Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2014

LỰC LƯỢNG VŨ TRANG BA NƯỚC ĐÔNG DƯƠNG CHUNG CHIẾN HÀO CHỐNG MỸ (1954-1975)

PGS,TS. Hồ Khang
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
Đông Dương là vùng đất và không gian địa lý thống nhất trong đa dạng, nơi đây có ba dân tộc cùng tồn tại giao hòa, “tối lửa tắt đèn” có nhau. Trải qua năm tháng gian khổ chèo chống chinh phục thiên nhiên, đấu tranh sinh tồn, bảo vệ đất nước, tình hữu nghị giữa ba dân tộc Việt, Lào, Campuchia anh em không chỉ có từ rất sớm, mà còn hết sức bền chặt. Trên nền tảng đó, những năm kháng chiến chống Mỹ, quan hệ liên minh chiến đấu giữa lực lượng vũ trang ba nước tiếp tục được bồi đắp và phát triển, viết nên trang sử mới. Trên những chặng đường chông gai thấm đẫm mồ hôi, xương máu, Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, hội tụ và phát huy sức mạnh, kề vai, sát cánh với lực lượng vũ trang hai nước anh em chiến đấu cho độc lập, hòa bình.
1- Lực lượng vũ trang ba nước Đông Dương trước những thử thách mới
Sau 9 năm kháng Pháp, Hiệp định Geneve mang lại thắng lợi cho công cuộc giải phóng dân tộc ở Đông Dương, như­ng ở những mức độ khác nhau. Việt Nam có nửa đất nước được giải phóng nửa n­ước, đi lên chủ nghĩa xã hội. Chính quyền Viêng Chăn giành quyền kiểm soát đại bộ phận lãnh thổ Lào (10 tỉnh), được Mỹ ồ ạt viện trợ kinh tế, quân sự[1]. Lực lượng vũ trang Lào có vùng tập kết, đảng, lực l­ượng vũ trang và các tổ chức cách mạng được thừa nhận là một lực l­ượng, một đối trọng để tiến tới tổng tuyển cử thành lập chính phủ liên hiệp. Campuchia đ­ược công nhận độc lập, nhưng đảng, lực lượng vũ trang và các tổ chức kháng chiến không đ­ược coi là một thực thể tồn tại độc lập. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho tình hình Campuchia chứa đựng nhiều yếu tố bất trắc.
Ngay sau khi Pháp rút khỏi Đông Dương, chính sách của Mỹ ở Lào và Nam Việt Nam, Campuchia là chính sách can thiệp dưới những hình thức khác nhau. Lúc này, cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam Việt Nam có ảnh hưởng đến xu thế cách mạng ở Lào, Campuchia và ngược lại. Từ năm 1954 trở đi, Mỹ thành đối tượng chủ yếu của cách mạng Việt Nam, LàoCampuchia, nhân dân ba nước Đông Dương cùng bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ hết sức ác liệt.
Tiến hành chiến tranh Đông Dương, Mỹ triển khai các chiến l­ược quân sự liên quan chặt chẽ, nhưng với các biện pháp khác nhau, tùy theo tình hình, đặc điểm ở từng n­ước, với thời gian, địa điểm thích hợp; đồng thời, triệt để sử dụng vấn đề khác biệt dân tộc, tôn giáo, các khúc mắc lịch sử cũ…, để chia cắt, cô lập, từng b­ước khuất phục, đè bẹp phong trào đấu tranh ở từng nước. Mỹ dùng lãnh thổ nư­ớc này làm bàn đạp để ngăn cản sự chi viện, hỗ trợ, phối hợp giữa ba nư­ớc; đồng thời, tiến hành đan xen các kế hoạch chiến tranh khá linh hoạt, thường xuyên bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp.
