Chủ Nhật, 14 tháng 9, 2014

LIÊN MINH CHIẾN ĐẤU VIỆT NAM – LÀO TRONG SỰ NGHIỆP BẢO VỆ VÀ XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC HIỆN NAY

PGS.TS Hồ Khang [*]
Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam
Cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, cùng uống chung dòng nước Mê Kông, trong suốt chiều dài lịch sử của mình, hai dân tộc Việt Nam và Lào phải tiến hành hàng chục cuộc đấu tranh chống lại các thế lực ngoại bang, bảo vệ chủ quyền dân tộc. Và trong cuộc trường chinh gian khổ đó, hai dân tộc đã giúp đỡ lẫn nhau, cùng chung chiến hào chiến đấu chống kẻ thù chung, hình thành nên truyền thống liên minh bền chặt; trở nênđặc biệt và là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng hai nước trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước hiện nay.

Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trên cơ sở những hiệp định, hiệp ước được ký kết, nhân dân hai nước Việt - Lào luôn sát cánh bên nhau, lần lượt đánh bại chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, viết nên bản hùng ca bất tử về tình đoàn kết liên minh chiến đấu Việt - Lào. Khẳng định luận điểm này, phát biểu chào mừng Đại hội Đảng IV Đảng Lao động Việt Nam ngày 16 tháng 12 năm 1976, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Cayxỏn Phômvihẳn nhận định: “…Tôi xin thành thật nói rằng, trong mọi sự thành công của cách mạng Lào đều có sự đóng góp trực tiếp của cách mạng Việt Nam. Trên mọi chiến trường của Tổ quốc thân yêu của chúng tôi đều có xương máu của các chiến sĩ quốc tế Việt Nam hòa lẫn với xương máu của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc Lào chúng tôi...”[1]. Trong chuyến thăm hữu nghị nước Lào tháng 7 năm 1977, Tổng Bí thư Lê Duẩn một lần nữa nhấn mạnh: “Có ai đếm được bao nhiêu ngọn núi, khúc sông, bao nhiêu đỉnh đèo, con suối mà các chiến sĩ anh hùng của chúng ta đã vượt qua? Và làm sao đo được chiều sâu của tình nghĩa hai dân tộc chúng ta trong cuộc trường chinh hơn 30 năm đằng đẵng? Lớp cha trước, lớp con sau, mấy thế hệ Việt và Lào đã nối tiếp nhau cầm súng chống kẻ thù chung để giành tự do độc lập. Biết bao mồ hôi và máu của thanh niên hai nước đã đổ theo độ dài những con đường hành quân mặt trận! Trái tim của những bà mẹ Việt và Lào đã đập cùng một nhịp khi hàng triệu tấn bom Mỹ giội xuống rừng và đồng ruộng hai nước, khi những đứa con thân yêu của mình cùng chiến đấu bên nhau và cùng ngã xuống trên một chiến hào! Từng tấc đất, ngọn cây của núi rừng Trường Sơn hùng vĩ mãi mãi thấm sâu tình nghĩa son sắt cao cả Việt-Lào[2]
Sau khi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ giành thắng lợi, Việt Nam và Lào bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Từ đây, sự liên minh, hợp tác giữa hai nước cũng mang những nội dung và hình thức mới, từ liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung sang liên minh xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước. Sự liên minh đó được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng rõ nét nhất là:
Sự ra đời của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tháng 12 năm 1975 và nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tháng 2 năm 1976 đã đưa quan hệ Việt- Lào sang một trang sử mới. Đó là quan hệ giữa hai Đảng cầm quyền, giữa hai Nhà nước độc lập, tự nguyện đoàn kết liên minh với nhau trên cơ sở chủ nghĩa Mác- Lênin và tinh thần quốc tế vô sản.
Trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc ngày 1 tháng 12 năm 1975, đồng chí Cayxỏn Phômvihản chỉ rõ: “Xây dựng mối quan hệ hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng...đoàn kết và hợp tác với nhân dân Việt Nam và Campuchia anh em để bảo vệ mọi thành quả cách mạng và xây dựng đất nước cho phù hợp với nguyện vọng của nhân dân ta...”[3]. Thực hiện chủ trương đó, từ ngày 5 đến ngày 11 tháng 2 năm 1976, Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước và Chính phủ Lào do đồng chí Cayxỏn Phômvihản dẫn đầu đã sang thăm hữu nghị chính thức Việt Nam. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của lãnh đạo cao nhất nước Lào sau thắng lợi hoàn toàn của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Trên tình hữu nghị anh em, ngày 11 tháng 2, hai nước đã ra Tuyên bố chung Việt Nam- Lào và ký kết Hiệp định về hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau trên lĩnh vực kinh tế,văn hoá, khoa học - kỹ thuật... Các văn kiện này khẳng định quan điểm nhất quán trước sau như một của lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước và Chính phủ hai nước về xây dựng liên minh chiến đấu Việt-Lào trong giai đoạn cách mạng mới, tăng cường hợp tác, giúp đỡ nhau cùng phát triển.
