Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2015

KẾT HỢP SỨC MẠNH NGOẠI GIAO HAI MIỀN NAM - BẮC VIỆT NAM VÌ MỤC TIÊU ĐỘC LẬP, TỰ DO, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (1969-1973)

PGS,TS. Hồ Khang
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
Chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 là kết quả chiến đấu gian khổ, hy sinh của những người Việt Nam yêu nước trên các lĩnh vực, các mặt trận khác nhau. Nêu cao ngọn cờ độc lập, tự do, thống nhất đất nước, tiến hành chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện; đồng thời, nhận thức "quân sự là việc chủ chốt trong kháng chiến”, Đảng, Nhà nước Việt Nam đặc biệt chú trọng đấu tranh ngoại giao, coi đó là mặt trận có ý nghĩa chiến lược, phối kết hợp chặt chẽ với các mặt trận quân sự, chính trị, nhằm nâng  cao sức mạnh tổng hợp của cuộc kháng chiến.
Để phát huy cao nhất hiệu quả của mặt trận ngoại giao, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã sáng tạo ra một hình thức đấu tranh ngoại giao chưa từng gặp trong lịch sử – kết hợp hoạt động ngoại giao hai miền Nam – Bắc, hình thành thế trận ngoại giao “tuy hai mà một, tuy một mà hai”.

1- Tạo tiền đề hình thành thế trận ngoại giao độc đáo
Những thắng lợi của quân và dân Việt Nam, đặc biệt là quân và dân miền Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã làm cho “ý chí xâm lược của Mỹ bị lung lay rõ rệt”[1], đẩy Mỹ  vào tình thế phòng ngự, bị động. Đầu năm 1969, R.Nixon lên cầm quyền đã điều chỉnh chiến lược, đề ra “học thuyết Nichxơn” với mục tiêu giảm bớt các “cam kết quốc tế” của Mỹ, đòi hỏi các nước đồng minh phải cùng “chia sẻ trách nhiệm” để ngăn chặn "làn sóng đỏ". Tiến hành “Việt Nam hoá chiến tranh” là bước đi chủ chốt đầu tiên của Mỹ khi triển khai “học thuyết Nichxơn”; trong đó, Mỹ sử dụng “sức mạnh tối đa về quân sự kết hợp với những thủ đoạn chính trị và ngoại giao rất xảo quyệt, hòng giành thế mạnh, cô lập và bóp nghẹt cuộc kháng chiến”[2] của nhân dân Việt Nam là ưu tiên số một. Đây cũng là nội dung “công thức chiến thắng mới” cho chiến tranh Việt Nam mà R.Nixon hy vọng sẽ giải quyết thành công cuộc chiến trong nhiệm kỳ tổng thống của mình.
Về phía Việt Nam DCCH, lúc này nhiệm vụ hàng đầu là nắm vững thời cơ, phối hợp tiến công quân sự với tiến công chính trị, tiến công liên tục, sắc bén, khéo vận dụng sách lược, vừa kiên quyết vừa linh hoạt, nhằm đánh bại “Việt Nam hoá chiến tranh”, buộc Mỹ phải rút quân và đi đến một giải pháp chính trị đáp ứng yêu cầu cơ bản của Việt Nam. Thực hiện chủ trương của Đảng LĐVN, Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo tăng cường công tác dân vận làm cơ sở cho phong trào đấu tranh chính trị, binh vận, xây dựng, mở rộng căn cứ địa cách mạng. Vùng giải phóng mở rộng đến đâu, chính quyền cách mạng của nhân dân phải được xây dựng/thành lập đến đấy.
Áp dụng “công thức chiến thắng mới”, trên lĩnh vực đối ngoại, chính quyền Mỹ thực hiện chính sách “tiến công hòa bình” với quy mô rộng lớn, lôi kéo sự tham gia của các nước Tây Âu, Bắc Âu, châu Phi, châu Á, một số nước XHCN, các nước Không liên kết… làm trung gian trong vấn đề Việt Nam, đánh lạc hướng dư luận thế giới và nhân dân Mỹ, gây chia rẽ giữa các nước với Việt Nam. Trước tình hình đó, Việt Nam DCCH chủ trương đoàn kết hơn nữa mọi lực lượng cho cuộc kháng chiến, không loại trừ lực lượng trung lập trong và ngoài, không phân biệt chế độ chính trị, tranh thủ cao nhất sự ủng hộ của mọi lực lượng yêu chuộng hòa bình, làm cho cán cân chính trị nghiêng hẳn về phía cách mạng. Như vậy, vấn đề thành lập chính quyền Trung ương có tính liên hiệp riêng cho miền Nam trở thành yêu cầu cấp bách cả về đối nội lẫn đối ngoại và trên thực tế đã hội tụ những điều kiện để thành lập một chính quyền đáp ứng yêu cầu ấy[3]. Tháng 6-1969, hiện thực hóa chủ trương nói trên, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam (Chính phủ CMLTCHMNVN)[4] với nòng cốt là Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam được thành lập – một chính phủ như Robert K. Brigham nhận định: “Sự tồn tại được xem như là khả năng thúc đẩy tính hợp pháp cho cuộc nổi dậy ở miền Nam và tập hợp sự ủng hộ cho cuộc kháng chiến”[5].
