Thứ Hai, 27 tháng 1, 2014

VẬN ĐỘNG, ĐẤU TRANH NGOẠI GIAO VÀ ĐÒN TIẾN CÔNG CHIẾN LƯỢC MẬU THÂN 1968

PGS,TS. Hồ Khang
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy "Tết Mậu thân" 1968 của quân và dân Việt Nam, không chỉ sau này mà ngay từ ngày đó - khi chiến sự đang diễn ra ở khắp các đô thị trên toàn miền Nam, đã đưa lại những hậu quả và hệ lụy nặng nề cho phía Mỹ. Nó giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của Mỹ sau bao năm theo đuổi chiến tranh Việt Nam, buộc Mỹ phải đơn phương "xuống thang", thay đổi chiến lược, rút dần quân Mỹ về nước... Để đi đến thắng lợi Tết Mậu thân 1968, cũng như phát huy thắng lợi ấy trong tiến trình cuộc kháng chiến, đặc biệt là đối với việc kéo Mỹ vào thế “đánh – đàm” có sự góp mặt tích cực của cuộc vận động, đấu tranh ngoại giao trước và sau sự kiện Tết 1968.

I. Chủ động mở ra cục diện “đánh – đàm” và ý đồ tiến công chiến lược năm 1968
Đến cuối năm 1966, mặc dù đã thực hiện thí điểm những chiến lược chiến tranh mới với phương tiện kỹ thuật hiện đại, song Mỹ vẫn không giành được những chiến thắng quân sự mang tính quyết định buộc Việt Nam ngồi vào bàn đàm phán. Để  đẩy sức ép dư luận sang phía Việt Nam,  Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc vận động ngoại giao[1], gọi là để giải quyết vấn đề Việt Nam, song lại đòi Việt Nam thương lượng không điều kiện với tính toán rằng, nếu bị khước từ Mỹ sẽ lấy đó làm cớ tiến hành leo thang chiến tranh.
Về phía Việt Nam, thắng lợi của hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965 - 1966 và 1966 - 1967 đã làm thất bại một bước quan trọng chương trình “bình định” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Đây là  “thắng lợi có tầm quan trọng rất lớn về chính trị và quân sự, về chiến lược và chiến thuật. Đó là thắng lợi đối với hiệp đầu của chiến lược chiến tranh cục bộ”[2]. Những thắng lợi này đã khiến đế quốc Mỹ “bị một đòn phủ đầu choáng váng hết sức bất ngờ”[3], đẩy Mỹ vào thế bị động. Trên thế giới, “Mỹ bị cô lập chưa từng thấy, cả những đồng minh gần gũi của Mỹ cũng không ủng hộ chính sách chiến tranh xâm lược Việt Nam”[4]. Trên cơ sở phân tích tình hình mọi mặt có liên quan và theo dõi sát diễn biến thực tế chiến trường, t cuối năm 1966, đầu năm 1967, Bộ Chính trị Trung ương Đảng LĐVN đã nhận định rằng, đến thời điểm này, những thắng lợi của quân và dân Việt Nam ở trên cả hai miền đất nước đã tạo ra những khả năng mới để đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới và nhân dân tiến bộ Mỹ, cô lập hơn nữa đế quốc Mỹ. Đó là cơ sở để Bộ Chính trị Trung ương Đảng LĐVN đi tới chủ trương mở ra cục diện mới vừa đánh vừa đàm, vừa đàm vừa đánh – một sách lược quan trọng hỗ trợ trực tiếp, đắc lực, hiệu quả cho các mặt đấu tranh quân sự, chính trị. Chủ trương này được thể hiện tập trung, rõ nét trong Hội nghị Trung ương lần thứ 13 (1-1967) – Hội nghị bàn về đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao, chủ động tiến công địch.
