Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

KINH NGHIỆM XÂY DỰNG HẬU PHƯƠNG QUÂN ĐỘI TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC VÀ TRONG 30 NĂM ĐỔI MỚI

     PGS, TS HỒ KHANG
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
         1- Một số khái niệm
Hậu phương, hiểu theo nghĩa hẹp, là nơi đối xứng với tuyền tuyến, có sự phân biệt rạch ròi bằng yếu tố không gian, là lãnh thổ ngoài vùng chiến sự, có dân cư và tiềm lực mọi mặt, nhất là về nhân lực, vật lực đáp ứng nhu cầu của của lực lượng vũ trang ngoài tuyền tuyến. Hậu phương là nơi huy động sức người, sức của cho tuyền tuyến. Một cách khái quát, hậu phương chính là “những vùng an toàn, nơi đứng chân và là chỗ dựa của cách mạng để tích lũy, xây dựng, phát triển lực lượng chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá-xã hội… phục vụ cho kháng chiến và chiến tranh cách mạng”1. Hậu phương chiến tranh có các cấp độ và hình thức khác nhau, có hậu phương chiến lược, có hậu phương tại chỗ, lại có cả hậu phương lòng dân.

Quân đội là tổ chức vũ trang tập trung, thường trực và chuyên nghiệp do một nhà nước hoặc một phong trào chính trị xây dựng, phục vụ mục tiêu giành chính quyền, giải phóng đất nước, bảo vệ Tổ quốc bằng đấu tranh vũ trang, hoặc tiến hành chiến tranh, đấu tranh vũ trang để thực hiện mục đích chính trị của nhà nước hoặc của phong trào chính trị đó.
Có hai yếu tố tạo nên sức mạnh của quân đội là con người  vũ khí trang bị; trong đó, con người là yếu tố quyết định. Yếu tố con người và trang bị vũ khí, kỹ thuật luôn có sự liên quan chặt chẽ, chi phối lẫn nhau.
Nói đến yếu tố con người là nói đến lực lượng chỉ huy (sĩ quan) và lực lượng binh sĩ chiến đấu trực tiếp; đồng thời, nói đến trình độ chỉ huy, các chiến lược, chiến thuật điều hành hoạt động quân sự của các sĩ quan chỉ huy, cũng như chất lượng chỉ huy của sĩ quan và trình độ chiến đấu của chiến sĩ. Nhân tố con người thể hiện ở thể lực, trí tuệ tức là chất lượng của lực lượng được tuyển chọn vào trong quân đội, cùng với nó là quá trình huấn luyện đào tạo và kinh qua chiến đấu.
Bên cạnh đó, vũ khí, trang bị kỹ thuật và công nghệ là yếu tố ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên sức mạnh của quân đội, nhất là với sự phát triển như vũ bão về khoa học - kỹ thuật hiện nay. Tuy nhiên, chi phí cho sự phát triển vũ khí, khoa học công nghệ quân sự rất tốn kém, chỉ những nước có nền kinh tế rất mạnh mới có thể phát triển tốt và sở hữu ưu thế về vũ khí, công nghệ quân sự vượt trội so với nước khác. Những nước có nền kinh tế chưa phát triển thường đầu tư vào yếu tố con người, tận dụng những lợi thế về con người.
Với tư cách chủ thể, hậu phương thường được tiếp cận trong mối quan hệ với hai khánh thể chủ yếu: 1- Chiến trường (nơi diễn ra chiến sự); 2- Quân đội (lực lượng tham gia chiến đấu) - tất cả được đặt trong không gian chiến tranh. Việc phân chia hậu phương thành các hình thức, cấp độ khác nhau cho thấy ngoài hai yếu tố là tuyền tuyến và lực lượng vũ trang, yếu tố chiến tranh là vô cùng quan trọng, nó là điều kiện xác định hậu phương trên phương diện địa bàn/giới tuyến. Tuy nhiên, quân đội không chỉ tồn tại trong chiến tranh, nó có mặt cả trong thời bình và nó được xây dựng để sẵn sàng đối diện với chiến tranh.
Để làm rõ nội hàm khái niệm “hậu phương quân đội”, cần phải tiếp cận vấn đề một cách toàn diện, trên mọi chiều cạnh, bao hàm tất cả những yếu tố chính yếu cũng như liên quan. Từ quan điểm nêu trên, “hậu phương quân đội” được hiểu “ chỗ dựa, bệ đỡ, điểm tựa cho quân đội trong chiến tranh, hoặc nếu chiến tranh xảy ra, có lực lượng vật chất và tinh thần cần thiết, nhằm tạo nên và không ngừng tăng cường sức mạnh nội lực cho quân đội, để quân đội có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”.  
Với khái niệm “hậu phương quân đội” như vừa định vị, “xây dựng hậu phương quân đội” là “tạo dựng, xây đắp cơ sở, điều kiện và những yếu tố cần thiết, nhằm đảm bảo sự vững mạnh của quân đội trong chiến đấu hoặc sẵn sàng chiến đấu”. Xây dựng “cơ sở, điều kiện và những yếu tố cần thiết” bảo đảm sự vững mạnh của quân đội chính là xây dựng nguồn lực con ngườinguồn lực vật chất, sẵn sàng cung cấp cho quân đội những nhân lực có thể lực, trí tuệ, cung cấp vật lực cho việc đảm bảo số lượng vũ khí, khí tài dồi dào với chất lượng tốt.
2- Xây dựng hậu phương quân đội trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đối thủ của nhân dân Việt Nam là Mỹ - một quốc gia mạnh nhất hành tinh. Để đương đầu và đánh bại quốc gia giầu mạnh ấy, nhất định dân tộc Việt Nam phải mạnh lên. Muốn vậy, ngoài đường lối kháng chiến đúng đắn, cần phải có chủ trương và biện pháp xây dựng, hậu phương quân đội, tạo nên sức mạnh cho quân đội.