 Nếu thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ba dân tộc Đông Dương đoàn kết, liên minh chiến đấu do một đảng lãnh đạo và từ năm 1951, mỗi n­ước có mặt trận thống nhất dân tộc hoạt động theo c­ương lĩnh riêng, thì trong kháng chiến chống Mỹ, tình hình đã hoàn toàn đổi khác. Sau Hiệp định Geneve, mỗi n­ước đã độc lập, có chủ quyền, được thế giới thừa nhận về pháp lý, có đư­ờng lối chính sách riêng, cuộc vận động cách mạng trong từng nư­ớc do từng đảng tiến hành theo c­ương lĩnh riêng, nhưng có sự phối hợp chung giữa ba đảng. Bước vào cuộc đụng đầu lịch sử, đứng trước nguy cơ độc lập, tự do bị đe dọa, yêu cầu tiếp tục củng cố, phát triển quan hệ liên minh đoàn kết chiến đấu Việt –Lào – Campuchia trở thành một yêu cầu khách quan, một nhu cầu tự thân. Như vậy, tình hình các nước trên bán đảo Đông D­ương đều phức tạp hơn tr­ước, liên minh đoàn kết chiến đấu giữa lực lượng vũ trang Việt Nam, Lào, Campuchia có những khó khăn mới, to lớn hơn, vai trò, trách nhiệm của QĐNDVN, vì thế, cũng nặng nề hơn.
Tình hình thực tế đặt ra cho Đảng Lao động Việt Nam, Quân ủy Trung ương những nhiệm vụ cốt tử trong xây dựng, củng cố liên minh đoàn kết chiến đấu Đông Dương: 1- Tập hợp lực l­ượng, xây dựng và phát triển lực lượng; 2- Sát cánh cùng lực lượng vũ trang Lào, Campuchia bảo vệ, mở rộng vùng giải phóng, tiến lên giành độc lập, thống nhất thực sự.
2- Ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển và trưởng thành
 Thi hành Hiệp định Geneve, thực hiện Hiệp định đình chiến ở Lào và Campuchia, lực lượng quân tình nguyện Việt Nam, lực lượng vũ trang cách mạng Lào, Campuchia khẩn trương chuẩn bị về mọi mặt, chuyển trọng tâm hoạt động phù hợp với tình hình.
Thực hiện điều khoản của Hiệp định Geneve, lực lượng quân tình nguyện Việt Nam rút khỏi Lào trong vòng 120 ngày, bộ đội Pa thét Lào chuyển quân tập kết về hai tỉnh Sầm Nưa và Phong Xa Lỳ. Theo yêu cầu của Chính phủ kháng chiến Lào, Đảng, Nhà nước Việt Nam quyết định để một bộ phận chuyên gia tiếp tục giúp đỡ cách mạng Lào, chuyển từ chế độ quân tình nguyện sang chế độ cố vấn quân sự bên cạnh các cấp ủy và các lãnh đạo của Lào từ Trung ương đến Khu.
Trên tinh thần giải phóng, bảo vệ đất nư­ớc là công việc của nhân dân mỗi n­ước, mỗi nước phải tự lo liệu, tự quyết định; đồng thời, coi trọng liên minh đoàn kết chiến đấu, “giúp bạn là tự giúp mình”, trong điều kiện Mỹ đẩy mạnh chuẩn bị lực lượng vũ trang để tấn công quân sự tiêu diệt lực lượng cách mạng Lào và Campuchia, từ năm 1954, Đảng Lao động Việt Nam, Bộ Tổng tham mưu QĐNDVN chủ trương chấn chỉnh bộ đội tình nguyện Việt Nam ở Lào; đồng thời, kiện toàn các đơn vị hiện có ở Campuchia, chuẩn bị tiến tới xây dựng các tiểu đoàn Miền[2]. Tháng 6-1954, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam hoàn thành Đề án công tác quân sự trước mắt ở Pathét Lào và Khơme. Đề án chú trọng xây dựng quân đội Pa thét Lào và quân giải phóng Khơme, coi đó là một vấn đề rất cấp bách Ngoài những nội dung về xây dựng lực lượng vũ trang Lào, đối với Campuchia, Đề án nêu rõ: “Hiện nay lực lượng quân đội giải phóng Khơme rất yếu, theo báo cáo thì có chừng 10 đại đội…(…); quân đội giải phóng Khơme chưa được khuếch trương đúng với khả năng và sự đòi hỏi của chiến trường”[3]; do vậy, cần tích cực xây dựng bộ đội giải phóng Khơme và xây dựng theo hướng “tăng cán bộ Việt Nam sang. Tích cực đào tạo và huấn luyện cán bộ Khơme”[4].
