PGS,TS. Hồ Khang
Trong lịch sử phát
triển của thế giới đương đại, hiếm có những quốc gia, dân tộc có mối quan hệ và
tình đoàn kết đặc biệt như Việt Nam và Lào. Từ lúc phôi thai cho tới nay, cách
mạng hai nước luôn gắn bó chặt chẽ. Trải qua năm tháng, tình đoàn kết của nhân
dân hai nước đã trở thành một quy luật tất yếu. Trong những năm tháng kháng
chiến chống Pháp và chống Mỹ, trên tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình”, Quân
tình nguyện Việt Nam đã có mặt ở hầu hết các chiến trường Lào, cùng nhân dân
các bộ tộc Lào chiến đấu, viết nên “mối tình đặc biệt Việt - Lào”, mà căn cứ
kháng chiến Hạ Lào[1] là một
trong những dấu ấn như thế.
1- Khu kháng chiến Hạ
Lào trong kháng chiến chống Pháp
Hạ Lào có vị trí chiến lược quan
trọng đối với Lào, Nam Việt Nam, Thái Lan và Campuchia, nên khu vực này, một
mặt, là chỗ đứng chân của lực lượng kháng chiến; mặt khác, trở thành đối tượng
xâm chiếm, đánh phá của cả thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Ngay sau khi thực dân
Pháp trở lại xâm lược Lào, với quan hệ truyền thống gắn bó tốt đẹp và theo Hiệp
định[2]
liên minh giữa hai nước, dù lực lượng còn nhỏ yếu, vũ khí thiếu thốn, Việt Nam
đã nhanh chóng đưa các đơn vị vũ trang sang phối hợp chiến đấu với quân dân
Lào. Theo đường số 9, Liên quân Việt - Lào đã đánh địch ở Sê Pôn, Mường Phìn
(Xa-vẳn-na-khệt), Bản Cơn, Thà Ngòn, Ilay (Viêng Chăn), Huội Xài, Sầm Nưa,
Xiêng Khoảng, Nọong Hét (dọc đường số 7) và Na Pê, Khăm Cợt, Lạc Xao (dọc đường
số 8)...
Trong những ngày đầu
kháng chiến chống Pháp đầy khó khăn, nhận rõ tầm quan trọng, vị trí chiến lược
của vùng đất Hạ Lào, lãnh đạo Chính phủ độc lập lâm thời Lào Ít-xa-la đã đề nghị
Chính phủ Việt Nam giúp đỡ xây dựng khu kháng chiến Hạ Lào. Đáp ứng yêu cầu,
tháng 5-1948, Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã giao nhiệm vụ cho Liên khu
5 cử cán bộ và lực lượng vũ trang giúp đặt nền móng cho khu kháng chiến. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, Liên khu 5 Việt Nam đã nhanh chóng đưa lực
lượng sang giúp quân và dân Hạ Lào xây dựng căn cứ. Tỉnh uỷ Quảng Nam-
Đà Nẵng và Trung đoàn 93 nhận trách nhiệm đưa đội vũ trang khảo sát tình hình
vùng biên giới các tỉnh Hạ Lào, giáp với Quảng Nam-Đà Nẵng[3]. Ngày
19-8-1948, Quân tình nguyện Việt Nam lên đường Tây Tiến đã tập trung tại một
địa điểm ở Quảng Ngãi, quán triệt sâu sắc quan điểm “chỉ có vận động được nhân
dân Lào đứng dậy kháng chiến thì mới tiêu diệt được giặc Pháp”[4]. Từ
đây, phong trào đấu tranh của Liên khu 5 Việt Nam và Hạ Lào luôn có sự giúp đỡ,
hợp tác, tạo điều kiện cùng phát triển.
Cuối năm 1948, Khăm-tày Xi-phăn-đon cùng ông Xỉ-thôn
Cô-ma-đăm sang Liên khu 5. Trên cương vị là đại diện Chính phủ độc lập lâm thời
Lào It-xa-la tại Hạ Lào, Khăm-tày Xi-phăn-đon chính thức trao Công hàm của
Hoàng thân Xu-pha-nu-vông cho Phạm Văn Đồng- đại diện Chính phủ Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa, đề nghị phía Việt Nam giúp đỡ thành lập Khu kháng chiến Hạ Lào.