Xây dựng hậu phương quân đội trong kháng chiến chống Mỹ được tiến hành trong điều kiện có chiến tranh, quân đội tham gia trực tiếp vào cuộc chiến, miền Nam là tuyền tuyến lớn, miền Bắc là hậu phương lớn của quân đội và của tuyền tuyến lớn miền Nam. Giữa hậu phương chiến trường và hậu phương quân đội không có sự phân tách quá rạch ròi.
Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, miền Bắc bắt tay vào xây dựng cuộc sống hòa bình và chuẩn bị sẵn sàng trước những tình huống, thử thách mới. Lường định về một giai đoạn hết sức ác liệt của cuộc chiến tranh, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (khoá II, 1955) nhận định: “Miền Bắc là chỗ đứng của ta. Bất kể trong tình hình nào, miền Bắc cũng phải được củng cố”1. Hội nghị nhấn mạnh: "Muốn thống nhất nước nhà, điều cốt yếu là phải ra sức củng cố miền Bắc, đồng thời giữ vững và đẩy mạnh cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam... Đường lối củng cố miền Bắc của ta là: củng cố và phát triển chế độ dân chủ nhân dân, tiến dần từng bước vững chắc đến chủ nghĩa xã hội... Củng cố miền Bắc phải luôn luôn chiếu cố miền Nam. Củng cố miền Bắc và chiếu cố miền Nam không thể tách rời"1.
Tại Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất toàn quốc (9 -1955), Hồ Chí Minh phát biểu: “Miền Bắc là nền tảng, là gốc rễ lực lượng đấu tranh của nhân dân ta. Nền có vững, nhà mới chắc. Gốc có mạnh cây mới tốt”2. Thực hiện nhiệm vụ củng cố miền Bắc thành “nền”, thành “gốc” cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà, Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ III (1960) chủ trương tiến hành cách mạng XHCN ở miền Bắc - cuộc cách mạng gắn bó chặt chẽ với cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, giữ vai trò quyết định nhất đối với sự phát triển của toàn bộ sự nghiệp cách mạng chung cả nước; còn cách mạng miền Nam có một vị trí rất quan trọng, có tác dụng quyết định trực tiếp đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam.
Năm 1965, Mỹ trực tiếp đưa quân chiến đấu vào miền Nam, mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Trong điều kiện đó, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 11 (3-1965) và 12 (12-1965) họp, đánh giá so sánh lực lượng và khả năng của Mỹ, nêu cao quyết tâm thắng Mỹ. Hội nghị Trung ương lần thứ 12 của Đảng khẳng định: “Miền Nam vẫn là tiền tuyến lớn, miền Bắc vẫn là hậu phương lớn, nhưng nhiệm vụ của miền Bắc là vừa xây dựng vừa trực tiếp chiến đấu, vừa chi viện cho tiền tuyến miền Nam”1. Hội nghị phân tích: “Bảo vệ miền Bắc là nhiệm vụ cách mạng của cả nước vì miền Bắc XHCN là thành quả cách mạng to lớn của nhân dân Việt Nam, miền Bắc là căn cứ địa vững chắc của cách mạng Việt Nam”1.
Xác định “đế quốc Mỹ càng đẩy mạnh chiến tranh xâm lược, chiến tranh càng trở lên quyết liệt ở miền Nam thì nhiệm vụ của miền Bắc đối với miền Nam càng nặng nề và quan trọng”, Hội nghị chỉ rõ miền Bắc phải phát huy cao độ tác dụng hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn là miền Nam, phát huy mạnh mẽ vai trò hậu phương quân đội, động viên sức người, sức của, tích cực tham gia vào cuộc chiến tranh giải phóng trên chiến trường chính miền Nam; đồng thời, kiên quyết đánh bại chiến tranh phá hoại của Mỹ đối với miền Bắc và chuẩn bị sẵn sàng để chiến thắng Mỹ mở rộng chiến tranh cục bộ ra cả nước[1].
Những phân tích của Hội nghị Trung ương lần thứ 12 cho thấy quan hệ giữa miền Bắc và miền Nam, vị trí, vai trò của miền Bắc đối với miền Bắc gắn bện chặt chẽ. Là hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam, là hậu phương quân đội, vai trò của miền Bắc ngày càng trở nên có ý nghĩa sống còn, quyết định hơn bao giờ hết; chiến tranh càng quyết liệt ở miền Nam thì nhiệm vụ của miền Bắc đối với miền Nam càng nặng nề và quan trọng.         Như vậy, ngay từ đầu, công cuộc xây dựng miền Bắc đã được Đảng Lao động Việt Nam đặt trong tương quan với thực hiện nhiệm vụ cách mạng ở miền Nam. Lúc này, xây dựng miền Bắc không chỉ đáp ứng các yêu cầu của chính nó, mà quan trọng hơn, đáp ứng yêu cầu đánh Mỹ và thắng Mỹ của chiến trường miền Nam, đáp ứng yêu cầu là hậu phương của quaann đội. Miền Bắc một vai hai gánh, can trường trở thành trụ đỡ của cả đất nước. Xây dựng CNXH ở miền Bắc, vì thế, mang những đặc điểm riêng có – CNXH thời chiến – miền Bắc XHCN với tư cách hậu phương lớn.
