PGS, TS Hồ Khang
Tiến hành kháng chiến
chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ các quyền dân tộc thiêng
liêng, trong cuộc đối đầu lịch sử với những đối phương mạnh hơn gấp nhiều lần,
có tiềm lực kinh tế, quân sự vượt trội, Đảng, Nhà nước Việt Nam chủ trương kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại,
tranh thủ tối đa sự ủng hộ quốc tế. Thắng lợi của 30 năm chiến tranh giải phóng
dân tộc không tách rời sự đồng tình, cổ vũ, giúp đỡ của các lực lượng
dân chủ, tiến bộ, hòa bình trên thế giới,
đặc biệt là của Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN.
Tiến hành kháng chiến chống thực dân
Pháp xâm lược, trong điều kiện bị bao vây bốn bề, nhân dân Việt Nam luôn
nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính. Song từ năm
1950, sau thắng lợi của chiến dịch Biên giới lịch sử, Việt Nam đẩy mạnh vận động
ngoại giao, tranh thủ sự giúp đỡ của phe XHCN.
Là nước láng giềng kề cận, Trung Quốc trở thành hậu phương lớn của cách mạng
Việt Nam với ý nghĩa đầy đủ nhất. Trong kháng chiến chống Pháp, về hậu
cần, trang thiết bị quân sự, Trung Quốc viện
trợ cho Việt Nam 4136,8 tấn vũ khí đạn dược; 2.093 tấn quân giới, quân dụng;
10.504 tấn gạo, 62.8 tấn muối; 26.854 tấn xăng dầu, 30 chiếc ô tô và ngoài ra
còn cho mượn 144 chiếc ô tô phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Bên cạnh đó,
Trung Quốc tích cực giúp Việt Nam tổ chức
cơ sở quân sự và đào tạo cán bộ. Tính
đến tháng 6-1950, có 3.100 cán bộ Việt Nam được cử sang Trung Quốc học
tập, bổ túc trung và sơ cấp, chỉ huy bộ binh sơ cấp, pháo binh, công
binh. Để thuận tiện cho việc đào tạo nguồn
nhân lực quân sự giúp Việt Nam, năm 1951, Chính phủ Việt Nam thỏa thuận với Chính phủ Trung Quốc mở hai cơ
sở đào tạo cho Việt Nam trên đất Trung Quốc - đó là khu học xá ở Nam Ninh và
trường thiếu sinh quân ở Lư Sơn. Từ nôi học xá Quế Lâm, đã trưởng thành hàng loạt
cán bộ quân sự cao cấp của Việt Nam như Thiếu tướng Hồ Sĩ Liêm, Thiếu tướng Phạm
Dần, Thiếu tướng Hồ Sĩ Hậu…Từ tháng 7-1952 đến tháng 1-1953, Trung Quốc
đảm nhiệm đào tạo cán bộ, nhân viên kỹ thuật, huấn luyện bộ đội cho
Trung đoàn 45- trung đoàn pháo binh hạng nặng đầu tiên của quân đội Việt
Nam và Trung đoàn pháo cao xạ 367. Ngoài ra, còn có hai tiểu đoàn công binh
và trường sĩ quan lục quân sang học tập, huấn luyện tại Trung Quốc.
Đảng và Chính phủ Trung
Quốc đã cử nhiều cán bộ có kinh nghiệm đến giúp bộ đội Việt Nam như Tư lệnh
Quân khu Hồ Nam Trần Canh, Tư lệnh Quân đoàn 13 Chu Hy Hán, Sư đoàn phó Sư đoàn
7 Ngô Huy Vân… Cố vấn Trung Quốc đã tham mưu cho Quân đội VNDCCH trên các phương diện xây dựng quân đội, vạch
kế hoạch tác chiến đối với hầu hết các chiến dịch lớn ở chiến trường chính Bắc
Bộ. Đến tháng 10-1954, tổng số cố vấn quân sự Trung Quốc ở Việt Nam là 237 người,
đa số là các nhân viên làm công tác đảm bảo như hậu cần, y vụ, điện đài.
Việt
Nam và Liên Xô cách xa nhau hàng vạn dặm, những năm đầu Việt Nam kháng chiến chống
Pháp, mối liên hệ giữa Việt Nam với Liên Xô chưa thực chặt chẽ như với Trung Quốc.
