Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

QUÂN TÌNH NGUYỆN VIỆT NAM SÁT CÁNH VỚI NHÂN DÂN LÀO ANH EM TRÊN NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ

PGS,TS. Hồ Khang
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
Là những nước có chung đường biên giới, có vị trị địa lý kề cận, có những nét lịch sử - văn hóa tương đồng, Việt Nam, Lào sớm có mối quan hệ mật thiết gắn bó máu thịt. Tình đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Lào không chỉ có từ rất sớm, mà còn khá bền chặt. Trong những năm tháng đấu tranh vì sự nghiệp độc lập, tự do và xây dựng đất nước, trên tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình”, Quân tình nguyện Việt Nam luôn trước sau thủy chung kề vai, sát cánh cùng nhân dân Lào vững bước vượt qua mọi thách thức, khó khăn, góp phần củng cố và phát triển vững chắc tình hữu nghị giữa hai dân tộc anh em.

1- Ngược dòng thời gian 
Gần một thế kỷ dưới ách thống trị của thực dân Pháp, hai dân tộc Việt – Lào đã gắn bó với nhau trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung. Có chung cảnh ngộ mất độc lập, tự do, từ rất sớm, tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân Việt Nam và Lào được hình thành như một lẽ tự nhiên tất yếu, nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào đã tự nguyện liên kết nổi dậy đấu tranh chống thực dân Pháp với những hình thức khác nhau[1].
Tháng 2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và tháng 10-1930, đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương, nhận trách nhiệm lãnh đạo cách mạng Đông Dương, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong phong trào đấu tranh nơi đây. Nghị quyết Hội nghị tháng 10-1930 xác định phải khuếch trương phong trào cách mạng cho đều khắp các xứ Đông Dương, nhân dân Đông Dương cần đoàn kết chống ách thống trị của thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc. Trên nguyên tắc “dân tộc Việt Nam đoàn kết chặt chẽ với dân tộc Miên, Lào thì sức mạnh đủ đánh tan thực dân Pháp”[2], những người cộng sản Đông Dương đã nhanh chóng xây dựng và củng cố liên minh đoàn kết chiến đấu giữa các dân tộc đảo Đông Dương.
Cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam và Lào càng trở nên gắn bó, khi Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (5-1941) khẳng định: “Cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện nay là một cuộc cách mạng dân tộc giải phóng”; chỉ rõ lúc này vấn đề đấu tranh không phải là giải phóng riêng rẽ từng xứ, mà các dân tộc Đông Dương phải thành lập các đoàn thể phản đế để đi đến thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương. Hội nghị Trung ương lần thứ 8 quyết định thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (Việt minh) đồng thời chủ trương hết sức giúp đỡ Lào tổ chức Ai Lao độc lập đồng minh.
Tháng 3-1945, khi Nhật đảo chính Pháp, ở Việt Nam dấy lên cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ. Cao trào kháng Nhật cứu nước ở Việt Nam đã tác động và cổ vũ mạnh mẽ các lực lượng yêu nước Lào đang đấu tranh vì quyền độc lập tự do thiêng liêng. Tháng 8-1945, Việt Nam Tổng khỏi nghĩa thắng lợi. Cùng thời gian đó, nhân dân Lào đã tiến hành giành chính quyền ở một số thành phố, thị xã như Viêng Chăn, Thà Khẹc, Xa vẳn na khệt, Sầm Nưa, Luông Pha băng. Tháng 9-1945, tổ chức Lào Ítxala và Việt kiều yêu nước nhất trí thành lập Liên quân Lào – Việt đặt dưới sự chỉ huy của một Bộ tham mưu chung do Quản Xỉng và Vũ Hữu Bỉnh đứng đầu, các Ủy ban phòng thủ Lào – Việt cũng được tổ chức ở các địa phương. Đây là cơ sở quan trọng đầu tiên, thuận lợi cho việc Quân tình nguyện Việt Nam sang giúp đỡ nhân dân Lào sau này trong cuộc chiến đấu bảo vệ nền độc lập.
2- Kề vai, sát cánh cùng nhân dân Lào đấu tranh vì độc lập, tự do và xây dựng đất nước
Các nước Đông Dương độc lập chưa bao lâu, thực dân Pháp đã nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, Phnôm pênh, xúc tiến xâm lược Lào, mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Đông Dương.