Thực hiện nhiệm vụ giúp Lào xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng từng bước vững mạnh, tháng 7-1954, Bộ Quốc phòng Việt Nam quyết định thành lập Đoàn cố vấn quân sự Việt Nam (mang phiên hiệu Đoàn 100). Cuối tháng 11-1954, Đoàn 100 xây dựng đề án tổ chức lực lượng giúp cách mạng Lào, đề xuất phương án xây dựng quân đội Pa-thét Lào với quy mô cao nhất là cấp tiểu đoàn, gồm cả các đơn vị bộ binh và trợ chiến. Đầu tháng 12-1954, Đề án được thông qua tại Hội nghị quân chính Lào do Bộ trưởng Quốc phòng Lào Kay Xỏn Phôm-vi-hẳn chủ trì.
Tháng 1-1955, Bộ Tổng tham mưu lập đề án tổ chức, bố trí và viện trợ bộ đội Pa-thét Lào. Theo đề án, bộ đội Pa-thét Lào được xây dựng thành 11 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn pháo binh, các đơn vị thông tin, vận tải, quân báo, công binh và cơ quan chỉ huy thuộc bộ đội chủ lực; bộ đội địa phương tổ chức thành từng đội ở cấp huyện[5]. Bên cạnh đó, song song với việc đấu tranh buộc đối phương thừa nhận nguyên tắc Ítxarắc là lực lượng yêu nước kháng chiến, QĐNDVN tích cực giúp Đảng cách mạng Campuchia xây dựng lực lượng vũ trang. Kết quả là trong một thời gian ngắn, đến tháng 6 -1955, Bộ đội Pa-thét Lào có “11 tiểu đoàn (1 tiểu đoàn pháo và 10 tiểu đoàn bộ binh), 8 đại đội trực thuộc, 3 đại đội độc lập và Bộ Quốc phòng. Tổng quân số 7.800 người (có 800 bộ đội địa phương)”[6]. Đến tháng 5-1957, “lực lượng vũ trang Bạn có 8 tiểu đoàn bộ binh và 1 tiểu đoàn trợ chiến, 6 đại đội và 9 trung đội trực thuộc; tổng quân số 7.700 người; tổ chức Đảng trong lực lượng vũ trang có 70 chi bộ, gồm 700 đảng viên (có 159 đảng viên chính thức)”[7]. Đối với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia, đến cuối năm 1954, đã tổ chức được 790.000 hội viên Ítxarắc, bộ đội Ítxarắc lên tới 6 đại đội địa phương và 53 trung đội du kích, vùng giải phóng Campuchia có địa thế tốt, đông dân, đầy đủ lương thực[8].
Từ năm 1960 đến năm 1965, trên phương hướng “xây dựng nhiều đơn vị chủ lực tập trung và một số đơn vị binh chủng kỹ thuật cần thiết, đồng thời tích cực xây dựng bộ đội địa phương và phát triển lực lượng du kích”[9], Bộ Tổng tham mưu QĐNDVN chủ trương “tích cực gấp rút phát triển và củng cố lực lượng vũ trang Lào, lấy Cánh Đồng Chum làm trung tâm, xây dựng và củng cố 6 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh của Pa-thét Lào, giúp Koong-le xây dựng 4 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh và các đơn vị trực thuộc[10]. Trên các hướng Sầm Nưa, Luông Pha Băng, Phông Xa Lỳ, mỗi nơi 1 đến 2 tiểu đoàn, Trung và Hạ Lào, xây dựng mỗi nơi 1 tiểu đoàn và một số đại đội độc lập của tỉnh.
Những năm 1961-1965, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh QĐNDVN xác định nhiệm vụ quốc tế trọng yếu là "giúp đỡ các lực lượng vũ trang cách mạng Lào về chuyên gia quân sự, đào tạo cán bộ; củng cố, xây dựng vùng giải phóng và phát triển lực lượng vũ trang của bạn. Khi bạn có yêu cầu, tổ chức bộ đội tình nguyện Việt Nam phối hợp chiến đấu với bộ đội bạn"[11]. Theo phương hướng đó, Bộ Tổng tham mưu quyết định biên chế thời chiến cho Sư đoàn 325, Lữ đoàn 341, Trung đoàn 224 thuộc Quân khu 4; Lữ đoàn 316, Lữ đoàn 335 và Trung đoàn 148 thuộc Quân khu Tây Bắc, sẵn sàng chi viện cho chiến trường miền Nam và chiến trường Lào. Tiếp đó, những năm 1964-1965, QĐNDVN giúp Lào xây dựng mới 3 tiểu đoàn pháo phòng không 37mm và 5 đại đội súng máy phòng không 12.7mm, bố trí chủ yếu ở Sầm Nưa, Cánh Đồng Chum và Trung Lào; huấn luyện 1.450 chiến sĩ mới ở Quân khu 4 và Quân khu Tây Bắc. Qua một thời gian phấn đấu nỗ lực không ngừng, lực lượng vũ trang Lào đã lớn mạnh về số lượng, trưởng thành về kinh nghiệm chiến đấu, sẵn sàng đảm đương sứ mệnh giải phóng Tổ quốc.