Được Việt Nam hỗ trợ, ngày 1-3-1949[5],
tại Khu căn cứ Đắc Chưng (tỉnh At-ta-pư), Khăm-tày Xi-phăn-đon chính thức tuyên
bố thành lập Ủy ban kháng chiến và Khu quân sự Hạ Lào (hay còn gọi là Khu kháng chiến Hạ Lào). Ông Xỉ-thôn Cô-ma-đăm
được cử làm Khu trưởng kiêm chỉ huy quân sự; ông Xổm Ma-nô-viêng được cử làm
Chủ tịch chính quyền Khu. Sau khi Khu kháng chiến Hạ Lào ra đời, Việt Nam giải
thể Khu đặc biệt[6], thành
lập Ban Cán sự Hạ Lào do Nguyễn Chính Cầu làm Bí thư, Ban chỉ huy Quân tình
nguyện Việt Nam ở Hạ Lào do Đoàn Huyên làm Chỉ huy trưởng. Sự điều chỉnh này
nhằm đảm bảo tính hợp lý và hiệu trong quan hệ phối hợp, giúp đỡ giữa quân đội
Việt - Lào trên chiến trường Hạ Lào.
Hơn hai tháng sau khi thành lập, nhận thấy những thiết
sót về chỉ huy, kỹ thuật, chiến thuật cũng như phương pháp vận động quần chúng
tại Khu kháng chiến Hạ Lào, ngày 15-5-1949, lãnh đạo Khu thống nhất với Ban Cán
sự Hạ Lào đưa quân về vùng tự do Quảng Nam - Đà Nẵng tiến hành đợt chỉnh huấn
quân sự, chính trị. Qua đợt chỉnh huấn, trình độ về quân sự, nhận thức chính
trị, tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ có sự chuyển biến rõ rệt.
Kết thúc đợt chỉnh huấn, ngày 25-6-1949, Liên khu 5 đã tổ
chức Hội nghị rút kinh nghiệm về công tác xây dựng cơ sở cách mạng tại Hạ Lào.
Khu trưởng Khu Hạ Lào Khăm-tày Xi-phăn-đon, Xỉ-thôn Cô-ma-đăm - đại diện Chính
phủ Lào It-xa-la đã tham dự. Hội nghị quyết định nhiều vấn đề quan trọng, các
đại biểu nhất trí lấy vùng đồng bằng của tỉnh At-ta-pư làm nơi xây dựng khu
giải phóng của Hạ Lào. Về quân sự, “Liên khu 5 đã tăng cường hai đại đội quân
tình nguyện cho liên quân Lào - Việt ở Hạ Lào. Đại bộ phận bộ đội Lào - Việt
chia làm ba mũi vượt sông Xê Công, sang vùng tây nam At-ta-pư, Bô-lô-ven,
Xa-ra-van xây dựng căn cứ mới”[7].
Đến cuối năm 1949, các lực lượng Việt - Lào đã xây dựng căn cứ đứng chân ở phía
đông Hạ Lào (Xa-ra-van, At-ta-pư, Xê- Công), thành lập các Hội It-xa-la, tổ dân
quân du kích và chính quyền bản, xã... Được giác ngộ, nhân dân Khu kháng chiến
Hạ Lào tích cực giúp đỡ bộ đội Lào - Việt chiến đấu chống cuộc càn quét của một
tiểu đoàn Âu - Phi tăng viện phối hợp với quân địa phương chống phá Hạ Lào.
Ngày 21-1-1950, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương triệu
tập Hội nghị toàn quốc lần thứ ba. Ngoài những nội dung chỉ đạo chiến trường
chính Việt Nam, Hội nghị thống nhất quy định về tổ chức và danh nghĩa chính
thức của các lực lượng quân sự Việt Nam hoạt động trên đất Lào, theo đó, “từ
nay các lực lượng quân đội Việt Nam hoạt động ở Lào (và Miên) tổ chức theo hệ
thống riêng của quân đội Việt Nam và mang danh nghĩa là quân tình nguyện”[8].
Cũng trong năm 1950, Ban Cán sự Hạ Lào mở hội nghị sơ kết công tác và chuẩn bị
kế hoạch đối phó với địch. Hội nghị bàn việc chuyển hướng, phương châm hoạt
động, củng cố cơ sở, xây dựng căn cứ đứng chân ở các khu vực. Ban Cán sự Hạ Lào quyết định thành lập Ban Chỉ huy mặt
trận và Ban Cán sự ở mỗi vùng để thống nhất chỉ đạo các lực lượng của Việt Nam
và trực tiếp giúp cán bộ Lào.
Mặt trận Tây Nam: Gồm tỉnh Chăm-pa-sắc (trừ khu vực
Pạc-xòong, Pạc-xế), do Nguyễn Mộ phụ trách. Mặt trận có nhiệm vụ củng cố vùng
đầm Phạ-phô làm chỗ đứng chân để chỉ đạo hoạt động của toàn tỉnh Chăm-pa-sắc,
giữ vững và phát triển cơ sở vùng hữu ngạn sông Mê Kông, tích cực chống âm mưu
bình định của thực dân Pháp.
