PGS,TS.
Hồ Khang
Những năm 1950-1954, nền chính trị
toàn cầu diễn ra những thay đổi đòi hỏi những thực thể của nó phải có chiến
lược thích ứng. Sau một chặng đường “ngụp lặn” trong cuộc Chiến tranh Lạnh, các
quốc gia của hai cực Đông – Tây đều nghiêng về một xu hướng mới – xu hướng hòa
hoãn. Vấn đề đặt ra đối với các nước lớn là cần phải giảm thiểu căng thẳng trong tình
hình thế
giới, giải quyết các xung đột ở các khu vực khác nhau trên thế giới, trong đó
có châu Á.
1- Trong tình hình đó, ngày
28-9-1953, Liên Xô kêu gọi các nước có liên quan tổ chức một hội nghị quốc tế, xem xét, đề xuất các biện pháp giảm
thiểu căng thẳng trong tình
hình thế
giới, giải quyết vấn đề chiến
tranh – hòa bình ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á.
Tháng 11-1953, Liên Xô đề nghị tổ chức hội nghị
ngoại trưởng bốn nước lớn tại Berlin vào đầu năm 1954 để thảo luận các vấn đề của
châu Âu; đồng thời, bàn bạc về việc tổ chức hội nghị quốc tế giải quyết vấn đề
Viễn Đông.
Ngày
25-1-1954, Hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao giữa Liên Xô, Anh,
Pháp, Mỹ khai mạc tại Berlin, ra thông báo
sẽ triệu tập Hội nghị Genève, bàn giải pháp cho vấn
đề Triều Tiên và lập lại hoà bình ở Đông Dương. Trên
nền cuộc chiến tranh Lạnh, Hội nghị Genève trở thành nơi các
nước lớn thử nghiệm, cọ sát quan điểm, chính sách đối ngoại. Những nước tham dự Hội
nghị đều tiếp cận nó với chương trình nghị sự, nhằm đạt được quyền lợi nhiều
hơn so với mục tiêu giải quyết vấn đề Triều Tiên và vấn đề lập lại hòa bình ở
Đông Dương.
Đưa ra sáng kiến triệu tập Hội nghị Genève, Liên Xô không chỉ đơn thuần quan tâm giải quyết vấn đề Đông Dương (nơi
các lợi ích
của Liên Xô vào thời điểm đó là không đáng kể), mà còn nhằm mục tiêu xa hơn - dàn xếp một số vấn đề về châu Âu, liên quan, chi phối trực tiếp đến lợi ích chiến lược
của Liên Xô; trong đó, vấn đề trọng tâm là lôi kéo Pháp (quốc gia đang muốn níu kéo quyền lợi ở Đông Dương) bác bỏ Khối
phòng thủ chung châu Âu (EDC), giữ nguyên hiện trạng châu Âu. Ngoài ra, Liên Xô
còn có mục tiêu không để Hội nghị thất bại, vì Mỹ có thể lợi dụng điều đó để mở
rộng chiến tranh. Trong vòng xoáy lợi ích nhiều tầng
nấc, xuất hiện hai “nhân vật” hữu dụng cho các mục tiêu trung hạn, dàn hạn của
Liên Xô: Trung Quốc và nước Pháp.
Để có thêm đồng minh làm đối
trọng với Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô không chỉ tích cực đấu tranh để Trung Quốc
tham gia, mà
còn chủ trương để Trung Quốc phát huy tác dụng tích cực, thể hiện vai trò chủ động
tại Hội nghị. Liên Xô nêu rõ: “Trung Quốc đã trở thành lực lượng quan trọng
trong cục diện chính trị thế giới, các hội nghị quốc tế quan trọng nhằm giải
quyết các vấn đề châu Á nhất thiết phải có Trung Quốc tham gia”[1]. Về điểm này, Trung
Quốc hoàn toàn nhất trí với Liên Xô, bởi hai lý do: Thứ nhất, kể từ sau khi thành lập nước Trung Hoa mới, đây là lần đầu
tiên Trung Quốc có mặt tại một hội nghị quốc tế lớn được cả thế giới quan tâm
theo dõi – điều đó sẽ rất có lợi trong việc đề cao địa vị quốc tế; thứ hai, nếu đàm phán tiến triển tốt, có
thể giải quyết một số vấn đề quốc tế, còn nếu không thành công, cũng có thể
tuyên truyền chủ trương của Trung Quốc[2].