Hội nghị Trung ương 13 nhận định năm 1967-1968, đặc biệt là năm 1967, cuộc chiến đấu với đối phương sẽ diễn ra rất gay go, quyết liệt. Âm mưu của địch là cố gắng thắng lợi quân sự, tạo thế mạnh làm hậu thuẫn cho một giải pháp chính trị để kết thúc chiến tranh có lợi nhất; đồng thời, chuẩn bị điều kiện để khi cần - tức là khi chưa đạt được giải pháp chính trị có lợi, thì kéo dài chiến tranh. Quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng LĐVN là động viên lực lượng cả nước đập tan âm mưu của địch, giành thắng lợi quyết định trong một thời gian tương đối ngắn, tích cực chuẩn bị sẵn sàng đánh địch trong trường hợp chiến tranh kéo dài và mở rộng ra cả nước. Để thực hiện quyết tâm chiến lược đó, thì ngoài việc ra sức đẩy mạnh đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam, cần tiến công địch về ngoại giao, phối hợp với hai mặt đấu tranh đó để giành thắng lợi to lớn hơn nữa: “Đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam là nhân tố chủ yếu quyết định thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao”[5]. Trên nguyên tắc: “Để đánh bại kẻ thù hết sức ngoan cố và xảo quyệt là đế quốc Mỹ xâm lược, ta phải giữ vững quyết tâm cao độ, nắm vững phương châm chiến lược; đồng thời, phải biết cách đánh thắng địch, vận dụng sách lược khôn khéo, giành thắng lợi từng bước”[6], Hội nghị chủ trương “đi đôi với đấu tranh quân sự và chính trị ở miền Nam, ta cần tiến công địch về mặt ngoại giao, phối hợp với hai mặt đấu tranh đó để giành thắng lợi to lớn hơn nữa”[7]. Trên quan điểm “chúng ta chỉ có thể giành được trên bàn hội nghị những cái mà chúng ta đã giành được trên chiến trường”[8], Hội nghị Trung ương 13 đã chính thức đưa ngoại giao lên thành một mặt trận trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tinh thần cơ bản nhất của Hội nghị kiên định đường lối độc lập, tự chủ và chủ động tiến công đối phương về ngoại giao.
Như đã nói ở trên, có một thực tế là để che dấu các âm mưu chiến tranh và bộ mặt hiếu chiến, chính quyền L.Johnson thường xuyên sử dụng các cuộc vận động ngoại giao, lôi kéo nhiều nước làm trung gian, chuyển yêu cầu, thông điệp đàm phán, thương lượng đến Việt Nam. Khi chiến tranh mở rộng, Việt Nam bị kẹt vào một thế khó bởi những bất đồng quan điểm trên nhiều vấn đề lớn có liên quan đến cách mạng Việt Nam giữa Liên Xô và Trung Quốc – hai đồng minh lớn, quan trọng, là những nước viện trợ trực tiếp và nhiều nhất cho Việt Nam[9]. Trước tình hình đó, Hội nghị Trung ương 13 lưu ý hai vấn đề khi thực hiện sách lược “đánh – đàm”: Các nước anh em hoặc nghi ngờ Việt Nam thương lượng non, hoặc thúc ép đàm phán sớm; các nước trung gian cũng sẽ có những phản ứng khác nhau. Từ những phân tích nêu trên, Đảng LĐVN chỉ rõ phải có kế hoạch vận động, giải thích, thuyết phục các nước anh em, tránh không để đối phương lợi dụng bất đồng về sách lược giữa Việt Nam với bạn bè, đồng minh; đối với các nước khác, “cần tranh thủ sự ủng hộ của họ; đồng thời, ngăn chặn ý đồ của họ muốn làm trung gian, gây thêm tình hình phức tạp”[10]. Như vậy, cuộc vận động, đấu tranh ngoại giao ở thời điểm đó có hai mục tiêu: 1). Đấu tranh ngoại giao phối hợp với quân sự, chính trị, chủ động tiến công địch, giành thắng lợi; 2). Vận động các nước anh em, các lực lượng dân chủ, hòa bình thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam.
Thực hiện mục tiêu “chọn đúng thời cơ để mở đòn tiến công ngoại giao, kéo Mỹ vào bàn đàm phán”, nếu như từ năm 1966 trở về trước, Bộ Ngoại giao Việt Nam DCCH thường xuyên tuyên bố đòi Mỹ phải rút hết quân ra khỏi miền Nam và chấm dứt hoàn toàn mọi hành động chống phá miền Bắc Việt Nam, thì tại Hội nghị Trung ương 13, Đảng LĐVN hé mở khả năng sẽ đi vào đàm phán nếu Mỹ chấm dứt ném bom không điều kiện miền Bắc, không gắn với việc đòi Mỹ rút quân khỏi miền Bắc như trước. Ngay trong tháng 1-1967, Bộ Ngoại giao Việt Nam DCCH ra tuyên bố, một mặt, khẳng định lập trường trước sau như một của nhân dân Việt Nam kiên quyết chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do; mặt khác, chỉ ra khả năng đàm phán nếu phía Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chống phá Việt Nam. Tuy nhiên, thái độ của Mỹ thể hiện qua bức thư của Tổng thống Mỹ L.Johnson[11] (8-2-1967) là thiếu thiện chí, không chịu xuống thang chiến tranh, tiếp tục theo đuổi ý đồ mở cuộc phản công chiến lược thứ ba vào mùa khô 1967-1968, tạo thắng lợi quân sự để giải quyết vấn đề miền Nam theo ý chủ quan, đàm phán với Việt Nam DCCH trên thế mạnh. Trong thực tế, ngày 14-2-1967, Mỹ đã lập tức ném bom trở lại.