Mặt trận Xara- Bôlô: Gồm các huyện U-đôm-xíng, Lầu-ngam,
Tha-teng, Xa-ra-van, Không-xê-đôn và Va-pi-khăm-thoong, do Trần Quyết Thắng phụ
trách. Mặt trận có nhiệm vụ thống nhất chỉ đạo các lực lượng giúp Lào ở Cao
nguyên Bô-lô-ven; trước mắt, tích cực chống càn quét, bình định vùng Lầu-ngam
và mở rộng cơ sở ra toàn vùng phía bắc cao nguyên, kể cả huyện Tha-teng, tiến
tới nối liền cơ sở với các vùng ở phía nam Bô-lô-ven.
Mặt trận Xê-kông: Gồm các khu vực xung quanh thị xã
At-ta-pư và các địa phương phía nam như Xa-xảm-xay, Xay-xệt-thá, Phu-vông, do
Mai Trọng Định phụ trách. Mặt trận có nhiệm vụ chỉ đạo sự phối hợp hoạt động ở
cả hai phía đông và tây thị xã Át-ta-pư, bao vây kiềm chế địch trong thị trấn
Mường-mày, giữ vững hành lang tiếp vận từ Liên khu 5 sang Lào, từng bước xây
dựng vùng tây nam At-ta-pư thành căn cứ kháng chiến của toàn Khu kháng chiến Hạ
Lào.
Tháng 8-1950, Đại hội
Mặt trận Lào kháng chiến được tổ chức, đề ra Cương lĩnh chính trị 12 điểm, bầu Ban Chấp hành Trung ương Mặt trận
Lào It-xa-la[9]. Cương
lĩnh 12 điểm khẳng định: “Muốn kháng chiến, giành độc lập, lực lượng kháng
chiến của ba dân tộc không thể chia cắt hẳn ra được. Nước Lào không thể độc lập
được một khi Việt Nam và Miên chưa độc lập. Việt hay Miên không thể có sự độc
lập thực sự được một khi nước Lào còn là bàn đạp của Pháp ở Đông Dương”[10]. Tiếp
đó, tháng 2- 1951, Đại hội đại biểu lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương họp và
đề cập vấn đề thành lập Mặt trận thống nhất các dân tộc Việt- Miên- Lào, thành
lập ở mỗi nước một Đảng riêng, chủ trương tăng cường lực lượng giúp cách mạng
Lào, Miên.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội II, các
liên khu của Việt Nam lần lượt tăng cường lực lượng cho các mặt trận của Lào.
Một tiểu đoàn Quân tình nguyện Liên Khu V
đã sang Hạ Lào, “ba cùng” với nhân dân Lào xây dựng cơ sở.
Những năm 1951- 1952 và đầu năm 1953, các lực lượng vũ
trang Lào cùng Quân tình nguyện Việt Nam vượt mọi khó khăn trở ngại, kiên cường
chiến đấu. Các Đại đội 7,8,9 Quân tình nguyện đã phối hợp với quân dân Khu
kháng chiến Hạ Lào bám sát địa bàn chặn đánh các cuộc càn quét, gây cho đối
phương nhiều tổn thất. Đến cuối năm 1952 - đầu năm 1953, các khu căn cứ kháng
chiến ở Hạ Lào được xây dựng liên hoàn cả hai vùng đông, tây nam At-ta-pư, nối
liền hai phía nam, bắc Cao nguyên Bô-lô-ven, trở thành trung tâm kháng chiến
trên toàn Hạ Lào và là bàn đạp hỗ trợ, chi viện cho cuộc kháng chiến ở vùng Đông
Bắc Campuchia.
Nhằm đánh bại kế hoạch Na-va, tháng 9-1953, Đảng Lao động
Việt Nam chủ trương mở cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954. Trên
hướng Hạ Lào, Tiểu đoàn 436 thuộc Trung đoàn 101 Quân tình nguyện Việt Nam phối
hợp với các đơn vị quân đội Lào tiến công địch. Đầu năm 1954, trong trận mở
đầu, Tiểu đoàn 436 và Đại đội 200 cùng với các đơn vị bộ đội Lào tập trung đánh
vào cứ điểm Bản-pui và khống chế sân bay Mường-mày. Đại bộ phận quân địch bị
tiêu diệt, số còn lại bỏ chạy về At-ta-pư. Chiến thắng ở Hạ Lào góp phần làm
đảo lộn kế hoạch Na-va, dẫn đến sự phá sản hoàn toàn của tập đoàn cứ điểm Điện
Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ (7-1954). Kháng chiến
thắng lợi, các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam tạm biệt Khu kháng chiến Hạ Lào
trở về trong niềm vui chung thắng lợi.
2- Khu căn cứ Hạ Lào
trong kháng chiến chống Mỹ
Sau
khi Pháp rút khỏi Đông Dương, chính sách của Mỹ ở Lào và Nam Việt Nam là chính
sách can thiệp dưới những hình thức khác nhau. Sau Hiệp định Geneve,
lực lượng kháng chiến Lào tập kết về hai tỉnh Hủa-phăn (căn cứ Sầm Nưa) và
Phong-xa-lỳ[11]. Chính
quyền Viêng Chăn giành quyền kiểm soát đại bộ phận lãnh thổ Lào (10 tỉnh).
