Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2014

MẬU THÂN 1968: NGHỆ THUẬT TIẾN CÔNG VÀ SỬ DỤNG LỰC LƯỢNG



PGS,TS. Hồ Khang
Suốt chặng đường 21 năm chiến đấu giành độc lập, tự do cho Tổ quốc (1954-1975), dân tộc Việt Nam đã trải qua nhiều thử thách khốc liệt của chiến tranh, đã chịu nhiều tổn thất hy sinh, đã phải tự tìm đường đánh Mỹ - một cường quốc của thế kỷ XX đang theo đuổi chiến lược toàn cầu mà Việt Nam là một "đô-mi-nô" trong tính toán chiến lược từ lâu của Mỹ. Trên chặng đường 21 năm tìm đường đánh Mỹ và tìm cách thắng Mỹ , "Tết Mậu thân" 1968 đã thể hiện đậm nét nghệ thuật tiến công bằng cách đánh chiến lược mới, giành thế bất ngờ, đưa chiến tranh vào thành thị; là nghệ thuật tổ chức, bố trí và sử dụng lực lượng để lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông, lấy trí tuệ của con người Việt Nam để chiến thắng vũ khí và trí tuệ của bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ.

Về nghệ thuật tiến công
Nhằm tạo ra hiệu lực chiến lược mạnh, làm tan rã ý chí xâm lược của đối phương, Đảng LĐVN chủ trương trong "Tết Mậu thân", vừa tiến công rộng khắp và đồng loạt - một cách đánh chiến lược mới; vừa táo bạo hướng sức mạnh của chiến tranh cách mạng vào các đô thị miền Nam. Đảng LĐVN xem đó là "mũi nhọn thọc sâu vào yết hầu của địch, có tầm quan trọng chiến lược đối với toàn bộ chiến trường và toàn bộ cuộc chiến tranh"[1], là "đòn ác liệt nhất đánh vào tim óc, huyết mạch của địch, và cũng là cách tốt nhất để phối hợp ba mũi giáp công trên cả ba vùng chiến lược để tiêu diệt nhiều nhất sinh lực địch, làm sập chỗ dựa chính trị của địch và đè bẹp ý chí xâm lược của chúng"[2]. Nhưng, muốn tiến công vào hệ thống dinh lũy của Mỹ và chính quyền Sài Gòn - nơi được tổ chức phòng thủ chặt chẽ bằng nhiều tầng, nhiều lớp, nhiều lực lượng, nhiều biện pháp, nhiều thủ đoạn... quân dân miền Nam phải giải quyết một loạt các vấn đề thuộc về nghệ thuật tiến công trong "Tết Mậu thân", đặc biệt là trong điều kiện tương quan lực lượng quân sự đôi bên trên chiến trường lúc bấy giờ nghiêng lệch về phía đối phương.
