Thứ Năm, 9 tháng 1, 2014

CỤC DIỆN VÀ THỜI CƠ MỚI TRƯỚC MẬU THÂN 1968

 PGS,TS. Hồ Khang
Sau 10 năm (1954-1964) thế chân Pháp nhảy vào miền Nam Việt Nam và sau 4 năm (1961-1964) tiến hành chiến lược "chiến tranh đặc biệt", mặc dù đã bỏ ra nhiều tiền của và công sức, thi hành nhiều thủ đoạn và biện pháp, nhưng Mỹ vẫn không dập tắt được phong trào cách mạng miền Nam. Đến giữa năm 1965, mặc dù đã được đẩy lên tới đỉnh cao; vượt quá mức lý thuyết và dự tính ban đầu, nhưng chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của Mỹ ở miền Nam Việt Nam vẫn có nguy cơ bị quân và dân miền Nam đánh bại hoàn toàn. Tình hình đó đặt Mỹ đứng trước sự lựa chọn gay cấn:

1. Hoặc đơn phương rút khỏi miền Nam Việt Nam, từ bỏ các mục tiêu chiến lược đã định trong cuộc chiến tranh này;
2. Hoặc phải thay đổi chiến lược, đưa quân chiến đấu trên bộ của Mỹ vào, tiếp tục theo đuổi các mục tiêu chiến lược của Mỹ ở miền Nam Việt Nam.
Ngược dòng thời gian, người ta thấy được rằng: sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, đặc biệt là từ sau khi cách mạng Trung Quốc thành công, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời (1949) và sau khi cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) kết thúc, vấn đề Việt Nam ngày càng ám ảnh giới lãnh đạo cao cấp Mỹ. Bởi lẽ, là một cường quốc đang theo đuổi chiến lược thống trị toàn cầu, phía Mỹ quan niệm rằng: "Việc để mất bất cứ một nước nào ở Đông Nam Á vì hành động xâm lược của Cộng sản sẽ có một hậu quả tâm lý, chính trị và kinh tế nghiêm trọng. Trong trường hợp thiếu sự phản ứng có hiệu quả và kịp thời, việc mất bất cứ một nước riêng lẻ nào đó chắc chắn sẽ dẫn tới việc các nước còn lại trong nhóm này quy phục một cách tương đối nhanh chóng hoặc đi theo chủ nghĩa cộng sản"[1]. Trong mắt giới lãnh đạo nước Mỹ, "ách thống trị của Cộng sản, dù với biện pháp gì... trước mắt sẽ gây nguy hại nghiêm trọng và về lâu dài nguy hại một cách nguy kịch đến lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ"[2] Trong khi đó, Cách mạng Tháng 8 năm 1945 và liền sau đó là cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam, theo cách nhìn của Mỹ, là một phong trào cách mạng có khuynh hướng Cộng sản; đang uy hiếp lợi ích của Mỹ ở khu vực Đông Nam châu Á. Nói cách khác, vấn đề Việt Nam từ sau năm 1945 và nhất là trước năm 1954, đã chiếm giữ một vai trò ngày càng lớn trong chiến lược toàn cầu của Mỹ.
Vì lẽ đó, từ tháng 7 năm 1954 trở về trước, chính sách của Mỹ là tăng cường viện trợ quân sự cho Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Khoản viện trợ đó lớn đến mức chiếm tới 78% toàn bộ chiến phí của Pháp vào năm 1954 ở Đông Dương.
Thắng lợi của nhân dân Việt Nam ở Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam và Đông Dương được ký kết sau đó (7.1954), trong quan niệm của giới lãnh đạo nước Mỹ, "là một thảm họa; đã hoàn thành bước tiến quan trọng của chủ nghĩa cộng sản, có thể dẫn tới việc mất cả Đông Nam Á"[3].
Do vậy, từ chỗ chỉ can thiệp thông qua viện trợ quân sự cho Pháp, sau năm 1954, Mỹ chuyển sang đóng vai trò xâm lược, chính thức đặt chân vào miền Nam Việt Nam, trực tiếp nắm lấy miền Nam Việt Nam.
Từ năm 1955 đến năm 1960, Mỹ ra sức xây dựng chính quyền và quân đội Sài Gòn, sử dụng bộ máy chính quyền và lực lượng quân sự này để đàn áp đẫm máu phong trào cách mạng miền Nam[4], biến chính quyền và quân đội Sài Gòn thành công cụ thực hiện kế hoạch của Mỹ. Thế nhưng, vượt qua tổn thất và đau thương, cách mạng miền Nam từng bước hồi phục. Trên cơ sở bảo tồn, tích lũy và từng bước phát triển lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, vào năm 1959 và năm 1960, nhân dân miền Nam đã vùng dậy "Đồng khởi" đập tan ách thống trị cơ sở của chính quyền Sài Gòn ở nhiều vùng nông thôn rộng lớn, thiết lập chính quyền cách mạng; giáng một đòn bất ngờ vào chiến lược Ai-xen-hao, làm thất bại một bước chiến lược chiến tranh của Mỹ.
Trước tình hình đó, từ năm 1961 đến năm 1964, Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược "chiến tranh đặc biệt", một loại hình chiến tranh hạn chế mà Mỹ cho là thích hợp nhất hòng đè bẹp chiến tranh cách mạng miền Nam. Từ đây, Việt Nam - điểm chủ chốt trong chiến lược của Mỹ ở Đông Nam Á, đã được chọn làm nơi thí điểm đầu tiên cho một loại hình chiến tranh - mà theo chủ quan của Mỹ, "sau này có thể đem áp dụng vào những nơi khác trong hoàn cảnh thích hợp ở châu Mỹ Latinh, Trung Đông và có thể ở cả Trung Âu nữa"[5].
Để thực hiện chiến lược chiến tranh đó, Mỹ đã tăng cường cố vấn và lực lượng yểm trợ chiến đấu Mỹ vào miền Nam, tăng viện trợ cho chính quyền và quân đội Sài Gòn, mở rộng và tăng cường quân đội Sài Gòn (trên các mặt: số lượng, trang bị, huấn luyện, cơ cấu chỉ huy... nhằm thích ứng với nhiệm vụ đánh bại chiến tranh du kích), đẩy mạnh chương trình bình định (lấy việc lập ấp chiến lược làm trọng tâm), ra sức củng cố hệ thống chính quyền cơ sở của chế độ Sài Gòn, tiến hành các hoạt động chống phá miền Bắc Việt Nam từ bí mật đến công khai...
Đồng thời với việc triển khai mạnh mẽ các biện pháp trên đây, Mỹ bắt đầu đẩy quân đội Sài Gòn ra trận. Với sự yểm trợ về hỏa lực và sự dìu dắt của cố vấn Mỹ, quân đội Sài Gòn đã mở hàng ngàn cuộc hành quân nhằm tiêu diệt lực lượng vũ trang Cách mạng miền Nam, hỗ trợ cho việc gom dân, lập "ấp chiến lược"... Đầu năm 1965, cố gắng của Mỹ trong chiến lược "chiến tranh đặc biệt" đã tới đỉnh cao[6]. Dù vậy, ba chỗ dựa chủ yếu của Mỹ trong cuộc chiến tranh này là: quân đội và chính quyền Sài Gòn; hệ thống "ấp chiến lược"; vùng đô thị vẫn có nguy cơ bị sụp đổ trước sức tiến công mạnh mẽ của cách mạng miền Nam.
Thế là, sau hơn chục năm cố gắng một cách có ý thức rõ ràng, một lần nữa, lợi ích chiến lược toàn cầu của Mỹ ở Đông Nam Á vẫn bị đe dọa.
Đây cũng là lúc cuộc chiến tranh nhân dân ở miền Nam Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ và rộng khắp trên cả ba vùng chiến lược (rừng núi; nông thôn đồng bằng; đô thị). Và miền Bắc, sau gần 10 năm xây dựng trong hòa bình, đã trở nên vững mạnh và trở thành căn cứ địa vững chắc cho cách mạng cả nước. Về phía Mỹ, nền kinh tế trong nước đã trải qua 5 năm phát triển khá cân đối (1960-1965), chi phí cho cuộc "chiến tranh đặc biệt" ở miền Nam Việt Nam chưa nhiều, nội bộ chính quyền Mỹ ổn định, giữa chính quyền và Quốc hội Mỹ còn thống nhất trong vấn đề chiến tranh Việt Nam - một cuộc chiến tranh mà đối với phần lớn nhân dân Mỹ vẫn còn xa vời; chưa tác động đáng kể tới cuộc sống của họ.
Trong bối cảnh đó, phía Mỹ quyết định thay đổi chiến lược chiến tranh để giành thắng lợi quyết định ở miền Nam Việt Nam: chuyển từ chiến lược "chiến tranh đặc biệt" sang chiến lược "chiến tranh cục bộ". Mục tiêu bao trùm của Mỹ trong cuộc chiến tranh này là triển khai lực lượng lớn từ Mỹ sang, dùng "phản công" tiêu diệt chủ lực Quân giải phóng miền Nam, leo thang đánh phá miền Bắc, buộc chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải thương lượng theo điều kiện của Mỹ. Tuy nhiên, để tránh gây ảnh hưởng xấu đến thế bố trí chiến lược toàn cầu của Mỹ; tránh làm ảnh hưởng xấu tới tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trong nước; tránh lôi kéo các nước lớn (Liên Xô, Trung Quốc) trực tiếp tham chiến..., chính quyền Giôn-xơn chủ trương đưa quân Mỹ vào nhanh rút ra nhanh, nghĩa là muốn giành thắng lợi quyết định trong một thời gian ngắn.
Do vậy, tháng 7 năm 1965, Tổng thống Giôn-xơn đã chấp nhận và chính thức thông qua kế hoạch chiến lược "Tìm và diệt" của tướng Oét-mo-len - Tư lệnh Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam (M.A.C.V). Theo đó, Mỹ sẽ hoàn tất các mục tiêu chiến lược của cuộc chiến tranh cục bộ ở miền Nam Việt Nam trong khoảng thời gian từ hai năm đến hai năm sáu tháng. Kế hoạch này được dự định thực hiện qua 3 giai đoạn:
- Giai đoạn 1, từ tháng 7 đến tháng 12 năm 1965, đưa nhanh quân Mỹ và quân các nước đồng minh của Mỹ vào miền Nam, ngăn chặn chiều hướng thua của quân đội Sài Gòn, hoàn thành việc triển khai lực lượng, chuẩn bị cho các hoạt động giai đoạn 2.
- Giai đoạn 2, từ tháng 1 đến tháng 6 năm 1966, mở cuộc phản công chiến lược "Tìm và diệt" ở những vùng ưu tiên để tiêu diệt chủ lực đối phương, phá chiến tranh du kích, giành lại quyền chủ động chiến trường từ tay đối phương, tổ chức lại các hoạt động "bình định nông thôn".
- Giai đoạn 3, từ tháng 7 năm 1966 đến tháng 6 năm 1967 (hoặc tháng 12 năm 1967), mở tiếp các cuộc tiến công "Tìm và diệt" những đơn vị chủ lực Quân giải phóng còn lại, phá căn cứ kháng chiến và tiêu diệt cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam, hoàn tất chương trình "Bình định nông thôn" rút quân Mỹ về nước.
Theo Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ, "ýnghĩa cơ bản nêu rõ trong chiến lược "Tìm và diệt" là muốn đưa cuộc chiến tranh đến tận xứ sở của kẻ đối phương, làm cho kẻ đối phương không thể tự do đi lại ở bất cứ nơi nào trên đất nước... và giáng cho kẻ đối phương những đòn thật nặng nề"[7].
Từ mùa hè 1965, các đơn vị chiến đấu Mỹ cùng một số đơn vị quân Nam Triều Tiên, Ốt-xtrây-li-a, Niu-di-lân... bắt đầu ồ ạt đổ vào miền Nam. Ngoài số quân trực tiếp chiến đấu không ngừng tăng lên trên chiến trường, toàn bộ lực lượng thuộc Bộ Tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương cũng được huy động vào việc yểm trợ tác chiến, bảo đảm hậu cần cho cánh quân trên bộ ở Nam Việt Nam. Chiến tranh phá hoại miền Bắc do Bộ Tư lệnh không quân Thái Bình Dương phụ trách. Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương còn thường xuyên duy trì một lực lượng lục quân sẵn sàng chi viện cho quân Mỹ ở miền Nam hoặc đổ bộ lên miền Bắc Việt Nam, nếu cần.
Mùa mưa 1965, quân Mỹ gấp rút triển khai chiếm lĩnh những địa bàn chiến lược trọng yếu. Lực lượng đảm bảo hậu cần khổng lồ của quân đội Mỹ khẩn trương xây dựng các căn cứ quân sự liên hợp, các căn cứ xuất phát hành quân, các căn cứ hậu cần ở những khu vực then chốt. Các tuyến giao thông chiến lược, hệ thống cảng biển, sân bay, bãi đáp trực thăng... cũng được khẩn trương mở rộng, xây dựng và hiện đại hóa.
Hỗ trợ cho quá trình triển khai lực lượng, thiết lập hệ thống căn cứ quân sự và hậu cần, một số đơn vị Mỹ và quân đội Sài Gòn mở hàng ngàn cuộc hành quân lớn, nhỏ; tập trung vào vùng xung quanh các căn cứ Mỹ. Ngoài ra, bom đạn, chất độc hóa học được sử dụng ở mức độ ngày càng nhiều đánh vào vùng giải phóng, vùng tranh chấp; đánh xuống các tuyến hành lang, các căn cứ kháng chiến của lực lượng cách mạng miền Nam. Lần đầu tiên, máy bay ném bom chiến lược B.52 được đưa ra sử dụng trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Nhằm tạo lập sự ổn định về chính trị, làm cơ sở cho cuộc chiến tranh xâm lược, ngày 18 tháng 6 năm 1965, Mỹ bật đèn xanh cho hai tướng trẻ Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ đảo chính lật đổ Nguyễn Khánh, thành lập chính phủ quân sự tại Sài Gòn.
Trên miền Bắc, cuộc chiến tranh không quân của Mỹ từng bước được mở rộng về quy mô, gia tăng về cường độ gắn bó chặt chẽ với nhịp độ chiến tranh trên bộ ở miền Nam.
Đối với hai nước láng giềng của Việt Nam, Mỹ đẩy mạnh "chiến tranh đặc biệt" ở Lào, sử dụng sức ép quân sự và ngoại giao hòng buộc chính phủ Vương quốc Campuchia từ bỏ thái độ trung lập.