Với tinh thần “thắng lợi của nhân dân Khơme cũng là thắng lợi chung của nhân dân Việt Nam”, của khối liên minh nhân dân Khơme – Việt Nam – Pathét Lào đoàn kết chiến đấu, để tranh lại tự do độc lập của ba dân tộc anh em”[12], QĐNDVN nỗ lực giúp đỡ Campuchia xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng chỗ đứng chân, củng  cố quan hệ đoàn kết chiến đấu Việt – Miên. Quân tình nguyện Việt Nam giúp xây dựng bộ đội chủ lực, dân quân du kích, xây dựng hệ thống trường, lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chỉ huy, cán bộ tham mưu các binh chủng và một số ngành chuyên môn kỹ thuật, như bộ binh, pháo binh, công binh, đặc công, thông tin, cơ yếu, y tá, thợ sửa chữa quân giới… Tuy nhiên, dưới tác động của những yếu tố khách quan, chủ quan khác nhau, trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, công tác xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn.
3- Tạo lập thế đứng và chung tay xây dựng hậu phương chiến lược
Bước chân vào Đông Nam Á, không ngừng mở rộng ảnh hưởng tại khu vực, Mỹ nhận thức rõ mối liên kết gắn bó tự nhiên giữa nhân dân Đông Dương, hiểu rằng đó là một sức mạnh tiềm tàng, ẩn chứa những con sóng ngầm, nếu không ngăn chặn, sức mạnh ấy sẽ đặt dấu chấm hết cho những kế hoạch Mỹ đang theo đuổi. Vì thế, Mỹ luôn luôn đặt ba nước trong “một đơn vị chiến lược”, biến Đông Dương thành một chiến trường khốc liệt, lấy miền Nam Việt Nam là chiến trường chính. Chiến lược nhất quán của Mỹ là đồng thời dàn quân trên lãnh thổ cả ba nước, chia cắt, cô lập, làm suy yếu lực lượng vũ trang cách mạng mỗi nước.
Nhằm làm thất bại các tính toán của Mỹ, tạo và phát triển thế chủ động tiến công đối phương trên cả ba nước, cần phải có chỗ đứng chân vững chắc, xây dựng hậu phương chiến lược, đảm bảo hậu cần và tiếp tế, vận chuyển quân nhu, đạn dược tỏa đi khắp các mặt trận. Việc mở tuyến vận tải nối liền miền Bắc với chiến trường miền Nam và chiến trường Lào, Campuchia, vì thế, hết sức cấp thiết, rất khẩn trương, song cũng đầy khó khăn, thử thách cam go, ác liệt. Tháng 5-1959, Quân ủy Trung ương ra quyết định thành lập Đoàn 559 và tháng 7-1959 thành lập Đoàn 759 với nhiệm vụ mở đường Hồ Chí Minh trên đất liền và trên biển.
Xây dựng, phát triển tuyến đường Hồ Chí Minh thực chất là xây dựng căn cứ kháng chiến hết sức quan trọng, hậu phương chiến lược đặc biệt, có một không hai, trực tiếp gắn bó các chiến trường ba nước Đông Dương bằng hệ thống đường mòn huyết mạch len lỏi, trải dài cùng chuỗi kho tàng, căn cứ vận chuyển. Con đường mòn – hậu phương độc đáo ấy được Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tham mưu tính toán vắt qua Tây Trường Sơn trên đất Lào và đi qua lãnh thổ Đông Bắc Campuchia. Cùng với quân và dân Lào, Campuchia, QĐNDVN nhanh chóng triển khai các đơn vị công binh, giao liên, kho tàng, trạm sửa chữa, cơ sở sản xuất…; đồng thời làm chức năng của lực lượng vũ trang địa phương chiến đấu bảo vệ địa bàn. Không quản gian khổ, nhân dân và lực lượng vũ trang ba nước Đông Dương đã từng bước mở rộng vùng giải phóng dọc tuyến hành lang, tạo ra sự liên hoàn vững chắc giữa tuyến vận tải chiến lược với các chiến trường.
Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh thực sự là con đường huyền thoại, một “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm” nối liền và chuyển vận toàn bộ sức mạnh tiềm tàng và to lớn từ hậu phương ra tiền tuyến, đi tới các chiến trường quan trọng của ba nước Đông Dương. Ở đó, vừa có lực lượng vũ trang Việt Nam, vừa có lực lượng vũ trang Lào, Campuchia  phân công phối hợp giữ vững vùng trời, vùng đất cho hệ thống giao thông thông suốt trong chiến tranh. Không có con đường Trường Sơn lịch sử - căn cứ địa dựa lưng vững chắc của ba nước Đông Dương, khó có thể bảo đảm sự chi viện, hỗ trợ liên minh chiến đấu giữa ba dân tộc trong điều kiện chiến tranh ác liệt, trong hoàn cảnh các chiến trường xa nhau, mà đối phương thì luôn luôn tìm mọi cách chia cắt, cô lập từng chiến trường.
Trải qua 16 năm kể từ ngày đầu soi đường, mở lối cho đến khi kết thúc chiến tranh, chiến trường Trường Sơn đã phải đương đầu với sự ngăn chặn khốc liệt, tàn bạo, bằng nhiều lực lượng, nhiều loại phương tiện chiến tranh và vũ khí hiện đại của đối phương. Nơi đây, suốt 16 năm, đã diễn ra cuộc chiến tranh ngăn chặn và chống ngăn chặn giữa quân và dân ba nước Đông Dương với cỗ máy quân sự khổng lồ của Mỹ.  Đây không đơn thuần là con đường mòn, nó là cả một luồng tư tưởng, là khát vọng, ý chí và sức sống mãnh liệt của ba dân tộc quật cường đã “chung lưng, đấu cật” cùng đi hàng thế kỷ đấu tranh chống áp bức.
Bền bỉ băng qua núi cao, sông sâu, dốc đèo thẳng đứng, vượt qua những đánh phá, ngăn chặn khốc liệt của đối phương, chiến trường Trường Sơn –Đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành trọng trách nặng nề của mình, trở thành biểu tượng của tình đoàn kết, gắn bó liên minh giữa ba nước Đông Dương trong cuộc chiến đấu chung trên một chiến trường thống nhất, ở đó ghi đậm dấu ấn hy sinh cao cả của ba dân tộc.
4- Kề vai, sát cánh chiến đấu vì độc lập, tự do
Giữa năm 1959, Mỹ đã bắt đầu thực hiện chiến lược chiến tranh đặc biệt ở Lào. biến Lào thành lá chắn ngăn chặn ảnh hưởng của phong trào giải phóng dân tộc sang khu vực phía Tây sông Mê Công, trước hết là Thái Lan. Ở Campuchia, chính quyền Vương quốc tiếp tục đi theo con đường hoà bình trung lập, song, từ năm 1960, Mỹ và chính quyền Sài Gòn ra sức phá hoại nền hòa bình trung lập của Campuchia, sử dụng quân đội các nước có chung đường biên giới mở nhiều cuộc tiến công xâm nhập lãnh thổ. Ở miền Nam Việt Nam, phong trào Đồng khởi phát triển đã chuyển cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công. Trong cao trào cách mạng, ngày 20 -12 -1960, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ra đời, đánh dấu một thời kỳ mới - thời kỳ cách mạng miền Nam chuyển hẳn sang thế tiến công mạnh mẽ, rộng khắp và liên tục.
