Thứ Sáu, 24 tháng 10, 2014

NHẬT BẢN: TỪ NỀN NGOẠI GIAO ĐẾ QUỐC ĐẾN HIẾN PHÁP 1947 VÀ SỰ DIỄN GIẢI LẠI ĐIỀU 9 TRONG BỐI CẢNH MỚI

Hồ Khang – Hồ Hoàng Thái
Cuối thế chiến II, sự kiện Quan Đông và cuộc ném bom nguyên tử vào hai thành phố Nhật Bản dường như đã “nhấn chìm” Đế quốc Thái dương vào biển sâu – thời đại của những đế chế biển cũng nhường chỗ cho thời đại của các siêu cường có quy mô “tiểu lục địa”. Nhưng xứ sở sinh thành của thuyết Đại Đông Á không dễ trở thành một đảo quốc tăm tối: Nhật Bản với cuộc cách mạng công nghiệp “thần kỳ” đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế quan trọng bậc nhất thế giới. Sự phát triển kinh tế hòa bình của Nhật Bản khi đó xuất hiện như một lời phủ nhận chính sách ngoại giao đế quốc chủ nghĩa trên toàn thế giới, như thế sự phát triển kinh tế hẳn không còn cần đến sức mạnh quân sự to lớn bảo hộ, còn vị thế và an ninh quốc gia không nhất thiết phải khẳng định qua bạo lực quân sự. Đó cũng là xu hướng mới của kinh tế thế giới cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, góp phần vào “hiện tượng toàn cầu hóa”.

Tuy nhiên, những biến cố quân sự liên tiếp đầu thế kỷ XXI lại cho thấy rằng nền hòa bình và thịnh vượng thường rất mong manh, những liên minh kinh tế là không đủ, dường như còn cần đến sự đảm bảo liên minh quân sự. Nếu những liên minh quân sự trở lại trên các cuộc hội đàm quốc tế như một giải pháp ngoại giao thực tế, thì liệu có hay không cuộc trở lại của chính sách ngoại giao đế quốc chủ nghĩa vốn là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến chiến tranh thế giới? Chính phủ Nhật Bản và người dân Nhật cũng đứng trước câu hỏi ấy khi nhìn lại hơn 1 thế kỷ biến chuyển chính sách ngoại giao của mình.
Nền ngoại giao đế quốc của Nhật nửa đầu thế kỷ XX
“Chủ nghĩa đế quốc”, trên một phương diện nhất định, có thể xem như một sản phẩm của quan hệ quốc tế, như vậy, cũng là kết quả của chính sách ngoại giao. Đối với nước Nhật đầu thế kỷ XX, lợi ích quốc gia (hay nói đúng hơn, lợi ích đế quốc) là sự kết hợp giữa chính sách quân sự với chính sách ngoại giao. Cụ thể hơn, nền chính trị độc lập của Nhật là sự kết hợp giữa quân sự và các giao kết đồng minh với những cường quốc khác. Thực vậy, sự phát triển quốc gia đơn phương và đơn thuần là một ảo tưởng trung đại cần xóa bỏ khi đó và người Nhật đã sớm bắt kịp xu hướng của thế giới mới từ sau cải cách Minh Trị 1868. Ito Hirobumi[1], thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản (1885), một trong những tác giả của chiến tranh Nhật – Nga (1904-1905), là người đã sớm thấy rằng cần giữ một nguyên tắc điều hòa Đông Tây, rằng Nhật Bản cần tránh phát triển lực lượng đơn phương và phải hợp tác với các cường quốc thì mới có thể duy trì được tình trạng ổn định. Tình trạng ấy là tình trạng cân bằng lợi ích giữa các cường quốc, đúng hơn, cân bằng lợi ích giữa các đế quốc.Trong tình thế của Nhật Bản bấy giờ, vấn đề cô lập hay hợp tác là chìa khóa của các quyết sách ngoại giao, và quan hệ với Tây Âu là nội dung của những quyết sách ấy – đó chính là nền tảng đảm bảo quyền lợi của Nhật Bản ở Châu Á.