Trên trường quốc tế, Mỹ triệt để lợi dụng mâu thuẫn Xô - Trung và sự bất đồng trong phong trào cộng sản quốc tế để cô lập Việt Nam, đẩy mạnh chiến tranh xâm lược. Ở trong nước, chính quyền Mỹ thi hành các biện pháp nhằm bưng bít tin tức về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, che giấu các hoạt động chiến tranh của Mỹ trên chiến trường. Bằng cách đó, chính phủ Mỹ hy vọng duy trì được sự đồng tình của Quốc hội và tranh thủ được ủng hộ của nhân dân Mỹ đối với chính sách "leo thang" chiến tranh của chính quyền Mỹ ở Việt Nam.
Trước việc Mỹ thay đổi chiến lược - đưa quân vào trực tiếp tiến hành cuộc chiến tranh ở Việt Nam, quân và dân hai miền Nam, Bắc Việt Nam không nao núng ý chí, quyết tâm, bình tĩnh, tự tin bước vào cuộc chiến đấu mới.
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương, khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" đã trở thành mục tiêu, lẽ sống của nhân dân miền Bắc. Vì thế, ngay sau đó, được miền Bắc chi viện, khối chủ lực cơ động của Quân giải phóng miền Nam đã phát triển từ 10 trung đoàn (1964) lên tới 5 sư đoàn, 11 trung đoàn bộ binh và nhiều trung đoàn, tiểu đoàn binh chủng kỹ thuật với vũ khí, trang bị tương đối hiện đại. Bên cạnh khối chủ lực cơ động, bộ đội địa phương và dân quân du kích cũng đã nhanh chóng được mở rộng, tăng cường: mỗi tỉnh có 1 đến 2 tiểu đoàn và hàng chục đại đội bộ đội chủ lực cùng hàng trăm trung đội, tiểu đội du kích... Như vậy là bắt đầu từ đây, ở miền Nam, lực lượng vũ trang đã củng cố vững chắc hơn nữa thế trận liên hoàn trên các địa bàn chiến lược: khối chủ lực đứng chân vững chắc ở miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng Khu 5; bộ đội địa phương và dân quân du kích hoạt động xen kẽ với đối phương, hỗ trợ trực tiếp cho phong trào chống phá "bình định" và đấu tranh chính trị của nhân dân tại chỗ. Xung quanh các căn cứ quân sự; làng xã chiến đấu được liên kết lại, hình thành các "vành đai" áp sát, bao vây, trực tiếp uy hiếp quân Mỹ ngay tại vị trí xuất phát hành quân. Ở vùng ven đô, dân quân, du kích, đặc công, các đội pháo cối chuyên trách được tăng cường. Trong các đô thị, cơ sở chính trị cũng được chú ý phát triển.
Dựa trên thế trận đã được chủ động hình thành đó, khi quân Mỹ ồ ạt kéo vào miền Nam, lực lượng vũ trang Quân giải phóng chẳng những không bị động lùi về phòng ngự chống đỡ mà ngược lại, đã chủ động tiến công một số đơn vị quân Mỹ nhằm tìm hiểu khả năng thực tế quân Mỹ để tìm ra cách đánh phù hợp. Vì vậy, ngay trong năm 1965, chiến thắng của Quân giải phóng miền Nam đã làm nức lòng cả nước. Đó là các trận đánh đã đi vào lịch sử: Trận Núi Thành (3.1965), một đại đội bộ đội địa phương Quân giải phóng tập kích vào một đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ; trận Vạn Tường (8.1965), một trung đoàn chủ lực Quân giải phóng đã đương đầu thắng lợi với cuộc tiến công hiệp đồng binh chủng của một lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ với số quân lớn hơn ngay tại vùng đồng bằng ven biển; tiếp đó, Quân giải phóng đã chủ động mở chiến dịch Plây Me (11.1965) trên miền rừng núi Tây Nguyên, tiêu diệt gọn một tiểu đoàn của sư đoàn kỵ binh không vận số 1 của Mỹ. Như hòa nhịp với chiến trường Khu 5, ở miền Đông Nam Bộ, chủ lực Quân giải phóng đã tập kích vào lữ đoàn dù Mỹ 173 tại Đất Cuốc và tiến công vào lữ đoàn 1 thuộc sư đoàn bộ binh số 1 - sư đoàn được mệnh danh là "Anh cả đỏ" tại Bầu Bàng (11.1965).
Từ thực tiễn chống Mỹ, cứu nước trên khắp cả hai miền Nam, Bắc trên đây và trên cơ sở phân tích toàn bộ tình hình trong nước và trên thế giới có liên quan tới cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Mỹ, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 12, khóa III (12.1965) đã đi tới kết luận: "Ngày nay, mặc dù đế quốc Mỹ đưa vào miền Nam hàng chục vạn quân viễn chinh, lực lượng so sánh giữa ta và đối phương vẫn không thay đổi lớn. Tuy cuộc chiến tranh trở nên gay go, ác liệt nhưng nhân dân ta đã có cơ sở chắc chắn để giữ vững và tiếp tục giành thế chủ động trên chiến trường, có lực lượng và điều kiện để đánh bại âm mưu trước mắt và lâu dài của đối phương"[8]. Hội nghị hạ quyết tâm chiến lược: "Động viên lực lượng của cả nước, kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất kỳ tình huống nào"[9]. Cũng tại Hội nghị này, Trung ương Đảng LĐVN đã vạch rõ phương châm chiến lược chung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước phải là "đánh lâu dài, dựa vào sức mình là chính"[10]3. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh cụ thể lúc đó, Hội nghị cũng đã lường trước được khả năng nhằm chớp thời cơ và lưu ý các cấp chiến lược rằng: Trên cơ sở quán triệt và vận dụng phương châm đánh lâu dài mà Nghị quyết đã chỉ ra, "phải cố gắng cao độ, tập trung lực lượng của cả hai miền để tranh thủ thời cơ, giành thắng lợi quyết định trong một thời gian tương đối ngắn trên chiến trường miền Nam"[11]. Tinh thần đó được thể hiện cụ thể thành những nội dung chính sau đây:
1. Tiêu diệt, tiêu hao một bộ phận quan trọng quân đội Mỹ, làm cho Mỹ bị tổn thất nặng, không thể thực hiện được các nhiệm vụ quân sự và chính trị.
2. Tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận quân đội Sài Gòn tới mức nó không còn là một lực lượng mà Mỹ có thể dựa vào đó để tiếp tục chiến tranh. Và, khi Mỹ buộc phải chuyển sang giải pháp chính trị, thì thế và lực của chế độ Sài Gòn sẽ không đủ sức để duy trì và giữ vững chế độ.
3. Trên cơ sở đó, đè bẹp ý chí xâm lược của Mỹ, thực hiện mục tiêu về độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, tiến tới thống nhất nước nhà.
Như lịch sử đã chứng minh, tinh thần của Nghị quyết 12 đã có tác dụng chỉ đạo kịp thời, từng bước làm thất bại các biện pháp chiến lược chiến tranh cục bộ Mỹ. Lúc này, trên chiến trường, về phía Mỹ, đến cuối năm 1965, hơn 20 vạn quân Mỹ và quân đồng minh (trong đó có 184.134 lính Mỹ) đã triển khai xong ở các địa bàn chiến lược. Đầu năm 1966, Mỹ lại đưa thêm hai trung đoàn, lữ đoàn, một sở chỉ huy sư đoàn cùng Tập đoàn không quân số 7 vào miền Nam[12]. Như vậy là toàn bộ quân Mỹ, quân đội Sài Gòn và quân đồng minh đã hợp thành đội quân 72 vạn lính. Với lực lượng đông đảo ấy, Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ quyết định mở cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất, mùa khô 1965-1966, nhằm "tìm diệt" chủ lực Quân giải phóng, giành lại quyền chủ động trên chiến trường, giải tỏa áp lực quanh các đô thị và khai thông những tuyến đường giao thông chiến lược, "bình định" các vùng nông thôn quan trọng, ổn định và tăng cường hiệu lực của chính quyền, quân đội Sài Gòn.
Thực hiện mục tiêu trên, Bộ Chỉ huy quân sự của Tướng Oét-mo-len quyết định dùng toàn bộ "vốn liếng" quân sự nói trên để tập trung đánh vào năm hướng ở hai chiến trường trọng điểm là Đông Nam Bộ và Khu 5 (bao gồm Tây Bắc Sài Gòn, Đông Sài Gòn, Nam tỉnh Phú Yên, Bắc tỉnh Bình Định và Nam Quảng Ngãi). Như vậy, cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 của Mỹ ở miền Nam đã diễn ra trên một quy mô rộng lớn, bằng một lực lượng đông nhằm các mục tiêu đầy tham vọng. Đồng thời, trên miền Bắc Việt Nam, không quân, hải quân Mỹ đã leo thang đánh phá ác liệt. Tháng 2 năm 1966, đối phương tập trung oanh tạc các tuyến đường từ Thanh Hóa trở vào. Từ tháng 3 năm 1966, không quân chiến thuật Mỹ đánh vào một loạt mục tiêu giao thông và các khu công nghiệp Hòn Gai, Cẩm Phả, Việt Trì. Thậm chí Mỹ còn cho máy bay B.52 ném bom xuống khu vực đèo Mụ Giạ ở Tây Quảng Bình...
Với một binh lực hùng hậu, sử dụng các thành tựu khoa học quân sự tiên tiến, giới lãnh đạo Oa-sinh-tơn và Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ tại Sài Gòn tin chắc rằng sẽ nhanh chóng đè bẹp được đối phương! Thế nhưng, dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân được xây dựng và phát triển trong những năm đánh thắng chiến lược "chiến tranh đặc biệt", kết hợp chặt chẽ các hình thức tác chiến của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích..., với một tầm nhìn xa và ý thức chủ động đón đối phương để đánh, lực lượng vũ trang Quân giải phóng đã liên tục chặn đánh, kìm chân, phản công và tiến công để bẻ gãy nhiều cuộc hành quân "tìm diệt" của quân Mỹ và chư hầu. Ở vòng ngoài là như vậy. Còn ở vòng trong, các đơn vị đặc công, biệt động, các đội pháo cối chuyên trách, lực lượng du kích "vành đai diệt Mỹ" đã tổ chức các trận tập kích, phục kích, đánh sâu, đánh hiểm vào hậu cứ, hậu phương, căn cứ xuất phát hành quân của đối phương. Ngay cả ở các khu vực mà đối phương tập trung đánh phá ác liệt hơn như Sài Gòn - Gia Định, lực lượng vũ trang vẫn bám trụ kiên cường. Nhân lúc quân đối phương bị gìm chân, phân tán trên nhiều hướng, các đơn vị chủ lực Quân giải phóng đã chủ động mở các cuộc tiến công đánh thiệt hại nặng sư đoàn 1, sư đoàn 25 bộ binh và lữ dù 173 của Mỹ ở Củ Chi, Bến Cát, Nhà Đỏ - Bông Trang, Võ Xu, Bình Tuy, dốc Bà Nghĩa, tỉnh lộ 16, núi Lá... Chủ lực Quân khu 5 đánh đối phương ở Tây Sơn Tịnh (Bắc Quảng Ngãi), đánh thiệt hại nặng lính thủy đánh bộ Mỹ ở Đông Giáp...
Như vậy là gọng kìm "tìm diệt" mà Mỹ thực thi đã bị bẻ gãy. Còn mục tiêu "bình định" nông thôn do quân đội Sài Gòn đảm nhiệm trong đợt phản công lần thứ nhất này, xem ra cũng không sáng sủa gì: kết hợp chặt chẽ phương châm đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, đánh đối phương bằng "ba mũi giáp công" quân sự, chính trị, binh vận, quân và dân miền Nam đã thu được nhiều kết quả. Cụ thể là đã phá vỡ kế hoạch bình định 900 ấp, củng cố 19.000 ấp trong năm 1966 do tổng thống Mỹ Giôn-xơn và Nguyễn Văn Thiệu nhất trí tại Hô-nô-lu-lu vạch ra từ ngày 20 tháng 4 năm 1965. Ở Khu 5, Trị - Thiên, Tây Nguyên, hơn 2 triệu đồng bào giành được quyền làm chủ. Vùng giải phóng ở Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Đà, Gia Lai, Công Tum, Đắc Lắc, Quảng Trị, Thừa Thiên được giữ vững. Căn cứ du kích và hệ thống làng xã chiến đấu ngày càng được mở rộng ở nhiều vùng nông thôn, rừng núi...
Như vậy là, đến giữa năm 1966, không "tìm diệt" được các đơn vị chủ lực Quân giải phóng, không đạt được chỉ tiêu "bình định" các vùng trọng điểm nông thôn miền Nam, Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ (M.A.C.V) buộc phải kết thúc cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất sớm hơn dự định[13]. Trong khi đó, mục tiêu ổn định chính quyền và quân đội Sài Gòn, khai thông các tuyến giao thông chiến lược, giải tỏa áp lực quanh các thành phố, các căn cứ quân sự Mỹ cũng không được thực hiện. Nhiều đô thị lớn của đối phương như Sài Gòn - Gia Định, Đà Nẵng,... nhiều tuyến giao thông như quốc lộ 1, đường 15 từ Vũng Tàu đi Biên Hòa... vẫn bị gây áp lực. Đặc biệt là từ tháng 3 đến tháng 6 năm 1966, nội bộ chính quyền và quân đội Sài Gòn bị chia rẽ sâu sắc - nhân việc Hội đồng quân sự do Thiệu - Kỳ cầm đầu cách chức Nguyễn Chánh Thi, Tư lệnh Quân đoàn 1. Chỉ 24 giờ sau khi Nguyễn Chánh Thi bị cách thức, sĩ quan và binh lính ủng hộ Nguyễn Chánh Thi tại Huế, Đà Nẵng tuyên bố ly khai chính quyền Sài Gòn. Sinh viên, học sinh, tăng ni phật tử... ở các thành phố miền Trung xuống đường biểu tình với khẩu hiệu chống Mỹ - Thiệu... Giữa tháng 6 năm 1966, Thiệu - Kỳ mới lập lại quyền kiểm soát ở Huế, Đà Nẵng. Dù vậy, qua sự kiện này, uy thế, hiệu lực của chính quyền và quân đội Sài Gòn đã bị tổn thương, suy sút nghiêm trọng.