Về đối ngoại, Chương trình hành động 12 điểm của Chính phủ xác định thực hiện “chính sách ngoại giao hòa bình, trung lập”, không tham gia khối liên minh quân sự với nước ngoài, có quan hệ hữu nghị và chính sách láng giềng tốt, không phân biệt chế độ chính trị - xã hội thiết lập quan hệ ngoại giao, kinh tế, văn hóa với tất cả các nước, kể cả với nước Mỹ.
Chào mừng sự ra đời của Chính phủ CMLTCHMNVN; đồng thời, thể hiện thái độ, quan điểm và tạo điều kiện để Chính phủ CMLTCHMNVN hoạt động hiệu quả trên trường quốc tế, đặt nền móng hợp tác ngoại giao giữa hai miền Bắc - Nam, Việt Nam DCCH tuyên bố: “Sẽ cùng Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tăng cường quan hệ về mọi mặt giữa hai miền trong khi chờ đợi thực hiện hòa bình thống nhất Tổ quốc và cổ vũ, giúp đỡ lẫn nhau để hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc”[6].
Ngay sau khi Chính phủ CMLTCHMNVN được thành lập, Đảng LĐVN chủ trương để Chính phủ CMLTCHMNVN xúc tiến ngay các hoạt động vận động quốc tế nhằm tạo dựng chỗ đứng vững chắc. Về phần mình, trong những chuyến thăm, làm việc ở nước ngoài, các phái đoàn ngoại giao của Việt Nam DCCH luôn tranh thủ mọi cơ hội, điều kiện tuyên truyền về sự ra đời của Chính phủ CMLTCHMNVN, về vai trò, ảnh hưởng của Chính phủ CMLTCHMNVN đối với miền Nam Việt Nam và sự nghiệp thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam.
Nhờ các nỗ lực, cố gắng của Chính phủ Việt Nam DCCH, Đoàn Ngoại giao Chính phủ CMLTCHMNVN đã đi thăm hữu nghị nhiều nước, gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều lực lượng hòa bình, dân chủ trên thế giới, vận động để các nước thừa nhận là đại diện chân chính của nhân dân miền Nam Việt Nam. Nhìn chung, ngay từ khi ra đời, hoạt động ngoại giao chủ yếu của Chính phủ CMLTCHMNVN là thực hiện khá dày đặc các chuyến tiếp xúc, thăm hỏi ngoại giao đến nhiều nước với những chế độ chính trị - xã hội khác nhau. Tại nhiều điểm đến, phái đoàn ngoại giao của Chính phủ CMLTCHMNVN được đón nhận, chào mừng, ủng hộ. Đầu năm 1972, Chính phủ CMLTCHMNVN được công nhận là thành viên của Phong trào Không liên kết, mở ra khả năng tăng cường Mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc và dân chủ của nhân dân miền Nam Việt Nam.
Nhìn tổng thể, quá trình củng cố vị thế quốc tế của Chính phủ CMLTCHMNVN đã đạt được những kết quả hết sức khả quan[7], Chính phủ CMLTCHMNVN dần có địa vị pháp lý chính thức, tồn tại và hoạt động với tư cánh là một thực thể chính trị độc lập. Với vị thế đó, Chính phủ CMLTCHMNVN và Chính phủ Việt Nam DCCH có điều kiện phối kết hợp chặt chẽ, hình thành mặt trận ngoại giao “tuy hai mà một, tuy một mà hai”- một thế trận ngoại giao chưa từng có trong lịch sử dân tộc.
2- Phát huy ưu thế ngoại giao hai miền Nam- Bắc trên bàn đàm phán Hội nghị Paris
Tháng 5-1968, Hội nghị Paris về lập lại hòa bình ở Việt Nam chính thức bắt đầu, song cho đến hết năm 1968 vẫn trong tình trạng bế tắc, dẫm chân tại chỗ. Sang đầu năm 1969, Hội nghị Paris bước vào giai đoạn đàm phán bốn bên đầy thử thách. Trong đàm phán, Việt Nam DCCH  chủ trương phối hợp ngoại giao hai miền Nam – Bắc một cách nhịp nhàng, phát huy ưu thế ngoại giao mỗi miền, coi đó là một trong những yếu tố tiên quyết cho thắng lợi trên bàn đàm phán. Để phối hợp tốt, Đoàn Ngoại giao Chính phủ CMLTCHMNVN luôn trao đổi với Đoàn Ngoại giao của Việt Nam DCCH về các tình huống có thể xảy ra, dự kiến những khả năng, trường hợp có thể xảy ra trên thực tế, cùng bàn bạc giải pháp . Phối hợp hoạt động ngoại giao của hai miền Nam – Bắc được thực hiện trên nguyên tắc: Nhịp nhàng, ăn khớp trong đấu tranh ngoại giao trực diện, phương pháp linh hoạt tùy tình hình cụ thể từng lúc, từng nơi.