Về phía Việt Nam, những thắng lợi về mặt quân sự và chính trị đã làm cho sức mạnh cách mạng Việt Nam tăng lên đáng kể, nhưng vẫn chưa có những đợt hoạt động, những cuộc tiến công quy mô chiến lược đủ sức làm chuyển biến cục diện chiến tranh. Điều cần thiết đối với cách mạng miền Nam lúc này là phải tổ chức được một đòn quyết định, làm xoay chuyển cục diện chiến trường có lợi cho cách mạng, giáng một đòn vào ý chí xâm lược của Mỹ, kéo Mỹ xuống thang chiến tranh, ngừng ném bom miền Bắc.
Tháng 5-1967, ngay sau khi cuộc phản công chiến lược lần thứ hai của quân Mỹ kết thúc, Bộ Chính trị đã họp dưới sự chủ tọa của Hồ Chí Minh, xem xét dự thảo kế hoạch chiến lược Đông – Xuân 1967-1968. Tháng 6-1967, Hội nghị Bộ Chính trị tiếp tục họp, bàn bạc kỹ dự thảo chiến lược. Hội nghị nhận định: “Những thắng lợi của ta trong Đông – Xuân 1966-1967 đã tạo ra tình thế mới có lợi cho ta, bất lợi cho địch”[12]. Và kế hoạch chiến lược Đông – Xuân 1966-1967 lập tức được khởi thảo, nhằm mục đích tận dụng tình thế mới, nhân lúc đế quốc Mỹ đang đứng trước thế tiến lui đều khó, lại phải tập trung vào cuộc vận động bầu cử Tổng thống Mỹ, đánh một đòn quyết định tạo chuyển biến nhảy vọt cho cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam, đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ phát triển. Bộ Chính trị chủ trương giành thắng lợi quyết định không phải “bằng cách đánh thông thường mà phải tìm cách đánh khác để đập tan ý chí tiếp tục chiến tranh của Mỹ, làm cho Mỹ hiểu rằng không thể thắng được dân tộc Việt Nam bằng vũ khí và bom đạn”[13].
Quán triệt tinh thần Nghị quyết tháng 6-1967 của Hội nghị Bộ Chính trị, Bộ Tổng tham mưu đã cử cán bộ tới các chiến trường, các mặt trận chỉ đạo thí điểm cách đánh tiêu diệt gọn các đơn vị quân Mỹ. Đây được xem như một cuộc diễn tập nhằm thăm dò khả năng quân sự trước một đối thủ mạnh, được “trang bị tận răng” như quân đội Mỹ. Tháng 10-1967, Bộ Chính trị họp bàn cụ thể hơn về chủ trương và kế hoạch chiến lược năm 1968. Sau khi cân nhắc, Bộ Chính trị quyết định một phương thức tiến công, một cách đánh mới có hiệu lực cao: Bất ngờ và đồng loạt đánh mạnh vào các đô thị trên toàn miền Nam và toàn bộ ý định chiến lược này được giữ bí mật nghiêm ngặt[14].
Tháng 12-1967, Bộ Chính trị họp phiên đặc biệt, do Hồ Chí Minh chủ trì, chính thức thông qua kế hoạch chiến lược năm 1968. Tháng 1-1968, Hội nghị BCHTW Đảng LĐVN lần thứ 14 họp, thông qua Nghị quyết tháng 12-1967 của Bộ Chính trị quyết định thực hiện Tổng công kích – Tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Để thực hiện quyết tâm chiến lược đó, cần “kết hợp tiến công quân sự với tiến công chính trị, thực hành ba mũi giáp công trên cả ba vùng chiến lược và phối hợp với tiến công ngoại giao[15]. Nhiệm vụ chủ yếu của hoạt động quốc tế và công tác ngoại giao lúc này là phải “phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng với đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở trong nước, tích cực phục vụ cho cuộc tổng công kích và tổng khởi nghĩa giành được thắng lợi”[16]. Đạt mục tiêu trên, mặt trận ngoại giao cần phải có những phương pháp và hình thức thích hợp để tiến công ngoại giao, nhằm làm cho phía Mỹ lúng túng, bị động, mâu thuẫn, do dự, lừng chừng trong âm mưu kéo dài chiến tranh; đồng thời, “ra sức tranh thủ sự ủng hộ quốc tế của các nước xã hội chủ nghĩa, các nước dân tộc chủ nghĩa tích cực và của nhân dân thế giới”[17]; từ đó, “mở  đường cho địch đi vào thương lượng theo hướng có lợi nhất cho ta”[18]. Phát biểu trong Hội nghị, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn lưu ý rằng, làm cho Mỹ tan rã thực sự, “buộc nó phải đi đến ngồi với ta, thương lượng với ta[19] chính là chủ trương “biết thắng Mỹ” vừa với sức ta, mở ra một giai đoạn mới vừa đánh vừa đàm, phù hợp với truyền thống quân sự Việt Nam.