Đầu tháng 5 năm 1966, trong báo cáo gửi lên Tổng thống Mỹ Giôn-xơn, Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn C. Lốt-giơ cho rằng: Tình hình chung ở miền Nam là ảm đạm. Theo ông, cố gắng quân sự của Mỹ những tháng đầu năm đã "không làm hao tổn được Việt cộng, không tiêu diệt được đơn vị chính quy nào của Việt cộng, không ngăn chặn được du kích phát triển"[14]. Tháng 6 năm 1966, phát hiện Quân giải phóng mở Mặt trận đường 9 - Bắc Quảng Trị, Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ (M.A.C.V) vội điều sư đoàn 1 và sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ cùng chiến đoàn tổng trù bị quân đội Sài Gòn ra ứng phó trên hướng chiến lược này. Lực lượng đối phương, do vậy, càng bị căng kéo, dàn mỏng trên chiến trường, thế bố trí chiến lược của đối phương ngày càng trở nên mất phương hướng. Chính vì thế mà "đến giữa năm 1966, tình hình đã trở nên rõ ràng là sức mạnh quân sự Mỹ không thể nhanh chóng kết thúc cuộc chiến tranh ở Việt Nam"[15]. Ở miền Bắc thì, mặc dù đã sử dụng một khối lượng lớn bom đạn, áp dụng nhiều thủ đoạn đánh phá, và mặc dù đã chịu tổn thất nhiều máy bay và người lái[16] nhưng chiến dịch "Sấm rền" của không quân Mỹ đã không đạt được kết quả như dự tính ban đầu. Trong một báo cáo gửi lên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mắc-na-ma-ra, cơ quan tình báo Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định: "Ý kiến cho rằng phá hủy hoặc dọa phá hủy nền công nghiệp Bắc Việt Nam thì sẽ buộc Hà Nội phải quỳ gối; nhìn lại, thì thấy đó là một nhận định sai lầm"[17]. Ngay cả mục tiêu ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam cũng vậy, bởi vì: "Hệ thống vận tải Bắc Việt Nam rất thô sơ và xem ra rất dễ bị đánh tan nhưng lại rất cơ động và có khả năng phục vụ vượt xa mức yêu cầu"[18] Vả chăng, theo cơ quan này, "chi viện cuộc chiến tranh ở Nam Việt Nam không phải là một điều căng thẳng rất lớn đối với nền kinh tế Bắc Việt Nam. Các lực lượng Bắc Việt Nam và Việt cộng ở Nam Việt Nam không phải là một đạo quân lớn. Họ không đánh nhau như các sư đoàn chính quy hoặc những đạo quân lớn ra trận với xe tăng, máy bay, súng đại bác dã chiến; họ không cần tiếp tế bằng những đoàn xe vận tải, tàu hỏa hoặc tàu thủy. Họ đánh rồi rút bộ, tự túc ở địa phương và thường tránh không giao chiến khi nguồn tiếp tế bị giảm sút"[19]. Mùa hè 1966, Hội nghị chuyên đề bí mật bao gồm một tập thể các nhà khoa học có danh tiếng của Mỹ họp dưới sự đỡ đầu của Chính phủ Mỹ để nghiên cứu toàn bộ kết quả cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam đã đi đến kết luận rằng: "Tính đến tháng 7 năm 1966, các hoạt động ném bom của Mỹ ở Bắc Việt Nam đã không có ảnh hưởng trực tiếp đáng kể nào đến khả năng của Hà Nội trong việc tiến hành và hỗ trợ các hoạt động quân sự ở Nam Việt Nam"[20]. Tình hình đó khiến cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mắc-na-ma-ra "phải suy nghĩ lại vai trò của toàn bộ chiến dịch oanh tạc trong cố gắng của Mỹ. Ông rất đau khổ biết rõ tình trạng bất lực của các lực lượng không quân trong việc ngăn chặn các hoạt động thâm nhập vào Nam và không thấy biểu hiện gì chứng tỏ oanh tạc có khả năng bẻ gãy ý chí của Hà Nội, làm cho dân chúng mất tinh thần hoặc ép Bắc Việt Nam phải tới bàn hội nghị"[21].
Những cố gắng chiến tranh của Mỹ trong mùa khô 1965-1966 không đạt được mục tiêu dự định là một bất ngờ lớn, một thất bại có ý nghĩa chiến lược của Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Thất bại đó khiến cho nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền Giôn-xơn từ hoài nghi đi tới chỗ nhận rõ: Sức mạnh quân sự Mỹ không thể nhanh chóng kết thúc chiến tranh, giành phần thắng cho Mỹ như dự tính ban đầu. Tình hình đó buộc Chính phủ Mỹ từ tháng 4 năm 1966 trở đi phải "triệu tập nhiều cuộc họp để xem xét khả năng lựa chọn ở Việt Nam"[22] như Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ xác định. Cuộc tranh luận diễn ra trong nội bộ chính quyền từ mùa hè năm 1966 chủ yếu xoay quanh chiến lược quân sự của Mỹ ở Việt Nam. Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ với Tư lệnh Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ tại miền Nam Oét-mo-len liên tục gây sức ép đòi Giôn‑xơn chấp thuận các đề nghị của họ nhằm đẩy mạnh hơn nữa cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam - bằng cách tăng quân vào miền Nam, đánh phá với cường độ cao toàn bộ mục tiêu ở miền Bắc, phong tỏa các cảng biển, cửa sông miền Bắc, và chuẩn bị phương án dùng bộ binh đánh ra Nam Quân khu 4... Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Gioóc-dơ Bon, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mác-nâu-tơn, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mắc-na-ma-ra không đồng ý quan điểm này bị phái quân sự phản đối gay gắt. Cuộc tranh luận đó đã biểu lộ sự rạn nứt của khối đoàn kết thống nhất trong nội bộ chính quyền Giôn-xơn - điều mà trước đó gần một năm chưa xuất hiện bởi tất cả các thành viên trong Chính phủ Mỹ lúc bấy giờ đều tin tưởng sâu sắc rằng sức mạnh quân sự Mỹ sẽ nhanh chóng đè bẹp đối phương.
Dù sự rạn nứt đó chưa đến mức gay gắt nhưng "từ nay trở đi, nhận định của giới quân sự Mỹ về việc nên tiến hành chiến tranh ra sao phải cần những gì" cho cuộc chiến này "đã thành vấn đề"[23].
Sau mùa khô 1965-1966, cả Quân giải phóng và đối phương đều đã tranh thủ mùa mưa để chuẩn bị bước vào cuộc đọ sức quyết liệt mới: mùa khô 1966-1967.
Phát huy thắng lợi vừa giành được, quân và dân miền Nam tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tiến công quân sự và chống phá bình định, củng cố và bổ sung thêm lực lượng, vũ khí, phương tiện chiến tranh, thành lập thêm một số đơn vị, bố trí lại thế trận trên một số địa bàn... Để căng kéo lực lượng cơ động chiến lược của Mỹ, hút đối phương ra những khu vực mà Quân giải phóng có điều kiện tiêu diệt, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Quân khu Trị - Thiên (tháng 4 năm 1966), mở Mặt trận đường 9 - Bắc Quảng Trị (tháng 6 năm 1966). Mặt trận mới mở này bao gồm ba huyện Do Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa; phía bắc giáp Vĩnh Linh, Quảng Bình, phía tây giáp Trung, Hạ Lào, phía đông giáp biển Đông và phía nam giáp Hải Lăng, sông Ba Lòng, thị xã Quảng Trị. Đối với Quân giải phóng, đường 9 - Bắc Quảng Trị là cửa ngõ tiến vào giải phóng miền Nam; còn với đối phương - là tuyến đầu ngăn chặn chủ lực miền Bắc. Tại mặt trận này, Bộ Chỉ huy Quân giải phóng bố trí hai sư đoàn bộ binh (324 và 325c) uy hiếp tuyến ngăn chặn địa bàn phía bắc của đối phương, buộc Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ (M.A.C.V) phải tăng quân ra Trị - Thiên; nâng tổng số quân Mỹ và quân đội Sài Gòn có mặt tại đây lên xấp xỉ 42.000 lính (có 16.750 lính Mỹ). Nhân lúc một bộ phận quan trọng lực lượng cơ động của đối phương bị hút ra Trị - Thiên, chủ lực và bộ đội địa phương  mở chiến dịch Bình Long (Nam Bộ), Bắc Phú Yên (Khu 5) Bắc Công Tum, Tây Gia Lai (Tây Nguyên)... khiến đối phương phải điều lực lượng chống đỡ.
Trên miền Bắc, đáp ứng yêu cầu tăng cường sức mạnh quốc phòng,  Hồ Chí Minh công bố lệnh Động viên cục bộ (tháng 7 năm 1966). Ngày 17 tháng 7 năm 1966, Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước nêu cao quyết tâm kháng chiến chống Mỹ xâm lược - trong đó xác định: cho dù "chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá. Song, nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập tự do! Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn"[24].
Về phía đối phương, tháng 10 năm 1966, Giôn-xơn triệu tập Hội nghị khối quân sự Đông Nam Á, gọi tắt là S.E.A.T.O[25] ở Ma-ni-la nhằm động viên các nước đồng minh châu Á tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào chiến tranh Việt Nam.
 Tháng 11 năm 1966, Bộ Quốc phòng Mỹ quyết định tăng thêm quân vào miền Nam; đạt tới mức 469.000 quân vào giữa năm 1968. Không quân Mỹ được lệnh tăng cường đánh phá vào một loạt các mục tiêu kinh tế, quân sự trên miền Bắc.
Mùa khô 1966-1967, Mỹ tung vào cuộc phản công chiến lược lần thứ hai một lực lượng lớn bao gồm 20 sư đoàn và 10 lữ đoàn chủ lực (có 7 sư đoàn và 4 lữ đoàn Mỹ), 4.000 chiếc máy bay, 2.500 xe tăng, xe bọc thép, 2.500 khẩu pháo, 500 tàu thuyền chiến đấu cùng hàng chục vạn tấn bom đạn, chất độc hóa học. Nếu tính cả số quân Mỹ trên Hạm đội 7, ở các căn cứ quân sự Mỹ tại Thái Lan, Nhật Bản, Phi-líp-pin, Gu-am tham gia chiến tranh Việt Nam, thì tổng cộng số quân tham chiến trong cuộc phản công lần này vượt xa số quân tham gia cuộc phản công lần thứ nhất; gần 1 triệu 20 vạn lính Mỹ, quân đội Sài Gòn và quân đồng minh[26]. Ngoài ra, Mỹ, quân đội Sài Gòn còn tung vào cuộc phản công hàng vạn tề điệp ác ôn, hàng trăm đội "cán bộ bình định".
Để chi phí cho một lực lượng tham chiến lớn như vậy, Giôn-xơn đã buộc phải tăng ngân sách quân sự tài khóa 1966-1967 lên tới mức cao. Ngân sách đó dự toán lúc đầu 48 tỉ đô la, sau tăng lên 68 tỉ đô la, trong đó 40%, tức xấp xỉ 28 tỉ đô la là dành cho cuộc chiến tranh Việt Nam.
Rút kinh nghiệm từ cuộc phản công lần trước, lần này, mặc dù lực lượng quân sự đã tăng thêm nhưng Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ (M.A.C.V) đã chủ trương chỉ tập trung quân đánh trên một hướng (miền Đông Nam Bộ) nhằm "tìm diệt" chủ lực Quân giải phóng và cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam. Bên cạnh gọng kìm "tìm diệt", Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ nhấn mạnh hơn trong việc tăng cường chương trình "bình định" so với đợt một, xem đó là gọng kìm quan trọng thứ hai trong mùa phản công chiến lược này. Toàn bộ chủ lực quân đội Sài Gòn được sử dụng vào nhiệm vụ "bình định" nhằm kiểm soát khu vực đồng bằng quan trọng, nới rộng vành đai an ninh quanh các đô thị lớn, từ đó tiến tới cô lập và tiêu diệt cơ sở cách mạng ở nông thôn đồng bằng và vùng ven đô thị. Trên các hướng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Trị - Thiên, Mỹ chủ trương kiềm chế hoạt động của Quân giải phóng, chú trọng phòng thủ khu vực Đường 9 - Quảng Trị. Hỗ trợ cho cuộc phản công chiến lược lần thứ hai này, Mỹ đẩy mạnh cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, gấp rút triển khai các hoạt động ngoại giao thăm dò thái độ của Hà Nội và để đối phó với dư luận trong nước cũng như trên thế giới.
Với nỗ lực quân sự lớn và bằng những thủ đoạn quân sự, chính trị, ngoại giao kết hợp trên đây, giới cầm quyền Oa-sinh-tơn hy vọng cuộc phản công chiến lược lần này sẽ giành thắng lợi, làm chuyển biến cục diện chiến trường vào giữa hoặc cuối năm 1967 có lợi cho Mỹ để bước vào năm 1968 - năm bầu cử tổng thống Mỹ.
Thực hiện ý đồ đó, về mặt quân sự, từ tháng 10 năm 1966 đến tháng 6 năm 1967, theo số liệu của đối phương[27], Mỹ, quân đội Sài Gòn và quân đồng minh đã mở 2.732 cuộc hành quân "tìm diệt" và càn quét từ cấp tiểu đoàn đến cấp quân đoàn, trong đó có 426 cuộc hành quân của quân Mỹ và quân đồng minh; chủ yếu làm nhiệm vụ "tìm diệt" chủ lực và cơ quan chỉ đạo cách mạng miền Nam. Nhằm mục tiêu đó, toàn bộ nỗ lực quân sự của lực lượng chiến đấu Mỹ hiện có trên chiến trường miền Nam chủ yếu dồn vào việc đánh phá các căn cứ của lực lượng cách mạng miền Nam ở phía Bắc và Đông Sài Gòn. Trên hướng này, Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ tập trung 7 sư đoàn, 5 lữ đoàn quân Mỹ, quân đội Sài Gòn và đồng minh, trong đó có những đơn vị thiện chiến của quân đội Mỹ như sư đoàn bộ binh số 1, sư đoàn bộ số 25; lữ đoàn dù 173, 199... Trong vòng 6 tháng (từ tháng 10 năm 1966 đến tháng 4 năm 1967), trên hướng này, đối phương liên tiếp mở 3 cuộc hành quân quy mô lớn nối tiếp nhau, đánh vào cụm căn cứ ở phía Bắc Sài Gòn.
Ngày 14 tháng 9 năm 1966, đối phương mở cuộc hành quân Át-tơn-bo-rơ (Atteleboro) với 30.000 quân Mỹ và quân đội Sài Gòn, nhằm đánh đòn bất ngờ vào khu căn cứ Dương Minh Châu, tiêu diệt chủ lực, phá căn cứ, kho tàng[28].