Mặc dù đàm phán bốn bên về Việt Nam đã được khởi động, song trong nhiều tháng nội dung trao đổi và thỏa thuận hầu như không có tiến triển. Để phá vỡ bế tắc, hỗ trợ cho Giải pháp toàn bộ 10 điểm[8], ngày 12-6-1969, Đoàn Ngoại giao Chính phủ CMLTCHMNVN công bố Chương trình hành động 12 điểm, thể hiện thái độ xây dựng cùng những yêu cầu nhìn chung là phải chăng Tuyên bố đòi Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược, nói chuyện nghiêm chỉnh với Chính phủ CMLTCHMNVN. Đáp lại, Mỹ đẩy mạnh hoạt động quân sự trên chiến trường, tích cực tuyên truyền Việt Nam DCCH chưa đi vào “thương lượng nghiêm chỉnh”. Trước thực tế Mỹ muốn đàm phán trên thế mạnh và hạ thấp vai trò của Hội nghị Paris, ngày 10-12-1969, Trung ương Đảng LĐVN chỉ thị cho hai Đoàn Ngoại giao ở Paris về thái độ ứng phó: “Xuất phát từ tình hình chung, nhất là sau diễn văn ngày 3 tháng 11 của Nixon, ta tỏ thái độ cứng để tấn công lại Mỹ, không chịu sức ép của họ”[9]. Nhận Chỉ thị, để phản đối, hai phái đoàn Việt Nam tạm vắng mặt, dành thời gian đi thăm các nước, thông báo về diễn biến của Hội nghị, tổ chức các cuộc họp báo quốc tế… tranh thủ sự ủng hộ của các lực lượng dân chủ, hòa bình.
Nhằm cô lập chính quyền R. Nixon, hai phái đoàn Việt Nam chủ động mở đợt tấn công ngoại giao mới. Phối hợp với Việt Nam DCCH, tháng 9-1970, Chính phủ CMLTCHMNVN đưa ra Kế hoạch 8 điểm (8 điểm nói rõ thêm), cụ thể hóa hơn so với Giải pháp 10 điểm trước đó. Mũi tiến công chính của 8 điểm là đòi Mỹ rút hết quân trước ngày 30-6-1971 và gạt bỏ nhóm Thiệu – Kỳ - Khiêm, thành lập Chính phủ liên hiệp lâm thời ở miền Nam; gắn vấn đề Mỹ rút quân với trao trả tù binh, mở ra cơ hội tranh thủ dư luận Mỹ. Kế hoạch 8 điểm dồn chính quyền R. Nixon vào thế bị động, khiến phe của Tổng thống R. Nixon rơi vào tình thế bất lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ.
Trì hoãn, đẩy trách nhiệm dây dưa thương lượng về phía Việt Nam, tháng 10-1970, R. Nixon vạch ra Kế hoạch hòa bình 5 điểm với nội dung mấu chốt là “giữ nguyên trạng”; “thương lượng một lịch rút quân Mỹ” và “giải pháp chính trị dựa trên hai nguyên tắc: phản ánh ý chí của nhân dân miền Nam, phản ánh tương quan lực lượng chính trị hiện nay ở miền Nam”[10]. Nhằm tố cáo Mỹ rút quân “nhỏ giọt” kéo dài chiến tranh, khi Bộ Ngoại giao Việt Nam DCCH  ra Tuyên bố về “sáng kiến mới” của Mỹ, chỉ rõ những điểm mập mờ[11] (13-10-1970), thì ngay ngày hôm sau (14-10 -1970), Chủ tịch Chính phủ CMLTCHMNVN Huỳnh Tấn Phát cũng lên tiếng bác bỏ “sáng kiến hòa bình” của R. Nixon. Bên cạnh đó, nhận thấy việc “ngừng bắn trên toàn Đông Dương và giữ nguyên trạng” (Điểm 1) có lợi cho cách mạng Việt Nam, nên ngày 10-12-1970, tại Hội nghị bốn bên, Đoàn Ngoại giao Chính phủ CMLTCHMNVN đã xoáy sâu vào nội dung này bằng Đề nghị 3 điểm về ngừng bắn, chủ động đưa ra thời hạn rút quân gắn với việc ngừng bắn (hạn rút quân là 30-6-1971); đồng thời, gắn việc ngừng bắn với thành lập Chính phủ liên hiệp lâm thời ba thành phần; gắn vấn đề tù binh vào vấn đề rút hết quân Mỹ. Điểu đáng lưu ý là Đề nghị 3 điểm về ngừng bắn của Chính phủ CMLTCHMNVN đã hỗ trợ rất hiệu quả cho Tuyên bố về “sáng kiến mới” của đoàn Việt Nam DCCH, bởi nó được đưa ra đúng vào thời điểm binh lính Mỹ ngày càng bị thương vong nặng nề và Mỹ đang sử dụng vấn đề phi công bị bắt để hướng mũi dùi dư luận vào Việt Nam DCCH. Lúc này, một lịch rút quân cụ thể là sự mong muốn của không chỉ nhân dân Mỹ, mà còn của một bộ phận không ít các nghị sĩ Mỹ; do vậy, vấn đề tù binh mà chính quyền R.Nixon dùng để kích động dư luận Mỹ và thế giới chống Việt Nam nay trở thành vấn đề mà họ phải đối phó.