Tuy nhiên, sau khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, Liên Xô bắt
đầu viện trợ những khoản vật chất quan trọng cho Việt Nam. Liên Xô viện trợ cho
Việt Nam 76 khẩu pháo cao xạ 37 ly, toàn bộ hỏa tiễn (cachiusa), toàn bộ số tiểu
liên K50, 685 chiếc ôtô vận tải và một số lượng lớn thuốc kháng sinh ký ninh.
Nhìn
chung lại, từ
năm 1950 đến năm 1954, các nước XHCN viện trợ cho Việt Nam 21.517 tấn vũ khí, nguyên liệu quân giới, vận
tải xăng dầu, gạo, lương thực, quân trang, quân y, phương tiện thông tin, công
binh, trị giá khoảng 136 triệu NDT tương
đương 30 triệu rúp.
Về chính trị, nhờ sự ủng
hộ, giúp đỡ của Trung Quốc, Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân, Việt Nam phá được thế bị cô lập và bao vây, được
cộng đồng quốc tế công nhận, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đối ngoại.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam thắng lợi có sự hậu
thuẫn to lớn về chính trị, sự giúp đỡ quan trọng về vật chất của các nước XHCN
anh em, đặc biệt là Trung
Quốc và Liên Xô.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước,
trong điều kiện phe XHCN lớn mạnh không ngừng và nhân dân Việt Nam phải đối đầu
với một kẻ thù trong gần 200 năm lập quốc chưa hề chiến bại, Đảng, Nhà nước Việt
Nam một lần nữa nhất quán tư tưởng kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (3-1955) và Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (8-1955)
Đảng Lao động Việt Nam khẳng định: “Đẩy
mạnh công tác ngoại giao, tăng cường đoàn kết hữu nghị với các
nước bạn, tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân thế
giới”; chú trọng củng cố “tình đoàn kết hữu nghị với Liên Xô, Trung Quốc
và các nước xã hội chủ nghĩa khác”.
Với mục tiêu trao đổi
quan điểm, phối hợp hoạt động trên trường quốc tế, Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc
và các nước XHCN thường xuyên trao đổi
các đoàn thăm hỏi cấp cao – đây là cơ hội
để lãnh đạo Việt Nam tham vấn những vấn đề đối nội, đối ngoại, tranh thủ sự ủng
hộ, giúp đỡ một cách tích cực.
Về chính trị, trên
trường quốc tế, Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN nêu cao vai trò của VNDCCH,
giới thiệu những thành tựu của Việt Nam với thế giới, lên án chiến tranh xâm lược
của Mỹ tại miền Nam Việt Nam, đấu tranh để Chính phủ VNDCCH có đại diện ở
các tổ chức quốc tế mà Việt Nam Cộng hòa tham gia. Các nước XHCN tổ chức
nhiều hoạt động phong phú thể hiện tình đoàn kết hữu nghị với nhân dân Việt
Nam: mít tinh trọng thể lên án tội ác của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, đăng tải
thường nhật các
bài xã luận, bình luận nghiêm khắc chỉ trích Mỹ xâm lược Việt Nam, tỏ rõ ý chí đoàn kết với Việt Nam,
thành lập các "Uỷ ban đoàn kết với
Việt Nam", "Uỷ ban ủng hộ Việt Nam"…., phát động các phong trào
hành động vì Việt Nam như “chống Mỹ gây chiến tranh ở Việt Nam”, "đẩy mạnh
sản xuất, tăng năng xuất vì Việt Nam", phong trào “vì Việt Nam sẵn sàng hiến
máu"…. Sự ủng hộ to lớn đó tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho nhân dân Việt
Nam, buộc Mỹ trong mỗi bước phiêu lưu, mỗi tính toán
leo thang
chiến tranh đều phải xem xét, cân nhắc thái độ, phản ứng của Trung Quốc, Liên
Xô và của các nước XHCN.
Về
vật chất, Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN
tích cực giúp đỡ Việt Nam thực hiện các kế hoạch kinh tế, trang bị
quân sự. Việt
Nam tranh thủ các viện trợ không hoàn lại, cho vay không tính lãi với nhiều
chương trình kinh tế, thương mại, lương thực,
ngoại tệ... quan trọng. Trong số viện trợ
kinh tế của các nước XHCN, viện trợ của Liên Xô chiếm 29%, Trung Quốc bảo đảm
52%, các nước XHCN khác bảo đảm 19%, còn trong tổng số viện trợ quân sự của các
nước XHCN cho Việt Nam ước tính khoảng 2.362.682 tấn hàng hóa, trị giá khoảng 7
tỷ rúp, thì phần lớn là của Trung Quốc và Liên Xô; trong đó, viện trợ của Trung
Quốc chiếm 50% tổng số nói trên.