II. Đẩy mạnh các mũi vận động, đấu tranh ngoại giao kết hợp với tiến công chiến lược
Ngay khi Hội nghị Trung ương lần thứ 13 (1-1967) kết thúc, để thực hiện chủ trương vừa đánh vừa đàm, vừa đàm vừa đánh, Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Nhà nước Việt Nam DCCH tích cực đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao, nhằm làm cho các nước XHCN hiểu, đi đến ủng hộ sách lược đánh – đàm của Việt Nam. Tuy nhiên, các nỗ lực của Việt Nam luôn gặp khó khăn bởi bất đồng Xô – Trung. Khi Bộ Chính trị Đảng LĐVN đưa ra sách lược "vừa đánh, vừa đàm", quan điểm của Trung Quốc và Liên Xô có nhiều điểm trái ngược nhau. Trung Quốc khuyên Việt Nam từ chối các cuộc đàm phán, “tiến hành cuộc chiến tranh du kích kéo dài, buộc người Mỹ bị sa lầy, làm sói mòn sức mạnh quân sự Mỹ, ảnh hưởng đến uy tín, vị thế trên chính trường quốc tế”[20]. Theo quan điểm của Trung Quốc, Việt Nam không nên vội đàm phán, đàm phán với Mỹ lúc này là “nhẹ dạ đi theo Liên Xô”, bán rẻ miền Nam.
 Để thuyết phục Trung Quốc, tháng 4-1967, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã sang thăm và hội kiến với Chu Ân Lai, trình bày quan điểm về kết hợp ba mặt đấu tranh chính trị, quân sự ngoại giao: “Trên cơ sở thắng lợi của đấu tranh quân sự, chính trị tiến hành đấu tranh ngoại giao với thế chủ động, thế tiến công”[21]. Đáp lại, Chu Ân Lai cho rằng, hiện tại thời cơ chưa chín muồi, nếu muốn đàm phán, “phải đặt điều kiện cao mới có lợi. (…). Tư thế cao cũng không trở ngại đến vấn đề tiếp xúc”[22]. Tiếp đó, về việc Việt Nam mở mặt trận đấu tranh ngoại giao ngồi đàm phán với Mỹ ở Paris sau khi Mỹ hạn chế ném bom miền Bắc (31-3-1968) và sau Tổng tiến công Mậu Thân, Trung Quốc cho rằng: "Lúc này Việt Nam chấp nhận đàm phán chưa phải là thời cơ và trên tư thế cao, Việt Nam đã nhân nhượng một cách vội vã"[23]; "việc Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam là một sự thỏa hiệp của Việt Nam với Mỹ"[24]. Trong cuộc hội đàm với Đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ Liên Xô trở về ghé qua Trung Quốc (4-1968), Trung Quốc cực lực phản đối, thậm chí làm găng, doạ cắt quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước. Đầu tháng 10-1968, Việt Nam đề nghị cử đoàn đại biểu đến Trung Quốc bàn bạc, Chu Ân Lai phúc đáp Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Do bận công tác trong nước trong tháng 10, những người phụ trách Đảng chính phủ Trung Quốc không thể tiếp đoàn đại biểu Đảng, chính phủ Việt Nam”[25]. Trên thực tế trước, sau và trong thời gian tổ chức Hội nghị toàn thể Trung ương 12 (khóa VIII), Mao Trạch Đông đã tiếp Đoàn đại biểu Guinea, Ngoại trưởng Pakistan, Đoàn đại biểu chính Đảng Albania, song cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Phạm Văn Đồng bị đẩy  lùi lại đến tháng 11-1968.
Ngày 7-11-1968, để tranh thủ sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo Trung Quốc đối với Hội nghị Paris sắp vào giai đoạn đàm phán, Hồ Chí Minh cử một Đoàn đại biểu gồm những cán bộ cao cấp của Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (có Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng đi), sang thăm Trung Quốc. Trước khi Đoàn lên đường, Hồ Chí Minh căn dặn Đoàn phải khẳng định tinh thần “quyết tâm đánh thắng Mỹ xâm lược”. Ngày 7-11-1968, Mao Trạch Đông sau khi tiếp Đoàn, đã nói rằng Việt Nam đánh giỏi, mà đàm phán cũng giỏi và khẳng định ủng hộ phương châm “vừa đánh, vừa đàm” của Việt Nam, bởi lúc này diễn biến trên trường quốc tế và chiến trường miền Nam Việt Nam đã hoàn toàn minh chứng cho tính đúng đắn quan điểm “đánh -đàm” của Việt Nam.