Bất chấp mọi nỗ lực của Việt Nam DCCH và Chính phủ CMLTCHMNVN, diễn tiến đàm phán vẫn tiếp tục trì trệ. Để tạo bước đột phá, sau khi Cố vấn Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Xuân Thủy gặp riêng H. Kitsingiơ, khi Bộ trưởng Xuân Thủy đưa ra Sáng kiến hòa bình 9 điểm của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa[12] (6-1971), thì Chính phủ CMLTCHMNVN cũng đưa ra sáng kiến mới gồm 7 điểm[13] (7-1971). Nội dung Sáng kiến 7 điểm đã hỗ trợ hiệu quả cho Giải pháp 9 điểm khi nêu các vấn đề đã được Giải pháp 9 điểm đề cập[14], nhưng chỉ thu hẹp trong phạm vi miền Nam. Bên cạnh đó, ngày 29-7-1971, Bộ trường Bộ Ngoại giao Chính phủ CMLTCHMNVN Nguyễn Thị Bình đi một bước quyết liệt hơn, đề nghị lập danh sách tù binh, yêu cầu Hoa Kỳ ấn định cụ thể thời gian rút lui toàn bộ lực lượng[15].
Nhằm phát huy tích cực hơn nữa thế mạnh ngoại giao hai miền, ngày 10-7-1971, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn điện cho hai Trưởng đoàn ngoại giao Việt Nam, nêu hai yêu cầu trước mắt trong đấu tranh ngoại giao: 1- Gây sức ép mạnh trong nước Mỹ, ngay cả trong Thượng và Hạ nghị viện Mỹ để buộc R. Nixon phải dứt khoát rút quân ra khỏi miền Nam và phải tuyên bố thời hạn rút quân; 2- Phải kéo chính quyền bù nhìn Sài Gòn xuống một bước, buộc Mỹ phải đưa ra một chính quyền có thể nói chuyện với ta[16]. Bí thư thứ nhất Lê Duẩn chỉ thị: “Những lời tuyên bố, phát biểu của hai đoàn ta tiếp theo luôn luôn phải nhằm đúng vào hai yêu cầu, hai mục đích nói trên”[17].
Trong khi đó, chính quyền R. Nixon, một mặt, vi phạm thỏa thuận hai bên, công bố nội dung các cuộc họp riêng, tăng cường tuyên truyền kích động dư luận, buộc tội Việt Nam bác bỏ mọi đề nghị của Hoa Kỳ; mặt khác, tìm kiếm khả năng chia rẽ Việt Nam với các đồng minh chiến lược, thực hiện chiến dịch ngoại giao con thoi với Trung Quốc,  Liên Xô. Tố cáo chính sách hai mặt của Mỹ, gần như nối tiếp nhau, Đoàn Ngoại giao Việt Nam DCCH và Chính phủ CMLTCHMNVN phối hợp công bố Giải pháp 9 điểm (31-1-1972) và Kế hoạch hòa bình 8 điểm (2-2-1972), nói rõ thêm về hai vấn đề then chốt[18] trong Giải pháp 7 điểm. Dù vậy, những tháng cuối năm 1971 đầu năm 1972, Hội nghị Paris diễn biến chậm chạp. Phân tích tình hình đàm phán, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng LĐVN nhận thấy Mỹ có kế hoạch kéo dài đàm phán để vượt qua bầu cử. Cân nhắc tình hình, Bộ Chính trị chỉ thị cho hai Đoàn ngoại giao Việt Nam tại Paris “tạo bước ngoặt quyết định trong đàm phán” và phải ép bằng được Mỹ ký Hiệp định chính thức, đáp ứng yêu cầu lớn nhất hiện nay là chấm dứt dính líu quân sự của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, chấm dứt chiến tranh bằng không quân và thả mìn ở miền Bắc, vì “việc chấm dứt dính líu quân sự của Mỹ và ngừng bắn ở miền Nam sẽ đưa đến việc công nhận trên thực tế hai chính quyền, hai quân đội, hai địa bàn ở miền Nam”[19] - đạt yêu cầu này là thắng lợi lớn. Để đạt mục tiêu, Bộ Chính trị chỉ đạo hai Đoàn đàm phán tạm gác một số yêu cầu về nội bộ miền Nam, nới lỏng vấn đề chính quyền ở miền Nam Việt Nam[20].
Thực hiện chủ trương, khi Chính phủ CMLTCHMNVN đưa ra lập trường công khai mới qua Tuyên bố ngày 11-9-1972[21], thì Đoàn Ngoại giao VNDCCH đưa ra bản Dự thảo Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (8-10-1972) bao gồm tất cả các điểm trong Tuyên bố ngày 11- 9, song có sự nhân nhượng[22]. Tiếp đó, ngày 26-10-1972, Chính phủ Việt Nam DCCH quyết định công khai quá trình đàm phán và nội dung Thỏa thuận 22- 10, khiến Mỹ lúng túng, nội bộ chính quyền Sài gòn rối ren, mâu thuẫn Mỹ - Thiệu tăng lên, dư luận thế giới bất lợi đối với nội các của R. Nixon.