Phán đoán được ý đồ của đối phương, Trung ương Cục, Bộ Chỉ huy Miền quyết định sử dụng Sư đoàn 9, các đơn vị pháo cối, đặc công, bộ đội địa phương, dân quân du kích Dầu Tiếng, Tây Ninh và tự vệ cơ quan chủ động mở chiến dịch Tây Ninh nhằm đánh bại cuộc hành quân quy mô lớn của đối phương. Lực lượng Quân giải phóng được bố trí sẵn trên những khu vực dự kiến đối phương sẽ tiến công, hình thành thế trận liên hoàn hỗ trợ cho nhau giữa phía trước, phía sau, giữa các thứ quân: chủ lực, địa phương, dân quân du kích và tự vệ cơ quan... Dựa trên thế trận đó, lực lượng vùng căn cứ liên tục chặn đánh và tiến công vào đội hình hành quân của các đơn vị Mỹ, bẻ gẫy nhiều mũi tiến quân và gây cho Mỹ nhiều thiệt hại về sinh lực, phương tiện chiến tranh. Sau 72 ngày đêm đối phó với lực lượng vùng căn cứ trong một thế trận bất lợi cho Mỹ, ngày 24 tháng 11, Oét-mo-len phải chấm dứt cuộc hành quân, rút toàn bộ lực lượng còn lại ra khỏi khu vực căn cứ Dương Minh Châu trong khi các mục tiêu đề ra cho cuộc hành quân không thực hiện được.
Sau cuộc hành quân Át-tơn-bo-rơ, Bộ Chỉ huy quân Mỹ dồn sức củng cố lực lượng, ổn định tinh thần sĩ quan và binh lính Mỹ, mở tiếp cuộc hành quân Xi-đa-phôn (Cedarfall) - cuộc hành quân lớn cấp quân đoàn thứ hai đánh vào Bến Súc - Củ Chi - Bến Cát - khu vực bàn đạp của Quân giải phóng uy hiếp Sài Gòn từ phía Bắc. Đối phương sử dụng vào cuộc hành quân này các sư đoàn bộ binh số 1, số 25, lữ đoàn dù 173 và trung đoàn thiết giáp số 11 Mỹ, cùng một số chiến đoàn quân đội Sài Gònvà hàng trăm xe tăng, trọng pháo, hàng ngàn lượt chiếc máy bay ném bom, máy bay trực thăng vũ trang. Với quy mô như thế, Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ tin chắc sẽ "tìm diệt" được các đơn vị chủ lực Quân giải phóng, phá căn cứ du kích, chia cắt vùng giải phóng hai tỉnh Gia Định, Thủ Dầu Một, mở rộng khu vực vành đai phòng thủ phía Bắc Sài Gòn.
Thế nhưng, dựa vào hệ thống công sự, địa đạo được cấu trúc vững chắc, quân và dân Củ Chi, Bến Cát, Trảng Bàng đã bám trụ kiên cường, liên tục tổ chức các trận tập kích vào đội hình trú đóng ban đêm của quân Mỹ, quân đội Sài Gòn. Nhân lúc đối phương đang lo đối phó với lực lượng vũ trang tại chỗ thì chủ lực Quân giải phóng miền Nam phối hợp với lực lượng vũ trang tại chỗ của Quân khu Sài Gòn - Gia Định mở các cuộc phục kích, tập kích vào bên sườn, sau lưng các đơn vị quân Mỹ, gây nhiều thiệt hại về sinh mạng và phương tiện chiến tranh.
Sau gần một tháng đánh phá, chịu tổn thất hàng nghìn lính chiến đấu nhưng không tiêu diệt được lực lượng vũ trang ẩn sâu dưới hệ thống công sự, địa đạo, ngày 26 tháng 1 năm 1967, đối phương buộc phải chấm dứt cuộc hành quân, dồn 15.000 dân về thị xã Bình Dương. Trong khi đó, Thành ủy, Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Sài Gòn - Gia Định cùng Trung đoàn 16 chủ lực Miền vẫn tiếp tục trụ bám ở vùng "đất thép" Củ Chi ngay sát Sài Gòn - Gia Định. Đó là một thất bại nữa của đối phương trong cuộc phản công chiến lược lần thứ hai này. Nhưng không phải vì thế mà Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ đã chịu từ bỏ mục tiêu dùng lực lượng quân sự mạnh đánh vào căn cứ của Quân giải phóng nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não và chủ lực hòng thay đổi cục diện chiến trường, tạo ra bước ngoặt chiến tranh có lợi cho Mỹ trong năm 1967. Nhằm mục tiêu này, Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ huy động 45.000 quân, 1.200 xe tăng, xe bọc thép, hơn 250 khẩu trọng pháo, 17 phi đoàn máy bay mở cuộc hành quân Gian-xơn - Xi-ti (Junction City) - một cuộc hành quân lớn nhất trong toàn bộ cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở miền Nam - đánh vào căn cứ Dương Minh Châu.
Căn cứ Dương Minh Châu, trong bản đồ quân sự Mỹ, được gọi là chiến khu C. Đây là khu vực giữa vùng rừng núi rộng lớn, thưa dân thuộc tỉnh Tây Ninh. Hình thành trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, tiếp tục được củng cố trong kháng chiến chống Mỹ, căn cứ này là nơi tập trung cán bộ, nhân viên các cơ quan, nhà trường, xưởng máy, bệnh viện, kho tàng, đài phát thanh... thuộc Trung ương Cục, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Bộ Chỉ huy Miền. Hệ thống cơ quan, kho tàng, bệnh viện, trường học... được bố trí dọc theo triền suối cạn, ẩn dưới tán rừng, trong các công sự nửa chìm nửa nổi, nối liền với nhau bằng mạng giao thông hào liên hoàn, chằng chịt. Ngay từ giữa năm 1966, trên cơ sở phán đoán ý đồ của Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ trong cuộc phản công chiến lược lần thứ hai, Bộ Chỉ huy Miền đã triển khai kế hoạch củng cố và tổ chức phòng thủ căn cứ theo phương châm trụ bám đánh đối phương tại chỗ. Tiếp đó, sau cuộc hành quân Xi-đa-phôn, Trung ương Cục, Bộ Chỉ huy Miền khẩn trương tổ chức lực lượng nhân viên các cơ quan quân - dân - chính - Đảng thành những đơn vị du kích tự vệ, bộ đội địa phương. Lực lượng này có nhiệm vụ trụ bám địa bàn, đánh đối phương tại chỗ, tạo điều kiện cho chủ lực thực hiện các đòn đánh tiêu diệt quân Mỹ. Vùng căn cứ được chia thành 13 "huyện", mỗi "huyện" chia thành từng "ấp", từng "" chiến đấu có hệ thống công sự, trận địa, hầm hào vững chắc và liên hoàn hỗ trợ cho nhau.
Dựa trên thế trận chiến tranh nhân dân được tạo ra ở địa bàn hầu như không có dân, lực lượng tại chỗ đã trụ bám trận địa vật lộn với đối phương, tiến công rộng khắp bằng nhiều hình thức. Nhờ đó, các đơn vị chủ lực Miền "dĩ dật đãi lao", đón đánh vào chỗ sơ hở của đối phương, gây nhiều thiệt hại về sinh lực và phương tiện chiến tranh. Trước tình hình đó, ngày 15 tháng 5 năm 1967; Oét-mo-len buộc phải tuyên bố chấm dứt cuộc hành quân lớn nhất này.
Thế là sau hơn 50 ngày đêm dồn sức đánh vào vùng căn cứ rộng chừng 1.500km2, chịu tổn thất 14.000 quân, gần 1.000 xe quân sự các loại, 160 máy bay nhưng Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ lại một lần nữa không đạt được mục tiêu mong muốn! Thất bại có ý nghĩa chiến lược này đã làm tiêu tan niềm hy vọng vào các cuộc hành quân "tìm và diệt" ở cấp quân đoàn của Mỹ - các cuộc hành quân mà Nhà Trắng hy vọng có thể trở thành giải pháp để giải quyết vướng mắc về chiến tranh diện địa, qua đó mà giành thắng lợi về quân sự ở Việt Nam. Ở các chiến trường khác như đồng bằng sông Cửu Long, Khu 5, Tây Nguyên và Trị - Thiên, những cố gắng quân sự của Mỹ không hề có một chút thắng lợi nào đáng kể. Đó là tất cả những lý do vì sao Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ tại Sài Gòn buộc phải tuyên bố chấm dứt cuộc phản công chiến lược lần thứ hai - mùa khô 1966-1967, lui quân về chiếm đóng trên các địa bàn chiến lược, tập trung ở hai cực Sài Gòn - Gia Định và Trị - Thiên.
Cần phải nói thêm ở đây rằng: Trong hai cuộc phản công của Mỹ mà chúng tôi trình bày trên đây, mặc dù Mỹ đều thất bại, mặc dù cả hai cuộc phản công này phía Mỹ đều chủ trương thực hiện hai gọng kìm "tìm diệt" và "bình định"; nhưng, ý nghĩa và mức độ của hai gọng kìm này ở mỗi cuộc phản công có khác nhau - và chính điều khác biệt này, ngẫm cho kỹ, đã thể hiện sự chủ quan, sai lầm về chiến lược của Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ.
Nếu như ở cuộc phản công lần thứ nhất, Mỹ đặt mũi "tìm diệt" là chủ yếu, còn "bình định" chỉ là mũi thứ yếu - mà ở đó, quân đội Sài Gòn được phân công đảm nhiệm với tư cách là kẻ giữ nhà - thì, sang đến cuộc phản công lần thứ hai, do quan điểm quân sự máy móc của Mỹ lấy việc "đếm xác Việt cộng và quân Bắc Việt Nam" làm thước đo thắng lợi (!) Mỹ tin chắc rằng đã "tìm diệt" được một bộ phận quan trọng chủ lực Quân giải phóng, làm mất chỗ đứng chân của họ ở đồng bằng, nên đã chủ quan nâng gọng kìm "bình định" lên thành một gọng kìm ngang tầm, song song với gọng kìm "tìm diệt".
Theo kế hoạch, Mỹ và Sài Gòn dự định năm 1967 sẽ nỗ lực "bình định" 3.500 ấp trên toàn miền, tập trung vào các vùng "ưu tiên quốc gia"[29]. Mục tiêu chủ yếu của chương trình "bình định" là nhằm triệt phá phần lớn cơ sở cách mạng trong nông thôn miền Nam để tách lực lượng vũ trang khỏi sự đùm bọc, che chở của nhân dân. Đó là biện pháp mà R.Cô-mơ (Robet Komer) - đặc phái viên "bình định" của Giôn-xơn, quan niệm như "nhát dao đâm vào tim Việt Cộng". Để đạt mục tiêu trên, ngoài việc đào tạo gấp rút "cán bộ bình định"[30] tung xuống nông thôn, Mỹ và chính quyền Sài Gòn còn sử dụng hầu hết toàn bộ quân đội Sài Gòn kết hợp với lực lượng bảo an, dân vệ, cảnh sát... mở hàng ngàn cuộc hành quân càn quét, liên tục đánh phá, chà đi xát lại nhiều vùng nông thôn. Không quân và các trận địa pháo của Mỹ đã dội xuống vùng giải phóng, vùng tranh chấp một khối lượng bom đạn khổng lồ và chất độc khai quang để tàn sát dân thường, hủy hoại mùa màng, nhà cửa. Chính quyền Sài Gòn còn dùng những biện pháp bạo lực nhằm cưỡng bách người nông dân phải bỏ lại nhà cửa, ruộng vườn, vào sống trong các "ấp đời mới", "ấp tân sinh" mà thực chất cũng là biến tướng của mô hình "ấp chiến lược" thời Ngô Đình Diệm. Bên cạnh các biện pháp quân sự, từ năm 1967, Mỹ, chế độ Sài Gòn còn triển khai các chương trình kinh tế, chính trị, văn hóa... để hỗ trợ và thúc đẩy công cuộc "bình định" tiến triển...[31].
Những biện pháp trên đây của Mỹ, chế độ Sài Gòn đã làm cho cuộc đấu tranh chống phá "bình định" của quân và dân miền Nam gặp nhiều khó khăn. Trong cuộc đấu tranh đầy gian khổ và phức tạp đó, đã có một bộ phận nông dân, thậm chí cả một bộ phận cán bộ, đảng viên không chịu nổi thiếu thốn, hy sinh... đã bỏ vào vùng đối phương, ra đầu thú, đầu hàng[32]. Nhưng nhìn chung, quân và dân ở các vùng nông thôn đã kiên trì phương châm "3 bám" (bám đất, bám dân, bám đánh đối phương), đẩy mạnh "3 mũi giáp công" (tiến công đối phương về quân sự, chính trị, binh vận), chặn đánh quyết liệt các cuộc hành quân càn quét, hành quân "bình định" của Mỹ, chế độ Sài Gòn; trừng trị tề điệp nằm vùng, tay sai ác ôn và các đoàn "cán bộ xây dựng nông thôn"; phá rối và vô hiệu hóa chính quyền cơ sở của đối phương ở nhiều nơi; giữ vững và mở rộng vùng làm chủ, vùng giải phóng; xây dựng thành hệ thống làng xã chiến đấu liên hoàn, thành các "lõm chính trị", khu du kích, thành "Vành đai diệt Mỹ" để bao vây, áp sát các khu căn cứ quân sự Mỹ, các vùng ven đô thị, uy hiếp nhiều tuyến giao thông huyết mạch. Do những cố gắng trên đây, chỉ trong mùa khô 1966-1967, quân và dân miền Nam đã giành thêm 390 xã, ấp; nâng số xã, ấp được giải phóng lên 700 xã và 6.750 ấp. Trong khi đó, chính quyền Sài Gòn chỉ còn kiểm soát (ở các mức độ khác nhau) 5.400 ấp trong tổng số 16.293 ấp trên toàn miền. Theo đánh giá của phía chính quyền Sài Gòn, chương trình "bình định" năm 1967 chỉ đạt 13% so với kế hoạch ban đầu[33]. Thế nhưng, theo sự đánh giá Mai-cơn Mác-li-a, con số 13% trên đây vẫn là con số phóng đại quá mức. Bởi vì, ngay tại những vùng mà chính quyền Sài Gòn thông báo đã hoàn toàn kiểm soát thì "tình hình an ninh vẫn bị đe dọa. Bởi lẽ, làm sao phân biệt được Việt cộng với người Việt Nam khác đi trên đường làng, làm sao bảo đảm hạt giống đậu tương và máy khâu cấp phát đến tay dân"[34]. Vả chăng, ngay tại vùng do Mỹ, chế độ Sài Gòn kiểm soát hay tại những vùng tranh chấp, bom đạn và lối sống Mỹ đang hàng ngày, hàng giờ phá vỡ cuộc sống và lối sống vốn đã bình ổn từ nhiều năm của mọi gia đình Việt Nam, gây ra bao đau thương, tang tóc, chia lìa cho mọi người dân thì cho dù Mỹ có cố gắng bao nhiêu hoặc dùng thủ đoạn và biện pháp nào đi nữa, thì từ trong bản chất và trên những hành động thực tế, Mỹ đã không thể tạo được không khí yên "bình" để mà ổn "định" lòng dân ở một phương trời xa lạ! Nhiều tác giả Mỹ lúc bấy giờ và ngay cả sau này cũng đã từng thừa nhận thực tế đó trong cố gắng "bình định" của Mỹ[35].