Sau khi Chính phủ lâm thời Ítxala được thành lập[3], ngày 14-10-1945, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức công nhận Chính phủ độc lập Lào, thiết lập quan hệ ngoại giao với Nhà nước Lào. Ngày 16-10-1945, hai nước ký kết Hiệp ước tương trợ Việt Nam – Lào, lấy đó làm cơ sở ký Hiệp định thành lập Liên quân Lào – Việt Nam (30-10-1945) do Hoàng thân Xuphanuvông làm Tổng chỉ huy.
Sớm xác định “Đông Dương là một chiến trường, chiến đấu theo một chiến lược chung”, ngày 25-11-1945, Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị "Kháng chiến kiến quốc", chủ trương thống nhất Mặt trận Việt - Miên - Lào, thành lập Bộ Tư lệnh Lào - Miên. Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương chỉ thị cho Xứ ủy Lào đẩy mạnh võ trang tuyên truyền vận động quần chúng, phát triển chiến tranh du kích, “đặng bao vây lại quân Pháp ở những nơi sào huyệt của chúng và quét sạch chúng khỏi đất Lào”[4]. Để đối phó với kế hoạch đánh chiếm các cứ điểm trên các trục đường chính của Lào nối liền một số thị xã, Liên quân Lào – Việt đã được tổ chức ở nhiều nơi[5] và đến đầu năm 1947, nhiều tỉnh thuộc chiến khu IV Việt Nam đã tổ chức Ban Biên chính để liên hệ, phối hợp và giúp đỡ các địa phương Lào kề cận đẩy mạnh đấu tranh. Đầu năm 1948, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương phân công Tổng tư lệnh quân đội Võ Nguyên Giáp chỉ đạo công tác giúp cách mạng Lào thành lập căn cứ địa, khu giải phóng, phát triển lực lượng vũ trang, xây dựng và củng cố, phát triển chính quyền... Ny 30-10-1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định tổ chức các lực lượng quân sự Việt Nam được cử sang giúp Lào chiến đấu thành hệ thống riêng, lấy tên là Quân tình nguyện.
Thực hiện nhiệm vụ quốc tế ở Lào, cán bộ và quân tình nguyện Việt Nam đã giúp đỡ nhân dân Lào xây dựng cơ sở chính trị và vũ trang quần chúng, phát động chiến tranh du kích rộng khắp. Thực hiện chủ trương đẩy mạnh chi viện quân sự cho các chiến trường Lào, riêng năm 1951, lực lượng cán bộ và bộ đội Việt Nam chi viện cho chiến trường Lào tăng lên đến 12.000 người.
Những năm 1953-1954, phối hợp với quân dân Lào, bộ đội Việt Nam mở chiến dịch Thượng Lào, Phong Xa Lỳ, Trung và Hạ Lào. Thắng lợi của những chiến dịch này đã nối thông hậu phương kháng chiến của cách mạng Lào với vùng tự do của cách mạng Việt Nam, mở rộng vùng giải phóng sau lưng Sài Gòn; đánh thông đường chiến lược Bắc – Nam Đông Dương; giành địa bàn chiến lược Tây Nguyên, làm phá sản kế hoạch Nava của Pháp, buộc Pháp phải rút về cố thủ tại Điện Biên Phủ.
Điện Biên Phủ thất thủ và những thắng lợi liên tiếp trên mặt trận quân sự đã tạo đà để Việt Nam và Lào giành thắng lợi trên mặt trận ngoại giao, buộc Pháp phải ký Hiệp định Geneve. Một giai đoạn quan trọng trong lịch sử hợp tác chiến đấu dành và giữ độc lập của hai dân tộc Việt – Lào đã kết thúc thắng lợi. Tuy nhiên, là kết quả của một cuộc hoà giải không vững chắc, các giải pháp của Hội nghị Geneve đã tạo kẽ hở cho Mỹ vào Đông Dương. Sau khi Pháp rút khỏi Đông Dương, chính sách của Mỹ ở Nam Việt Nam và Lào là chính sách can thiệp và xâm lược thông qua những kế hoạch và chiến lược chiến tranh khác nhau. Từ năm 1954 trở đi, đế quốc Mỹ trở thành đối tượng chủ yếu của cách mạng Việt Nam và Lào; nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào cùng bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ hết sức ác liệt. Có chung một kẻ thù, tình đoàn kết, quan hệ chiến đấu keo sơn giữa nhân dân Việt Nam và Lào thời kỳ chống thực dân Pháp, nay cùng chung chiến hào chống Mỹ, tiếp tục được kế thừa, nâng lên và phát triển.