Thi hành Hiệp định
Geneve và Hiệp định đình chiến ở Lào, ngày 23-7-1954, Bộ Quốc phòng và Chính
phủ kháng chiến Lào ra lệnh thực hiện Hiệp định đình chiến trên toàn chiến
trường Lào. Thực hiện quyết định này, các lực lượng Quân tình nguyện Việt Nam
và lực lượng vũ trang Lào Ítxala khẩn trương chuẩn bị về mọi mặt, chuyển trọng
tâm hoạt động phù hợp với tình hình.
Từ giữa năm 1959, Mỹ bắt đầu tiến hành chiến
lược chiến tranh đặc biệt ở Lào. Bước vào Xuân Hè năm 1960, cục diện mới xuất
hiện trên chiến trường Đông Dương. Xác định đấu tranh vũ trang là chủ yếu ở
Lào, ngày 15-7-1959, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam họp bàn về
phương hướng hoạt động quân sự và giúp cách mạng Lào xây dựng lực lượng vũ
trang, chủ trương “ở Hạ Lào thì xây dựng lực lượng chính trị, quân sự bí mật,
rồi tiến tới đấu tranh vũ trang”[12]. Những tháng cuối năm
1960, tình hình Lào diễn biến phức tạp. Bộ Chính trị nhận định đây là thời kỳ
khó khăn của cách mạng Lào, chủ trương giúp đỡ Lào “lúc này phải bí mật và
nhanh chóng, chủ yếu là giúp ý kiến cho bạn làm”[13];
đồng thời, chỉ đạo Quân khu 4 chuẩn bị 1 tiểu đoàn nghiên cứu khả năng tổ chức
lực lượng có thể đưa vào hoạt động ở Hạ Lào.
Từ đầu năm 1961, Mỹ
và quân đội Sài Gòn đẩy mạnh đánh phá tuyến vận tải của Đoàn 559. Trước tình
hình đó, Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân Lào đã thảo luận, thống nhất:
Kiên trì giữ vững hành lang phía đông, lật cánh tuyến vận tải chiến lược sang
phía Tây Trường Sơn. Tuy nhiên, từ năm 1963, Mỹ và lực lượng thân Mỹ ở các nước
thuộc bán đảo Đông Dương lại tập trung đánh phá tuyến hành lang đông Trường
Sơn, liên tiếp mở những cuộc càn quét vào miền Tây Trị Thiên dọc Đường 9. Trong
điều kiện đó, Việt Nam đề nghị Lào cho phép sử dụng một bộ phận đất đai dọc
hành lang Tây Trường Sơn ở Trung - Hạ Lào và đường 13, sông Mê Công, Đông Bắc
Campuchia để mở tuyến chi viện và xây dựng căn cứ chiến lược chung cho các
chiến trường Nam Đông Dương.
Đầu năm 1964, lần đầu tiên lực lượng không quân Mỹ ném
bom xuống vùng giải phóng Trung - Hạ Lào và đến giữa năm tiếp tục cho máy bay
bắn phá một số vùng khác như Bản Đông, Mường Phăn, Thà Thơm, Thà Viêng, Cánh
Đồng Chum. Nhận thức rõ tầm quan trọng của chiến trường Hạ Lào, Đảng Lao động Việt
Nam, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam quyết định giúp đỡ củng cố Hạ
Lào. Theo thống kê của Bộ Tổng tham mưu, đến tháng 4-1964, lực lượng vũ trang,
bán vũ trang cách mạng ở Hạ Lào “có 2.424 người, tổ chức thành 1 tiểu đoàn chủ
lực, 4 đại đội địa phương tỉnh, 21 trung đội huyện, được trang bị tương đối đầy
đủ, phần lớn là vũ khí chiến lợi phẩm và đã hoàn thành chương trình huấn luyện
quân sự, chính trị năm 1963”[14].
Lực lượng du kích có “khoảng 5.200 người. Cơ sở Đảng ở Hạ Lào có 358 chi bộ với
2.622 đảng viên; cơ sở nhân dân được tổ chức ở 1.311 làng trong tổng số 1.740
làng và là vùng có cơ sở nhân dân vững từ thời kỳ kháng chiến”[15].