Trong những điều kiện đó, phong trào đấu tranh chính trị tại những vùng do Mỹ, chế độ Sài Gòn kiểm soát ngày càng phát triển. Năm 1967, tuy không bùng nổ thành cao trào nhưng phong trào đã đi dần vào chiều sâu, gắn chặt với mục tiêu chung của cả dân tộc là chống Mỹ và tập đoàn Thiệu - Kỳ. Mùa khô 1966-1967, hơn một triệu đồng bào các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long biểu tình chống đối phương càn quét, bắn pháo, rải chất độc phá hoại ruộng vườn, triệt phá mùa màng, bắt lính, dồn dân, hỗ trợ cho phong trào chiến tranh du kích phát triển. Trong các thành phố lớn Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, những tháng đầu và các tháng 7, 8, 9 - 1967, học sinh, sinh viên, tăng ni, phật tử, công chức, nhà buôn và các tầng lớp xã hội khác đã tổ chức một số cuộc biểu tình, hội thảo với nội dung đòi Mỹ phải rút quân về nước, đòi phải giữ truyền thống văn hóa dân tộc, chống lại sự du nhập lối sống Mỹ; đòi Thiệu - Kỳ phải từ chức, đòi chấm dứt chiến tranh, vãn hồi hòa bình. Trong các cuộc đấu tranh đó, hơn một trăm nhà sư đã tuyên bố sẽ tự thiêu trên đường phố để phản đối Mỹ, chế độ Sài Gòn... Những cuộc đấu tranh chính trị của nhân dân miền Nam nói trên đã góp phần làm cho tình hình chính trị, xã hội của chế độ Sài Gòn thêm rối ren, hậu phương chiến tranh của Mỹ, chế độ Sài Gòn càng thêm mất ổn định. Ngay cả hàng triệu nông dân miền Nam chạy vào các đô thị để tránh sự tàn phá của bom đạn, chất độc hóa học của Mỹ thì cũng không phải là họ "rút lui khỏi chính trị" mà thực chất, như nhận thức của các chuyên gia Mỹ, đấy chính là biểu hiện sự "lãnh đạm có phần thân Việt cộng" của số người đông đảo này![36].
Gọng kìm "bình định" của Mỹ, chế độ Sài Gòn còn thất bại ở chỗ: khi đưa quân chiến đấu vào Nam Việt Nam, Mỹ hy vọng có thể giúp cho chính quyền và quân đội Sài Gòn đủ sức tự đứng vững để thực hiện mục tiêu chính trị của chiến lược "chiến tranh cục bộ", cũng đã không thực hiện được - ngược lại, quân đội và chính quyền đó ngày càng phụ thuộc nặng nề vào sự có mặt của quân đội Mỹ, cơ sở xã hội của chính quyền Sài Gòn ở cả thành thị và nông thôn ngày càng bị thu hẹp dần. Đúng như bản Tổng kết chiến tranh Việt Nam của Bộ Quốc phòng Mỹ sau này ghi nhận: "Những người lãnh đạo Chính phủ Nam Việt Nam (trừ Diệm) đã không thể tránh khỏi nhãn hiệu là "tay sai" trước hết là của Pháp và sau đó là của Mỹ. Do đó, họ bị quần chúng coi là xa lạ. Sự cầm quyền của họ chỉ là nhờ sự ủng hộ của Mỹ"[37]. Tình trạng đó khiến nhiều quan chức cao cấp trong chính phủ Mỹ ngay từ năm 1967, cũng đã trở nên ngao ngán: "Sự thật không đáng phấn khởi chút nào... Vì, cũng như những năm 1961, 1963, 1965 đến năm 1967, Mỹ đã không tìm ra được một "công thức" hoặc "chất xúc tác" nào để rèn luyện họ"[38].
Trên thực tế, chiến lược "chiến tranh cục bộ" của Mỹ không chỉ dừng lại ở hai gọng kìm "tìm diệt" và "bình định" ở miền Nam mà thôi, mà hai gọng kìm đó, muốn thắng lợi, cần phải ngăn chặn bằng được sự chi viện của miền Bắc. Vì thế, càng thất bại ở miền Nam, Mỹ càng leo thang đánh phá miền Bắc dữ dội hơn. Đây là một điều tưởng như lôgíc nhưng lại chứa đầy mâu thuẫn trong chiến lược Mỹ. Bởi vì, khi mà Mỹ hao tổn sức người, sức của vào việc đánh phá miền Bắc hòng uy hiếp ý chí của miền Bắc trong việc chi viện cho miền Nam thì cũng chính là lúc Mỹ đã rơi vào một canh bạc vô vọng: Leo thang đã khó - mà leo thang đến đâu thì Mỹ chưa thể lường trước được bởi vì đây không chỉ ở chỗ tiềm lực quân sự Mỹ là có hạn mà còn là ở chỗ đụng tới miền Bắc - một quốc gia có chủ quyền - là Mỹ phải tính toán tới phản ứng của Liên Xô, Trung Quốc và toàn phe xã hội chủ nghĩa lúc ấy. Nhưng không leo thang thì vô hình trung Mỹ đã tự thừa nhận thất bại của chiến lược "chiến tranh cục bộ". Cho nên, sự "leo thang" của Mỹ, suy cho kỹ, lại là sự thử thách ý chí xâm lược của chính Mỹ, là con bài chót là Mỹ phải "chơi" trong "canh bạc Việt Nam".
Chính vì lẽ đó mà bước vào năm 1967, không quân Mỹ tập trung oanh tạc dữ dội sáu hệ thống mục tiêu trên miền Bắc là: điện lực, công nghiệp, giao thông, kho dự trữ nhiên liệu, sân bay và các trận địa phòng không, các cơ sở quân sự. Tháng 2 năm 1967, Giôn-xơn chuẩn y đề nghị của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, cho phép mở rộng phạm vi đánh phá trong khu vực Hà Nội, Hải Phòng, tiến hành rải mìn trên các luồng sông, cửa biển, dùng hải quân khống chế gắt gao khu vực ven biển từ vĩ tuyến 17 đến vĩ tuyến 20. Máy bay ném bom B.52 và pháo binh từ bờ Nam sông Bến Hải đã đánh phá dữ dội khu vực Hồ Xá, Vĩnh Linh. Theo tính toán của một số tác giả Mỹ, đến cuối năm 1967, Mỹ đã ném xuống miền Bắc Việt Nam 1.630.000 tấn bom[39]; nhiều hơn khối lượng bom đạn Mỹ ném xuống châu Âu trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, gấp hai lần số bom ném xuống Triều Tiên, gấp ba lần số bom ném xuống chiến trường Thái Bình Dương trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai. "Cái thác bom dội xuống Việt Nam đạt tới mức cứ mỗi dặm vuông hứng chịu tới 12 tấn ở cả miền Bắc và miền Nam, và khoảng 100 pao (50kg) chất nổ chia cho mỗi đầu người dân Việt; kể cả đàn bà và trẻ con, mà rất nhiều người trong số họ không nặng tới trọng lượng đó; kể cả máu, thịt và xương"[40]. Bom đạn Mỹ đã gây cho miền Bắc những tổn thất nặng nề. Cơ quan phân tích của Cục tình báo trung ương Mỹ ước tính, chiến dịch "Sấm rền" của không quân Mỹ đã sát hại 13.000 người miền Bắc trong năm 1965, 24.000 người trong năm 1966 và khoảng 29.000 người trong năm 1967; phần lớn là dân thường (80%)[41]. Số liệu thống kê của Cục Tác chiến BTTM Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, trong 4 năm (1964-1968), 14.000 quân nhân và 60.000 dân thường miền Bắc đã bị bom đạn Mỹ giết hại[42]. Ngoài tổn thất về sinh mạng, miền Bắc còn bị thiệt hại nặng nề về vật chất, của cải. Hầu hết hệ thống giao thông, cầu đường, nhà ga, kho tàng, bệnh viện và nhiều cơ sở kinh tế, nhiều công trình công cộng... đều bị trúng bom Mỹ. 25 trong số 30 thị xã trên toàn miền Bắc bị tàn phá.
Dưới bom đạn đánh phá ngày đêm vô cùng ác liệt của máy bay, tàu chiến Mỹ, miền Bắc vẫn không nao núng ý chí, quyết tâm, vừa kiên cường đánh trả không quân, hải quân đối phương, vừa duy trì sản xuất và tăng sức chi viện cho chiến trường. Lực lượng phòng không ba thứ quân miền Bắc, bằng cách đánh mưu trí, sáng tạo, kết hợp chặt chẽ giữa tác chiến bảo vệ khu vực trọng điểm và tác chiến cơ động, vừa thực hành chiến thuật "chốt" bảo vệ trực tiếp từng mục tiêu, vừa "cơ động phục kích", hiệp đồng chặt chẽ giữa tên lửa với cao xạ, giữa hỏa lực phòng không mặt đất với không quân chiến đấu, giữa phòng không chủ lực với lực lượng phòng không của các địa phương... đã giáng trả mạnh mẽ các bước leo thang của không quân Mỹ, bắn rơi, bắn cháy 1.067 máy bay trong năm 1967. Vùng bờ biển, lực lượng pháo binh 3 thứ quân cũng lập thành tích bắn trúng, bắn cháy 69 tàu chiến đối phương ngoài khơi. Trên mặt trận giao thông vận tải, mặc dù đối phương đánh phá, phong tỏa, ngăn chặn gắt gao bằng nhiều thủ đoạn, khiến cho vận tải đường sắt, đường biển bị sút giảm nhưng bù lại, lực lượng vận tải đường bộ, đường sông không ngừng phát triển về số lượng, cải tiến về phương thức, nâng mức vận chuyển hàng hóa trong năm 1967 lên gấp 6 lần so với năm 1965, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của nhiệm vụ vận tải chi viện chiến trường.
Trên mặt trận sản xuất, khắc phục sự đánh phá ác liệt của máy bay, tàu chiến Mỹ, ra sức tận dụng những điều kiện hiện có, nhân dân miền Bắc kiên cường bám ruộng đồng, nhà máy, công sở, trường học, duy trì sản xuất, ổn định đời sống, phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế, làm cho miền Bắc thực sự là một hậu phương vững bền, ổn định ngay cả trong khói lửa chiến tranh. Hai năm 1966, 1967, hậu phương đó đã đưa vào chiến trường 149.037 quân, đã động viên hơn 360.000 thanh niên nam, nữ vào quân đội, thanh niên xung phong, đáp ứng đòi hỏi ngày càng tăng của cuộc chiến tranh trên cả hai miền đất nước[43].
Như vậy, đến năm 1967, cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân, hải quân Mỹ đã không diễn ra xuôi xẻ theo tính toán ban đầu trước "canh bạc Việt Nam" của giới lãnh đạo Mỹ. Ngược lại, cuộc chiến tranh đó - cũng như cuộc chiến tranh trên bộ ở miền Nam - đã gây ra cho chính Mỹ nhiều vấn đề nan giải; đặt Mỹ đứng trước tình thế bế tắc mà hậu quả của nó là đã buộc Mỹ phải chịu những phí tổn nặng nề về tiền bạc và sinh mạng người Mỹ.
Về kinh tế: Trong những năm chiến tranh đặc biệt, Mỹ chỉ trích một khoản tiền không lớn lắm, (năm cao nhất cũng chỉ gần 1.500 triệu đô la trong khi ngân sách quốc phòng hàng năm của Mỹ lên tới sáu hoặc bảy chục tỉ đô la) để chi phí cho huấn luyện, trang bị, nuôi dưỡng quân đội Sài Gòn và đội ngũ cố vấn Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Thế nhưng, những năm chiến tranh cục bộ, chi phí cho chiến tranh Việt Nam tăng vọt, từ 4,7 tỉ đô la (tài khóa 1965-1966) tăng lên 24 tỉ đô la (tài khóa 1966-1967) và hơn 30 tỉ đô la (tài khóa 1967-1968). Chi phí chiến tranh thì ngày càng cao vọt nhưng chính quyền Mỹ không thể tính đến việc bù đắp ngân sách bằng biện pháp tăng thuế trong khi đang muốn bưng bít lừa dối dư luận và Quốc hội Mỹ về cuộc dính líu ngày càng bị sa lầy sâu ở Việt Nam[44]. Chỉ nhìn vào những con số chi trong các tài khóa trên đây, cũng dễ dàng hình dung cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam đã "ngoạm vào" ngân sách của chính phủ liên bang đến mức độ nào. Một thống kê đáng tin cậy từ phía Mỹ cho hay: nếu trong những năm từ 1964 trở về trước, ngân sách Chính phủ liên bang đạt số dư trung bình là 3,6 tỉ đô la hàng năm, thì đến năm 1966 ngân sách bỗng thiếu hụt 6,2 tỉ đô la và năm 1967 thiếu hụt 10,7 tỉ đô la. Sang năm 1967, ngân sách của Chính phủ Hoa Kỳ thâm thủng tới 25,3 tỉ đô la![45]. Hệ quả tất yếu của tình trạng thiếu hụt ngân sách này là nạn lạm phát tăng nhanh, trở thành "gánh nặng" tai ác nhất trong tất cả gánh nặng của nước Mỹ thời kỳ này[46]; khiến cho nền kinh tế Mỹ, vào năm 1968, bắt đầu suy thoái[47]. Trong năm này, giá cả các mặt hàng tăng vọt 4%, sản xuất có biểu hiện ngừng trệ, đời sống nhân dân Mỹ gặp khó khăn, 3,8 triệu lao động Mỹ thất nghiệp hoàn toàn. "Cuộc chiến tranh chống nghèo đói" mà Giôn‑xơn hứa với cử tri Mỹ đã trở thành "cuộc chiến tranh gây nghèo đói". Và, những mục tiêu của chương trình "Xã hội vĩ đại" mà Giôn-xơn hứa hẹn trong cuộc tranh cử vào Nhà Trắng năm 1964 đã bị "bắn gục trên chiến trường Việt Nam"[48].