Về phía Liên Xô, ngay từ năm 1965, Liên Xô đã khuyến khích Việt Nam tiếp xúc với phía Mỹ để đi đến thỏa thuận, "bày tỏ mong muốn tích cực cho một giải pháp ở Việt Nam và việc duy trì vĩ tuyến 17 như là một đường ranh giới"[26], chủ trương giải quyết vấn đề Việt Nam bằng thương lượng trên những điều kiện thấp so với yêu cầu của ta và với sự trung gian của Liên Xô”[27]. Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 2-1965, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô A.N. Kosygin đưa ra gợi ý "họp Hội nghị quốc tế theo kiểu Hội nghị Geneve”[28], song Việt Nam không đồng ý. Tháng 4-1965, dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao sang thăm Liên Xô, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn một lần nữa “giải thích cho lãnh đạo Liên Xô rằng, điều kiện chưa chín muồi để họp một Hội nghị như vậy”[29]. Cũng từ thời điểm này, Liên Xô chuyển sang truyền đạt ý kiến của Mỹ cho Việt Nam về đàm phán (những năm 1965-1968, 24 lần Liên Xô truyền đạt ý kiến về vấn đề này[30]). Nhằm hỗ trợ cho các đợt vận động, Liên Xô đã điều hòa lượng cung cấp hàng viện trợ cho Việt Nam[31]. Để tránh hiểu lầm, tranh thủ sự ủng hộ của Liên Xô, nhất là đối với các loại vũ khí quân sự tối tân mà Việt Nam hết sức cần thiết, trong các cuộc hội đàm cấp cao (3-1967, 4-1968, 11- 1968), Việt Nam kiên trì giải thích về sách lược đánh đàm, mềm dẻo, song cương quyết bảo vệ quan điểm. Trước đường lối độc lập, tự chủ của Việt Nam và cùng với diễn biến thực tế của các mặt chính trị, quân sự, ngoại giao ở miền Nam Việt Nam, cuối cùng Liên Xô đã thừa nhận: “Thắng lợi của nhân dân Việt Nam chứng tỏ vai trò quyết định của Đảng Cộng sản Việt Nam khi Đảng lãnh đạo, động viên quần chúng nhân dân, vũ trang cho họ ý chí chiến đấu, biết đưa ra đường lối chính trị đúng đắn...”[32]. Cùng với việc thừa nhận đó, Liên Xô tích cực viện trợ cho Việt Nam, nhất là những vũ khí hiện đại như máy bay, xe tăng, xe bọc thép, tên lửa, pháo phòng không, pháo binh, tên lửa “đất đối không”… Trong giai đoạn 1965-1968, số hàng viện trợ quân sự của Liên Xô cho Việt Nam là 226.969 tấn[33]. Trong hai năm 1966-1967, Liên Xô là nước cung cấp chủ yếu viện trợ quân sự cho Việt Nam, tính ra, “Liên Xô đã cung cấp 500 triệu rúp trang thiết bị cho lực lượng quân sự Bắc Việt Nam (xấp xỉ 550,5 triệu USD)”[34]. Trong những năm 1969-1972, mức viện trợ quân sự của Liên Xô cho Việt Nam đạt 143.793 tấn[35].
Đối với phía Mỹ, ngay sau Hội nghị Trung ương 13 (1-1967), vận dụng sách lược ngoại giao linh hoạt, Việt Nam lập tức triển khai thực hiện chủ trương “vừa đánh vừa đàm”. Ngày 28-1-1967, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh tuyên bố “có thể sẽ đàm phán” với Mỹ, nếu phía Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc không điều kiện và chấm dứt mọi hành động chiến tranh chống Việt Nam DCCH. Tuyên bố này có ý nghĩa quan trọng, thể hiện thiện chí hòa bình của Việt Nam, giành thế chủ động về ngoại giao, làm thất bại luận điệu “đàm phán không điều kiện” của Mỹ. Tuyên bố nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của dư luận thế giới. Nhiều nước, nhiều tổ chức, nhiều cá nhân… đã lên tiếng đòi Mỹ chấm dứt ném bom. Để phát huy thế chủ động, góp phần tăng sức ép với Mỹ, ngày 29-12-1967, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh khẳng định dứt khoát “sẽ đàm phán” (thay cho “có thể sẽ đàm phán” ở tuyên bố trước) với Mỹ, nếu Mỹ đáp ứng những điều kiện của Việt Nam trong Tuyên bố ngày 28-1-1967. Đây là nỗ lực để chuẩn bị cho đòn tiến công chiến lược làm xoay chuyển cục diện quân sự, chính trị đã được Việt Nam tính toán kỹ lưỡng.