Tuy
nhiên, đề nghị này của Liên Xô bị Mỹ phản đối quyết liệt. Sau rất nhiều tranh
luận và thuyết phục, cuối cùng, ngày 18-2-1954, Hội nghị đồng ý để CHND Trung Hoa tham gia Hội nghị Genève, song Mỹ vẫn kiên
quyết tuyên bố: “Việc Mỹ tham gia đàm phán không có nghĩa là Mỹ công nhận chính
quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc với bất cứ ý nghĩa nào”[3].
Trong quá trình chuẩn bị cho Hội nghị Genève,
Trung Quốc duy trì liên lạc chặt chẽ với Liên Xô. Riêng trong tháng 4-1954, đã
diễn ra ba cuộc hội đàm giữa Chu Ân Lai với các nhà lãnh đạo Xô-viết. Chu Ân
Lai luôn nhấn mạnh: “Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tham gia một hội nghị như vậy,
nên thiếu kiến thức và kinh nghiệm đấu tranh quốc tế, do đó Trung Quốc và Liên
Xô cần giữ liên hệ chặt chẽ, thường xuyên trao đổi ý kiến, thông tin tình báo,
hiệp đồng hành động” [4]. Nhìn chung, trong
các cuộc hội đàm, Chu Ân Lai cùng với các nhà lãnh đạo Liên Xô bàn bạc, xác định
phương châm, đối sách của hai bên cũng như các hoạt động phối hợp về ngoại
giao, nhất trí để Liên Xô soạn thảo phương án cụ thể cho các cuộc đàm phán ở
Genève.
2- Áp
lực bởi quan điểm về “vai trò bảo vệ thế giới” và “sứ mệnh ngăn chặn làn sóng
đỏ”, Mỹ can thiệp ngày càng sâu vào chiến tranh Đông Dương. Song dù đã đổ lượng
vật chất to lớn, yểm trợ người Pháp “ngăn chặn họa cộng sản” ở khu vực này,
nhưng “Pháp không thể dùng biện pháp quân
sự để tiêu diệt Việt Minh, tình hình Đông Dương đang xấu đi, Cộng sản chiếm vị
trí khống chế trong phong trào dân tộc”[5];
do vậy, Mỹ hoàn toàn không hài lòng về hiệu quả chính sách của Pháp. Mỹ không mấy
sốt sắng với việc tổ chức Hội nghị Genève, đến Hội nghị
với tư cách quốc gia thân hữu của các nước tư bản và với vai trò chủ yếu là
quan sát.
Lo lắng cho vị trí cường quốc,
Anh e ngại phong trào giải phóng dân tộc ở Đông Dương tác động đến hệ thống thuộc
địa rộng lớn của mình, nên đến Hội nghị với tâm thế ủng hộ nước Pháp và lợi dụng
sức mạnh của Mỹ đối phó với Liên Xô.
Trong
khi đó Pháp – “nhân vật chính” ở Đông Dương,
đang lâm vào một tình thế khó khăn, ngày càng lệ thuộc vào Mỹ. Cuộc chiến giằng
co với Việt Minh đã làm bộc lộ rõ thêm những yếu điểm trong hoạt động quân sự
của quân đội dày dạn kinh nghiệm chinh chiến và khiến ngân khố nước Pháp thâm
hụt trầm trọng.
Nhằm cứu
vãn tình hình, hy vọng tìm ''một lối thoát
danh dự'',
Tướng H. Navarre được cử sang Đông Dương với hy vọng giải quyết cuộc chiến
tranh “một cách thể diện”. Tuy nhiên, khi vấn đề Đông Dương ngày càng thuộc về
lợi ích quốc tế, còn lợi ích của Pháp ngày càng ít đi, Chính phủ Pháp tìm kiếm
cơ hội kết thúc chiến tranh Đông Dương tại Genève thông qua thương lượng trên thế mạnh.