Để làm tròn vai trò đó, xây dựng miền Bắc phải đi đối với củng cố và bảo vệ. Miền Bắc không chỉ cần có sức mạnh vật chất đủ để đứng vững và đương đầu, mà còn cần phải có sức mạnh tinh thần vượt trội. Chế độ xã hội ưu việt được thiết lập không những phải đảm bảo cho miền Bắc trở thành hậu phương vững mạnh toàn diện, được tổ chức chặt chẽ, mà còn phải mang lại cho người thợ trong xưởng máy, dưới hầm lò, người nông dân trên đồng ruộng, người chiến sĩ trên chiến hào sức mạnh tập thể to lớn và niềm tin vào tương lai. Đó là nguồn gốc, là nền tảng tạo nên sức mạnh bền vững của hậu phương miền Bắc suốt những năm kháng chiến chống Mỹ.
         Suốt những năm xây dựng, chiến đấu gian lao, miền Bắc đã vươn lên hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình. Miền Bắc, với Thủ đô Hà Nội, là nơi các cơ quan chiến lược đề ra và chỉ đạo thực hiện đường lối kháng chiến, điều hành chỉ huy chiến tranh trên cả hai miền. Về phương diện đó, sự ổn định, vững bền của miền Bắc, sự đồng tâm, nhất trí của người hậu phương là một trong số những nhân tố nền tảng để toàn dân, toàn quân trên cả hai miền Nam – Bắc thực hiện thắng lợi đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
         Đương đầu với đối phương có tiềm lực lớn về tài chính, quân sự và kinh nghiệm ngoại giao lão luyện bậc nhất thế giới, ngoài việc dựa vào nội lực, Việt Nam phải xây dựng một hậu phương quốc tế vững chắc để tăng thêm sức mạnh cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của mình. Vì lẽ đó, đoàn kết quốc tế, phát huy sức mạnh thời đại là một bộ phận hợp thành của đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đảng, Nhà nước Việt Nam đặc biệt coi trọng tăng cường quan hệ đoàn kết với các đảng cầm quyền ở các nước XHCN; đoàn kết với các đảng khác trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, gắn bó mật thiết với Đảng cộng sản Pháp và sau này là các tổ chức cộng sản ở Mỹ.
Bằng sự nỗ lực cao độ, Việt Nam đã tận dụng vai trò quan trọng của Liên Xô trên trường quốc tế, đặc biệt đối với các nước Đông Âu, các tổ chức dân chủ, hoà bình quốc tế, với phong trào giải phóng dân tộc. Việt Nam tranh thủ vai trò to lớn của Trung Quốc là hậu phương trực tiếp của Việt Nam bảo đảm việc đào tạo cán bộ, xây dựng lực lượng, cung cấp hậu cần, đảm bảo vận chuyển. Việt Nam tranh thủ các viện trợ không hoàn lại, cho vay không tính lãi với nhiều chương trình kinh tế, thương mại, lương thực, ngoại tệ... và đặc biệt là quân sự của cả Liên Xô và Trung Quốc. Các nước XHCN viện trợ cho Việt Nam máy móc, thiết bị, vật tư y tế, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng… Hầu như các ngành quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam đều sự giúp đỡ, viện trợ của các nước XHCN như công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ, giao thông vận tải, nông nghiệp...; trong đó có những công trình, nhà máy mang tính chất mở đường và trở thành đầu đàn cho một số ngành nghề sau này như công nghiệp gang thép, ngành dệt kim , ngành đóng tầu... Không sai khi nói rằng, các nước XHCN, đặc biệt là Liên Xô, Trung Quốc đã giúp Việt Nam hình thành cấu trúc nền kinh tế, xây dựng nền móng kinh tế Việt Nam. Các ngành kinh tế công nghiệp từ chỗ hầu như nhỏ, yếu, thiếu, nhờ sự giúp đỡ của các nước XHCN đã định hình, phát triển, đóng góp cho sự phát triển chung của cả nền kinh tế trong suốt dặm dài cuộc chiến.
Nhờ sự ủng hộ, giúp đỡ trang thiết bị quân sự, tiềm lực quốc phòng bảo vệ miền Bắc được tăng cường đáng kể. Trong hai lần chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân Mỹ, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 4.181 máy bay tiêm kích, cường kích các loại hiện đại vào bậc nhất thời bấy giờ, kể cả pháo đài bay chiến lược B52, bắn chìm, bắn cháy hàng trăm tàu chiến các loại. Với tổn thất nặng nề này, ý chí và nỗ lực chiến tranh của chính quyền Mỹ đã suy giảm nghiêm trọng. Thực hiện đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN đã tạo cho hậu phương miền Bắc một sức mạnh tổng hợp cần và đủ để hạn chế một phần sức mạnh của Mỹ, đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại quy mô lớn của Mỹ; đồng thời, viện trợ lực lượng vật chất to lớn cho chiến trường miền Nam.
Bên cạnh đó, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt hoạt động đối ngoại, đấu tranh ngoại giao thành một mặt trận có tầm quan trọng chiến lược, một mũi tiến công sắc bén. Với tư cách là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, có pháp lý của Hiệp định Gơnevơ, được nhiều nước trên thế giới công nhận, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã tiến hành các hoạt động đối ngoại và đấu tranh ngoại giao, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn. Trên thực tế, với tác động của hoạt động đối ngoại và của chính cuộc kháng chiến, mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ, đoàn kết với Việt Nam chống Mỹ đã hình thành và phát triển; liên minh đoàn kết chiến đấu giữa ba dân tộc trên bán đảo Đông Dương tiếp tục được củng cố, tăng cường.