Về xã hội: Suy thoái kinh tế, một loạt các vấn đề xã hội trong nước (nạn phân biệt chủng tộc, nạn thất nghiệp, nạn nghèo đói, bệnh tật, thất học trong một bộ phận nhân dân lao động Mỹ...) bị phó mặc cho ngẫu nhiên định đoạt do việc chính phủ liên bang ngày càng dồn tâm trí và tiền của vào cuộc chiến tranh Việt Nam và cuối cùng, số lính Mỹ bị chết trên chiến trường Việt Nam ngày càng nhiều đã làm cho bầu không khí xã hội Mỹ trở nên u ám, nặng nề, khiến cho một bộ phận công chúng Mỹ từ chỗ ủng hộ đã chuyển sang phản đối chính sách chiến tranh Việt Nam của chính quyền Giôn‑xơn. Sau này, khi xem xét kỹ dư luận công chúng Mỹ, Bộ Quốc phòng Mỹ nhận thấy "sự ủng hộ chiến tranh Việt Nam giảm dần, đặc biệt sau khi xuất hiện sự trì trệ trong nền kinh tế Mỹ cuối năm 1965, đầu năm 1966"[49]. Vào lúc đó, ở nhiều thành phố lớn của Mỹ, phong trào phản đối chiến tranh, phản đối chính quyền ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là học sinh, sinh viên, người Mỹ da đen mà cuộc sống thường ngày đã bị chiến tranh Việt Nam làm cho gián đoạn, khốn đốn. Từ chỗ ban đầu chỉ là cuộc biểu tình tuần hành, hội thảo, đốt thẻ quân dịch, bỏ ra nước ngoài..., bước sang năm 1967, phong trào phản đối chiến tranh đã biến thành các cuộc bạo động quyết liệt ở nhiều thành phố Mỹ như Niu Giếc-xây, Đi-troa, Mi-si-gân... Trong khi đó, các phương tiện truyền thông Mỹ - bộ lọc giúp công chúng Mỹ nhận thấy và hiểu rõ cuộc chiến tranh đẫm máu ở bên kia đại dương - đã và đang chuyển động theo hướng thay đổi lập trường đối với chiến tranh. Nếu như, vào những ngày đầu Mỹ leo thang chiến tranh, báo chí Mỹ đã ủng hộ đường lối của chính quyền thì giờ đây, nhiều tờ báo có thế lực và các hãng truyền hình khổng lồ ở Mỹ đã chuyển sang nghi ngờ, bi quan và đặt lại vấn đề về cuộc chiến tranh mà Mỹ đang tiến hành ở Việt Nam. Ngay như tờ Thời báo Niu-oóc (The New York times) - một tờ báo lớn ở Mỹ từng kiên trì ủng hộ một cách mạnh mẽ và đầy sức thuyết phục cho cố gắng chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam thì giờ đây cũng thay đổi lập trường. Sự "trở cờ" của tờ báo lớn này ở trong lòng nước Mỹ đã là một đòn nặng giáng vào chính phủ"[50] và là bằng chứng đau lòng về sự rạn nứt, khủng hoảng lòng tin của nhân dân và chính giới Mỹ. Thế nhưng, tất cả sự phản đối chiến tranh diễn ra trên đường phố, trong các khu đại học và trên mặt báo cũng như trong các chương trình phát sóng của các hãng truyền hình Mỹ... không còn là làn sóng dư luận đơn thuần nữa - mà đến đây, "làn sóng" này đã đủ sức làm thay đổi lập trường của nhiều nghị sĩ Quốc hội Mỹ - nơi mà các "Ông Nghị" đông đảo đại diện cho các khối cử tri của từng bang trong "Hợp chủng quốc Hoa Kỳ" đều đã cảm thấy chiến tranh Việt Nam đã "gõ cửa từng gia đình" của chính họ. Vì thế, ngày càng nhiều nghị sĩ phản đối chính sách chiến tranh cũng như cách thức tiến hành chiến tranh của cơ quan hành pháp Mỹ. Họ đòi hỏi phải giảm bớt cam kết, hạ thấp các mục tiêu của Mỹ ở Việt Nam, tìm một giải pháp nhằm sớm đưa nước Mỹ thoát khỏi cuộc chiến tranh mà trước đó, trong Nghị quyết "Vịnh Bắc Bộ", chính các "Ông Nghị" này đã long trọng tuyên bố: tán thành và ủng hộ quyết tâm của Tổng thống, với tư cách là Tổng tư lệnh, để có những biện pháp cần thiết nhằm đẩy lùi bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào chống lại các lực lượng của Mỹ[51]. Xu hướng thay đổi đó trong lập trường Quốc hội Mỹ đã và đang trở thành áp lực chính trị ngày càng tăng đối với chính quyền Mỹ và đối với cá nhân Tổng thống Mỹ Giôn‑xơn.
Đứng trước thái độ của dư luận và sức ép từ phía Quốc hội, nội bộ Chính phủ Mỹ càng thêm phân hóa. Một cuộc thăm dò dư luận cho thấy, sự tín nhiệm của nhân dân Mỹ với chính phủ Giôn-xơn từ cuối năm 1966 trở đi đã sa sút nghiêm trọng. Người ta thấy đây là một chính phủ đang phải tự vật lộn với mình vì một số nhà vạch kế hoạch ở cấp cao đã thay đổi quan điểm trước sức ép của một cuộc chiến tranh kéo dài. Đại loại, sự thay đổi quan điểm ở đây có thể chia thành ba loại khác nhau: Một là phe Mắc-na-ma-ra mà người ta vẫn quen gọi là "Nhóm Bồ câu bị vỡ mộng" đang muốn tìm cách giới hạn để sau đó làm giảm bớt quy mô của cuộc chiến tranh; hai là phe quân sự - "Nhóm Diều hâu" - đứng đầu là các tham mưu trưởng liên quân Mỹ và Tư lệnh Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ tại miền Nam - Tướng Oét-mo-len được xem như phái hiếu chiến nhất lúc ấy, luôn gây sức ép thúc giục chính phủ phải mở rộng chiến tranh; ba là phái "Trung dung", tiêu biểu là Tổng thống Mỹ Giôn-xơn cùng một số quan chức dân sự cấp cao trong chính phủ và Bộ ngoại giao Mỹ. Sở dĩ gọi họ là phái "Trung dung" vì họ đang đứng ở thế chênh vênh trên bờ vực phân ranh giới giữa nhóm "Bồ câu" và nhóm "Diều hâu", cốt "dĩ hòa vi quý" hòng chờ đợi một cuộc bầu cử cho thuận chèo mát mái. Vào tháng 3 năm 1967, khi cuộc phản công chiến lược mùa khô 1966-1967 trên chiến trường Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị đánh bại hoàn toàn, Oét-mo-len - Tư lệnh chiến trường Mỹ tại miền Nam - được Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ hậu thuẫn mạnh mẽ, đã đề nghị Oa‑sinh-tơn tăng thêm lực lượng chiến đấu vào miền Nam. Tháng 4 năm 1967, ông được gọi về Oa-sinh-tơn để tường trình các "luận chứng" mà ông ta yêu cầu. Trong cuộc gặp Tổng thống Giôn-xơn tại Nhà Trắng, viên tư lệnh chiến trường này đã đề nghị xin tăng quân Mỹ vào miền Nam Việt Nam theo hai mức. Mức một, gồm 100.000 quân là lực lượng tối thiểu mà theo ông, để kiềm chế áp lực đang gia tăng của quân đội Bắc Việt Nam ở khu vực khu phi quân sự gây nên và để duy trì "thế chủ động chiến thuật" của Mỹ trên chiến trường. Mức hai, gồm 201.250 quân để đưa tổng số quân Mỹ chiến đấu ở miền Nam Việt Nam lên tới 671.616 người vào giữa năm 1968, nhằm tiêu diệt hoặc làm tê liệt quân chủ lực của đối phương nhanh hơn và tước bỏ những khu "đất thánh" an toàn đã được Việt cộng thiết lập từ lâu ở Nam Việt Nam. Khi Giôn-xơn lo lắng hỏi thời hạn dự định kết thúc cuộc chiến tranh sẽ là bao lâu nếu như vị tổng thống này chấp nhận mức một hoặc mức hai, Oét-mo-len thưa rằng: nếu tăng quân ở mức tối đa chiến tranh có khả năng còn tiếp diễn trong 2 năm; tăng ở mức tối thiểu - sẽ là 3 năm. Còn nếu yêu cầu tăng quân không được chấp thuận thì - theo biên bản cuộc họp mà tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ dẫn, Oét-mo-len cho rằng: Ông "sẽ không biết xoay xở ra sao khi phải chống lại số quân tăng viện mà quân đối phương có thể cung cấp được"[52]. Trong khi đó, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ lại yêu cầu mở rộng chiến tranh mặt đất sang Lào, Campuchia và phần đất phía Nam của Bắc Việt Nam; leo thang đánh phá toàn bộ hệ thống mục tiêu - kể cả đê điều của miền Bắc Việt Nam; phong tỏa chặt cảng biển Hải Phòng; tăng thuế gọi quân trù bị Mỹ để bù đắp vào số quân thiếu hụt ở các căn cứ quân sự Mỹ trên khắp thế giới do phải dồn cho chiến trường Việt Nam. Nhưng, nếu chấp nhận những yêu cầu này, số phận chính trị của bản thân Tổng thống Mỹ Giôn-xơn sẽ không còn hy vọng gì trong cuộc bầu cử sắp tới. Vì thế, khi toàn bộ các đề nghị trên đây vừa được tiết lộ thì sự bất đồng quan điểm một cách gay gắt giữa phái quân sự và phái dân sự trong chính phủ Giôn-xơn nổi lên ngay lập tức, đến nỗi các tham mưu trưởng liên quân Mỹ tuyên bố họ sẽ công khai từ chức nếu các đề nghị nói trên của họ bị bác bỏ.
Ngay sau cuộc họp giữa Giôn-xơn và Oét-mo-len, ngày 24 tháng 4 năm 1967, quyền Ngoại trưởng Mỹ Ni-cô-lai Ka‑zen‑bách (Nicolas Kazenbach) đã ra lệnh tiến hành một cuộc kiểm điểm liên bộ - Ngoại giao, Quốc phòng, Cục tình báo trung ương CIA, Tài chính... - về hai phương án lựa chọn lớn trong đường lối chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam:
Phương án một: Cung cấp cho Oét-mo-len thêm 200.000 quân, tăng cường các hoạt động quân sự trên mặt đất ra ngoài lãnh thổ Nam Việt Nam, tăng cường cuộc chiến tranh trên không và trên biển đối với miền Bắc Việt Nam.
Phương án hai: Giới hạn tăng quân ở mức có thể cung cấp mà không động viên quân dự bị, xét việc ngừng ném bom các vùng ở phía bắc vĩ tuyến 20 hoặc "nếu muốn tạo một cơ hội có giải pháp thật hấp dẫn (tức Hà Nội chấp thuận ngồi vào bàn thương lượng để Mỹ rút lui khỏi Việt Nam trong danh dự - H.K) thì ngừng ném bom toàn bộ Bắc Việt Nam"[53].
Trong sự lựa chọn này, phái quân sự kiên quyết giữ vững lập trường theo phương án một, phái dân sự phản đối gay gắt, đòi thực hiện phương án hai.
- Tại Bộ Ngoại giao Mỹ, trong bị vong lục gửi Quyền Ngoại trưởng N. Ka-zen-bách ngày 1 tháng 5 năm 1967. Uy-li-am Bân-đi (William Putnam Bundy) - Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương - chống lại việc mở rộng các hoạt động mặt đất ra miền Bắc Việt Nam, kịch liệt phản đối đưa một sư đoàn quân đội Sài Gòn vượt biên giới sang Lào, không đồng ý phong tỏa cảng Hải Phòng vì sợ Liên Xô và Trung Quốc sẽ phản ứng mạnh.
- Ở Lầu Năm Góc, sự phản ứng lại xuất phát từ một hướng khác. Cục phân tích các hệ thống của Bộ Quốc phòng Mỹ đã đưa ra một loạt các văn kiện nhằm bác bỏ lập luận của Oét-mo-len khi ông này cho rằng: Tổn thất của Việt cộng và quân Bắc Việt Nam sẽ tăng lên tương ứng với số quân Mỹ được đưa thêm vào Nam Việt Nam. Theo các văn kiện mà Cục phân tích hệ thống Bộ Quốc phòng Mỹ công bố trong tháng 4 và tháng 5 năm 1967 thì, khi phân tích một loạt các trận đánh ở miền Nam Việt Nam, có 46% số trận do đối phương chủ động phục kích quân Mỹ, 88% số trận do đối phương chủ động khởi chiến, 63% số mục tiêu mà quân Mỹ gặp phải là những tay súng của đối phương "ẩn sâu trong hầm hào hoặc địa đạo" khiến cho quân Mỹ khó có thể tiêu diệt được. Ngoài ra, thông qua việc phân tích các trận giao tranh, cơ quan này còn đưa ra các tỉ lệ xác suất như sau: trong 56 trận, có 84% số trận do đối phương sẵn sàng và dừng lại chiến đấu trong một kiểu trận địa chiến, 78% trường hợp do đối phương chủ động phục kích hoặc hoàn toàn nắm lợi thế về yếu tố bất ngờ. Vì thế, theo cơ quan này, trái với lập luận của Oét-mo-len, sự tăng thêm quân Mỹ vào Nam Việt Nam không thể làm tăng thêm tổn thất tương ứng cho Việt cộng và quân Bắc Việt Nam.
 Trong khi đó cũng vào đầu tháng 5 năm 1967, Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) công bố 3 văn kiện tiếp sức thêm cho những người chống đối việc mở rộng chiến tranh không quân chống miền Bắc Việt Nam. Theo đó, "27 tháng Mỹ ném bom đã ít có tác dụng rõ rệt đến chiến lược chung của Hà Nội trong việc tiến hành chiến tranh, ít tác động tới quan điểm đầy tin tưởng của họ về thương lượng". Trong văn kiện công bố ngày 12 tháng 5 năm 1967, CIA cho rằng: "Thái độ của Bắc Việt Nam sau những cuộc ném bom kéo dài là một thái độ kiên quyết đi đôi với sức chịu đựng to lớn vẫn còn chưa bộc lộ hết"[54].