Về phía Việt Nam, ngày 30 tháng 4 năm 1976, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam ra Nghị quyết số 251-NQ/TW về Tăng cường đoàn kết, giúp đỡ và hợp tác với cách mạng Lào trong giai đoạn mới. Tiếp đó, tháng 12 năm 1976, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) đã xác định rõ chính sách đối ngoại của nhà nước Việt Nam, trong đó khẳng định: “… Việt Nam ra sức bảo vệ và phát triển mối quan hệ đặc biệt giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Lào và nhân dân Campuchia nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước...”. Trên tinh thần đó, nhận lời mời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, Đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Chính phủ Việt Nam do Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng dẫn đầu đã thăm hữu nghị chính thức Lào từ ngày 15 đến ngày 18 tháng 7 năm 1977. Chuyến thăm này nhằm tăng cường mối quan hệ đặc biệt, tăng cường sự hợp tác lâu dài và giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt giữa hai nước, đồng thời thúc đẩy xu thế độc lập, hoà bình và trung lập thật sự ở khu vực Đông Nam Á. Ngày 18 tháng 7, tại Thủ đô Viêng Chăn, Lào và Việt Nam đã ra Tuyên bố chung Lào - Việt Nam;Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa    Việt Nam và Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào; ký Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào; ký Hiệp ước về nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam viện trợ không hoàn lại và cho vay không lấy lãi trong ba năm (1978 - 1980) với Lào; Hiệp định miễn thị thực giữa Việt Nam và Lào, v.v...
Bước vào thập kỷ 80 của thế kỷ XX, tình hình chính trị khu vực và thế giới có nhiều biến động, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch ráo riết tìm mọi cách chia rẽ Lào và Việt Nam, phá hoại thành quả cách mạng hai nước. Trong bối cảnh đó, liên minh bền chặt giữa Lào - Việt Nam cũng như Lào - Việt Nam - Campuchia, phải tiếp tục được củng cố, tăng cường. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào tại Đại hội Đảng III Đảng Nhân dân Cách mạng Lào tháng 4 năm 1982 khẳng định: “… Ngày nay, đi vào bảo vệ đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội,cả ba nước vẫn cùng chung một mục tiêu, lý tưởng; cùng chung một kẻ thù. Do đó, sự liên minh, hợp tác giữa ba nước không những phải được củng cố không ngừng, mà cần phải được phát triển một cách toàn diện với chất lượng mới vì lợi ích sống còn của mỗi nước...[4]. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 2 năm 1982 nhấn mạnh:Quan hệ đặc Việt Nam –Lào -  Campuchia là một quy luật phát triển của cách mạng ba nước, là điều có ý nghĩa sống còn đối với vận mệnh của ba dân tộc...Giữ gìn tình hữu nghị trong sáng và truyền thống đoàn kết giữa ba dân tộc, không ngừng củng cố và tăng cường quan hệ đặc biệt và liên minh chiến đấu giữa ba nước...”[5].
Từ đó đến nay, sự liên minh, đoàn kết giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước đã được phát huy một cách cao nhất. Hai nước thường xuyên trao đổi các đoàn chính thức ở các cấp, trong đó có nhiều đoàn cấp Bộ trưởng trở lên. Từ năm 1992, hai nước đều là quan sát viên và dần trở thành thành viên chính thức của ASEAN, sau đó là thành viên của APEC, ASEM và một số diễn đàn quốc tế và khu vực khác. Tại các diễn đàn này, Việt Nam và Lào luôn thống nhất tiếng nói chung và hỗ trợ lẫn nhau một cách hiệu quả trong việc chủ động hội nhập quốc tế. Hai nước phối hợp linh hoạt, ủng hộ nhau về lập trường giải quyết các vấn đề chính trị của quốc tế và khu vực, củng cố đoàn kết quốc tế, kiên trì những nguyên tắc nền tảng trong hoạt động của các tổ chức này.