         Về phía Mỹ, miền Bắc XHCN luôn là một nhân tố chi phối mọi tính toán chiến lược của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Nhận biết rất rõ vai trò, vị trí miền Bắc, giới lãnh đạo Oa-sinh-tơn vừa đẩy mạnh nỗ lực quân sự ở miền Nam, vừa gia tăng các hoạt động chống phá miền Bắc. Mỹ đã hai lần tiến hành chiến tranh phá hoại, bằng không quân và hải quân với quy mô và cường độ ngày càng mở rộng, ngày càng khốc liệt đối với miền Bắc và đối với tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn. Mục tiêu chiến lược của Mỹ là bẻ gãy ý chí kháng chiến của nhân dân Việt Nam, phá hoại tận gốc tiềm lực và sức mạnh của cuộc kháng chiến, ngăn chặn sự chi viện từ ngoài vào miền Bắc và từ miền Bắc vào miền Nam. Cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân Việt Nam trên vùng trời, vùng biển miền Bắc và trên tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã đập tan những nỗ lực quân sự khổng lồ của Mỹ, bảo vệ vững chắc hậu phương kháng chiến, hậu phương quân đội, bảo vệ và mở rộng tuyến vận tải chiến lược Bắc - Nam... Cuộc chiến đấu đó gây ra những tổn thất về sinh lực và phương tiện chiến tranh cho quân đội Mỹ, góp phần rất quan trọng làm lung lay ý chí xâm lược của Oa-sinh-tơn.
         Suốt 21 năm chiến tranh, đặc biệt từ sau Nghị quyết Hội nghị BCHTW Đảng lần thứ 15 (1959), miền Bắc bắt đầu tổ chức chi viện sức người, sức của cho miền Nam, cho cách mạng Lào và sau đó cho cách mạng Campuchia. Sự chi viện đó hết sức to lớn, toàn diện, liên tục với nhịp độ ngày càng tăng, đáp ứng đòi hỏi của chiến trường. Năm 1959, miền Bắc đưa vào miền Nam hơn 500 người, năm 1964, con số đó tăng lên hơn 17.000 người. Trong thời gian diễn ra những cuộc tiến công chiến lược (1968, 1972, 1975), nhân lực động viên ở miền Bắc phục vụ nhu cầu chiến tranh tăng gấp 4 đến 5 lần so với trước. Không tính số quân bảo vệ miền Bắc là lực lượng dự bị chiến lược, chiến đấu và công tác trên tuyến vận tải 559, chỉ tính riêng số quân đưa vào miền Nam trong các năm kể trên, có con số sau: Năm 1968 là 141.000 người, năm 1972 xấp xỉ 153.000, năm 1975 là 117.000. Ngoài lực lượng trực tiếp chiến đấu, các lực lượng vận tải, đảm bảo giao thông, mở đường và các lực lượng bảo đảm khác gần hàng chục vạn người cũng được động viên từ miền Bắc.
         Về vật chất, miền Bắc đã tổ chức tiếp nhận hàng triệu tấn vật chất, vũ khí, phương tiện kỹ thuật do nước ngoài viện trợ; tổ chức nghiên cứu, thiết kế, cải biên, cải tiến nhiều loại vũ khí, khí tài; tổ chức vận chuyển vượt hàng nghìn km dưới bom đạn đánh phá ác liệt tới các chiến trường, các vùng giải phóng. Trong những năm 1965 -1968, miền Bắc đưa vào miền Nam khối lượng vật chất gấp 10 lần so với những năm 1961-1964. Con số đó trong giai đoạn chống chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh còn tăng gấp nhiều lần.
         Bên cạnh việc chi viện sức người, sức của cho chiến trường, miền Bắc còn tiếp nhận hàng chục vạn cán bộ, chiến sỹ, con em miền Nam tập kết; đón tiếp gần 310.000 thương bệnh binh và hơn 350.000 lượt người từ tiền tuyến ra hậu phương chữa bệnh, học tập... Với chế độ xã hội mới được xây dựng và tỏ rõ sức sống mãnh liệt trong khói lửa chiến tranh, miền Bắc thực sự là chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho những người ra trận, cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm chiến đấu ở miền Nam, đặc biệt trong những lúc cách mạng miền Nam bị tổn thất, gặp nhiều thử thách, khó khăn…
         Vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh, trong 2 năm 1973 và 1974, 25 vạn thanh niên miền Bắc gia nhập lực lượng vũ trang, 15 vạn quân từ biệt hậu phương vào Nam chiến đấu, hàng vạn cán bộ, nhân viên kỹ thuật, thanh niên xung phong miền Bắc tới các vùng giải phóng ổn định tình hình. Lực lượng công binh, bộ đội Đoàn 559, ngành vận tải miền Bắc cùng hàng vạn dân công hoả tuyến dồn sức sửa rộng đường Trường Sơn, đặt thêm đường ống dẫn dầu. Trong hai năm này, 397.000  tấn vật chất từ miền Bắc được chuyển tới mặt trận, bằng 54% tổng khối lượng vật chất giao cho các chiến trường trong suốt 16 năm trước đó. Trên miền Bắc, Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương quyết định thành lập các quân đoàn chủ lực. Các quân chủng, binh chủng cũng khẩn trương phát triển thêm nhiều đơn vị mới.
         Được hậu phương miền Bắc chi viện mạnh mẽ, toàn diện, thế và lực cách mạng miền Nam biến chuyển nhanh chóng. Trước tình hình đó, tháng 1.1975, Bộ Chính trị hạ quyết tâm động viên cao độ sức mạnh của cả nước mở cuộc Tổng tiến công chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam.
         Thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, cả miền Bắc hướng ra tiền tuyến, dốc sức chi viện cho Quân đội, cho chiến trường. Các đoàn cán bộ của Đảng, của Bộ Quốc phòng lên đường tới các mặt trận đôn đốc, kiểm tra công tác chuẩn bị. Bộ Chính trị quyết định thành lập Hội đồng chi viện miền Nam do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Trên mọi nẻo đường dẫn ra mặt trận, những đoàn xe vận tải nối đuôi suốt ngày đêm, chuyển nhanh vào Nam các binh đoàn chủ lực, các đoàn cán bộ dân, chính, Đảng và hàng vạn tấn vật chất, tạo ra thế và lực áp đảo trước khi chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh bắt đầu. Với sự chuẩn bị chu đáo, toàn diện, sự chi viện kịp thời của hậu phương miền Bắc, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 toàn thắng, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 21 năm mưa bom, bão đạn.
Như vậy, không ngừng phát triển kinh tế, tranh thủ sự ủng hộ vật chất của các lực lượng tiến bộ hòa bình thế giới, xây dựng chế độ mới của người lao động và đào tạo con người mới có giác ngộ, có lý tưởng, có khát vọng, có trình độ, một lòng hy sinh phấn đấu cho nền độc lập, tự do, toàn vẹn sông núi của Tổ quốc chính là nguồn gốc, là nền tảng tạo nên một hậu phương vững chắc – một hậu phương làm nên sức mạnh to lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc đương đầu lịch sử một mất, một còn với đế quốc Mỹ.
         2- Xây dựng hậu phương quân đội trong 30 năm đổi mới
Xây dựng hậu phương quân đội trong 30 năm đổi mới được tiến hành trong thời bình, tập trung chủ yếu vào xây dựng chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, nhằm cung cấp, đảm bảo nguồn lực con ngườinguồn lực vật chất cho quân đội. Do vậy, ngay từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới (1986), trước những diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế và trong nước, với quan điểm “toàn dân xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, toàn quân bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước”, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng cộng sản Việt Nam chủ trương “xây dựng hậu phương đất nước một cách toàn diện”[2]; “kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế xã hội với ổn định và đổi mới về chính trị, tăng cường củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội” [3]. Đại hội VII (6-1991) nhấn mạnh: “Sự ổn định và phát triển mọi mặt đời sống xã hội là nền tảng của quốc phòng - an ninh. Phát triển kinh tế- xã hội đi đôi với tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh, quốc phòng - an ninh với kinh tế”[4]. Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 nhấn mạnh: “Kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh theo phương châm: phát triển kinh tế xã hội là nền tảng để bảo vệ Tổ quốc”[5]. Điều 48, Hiến pháp năm 1992 của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam quy định: “Thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự, chính sách hậu phương quân đội; xây dựng công nghiệp quốc phòng, bảo đảm trang bị cho lực lượng vũ trang, kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ và chiến sỹ, công nhân, nhân viên quốc phòng; xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh, không ngừng tăng cường khả năng bảo vệ đất nước”[6].
Từ những quan điểm nêu trên của Đảng, xây dựng hậu phương quân đội phải chú ý những yêu cầu sau: 1- Ổn định chính trị là một tiền đề để xây dựng và phát triển hậu phương quân đội; đồng thời, là nhân tố quan trọng góp phần tạo nên sức mạnh chính trị - tinh thần cho quân đội; 2- Đường lối, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội phải gắn với củng cố tăng cường quốc phòng, an ninh, để nếu chiến tranh buộc nổ ra nhanh chóng chuyển thành sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân; 3-Phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội luôn chú trọng xây dựng quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang có khả năng bảo vệ độc lập dân tộc; 4-  Dựa vào sự phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội của đất nước, lấy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội làm nền tảng, thông qua các hoạt động kinh tế, văn hóa - xã hội, kịp thời tận dụng những thành tựu mới nhất để củng cố quốc phòng, xây dựng sức mạnh quân đội.
Theo định hướng nói trên, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam thực hiện chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, đặt trọng tâm vào việc thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn, tiến tới đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế. Nhờ những nỗ lực đó, GDP của Việt Nam đã tăng liên tục. Nếu như trong giai đoạn đầu đổi mới (1986-1990), GDP chỉ tăng bình quân 3,9%/năm, thì trong 5 năm tiếp theo (1991-1995) đã đạt mức 8,2%. Trong 5 năm (2001-2005) của nhiệm kỳ Đại hội IX, GDP bình quân tăng gần 7,5%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2007 - 2011 đạt 7%/năm, còn tính chung trong 10 năm 2001-2010, tăng trưởng kinh tế đạt 6,89%, đứng thứ 2 trong khu vực, kinh tế khá ổn định.
 GDP bình quân đầu người của Việt Nam liên tục tăng, năm 1995 đạt 289 USD, đứng thứ 10 khu vực, thứ 44 Châu Á, thứ 177 thế giới (Việt Nam là một trong 23 nước có mức thu nhập thấp nhất thế giới), đến năm 2002 đạt khoảng 439 USD, vượt lên đứng thứ 8 khu vực, thứ 39 Châu Á và thứ 112 thế giới, năm 2010 lên 1.061 USD. Việt Nam đã chuyển từ khu vực các nước kém phát triển sang khu vực các nước đang phát triển. Tổng số vốn đầu tư toàn xã hội 2006-2010 tăng gấp 2,5 lần so với giai đoạn 2001 - 2005, đạt 42,9% GDP. Quy mô GDP năm 2010 tính theo giá thực tế đạt 101,6 tỷ USD, gấp 3,26 lần so với năm 2000. GDP bình quân theo đầu người đạt 1.168USD.