Là quốc gia có nhiều quyền lợi nhất
được mang ra thương thảo ở Hội nghị Genève, song Pháp
đồng thời cũng là nước ở trong tư thế bất lợi về quân sự và ngoại giao. Hy vọng một tư thế
đàm phán áp đảo, Pháp tích cực thuyết phục, vận động, tranh thủ sự trợ giúp
quân sự trực tiếp của Anh và Mỹ. Tuy nhiên, thái độ hai nước này khá thận trọng.
Bước ra khỏi chiến tranh Triều
Tiên, phải
đối mặt với hàng loạt khó khăn, Trung Quốc có mục tiêu nhanh chóng ổn
định, phát triển, từng bước khẳng định vị trí nước lớn ở khu vực cũng như trên
thế giới; vì thế, Hội nghị Genève là một cơ hội hết sức thích hợp. Trong cuốn sách Nghiên cứu về lịch sử thành lập nước
Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, tác
giả Dương Khuê Tùng phân tích như sau: “Triều Tiên đình chiến, thái độ của
Trung Quốc mới đối với cuộc chiến tranh Đông Dương nhanh chóng trở thành một
vấn đề buộc phải cân nhắc. Bởi vì, cũng giống như chiến tranh Triều Tiên, chiến
tranh Đông Dương sẽ thực sự trở thành một điểm nóng đối kháng giữa Trung Quốc
và Mỹ”[6].
Phân
tích yêu cầu, tình thế và khả năng, Chu Ân Lai lên kế hoạch sử dụng diễn đàn Hội
nghị Genève như sau: “Ngoài những vấn đề về Triều
Tiên và Việt Nam, phải chuẩn bị các vấn đề khác liên quan đến vùng Viễn Đông, đến
hòa bình, an ninh ở châu Á. Đặc
biệt, phải tiến hành các biện pháp nhằm phát triển quan hệ kinh tế, trao đổi
thương mại với các quốc gia khác nhau, làm giảm căng thẳng tình hình quốc tế,
phá vỡ sự phong tỏa và cấm vận của đế quốc Mỹ”[7].
Nhìn
chung, đến Hội nghị Genève,
các mục tiêu, lợi ích của “ngũ cường” vừa thống nhất, mâu thuẫn, đối lập. Điều
đó khiến cuộc đấu trí, đấu não giữa các nước lớn trên bàn đàm phán Genève kéo dài, căng thẳng, phức
tạp.
3- So sánh mục tiêu và tính toán của các nước lớn
đối với Hội nghị Genève,
có thể nhận thấy rằng, Trung Quốc là nước trông chờ, đón đợi và đặt nhiều hy vọng
nhất ở cuộc hội đàm thế kỷ này.
Tích cực
chuẩn bị cho “chuyến xuất quân ngoại giao” quan trọng, suốt tháng 3 và nửa đầu tháng 4-1954, Chu Ân Lai đích thân thụ
lý, chỉnh sửa và thẩm định các văn bản liên quan đến Hội nghị Genève như “Ý kiến sơ bộ về phương án hòa bình thống nhất
Triều Tiên”, “Ý kiến sơ bộ về giải
quyết hòa bình vấn đề Đông Dương”…; đồng thời, chuẩn bị nhân sự cho Đoàn
Ngoại giao. Ngày 20-4-1954, Đoàn đại biểu gồm hơn 200 người, tập trung nhân tài
ưu tú của ngành ngoại giao Trung Quốc khởi hành đi Genève. Đoàn đại biểu Trung Quốc đến bàn đàm
phán với tinh thần: “Trung Quốc
là một nước lớn, đến Genève tham gia một hội nghị quốc tế chính thức. Chúng ta
đứng trên vũ đài quốc tế hát kịch văn. Vì thế, trong kịch văn phải có kịch võ,
nhưng nói tóm lại là kịch chính quy, kịch võ đài”[8].
Ngày 26-4-1954, Hội nghị Genève chính thức khai mạc, trùng với
thời điểm Quân đội nhân dân Việt Nam kết thúc thắng lợi chiến
dịch tấn công đợt 2 ở Điện Biên Phủ. Điện Biên Phủ đang là tâm điểm chú ý của thế
giới. Tin tức dội về từ Điện Biên Phủ khiến Chu Ân Lai bước vào Hội nghị với
gương mặt mỉm cười, còn Ngoại trưởng Pháp Bidault lại có tâm trạng hết sức căng
thẳng.