Để củng cố khu căn cứ Hạ Lào, Bộ Tổng tham mưu dự kiến tăng cường lực lượng
giúp Hạ Lào xây dựng toàn diện trong 2 – 3 năm, đặt trọng tâm xây dựng cơ sở
chính trị, lực lượng vũ trang, kinh tế, mở rộng khu căn cứ Hạ Lào, nối liền với
Liên khu 5 thành một căn cứ rộng lớn và vững chắc. Các phương châm trong xây
dựng kinh tế, xây dựng lực lượng, trong hoạt động và trong tác chiến được xác
định như sau: 1- Lấy việc đẩy mạnh sản xuất của nhân dân là chủ yếu, kết hợp tổ
chức các tập thể nhỏ của bộ đội ở những khu vực có điều kiện; 2- Lấy chất lượng
làm chính, nhưng phải chú trọng số lượng, xây dựng đồng thời chủ lực, bộ đội
địa phương, dân quân du kích trên cơ sở tính toán khả năng cung cấp của địa
phương và nhiệm vụ cách mạng; 3- Kết hợp chặt chẽ giữa 3 mặt chính trị, quân
sự, kinh tế, kết hợp củng cố vùng giải phóng và đẩy mạnh hoạt động ở vùng địch
hậu; 4- Lấy chiến tranh du kích làm chính, đánh địch ngoài công sự làm chủ yếu,
đồng thời kết hợp nhổ một số vị trí có khả năng bảo đảm chắc thắng; kết hợp
giữa tiêu hao và tiêu diệt, giữa tác chiến và địch vận[16].
Ngoài ra, Việt Nam còn tăng cường cho Hạ Lào một số
chuyên gia dân sự, quân sự và một đội vũ trang công tác. Chuyên gia quân sự bố
trí từ quân khu đến cấp tỉnh và các tiểu đoàn tập trung; lực lượng chuyên gia
gồm các thành phần cán bộ quân sự, chính trị, hậu cần. Chuyên gia dân, Đảng được
bố trí đến cấp huyện. Đội vũ trang công tác hoạt động theo phương thức khi tác
chiến thì tập trung, lúc làm công tác thì phân tán nhỏ đến trung đội, số cán bộ
thì phân tán xuống các địa phương để giúp đỡ cán bộ bản, tà sẻng[17].
Để bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy và hiệp đồng được
chặt chẽ, Bộ Tổng tham mưu đề nghị: Thành lập đảng ủy thống nhất dân, chính,
Đảng ở Hạ Lào để chỉ đạo lực lượng của Việt Nam tại đó; cho phép tổ chuyên gia
miền Đông quan hệ với Khu 5 trao đổi tình hình lúc cần thiết. Quân ủy Trung
ương trực tiếp chỉ đạo công tác ở Hạ Lào, các mặt bảo đảm vật chất, quản lý con
người, vấn đề hậu phương của cán bộ. Quân tình nguyện Việt Nam công tác ở Hạ
Lào do Quân khu 4 đảm nhiệm và dựa vào khả năng kinh tế từng địa phương để
sống, việc tiếp tế trong nước sang chủ yếu là trang bị, thuốc men và một phần
hàng hóa dùng để đổi lấy những thứ cần thiết.
Sang năm 1965, chính sách của Mỹ là muốn “gắn việc giải
quyết tình hình Lào vào vấn đề Việt Nam, chủ yếu là nhằm phối hợp ngăn chặn sự
chi viện của miền Bắc Việt Nam qua đường hành lang bằng biện pháp đẩy mạnh quân
sự lên một bước”[18]. Những
hoạt động quân sự của Mỹ tập trung chủ yếu ở khu vực đường 9, vùng giải phóng
Trung và Hạ Lào, sau đó tấn công chiếm lại Cánh Đồng Chum để làm bàn đạp đánh
phá miền Bắc. Tháng 6-1965, giữa lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân
dân Lào có cuộc hội đàm. Hai bên cùng nhận định Hạ Lào là con đường để Mỹ đi
vào miền Nam; do đó, Mỹ sẽ tập trung lực lượng để giữ cho được Hạ Lào, nếu như
chiến tranh cục bộ xảy ra, Hạ Lào và miền Nam trở thành chiến trường chung. Từ
đó, đại diện hai Đảng xác định nội dung giúp Lào là tập trung giúp xây dựng
vùng giải phóng về mọi mặt với quy mô một quốc gia và chủ yếu giúp xây dựng lực
lượng vũ trang. Tháng 12-1965, tại Hội nghị
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, một lần nữa Lê Duẩn nhấn mạnh:
“Phải giúp đỡ cách mạng Lào một cách toàn diện và trên tất cả các mặt trận,
nhưng phải đặc biệt coi trọng mặt trận Trung, Hạ - Lào, vì đế quốc Mỹ đang có
âm mưu đánh rộng ra ở vùng này để cô lập miền Nam với miền Bắc. Vì vậy, chi
viện cho Trung, Hạ - Lào là một vấn đề rất quan trọng”[19].
Thực hiện chủ trương trên, Việt Nam kiện toàn bộ máy chỉ huy, chuẩn bị lực
lượng giúp Lào củng cố mở rộng vùng giải phóng.