Nghi binh chiến lược nhằm phân tán lực lượng chủ lực đối phương, làm lạc hướng sự đề phòng của lực lượng này đã được các cơ quan chỉ đạo chiến lược và các cấp chỉ huy chiến trường triển khai thực hiện từ trước "Tết Mậu thân" bằng nhiều biện pháp và nhiều thủ đoạn kết hợp. Những tháng cuối năm 1967, Quân giải phóng đã lần lượt mở một số chiến dịch ở vùng ven biên giới, ở Tây Nguyên; đồng thời duy trì các hoạt động quân sự ở vùng ven đô thị và ở vùng nông thôn đồng bằng như lệ thường. Các hoạt động như vậy khiến cho đối phương lầm tưởng rằng lực lượng Quân giải phóng đã bị thương vong nặng qua cuộc phản công chiến lược mùa khô 1966-1967, không còn khả năng mở các chiến dịch ở đồng bằng như trước. Điều này dường như là lô gích với bài báo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Quân đội nhân dân Việt Nam đăng trên nhật báo Nhân DânQuân đội nhân dân trong tháng 9 năm 1967, trong đó nhà lãnh đạo này khẳng định lại quyết tâm đánh lâu dài và kêu gọi toàn quân, toàn dân bảo toàn lực lượng. Trên mặt trận ngoại giao, vào tháng 12 năm 1967, Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa tuyên bố phóng thích hai tù binh Mỹ. Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam DCCH công khai ngỏ ý tại một buổi chiêu đãi đoàn ngoại giao rằng: Việt Nam dân chủ cộng hòa sẽ đi vào đàm phán với Mỹ. Điều đáng lưu ý là, trước đó, Việt Nam mới chỉ công khai tuyên bố sẽ có thể "nói chuyện" nếu Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc mà thôi. Tín hiệu ngoại giao này càng làm cho chính quyền Mỹ bị phân hóa giữa phái chủ chiến phái chủ hòa. Nhưng điều quan trọng hơn lại là ở chỗ, qua những cử chỉ ngoại giao đó, giới lãnh đạo Mỹ càng thêm tin chắc là Việt Nam DCCH đã thực sự bị suy yếu trên mặt trận quân sự. Bước sang tháng 1 năm 1968, Quân giải phóng đã chủ động mở hai chiến dịch quân sự lớn, một ở Nậm Bạc (Lào) và một ở đường 9 - Khe Sanh. Ngay lập tức, Khe Sanh đã thu hút sự chú ý của Bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại Sài Gòn và giới lãnh đạo Oa-sinh-tơn. Sau này, một tác giả Mỹ - Mai-cơn Mác‑li‑a, đã bình luận rằng: đạn pháo của chủ lực miền Bắc dội xuống Khe Sanh đã "rơi ngay vào Thủ đô Oa‑sinh-tơn"[3]. Giới lãnh đạo Mỹ khi đó nhận định Khe Sanh là một "Điện Biên Phủ" trong ý đồ chiến lược của Bộ thống soái Việt Nam. Vì vậy, Tổng thống Giôn-xơn đã lệnh cho các tham mưu trưởng liên quân Mỹ phải cam kết giữ Khe Sanh bằng mọi giá. Chính là sự phán đoán sai lầm này của Mỹ đã buộc Mỹ phải trả giá nặng nề: tâm trí và lực lượng Mỹ dồn vào mặt trận Khe Sanh nên khi "Tết Mậu thân" nổ ra, một bộ phận quân Mỹ bị ở vào thế như "cá voi mắc cạn".
Trong dịp "Tết Mậu thân" hướng tiến công chủ yếu nhằm vào đô thị miền Nam thực sự đã là mỘt bẤt ngỜ lỚn, khiến cho đối phương trên chiến trường không kịp trở tay, khiến cho giới lãnh đạo Mỹ ở Oa-sinh-tơn ngày đó đã phải "sững sờ, choáng váng". Đây là lần đầu tiên trong suốt bao năm ròng kháng chiến, Bộ thống soái Việt Nam đã đưa được chiến tranh vào sâu trong lòng đối phương, đã biến hậu phương và hậu cứ đối phương thành chiến trường. Đó là một thành công lớn trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh - nghệ thuật đánh hiểm, đánh đau, đánh vào yết hầu, vào trung ương thần kinh đối phương. Bởi vì, "cùng với bấy nhiêu quân, với thế trận và so sánh lực lượng khi bước vào Đông Xuân 1967-1968, nếu chúng ta vận dụng một chiến lược khác, chọn một hướng tiến công khác thì chắc rằng cuộc chiến tranh sẽ không thay đổi một cách đột biến, đẩy địch vào thế tồi tệ bốn bề nguy khốn (...) cả về quân sự và chính trị"[4] như dịp Tết Mậu thân.