Thực hiện điều khoản trong Hiệp định Geneve, lực lượng quân tình nguyện Việt Nam sẽ rút khỏi Lào trong vòng 120 ngày, lực lượng Pa thét Lào hoàn thành việc chuyển quân tập kết về hai tỉnh Sầm Nưa và Phong Xa Lỳ[6]. Trong điều kiện Mỹ đẩy mạnh chuẩn bị lực lượng vũ trang để tấn công quân sự hai tỉnh tập kết nhằm tiêu diệt lực lượng Pa thét LàoTheo yêu cầu của Chính phủ kháng chiến Lào, Đảng và Nhà nước Việt Nam quyết định để lại một bộ phận chuyên gia tiếp tục giúp đỡ cách mạng Lào, chuyển từ chế độ quân tình nguyện sang chế độ cố vấn quân sự bên cạnh các cấp ủy và các đồng chí chủ trì của Lào từ Trung ương đến khu[7].
Nhằm giúp nhân dân Lào xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng từng bước vững mạnh, đảm bảo việc thực hiện Hiệp định Geneve, tháng 10-1954, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam chủ trương chấn chỉnh bộ đội tình nguyện Việt Nam. Trên tinh thần không tổ chức thêm lực lượng mà chỉ kiện toàn các đơn vị hiện có ở các địa bàn Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, Luông Pha Băng, Viêng Chăn, Bộ Tổng tham mưu tiến hành chỉnh huấn chính trị, quân sự, sắp xếp kiện toàn đội ngũ cán bộ, kiện toàn cơ quan chỉ huy và phân chia lại các khu vực chỉ huy Quân tình nguyện Việt Nam cho thích hợp. Thi hành Hiệp định Geneve và Hiệp định đình chiến ở Lào, các lực lượng quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang Lào Ítxala khẩn trương chuẩn bị về mọi mặt, chuyển trọng tâm hoạt động phù hợp với tình hình cách mạng.
Từ giữa năm 1959, Mỹ bắt đầu thực hiện chiến lược chiến tranh đặc biệt ở Lào. Trên chiến trường Đông Dương, bước vào Xuân Hè năm 1960, một cục diện mới đã xuất hiện. Phong trào Đồng khởi miền Nam Việt Nam góp phần đưa cách mạng Đông Dương từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công. Trong thế phát triển chung của cách mạng Đông Dương, trên chiến trường Lào, Quân tình nguyện Việt Nam cùng lực lượng Pa thét Lào đã mở chiến dịch cánh đồng Chum- Xiêng Khoảng (1961), Nậm Thà (1962), đường số 8, đường 12 (1963), Nậm Bạc (1968), cánh đồng Chum (1964, 1969)… Bộ đội tình nguyện Việt Nam chủ động phối hợp với lực lượng vũ trang yêu nước Lào đẩy mạnh tác chiến ở khu vực hành lang phía Tây Trường Sơn, xây dựng, củng cố và không ngừng mở rộng tuyến đường Trường Sơn, bất chấp sự đánh phá, ngăn chặn quyết liệt của đối phương. Để bảo vệ và mở rộng tuyến đường, Bộ đội tình nguyện Việt Nam lực lượng Pa thét Lào đã tổ chức nhiều đợt chiến đấu giải phóng Mường Phìn, Bản Đông (1960- 1961), Đường 12, từ Mụ Dạ đến đường 9 (1962- 1963), Pha Lam- Đồng Hến (1964- 1965
Từ năm 1969, Mỹ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quân sự, đưa chiến tranh đặc biệt ở Lào lên một bước mới với sự tham gia của lực lượng không quân Mỹ, đồng thời tiến hành chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh ở Việt Nam, hy vọng cản trở sự phối hợp chiến đấu giữa Việt Nam và Lào. Đáp trả, bộ đội tình nguyện Việt Nam cùng với lực lượng Pa thét Lào tổ chức chiến dịch cánh đồng Chum (1970, 1972), đường 9- Nam Lào (1971), giải phóng Atôpơ, cao nguyên Bôlôven, Saravan…. Các chiến dịch trên cùng hàng loạt trận chiến đấu của liên quân Lào- Việt không những đã đánh bại từng bước cuộc “chiến tranh đặc biệt” rồi “chiến tranh đặc biệt phát triển cao” của Mỹ ở Lào, tạo những bước nhảy vọt cho chiến tranh cách mạng bạn, mà đồng thời hỗ trợ to lớn, đắc lực, tạo thời cơ thuận lợi cho các bước chuyển biến của chiến tranh cách mạng ở Việt Nam. Những thắng lợi to lớn cả về chính trị, quân sự, ngoại giao, đặc biệt là quân sự trên chiến trường ba nước Đông Dương đã buộc Mỹ phải ký hiệp định Pa-ri (27-1-1973) rút quân khỏi Việt Nam, ký hiệp định Viên Chăn về Lào (28-2-1973).