Ngày 27-4-1954, Anh, Mỹ uỷ nhiệm Pháp gặp Liên Xô thỏa thuận về thành phần
Hội nghị. Trong cơ cấu Hội nghị, Anh, Pháp, Mỹ loại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Nhờ sự nỗ lực và kiên định của Liên Xô, ngày 2-5-1954, các nước buộc phải chấp
nhận sự có mặt của Việt Nam - Việt Nam có điều kiện tham gia vào một sân chơi lớn,
dù chưa được các nước Anh, Mỹ, Pháp công nhận về ngoại giao.
Ngày
4-5-1954, Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu tới Genève. Qian Jiang mô tả: “Ông Phạm Văn Đồng đến Genève với nét
mặt rạng rỡ. Tin chiến thắng từ mặt trận Điện Biên Phủ liên tiếp báo về làm cho
ông tràn đầy hy vọng”[9].
Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đã xác định, tham gia đàm phán,
Trung Quốc “cố gắng để người Pháp vẫn có thể giữ một vị trí nào đó ở Đông
Dương, không để Mỹ thế chân Pháp”[10].
Ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc là “ngăn chặn Mỹ đưa lực lượng quân sự vào Việt
Nam, áp sát biên giới Trung Quốc”[11]. Trung Quốc e ngại rằng, sau khi chiến tranh Triều Tiên kết
thúc, Mỹ tất yếu sẽ dồn sự chú ý nhiều hơn đến Đông Dương, khả năng xảy ra cuộc
đụng độ giữa Trung Quốc và Mỹ tại đây tăng lên đáng kể. Một nước Trung Quốc
thương tích đầy mình đứng trước nhiệm vụ khôi phục và xây dựng kinh tế hết sức
nặng nề không/chưa thể dính líu vào một cuộc xung đột với đối thủ đáng gờm,
nặng ký là Mỹ - đó chính là xuất phát điểm quan trọng để ngay từ rất sớm, Chu
Ân Lai luôn trung thành với “phương án vĩ tuyến 16” theo mô thức Triều Tiên làm
hình mẫu cho Việt Nam, nghĩa là đình chỉ chiến sự mà không có giải pháp chính trị.
Để Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chấp nhận phương án đàm phán, Chu Ân Lai ngỏ ý với lãnh đạo Việt Nam: “Nếu cuộc chiến tranh Đông Dương
kéo dài, Mỹ nhảy vào Đông Dương, Việt Nam không thể dựa vào sự giúp đỡ của
Trung Quốc để tiến hành chiến tranh”[12].
Nói chung, đến bàn đàm phán với
tinh thần “trong rất nhiều vấn đề quốc tế to lớn, đầu tiên là vấn đề
châu Á, nếu không có sự tham gia của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đều không giải
quyết được”[13], Chu Ân Lai hành động
tự tin và tương đối độc lập, từng
bước ngồi vào vị trí “người lái” dẫn dắt Hội nghị.
Về phía Liên Xô, trong các cuộc họp trù bị
ba bên tại Moscow (Liên Xô, Trung Quốc,
Việt Nam), Liên Xô nhanh chóng đồng ý với “chiến lược, chính sách” của Trung Quốc
về vấn đề Đông Dương và “ý tứ” của Liên Xô đã được chuyển tải đến Anh, Mỹ từ đầu
tháng 3-1954 thông qua các kênh ngoại giao. Có điều, dù theo đuổi cùng lúc nhiều
mục đích, song Moscow ôn hòa và thận trọng hơn so với Bắc Kinh.
Toan tính của các nước lớn khiến
Hội nghị Genève về Đông Dương diễn ra căng thẳng, gay go, quyết liệt trong suốt 8
phiên họp toàn thể và 23 phiên họp hẹp. Trong Hội nghị, Liên Xô duy trì chặt chẽ
quan hệ với Trung Quốc làm đối trọng, thúc đẩy đàm phán theo những kế hoạch được
sắp đặt trước. Hoạt động phối hợp của Liên Xô, Trung Quốc khá ăn ý. Liên quan đến
Việt Nam, cả hai nước kiên trì quan điểm chia Việt Nam thành hai miền với vĩ
tuyến 16 là ranh giới.