Bất ngờ của "Tết Mậu thân" không chỉ là hướng tiến công mà còn là thời điểm tiến công. Thời điểm đó là dịp Tết Nguyên đán - lúc đối phương dễ bộc lộ sở hở, chủ quan và lơi lỏng nhất trong việc đề phòng. Thực tiễn đã cho thấy việc chọn thời điểm tiến công bất ngờ vào dịp Tết là vô cùng sáng suốt. Sau này, nhiều tài liệu từ phía đối phương đã xác định rằng: vào những ngày khi "Tết Mậu thân" nổ ra, các đơn vị quân đội Sài Gòn chỉ còn một nửa quân số, khiến cho Bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại Sài Gòn vô cùng lúng túng trong việc ứng phó. Cũng qua thực tế này, giới lãnh đạo ở Oa-sinh-tơn đã nản lòng. Một trong những sự nản lòng, "vỡ mộng" lớn nhất của Mỹ lúc đó là không còn hy vọng gì vào khả năng của chính quyền và quân đội Sài Gòn. Sau đó, cho dù có trao dần gánh nặng chiến tranh sang vai quân đội Sài Gòn nhằm "thay màu da trên xác chết" thì điều này không có nghĩa là quân đội Sài Gòn đã thực sự mạnh lên dưới con mắt của Mỹ mà chẳng qua chỉ là sự "lót đường", là "cái cớ" cho Mỹ rút ra trong danh dự, trút bỏ dần trách nhiệm và đỡ mất mặt trước thế giới[5].
Trong "Tết Mậu thân", đòn tiến công của Quân giải phóng đã nhằm trúng vào các mục tiêu "yết hầu", "huyết mạch", "tim óc" của đối phương. Hệ thống mục tiêu bị tiến công trong "Tết Mậu thân" bao gồm: các cơ quan đầu não trung ương và địa phương của chính quyền Sài Gòn, các sở chỉ huy, bộ tư lệnh, sân bay, bến cảng, kho tàng, căn cứ truyền tin, đầu mối giao thông... Đó là những mục tiêu tập trung sinh lực cao cấp của đối phương, những mục tiêu nhạy cảm nhất trong bộ máy chiến tranh của Mỹ và chính quyền Sài Gòn ở miền Nam. Đặc biệt, trong "Tết Mậu thân", tòa Đại sứ Mỹ - nơi biểu trưng cho quyền uy của Mỹ tại Nam Việt Nam đã bị tiến công và bị chiếm giữ trong nhiều giờ. Trên nền chung của hàng loạt đô thị và hàng loạt mục tiêu hiểm yếu bị tiến công đồng loạt, cuộc tiến công nhằm vào Sứ quán Mỹ đã vượt xa tầm vóc ý nghĩa của một trận đánh cụ thể. "Xem ra, toàn thế giới đang hướng về sứ quán và phán xét hành động này như thể toàn bộ cuộc chiến tranh sẽ được quyết định"[6] bởi việc giành giật quyền kiểm soát sứ quán của cả hai bên.
Nghệ thuật tiến công "Tết Mậu thân" không chỉ là nghệ thuật chọn mục tiêu mà còn là nghệ thuật chọn hình thức phương thức tiến công. Trong "Tết Mậu thân", Quân giải phóng đã tiến công đồng loạt, tiến công bằng nhiều hình thức, nhiều lực lượng. Quân dân miền Nam không tiến công tuần tự từ ngoài vào trong mà kết hợp từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong, khiến cho đối phương bị bất ngờ càng thêm bất ngờ và lúng túng.