Về tăng cường lực
lượng, đầu năm 1965, Bộ Tổng tham mưu cử hơn 100 trinh sát đặc công thuộc
Cục tình báo theo chế độ tình nguyện sang tăng cường cho Đoàn 559, Đoàn 763; cử
nhiều đơn vị bộ binh, phòng không tăng cường cho Đoàn 559 làm nhiệm vụ mở
đường, tổ chức vận chuyển chi viện, bảo vệ tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn
ở Trung và Hạ Lào. Giữa năm 1965, đơn vị chủ lực của Quân khu 4 - Sư đoàn 341[20] và
2 Trung đoàn 27, 29 được điều sang hoạt động ở Trung và Hạ Lào. Cuối năm 1965,
Bộ Tư lệnh Quân khu 4 Việt Nam phái tiểu
đoàn 3 thuộc Sư đoàn 341 sang Áttapư (Hạ Lào) giúp xây dựng, bảo vệ, mở rộng
vùng giải phóng và xây dựng lực lượng vũ trang. Tháng 5-1966, Thường
trực Quân ủy quyết định tổ chức Quân tình nguyện ở Trung – Hạ Lào với quân số
lên đến 4.500 người[21].
Về tổ chức cơ quan
chỉ đạo giúp Hạ Lào, Bộ Tổng tham mưu phân công Quân khu 4 chỉ huy hướng
Trung – Hạ Lào, chịu trách nhiệm thành lập Bộ Tư lệnh Trung -Hạ Lào. Tháng
8-1966, Quân khu 4 tổ chức một cơ quan lấy mật danh là Đoàn 565[22],
có nhiệm vụ giúp đỡ quân sự, chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng quân tình nguyện và
chuyên gia quân sự ở Trung – Hạ Lào[23].
Nhờ bố trí, điều động, sắp xếp lực lượng nhanh chóng và
hợp lý, tháng 9-1965, Quân tình nguyện Việt Nam và quân, dân các tỉnh Xalavan,
Xavannakhệt, Xiêng Khoảng liên tục đánh bại nhiều cuộc tấn công của đối phương,
bảo vệ và mở rộng vùng giải phóng Nam Lào, Trung Lào. Tháng 5-1967, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo Quân khu 4 và
Đoàn 559 phối hợp chiến đấu ở Hạ Lào, dùng
lực lượng Quân tình nguyện, lực lượng vũ trang Lào tiêu diệt địch ở Bản Phồn,
chống bình định ở Lào Ngăm, tiếp tế cho bộ đội tình nguyện ở Xa-ra-van và giúp
dân sản xuất. Lực lượng của Quân khu 4 và Đoàn 559 đã hoàn thành tốt kế hoạch
tác chiến[24].
Mùa khô 1968-1969, Quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với
lực lượng vũ trang Lào mở chiến dịch tiến công, giải phóng thị trấn Tha Teng,
thị xã Salavan, mở rộng vùng giải phóng Nam Lào liên hoàn từ đông Đường số 9 xuống
tỉnh Áttapư, tạo điều kiện uy hiếp đối phương trên các thị xã Pắk Xoòng,
Salavan, Áttapư, góp phần bảo vệ, giữ vững hành lang tuyến vận tải chiến lược
qua địa bàn Trung - Hạ Lào[25]. Từ
năm 1970 đến năm 1971, phối hợp với Quân giải phóng nhân dân Lào, Quân tình
nguyện Việt Nam tiến hành vây ép, đột phá khu phòng ngự then chốt và kết hợp
tập kích, bao vây đón lõng tiêu diệt từng cụm, kết hợp tập kích hậu phương quan
trọng của đối phương, giải phóng một khu vực rộng lớn ở Hạ Lào (Xalavan, Tha
Teng, Pắc Xoòng, Áttapư, Bôlôven). Mùa mưa năm 1972, Đoàn 565 và Đoàn 968 cùng
các lực lượng vũ trang Lào đập tan cuộc hành quân ''Sư tử đen'' của Quân đội
Viêng Chăn vào khu vực Không Xê Đôn, đường số 23, Pắk Xoòng, Sa-ra-van, Tha
Teng, Bô-lô-ven. Những năm 1973-1975, Quân tình nguyện Việt Nam tích cực chiến
đấu, giúp mở rộng vùng giải phóng Hạ Lào liên hoàn giữa các tỉnh Khăm Muộn, Xa
Vẳn Na Khệt, Sa-ra-van, Át-ta-pư, bảo vệ vững chắc tuyến vận tải chiến lược 559
chi viện chiến trường Nam Đông Dương, góp phần đưa cuộc kháng chiến của nhân
dân Lào đến thắng lợi. Năm 1975, Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt
Nam hoàn thành nhiệm vụ quốc tế ở Hạ Lào và lần lượt rút về nước.