Tháng 12-1973, tại cuộc hội đàm giữa hai đoàn đại biểu cấp cao Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào, hai Đảng đã thống nhất đưa các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam đứng chân ở tuyến sau, giúp bảo vệ, giữ vững vùng giải phóng, hỗ trợ cho bộ đội giải phóng Lào chiến đấu ở phía trước. Thực hiện chủ trương trên, Việt Nam từng bước rút chuyên gia ở tỉnh và huyện về nước (rút trước tháng 5-1974); đồng thời, điều chỉnh các lực lượng chuyên gia và quân tình nguyện còn lại để phối hợp và giúp Lào thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.
Sau ngày giải phóng hoàn toàn đất nước, tình hình chính trị của Lào rất phức tạp, các lực lượng chống đối trỗi dậy, quấy phá, làm cho tình hình chính trị của Lào luôn căng thẳng. Trước tình hình đó, tháng 12-1976, Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Lào chính thức yêu cầu bộ đội Việt Nam trở lại hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân Lào ổn định tình hình an ninh trật tự. Với tinh thần đó, ngày 22-9-1977, Hiệp định hợp tác phòng thủ giữa hai Bộ Quốc phòng Việt Nam và Lào được ký kết, hợp pháp hóa về mặt pháp lý quốc tế cho sự có mặt của quân đội Việt Nam trên đất nước Lào. Quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục kề vai, sát cánh cùng nhân dân Lào xây dựng và bảo vệ đất nước cho đến năm 1987 mới rút hết về nước, hoàn thành trách nhiệm lịch sử của mình.
 Đánh giá cao những cống hiến và nhằm thể hiện sự khen ngợi chân thành đối với những người đã cống hiến trí tuệ, sức  lực, mồ hôi, xương máu, tuổi trẻ ủng hộ sự nghiệp cách mạng của nhân dân Lào, cho đến năm 2007, Nhà nước Lào đã tiến hành 15 đợt khen thưởng, trao các huân chương, danh hiệu cao quý cho chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam.
3- “Ôn cố tri tân”
Đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa các dân tộc Đông Dương là một yêu cầu khách quan, là quy luật sống còn của các dân tộc Đông Dương, trong đó tình đoàn kết chiến đấu Việt – Lào hết sức đặc biệt. Suốt chiều dài hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, liên minh, phối hợp chiến đấu với quân và dân Lào luôn được Đảng, Nhà nước Việt Nam coi trọng và thực hiện nhất quán. Trong những bước ngoặt của kháng chiến, liên minh, phối hợp chiến đấu giữa Việt Nam và Lào góp phần tạo ra cục diện mới có lợi cho cách mạng Đông Dương. Phối hợp hành động với quân và dân Lào, Quân tình nguyện Việt Nam đã đóng góp tích cực vào những thắng lợi to lớn trong chiến đấu bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng đất nước của hai dân tộc Việt – Lào.