Bước vào Xuân Hè năm 1960, nắm bắt, phân tích cục diện chiến trường, trên mặt trận Lào, Quân tình nguyện Việt Nam cùng lực lượng Pa thét Lào mở các chiến dịch cánh đồng Chum- Xiêng Khoảng (1961), Nậm Thà (1962), đường số 8, đường 12 (1963), Nậm Bạc (1968), cánh đồng Chum (1964, 1969)… Bộ đội tình nguyện Việt Nam chủ động phối hợp với lực lượng vũ trang yêu nước Lào đẩy mạnh tác chiến ở khu vực hành lang phía Tây Trường Sơn, tổ chức nhiều đợt chiến đấu giải phóng Mường Phìn, Bản Đông (1960- 1961), Đường 12, từ Mụ Dạ đến đường 9 (1962- 1963), Pha Lam- Đồng Hến (1964-1965)… Các chiến dịch trên cùng hàng loạt trận chiến đấu của liên quân Lào- Việt đã đánh bại từng bước cuộc “chiến tranh đặc biệt” rồi “chiến tranh đặc biệt phát triển cao” của Mỹ ở Lào, làm nao núng tinh thần quân đội Mỹ.
Trên chiến trường Campuchia, những cuộc phản công chiến lược phối hợp giữa QĐNDVN và lực lượng vũ trang Khơme đã đánh bại lực lượng lớn quân Mỹ và quân đội Sài Gòn (4-1970), tiếp đó làm phá sản các cuộc hành quân như Chen La I (6-1970), Toàn thắng (2-1971), Chen La II (8-1971).... Những thắng lợi liên tiếp, ròn rã đẩy quân Mỹ vào thế bất lợi, đánh bại một bước các kế hoạch chiến tranh của đối phương, tạo thế và lực cho cách mạng Campuchia. Phối hợp với cách mạng Việt Nam, trong những thời điểm lực lượng vũ miền Nam gặp khó khăn (đặc biệt những năm 1968 -1970), Quân đội hoàng gia và lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia tích cực giúp Quân giải phóng Việt Nam đứng chân an toàn trên địa bàn Campuchia.
Từ năm 1969, đáp trả các hoạt động quân sự của Mỹ đưa chiến tranh đặc biệt ở Lào lên một bước mới, bộ đội tình nguyện Việt Nam cùng với lực lượng Pa thét Lào tổ chức chiến dịch cánh đồng Chum (1970, 1972), đường 9 - Nam Lào (1971), giải phóng Atôpơ, cao nguyên Bôlôven, Saravan…. mở ra một vùng căn cứ rộng lớn, vững chắc, liên hoàn kéo dài từ Nam Lào, Tây Trị - Thiên, Đông Nam Bộ (Việt Nam) đến Biển Hồ (Campuchia). Các chiến dịch trên tạo ra những bước nhảy vọt cho chiến tranh cách mạng Lào, đồng thời hỗ trợ đắc lực, tạo thời cơ thuận lợi cho các bước chuyển biến của chiến tranh cách mạng ở Việt Nam.
Những thắng lợi to lớn cả về chính trị, quân sự, ngoại giao, đặc biệt là quân sự trên chiến trường ba nước Đông Dương đã buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris (27-1-1973) rút quân khỏi Việt Nam, ký Hiệp định Viên Chăn về Lào (22-2-1973).
Không ngừng tiến công đối phương đều khắp trên cả ba chiến trường, từ đó phát triển thế chủ động chiến lược trên từng chiến trường, hình thành thế chiến lược tiến công chung trên toàn Đông Dương, lực lượng vũ trang ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia dẫn dắt cuộc chiến tranh chuyển động theo ý đồ của mình, giam chân, làm đối phương sa lầy, bế tắc. Sự phối hợp tác chiến quân sự giữa QĐNDVN và lực lượng vũ trang Lào, Campuchia ngày càng có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, ảnh hưởng quyết định đến cục diện cuộc chiến, nhất là vào giai đoạn cuối cuả cuộc chiến.
Chớp thời cơ, Tháng 4-1975, QĐNDVN và lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia giành thắng lợi hoàn toàn, giải phóng đất nước. Ngày 8-5-1975, Quân ủy Trung ương và Bộ Chỉ huy tối cao Lào lệnh cho các lực lượng vũ trang nhanh chóng tấn công, chiếm lĩnh những địa bàn quan trọng. Đến giữa năm 1975, quân và dân Lào đã giành được chính quyền ở 13 tỉnh và 4 thành phố. Ngày 29-11-1975, nhà vua Lào tuyên bố thoái vị, chấm dứt chế độ quân chủ ở Lào. Ngày 2 -12 -1975, nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào được thành lập. Đông Dương hoàn thành công cuộc dân tộc giải phóng, các dân tộc trên bán đảo Đông Dương bước vào một chặng đường mới, hòa nhịp cùng khu vực, thế giới và thời đại.