3-
Xây dựng, củng cố căn cứ kháng chiến Hạ Lào – những kinh nghiệm lịch sử
Đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa các dân tộc Đông Dương
là một yêu cầu khách quan, là quy luật sống còn của các dân tộc Đông Dương,
trong đó tình đoàn kết chiến đấu Việt – Lào hết sức đặc biệt. Ở những bước
ngoặt của kháng chiến, liên minh, phối hợp chiến đấu giữa Việt Nam và Lào góp
phần tạo ra cục diện mới có lợi cho cách mạng Đông Dương. Phối hợp hành động
với quân, dân Lào, Quân tình nguyện Việt Nam đã đóng góp tích cực vào những
thắng lợi to lớn trong chiến đấu bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng đất nước
của hai dân tộc Việt – Lào.
Dù gặp muôn vàn khó khăn gian khổ, nhưng gánh vác nhiệm
vụ quốc tế, các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã luôn sát cánh với nhân
dân Lào, cùng chia ngọt, sẻ bùi, “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, xây dựng
và phát triển khu căn cứ kháng chiến Hạ Lào. Trong hai cuộc kháng chiến chống
thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, khu căn cứ kháng chiến Hạ Lào không chỉ là chỗ dựa
vững chắc của cách mạng Lào mà còn của cả chiến trường Đông Dương, góp phần
quan trọng vào thắng lợi của ba nước Đông Dương. Khu căn cứ kháng chiến Hạ Lào
là biểu trưng cho sức mạnh của nhân dân các bộ tộc Lào và cũng là biểu tượng
sinh động của quan hệ và tình đoàn kết đặc biệt Việt- Lào.
Những năm kháng chiến cam go, đối đầu với những thế lực
đế quốc hùng mạnh, “giúp bạn là tự giúp mình”, Quân tình nguyện Việt Nam đã coi
mảnh đất Hạ Lào như ruột thịt, quê hương, ra sức giữ vững, củng cố, mở rộng và
xây dựng vùng giải phóng, kiên quyết đánh bại các cuộc tấn công lấn chiếm của
đối phương. Sự giúp đỡ tích cực, toàn diện, kịp thời tăng cường lực lượng chiến
đấu của Quân tình nguyện Việt Nam đã có tác dụng to lớn trong quá trình lớn
mạnh mọi mặt của căn cứ kháng chiến Hạ Lào.
Từ thực tiễn sinh động Quân tình nguyện Việt Nam giúp đỡ
cách mạng Lào xây dựng khu căn cứ kháng chiến Hạ Lào, có thể đúc rút một số
kinh nghiệm sau: Một là, tuân thủ
nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, độc lập, tự chủ của Lào, nêu cao tinh thần quốc
tế, hợp tác bình đẳng; hai là, nắm
vững quy luật phát triển của cách mạng Lào, nắm vững đặc điểm, tình hình cụ thể
của địa phương, xác định nhiệm vụ, mục tiêu chính xác và biện pháp thực hiện phù hợp; ba là, phát
huy nỗ lực chủ quan, không đùn đẩy trách nhiệm, chủ động giành phần khó về
mình; bốn là, duy trì các hình thức
trao đổi, bàn bạc tập thể với lãnh đạo Lào một cách thường xuyên, tận tình giải
thích cho đến khi nắm vững, hiểu rõ phương hướng chỉ huy, nhiệm vụ và kế hoạch
hành động; năm là, chú trọng
giúp Lào phát triển lực lượng, củng cố thực lực mọi mặt, tăng cường khả năng tự
lực cánh sinh của Lào; sáu là, xây
dựng đi đôi với bảo vệ; kết hợp chặt chẽ giữa tiêu diệt địch và bảo đảm vận
chuyển thông suốt, điều động lực lượng chiến trường nhanh chóng, kịp thời.
Sức ép lịch sử đã khiến trong trường kỳ đấu tranh, hai
dân tộc Việt – Lào luôn nương dựa, đoàn kết, gắn bó. Sức ép lịch sử ấy ngày nay
chẳng những không mất đi mà tiếp tục tồn tại, thậm chí với sức nặng lớn hơn.
Chung khát vọng chân chính, nuôi dưỡng tinh thần Đông Dương, hai dân tộc Việt –
Lào hiểu rõ, nắm vững quy luật sinh tồn của mình trong mỗi bước đường phát
triển.
[2] Ngày 30 tháng 10 năm
1945, Hiệp định Liên minh giữa Chính
phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Lào It-xa-la được ký kết.
[3] Đội công tác do
Hoàng Tăng, cán bộ đại đội thuộc Trung đoàn 93 chỉ huy.