Như vậy, từ khi đàm phán bốn bên chính thức bắt đầu (1-1969), ngoại giao hai miền Nam – Bắc Việt Nam đã phối kết hợp chặt chẽ, thúc đẩy tiến trình đàm phán. Ở nhiều thời điểm, bám sát diễn tiến đàm phán, tùy tình hình, sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý của ngoại giao hai miền Nam – Bắc Việt Nam đã góp phần dẫn dắt Hội nghị Paris đi theo ý định, tính toán của mình. Sự phối kết hợp kịp thời, đúng lúc ấy là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thành công của việc ký kết Hiệp định Paris vào ngày 27-1-1973, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, tạo một khoảng nghỉ cẩn thiết để tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
3- Phát huy ưu thế ngoại giao hai miền Nam - Bắc, tranh thủ dư luận thế giới bên ngoài Hội nghị Paris
Nếu như đấu tranh trên bàn đàm phán Hội nghị Paris được coi là mũi tấn công ngoại giao chủ chốt, mà kết quả của nó phụ thuộc không chỉ vào cuộc đấu trí cam go, trực diện giữa các bên đàm phán, mà còn phụ thuộc một phần quan trọng vào kết quả quân sự trên chiến trường và vận động ngoại giao bên ngoài Hội nghị. Nắm vững nguyên tắc đó, đầu năm 1969, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng LĐVN chỉ thị: “Tranh thủ rộng rãi hơn nữa sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta và qua đó góp phần phát triển hành động chung của nhân dân thế giới chống đế quốc Mỹ xâm lược và ủng hộ Việt Nam”[23] và “tiến công ngoại giao lại có nhiệm vụ phối hợp với đấu tranh chính trị ở trong nước và phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ”[24].
Tháng 4-1970, Mỹ tiến hành các bước phiêu lưu quân sự mới, mở cuộc tấn công sang Campuchia, tuy nhiên, các cuộc hành quân bị bẻ gẫy, Mỹ và quân đội Sài gòn chịu nhiều tổn thất. Nắm lấy cơ hội, hai đoàn Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về thất bại quân sự của Mỹ, tố cáo Mỹ âm mưu kéo dài chiến tranh. Tại Mỹ, sức ép của nhân dân và Quốc hội ngày một lớn, báo chí Mỹ lên án cuộc hành quân vào Campuchia, bãi công nổ ra khắp nơi, phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên bùng phát mạnh mẽ; đồng thời, phản ứng của một số quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ cũng hết sức quyết liệt. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ không tán thành kế hoạch đem quân vào Campuchia, Quốc hội Mỹ đòi chấm dứt viện trợ cho Lonnol, thông qua quyết định đòi rút hết quân Mỹ khỏi Campuchia trước ngày 1-7-1970, giới hạn quyền hành của tổng thống trong điều khiển chiến tranh ở nước ngoài[25]. Tình hình đó đẩy chính quyền Mỹ vào thế khó khăn và tháng 8-1970, Mỹ buộc phải tuyên bố rút thêm quân, đưa ra thời hạn rút hết quân là 1 năm. Đạt mục tiêu, lúc này, các Trưởng đoàn Việt Nam mới trở lại Paris, chuẩn bị cho đợt đấu tranh ngoại giao mới.
Tháng 9-1970, khi hai đoàn ngoại giao Việt Nam mở cuộc tấn công với Kế hoạch 8 điểm (8 điểm nói rõ thêm), nhằm phân hóa hàng ngũ đối phương và cổ vũ xu thế hòa bình, trung lập đang lên ở miền Nam, dư luận thế giới, dư luận xã hội Mỹ và Quốc hội Mỹ đã rất chú ý đến sáng kiến này. Nhiều chính khách, cá nhân, các tổ chức xã hội Mỹ, trong đó có tổ chức Gia đình các tù binh đã tới thăm trụ sở của đoàn ngoại giao Chính phủ CMLTCHMNVN. Đón bắt cơ hội, phối hợp với đoàn Chính phủ CMLTCHMNVN, Trưởng đoàn Ngoại giao Việt Nam DCCH và các thành viên đoàn Ngoại giao miền Bắc đã tiếp đón, giải đáp thắc mắc, nói rõ chính sách nhân đạo, bày tỏ mong muốn sớm trao trả tù binh Mỹ về nước nếu Mỹ nhanh chóng rút quân theo thời hạn Chính phủ CMLTCHMNVN đã đề nghị. Cùng lúc, hai đoàn ngoại giao Việt Nam tranh thủ tuyên truyền cho sáng kiến mới của Chính phủ CMLTCHMNVN, nhấn mạnh tính nhân văn, khả thi của sáng kiến này và đã thu được những phản hồi tích cực: Trong tháng 9, tháng 10 -1970, nhiều tổ thức quốc tế[26] cũng như chính phủ và nhân dân một số nước[27] đã ra tuyên bố ủng hộ Việt Nam.