Ngày nay, trong tình hình mới với những điều kiện lịch sử cụ thể của mỗi nước, vấn đề đoàn kết và hợp tác giữa hai dân tộc Việt - Lào lẽ đương nhiên cần được giải quyết trên nguyên tắc mới, phù hợp với lợi ích chính đáng của nhân dân mỗi nước cũng như sự ổn định, hoà bình trong khu vực và trên thế giới. Để quan hệ đặc biệt Việt – Lào luôn bền chặt, phát huy hiệu quả ở hiện tại, soi rọi từ quá khứ, có thể đúc rút một vài kinh nghiệm lịch sử như sau:
Thứ nhất, dù Lào và Việt Nam thống nhất trong mục tiêu chống kẻ thù chung, song Việt Nam và Lào đều là những quốc gia độc lập. Vì thế, giúp đỡ nhân dân Lào vì lợi ích của mỗi nước cũng như vì lợi ích chung của hai nước cần tuân thủ nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, độc lập, tự chủ của Lào, đồng thời giữ quan hệ bình đẳng, nêu cao tinh thần quốc tế, luôn ý thức “giúp bạn là tự giúp mình”. Những nguyên tắc này phải được thấm nhuần, quán triệt từ trong tư duy, nhận thức cho tới hành động.
Thứ hai, để sự giúp đỡ đối với nhân dân Lào phát huy tối đa tác dụng, đạt kết quả cao, cần thấy rõ những đặc điểm, điều kiện cụ thể của Lào, của quân đội Lào, từ đó đưa ra những biện pháp phối hợp hành động phù hợp. Đặc biệt, phải luôn phát huy nỗ lực chủ quan, chủ động giành phần khó về mình. Luôn luôn duy trì các hình thức trao đổi, bàn bạc tập thể với lãnh đạo Lào một cách thường xuyên, để hai bên nắm vững, hiểu rõ phương hướng chỉ huy, nhiệm vụ và kế hoạch hành động, nhất trí, đồng thuận cao trong công tác.
Thứ ba, các cán bộ và lực lượng quân tình nguyện Việt Nam tham gia công tác, hoạt động trên đất Lào cần có sự hiểu biết, chấp hành đầy đủ, nghiêm chỉnh các đường lối, chính sách của Lào; tôn trọng phong tục tập quán của Lào cũng như chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách và kỷ luật chính trị của Nhà nước Việt Nam, Nhà nước Lào. Điều đó cho phép tránh các vấp váp, hiểu lầm không cần thiết, tránh sự kích động tinh thần dân tộc hẹp hòi từ phía các lực lượng chống đối nhằm chia rẽ và làm suy yếu quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt – Lào.
Thứ tư, trong công tác giúp đỡ nhân dân Lào, bên cạnh việc ra sức thực hiện nhiệm vụ đã đề ra, phải hết sức chú trọng giúp Lào phát triển lực lượng, củng cố thực lực mọi mặt theo yêu cầu và chủ trương của Lào, tăng cường khả năng tự lực cánh sinh của Lào. Bên cạnh đó, cần chú trọng tổng kết kinh nghiệm các mặt công tác, đặc biệt là công tác quân sự, công tác vận động quần chúng, tìm hiểu sâu những đặc điểm và quy luật của đấu tranh cách mạng ở Lào.
Như vậy, đi qua những “đắng cay, ngọt bùi”, sát cánh cùng nhân dân Lào trên những chặng đường chiến tranh chông gai, hay xây dựng trong hòa bình, Quân tình nguyện Việt Nam đã luôn nỗ lực chiến đấu, “thương người như thể thương thân”, coi độc lập, tự do của Lào như của chính Việt Nam. Đó chính là biểu hiện cao đẹp của nghĩa tình Việt – Lào thủy chung son sắt, trước sau như một, “tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”. Trải qua những vận động thăng trầm của lịch sử, quan hệ Việt – Lào thêm gắn bó keo sơn. Sự gắn bó ấy được thử thách, tôi rèn trong trường kỳ đấu tranh vì mục tiêu hòa bình, độc lập, tự do, phồn vinh và phát triển. Đó cũng là quan hệ hợp tác, giúp đỡ hai chiều, “giúp bạn là tự giúp mình” như “lửa đã thử vàng”. Trên nền tảng ấy, tình hữu nghị đặc biệt Việt – Lào trường tồn mãi với thời gian, như ngọn lửa ấm áp nghĩa tình soi sáng những chặng đường cùng “đồng cam cộng khổ” của hai dân tộc anh em trước đây cũng như hiện nay và mãi mãi về sau.