Gần đây, chuyến thăm của Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Chumaly Xaynhaxỏn tới Việt Nam (từ 19-21.6.2006) và chuyến thăm của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh tới Lào (10-13.10.2006) đã đưa mối quan hệ đặc biệt và sự liên minh toàn diện Việt Nam- Lào lên một tầm cao mới. Không những vậy, việc hai nước tổ chức thành công những hoạt động kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1962 - 2007) và 30 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào (1977 - 2007); đồng thời tổ chức hợp tác triển khai nghiên cứu, biên soạn Công trình Lịch sử quan hệ đặc biệt và Liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào (1930 - 2007) là một việc làm có ý nghĩa chính trị đặc biệt, mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc, là cơ sở để chống lại mọi âm mưu, thủ đoạn của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch nhằm phá hoại sự nghiệp cách mạng hai nước.
Trước đây, trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, liên minh trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh chủ yếu là liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung, giành độc lập dân tộc. Bởi vậy, sự liên minh này giữ vai trò quan trọng, mang tính chất quyết định đối với sự sống còn của cách mạng hai nước, và là vấn đề trọng tâm chi phối các mối quan hệ khác. Ngày nay, mặc dù hai nước đã độc lập, nhưng sự liên minh, hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh để đảm bảo độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng như giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội của mỗi nước vẫn giữ vai trò đặc biệt quan trọng.
Trong Tuyên bố chung Việt Nam - Lào ngày 11 tháng 2 năm 1976 tại Hà Nội, hai nước khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhau chống chủ nghĩa đế quốc và phản động tay sai theo yêu cầu của mỗi bên, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Ngày 18 tháng 7, tại Viêng Chăn, trong Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa hai nước Việt- Lào, lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai Nhà nước, hai Chính phủ chỉ rõ: Trên nguyên tắc bảo vệ độc lập dân tộc và giữ gìn an ninh quốc gia là sự nghiệp của nhân dân mỗi nước, hai bên cam kết hết lòng ủng hộ và giúp đỡ nhau, hợp tác chặt chẽ với nhau nhằm tăng cường khả năng phòng thủ, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn công cuộc lao động hòa bình của nhân dân, chống mọi hành động phá hoại của đế quốc và lực lượng phản động nước ngoài”[6].
Phát huy tinh thần đó, khi cách mạng Lào bị các lực lượng chống đối nổi dậy phá hoại, được sự đồng ý của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Sư đoàn B24 thuộc Quân khu IV (Việt Nam) đã đưa quân sang giúp đỡ cách mạng Lào. Ngày 11 tháng 11 năm 1978, Sư đoàn đánh chiếm Phu Bia- Pha Kháo,... loại khỏi vòng chiến đấu 5.000 tên địch, thu 2.000 súng các loại. Tiếp đó, trên hướng Đường số 9, Xa vẳn Na Khệt, Sư đoàn B68 đã hỗ trợ quân đội Lào đánh địch ở Phuxănghe, Đồng Hến, Kèng-koọc, bảo vệ an toàn tuyến vận tải chiến lược từ cảng Đà Nẵng đi Viêng Chăn qua đường số 9 và đường 13. Về phía Lào, với quyết tâm không để cho bọn phản động trên đất Lào tìm cách chống phá cách mạng Việt Nam, lực lượng vũ trang và an ninh Lào đã giúp Việt Nam bắt Võ Đại Tôn ở Pạc Xoòng, Dương Văn Tư ở At Ta Pư... Đây là những hành động thiết thực, là sự hiện thực hoá những văn kiện, hiệp định, hiệp ước đã ký kết giữa hai nước về việc tăng cường liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào trong tình hình mới.
Trong liên minh, hợp tác xây dựng kinh tế, hậu cần kỹ thuật giữa lực lượng quân đội và an ninh hai nước cũng được xúc tiến. Đầu năm 1980, theo đề nghị của Lào, phía Việt Nam đã cử nhiều chuyên gia, cán bộ kỹ thuật và thành lập các đơn vị kinh tế giúp Lào xây dựng Nhà máy quốc phòng 7701 (Viêng Chăn). Quân khu IV và một số đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam hỗ trợ giúp đỡ bộ đội Lào; giúp Công ty phát triển miền núi Bộ Quốc phòng Lào thực hiện các nhiệm vụ được Bộ Quốc phòng Lào giao... Nhờ sự giúp đỡ của Bộ Quốc phòng Việt Nam, hiện nay, Bộ Quốc phòng Lào đã có 3 tập đoàn kinh tế lớn làm ăn có hiệu quả ở Thượng, Trung và Hạ Lào.