Tình
hình nguy cấp tại Điện Biên Phủ khiến Chính phủ Laniel ngày thêm khốn khó. Các
đại biểu Quốc hội Pháp liên tiếp chỉ trích Chính phủ chưa cố gắng dồn sức cho
việc tìm kiếm hòa bình. Cuối cùng, thời khắc định mệnh đã đến - 17 giờ 30 phút
ngày 7-5-1954, Quân đội nhân dân Việt Nam chiếm Sở Chỉ huy cứ điểm, Tướng Đờ
Cát và toàn bộ Bộ Tham mưu bị bắt sống. Điện Biên Phủ thất thủ đã khiến nội tình nước Pháp chia rẽ sâu sắc thêm, Pháp kiếm
cách rút lui khỏi Đông Dương, nhiệm vụ cấp bách nhất của phái đoàn Pháp
tại Hội nghị Genève là đạt được ngừng bắn càng sớm càng tốt. Thảm bại tại Điện Biên Phủ khiến hy vọng thương lượng trên
thế mạnh của Pháp tan vỡ, song nước Pháp vẫn cố tỏ ra cứng rắn.
Anh không có nhiều quyền lợi tại Hội nghị, trong khi hết sức lo ngại
xung đột Đông Dương có thể làm bùng phát một cuộc chiến tranh trên quy mô toàn
cầu, nên muốn nhanh chóng đi tới thỏa thuận hòa bình, kết thúc cuộc xung đột. Tại
Genève,
Anh tích cực thực hiện vai trò trung gian hòa giải, hầu như đồng ý hoàn toàn
với các ý tưởng Pháp đưa ra. Anh phối hợp khá nhịp nhàng với Pháp, Liên Xô,
Trung Quốc trong giải quyết các vấn đề phức tạp vào các thời điểm gay cấn của
Hội nghị.
Ngay từ đầu, Mỹ đã xác định đến Hội nghị với tư cách quốc gia thân hữu của các
nước tư bản và chủ yếu với vai trò quan sát để định liệu. Mặc dù không mấy tin tưởng ở Pháp, cho rằng Pháp sẵn sàng “bán đứng Đông
Dương”, song Mỹ không thể bỏ mặc Pháp lâm vào thế yếu. Quan điểm của Mỹ là Pháp
phải tiến hành đàm phán trên thế mạnh, không vội chấp nhận ngừng bắn. Mỹ phản đối
phương án phân vùng và từ giữa tháng 6-1954, tích cực vận động cho một Hiệp ước phòng
thủ Đông Nam Á. Chỉ đến cuối tháng 6-1954, Mỹ mới đồng ý với giải pháp chia cắt
Việt Nam - đây là lần đầu tiên kể từ cuối năm 1953, Mỹ và Pháp có chung quan điểm
về các chính sách đối với Đông Dương. Nhìn chung, lập trường tham gia Hội nghị của Mỹ là bảo đảm ảnh hưởng đối với các quyết
định, song không ràng buộc.
Có những
động cơ riêng đặt trong bối cảnh cùng
tồn tại hoà bình đang trở thành một xu thế lớn chi phối quan hệ quốc tế, các
nước đều muốn nhanh chóng chấm dứt xung đột. Diễn biến các phiên đàm phán cho thấy, dường như mọi vấn đề về Đông
Dương đã được các nước lớn sắp đặt và quyết định.
Sau nhiều tranh cãi, thảo luận, thoả thuận và thỏa hiệp,
cuối cùng,
vào 5 giờ 20 phút ngày 21-7-1954, Hội nghị Genève về Đông Dương tuyên bố bế mạc. Hiệp
định được thông qua ở Genève nghiêng về kế hoạch của Pháp hơn là của Việt Nam
Dân chủ Cộng hoà. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuy thắng
lớn trên chiến trường, song do thiếu kinh nghiệm đàm phán, do thực lực chưa mạnh,
nên “chỉ
có được một nửa nước Việt Nam trên bản đồ thế giới”[14] với
ranh giới là vĩ tuyến 17 (thay cho vĩ tuyến 13 dự liệu ban đầu) và thời hạn hai
năm tổng tuyển cử (thay vì 6 tháng như đề nghị), rút hết quân đội khỏi Lào và
Campuchia. Campuchia chịu nhiều thiệt thòi, không có căn cứ tập kết, phải phục
viên tại chỗ.