Đêm ngày 29 rạng ngày 30 -1-1968 (tức là đêm giao thừa theo lịch miền Nam), cả miền Nam rung chuyển bởi đòn tiến công quân sự mãnh liệt và bất ngờ. Sự kiện “Tết” đã khiến nước Mỹ bàng hoàng sửng sốt. Thắng lợi của Tổng tiến công Mậu Thân đã buộc Tổng thống Mỹ L.Johnson, vào đêm 31-3-1968, chẳng những đã phải công khai tuyên bố: Mỹ đơn phương chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc (từ vĩ tuyến 20 trở ra), sẵn sàng cử đại diện đàm phán với chính phủ Việt Nam DCCH, mà hơn thế, còn quyết định rút dần quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam khi chưa một mục tiêu nào của cuộc chiến tranh này được thực hiện. Quyết định ngày 31-3-1968 của Tổng thống Mỹ L.Johnson đã mở ra "một chương rất nhiều ý nghĩa trong lịch sử can thiệp của Hoa Kỳ: Cuộc chiến tranh Việt Nam đã đi đến hồi kết thúc"[36]. Quả thực, cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã trở thành nỗi bất hạnh đối với L.Johnson. Việc trút bỏ gánh nặng chiến tranh xuống vai chính quyền và quân đội Sài Gòn - một lực lượng vốn đã bại trận trước khi quân Mỹ buộc phải tham chiến và ngày càng phụ thuộc vào sự hiện diện của quân Mỹ, thì về thực chất, đã làm cho Mỹ phải phụ thuộc vào chính kẻ đã và đang phụ thuộc vào mình. Đây là đảm bảo quan trọng cho thắng lợi cuối cùng của nhân dân Việt Nam.
Tuyên bố của Tổng thống Mỹ L.Johnson đánh dấu những thay đổi lớn trong chiến lược của Hoa Kỳ. Tổng thống L.Johnson đã phải chấp nhận đơn phương chấm dứt ném bom không điều kiện miền Bắc Việt Nam, trừ phía bắc của phi quân sự, xuống thang chiến tranh và chấp nhận thương lượng. Tuy nhiên, phía Hoa Kỳ chưa đáp ứng hoàn toàn những điều kiện do Việt Nam DCCH nêu ra. Về phía Việt Nam, đàm phán ngay là quá sớm, bác bỏ đề nghị thương lượng của Johnson sẽ không tranh thủ được dư luận của thế giới và dư luận Mỹ. Do vậy, trước mắt, về ngoại giao, Bộ Chính trị chủ trương, “cần liên tục tấn công địch một cách sắc bén, nhằm phục vụ việc giành thắng lợi lớn hơn nữa về quân sự, chính trị”[37]. Trên tinh thần đó,  Đảng, chính phủ Việt Nam DCCH, một mặt, “sẵn sàng cử đại diện của mình tiếp xúc với đại diện của Mỹ nhằm xác định với phía Mỹ việc Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh chống nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, để có thể bắt đầu cuộc nói chuyện”[38]; mặt khác, “tiếp tục phát triển tiến công toàn diện, giành thắng lợi ngày càng to lớn hơn nữa (…), đẩy địch vào thế thất bại liên tiếp, ngày càng suy yếu, tan rã, không sao gượng dậy được nhằm đi tới giành thắng lợi quyết định”[39]. Đây là chủ trương sách lược mềm dẻo đập tan âm mưu “đẩy quả bóng sang sân” phía Việt Nam, đánh lạc hướng dư luận của Mỹ, mà Mỹ tính toán là sẽ tạo điều kiện cho Mỹ tự do hành động sau một thời gian ngắn ngừng ném bom, mà không bị dư luận phản đối. Mỹ đã bị bất ngờ trước tốc độ đáp ứng của Việt Nam DCCH – thể hiện qua việc giải quyết một cách lúng túng xung quanh vấn đề chủ yếu thuộc về thủ tục là triệu tập hội nghị ở địa điểm nào[40]. Cuối cùng hai bên đồng ý lấy Paris – Thủ đô Cộng hòa Pháp làm nơi tổ chức Hội nghị, nhưng đến hội nghị, “Mỹ giữ lập trường cứng rắn ngay từ đầu”[41]. Thực tế cũng cho thấy, Mỹ ngồi vào bàn đàm phán vẫn trên tư thế của kẻ mạnh, dồn mọi nỗ lực, mở hàng loạt các cuộc hành quân quy mô lớn, áp dụng nhiều biện pháp, sử dụng ồ ạt bom đạn và chất độc… hòng giành thêm những lợi thế mới[42], ra sức tuyên truyền trên trường quốc tế về thắng lợi quân sự của Mỹ và đồng minh ở Việt Nam sau Tết Mậu Thân; đồng thời, đặt điều kiện cho Việt Nam DCCH về việc chấm dứt ném bom hoàn toàn miền Bắc[43]. Trước tình hình đó, tháng 5 và tháng 5-1968, Bộ Chính trị quyết định bồi tiếp đòn tiến công mới, giáng mạnh vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, gây cho Mỹ những tổn thất nặng nề về sinh lực và phương tiện chiến tranh, làm cho đối phương “thất bại trên chiến trường, thất bại ở các thành thị lớn và thất bại ở ngay nước Mỹ”[44]. Như vậy, tình hình trên cho thấy, sau sự kiện Tết Mậu Thân, diễn biến chiến trường quyết định ưu thế trên bàn Hội nghị và Việt Nam dồn hết tâm lực, chấp nhận hy sinh, đẩy mạnh các hoạt động tiến công, nhằm khẳng định tư thế đàm phán, buộc Mỹ phải đàm phán theo yêu cầu của mình. Điều này không chỉ được chứng nghiệm trong thời điểm có tính bước ngoặt lớn – năm 1968, mà sau đó, còn tái diễn trong năm 1972 để đi tới Hiệp định Paris tháng 1-1973.