Trong giải quyết vấn đề biên giới, ngày 18 tháng 7 năm 1977, Hiệp ước hoạch định đường biên giới quốc gia giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào do Phó Thủ tướng Phạm Hùng và Phó Thủ tướng Phun Xipaxợt thay mặt Chính phủ hai nước ký tại Viêng Chăn, Xác định chính thức đường biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào nhằm xây dựng đường biên giới anh em lâu dài giữa hai nước[7]. Theo Hiệp định này, ngày 25 tháng 7 năm 1978, hai nước tiến hành cắm cột mốc đầu tiên; và đến ngày 24 tháng 8 năm 1984 đã hoàn thành hệ thống cột mốc giữa hai nước.
Trong hợp tác xây dựng và bồi dưỡng cán bộ, từ năm 1978 đến năm 2005, Bộ Công an Việt Nam đã giúp Bộ An ninh Lào đào tạo và bồi dưỡng 20 khoá cán bộ an ninh, trong đó có 1.008 cán bộ có trình độ đại học, 80 thạc sĩ, 24 tiến sĩ và 228 cán bộ được bồi dưỡng về chuyên môn. Đồng thời, Bộ Công an Việt Nam đã cử nhiều đoàn chuyên gia sang giúp Bộ An ninh Lào trên tất cả các lĩnh vực. Sự ra đời và phát triển Trường Đại học An ninh Lào là minh chứng cho sự liên minh, hợp tác giúp đỡ lẫn nhau giữa hai Bộ. Ghi nhận công lao to lớn của Bộ Công an Việt Nam, nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, đồng chí Asanglaoly, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lào đã trao tặng cờ Quyết thắng cho Bộ Nội vụ Việt Nam. Và nhân kỷ niệm 60 năm thành lập lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, đồng chí Thong-băn-xẻng-pho thay mặt Đảng, Nhà nước và Chính phủ Lào trao tặng Bộ Công an Việt Nam Huân chương It-xa-la hạng Nhất và Huân chương It-xa-la hạng Nhì cho 11 đơn vị.
Đối với Bộ Quốc phòng Việt Nam, ngoài việc hợp tác, giúp đỡ Bộ Quốc phòng Lào đào tạo nguồn cán bộ. Các học viện, trường quân sự của Việt Nam hàng năm còn cử nhiều đoàn chuyên gia sang giúp Bộ Quốc phòng Lào huấn luyện và xây dựng lực lượng. Đáp lại, Bộ Quốc phòng Lào hết sức hợp tác, ủng hộ, giúp đỡ Bộ Quốc phòng Việt Nam, đặc biệt trong việc tìm kiếm hài cốt các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam hy sinh trên đất Lào trong hai cuộc kháng chiến. Hình ảnh hài cốt các chiến sĩ tình nguyện được quân đội và nhân dân Lào tìm kiếm đưa về Việt Nam sau 30 năm chiến tranh là hình ảnh cao đẹp, là nghĩa cử đầy trách nhiệm và tình đồng chí anh em của quân đội và nhân dân Lào đối với Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc hôm nay.
Liên minh, hợp tác trên lĩnh vực kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật giữa Việt Nam và Lào có từ khá sớm, nhưng nó chỉ phát triển một cách toàn diện kể từ khi hai nước ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác ngày 18 tháng 7 năm 1977. Đến những năm 1990, trước những biến động của tình hình thế giới; sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, lãnh đạo hai nước đã thoả thuận đi đến thống nhất chiến lược hợp tác cho phù hợp với tình hình mới. Năm 1991, Bộ Chính trị Trung ương Đảng hai nước đã thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản trong chiến lược hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật. Ngay sau đó, Uỷ ban Liên Chính phủ và hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật giữa Lào và Việt Nam được thành lập. Ngày 15 tháng 3 năm 1995, thay mặt Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Phó Thủ tướng Phan Văn Khải, Chủ tịch Phân ban hợp tác Việt - Lào và Phó Thủ tướng Khăm- phủi-kẹo Bua-la-pha, Chủ tịch Phân ban hợp tác Lào - Việt Nam đã ký Bản thoả thuận chiến lược hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật giữa Lào và Việt Nam.