[4] Hoài Nguyên: Đôi nét về quân tình nguyện Việt Nam ở Hạ
Lào trong kháng chiến chống Pháp, in trong Quan hệ Việt- Lào, Lào - Việt,
Nxb CTQG, H.1993, tr.133.
[5] Trong Lịch sử Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Nxb
CTQG, H. 2005, tr. 58 có ghi ngày thành lập Ủy ban kháng chiến và Khu quân sự
Hạ Lào là ngày 1 tháng 3 năm 1948. Tuy nhiên, đại đa số các tai liệu đã xuất
bản thì lấy ngày 1 tháng 3 năm 1949 là ngày thành lập Khu kháng chiến Hạ Lào,
như: Lịch sử quân đội nhân dân Lào, bản tiếng Việt, tr. 60; Lịch sử kháng chiến
chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của lực lượng vũ trang và nhân dân
các tỉnh Hạ Lào (1945-1975), bản tiếng Việt, tr. 80,v.v... Lưu Viện Lịch sử
quân sự Việt Nam.
[6] Đầu năm 1948, Chính
phủ Lào It-xa-la chính thức đề nghị phía Việt Nam giúp đỡ xây dựng Khu kháng chiến Hạ Lào. Ngày 10 tháng 7
năm 1948, Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phú Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký
Quyết định thành lập Khu Đặc biệt ở
vùng Tà Ngô thuộc huyện Bến Giằng, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, sát biên giới hai
nước, làm căn cứ chiến đấu cho các lực lượng vũ trang Lào - Việt.
[7] Hoài Nguyên: Đôi nét về quân tình nguyện Việt Nam ở Hạ
Lào trong kháng chiến chống Pháp, in trong Quan hệ Việt- Lào, Lào - Việt,
Nxb CTQG, H.1993, tr.132, 136.
[8] Hồ sơ số 970/BCHTW, Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt
Nam.
[9] Gồm 12 người, do
Hoàng thân Xu-pha-nu-vông làm Chủ tịch kiêm Thủ tướng Chính phủ.
[10] Hồ sơ số 1660, Lưu Trung tâm lưu trữ Quốc gia I Hà Nội.
[11] Hai tỉnh Sầm Nưa, Phong Xa Lỳ và một
dãy hành lang nối liền hai tỉnh, xuyên qua phía đông tỉnh Luông Phra Băng, gọi
là “Đàn Pẹt” (tiểu khu 8) - một vùng rừng núi hiểm trở với diện tích khoảng
32.770 km2, nơi cư trú của 32 vạn dân gồm nhiều bộ tộc sống xen kẽ
nhau, từng là vùng căn cứ Trung ương cách mạng Lào trong kháng chiến chống thực
dân Pháp, nối liền với khu Tây Bắc và Liên khu 4 (Việt Nam) trở thành chỗ đứng
chân của lực lượng cách mạng Lào sau Hiệp định Geneve. Trong khi quân tình
nguyện Việt Nam rút về nước, quân Pháp triệt thoái khỏi Lào trong thời hạn 120
ngày (kể từ ngày ký Hiệp định Giơ-ne-vơ), các lực lượng cách mạng Lào từ khắp
nơi trong cả nước chuyển về tập kết ở hai tỉnh Sầm Nưa và Phong Xa Lỳ, chờ hai
phái Pa-thét Lào và Chính phủ Vương quốc Lào đàm phán tìm giải pháp chính trị
hoà hợp dân tộc, bảo đảm quyền tự do cho nhân dân xây dựng lại cuộc sống ấm no
hạnh phúc.
[12] Bộ Tổng tham mưu
Quân đội nhân dân Việt Nam: Biên niên sự
kiện Bộ Tổng tham mưu trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tập I (tháng
7/1954-12/1960), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2003,tr.307.
[13] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự
Việt Nam:Lịch sử các đoàn quân tình
nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ
(1954-1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.109.
[14] Trung tâm lưu trữ Quốc phòng, phông Cục Tác chiến, hồ sơ 946.
[15] Tlđd.
[16] Tlđd.
[17] Một đơn vị hành
chính gồm nhiều bản, tương đương như xã.
[18]Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân
Việt Nam: Biên niên sự kiện Bộ Tổng tham
mưu trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tập III (1964-1965), Nxb Quân đội
nhân dân, Hà Nội, 2003, tr.354.
[19] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 26, Nxb
Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.605.
[20] Sang thay cho Sư
đoàn 324.
[21] Tài
liệu lưu trữ Bộ Quốc phòng, Phông
Cục Tác chiến, Hồ sơ 1942.
[22] Đoàn 565 (dấu đơn vị
5050) là đoàn chuyên gia quân sự của Quân khu 4, chịu sự chỉ đạo toàn diện của
Quân khu 4.
[25]Bộ Quốc Phòng, Viện
Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử quân
tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào trong cuộc kháng chiến chống
Mỹ (1954-1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 274.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!