[1] Ở Việt Nam, có phong trào Cần Vương (1885-1895) – phong trào xây dựng nhiều căn cứ ở vùng núi giáp biên giới Việt – Lào. Ở Lào, có phong trào chống Pháp ở Áttapư do ông Khi Volảlạt lãnh đạo (1900-1901) hòa chung với phong trào Phùmibun ở Trung Lào của Phò Càđuột (1901-1902) và cuộc khởi nghĩa ở Hạ Lào do ông Kẹo, ông Cômmađăm lãnh đạo (1901-1937). Các cuộc khởi nghĩa đã có sự liên kết với các cuộc nổi dậy chống Pháp của bộ tộc Xơ đăng ở Kon Tum năm 1918, của người Mông ở Tây Bắc Việt Nam do Chậu Phạpắtchây lãnh đạo, lan rộng ra ở nhiều tỉnh Bắc Lào và Tây Bắc Việt Nam. Mặc dù phát triển khá mạnh mẽ, nhưng cuối cùng những cuộc khởi nghĩa này vẫn thất bại.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam:  Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tập 1. tr 532.
[3] Ngày 10-10-1945, Chính phủ Lào Ítxalạ được thành lập do Hoàng thân Phết xa rạt đứng đầu, ông Khăm Mạo Vilay làm Thủ tướng, đến ngày 12-10-1945 Đại hội dân chúng Lào bầu ra Chính phủ Lào độc lập, thông quan Hiến pháp, tuyên bố nền độc lập của Lào.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2003), Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 27, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.32.
[5] Các đơn vị bộ đội địa phương (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị) được điều động lên hoạt động tại vùng giáp biên giới Việt – Lào; xây dựng lực lượng ở các thành phố, thị xã ở Lào. Tại Viêng Chăn, tập hợp được hơn 600 người tổ chức thành 4 đại đội chiến đấu gồm 3 đại đội Việt kiều và một đại đội Lào Ítxalạ. Xa vẳn na khệt tập hợp được hơn 200 quân tổ chức thành hai đại đội chiến đấu của Lào Ítxalạ và Việt kiều giải phóng quân. Thà Khẹc tập hợp được hơn 800 quân tổ chức thành 4 đại đội chiến đấu gồm 2 đại đội Lào Ítxalạ và 2 đại đội Việt kiều giải phóng quân. Với sự giúp đỡ của Liên quân Lào – Việt, quân dân Lào đã chiến đấu bảo vệ các thành phố, thị trấn: Viêng Chăn, Khăm Cợt, Na Pê, đường 9, Bản Cơn, làm thất bại một bước kế hoạch tấn công lấn chiếm của Pháp, buộc Pháp phải co về phòng thủ, giữ các địa bàn đang chiếm đóng.
[6] Hai tỉnh Sầm Nưa, Phong Xa Lỳ và một dãy hành lang nối liền hai tỉnh, xuyên qua phía đông tỉnh Luông Phra Băng, gọi là “Đàn Pẹt” (tiểu khu 8) - một vùng rừng núi hiểm trở với diện tích khoảng 32.770 km2, nơi cư trú của 32 vạn dân gồm nhiều bộ tộc sống xen kẽ nhau, từng là vùng căn cứ Trung ương cách mạng Lào trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nối liền với khu Tây Bắc và Liên khu 4 (Việt Nam) trở thành chỗ đứng chân của lực lượng cách mạng Lào sau Hiệp định Geneve. Trong khi quân tình nguyện Việt Nam rút về nước, quân Pháp triệt thoái khỏi Lào trong thời hạn 120 ngày (kể từ ngày ký Hiệp định Giơ-ne-vơ), các lực lượng cách mạng Lào từ khắp nơi trong cả nước chuyển về tập kết ở hai tỉnh Sầm Nưa và Phong Xa Lỳ, chờ hai phái Pa-thét Lào và Chính phủ Vương quốc Lào đàm phán tìm giải pháp chính trị hoà hợp dân tộc, bảo đảm quyền tự do cho nhân dân xây dựng lại cuộc sống ấm no hạnh phúc.
[7] Tổng số chuyên gia gồm 964 đồng chí, trong đó có 314 người thuộc đoàn chuyên gia quân sự, 650 cán bộ các ngành dân, chính, đảng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!