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, thành tựu phát triển con người của Việt Nam biểu hiện tổng hợp trong sự gia tăng tương đối nhanh chỉ số phát triển con người (HDI).  Năm 1995 chỉ số đạt 0,560, đứng thứ 7/10 trong khu vực Đông Nam Á, thứ 32/50 ở châu Á và thứ 122/201 trên thế giới. gia tăng tương đối nhanh chỉ số phát triển con người (HDI), năm 2002 đã đạt 0,691. Năm 1995, trong các nước và vùng lãnh thổ Việt Nam mới đứng thứ 7/10 trong khu vực Đông Nam Á, thứ 32/50 ở châu Á và thứ 122/201 trên thế giới, thì năm 2000 đã vươn lên đứng thứ 6 khu vực, thứ 28 châu Á và thứ 109 thế giới, cao hơn xếp hạng về GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo sức mua tương đương, trong khu vực là thứ 6 so với thứ 7, ở châu Á là thứ 28 so với thứ 36, trên thế giới là thứ 109 so với thứ 122. Nói một cách khác, nếu về GDP bình quân đầu người, Việt Nam còn đứng ở tốp cuối trong nhóm các nước đang phát triển, thì về HDI, Việt Nam lại đứng ở mức trên trung bình trong nhóm các nước này.
Thực hiện công cuộc đổi mới, đi đôi với các cải cách kinh tế, Đảng, Nhà nước Việt Nam tập trung xây dựng hệ thống chính trị với Nhà nước pháp quyền XHCN. Hệ thống chính trị - xã hội Việt Nam là hệ thống các thiết chế chính trị, chính trị - xã hội và các thiết chế xã hội khác gồm Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể quần chúng và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội rộng lớn của nhân dân; cơ chế vận hành các thiết chế đó dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Hệ thống chính trị - xã hội đó được hình thành trên cơ sở gắn kết, thống nhất giữa hai hệ thống thiết chế xã hội là hệ thống chính trị (hệ thống thiết chế trực tiếp thực hiện quyền lực chính trị) và hệ thống xã hội. Đó là điều kiện thuận lợi để tập hợp, đoàn kết các lực lượng quần chúng đông đảo để thực hiện các nhiệm vụ chính trị; đồng thời, đảm bảo dân chủ, giữ vững ổn định xã hội.
Giáo dục là một trong những quốc sách hàng đầu ở Việt Nam, quy mô giáo dục tiếp tục tăng ở tất cả các bậc học, ngành học, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng lớn của nhân dân. Đến hết 1998 cả nước có 51/61 tỉnh, thành phố đạt tiêu chuẩn quốc gia về xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, tỷ lệ người biết chữ đạt khoảng 93%, tỷ lệ lao động biết chữ là 97%. Năm 2000, toàn bộ (61/61) tỉnh, thành phố đã hoàn thành phổ cập tiểu học; một số tỉnh, thành phố đã hoàn thành phổ cập trung học cơ sở. Quy mô giáo dục tiếp tục tăng ở tất cả các bậc học, ngành học, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng lớn của nhân dân. Năm học 2004-2005, cả nước có 520.300 lớp học phổ thông (cả 3 cấp) với 17,3 triệu học sinh; có 214 trường đại học và cao đẳng với 1.131.000 sinh viên; có 268 trường kỹ thuật với 360.400 học sinh. Trong điều kiện thu, chi ngân sách Nhà nước còn mất cân đối, tổng chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục vẫn tăng và đạt quy mô khá. Từ năm 2000, mỗi năm Nhà nước đã chi 15% ngân sách cho giáo dục, 2% ngân sách cho khoa học. Đời sống văn hoá ngày càng được nâng cao, con người được tiếp cận tốt hơn với công nghệ thông tin hiện đại.
 Quyền được chăm sóc sức khỏe luôn luôn là một mục tiêu ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Thành tựu trong sự nghiệp phát triển y tế là một trong những thành tựu nổi bật. Về cơ sở hạ tầng, tính đến năm 2010, trên toàn Việt Nam có 1.030 bệnh viện, 44 khu điều dưỡng phục hồi chức năng, 622 phòng khám đa khoa khu vực với tổng số giường bệnh khoảng 246.300 giường. Bên cạnh các cơ sở y tế Nhà nước đã bắt đầu hình thành một hệ thống y tế tư nhân bao gồm 19.895 cơ sở hành nghề y, 14.048 cơ sở hành nghề dược, 7.015 cơ sở hành nghề y học cổ truyền, 5 bệnh viện tư có vốn đầu tư nước ngoài – điều đó đã góp phần làm giảm bớt sự quá tải ở các bệnh viện Nhà nước. Đã có 80% số thôn bản có nhân viên y tế hoạt động, 100% số   trạm y tế trong đó gần 2/3 xã đạt chuẩn quốc gia, tuy nhiên sự phát triển chưa đồng đều ở mỗi cấp, vùng, miền. Việc đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và sự công bằng trong chăm sóc sức khoẻ người dân chưa đảm bảo. Ngân sách của ngành y tế hiện cũng tăng khá trong thời gian gần đây. Tổng chi ngân sách ngành y tế nếu năm 1996 mới đạt 3.610 tỷ đồng thì năm 2004 đã đạt 6.276 tỷ. Việc chăm sóc sức khoẻ và phòng chống các bệnh xã hội đạt nhiều kết quả. Hàng năm, số người mắc và chết vì bệnh sốt rét giảm 10-15%, vì bệnh bướu cổ giảm 2 - 3%; trên 90 % dân cư đã được tiếp cận các dịch vụ y tế. Việc bảo vệ sức khoẻ sinh sản cho phụ nữ cũng có nhiều tiến bộ. Ngân hàng thế giới (World Bank - WB) nhận định các chỉ số y tế của Việt Nam khá hơn điều có thể trông đợi ở một nước có mức độ phát triển tương tự.