Trong xu hướng đó, sự phòng vệ, biểu hiện lợi ích quốc gia của Nhật Bản, thể hiện qua ba phương diện: (i) vị trí của Nhật đối với các vùng lân cận, (ii) ngăn chặn sự chi phối của nước khác và (iii) tham gia vào nền chính trị quốc tế với tư cách một cường quốc[2]. Như thế sự phát triển của đế quốc Nhật Bản cũng là sự mở rộng ảnh hưởng của nó ở cực Đông để nâng cao sức mạnh quốc gia, trở thành bá chủ vùng cực Đông. Đối với các nhà tư tưởng trong lực lượng lục quân Nhật Bản, thì việc xâm chiếm lãnh thổ lục địa Á Đông giúp Nhật Bản thoát khỏi số phận một đảo quốc để có sức mạnh của một đế quốc lục địa. Còn đối với tư tưởng của các nhóm hải quân, những nước lớn là một kẻ thù chiến lược, cần mở rộng và kiểm soát được biển để phát triển theo hướng toàn cầu. Các nhà lãnh đạo lục quân và hải quân đều biết rằng mở rộng khu vực đặc quyền lợi ích của Nhật là tiền đề để tiến hành hợp tác với các cường quốc khác, chính vì lẽ đó càng có thể thấy rằng các biện pháp quân sự và phát triển lợi ích kinh tế kết hợp với nhau trong lĩnh vực đối ngoại cho thấy vị trí của đế quốc trong trường quốc tế. Mặt khác thì, các khu vực đặc quyền này là căn đế cho Nhật Bản giao dịch, hợp tác với các cường quốc khác[3].
Dù khống chế lục địa hay đại dương, thì đường lối ngoại giao-quân sự đậm tính cách đế quốc của Nhật cũng khá nhất quán trong nửa đầu thế kỷ XX. Đặc biệt từ sau 1927 cho đến 1938, xu hướng này phát triển lên đến đỉnh điểm với thuyết Đại Đông Á, dẫn đến chiến tranh Thái Bình Dương và sự kết thúc của nước Nhật Bản đế quốc chủ nghĩa[4].
“Hiến pháp Hòa bình”, từ Điều 9 đến Lực lượng Phòng vệ Quốc gia
Ngày 3 tháng 5 năm 1947, sau thế chiến II, Hiến pháp Quốc gia Nhật Bản[5] được đưa ra với những lời mở đầu sau: “Chúng tôi, nhân dân Nhật Bản…quyết định rằng chúng tôi sẽ bảo vệ bản thân và nền thịnh vượng của mình bằng những kết quả của nền hợp tác hòa bình với mọi quốc gia dân tộc khác cùng những ân huệ của tự do xuyên suốt xứ sở này… và rằng chúng tôi sẽ không bao giờ tiến đến những nỗi kinh hoàng của chiến tranh thông qua hành động của chính phủ…Chính phủ là niềm tin thiêng liêng của nhân dân, là thẩm quyền từ nhân dân mà ra, là quyền lực được thực thi nhân danh nhân dân, và lợi ích mà nhân dân cần đến. Đó là quy luật phổ biến của nhân loại mà Hiến pháp này cũng được tạo lập trên đó…”[6]. Bản “Hiến pháp Hòa bình” này đã khẳng định ý chí của nước Nhật mới: không tham chiến dưới mọi hình thức và hướng tới nền hòa bình quốc tế - ý chí này sẽ được thực hiện thông qua chính phủ, với tư cách là đại diện cho ý chí và lợi ích của nhân dân. Điều 9 của Hiến pháp khẳng định nội dung này cụ thể hơn nữa: “Nhân dân Nhật Bản thành thật mong muốn một nền hoà bình quốc tế dựa trên chính nghĩa và trật tự, cam kết vĩnh viễn không phát động chiến tranh như là một phương tiện giải quyết xung đột quốc tế bao gồm chiến tranh xâm phạm chủ quyền dân tộc và các hành vi vũ lực hoặc các hành vi đe doạ bằng vũ lực. Để thực hiện mục đích ghi ở trên, lục quân, hải quân và không quân cũng như các tiềm lực chiến tranh khác sẽ không được duy trì. Quyền tham chiến của đất nước sẽ không được công nhận.”[7]
Với Điều 9, có thể xem như một “thể chế” ngăn chặn Nhật Bản tái vũ trang và tham gia chiến tranh đã được kiến thiết với ba nội dung chính: (a) không sử dụng chiến tranh để giải quyết xung đột quốc tế; (b) không sử dụng vũ lực hoặc các hành vi liên quan; (c) lục quân, hải quân và không quân sẽ không được thiết lập, duy trì. Nói cách khác, bản “Hiến pháp hòa bình” với Điều 9 không chỉ loại bỏ hoạt động tự vệ/xâm chiếm bằng quân lực, mà còn ngăn ngừa chính sự thiết lập quân lực ở Nhật Bản. Theo một nghĩa khác, giai đoạn ngoại giao đế quốc chủ nghĩa đã hoàn toàn chấm dứt, và Điều 9 chính là dấu chấm hết của nó.