Được hỗ trợ bởi kết luận rút ra từ những con số thống kê đó của các cơ quan phân tích trên đây, Mác Nót-tơn (Mc.Naughton) - trợ lý Bộ trưởng Qquốc phòng, nhân vật có thế lực lớn hàng thứ ba trong Lầu Năm Góc - đã cùng với Mắc-na-ma-ra phản đối gay gắt đề nghị của phái quân sự. Trước sự phản đối này, dư luận Mỹ ngày đó hóm hỉnh - nhưng không hề đùa bỡn - bình luận rằng: Mác Nót-tơn vốn là cha của đứa con trai 18 tuổi sắp bước vào trường đại học, nên ông đặc biệt nhạy cảm với tình trạng bất mãn, chống đối chính quyền, phản đối chiến tranh đang tăng nhanh trong thanh niên, sinh viên và các tầng lớp xã hội khác ở Mỹ. Trong một bị vong lục gửi Mắc-na-ma-ra, ông viết: "Một cảm giác mà nhiều người cảm thấy và cảm thấy mạnh mẽ là chính quyền này mất trí, (...) là Mỹ đang cố gắng áp đặt một số hình ảnh của mình lên những dân tộc xa xôi mà Mỹ không thể hiểu cũng như không thể hiểu được thế hệ trẻ hiện nay ở nước Mỹ. Và chúng ta đang đưa sự việc đến mức độ phi lý. Liên quan tới cảm giác này là tình trạng phân cực ngày một tăng đang xảy ra trên nước Mỹ với những mầm mống của sự chia rẽ tệ hại nhất trong nhân dân Mỹ kể từ hơn một thế kỷ nay". Vì vậy, giờ đây, ông cho rằng: "Triết lý của cuộc chiến tranh Việt Nam phải được đưa ra tranh luận cho ra lẽ để ai nấy khỏi theo đuổi những tiền đề của riêng mình và để khỏi đưa nước Mỹ ngày càng chìm sâu thêm nữa"[55] vào Việt Nam. Thực ra, đây không chỉ là ý kiến cá nhân của Mác Nót-tơn - dù cho ông là nhân vật thứ ba của Lầu Năm Góc - mà đó còn là sự trùng hợp với quan điểm của nhân vật số một ở Lầu Năm Góc là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mắc-na-ma-ra. Trong bị vong lục ngày 19 tháng 5 năm 1967 gửi Giôn-xơn, Mắc-na-ma-ra đã đưa ra những lập luận chống chiến lược mở rộng chiến tranh. Thậm chí, theo nhận định của Mắc-na-ma-ra, nước Mỹ đã đi vào con đường bế tắc, không thể có một giải pháp nào hấp dẫn khả thi được. Bởi vì, dù cho Mỹ có tiếp tục chính sách ôn hòa hiện nay, cố tránh một cuộc chiến tranh mở rộng cũng sẽ không thể làm thay đổi được tư tưởng của Hà Nội; ngược lại, nếu Mỹ tăng mức quân số và những hành động chống phá miền Bắc tất yếu sẽ dẫn tới khả năng làm cho Mỹ mắc kẹt sâu hơn ở Đông Nam Á và lao vào một cuộc chiến tranh với Trung Quốc và Nga. Vì vậy, Mỹ buộc phải lựa chọn một trong số "những giải pháp không hoàn hảo"[56]. Cụ thể là ông đưa ra kiến nghị: "Chính phủ Mỹ cần khuyến khích chính quyền Sài Gòn tiếp xúc với những phần tử không Cộng sản thuộc Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, sẵn sàng chấp thuận việc thành lập một chính phủ "có đủ màu sắc" ở miền Nam Việt Nam"[57].
Xem ra, ý kiến trên đây của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ còn lúng túng hơn cả Mác Nót-tơn: "Xuống thang" thì không thỏa mãn Hà Nội; "Leo thang" thì sợ đụng đầu với Liên Xô và Trung Quốc. Còn như trông mong ở chính quyền Sài Gòn để tìm những phần tử không Cộng sản - thuộc Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam để bấu víu vào thì khác gì đi tìm mặt trăng lúc chính ngọ!
Trước những quan điểm trái ngược và lúng túng của đội ngũ cố vấn cấp cao trong chính phủ lúc đó, Tổng thống Mỹ đành phải chọn con đường mà các tài liệu gọi là tiếp tục "Leo thang từng bước" hay là đường lối "O ép từ từ"[58]. Cái đường lối "trung dung" của Giôn-xơn là như vậy đó: "Leo thang" hay "o ép" là chữ dùng để thỏa mãn phái "Diều hâu"; còn như "từng bước" và "từ từ" là chữ dùng để an ủi phái "Bồ câu" vậy!
Thế là, mùa thu năm 1967, Giôn-xơn phải thực thi những hành động cũng thật "trung dung" nửa vời hòng dung hòa cả hai phái bằng cách quyết định tăng thêm 55.000 quân sang miền Nam Việt Nam (thay vì 200.000 quân như Oét-mo-len đề nghị), chấp thuận yêu cầu của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ oanh tạc thêm 57 mục tiêu ở miền Bắc Việt Nam (chứ không phong tỏa cảng Hải Phòng như Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ yêu cầu). Tuy nhiên, việc động viên lực lượng trù bị như đề nghị của giới quân sự Mỹ vẫn được Giôn-xơn xem như một hàng rào chính trị mà ông không muốn vượt qua.
Tất cả những diễn biến trên đây đã biểu hiện chính giới Mỹ đang ngập ngừng đứng trước ngã ba đường trong việc tìm kiếm chiến lược mới của Mỹ tại chiến trường Việt Nam.
Như vậy, trải qua hai năm tiến hành chiến tranh cục bộ, mặc dù đã áp dụng nhiều thủ đoạn và biện pháp về quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao và đã chịu nhiều tổn thất to lớn về người và của nhưng phía Mỹ vẫn luôn luôn ở thế bị động về chiến lược và chiến thuật. Tất cả các mâu thuẫn của việc Mỹ đưa quân vào miền Nam[59] không những không khắc phục được mà ngày càng trở nên sâu sắc hơn. Kế hoạch chiến lược dự định giành thắng lợi quyết định, hoàn tất các mục tiêu chiến lược, rút quân Mỹ về nước vào giữa hoặc cùng lắm cuối năm 1967 mà Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ ở miền Nam vạch ra và đã được Oa-sinh-tơn chấp nhận từ ngày đầu chiến tranh cục bộ, đã bị phá vỡ[60]. Thực tế đó được chính Oét-mo-len - Tư lệnh Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam - thừa nhận trong cuộc gặp Tổng thống Mỹ Giôn-xơn tại thủ đô Oa-sinh-tơn tháng 4 năm 1967. Theo Oét-mo-len, "trừ phi ý chí chiến đấu của đối phương (tức nhân dân Việt Nam) bị đập tan hoặc tổ chức cơ sở của Việt cộng bị phá vỡ, còn không, cuộc chiến tranh có thể còn phải tiếp diễn trong vòng năm hoặc sáu năm nữa"[61]. Đến giữa năm 1967, chiến lược "chiến tranh cục bộ" của Mỹ đã bị chặn đứng lại. Chẳng những thế, việc thất bại này đã làm cho quân Mỹ bị chủ lực Quân giải phóng miền Nam kéo vào "trò chơi đuổi bắt" và thực tế, lực lượng của Mỹ và đồng minh bị căng mỏng trên các chiến trường, bị vây hãm trong thế trận chiến tranh nhân dân Việt Nam. Đồng thời, việc ném bom nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đường mòn Hồ Chí Minh một cách ào ạt và liên tục cũng đã tự nó nói lên rằng: Tác động của chiến tranh không quân cuối cùng cũng mỏng manh như biện pháp "tìm diệt" và "bình định" trong việc xác định kết quả của cuộc chiến tranh hạn chế. Việc đó chẳng những không giải quyết được thế tiến thoái lưỡng nan của Mỹ trong chiến lược chiến tranh hạn chế - một loại chiến tranh mà Mỹ đã không thể giữ thế trá hình, giấu mặt, buộc phải nhảy ra và dấn sâu vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam cách xa Mỹ nửa vòng trái đất; mà thất bại đó cùng với những tổn phí nặng nề về đô la và sinh mạng lính Mỹ còn đặt Mỹ đứng trước những khó khăn rất lớn về chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội - không chỉ ở miền Nam Việt Nam mà cả trong lòng nước Mỹ. Tình hình này ngày càng trở nên nóng bỏng trong lúc nước Mỹ đang tiến dần tới năm vận động tranh cử tổng thống nhiệm kỳ mới 1968 - 1972. Đây là thời điểm rất nhạy cảm trong đời sống chính trị, xã hội nước Mỹ. Vì thế, mặc dù muốn nghiêng về giới quân sự hiếu chiến để tăng thêm hàng chục vạn quân Mỹ vào miền Nam, đẩy mạnh hơn nữa chiến tranh phá hoại miền Bắc... nhưng Tổng thống Mỹ Giôn-xơn vẫn buộc phải thận trọng trong việc tính toán, chọn lựa bước đi của Mỹ ở Việt Nam sao cho vừa tránh được sự đảo lộn bất ngờ nào trên chiến trường, vừa xoa dịu được dư luận trong nước, ổn định được nội bộ để có thể bước vào năm vận động tranh cử một cách "xuôi chèo, mát mái"; giành thắng lợi thêm một nhiệm kỳ mới để tiếp tục nỗ lực quân sự ở Việt Nam...
Về phía Việt Nam, qua hai năm đương đầu với chiến tranh cục bộ, quân và dân miền Nam vẫn giữ vững và phát huy mạnh mẽ thế tiến công, đánh bại các cố gắng chiến tranh của đối phương, làm phá sản một bước quan trọng kế hoạch chiến lược, giữ vững quyền chủ động chiến trường, mở rộng vùng giải phóng và vùng làm chủ ở khu vực rừng núi, nông thôn đồng bằng và xung quanh các đô thị, các căn cứ, các tuyến giao thông huyết mạch của Mỹ, chế độ Sài Gòn. Lực lượng quân sự và lực lượng chính trị của Quân giải phóng đến năm 1967 đã phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Trên chiến trường miền Nam, chỉ riêng bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương đã tăng từ 115.500 (năm 1964) lên 176.600 (1966) và 277.000 (1967). Ngoài ra, khắp mọi địa phương miền Nam, lực lượng dân quân du kích cũng có bước phát triển. Tất cả các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích được bố trí tương đối hợp lý trên các địa bàn chiến lược và đã vận dụng các phương thức tác chiến một cách linh hoạt, tiêu diệt được nhiều sinh lực đối phương, nhất là đã đánh vào một số thành thị, vào hàng loạt căn cứ, sân bay, kho tàng và đường giao thông chiến lược Mỹ và quân đội Sài Gòn. Trong khi đó, lực lượng chính trị và các hình thức đấu tranh chính trị trong những vùng bị Mỹ và chế độ Sài Gòn kiểm soát, nhất là ở các đô thị cũng được chú trọng phát triển.
Trên miền Bắc, mặc dù chiến tranh phá hoại của không quân, hải quân Mỹ ngày càng mở rộng cả về quy mô, cường độ và gây ra những tổn thất nặng nề về người và của, nhưng trong khói lửa chiến tranh, miền Bắc vẫn là một hậu phương ổn định và bền vững. Tính ổn định và bền vững đó của hậu phương chiến tranh là một trong những nhân tố vô cùng quan trọng để miền Bắc cùng một lúc vừa sản xuất, vừa chiến đấu đánh bại các bước leo thang của không quân, hải quân Mỹ, vừa đáp ứng mạnh mẽ và liên tục mọi yêu cầu ngày càng tăng của chiến trường.
Trên thế giới, sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam ngày càng được dư luận thế giới và chính phủ nhiều nước đồng tình ủng hộ, giúp đỡ.
Tất cả các nhân tố khách quan trên đây đã được Bộ Chính trị Trung ương Đảng LĐVN và Quân ủy Trung ương theo dõi chặt chẽ, kịp thời đánh giá để đi tới nhận định: một thỜi cơ mỚi đang xuất hiện cho phép có thể và cần phải tìm phương cách khai thác triệt để nhằm tạo thế xoay chuyển cục diện chiến tranh. Vấn đề đặt ra ở đây là: tuy Mỹ bị sa lầy và rất lúng túng trong ý đồ chiến lược bởi thấy sức mạnh quân sự của Mỹ không thể giành thắng lợi trên chiến trường Việt Nam, song Mỹ vẫn chưa sẵn sàng xuống thang chiến tranh, vẫn muốn dùng sức mạnh quân sự để ép đối phương ngồi vào bàn đàm phán theo điều kiện của Mỹ. Trong khi đó, mặc dù đã giành được thắng lợi, làm thất bại các mục tiêu chiến lược của Mỹ qua hai mùa phản công nhưng phía Việt Nam cũng chưa đủ lực để mong đánh bật được 50 vạn quân chiến đấu Mỹ và quân đồng minh ra khỏi miền Nam. Muốn chớp thời cơ có lợi để tạo nên bước ngoặt quyết định của cuộc chiến tranh - trong điều kiện so sánh lực lượng quân sự trên chiến trường vẫn nghiêng về phía đối phương, cần phải giải quyết một loạt vấn đề thuộc về nghệ thuật chỉ đạo chiến lược, nhằm tác động nhanh, mạnh và kịp thời tới ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ phải chịu thua về quân sự, phải xuống thang chiến tranh...
Đây là lúc mà VNDCCH có thể thực hiện ý đồ đề ra từ tháng 1 năm 1967 là "cần phải tích cực, khẩn trương, kiên quyết và linh hoạt, cố gắng đến cao độ để thực hiện chủ trương giành thắng lợi quyết định trong thời gian tương đối ngắn, đồng thời tạo nên những điều kiện và cơ sở vững chắc để đánh thắng đối phương trong tình huống chiến tranh kéo dài"[62].


Download toàn văn bài viết tại: Trang Web NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ



 [1] Tuyên bố của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ Về các mục tiêu và đường lối hành động của Mỹ ở Đông Nam Á đầu năm 1952. Dẫn theo Tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ về chiến tranh xâm lược Việt Nam. Việt Nam thông tấn xã dịch và phát hành 8.1971, T1, tr.39. Những chỗ in nghiêng là do chúng tôi (H.K).
[2] Tuyên bố của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ Về các mục tiêu và đường lối hành động của Mỹ ở Đông Nam Á đầu năm 1952. Dẫn theo Tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ về chiến tranh xâm lược Việt Nam. Việt Nam thông tấn xã dịch và phát hành 8.1971, T1, tr.39. Những chỗ in nghiêng là do chúng tôi (H.K).