Với nền tảng phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội, con người như trên, hậu phương quân đội được củng cố, đã cung cấp, đảm bảo tương đối tốt những điều kiện cho xây dựng và phát triển Quân đội nhân dân Việt Nam. Hiện nay, thực lực quân sự Việt Nam đã được nâng lên một cách vững chắc, quân số đông, sức chiến đấu và sức mạnh tổng hợp đều đứng đầu các nước Đông Nam Á.
Theo “Sách Trắng Quốc phòng” công bố năm 2009 của Việt Nam, hiện nay lực lượng thường trực của quân đội Việt Nam (bao gồm cả bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương) có tổng cộng 450.000 người, lực lượng dự bị khoảng 5.000.000 người. Bộ đội chủ lực là thành phần cốt cán của Quân đội nhân dân Việt Nam, bao gồm Lục quân, Hải quân, Phòng không - Không quân, Bộ đội biên phòng.
Ngân sách cho quốc phòng của Việt Nam không ngừng tăng cao, tạo điều kiện hiện đại hóa quân đội với trang bị vũ khí tiên tiến, vừa tự nghiên cứu chế tạo, liên hợp sản xuất trang thiết bị, vừa mua sắm khối lượng lớn vũ khí trang thiết bị của nước ngoài, nâng cao tính năng vũ khí trang thiết bị của bản thân, trong đó mua sắm vũ khí trang thiết bị cho Hải quân và Phòng không - Không quân chiếm tỉ lệ rất lớn. Năm 2001, Việt Nam cho ra đời “Kế hoạch hiện đại hóa lực lượng vũ trang thế kỷ mới”, đề xuất thay đổi toàn diện vũ khí trang thiết bị của ba quân chủng Lục quân, Hải quân và Không quân, trọng tâm là ưu tiên đảm bảo hiện đại hóa Phòng không - Không quân và Hải quân, đồng thời lắp đặt các loại trang thiết bị cảnh báo, trinh sát, chỉ huy, cơ động và đảm bảo cung cấp hậu cần. Việt Nam đã mua một số máy bay chiến đấu và tàu chiến có khả năng tác chiến khá cao, lên kế hoạch phát triển nền công nghiệp quốc phòng với ưu tiên cho Hải quân
3- Một số kinh nghiệm về xây dựng hậu phương quân đội
Thứ nhất, sớm hoạch định chiến lược và triển khai các kế hoạch xây dựng hậu phương quân đội liên tục, không ngừng nghỉ
Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dựng nước gắn liền với giữ nước, dân tộc Việt Nam đã phải tiến hành nhiều cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc chống lại các kẻ thù xâm lược lớn hơn gấp nhiều lần về sức mạnh kinh tế, quân sự. Quá nửa thời gian trong lịch sử hàng nghìn năm đó, các thế hệ người Việt Nam phải dồn tâm lực vào các hoạt động quân sự để giành lại, giữ vững nền tự do, độc lập và vẹn toàn lãnh thổ. Tiến trình lịch sử đầy gian khó, thử thách, hy sinh đó đã cho thấy để có thể vững vàng đối diện với chiến tranh, chiến thắng trong chiến tranh, bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, nhân dân Việt Nam phải xây dựng hậu phương quân đội vững mạnh và phải có đường lối chiến lược, kế hoạch xây dựng hậu phương quân đội từ rất sớm, thực hiện trong cả thời chiến, cũng như thời bình.
Rõ ràng, “không có đường lối đúng để xây dựng chỗ đứng chân vững chắc, để động viên và bồi dưỡng tiềm lực của nhân dân, của đất nước nhằm bảo đảm nguồn cung cấp sức người, sức của cũng như nguồn động viên cổ vũ về chính trị, tinh thần thì không thể tiến hành được chiến tranh cách mạng lâu dài để cuối cùng giành lấy thắng lợi”[7]. Bàn về chiến tranh cách mạng, V.I.Lenin cho rằng: “Ai có nhiều hậu bị hơn, có nhiều nhân lực hơn, ai đứng vững được trong quần chúng nhân dân hơn thì người ấy sẽ giành được thắng lợi trong chiến tranh”. Tiếp thu tư tưởng V.I.Lenin, đồng thời kế thừa và phát triển những kinh nghiệm về xây dựng căn cứ trong lịch sử chống ngoại xâm của cha ông, Đảng cộng sản Việt Nam đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng hậu phương quân đội, xác định đây là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của chiến tranh cách mạng. Trên cơ sở đó, ngay từ rất sớm và trong suốt quá trình xây dựng hậu phương quân đội, cả trong kháng chiến chống Mỹ và trong thời kỳ có hòa bình, Đảng đề ra và giải quyết thành công các nội dung cơ bản thuộc về hoặc liên quan tới xây dựng chỗ đứng chân và tiềm lực của cách mạng, kháng chiến; nhờ đó, quân đội luôn chủ động trong các tình huống chiến tranh, chủ động trong các bước phát triển khi không có chiến tranh, tiềm lực mọi mặt được nâng lên không ngừng một cách vững chắc.
Thứ hai, quán triệt quan điểm “lòng dân là nền tảng chính trị của hậu phương quân đội”
Sức mạnh của hậu phương chiến tranh trước hết và chủ yếu là ở lòng dân – nói cách khác, sự ủng hộ của toàn dân đối với Đảng và cách mạng là nền tảng chính trị vững chắc nhất của hậu phương quân đội. Kháng chiến chống Mỹ là một cuộc chiến tranh nhân dân, bởi vậy để xây dựng hậu phương quân đội, hậu phương chiến tranh, nhất thiết phải dựa vào dân, huy động sức mạnh toàn diện của nhân dân; khơi dậy lòng yêu nước trong nhân dân, cố kết họ thành một khối thống nhất, tạo ra sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn. Sự giác ngộ cách mạng, tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc của nhân dân cùng với tính ưu việt của chế độ, sự vững chắc của các tổ chức chính trị - xã hội của quần chúng là động lực, là nền tảng cho sự phát triển vững chắc của hậu phương quân đội - “lòng yêu nước và sự đoàn kết của nhân dân là một lực lượng vô cùng to lớn, không ai thắng nổi”[8].