Việc Trung Quốc và Liên Xô sắp đặt sẵn với Pháp, Anh một
giải pháp về Việt Nam đã làm mất hiệu lực của chiến thắng Điện Biên Phủ. Bảo toàn lợi ích riêng, “cả Liên Xô, Trung Quốc đã tiết chế
bớt những yêu cầu của Việt Minh và đóng vai trò quan trọng trong việc dàn xếp
thỏa hiệp”[15].
Hội
nghị Genève kết thúc, Trung Quốc rất hài lòng với Hiệp định không chỉ vì
Hội nghĩ đã chứng tỏ rằng, trên phương diện giải quyết những vấn đề quốc
tế cấp bách, sự tham gia của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa có vai trò quan
trọng, mà còn vì “giải quyết hòa bình vấn đề Đông
Dương đã làm rối loạn việc triển khai chiến lược của Mỹ nhằm uy hiếp Trung Quốc
từ ba chiến tuyến Nam Triều Tiên, Đài Loan, Đông Dương, đảm bảo an ninh cho
Trung Quốc ở biên thùy phía Nam, Trung Quốc có thể tập trung sức người, sức của
vào phát triển kinh tế"[16].
Rời khỏi Genève, Liên Xô đạt được hầu hết các mục đích. Đồng ý với giải pháp chia cắt
Việt Nam, Liên Xô coi đây một phương thức giải quyết các xung đột quốc tế - một
phương thức cho phép đảm bảo hòa bình trong một “giai đoạn quá độ” nhất định.
Tuy Pháp bị mất
một nửa nước Việt Nam, song củng cố ảnh hưởng tại Lào, Campuchia; đồng thời,
rút ra khỏi “cuộc chiến tranh bẩn thỉu”; vì thế, đa phần chính giới Pháp không
công kích kết quả Hội nghị.
Sau
Hội nghị, Anh bảo lưu quyền tham gia cùng với Mỹ trong một thỏa thuận về bảo vệ
an ninh khu vực, cải thiện một bước quan hệ với Trung Quốc, kiềm chế Trung Quốc
để không thúc đẩy mạnh chiến tranh du kích ở Malaysia.
Né tránh, không chịu trách nhiệm và ràng buộc
bởi kết quả của Hội nghị Genève, chuẩn bị trước cho khả
năng can thiệp vào Đông Dương khi cần thiết, Mỹ từ chối không tham
gia vào Tuyên bố cuối cùng của Hội
nghị; đồng thời, đạt thỏa thuận về việc thành lập một tổ chức
có tính chất liên minh để bảo vệ an ninh khu vực. Cùng với việc Hiệp định
Genève được ký kết, quan hệ Trung - Mỹ cũng thận trọng nhích dần từng bước, hai
bên bảo lưu con đường tiếp xúc tại Genève. Đây chính là bước đệm thích hợp để
sau này Trung, Mỹ bắt đầu tiến hành cuộc đàm phán cấp đại sứ.
* *
*
Như vậy, nội dung bản Hiệp định
Genève đảm bảo lợi
ích cho các nước lớn tham gia, đặc biệt là Trung Quốc, song mang lại lợi ích hạn
chế đối với người chiến thắng. Wilfred Burchett nhận xét: “Thực tế Việt
Nam là người chiến thắng không thể tranh cãi, nhưng đã “rộng lượng” nhân nhượng
nhiều nhất ở Genève”[17].
Thật vậy, Việt Nam tuy thắng lớn trên chiến trường, song do thiếu
kinh nghiệm đàm phán, do thực lực chưa mạnh và chưa có sự ủng hộ đầy đủ của các
nước đồng minh, nên “chỉ
có được một nửa nước Việt Nam trên bản đồ thế giới”[18].