Dựa trên những văn bản, hiệp định đã được ký kết, sự hợp tác giữa Việt Nam và Lào trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Trong nông nghiệp, Việt Nam đã giúp Lào khảo sát, quy hoạch thuỷ lợi vùng Huổi Sết (Sa Ra Van); khôi phục các công trình thủy lợi của tỉnh Hủa Phăn; xây dựng công trình thủy lợi Đông Phuxi, và sau đó là hệ thống thủy lợi ở Nậm Ngừm, Thà Phanọng Phông, Nặm Long,v.v...; xây dựng trung tâm dịch vụ nông nghiệp ở Lạc Xao, Phôn Xủng, Hạt Xiều, Chăm Pa Xắc; xây dựng xí nghiệp chế biến phân vi sinh ở Viêng Chăn, Khăm Muộn,v.v... Trong quá trình hợp tác, Việt Nam đã cử nhiều đoàn chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp đến các vùng nông thôn của Lào giúp phát triển sản xuất... Cho đến nay, Lào đã từng bước bảo đảm được an ninh lương thực, dần khắc phục được tình trạng du canh, du cư của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.
Đối với công nghiệp, Việt Nam giúp Lào khảo sát mỏ ở Sầm Nưa; xây dựng nhà máy nghiền Clanhke ở Viêng Chăn; xây dựng nhà máy thủy điện Xê-ca-mản 3, công suất 240 MW; xây dựng đường dây cung cấp điện của Việt Nam cho một số vùng biên giới Lào như Mộc Châu- Sầm Nưa, Lao Bảo- Xê Pôn, Sơm Kim- Lạc Xao; năm 1980 Việt Nam giúp Lào hoàn thành bản đồ địa chất tỷ lệ 1/200.000 vùng Khang Khay (Xieng Khoảng), Sầm Nưa,v.v...
Trong thương mại, ngày 13 tháng 7 năm 1977, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Giao thông Công chính và Vận tải Lào đã ký Bản thỏa thuận về hàng xuất khẩu, nhập khẩu của Lào quá cảnh qua cảng Đà Nẵng của Việt Nam. Đến tháng 3 năm 1991, hai nước ký Hiệp định thương mại, thỏa thuận xóa dần bao cấp, đổi mới quan hệ. Hiệp định này cho phép mở rộng đối tượng buôn bán, không giới hạn ở các đơn vị đầu mối như Công ty Vilaxim của Việt Nam và Công ty Solipax của Lào như trước kia, mà danh mục hàng hóa từ chỗ chỉ hạn định từ 5 đến 7 mặt hàng, đã có 30 doanh nghiệp của Lào và gần 100 doanh nghiệp của Việt Nam buôn bán với hơn 60 nhóm, mặt hàng. Nhờ đó, kim ngạch buôn bán hai chiều không ngừng tăng lên. Năm 1991, kim ngạch xuất khẩu hai nước đạt 45 triệu USD, năm 1992 là 73 triệu USD, năm 1995 là 80 triệu USD, năm 1997 là 100 triệu USD[8]. Năm 2006, tổng kim ngạch xuất khẩu giữa hai nước đạt 230 triệu USD.
Trong lĩnh vực văn hóa, khoa học - kỹ thuật, Hiệp ước hữu nghị và hợp tác ngày 18 tháng 7 năm 1977 nêu rõ: Hai bên mở rộng trao đổi khoa học kỹ thuật, hợp tác về văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, y tế, thông tấn, báo chí, phát thanh, điện ảnh, thể dục thể thao và các lĩnh vực văn hóa khác[9]. Trên cơ sở đó, hàng năm hai nước ký Nghị định thư về hợp tác và trao đổi vănhóa, khoa học kỹ thuật. Bộ Thông tin, Tuyên truyền, Văn hóa và Du lịch của Lào đã hợp tác với Bộ Văn hóa Việt Nam xây dựng thành công bộ phim “Tiếng súng Cánh đồng Chum” trong những năm 1982 - 1983... Năm 1995, phía Lào tạo điều kiện cho Việt Nam xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thông tin Việt Nam tại thủ đô Viêng Chăn. Tính đến năm 2005, Trung tâm đã tổ chức được hơn 20 cuộc triển lãm ảnh chuyên đề giới thiệu đất nước, con người và văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để lại nhiều tình cảm tốt đẹp cho nhân dân Lào và bạn bè quốc tế. Ngoài ra, trung tâm còn phối hợp với Trung tâm hợp tác báo chí truyền thông quốc tế của Bộ Thông tin, Tuyên truyền, Văn hóa và Du lịch Lào xây dựng 2 bộ phim Tình hữu nghị thủy chung Việt - Lào”,Một nét danh nhân Hồ Chí Minh”,...