Như vậy, trong "Tết Mậu thân", việc nghi binh, chọn hướng, chọn thời điểm, chọn mục tiêu, chọn hình thức, và phương thức tiến công đã chứng tỏ bước phát triển mới trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh, trong nghệ thuật tiến công của quân, dân miền Nam trên chiến trường. Trong khi chiến lược quân sự Mỹ là "tìm và diệt", nhằm "đưa chiến tranh tới tận xứ sở" của đối phương và trong khi bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại Sài Gòn vẫn nhất mực tin rằng chiến lược của đối phương là "lấy nông thôn bao vây thành thị"... thì chiến tranh lại nổ ra mạnh mẽ, đồng loạt ngay giữa Sài Gòn và một loạt các thành phố, thị xã, thị trấn trên toàn miền Nam. Nếu để ý rằng vào đầu năm 1968, lực lượng quân sự Mỹ và quân đội Sài Gòn tại miền Nam lên tới gần 1 triệu 30 vạn lính với hệ thống chính quyền, ấp chiến lược và mạng tình báo, đặc vụ giăng khắp mọi nơi thì cuộc tiến công "TẾT" mà hướng chính là nhằm vào đô thị quả là một hành động "xuất thần", khiến cho các nhân viên C.I.A cũng phải thú nhận rằng: Nếu như họ có bắt được toàn bộ kế hoạch tiến công của đối phương thì họ cũng không sao hiểu được "bản chất" của kế hoạch đó. Nhưng chính là "bản chất" của kế hoạch chiến lược táo bạo này, chính là nghệ thuật tiến công sáng tạo "Tết Mậu thân" đã tạo nên hiệu quả chiến lược to lớn và tạo ra tính đặc sắc của sự kiện lịch sử này. Bằng nghệ thuật tiến công đó, "Tết Mậu thân" đã giáng đòn quyết liệt vào ý chí xâm lược của Mỹ, khiến cho ý chí xâm lược của Mỹ bị lung lay mạnh trong khi cố gắng chiến tranh của họ tại Việt Nam  đang lên tới đỉnh cao.
Để có được nghệ thuật tiến công "Tết Mậu thân", toàn quân và toàn dân Việt Nam đã vượt qua nhiều gian khổ hy sinh, nêu cao quyết tâm tiến công đối phương, xây dựng được thế trận chiến tranh nhân dân ngày càng vững chắc trên khắp ba vùng chiến lược, tổ chức và bố trí hợp lý lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang ba thứ quân ở đô thị, vùng ven, vùng nông thôn đồng bằng và rừng núi. Ngoài ra, nghệ thuật tiến công Tết Mậu thân còn là kết quả của cả một quá trình nắm bắt thực tiễn trên chiến trường và tình hình nội bộ nước Mỹ, từ đó tính toán chọn lựa và tìm cách đánh Mỹ, cách thắng Mỹ phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam của các cấp chỉ đạo, chỉ huy chiến trường.
Về nghệ thuật sử dụng lực lượng
"Tết Mậu thân" được khởi xướng trong điều kiện lực lượng quân sự đối phương vẫn còn hơn một triệu tên, bộ máy chiến tranh của đối phương vẫn còn hiệu lực và tiềm lực chiến tranh còn dồi dào. Để đạt được mục tiêu chiến lược đánh bại ý chí xâm lược của Mỹ, Đảng LĐVN chủ trương trong "Tết Mậu thân", sử dụng một cách tốt nhất lực lượng vũ trang, dùng binh lực và hỏa lực mạnh đánh vào các binh đoàn chủ lực đối phương, đánh mạnh vào thủ đô và các thành phố, tạo điều kiện cho hàng triệu quần chúng ở đô thị và các vùng nông thôn tạm bị chiếm nổi dậy khởi nghĩa, phối hợp với lực lượng quân sự tiêu diệt và làm tan rã quân đối phương, đánh sập bộ máy đầu não của chính quyền Sài Gòn, làm rối loạn và tê liệt tận gốc bộ máy chiến tranh của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, biến hậu phương và dự trữ chiến tranh của đối phương thành hậu phương và dự trữ chiến tranh của lực lượng giải phóng, làm thay đổi lực lượng so sánh một cách mau chóng và có lợi cho quân dân miền Nam, không có lợi cho đối phương.