 Tuy nhiên, năm 1950, sau khi chiến tranh Triều Tiên nổ ra, Sư đoàn Kỵ binh số 24 của Mỹ được rút khỏi Nhật Bản. Trong tình thế Nhật không còn được bảo vệ, MacArthur cho thành lập đội Cảnh sát Dự trữ Quốc gia  (NPR) gồm 75.000 nhân sự, sử dụng các trang thiết bị dư thừa của Mỹ. Tháng 8 năm 1952, Cơ Quan An Ninh Quốc gia mới được thành lập để giám sát NPR, do chính Thủ tướng Shigeru Yoshida điều hành. Ông nhận thấy rằng cần thiết phải duy trì khả năng chiến tranh để tự vệ, và như thế cần sửa đổi Hiến pháp. Năm 1954, Cơ quan An ninh Quốc gia trở thành Cơ quan Quốc Phòng Nhật Bản, và Cục Dự trữ Cảnh sát Quốc gia trở thành Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF). JSDF được trang bị đầy đủ với một lực lượng hải quân khá mạnh. Sau sự kiện Sunakawa 1959 và Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật, vấn đề phòng vệ có vũ trang càng được nhấn mạnh.
Dù sao đi nữa, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản được thành lập với nhận thức rõ ràng: lực lượng này không đủ khả năng tiến hành một cuộc chiến tranh hiện đại, và nó là cần thiết để phục vụ mục đích tự vệ quốc gia. Đảng Dân Chủ Tự do và Đảng Dân chủ Nhật Bản cho rằng cần sửa đổi hoặc bổ sung Điều 9 để cho phép JSDF có thể phản ứng hợp pháp đối với trước sự tấn công của quốc gia khác. Đảng Dân Chủ Xã hội lại cho rằng bản thân JSDF là một lực lượng vi hiến, cho đến khi Đảng Dân Chủ Xã hội liên kết với Đảng Tự Do Dân Chủ để hình thành nhà nước liên hiệp thì họ mới ủng hộ JSDF. Rõ ràng một Nhà nước cần đến một quân đội, đó là vấn đề thực tiễn của mọi nhà nước. Trong khi đó, Đảng Cộng Sản Nhật Bản đề xuất rằng cần phi quân sự hóa Nhật Bản và phát triển dân quân có vũ trang. Về căn bản, Điều 9 và JSDF, một bên là thể chế ngăn chặn các hoạt động quân sự, bên kia là tiềm năng để tiến hành chiến tranh, thực sự có những bất đồng không thể giải quyết nổi, cần đến một sự sửa đổi hoặc bổ sung đối với Hiến pháp [8].
Bất chấp những diễn biến mới từ sau 1990 với sự kiện chiến tranh Vùng Vịnh lẫn sức ép của Mỹ lên giới lãnh đạo Nhật Bản, nhân dân Nhật Bản vẫn giữ một thái độ đương nhiên với Điều 9, họ cho rằng tinh thần của Điều 9 là quan trọng và không cần đến sự sửa đổi nào. Tuy vậy, sự kiện khủng bố 11-9-2001 ở Mỹ lại tạo một hoàn cảnh mới cho Nhật Bản: ngày 29-10-2001, Luật về các biện pháp đặc biệt chống khủng bố được ban hành, cho phép mở rộng khái niệm “tự vệ” của Nhật Bản[9]. Luật này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía nhân dân Nhật Bản, đặc biệt sau việc Thủ tướng Koizumi tuyên bố ủng hộ cuộc chiến Iraq do Mỹ khởi xướng và gửi quân đến hỗ trợ việc chiếm đóng Iraq vào cuối năm 2003 đầu năm 2004. Các làn sóng biểu tình tại Nhật cho rằng việc gửi quân tới Iraq là trái với Hiến pháp, ngay cả khi nhóm quân Nhật Bản được gửi tới Iraq có mục đích cứu trợ chứ không tham gia chiến tranh.