Nói đến xây dựng căn cứ lòng dân, cần phải xác định đúng đắn vai trò to lớn của quần chúng nhân dân; xác định rõ phương thức, phương pháp tập hợp nhân dân tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng, bảo vệ hậu phương quân đội. Muốn lôi cuốn, tập hợp được nhân dân cần phải có một đường lối chính trị đúng đắn, hợp lòng dân, có một tổ chức lãnh đạo biết quy tụ, cố kết lòng dân. Sức mạnh quy tụ cố kết lòng dân phụ thuộc  vào việc giải quyết mối quan hệ giữa Đảng với dân. Đảng phải làm cho dân tin Đảng, yêu Đảng và đi theo Đảng đến cùng. Đảng vừa là người lãnh đạo, nhưng đồng thời là người đầy tớ trung thành của nhân dân.
Tiềm lực quân đội, tiềm lực xây dựng hậu phương quân đội là vô cùng to lớn nếu tranh thủ được nhân dân. Để huy động nhân dân, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng hoạt động của người dân vào thực hiện mục tiêu bảo vệ đất nước. Hiệu quả của công tác tuyên truyền, vận động quần chúng được thể hiện ở việc “làm cho dân ta có tín tâm và quyết tâm”.
Vấn đề động viên sức dân để xây dựng hậu phương quân đội phải được tiến hành song song với củng cố sức dân, chăm lo đến đời sống nhân dân, “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc”.
Trong  kháng chiến chống Mỹ, tư tưởng dựa vào dân, chăm lo bồi dưỡng sức dân, phát huy sức mạnh của nhân dân đã đêm lại hiệu quả to lớn, thiết thực đối với xây dựng hậu phương quân đội, được tiếp tục kế thừa trong những năm tháng đổi mới đất nước (1986-2006) và cần tiếp tục được tiếp tục thực hiện ở hiện tại và trong tương lai.
Thứ ba, chú trọng xây dựng nguồn lực con người, coi đó là trụ cột trong xây dựng hậu phương quân đội
Xây dựng hậu phương quân đội, yếu tố con người - yếu tố quyết định của hậu phương quân đội được Đảng Lao động Việt Nam đặc biệt chú trọng. Con người, trước hết là nhân dân lao động được đặt vào trung tâm của quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Mọi chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đều phải xuất phát từ con người và vì con người, không chạy theo tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, bất chấp pháp luật và đạo lý xã hội. Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn khai thác các nguồn lực văn hoá của dân tộc để làm động lực cho phát triển kinh tế - xã hội – đây là một trong những nguyên tắc quan trọng trong phát triển nguồn lực con người đối với xây dựng hậu phương quân đội.
Đảng, Nhà nước hoạch định và thực hiện các chính sách đảm bảo đời sống vật chất, chăm lo sức khoẻ, tạo điều kiện cho người dân được thụ hưởng giáo dục, nâng cao trình độ học vấn, được sống trong xã hội an toàn, lành mạnh; nhân phẩm con người được coi trọng, đời sống tinh thần phong phú, lạc quan, nhân văn và tiến bộ.
Đối với các gia đình quân nhân, gia đình có người tham gia chiến đấu, Đảng và Nhà nước rất coi trọng chính sách hậu phương quân đội. Các chế độ, chính sách hậu phương quân đội đều được ban hành kịp thời với những quy định rất cụ thể. Nhà nước xây dựng nhiều công trình phúc lợi công cộng tạo điều kiện cho mỗi cá nhân có điều kiện lao động và phục vụ.
Đảng, Nhà nước Việt Nam phát huy quyền dân chủ của nhân dân, quan tâm xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam, bảo vệ và phát huy bản sắc dân tộc, “bồi dưỡng các giá trị văn hóa trong thanh niên, học sinh, sinh viên, đặc biệt là lý tưởng sống, lối sống, năng lực trí tuệ, đạo đức, bản lĩnh văn hóa con người Việt Nam”[9]. Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, phát triển toàn diện con người, thực hiện dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội, tạo nhiều việc làm, cải thiện đời sống, khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa đói, giảm nghèo; phát triển kinh tế đi đôi với tăng cường tiềm lực hậu phương. Đó là cơ sở, điều kiện vững chắc bảo đảm sự phát triển không ngừng của Quân đội nhân dân Việt Nam.




1 Bộ Quốc phòng - Trung tâm từ điển bách khoa quân sự: Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb QĐND, H, 1996, tr. 78.
1 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tập 16, tr. 577.
1 Như trên, Sđd, tập 16, tr. 577.
2 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, Tập 8, tr.67
1 Như trên, tập 26, tr. 108.
1 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 26, tr. 636.
[1] Như trên, tập 26, tr.636.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987, tr. 30.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tr. 53.
[4] Như trên, tr. 30.
[5] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.70.[6] Hiến pháp Việt Nam (Năm 1946, 1959, 1980, 1992 và Nghị định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.138.[7] Võ Nguyên Giáp: Chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, Nxb. Sự thật , Hà Nội, 1979 , tr. 202[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 281.[9]
Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia , Hà Nội, 2001, tr. 106.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!