Về giáo dục, từ năm 1986 đến năm 1992, Việt Nam đã đào tạo cho Lào 537 cử nhân các ngành, 252 lưu học sinh trung cấp chuyên nghiệp. Giai đoạn 2001- 2005, Việt Nam đã đáp ứng kịp thời nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho Lào phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó dài hạn là 1.905 người, ngắn hạn là 845 người, tăng 36,2% so với thỏa thuận tại Hiệp định hợp tác giai đoạn 1996 - 2000 là 2.166 người[10]. Bên cạnh đó, Việt Nam còn giúp Lào nâng cấp Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Lào, xây dựng 4 trường phổ thông dân tộc nội trú với trị giá 60 tỷ đồng ở bốn tỉnh: U Đôm Xay, Va Vẳn Na Khệt, Chăm Pa, Xắc và Xê Kông. Mỗi trường cho phép từ 300 - 400 con em các dân tộc Lào tập trung học tập, v.v...
Tóm lại, liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào trong giai đoạn bảo vệ và xây dựng Tổ quốc là biểu hiện cao đẹp của tình nghĩa Việt - Lào thủy chung son sắt, được xây dựng theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tinh thần quốc tế vô sản trong sáng. Sự liên minh đó đã vận động qua những chặng đường lịch sử khác nhau và trải qua không ít gian nan thử thách. Song ở bất kỳ thời điểm nào, sự liên minh đó vẫn sáng ngời nồng thắm. Kết thúc bài viết này, tác giả mượn lời đồng chí Khămtày Xiphănđon phát biểu trong cuộc gặp giữa Bộ Chính trị Việt Nam và Lào tháng 12 năm 2002: “Chúng tôi lúc nào cũng coi trọng mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa Lào và Việt Nam. Đó là truyền thống và là tấm gương thủy chung, hiếm có trong mối quan hệ quốc tế, trở thành nhân tố cơ bản quyết định thắng lợi của công cuộc đấu tranh cứu nước của hai chúng ta trong suốt thế kỷ vừa qua. Truyền thống đó đã trở thành di sản quý báu của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai dân tộc chúng ta. Chúng tôi kiên quyết cùng với các đồng chí bảo vệ di sản trên như bảo vệ con ngươi của mắt mình và sẽ tiếp tục quán triệt phát triển mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam ngày càng đơm hoa kết trái[11].


[*] Trích cuốn: Viện Khoa học xã hội quốc gia Lào, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Liên minh chiến đấu Lào – Việt Nam trên chiến trường cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2009.



[1] Báo Nhân dân ngày 17 tháng 12 năm 1976.
[2] Khămtày Xiphănđon: Những bài học chọn lọc về quân sự, Nxb QĐND, H. 1986, tr.305.
[3] Cayxỏn Phômvihản: về cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở Lào, Nxb Sự thật, H.1986, tr.177, 178.
[4] Đại hội Đảng III Đảng Nhân đán Cách mạng Lào, Nxb Sự thật, H. 1983, tr.30.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V, tập 1, Nxb Sự thật, H. 1982, tr. 146-147
[6] Liên minh chiến đấu đời đời bền vững, Nxb QĐND, H. 1984, tr. 20.
[7] Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, ký ngày 18 tháng 7 năm 1977. Lưu hồ sơ số 514/3, tr. 1 – Vụ Á Châu 2, Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
[8] Tài liệu cơ bản về Lào, tr.6, Lưu Vụ Á Châu 2, Bộ Ngoại giao.
[9] Tình nghĩa Việt- Lào mãi mãi bền vững hơn núi, hơn sông, Nxb Sự thật, H. 1978, tr. 98.
[10] Kế hoạch hợp tác kinh tế,giáo dục, xã hội Việt Nam     - Lào giai đoạn 2006- 2010, tr.6. Nguồn Bộ Kế
hoạch và Đầu tư- Phân ban Hợp tác Việt Nam- Lào xuất bản năm 2005.
[11] Khẹckeo Soisaynhạ: Nhân dân Lào và Việt Nam có truyền thống đoàn kết giúp đỡ lần nhau từ lâu đời, Hội thảo khoa học quốc tế về mối quan hệ Việt Nam - Lào, Nxb KHXH, H..2007, tr. 59-60.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!