Tháng 4/2007, Thủ tướng Abe lập ra một Ủy ban cấp cao với người đứng đầu là cựu Đại sứ Nhật tại Mỹ Shunji Yanai để xem xét lại vai trò an ninh của Nhật và các hoạt động cần thiết nhằm gia tăng hiệu quả phòng vệ quốc gia. Tháng 5/2007, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe kêu gọi một sự “xét lại dũng cảm” với Hiến pháp 1947 cho phép đất nước có một vai trò lớn hơn trong an ninh toàn cầu cũng như để phục hồi lòng kiêu hãnh dân tộc. Ngoài Đảng Dân chủ Tự do của ông Abe, cho đến năm 2012, Đảng Khôi Phục Nhật Bản (Japan Restoration Party), Đảng Dân Chủ Nhật Bản, Đảng Nhân Dân Mới Nhật Bản (People’s New Party) và Đảng Của Bạn (Your Party) ủng hộ sửa đổi Hiến pháp nhằm giảm nhẹ hoặc thủ tiêu những hạn chế gây ra bởi Điều 9. Tuy nhiên, muốn sửa đổi Hiến pháp cần có hai phần ba số dân đồng ý và phải trải qua trưng cầu dân ý để có thể có hiệu lực (theo như Điều 96 của Hiến pháp Nhật Bản). Chưa một Đảng nào có thể vận động số lượng ủng hộ cần thiết từ phía nhân dân để sửa đổi Điều 9, ngoài ra, rất nhiều các đảng ở Nhật chống lại sự sửa đổi, bao gồm cả DPJ và Đảng Cộng sản Nhật Bản[10].
Diễn giải lại Điều 9
Những sự kiện liên quan đến quần đảo Sensaku/Điếu Ngư cùng sự gia tăng hoạt động quân sự-gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông đã cấp một cơ hội thuận lợi cho Thủ tướng Abe, sau khi ông tái đắc cử, vận động nghị viện và nhân dân Nhật ủng hộ việc “giải thích lại” Điều 9 Hiến pháp 1947. Điều đáng nói là, việc giải thích lại Điều 9 đối với Nhật Bản lại là cần thiết để đối phó với một Trung Quốc dường như có chính sách đối ngoại tương đối cùng ý hướng với Nhật Bản những năm đầu thế kỷ XX.
Tháng 2-2013, sau chuyến thăm Mỹ, Thủ tướng Shinzo Abe quyết định sửa đổi Hiến pháp là chủ quyền của Nhật Bản, không cần giải thích với các nước khác. Theo đó, Điều 9 không còn phù hợp với Hiệp ước quân sự Mỹ - Nhật và không thích hợp với tình hình mới ở khu vực. Cuối cùng, đầu tháng 7/2014, liên minh cầm quyền của ông Abe  đã thông qua sự diễn giải lại Hiến pháp lần đầu tiên sau 60 năm với những lưu ý quan trọng: (i) hoàn cảnh quốc tế có nhiều biến đổi; (ii) không một quốc gia nào có thể tự mình bảo vệ hòa bình; (iii) cần mức độ tự vệ tối thiểu. Hơn nữa, trong cách diễn giải mới về Điều 9, quyền phòng vệ tập thể là khác với an ninh tập thể. Quyền phòng vệ tập thể chủ yếu hướng tới việc Nhật có thể phối hợp quân sự với đồng minh để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình khi bị xâm phạm, trong khi an ninh tập thể hướng tới sự phối hợp triển khai quân sự ở nhiều mức độ khác nhau.