III. Lời kết
Tết Mậu Thân 1968 là sự kiện tạo nên bước ngoặt quyết định của cuộc chiến tranh kéo dài suốt 21 năm tại Việt Nam (1954-1975). Trên chặng đường 21 năm, Mỹ đã thi hành nhiều thủ đoạn và biện pháp, thay đổi nhiều chiến lược chiến tranh, bỏ ra nhiều tiền của và công sức hòng khuất phục đối phương. Cũng trên chặng đường 21 năm ấy, Việt Nam đã trải qua nhiều thử thách khốc liệt của chiến tranh, đã chịu nhiều tổn thất, hy sinh, tự tìm đường đánh Mỹ. Đó là cả quá trình lâu dài, gian khổ, đầy sáng tạo và rất mưu lược của dân tộc Việt Nam. Tết Mậu Thân với hiệu quả chiến lược của nó đã là một thành công lớn trong quá trình này.
Trong điều kiện tương quan lực lượng quân sự lúc bấy giờ vẫn nghiêng về phía đối phương, song, nắm vững chiều hướng vận động của tình tình, để chớp lấy thời cơ có lợi, xoay chuyển cục diện chiến tranh, Đảng LĐVN, chính phủ Việt Nam DCCH chủ trương đánh vào ý chí xâm lược của đối phương bằng sức mạnh tổng hợp của chiến tranh cách mạng miền Nam, bằng việc kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị với đấu tranh ngoại giao, đánh vào yết hầu, đánh vào tim óc địch, vào thời điểm nhạy cảm nhất trong đời sống chính trị nước Mỹ - năm vận động bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ mới. Vì thế, hiệu quả chiến lược rộng lớn của Tết Mậu Thân không do một nhân tố đơn lẻ nào tạo ra, mà là kết quả tổng hợp của một loạt nhân tố quân sự -chính trị - tâm lý – ngoại giao; trong đó, cuộc đấu tranh ngoại giao có vai trò quan trọng dựa vào chính nghĩa và sức mạnh của dân tộc, phát huy thắng lợi trên chiến trường. Từ thời điểm này, hai mặt đánh – đàm trên nền tảng thắng lợi quân sự thúc đẩy thắng lợi ngoại giao và ngược lại trong đấu tranh cách mạng ở miền Nam được kết hợp hết sức chặt chẽ cả trong nước lẫn trên trường quốc tế, đan quyện một cách khéo léo, linh hoạt, dựa trên những phân tích, phán đoán, nhận định tình hình một cách kịp thời, khách quan, khoa học, nhằm mang lại những hiệu quả to lớn, tạo ra những bước ngoặt mang tính đột phá cho mục tiêu nhanh chóng kết thúc chiến tranh ở thế có lợi nhất. Cho dù sau “Tết”, cuộc chiến tranh vẫn còn kéo dài và diễn ra ác liệt, thì với việc buộc phải ngồi vào bàn đàm phán qua quyết định ngày 31-3-1968 của Tổng thống L.Johnson, thực chất số phận cuộc chiến giữa Mỹ và Việt Nam đã được định đoạt.
Download toàn văn bài viết tại: Trang Web NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ


[1]Tháng 5-1965, Oasinhtơn tiến hành cuộc vận động hòa bình mật danh “Hoa tháng Năm”, tạm ngừng ném bom miền Bắc trong 6 ngày và tìm cách gửi tới Chính phủ VNDCCH một thông điệp. Đầu năm 1966, Mỹ mở chiến dịch Pinta, đưa đề nghị hòa bình 14 điểm, vận động 113 chính phủ, cử phái viên tới 40 nước, lên tiếng ở Liên Hợp Quốc để vận động ủng hộ lập trường của Mỹ, ngừng đánh phá miền Bắc 37 ngày. Nửa cuối năm 1966 diễn ra cuộc vận động ngoại giao mang tên Mêrigôn (Cúc vạn thọ). Hai ngày 24 và 25-10-1966, tại Manila (Philíppin), Hội nghị 7 nước châu Á Thái Bình Dương do Mỹ chủ trì đã ra bản tuyên bố trong đó nói đến việc rút quân của các bên tham chiến ra khỏi miền Nam Việt Nam trong vòng sáu tháng sau khi miền Bắc Việt Nam rút quân.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tập 28, tr. 89.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 28, tr. 89.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 28, tr. 116.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 28, tr. 170.