Tuy là kết quả của một cuộc hoà giải không vững chắc,
Hiệp định Genève đã góp phần kết
thúc chiến tranh ở Đông Dương. Việt Nam giành được sự công nhận và cam kết tôn
trọng các quyền dân tộc cơ bản, một nửa đất nước hoàn toàn giải phóng. Chưa phản ánh đầy đủ
thắng lợi quân sự của Việt Nam, không bịt được kẽ hở
tạo khả năng cho Mỹ vào Đông Dương, Hiệp định Genève là một giải pháp tình thế,
một khoảng nghỉ cần thiết trong một “giai đoạn
quá độ”, một phương thức giải quyết các xung đột quốc tế cho phép đảm bảo hòa
bình để Việt Nam có thể bước tiếp những năm tháng đầy khó khăn, thách thức sau
này.
[1] Qian Jiang: Zhou Enlai and the Geneva Conference, Beijing: History of CPC Press, 2005, p.20.
[2] Ibid, p.24.
[3] Tạ Ích Hiển
(chủ biên): Lịch sử ngoại giao Trung Quốc đương đại (1949-2001), Bản dịch của
Tổng cục 2, lưu tại Tổng cục 2, tr.55.
[4] Qian Jiang: Zhou Enlai and the Geneva Conference, p.36.
[5] U.S. Policy toward
Southeast Asia (NSC 51), dated 1 July 1949, Harry S.
Truman Library, Independence, Missouri, p. 137.
[6] Dương Khuê Tùng: Nghiên cứu về lịch sử thành lập nước Cộng
hòa nhân dân Trung Hoa, tập 2, Nxb. Nhân dân Giang Tây, 2008, bản dịch Quốc
Thanh.
[7] Preliminary Opinions on the Assessment
of and Preparation for the Geneva Conference,' Prepared by the PRC Ministry of
Foreign Affairs (drafted by PRC Premier and Foreign Minister Zhou Enlai) [Excerpt]" March 02, 1954, History and Public
Policy Program Digital Archive, PRC FMA 206-Y0054, CWIHP.
[8] Qian Jiang: Zhou Enlai and the Geneva Conference, p.50.
[9] Ibid, p. 110.
[10] Qiang Zhai: China and Vietnam Wars, 1950-1975, Chapel Hill, Univ. of North Carolina Press, 2000, p.50.
[11]Allen Kempton: The People’s Republic of China and Vietnam: A Complex Relationship, Essay Prize in History,
2012, p.5.
[12] Ilya V. Gaiduk: From
Berlin to Geneva: Soviet Views on the Settlement of the Indochina Conflict (January-April, 1954), International
Workshop on New Evidence on China, Southeast Asia and the Vietnam War , Hong
Kong, les 11-12 janvier 2000, p.3.
[13] Tạ Ích Hiển
(chủ biên): Lịch sử ngoại giao Trung Quốc đương đại (1949-2001), Sđd, tr.55.
[14]Christopher E. Goscha: Courting
Diplomatic Disaster? The Difficult Integration of Vietnam into the
Internationalist Communist Movement (1945–1950), Journal of Vietnamese Studies, Vol I, N0 1-2, (February, August), 2006, p.15.
[15] George C. Herring: America's Longest War: The United States and Vietnam, 1950-1975
with Poster (4th Edition), McGraw-Hill Higher Education, November 2001, p.28.
[16] Bộ Ngoại giao: Hội nghị Giơnevơ và quan hệ quốc tế sau
Chiến tranh lạnh - lấy Trung Quốc, Việt Nam và Trung Quốc làm ví dụ, Hội
thảo nội bộ ngành "Hiệp định Giơnevơ: 50 năm nhìn lại", ngày
27-7-2004, tài liệu không phổ biến, lưu tại Bộ Ngoại giao, tr.3.
[17] Burchett, George and Shimmin, Nick: Memoires of A Rebel Journalist: The
Autobiography of Wilfred Burchett, University
of New South Wales Press, Sydney, New South Wales, 2005, p.199.
[18]Christopher E. Goscha: Courting
Diplomatic Disaster? The Difficult Integration of Vietnam into the
Internationalist Communist Movement (1945–1950), p.38.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!