Trên cơ sở đó, quyền phòng vệ tập thể được cho là giữ được nguyên tắc hòa bình, không sử dụng vũ lực vào tranh chấp quốc tế, và chỉ được vận dụng theo một trong bốn trường hợp sao: (a) sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia để đánh chặn tên lửa nhằm vào Mỹ; (b) triển khai lực lượng phòng vệ biển (JPSDF) của Nhật Bản nếu một tàu Mỹ bị tấn công ở xa; (c) sử dụng các lực lượng phòng vệ Nhật Bản cho một cuộc phản công nếu một phái bộ có sự tham gia của Nhật bị quốc gia nước ngoài tấn công tại lãnh thổ nước ngoài; và (d) sử dụng vũ lực để loại bỏ những trở ngại trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Rõ ràng bốn kịch bản này đều không nhấn mạnh khía cạnh bảo vệ lợi ích quốc gia và vùng thế lực của Nhật Bản, mà nhấn mạnh vào phương diện phối hợp quân sự với Mỹ cũng như việc bảo vệ nền hòa  bình của Nhật Bản.
Cho dù vậy, với tiềm lực tài chính và khả năng kiến thiết một quân đội hiện đại vượt trội so với khu vực, việc diễn giải lại Điều 9 cũng vấp phải sự phản đối mãnh liệt từ các nước Đông Á khác, bên cạnh sự phản đối vẫn chưa chấm dứt của nhân dân. Hàn Quốc và Trung Quốc đều cho rằng với động thái này của Nhật, sự đồng thuận chính trị trong và ngoài nước Nhật có nguy cơ bị phá vỡ. Trung Quốc và Hàn Quốc đều cảnh báo rằng một cuộc chạy đua vũ trang Đông Á có thể diễn ra và kéo theo nhiều sự cố phức tạp tại Đông Á. Trong khi đó, các nước đồng minh của Nhật như Mỹ, Úc… lại ủng hộ sự tái diễn giải Điều 9, cho rằng đây là một cơ hội đảm bảo sự hợp tác an ninh mới cho hệ thống quân sự dọc Châu Á Thái Bình Dương.
Dù sao đi nữa, trong tình thế của Nhật Bản, việc diễn giải lại Điều 9 là cần thiết đối với chính nền nội chính của Nhật Bản, xét như một cơ hội thống nhất các lực lượng chính trị Nhật Bản lần đầu tiên kể từ sau 1947. Bên cạnh đó, việc Nhật Bản tham dự một cách chặt chẽ hơn các nghĩa vụ quốc tế cũng tạo ra sự đảm bảo mới về cân bằng quân sự trên khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Liệu Nhật Bản có từ nỗ lực “quân sự vì hòa bình” quay trở lại “chính sách ngoại giao đế quốc” hay không có thể sẽ tùy thuộc vào sức ép quân sự của Trung Quốc. Nhưng tình thế Đông Á lúc này không còn giống như 100 năm trước: vì đối với Nhật bản, một liên minh quân sự có lẽ thực sự cần đến vì hòa bình khu vực và lợi ích quốc gia.





[1] Xem thêm: James Bowen, The façade of constitutional democracy in Japan/ Trên thềm hiến pháp dân chủ của Nhật bản, 2010. Nguồn: http://www.pacificwar.org.au/foundationJapmilaggro/FacadeofDemocracy.html . Hirobumi đã lựa chọn nhóm của hoàng đế Minh Trị, chống lại các cải cách dân chủ và việc soạn thảo một hiến pháp dân chủ. Ông chủ trương phát triển ngoại giao “tích cực” theo hướng dùng các chính sách ngoại giao đế quốc để định hướng sự phát triển của đất nước. Chính điều này đã khởi đầu cho quá trình tái cấu trúc quyền lực giữa các lực lượng chính trị ở Nhật Bản bấy giờ.