*                  *
*

Qua gần 21 năm cùng “đồng cam, cộng khổ” tiến hành kháng chiến, sự cố gắng nỗ lực và hy sinh xương máu của lực lượng vũ trang ba nước Đông Dương đã được đền đáp xứng đáng. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ trên bán đảo Đông Dương là thắng lợi của tình đoàn kết chiến đấu giữa quân dân ba nước, của mối quan hệ đặc biệt đã có từ lâu trong lịch sử, được thử thách, tôi rèn trong trường kỳ đấu tranh vì hòa bình, độc lập, tự do.
Đi qua những “đắng cay, ngọt bùi”, đi qua chông gai, mất mát của chiến tranh, sát cánh trong chiến hào chống Mỹ, lực lượng vũ trang ba nước Đông Dương thủy chung trước sau như một vun đắp, gìn giữ quan hệ gắn bó keo sơn, sâu đậm. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, như “lửa đã thử vàng”, tình cảm đặc biệt, sắt son  giữa lực lượng vũ trang ba nước Đông Dương là nền tảng vững chắc cho quan hệ đoàn kết và hợp tác ở thời kỳ hiện tại trên nguyên tắc thực sự tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, thực hiện hoà bình, hữu nghị, bình đẳng và hợp tác phát triển cùng có lợi, tuân theo xu thế, quy luật khách quan. Trên cơ sở đó, Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục đóng góp, vun đắp cho tình hữu nghị bền vững Việt Nam –Lào-  Campuchia.








[1] Trong 20 năm (1955-1975), Mỹ đã viện trợ vào Lào gần 4 tỷ đôla, trong đó viện trợ quân sự chiếm 3 tỷ đôla. Giai đoạn 1955 - 1961, viện trợ bình quân mỗi năm 220 triệu đôla; 1962-1971 bình quân 220 triệu đôla và giai đoạn 1972 - 1975 bình quân mỗi năm 260 triệu đôla (Nguồn: Nguyễn Hùng Phi - TS Buasi Chalơnsúc: Lịch sử Lào hiện đại, Tập II, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.28-29).
[2] Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, phông Ban Lào - Miên, số 73, Mục lục số 1, ĐVBQ số 102, tờ 38-40,
[3] Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng Việt Nam, phông Quân ủy Trung ương, hồ sơ số 114.
[4] Tlđd.
[5] Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Bộ Tổng tham mưu, hồ sơ số 203.
[6] Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Cục Tác chiến, hồ sơ số 118.
[7] Sổ công tác của đại tướng Văn Tiến Dũng, bản đánh máy, sao trích quyển số 7, lưu tại Ban Tổng kết lịch sử, Bộ Tổng tham mưu.
[8] Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phông Ban Chấp hành Trung ương khóa II, số 11, Mục lục số 2, ĐVBQ số 501.
[9] Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Quân ủy Trung ương, phông Bộ Tổng tham mưu, hồ sơ số 577.
[10] Trung tâm lưu trữ Quốc phòng, phông Cục Tác chiến, hồ sơ số 250.
[11] Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, Tập II, Quyển một, Nxb Quân đội nhân dân, H. 1988, tr. 131.
[12] Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chúc mừng nhân ngày độc lập của nước Khơme tự do, Báo Nhân Dân (Việt Nam), số 196, từ ngày 19 đến ngày 21-6-1954.

1 nhận xét:

  1. Với Lào thì rõ, còn với Campuchia từ sau khi CAMPUCHIA giành độc lập 11-1953 đến đầu năm 1970, không rõ có văn bản nào giữa hai bên về việc quân tình nguyện Việt Nam hoạt động trên đất Campuchia không nhỉ, và nếu có thì với lực lượng Khơme Itxarắc hay với quân đội hoàng gia? Xihanúc nói đại ý không phản đối cộng sản Việt Nam miễn là họ (qđvn) đừng có mặt trên đất Campuchia.

    Trả lờiXóa

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!