[6]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 28, tr. 124.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 28, tr. 169-170.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 28, tr. 170.
[9] Tính đến năm 1967, viện trợ của các nước cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khoảng 1,5 tỷ rúp (hơn 1,5 tỷ đô la); trong đó Liên Xô viện trợ 36,8% (547,3 triệu rúp tương đương 608,1 triệu đô la). Còn phía Trung Quốc, từ năm 1955 đến 1965, Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam hơn nửa tỷ đô la và đến năm 1967, Trung Quốc vẫn là nguồn viện trợ chính cho Việt Nam.
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 28, Sđd, tr. 195.
[11]Tổng thống L.Johnson đưa ra điều kiện như đòi miền Bắc phải đảm bảo trước việc chấm dứt tăng viện cho miền Nam.
[12] Dẫn theo Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 385.
[13] Lịch sử quân sự Việt Nam, Nhà xuất bản,Chính trị quốc gia 2005, Tập 11, tr.205-207.
[14] Phương thức tiến công này không đưa ra bàn bạc ở Trung ương, trong Bộ Tổng tham mưu, chỉ ai được phân công làm kế hoạch mới biết về phương thức tiến công mới này.
[15] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 28, Sđd, tr. 51.
[16]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 29, Sđd, tr. 66.
[17] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 29, Sđd, tr. 66.
[18] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 29, Sđd, tr. 66.
[19] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 29, Sđd, tr. 40.
[20]Qiang Zhai, China and the Vietnam Wars, 1950-1975, Chapel Hill, NC: University of North Carolina Press, 2000, tr. 157.
[21] Hồ sơ quan hệ Việt - Trung trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước (3-1954 đến tháng 8-1973), Lưu tại Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, tr. 111.
[22] Hồ sơ quan hệ Việt - Trung trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước (3-1954 đến tháng 8-1973), TLđd, tr. 127.
[23]Viện Quan hệ quốc tế - Bộ Ngoại giao, Hồ Chí Minh với công tác ngoại giao, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1990, tr. 41.
[24] Viện Quan hệ quốc tế - Bộ Ngoại giao, Hồ Chí Minh với công tác ngoại giao, Sđd, tr. 41.
[25] sơ quan hệ Việt - Trung trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước (3-1954 đến tháng 8-1973), TLđd, tr. 145.
[26]Gaiđuk I.V, Liên bang Xô-viết và cuộc chiến tranh Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 1998, tr. 118.
[27] Hồ sơ quan hệ Việt - Xô trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước (7-1954 đến tháng 4-1975), Lưu tại Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, tr. 40.
[28] Hồ sơ quan hệ Việt - Xô trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước (7-1954 đến tháng 4-1975), TLđd, tr. 42
[29] Hồ sơ quan hệ Việt - Xô trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước (7-1954 đến tháng 4-1975), TLđd, tr. 42.
[30] Hồ sơ quan hệ Việt - Xô trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước (7-1954 đến tháng 4-1975), TLđd, tr. 41.
[31] Hồ sơ quan hệ Việt - Xô trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước (7-1954 đến tháng 4-1975), TLđd, tr. 43.
[32] Hồ sơ quan hệ Việt - Xô trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước (7-1954 đến tháng 4-1975), TL đd, tr. 50.
[33] Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, Thống kê số liệu viện trợ quốc tế, Hồ sơ 795, sô 15.
[34] Gaiđuk. V.I (1998), Liên bang Xô-viết và chiến tranh Việt Nam , Nxb Công an nhân dân, Hà  Nội, 1998, tr. 126.
[35] Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, Thống kê số liệu viện trợ quốc tế, Sđd.
[36] Tài liệu mật Lầu Năm Góc, Thư viện Trung ương quân đội sao lục, lưu trữ tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, ký số hiệu: VL.781-82, tr.569.
[37]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 29, Sđd, tr. 202.
[38] Tuyên bố của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hóa, ngày 3-4-1968, (Việt Nam những sự kiện 1954-1975, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1976, Tập 2, tr.82.
[39] Nghị quyết Bộ Chính trị, tháng 4-1968.
[40] Pito Apulo, Nước Mỹ và Đông Dương từ Ruzoven đến Nixon, Nxb Thông tin lý luận, Hà Nội, 1995, tr. 162.
[41] G.C. Herinh, Cuộc chiến tranh dài ngày nhất nước Mỹ, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 269.
[42] G.A. Amato, Lời phán quyết cuối cùng về Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1982, tr. 229.
[43] Mỹ đòi Việt Nam DCCH phải: Công nhận đại diện chính quyền Sài Gòn tại Paris; chấm dứt việc đưa người, vũ khí từ miền Bắc vào miền Nam Việt Nam; ngừng ngay các cuộc tiến công vào các thành phố lớn ở miền Nam Việt Nam.
[44] Nghị quyết Bộ Chính trị, tháng 8-1968.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!