Theo phương hướng đó, trước và trong Tết Mậu thân, các đơn vị bộ đội chủ lực đã mở một số chiến dịch ở vùng rừng núi miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, miền Tây Trị - Thiên nhằm kéo một bộ phận quan trọng chủ lực Mỹ lên chiến trường rừng núi, tạo điều kiện thuận lợi cho đòn tiến công và nổi dậy ở các đô thị bị Mỹ chiếm đóng.
Tại các đô thị, ở vùng ven, Quân giải phóng sử dụng một số đơn vị bộ đội chủ lực đánh chiếm các mục tiêu, kìm chân các sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn chủ lực, tạo điều kiện cho lực lượng đặc biệt tinh nhuệ là các đội đặc công, biệt động, bất ngờ đánh chiếm một số cơ quan đầu não tại trung ương và địa phương của đối phương. Từ vùng ven các tiểu đoàn mũi nhọn được tổ chức và trang bị gọn nhẹ nhanh chóng đánh chiếm những mục tiêu được phân công. Một số tiểu đoàn đã tiến được vào các khu vực mục tiêu nằm sâu trong nội thành, trụ lại đánh phản kích trong nhiều ngày; đồng thời, sử dụng pháo cốirốc két đánh vào nhiều mục tiêu khác như sân bay, sở chỉ huy, trung tâm thông tin của đối phương...
Phối hợp với lực lượng đặc công, biệt động, tiểu đoàn mũi nhọn, các đội vũ trang và bán vũ trang của các ban, ngành, đoàn thể như Thanh niên, Công vận, Phụ nữ, Hoa vận... động đánh đối phương trên đường phố. Ở vòng trong là vậy, còn ở vòng ngoài, các sư đoàn, trung đoàn chủ lực đón đánh không cho các đơn vị chủ lực đối phương tăng viện vào vùng ven và nội thành, giữ phía sau cho các tiểu đoàn mũi nhọn.
Những đòn quân sự trên đây có tác dụng châm ngòi cho quần chúng nổi dậy ở nhiều khu phố, nhiều đô thị[7] dưới nhiều hình thức và đến lượt nó, lại tiếp thêm sức mạnh cho đòn tiến công quân sự. Tận dụng thời cơ có lợi do đòn tiến công và nổi dậy ở đô thị tạo ra, lực lượng vũ trang tại chỗ đã hỗ trợ cho quần chúng ở nhiều vùng nông thôn bị đối phương chiếm nổi dậy đập tan chính quyền cơ sở, giành quyền làm chủ, mở rộng vùng giải phóng.
Với việc bố trí, tổ chức và sử dụng lực lượng như vậy, trong dịp "Tết Mậu thân", quân và dân miền Nam trên chiến trường đã phát huy được đầy đủ và mạnh mẽ khí thế tiến công, biểu lộ ý chí, quyết tâm và lực lượng hùng hậu của mình, khiến cho giới lãnh đạo Oa-sinh-tơn nhận thấy lực lượng quân sự của Mỹ - cho dù có tăng thêm hàng trăm nghìn quân nữa và ném vào đó hàng trăm tỷ đô la chiến phí đi nữa cũng không thể nào khuất phục nổi nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, ở Sài Gòn, mặc dù lực lượng không nhiều nhưng các đơn vị đặc công, biệt động, tiểu đoàn mũi nhọn và các đội vũ trang, bán vũ trang của Thành đoàn, Hoa vận, Công vận, Phụ vận... đã đánh sâu, đánh hiểm, đánh trúng và đánh đồng loạt vào nhiều mục tiêu yết hầu của đối phương ở trung ương và địa phương, tạo nên sức thôi động mạnh, tác động nhanh tới ý chí của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Đó là một thành công nổi bật trong nghệ thuật bố trí và sử dụng lực lượng trong dịp "Tết Mậu thân", là một biểu hiện của nghệ thuật quân sự Việt Nam - nghệ thuật phát huy mạnh mẽ nhân tố con người, lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít đánh nhiều, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông, lấy trí tuệ con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam để chiến thắng vũ khí và sức mạnh của lực lượng quân sự Mỹ.
