân sự Na-va của thực dân Pháp, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi, tháng 9 năm 1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đề ra chủ trương mở cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, trong đó vùng Trung - Hạ Lào là một hướng tấn công quan trọng.
Phối hợp cùng quân và dân Lào, ngày 21 tháng 12 năm 1953, chiến dịch Trung Lào mở màn. Liên quân Lào- Việt đánh thắng địch hai trận lớn ở Kham-he và Ba-na-phào, diệt 3 tiểu đoàn Âu Phi cơ động và 1 tiểu đoàn pháo binh gồm 2.200 tên. Ngày 25 tháng 12 năm 1953, liên quân Lào- Việt tiến sát đến sông Mê Kông, giải phóng thị xã Thà-khẹc, cắt đứt đường số 9, rồi giải phóng tiếp miền đông tỉnh Sa-vẳn-na-khệt và cả vùng Trung Lào rộng lớn.
Sau thắng lợi của liên quân Lào- Việt ở Trung Lào, Tiểu đoàn 436 thuộc Trung đoàn 101 quân tình nguyện Việt Nam đã tiến quân xuống Hạ Lào phối hợp với các đơn vị quân đội Lào, tiến công địch tại Hạ Lào. Đầu năm 1954, trong trận mở đầu, Tiểu đoàn 436 và Đại đội 200 cùng với các đơn vị bộ đội Lào tập trung đánh vào cứ điểm Bản-pui và khống chế sân bay Mường-mày. Đại bộ phận quân địch bị tiêu diệt. Số còn lại bỏ chạy về At-ta-pư.
Ở mặt trận Sala- Bôlô, cùng với bộ đội Lào, Đại đội 8, Đại đội 9 quân tình nguyện liên tục truy quét địch, đánh vào các vị trí: Huổi-còng, Lào-ngam, Huổi-xệt... Cùng thời gian này, ở Thượng Lào, Liên quân Lào- Việt đã mở đợt tấn công lớn quân địch ở phòng tuyến sông Nậm U, uy hiếp nặng nề Luông Pha Băng, giải phóng Phong Xa Lỳ, mở rộng vùng giải phóng.
 Chiến thắng ở Hạ Lào, Trung Lào và Thượng Lào góp phần làm đảo lộn kế hoạch Na-va của địch, dẫn đến sự phá sản hoàn toàn trong cố gắng duy trì tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của Pháp. Những thắng lợi này cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ của quân dân Việt Nam, không còn con đường nào khác buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ (21.7.1954). Tuy chưa phản ánh đầy đủ thắng lợi của quân và dân ba nước do các nguyên nhân khác nhau song Hiệp định Giơnevơ đã công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của các nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Ở Lào, Pathét Lào là lực lượng chính trị độc lập, hợp pháp, có quân đội, có vùng tập kết là hai tỉnh Hủa-phăn và Phong-xa-lỳ. Đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn đánh giá: “Đây là thắng lợi lịch sử của nhân dân Lào cũng như của nhân dân hai nước Việt Nam và Campuchia”(15)
Kháng chiến thắng lợi, các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam tạm biệt Khu kháng chiến Hạ Lào thân yêu trở về Tổ quốc trong niềm vui chung thắng lợi. Nhân dân Hạ Lào tổ chức đưa tiễn những người lính Việt Nam với niềm hân hoan phấn khởi và những giọt nước mắt nhớ thương. “Những chiến sĩ tình nguyện đi rồi... nhân dân Lào dọc đường hành quân đã trân trọng rào lại những dấu chân người lính Việt Nam, xem đây là vật quý báu của tình sâu nghĩa nặng, không giá nào có thể đổi được”(16).
Như vậy, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, dù gặp muôn vàn khó khăn gian khổ, nhưng với nhiệm vụ quốc tế cả, các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã luôn sát cánh với nhân dân Lào, cùng chia ngọt, sẻ bùi, trên tinh thần “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, xây dựng và phát triển Khu kháng chiến Hạ Lào. Từ khi thành lập, Khu kháng chiến Hạ Lào không chỉ là chỗ dựa vững chắc đối với cách mạng Hạ Lào mà còn đối với cả nước, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và sau này là cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân các bộ tộc Lào. Khu kháng chiến Hạ Lào là biểu trưng cho sức mạnh của nhân dân các bộ tộc Lào trong kháng chiến và cũng là một biểu tượng sinh động của mối quan hệ và tình đoàn kết đặc biệt Việt- Lào đã được các thế hệ cha anh dày công vun đắp. Đúng như lời của cố Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn phát biểu tại Đại hội Đảng IV Đảng Lao động Việt Nam: “Trong lịch sử thế giới cũng đã có nhiều tấm gương sáng chói về tinh thần quốc tế vô sản, nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ có sự đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt lâu dài, toàn diện như vậy...”(17). “Lịch sử của nhân dân Lào mãi mãi ghi tạc công ơn to lớn của nhân dân Việt Nam... Vì vậy, hai tiếng Việt Nam đã trở thành vô cùng thân thiết đối với nhân dân Lào chúng tôi”(18).