Nhận thức rằng, “tố cáo tội ác của địch có một tầm quan trọng rất lớn để khơi sâu lòng căm thù giặc của nhân dân ta, làm cho địch càng bị lên án ở Mỹ và trên thế giới”[28], Đảng LĐVN chủ trương: “Tố cáo một cách có hệ thống chính sách và tội ác xâm lược của đế quốc Mỹ trong 20 năm qua, đặc biệt là âm mưu Việt Nam hóa chiến tranh để kéo dài chiến tranh xâm lược và những thủ đoạn chiến tranh tàn bạo, chủ yếu tập trung tố cáo việc chúng rải chất độc hóa học, gây ra những vụ thảm sát dã man và đối xử vô nhân đạo với những người yêu nước bị chúng giam giữ ở miền Nam”[29]. Thực hiện nhiệm vụ nói trên, đoàn Ngoại giao Chính phủ CMLTCHMNVN cùng với đoàn Ngoại giao Việt Nam DCCH tích cực tố cáo tội ác Mỹ gây ra ở Việt Nam. Vụ thảm sát Mỹ Lai (Sơn Mỹ, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) được hai đoàn Ngoại giao Việt Nam đưa ra trước công luận. Phòng thông tin của Chính phủ CMLTCHMNVN đã công bố nhiều tư liệu, danh sách nạn nhân tội ác của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, mời sang châu Âu những nhân chứng sống của tội ác Sơn Mỹ, nhà tù Côn Đảo… Những bằng chứng sống, đầy sức thuyết phục đó đã thức tỉnh lương tri của nhân loại tiến bộ, thổi bùng ngọn lửa đấu tranh của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới ủng hộ Việt Nam, làm dấy lên những làn sóng dồn dập phản đối cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam và Đông Dương.
Cuối năm 1970 nửa đầu 1971, cục diện chiến trường, chính trường Mỹ và Sài Gòn tiếp tục có những thay đổi bất lợi. Mỹ lúng túng trên chiến trường Đông Dương, chịu áp lực nặng nề của phong trào phản chiến ở trong nước. Trong hai năm 1969-1970, đã xảy ra 1.800 cuộc biểu tình, 7.500 bị bắt giữ, 247 vụ đốt phá, 462 người bị thương, 8 người chết (mà 2/3 là cảnh sát)[30]. Nạn bạo động chống chiến tranh Việt Nam trở nên phổ biến: Từ tháng 1-1969 đến tháng 2-1970 diễn ra 40.000 vụ ném bom (hoặc âm mưu ném bom, hay đe dọa ném bom) khiến hàng trăm người bị thương và 43 người chết, gây thiệt hại 21 triệu USD[31]. Phân tích các diễn biến, Đảng LĐVN nhận định: “Bây giờ là lúc có khả năng kéo Mỹ xuống nữa để thắng một bước căn bản tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn cho cuộc cách mạng miền Nam”[32]. Việt Nam DCCH chủ trương nắm lấy thời cơ, “triển khai cuộc đấu tranh trên ba mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao”[33]. Quán triệt tinh thần đó, tháng 7-1971, hai đoàn ngoại giao Việt Nam đưa Giải pháp 9 điểm (Việt Nam DCCH) và Sáng kiến gồm 7 điểm (Chính phủ CMLTCHMNVN); đồng thời, đoàn Ngoại giao Chính phủ CMLTCHMNVN đi thăm các nước tư bản châu Âu[34], gặp gỡ các tổ chức, các nghị sĩ và nhân sĩ chống chiến tranh, tiếp xúc với các báo, trả lời phỏng vấn, nói chuyện với sinh viên, gặp gỡ kiều bào, còn đoàn Ngoại giao Việt Nam DCCH đã đến các nước XHCN. Chuyến đi của cả hai đoàn Ngoại giao gặt hái được những kết quả đáng khích lệ, đặc biệt là hoạt động ngoại giao của Chính phủ CMLTCHMNVN tới các nước tư bản đồng minh của Mỹ đã có tác dụng phân hóa và cô lập Mỹ.