[3] Kết luận của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ tháng 8.1954. Dẫn theo Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ. Tlđd, T1, tr.27.
[4] 4 năm (1955-1958), cả miền Nam tổn thất 9/10 số cán bộ, đảng viên. Ở Nam Bộ, khoảng 7 vạn cán bộ, đảng viên bị đối phương giết; gần 90 vạn cán bộ, đảng viên bị bắt, bị tù đày; gần 20 vạn bị tra tấn thành tàn tật, chỉ còn 5.000 đảng viên so với 60.000 đảng viên trước đó. Ở Khu 5 (lúc bấy giờ còn gồm cả Trị - Thiên và cực Nam Trung Bộ), khoảng 40% tỉnh ủy viên, 60% huyện ủy viên, 70% chi bộ viên xã bị bắt, bị giết. Riêng Trị - Thiên chỉ còn 160 trong tổng số 23.400 cán bộ, đảng viên trước đó. Dẫn theo Ban chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia, H, 1996, tr.321.
[5] Tạp chí Blater (Tây Đức). 4.1963. Dẫn theo Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam; Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, H, Nxb Sự thật, 1991, T1, tr.65.
[6] Ví như Mỹ từng bước đưa các đơn vị chiến đấu Mỹ cỡ lữ doàn vào tham chiến ở miền Nam, sử dụng không quân, hải quân Mỹ đánh phá miền Bắc trên quy mô ngày càng mở rộng...
[7] Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ. T1. Tlđd, tr.137.
[8] Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần từ 12 (khóa III), tháng 12 năm 1965.
[9] Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần từ 12 (khóa III), tháng 12 năm 1965.
[10] Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần từ 12 (khóa III), tháng 12 năm 1965.
[11] Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 12 (khóa III), tháng 12 năm 1965.
[12] Theo báo cáo về cuộc chiến tranh Việt Nam của Gr.Sap và Oét‑mo-len - Bộ Quốc phòng Mỹ xuất bản năm 1969, tính đến 1.1966, các đơn vị Mỹ có mặt ở miền Nam Việt Nam gồm: Sư đoàn lính thủy đánh bộ số 1, sư đoàn lính thủy đánh bộ số 3, sư đoàn kỵ binh bay số 1, sư đoàn bộ binh số 1, lữ đoàn 1 sư đoàn 101, lữ đoàn 2 sư đoàn 25, lữ đoàn dù 173.
[13] Theo sách Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), T1, Nxb Sự thật, H, 1990, kết quả mùa khô 1965-1966, quân và dân miền Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu 68.000 lính, trong đó có 3,5 vạn lính Mỹ, tiêu diệt và đánh thiệt hại 9 tiểu đoàn Mỹ, 7 tiểu đoàn quân đội Sài Gòn, bắn rơi, phá hủy 940 máy bay, bắn cháy, phá hỏng 6.000 xe quân sự.
[14] Dẫn theo: Cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới của đế quốc Mỹ ở Việt Nam, Sđd, tr.131, 132.
[15] Tóm tắt Tổng kết chiến tranh Việt Nam của Bộ Quốc phòng Mỹ. Tlđd.
[16] Đến hết tháng 4 năm 1966, số máy bay Mỹ bị bắn rơi trên vùng trời miền Bắc là 1.005. Con số này đạt tới 1.620 chiếc vào tháng 12 năm 1966.
[17] Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ. Tlđd, T2, tr.140, 141.
[18] Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ. Tlđd, T2, tr.140, 141.
[19] Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ. Tlđd, T2, tr.141
[20] Tài Liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết tham dự hội nghị này là "các nhà khoa học xuất sắc nhất của Mỹ, những người đã giúp chính phủ sản xuất nhiều hệ thống vũ khí hiện đại nhất - kể từ khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc".
[21] Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ. Tlđd, T2, tr.149.
[22] Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ. Tlđd, T2, tr.154.
[23] Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ, T2, Tlđd, tr.182, 183.
[24] Hồ Chí Minh, Toàn tập, T12, Nxb Chính trị quốc gia, H, 1996, tr.31-32.
[25] Được Mỹ thành lập vào tháng 9 năm 1954, bao gồm các nước Mỹ, Anh, Pháp, Ốt-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Pa-kit-xtan, Phi-líp-pin, Thái Lan. Trong Hiệp ước của khối này, Đông Dương được xem là "Khu vực bảo hộ" của khối(!).
[26] Trong khi đó, đối phương ước đoán lực lượng vũ trang Quân giải phóng ở miền Nam có 7 sư đoàn, 33 trung đoàn, 147 tiểu đoàn, tổng cộng 280.000 quân. Dẫn theo: Cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới của đế quốc Mỹ ở Việt nam, Sđd, tr.134.
[27] Dẫn theo: Cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới của đế quốc Mỹ ở Việt Nam, Sđd, tr.147.
[28] Lực lượng quân Mỹ tham gia cuộc hành quân gồm lữ đoàn bộ binh nhẹ 196, 5 lữ đoàn bộ binh thuộc các sư đoàn 1, 4, 25, lữ đoàn dù 173 và trung đoàn thiết giáp 11.
[29] Đó là các địa phương xung quanh Sài Gòn - Gia Định, các tỉnh Long Khánh, Phước Tuy, Bình Dương, Long An, Tây Ninh, Bình Long, Vĩnh Long, Phong Dinh, Chương Thiện, Ba Xuyên, Kiến Phong, Trị -Thiên, Bình Định, Tuy Hòa, Lâm Đồng, Plây Cu, Công Tum.
[30] Chương trình huấn luyện "Cán bộ bình định" (hoặc còn gọi là "cán bộ phát triển cách mạng") do Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) đảm nhiệm về kinh phí và huấn luyện. Chương trình này đã đào tạo, huấn luyện được gần 20.000 người trong năm 1966, 40.000 người trong năm 1967 và 60.000 người trong năm 1968. Sau khi ra trường, toàn bộ số này được chia thành các đoàn, mỗi đoàn 59 người; được tung về các vùng nông thôn làm các công việc như phòng thủ, trị an (30 người), giáo dục, y tế, văn hóa... (29 người). Tuy nhiên, chương trình này vấp phải một loạt khó khăn. Một trong những khó khăn đó là việc tuyển mộ những người xuất thân nông dân đã không đạt được con số như ý muốn của những người phụ trách chương trình. Theo Mai-cơn Mác-li-a, tác giả cuốn Việt Nam - cuộc chiến tranh mười nghìn ngày thì, sở dĩ có tình trạng này là bởi "Việt cộng đã thu hút họ - những thanh niên nông thôn, vào tổ chức", chỉ còn "một lũ thanh niên thành thị khoác áo bà ba đen gửi đến bảo vệ xóm ấp để chống Việt cộng" (Tạp chí Lịch sử quân sự, số 9.1988).
[31] Tháng 3 năm 1967, Giôn-xơn triệu tập hội nghị Gu-am, nhằm soát xét toàn bộ chương trình "bình định" được triển khai trong năm 1966 và bàn biện pháp thực hiện trong năm 1967. Tại cuộc họp này, Giôn-xơn chính thức thông báo quyết định cử R.Cô-mơ sang làm phó đại sứ ở miền Nam Việt Nam, đặc trách công tác "bình định" cho Oét-mo-len, Tư lệnh Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ tại miền Nam (M.A.C.V). "Cô-mơ có trong tay 1,7 tỉ đô la viện trợ kinh tế có thể sử dụng được... Ông ta đã có hàng ngàn tấn lúa giống thần nông đủ loại, hàng ngàn tấn đỗ tương, phân bón, hàng ngàn thùng dầu ăn, hàng tấn thuốc chữa bệnh, với những bãi đất khổng lồ chất đầy xi măng và tôn, nhiều kho đồ sộ chứa đủ loại từ bàn chải răng đến máy khoan, máy khâu, máy hàn kiểu mới nhất... Tất cả đã sẵn sàng để lôi kéo 18 triệu quả tim và khối óc của nhân dân miền Nam". (Theo Mai-cơn Mác-li-a: Cuộc chiến tranh ở nông thôn - Tạp chí Lịch sử quân sự số 9.1988).
[32] Theo hồi ký của Giôn-xơn, "số Việt cộng về chiêu hồi năm 1965 là 16.000, năm 1966 là 22.000, năm 1967 là 27.000. Đầu năm 1967 bắt được tài liệu mật của Việt cộng nói họ mất khoảng 1 triệu dân chỉ trong nửa cuối năm 1966". Theo Giới thiệu hồi ký của Giôn-xơn của Bộ ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
[33] Trong báo cáo gửi lên Giôn-xơn đầu năm 1967 sau chuyến đi miền Nam Việt Nam trở về, Mắc-na-ma-ra nhận định: "Công tác bình định có lẽ đã thụt lùi. So với 2 hoặc 4 năm trước đây, các lực lượng địa phương thoát ly của đối phương và các lực lượng du kích nửa thoát ly đã lớn mạnh hơn. Các trận đánh, khủng bố và phá hoại đã tăng cả về cường độ lẫn quy mô. Nhiều đường xe lửa bị đóng và đường bộ bị cắt đứt. Thóc lúa mà người ta chờ đợi đem bán ở ngoài chợ đã không được nhiều. Hạ tầng cơ sở chính trị của Việt cộng lan ra hầu hết đất nước, tiếp tục tạo cho kẻ đối phương lợi thế tình báo to lớn. Không ở đâu có an ninh hoàn toàn, ngay cả sau phòng tuyến của lính thủy đánh bộ Mỹ và Sài Gòn. Tại nông thôn, hầu như đối phương kiểm soát hoàn toàn về ban đêm". (Theo Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ, T2, Tlđd, tr.201).
[34] Mai-cơn Mác-li-a: Cuộc chiến tranh ở nông thôn - Tạp chí Lịch sử quân sự, 9.1988.
[35] "Công việc bình định lao đao y như một người bà con họ hàng nghèo vậy" (...). Trên thực tế, "Mỹ không thể phá được quân Việt cộng khởi nghĩa,... không thể nào đối phó được tốt với cả một đất nước thù đối phương với mình". Theo Cincinatus: Tự hoại - sự tan rã và suy sụp của quân đội Mỹ trong kỷ nguyên Việt Nam. Trung tâm thông tin - khoa học quân sự Bộ Tổng tham mưu dịch.
[36] Theo G. Côn-cô: Giải phẫu một cuộc chiến tranh, Sđd, T1, tr.248.
[37] Tóm tắt Tổng kết chiến tranh Việt Nam của Bộ Quốc phòng Mỹ, Tlđd, tr.13.
[38] Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ, T2, Tlđd, tr.180.
[39] Theo Đôn O-bớc-đoi-phơ, TẾT, Sđd, tr.55.
[40] Theo Đôn O-bớc-đoi-phơ, TẾT, Sđd, tr.55.
[41] Theo Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ, T2, Tlđd, tr.185.
[42] Tập thống kê số liệu về Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
[43] Số liệu dẫn theo Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Sđd, T1, tr.276.
[44] Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ, T2, Tlđd, tr.107.
[45] Dẫn theo R. Stê-ven: Hy vọng hão huyền, thực tế phũ phàng - những hậu quả kinh tế của chiến tranh Việt Nam. Viện TTKHXH-UBKHXH Việt Nam dịch, H, 1978.
[46] Phát biểu của Tổng thống Mỹ Giôn-xơn tại cuộc họp báo ở Oa‑sinh-tơn tháng 11 năm 1966, dẫn theo Văn Tập: Chiến tranh Việt Nam và kinh tế Mỹ. Nxb Khoa học xã hội, H, 1973.
[47] Phát biểu của Tổng thống Mỹ Giôn-xơn tại cuộc họp báo ở Oa‑sinh-tơn tháng 11 năm 1966, dẫn theo Văn Tập: Chiến tranh Việt Nam và kinh tế Mỹ. Nxb Khoa học xã hội, H, 1973.
[48] Phát biểu của lãnh tụ người Mỹ da đen Mác-tin Lu-thơ-king, ngày 25 tháng 2 năm 1967. Dẫn theo A.Am-tơ: Lời phán quyết về Việt Nam. Nxb Quân đội nhân dân, H, 1985, tr.196.
[49] Tóm tắt Tổng kết chiến tranh Việt Nam của Bộ Quốc phòng Mỹ. Tlđd, tr.40.
[50] Đôn O-bớc-đoi-phơ: TẾT, Sđd, tr.47
[51] Nghị quyết "Vịnh Bắc Bộ" của Quốc hội Mỹ. Dẫn theo A.Am-tơ: Lời phán quyết về Việt Nam, Sđd, tr.95.
[52] Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ. T2, Tlđd, tr,189.
[53] Theo Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ. T2, Tlđd, tr.191.
[54] Theo Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ, T2, Tlđd, tr.194.
[55] Theo Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ, T2, Tlđd, tr.194.
[56] . Dẫn theo Hồi ký của Lin-đơn Giôn-xơn. Việt Nam Thông tấn xã dịch và phát hành, H, 1972, tr.262
[57] . Dẫn theo Hồi ký của Lin-đơn Giôn-xơn. Việt Nam Thông tấn xã dịch và phát hành, H, 1972, tr.262
[58] Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ, T2, Tlđd, tr.178.
[59] Ví như mâu thuẫn giữa việc đưa quân Mỹ vào trực tiếp tiến hành chiến tranh với yêu cầu phải giấu mặt, trá hình của chính sách xâm lược thực dân kiểu mới; giữa đế quốc Mỹ với dân tộc Việt Nam; giữa quân Mỹ với quân đội Sài Gòn; giữa phân tán và tập trung binh lực; giữa chiếm đóng và cơ động; giữa "bình định" và "tìm diệt"; giữa yêu cầu đánh nhanh, thắng nhanh và buộc phải đánh kéo dài...
[60] Ngay từ tháng 10 năm 1966, Mắc-na-ma-ra đã nói với Giôn-xơn: Mỹ "đã dự đoán sai là chiến tranh có thể kết thúc một cách thỏa đáng trong vòng hai năm". Dẫn theo: Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ, T2, Tlđd, tr.207
[61] Dẫn theo: Tàil iệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ, T2, Tlđd, tr.207.
[62] Chỉ thị ngày 21.1.1967 của Thường trực Quân ủy Trung ương gửi Trung ương Cục, Quân ủy Miền, Khu ủy Khu 5, Khu ủy Trị - Thiên. Dẫn trong Điện chỉ đạo cuộc Tổng tiến công chiến lược năm 1968, tài liệu lưu trữ tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!