[2] Đặc biệt tư tưởng này được thể hiện rõ ở Yagama Arimoto, hay còn được gọi là Yagama Kyosuke, Nguyên soái, từng hai lần làm thủ tướng Nhật Bản, một chính khách quan trọng của Nhật Bản đầu thế kỷ XX. Xem thêm Roger F. Hackett, Yagama Arimoto in the rise of modern Japan/ Yagama Arimoto và sự trỗi dậy của Nhật bản hiện đại, 1838-1922, Havard University Press, 1971. Đúng như Hackett đã nhận định về Yagama: “Không có hình tượng nào tiêu biểu hơn về một nhà chính trị tân thời của Nhật Bản như Yamagata Arimoto… Vì sự nghiệp của ông cho chúng ta một cái nhìn cận cảnh xuyên suốt về nước Nhật từ trước cải cách Minh Trị 1868 cho đến khi kết thúc thế chiến thứ nhất” (trang 1).
[3] Xem Irie Akira, Ngoại giao Nhật Bản – từ Minh Trị Duy Tân đến hiện đại, NXB Tri thức 2013: “Nói cách khác, sự thừa nhận vùng thế lực và quyền lợi đặc thù của Nhật chính là tiền đề để tiến hành hợp tác với các cường quốc khác và ngược lại, đương nhiên, Nhật Bản cũng phải thừa nhận những lợi ích đặc thù của các nước Châu Âu và Mỹ, như vậy mới điều hòa, hợp tác được giữa các quốc gia đế quốc chủ nghĩa…” (trang 128).
[4] Khối thịnh vượng chung Đại Đông Á (Đại Đông Á Cộng vinh khuyên) là khẩu hiệu được Thủ tướng Fumimaro Konoe đưa vào đầu tháng 8 năm 1940 nhằm hướng đến một khối Đại Đông Á bao gồm Nhật, Mãn Châu Quốc (vùng Nội Mông), Trung Quốc và một phần Đông Nam Á dựa trên các nguyên tắc (a) ngoại giao liên hiệp, (b) quân sự đồng minh, (c) kinh tế hợp tác, (d) văn hóa giao lưu và (e) chính trị độc lập. Tuy nhiên, “điều quan trọng là tư tưởng Chủ nghĩa Châu Á bị đẩy đến chỗ cuồng tín…Vốn dĩ quan hệ đối ngoại của Nhật Bản sau thời Minh Trị chỉ lấy chính sách về quân sự và kinh tế làm trục chính thì đến nay bắt đầu mang tính tư tưởng”. (Irie Akira, tư liệu đã dẫn, tr 201).
[5] Hiến Pháp này được Thủ tướng Kijūrō Shidehara gợi ý về phương diện cấm thiết lập quân đội tại Nhật. Ông cho rằng một quân đội không đạt tiêu chuẩn sẽ không được người dân tôn trọng, sẽ gây ra ám ảnh về một nước Nhật tái vũ trang. Điều 9 của Hiến Pháp này được cho là do Charles Kades, người cộng tác thân thiết của Thống tướng Douglas MacArthur, người chấp nhận Nhật đầu hàng ngày 2-9-1945. Kades cho rằng quyền tự vệ của Nhật Bản là chính đáng, đó là quyền tự vệ của một quốc gia.
[6] Dịch từ toàn văn Hiến Pháp Nhật Bản chính thức, phiên bản tiếng Anh. Nguồn: http://japan.kantei.go.jp/constitution_and_government_of_japan/constitution_e.html
[7] Dịch từ toàn văn Hiến Pháp Nhật Bản, nguồn đã dẫn.
[8] Xem thêm: webstie thư viện Kawamoto, loạt bài luận về tình hình xã hội Nhật Bản, bài số 64: The Article 9 of the Japanese Constitution and the actual conditions of the Japan Self-Defense Forces/ Điều 9 trong Hiến Pháp Nhật bản và điều kiện thực tế của lực lượng phòng vệ Nhật Bản, bản tiếng Nhật, nguồn: http://www5a.biglobe.ne.jp/~katsuaki/sesou64.html   
[9] Xem Umeda Sayuri, Japan: Article 9 of the Constitution/ Nhật Bản: Điều 9 của Hiến pháp, Law Library of Congress, 2006, trang 18.
[10] Xem thêm: Hong Cai, Japanese candidates debate China Policy/ Ứng cử viên Nhật bản thảo luận về chính sách Trung Quốc, Nhật báo Trung Hoa, nguồn: http://www.chinadaily.com.cn/cndy/2012-11/29/content_15969837.htm 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!