Năm 1971, trước khi rút quân Mỹ ra khỏi các cuộc hành quân ngoài biên giới miền Nam Việt Nam, Mỹ và chính quyền Sài Gòn quyết định thực hiện cuộc hành quân Lam Sơn 719 với toan tính và kỳ vọng cứu vớt  kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh”, song cuộc hành quân tràn trề hi vọng của Mỹ biến thành “cuộc hỗn loạn Lam Sơn 719”. Đây chính là cơ hội để Việt Nam “dùng chính trị, ngoại giao kết hợp với quân sự để kéo Mỹ xuống; kéo Mỹ xuống để quân sự đánh to thắng lớn thúc đẩy phong trào chính trị trong nước Mỹ làm áp lực mạnh hơn buộc chính quyền Mỹ phải từ bỏ xâm lược, chấm dứt chiến tranh”[35]. Ngày 9-2-1971, Bộ Chính trị chỉ thị: “Cần gây nên một phong trào mạnh mẽ chống hành động phiêu lưu quân sự của Mỹ và Thiệu - Kỳ đưa quân đi đánh ở Lào, ở Campuchia kết hợp các khẩu hiệu đòi hoà bình dân chủ và dân sinh, đòi Mỹ rút quân”[36]. Quán triệt quan điểm đó, Việt Nam DCCH và Chính phủ CMLTCHMNVN đã sẵn sàng cho một cuộc vận động quy mô lớn nhằm vạch rõ âm mưu kéo dài chiến tranh của Mỹ, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của dư luận quốc tế, đặc biệt là nhân dân Mỹ. Hai Đoàn Ngoại giao Việt Nam tổ chức họp báo, vạch rõ thực chất của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, bày tỏ sự công phẫn trước số phận của binh lính Sài Gòn bị ném vào chỗ chết để Tổng thống R.Nixon thể nghiệm chiến lược của mình, tuyên truyền về thất bại của cuộc hành quân Lam Sơn 719, về thắng lợi quân sự của quân dân miền Nam trên chiến trường. Những hoạt động này đã làm bùng lên một làn sóng chống chiến tranh, ủng hộ Việt Nam rộng khắp, dấy lên phong trào lên án giới cầm quyền Mỹ làm rung động Nhà Trắng.
Sau khi xích lại với Bắc Kinh, Tổng thống R.Nixon tuyên bố “ngừng không thời hạn” Hội nghị Paris, ném bom miền Bắc trở lại với quy mô chưa từng có (4-1972). Đáp lại, một mặt, Đảng LĐVN chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu chống lại kế hoạch hủy diệt miền Bắc của R.Nixon; mặt khác, chủ trương duy trì Hội nghị Paris, dùng Hội nghị “làm diễn đàn tuyên truyền để tranh thủ dư luận quốc tế và kết hợp với chiến trường đấu tranh với chúng về mặt ngoại giao”[37]. Tố cáo bước leo thang chiến tranh mới của Mỹ ở Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao chính phủ CMLTCHMNVN Nguyễn Thị Bình đã gửi thư cho Bộ trưởng Ngoại giao các nước Không liên kết[38], kêu gọi các nước lên án hành động của Mỹ, ủng hộ cuộc chiến tranh vì độc lập, tự do của Việt Nam.
 Như vậy, song song với nỗ lực đấu tranh ngoại giao trực diện trên bàn đàm phán Hội nghị Paris, để tranh thủ dư luận thế giới, tập hợp bạn bè quốc tế, bên ngoài bàn đàm phán, hai Đoàn Ngoại giao Việt Nam phối hợp chặt chẽ hoạt động, tích cực tác động vào nội bộ nước Mỹ, thúc đẩy phong trào của nhân dân Mỹ đòi chấm dứt chiến tranh xâm lược, tác động vào nội tình miền Nam Việt Nam, góp phần phân hóa và cô lập thêm chính quyền Thiệu – Kỳ - Khiêm. Ưu thế ngoại giao “tuy hai mà một, tuy một mà hai” đã được phát huy một cách tích cực, triệt để và với những cố gắng không ngừng nghỉ của hai đoàn ngoại giao Việt Nam, “chưa bao giờ cuộc chiến tranh xâm lược đầy tội ác và những hành động man rợ của Mỹ ở Việt Nam bị dư luận rộng rãi ở khắp thế giới lên án mạnh mẽ như ngày nay. Ta đã tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ ngày càng mạnh mẽ của các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân thế giới, kể cả nhân dân Mỹ”[39].
*
*                      *
Xem xét chỗ mạnh, chỗ yếu của mình và đối phương một cách tổng hợp trong không gian và thời gian cụ thể theo quan điểm vận động phát triển, luôn chú ý cả yếu tố khách quan lẫn yếu tố chủ quan trong chỉ đạo đấu tranh ngoại giao, việc phối kết hợp ưu thế ngoại giao hai miền Nam – Bắc, hình thành thế trận ngoại giao độc đáo có một không hai trong lịch sử đã góp phần làm nên thắng lợi của ngoại giao Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ nói chung và thắng lợi của Hội nghị Paris nói riêng.
Đánh giá đúng tương quan lực lượng và thời cuộc, thấu hiểu âm mưu và chiến lược chiến tranh của đối phương, thấu hiểu chiến lược của các nước lớn,  ngoại giao Việt Nam đã kịp thời có các quyết sách chuẩn xác, đúng thời điểm, nhằm đúng, nhằm trúng những điểm “tử huyệt” của đối phương. Tư duy đấu tranh ngoại giao linh hoạt, năng động, mềm dẻo nhưng cương quyết, độc lập, tự chủ trong chiến lược, sách lược, nắm vững mối quan hệ giữa các mặt đấu tranh, các lực lượng đấu tranh không chỉ phản ánh năng lực phân tích khoa học của bộ máy lãnh đạo cách mạng Việt Nam, mà còn thể hiện tinh thần, ý chí một lòng vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì sự nghiệp thống nhất đất nước. Đó cũng là câu trả lời cho câu hỏi của học giả nổi tiếng William Duiker: “Làm thế nào mà người Việt Nam đã duy trì một cuộc tiến công ngoại giao vượt trội hơn hẳn một quốc gia vốn được coi là hùng mạnh nhất thế giới?”.