Các nước XHCN cử những chuyên gia giỏi, có
trình độ chuyên môn cao thuộc những lĩnh vực kinh tế, khoa học mũi nhọn trực tiếp
sang Việt Nam giúp đỡ xây dựng, phát triển các lĩnh vực kinh tế - văn hóa trọng
yếu.
Từ năm
1955 đến năm 1960, các nước XHCN đã cử 6.500 chuyên gia dân sự các ngành sang
giúp Việt Nam. Những năm 1954-1964, riêng
Liên Xô cử gần 2.500 chuyên gia kinh tế sang giúp Việt Nam, còn từ năm 1964
đến năm 1977, 6.214 chuyên gia dân sự Liên Xô đã công tác tại Việt Nam. Về phía
Trung Quốc, trong vòng 10 năm (1954-1964), 5.837
chuyên gia Trung Quốc có mặt ở Việt Nam đã
góp phần quan trọng vào công cuộc khôi phục, cải tạo và bước đầu xây dựng cơ sở
vật chất ở miền Bắc Việt Nam. Nhằm tăng cường đội ngũ cán bộ, chuyên gia, sĩ
quan có chuyên môn cao cho công cuộc xây dựng đất nước và kháng chiến ở miền
Nam, Nhà nước Việt Nam thường xuyên gửi người sang Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN học tập. Các sinh viên, học viên Việt Nam được đào tạo trong môi
trường học tập thuận lợi, được tiếp xúc với các chuyên gia giỏi và chương trình
học tập tiên tiến.
Trong kháng chiến chống
Mỹ, cứu nước, không thể không nói đến vai trò to lớn của chuyên gia quân sự các
nước XHCN. Các chuyên gia quân sự Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên, Hunggari, Cu
Ba… không quản ngại gian khổ, khó khăn và tính mạng, đã sát cánh hướng dẫn, huấn
luyện các chiến sĩ Việt Nam nắm vững kỹ thuật, sử dụng thành thạo các loại vũ
khí, khí tài hiện đại. Trong một thời gian ngắn, các nước XHCN đã đào tạo tại
chỗ cho Việt Nam một lực lượng lớn cán bộ, bộ đội kỹ thuật, tên lửa, phi công…,
góp phần xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân Việt Nam hiện đại, tiên tiến,
đủ sức mạnh, khả năng chiến đấu. Trong quá trình giúp đỡ Việt Nam, không ít cán bộ, chiến sĩ, chuyên gia đã
bị thương, hoặc hy sinh, gửi lại tuổi thanh xuân nơi đây. Nhân dân Việt Nam mãi mãi biết ơn và ghi nhớ công lao những người anh em đã
hiến dâng tuổi trẻ, tính mạng cho độc lập, tự do của Việt Nam.
Như vậy, trong 30 năm chiến tranh giải phóng Tổ quốc (1945-1975), xác định
tăng cường đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước XHCN anh
em, nhanh chóng nâng cao thực lực mọi mặt, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã giải quyết
thành công bài toán kết
hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Việt Nam không đơn độc và lẻ loi, sát
cánh bên Việt Nam trên chiến hào chống Mỹ có cả hệ thống XHCN –điểm tựa vững chắc
cho Việt Nam trong những tháng ngày thử thách cam go. Sự giúp đỡ to lớn, toàn
diện, nhiệt thành, hiệu quả mà hệ thống XHCN dành cho Việt Nam đã làm tăng đáng
kể sức mạnh chính trị, kinh tế, quân sự của Việt Nam. Việt Nam không chỉ trụ vững,
mà còn có những bước phát triển quan trọng cả về kinh tế - kỹ
thuật, cả về quân sự, uy tín chính trị của Việt Nam không ngừng nâng cao. Kết hợp
nội lực với ngoại lực, sức mạnh dân tộc với sức mạnh quốc tế, nhân dân Việt Nam
đã vượt qua những khó khăn ban đầu, vững bước trên con đường bảo vệ, giải phóng
đất nước, thực hiện thắng lợi mục tiêu thống nhất đất nước.
cháu cớm ơn PGS Hồ Khang rất nhiều về bài viết ạ!
Trả lờiXóa