*                            *
*
Sau "Tết Mậu thân", những tổn thất to lớn của quân và dân miền Nam trên chiến trường trong các đợt tiến công tháng 5 và tháng 8 năm 1968 là có thật. Nhưng dù vậy, không ai có thể phủ định được rằng: chỉ có bằng đòn "Tết Mậu thân", mới có thể làm lung lay tận gốc ý chí xâm lưỢc của Mỹ, mới khiến cho Mỹ rút khỏi miền Nam để tạo được thế trận "nhân" vào mùa Xuân 1975, đánh đổ chính quyền Sài Gòn sớm hơn dự định đến không ngờ, giảm được xương máu và của cải, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một mối. Làm nên kỳ tích đó, trong toàn bộ cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam (1954-1975), "Tết Mậu thân" đã kế thừa và phát huy truyền thống đánh giặc và nghệ thuật quân sự của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam.

Tải văn bài viết tại: Web NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ


[1] Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14, tháng 1 năm 1968.
[2] Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14, tháng 1 năm 1968.
[3] Mai-cơn Mác-li-a: Cuộc chiến tranh mười nghìn ngày. Sđd, tr.148.
[4] Lê Duẩn: Bài nói tại Hội nghị các bí thư tỉnh ủy miền Bắc, ngày 9 tháng 3 năm 1968. Dẫn theo Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập II (1954-1975), Nxb Chính trị quốc gia, H, 1995, tr.398.
[5] Vào cuối năm 1968, các cố vấn Mỹ xếp hạng 2 sư đoàn quân đội Sài Gòn vào loại "cực kỳ kém", 8 sư đoàn chỉ ở mức "có khá lên" và chỉ có 1 sư đoàn là "giỏi". Cần phải nói thêm rằng, năm 1968 là năm nạn đào ngũ trong quân đội Sài Gòn "lên cao chưa từng thấy" như nhận xét của Hê-ring và tình trạng đó tiếp tục gia tăng trong năm 1969.
[6] Đôn O-bớc-đoi-phơ: Tết, Sđd, tr.25.
[7] Dịp Tết Mậu thân, quần chúng nhân dân ở nhiều đô thị, đặc biệt là ở Sài Gòn và Huế, đã nổi dậy với nhiều hình thức trong điều kiện cuộc chiến diễn ra quyết liệt, dữ dội. Tựu trung, đó là việc ở nhiều khu phố, nhiều xóm thợ, nhân dân đã giải tán chính quyền cơ sở, giành quyền kiểm soát, truy bắt ác ôn, tiếp tế cho bộ đội, tải vũ khí, tải thương, cứu chữa và chăm sóc thương binh, dẫn đường cho bộ đội, kêu gọi binh lính Sài Gòn trở về với cách mạng... Trong một bài viết nhân dịp kỷ niệm tròn 30 năm Tết Mậu thân, tác giả Trần Bạch Đằng cho rằng, quần chúng nổi dậy, là một hiện tượng không bao giờ lặp lại; hiểu nổi dậy của quần chúng dịp Tết Mậu thân phải đặt nó trong bối cảnh xác định chứ không nên lấy những mô hình, những khuôn mẫu ở nơi khác hoặc dịp khác - chẳng hạn như trong Cách mạng Tháng Mười Nga, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 hoặc Đồng khởi năm 1960... làm tiêu chí soi xét. Tác giả Trần Bạch Đằng cho rằng, đến như sự đồng tình của nhân dân các đô thị đối với các đơn vị Quân giải phóng dịp Tết Mậu thân - ít nhất cũng không có thái độ thù địch, đã là một trong số những nhân tố khiến giới lãnh đạo nước Mỹ nản lòng; thất vọng. Còn Thượng tướng Trần Văn Trà khẳng định: không có sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân, không thể đánh theo kiểu Mậu thân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!