Download toàn văn bài viết tại: Trang Web NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ


(1) Trong kháng chiến chống Pháp, Hạ Lào gồm ba tỉnh: Chăm-pa-sắc, Xa-la-van và At-ta-pư, chiếm khoảng 1/6 diện tích nước Lào.
(2) Ngày 30 tháng 10 năm 1945, Hiệp định Liên minh giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Lào It-xa-la được ký kết.
(3) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, 1945 - 1946, Nxb CTQG, Hà Nội. 2000, tr.139 -140.
(4) Ban Chỉ đạo nghiên cứu lý luận và thực tiễn Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào: Lịch sử Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Nxb CTQG, H. 2005, tr.56.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 9, 1948, Nxb CTQG, H.2001, 37,98.
(6 Dẫn theo Lịch sử kháng chiến chống chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của lực lượng vũ trang và nhân dân các tỉnh Hạ Lào (1945-1975), tr. 72-73, bản tiếng Việt, Lưu Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
(7) Ngày 25 tháng 1 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Sắc lệnh Số 307/SL tổ chức lại các liên khu ở Việt Nam: Khu 1 và Khu 12 hợp thành Liên khu 1; các Khu 2, 3 và 11 hợp thành Liên khu 3; các Khu 10 và 14 hợp thành Liên khu 10; Khu 4 đổi thành Liên khu 4; Liên khu 5 và Nam bộ như cũ.
(8) Hoài Nguyên: Đôi nét về quân tình nguyện Việt Nam ở Hạ Lào trong kháng chiến chống Pháp, in trong Quan hệ Việt- Lào, Lào - Việt, Nxb CTQG, H.1993, tr.133.
(9) Trong Lịch sử Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Nxb CTQG, H. 2005, tr. 58 có ghi ngày thành lập Ủy ban kháng chiến và Khu quân sự Hạ Lào là ngày 1 tháng 3 năm 1948. Tuy nhiên, đại đa số các tai liệu đã xuất bản thì lấy ngày 1 tháng 3 năm 1949 là ngày thành lập Khu kháng chiến Hạ Lào, như: Lịch sử quân đội nhân dân Lào, bản tiếng Việt, tr. 60; Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của lực lượng vũ trang và nhân dân các tỉnh Hạ Lào (1945-1975), bản tiếng Việt, tr. 80,v.v... Lưu Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
(10) Đầu năm 1948, Chính phủ Lào It-xa-la chính thức đề nghị phía Việt Nam giúp đỡ xây dựng Khu kháng chiến Hạ Lào. Ngày 10 tháng 7 năm 1948, đồng chí Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phú Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký Quyết định thành lập Khu Đặc biệt ở vùng Tà Ngô thuộc huyện Bến Giằng, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, sát biên giới hai nước, làm căn cứ chiến đấu cho các lực lượng vũ trang Lào - Việt.
(11) Hoài Nguyên: Đôi nét về quân tình nguyện Việt Nam ở Hạ Lào trong kháng chiến chống Pháp, in trong Quan hệ Việt- Lào, Lào - Việt, Nxb CTQG, H.1993, tr.132, 136.
(12) Hồ sơ số 970/BCHTW, Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
(13) Hồ sơ số 1660, Lưu Trung tâm lưu trữ Quốc gia I Hà Nội.
(14) Hoài Nguyên: Đôi nét về quân tình nguyện Việt Nam ở Hạ Lào trong kháng chiến chống Pháp, in trong Quan hệ Việt- Lào, Lào- Việt, Nxb CTQG, H.1993, tr.135.
(15) Ban Nghiên cứu lý luận và thực tiễn Trung ương  Đảng Nhân dân cách mạng Lào: Lịch sử Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Nxb CTQG, H.2005, tr.87.
(16) Hoài Nguyên: Vài nét về quân tình nguyện Việt Nam tại Hạ Lào trong kháng chiến chống Pháp, in trong Quan hệ Việt- Lào, Lào- Việt, Nxb CTQG, H.1993, tr.137.
(17) Báo Nhân dân số 8257, ngày 16 tháng 12 năm 1976.                                                        
(18) Lời phát biểu của cố Chủ tịch Xu-pha-nu-vông trong chuyến thắm Việt Nam ngày 25 tháng 5 năm 1971, in trong Tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt Việt Nam- Lào, truyền thống và triển vọng, Nxb QĐND, H.2005, tr. 62-63.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!