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam : Văn kiện Đảng toàn tập, tập 30, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.118.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam : Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1977, tr.18.
[3]Ở miền Nam đã có vùng giải phóng rộng lớn, có lực lượng vũ trang cách mạng lớn mạnh, có lực lượng chính trị hùng hậu thống nhất trong mặt trận đoàn kết dân tộc rộng rãi, có sự ủng hộ của đa số nhân dân.
[4]Chính phủ CMLTCHMNVN do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch và Hội đồng Cố vấn chính phủ, luật sư Nguyễn Hữu Thọ là Chủ tịch, luật sư Trịnh Đình Thảo là Phó Chủ tịch.Ông Trần Nam Trung làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; bà Nguyễn Thị Bình làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Kỹ sư Cao Văn Bổn phụ trách Bộ kinh tế - tài chính...

[5] Robert K. Brigham: Guerrilla Diplomacy: The NLF's Foreign Relations and the Viet Nam War, Cornell University Press; 1 edition (January 1, 1999), p.89.

[6]Tuyên bố về việc Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam Việt Nam và Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam (12-6-1969), http://thuvienphapluat.vn.
[7] Đoàn Ngoại giao của Chính phủ CMLTCHMNVN đã đi thăm hữu nghị CHND Trung Hoa, CHDC Đức (9-1969), Arập, Syria, Tiệp Khắc, Triều Tiên, Mông Cổ, Ba Lan, Hungari (10-1969), thăm vùng giải phóng Lào (12-1969); thăm Ấn Độ và Sri Lanka (6-1970); Ai Cập, Tanzania (9-1970); Anh, Bungari, Italia, Ba Lan (1970-1971)... Đoàn tham dự Hội nghị các nước đứng đầu Phong trào Không liên kết tại Luxaca (Zambia); tham dự Hội nghị thế giới lần thứ 16 chống bom nguyên tử và khinh khí họp tại Nhật Bản (từ 30-7 đến 9-8-1970).
[8]Ngày 8-5-1969, Đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đưa ra giải pháp toàn bộ Mười điểm cho việc giải quyết vấn đề miền Nam Việt Nam, trong đó nêu “vấn đề các lực lượng vũ trang Việt Nam ở miền Nam Việt Nam sẽ do các bên Việt Nam giải quyết”.
[9] Lưu văn Lợi, Nguyễn Anh Vũ: Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2002, tr.100.
[10] Bộ Ngoại giao Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Ngoại giao Liên Xô: Việt Nam – Liên Xô: ba mươi năm quan hệ 1950-1980, Nxb. Tiến bộ, Matxcơva, 1983, tr.68.
[11]Trong điểm 3, Mỹ coi việc rút quân là một bộ phận của giải pháp toàn bộ và phải tiến hành đầu tiên, nhưng  Việt Nam DCCH lại coi việc rút quân là việc sau cùng, khi một loạt vấn đề khác đã được thỏa thuận. R.Nixon nói rút quân Mỹ “trên cơ sở các nguyên tắc đã nêu lên trước đây”, nghĩa là “hai bên cùng rút quân” và lần này lại gắn việc rút quân Mỹ với việc giải quyết toàn bộ vấn đề Đông Dương - như vậy là đặt thêm điều kiện cho việc rút quân. Đồng thời, Nixon lại đưa ra quan điểm “sẵn sàng thương lượng về một lịch rút hết quân” mà không đưa ra thời hạn rút quân cụ thể, nhằm chống lại việc Chính phủ Mỹ phải định rõ thời hạn rút hết quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam và che dấu âm mưu duy trì một bộ phận quan trọng quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Về vấn đề chính trị ở miền Nam Việt Nam, R.Nixon muốn duy trì chính quyền Thiệu - Kỳ - Khiêm, chống lại việc thành lập Chính phủ liên hợp dân tộc.
[12]Trong tiến trình đàm phán, âm mưu của chính quyền R. Nixon là tách vấn đề quân sự và chính trị; chỉ giải quyết vấn đề quân sự nhằm thực hiện rút quân, để duy trì và củng cố chính quyền và quân đội Sài Gòn. Quan điểm của Việt Nam là phải giải quyết toàn bộ và chỉ ngừng bắn sau khi giải quyết cả vấn đề quân sự và chính trị, do đó phải giải quyết hai vấn đề quan trọng là: Mỹ phải định thời hạn rút quân khỏi miền Nam và Mỹ phải chấm dứt việc ủng hộ nhóm cầm quyền hiếu chiến hiện nay do Nguyễn VănThiệu cầm đầu.
[13]Sáng kiến này tập trung vào đòi Mỹ chấm dứt ủng hộ chính quyền Sài Gòn; lập chính phủ hòa hợp dân tộc rộng rãi gồm ba thành phần làm nhiệm vụ từ khi hòa bình lập lại đến tổng tuyển cử; vấn đề lực lượng vũ trang Việt Nam ở miền Nam do các bên Việt Nam cùng giải quyết.
[14] Đề cập đến việc rút quân, thả tù binh, chấm dứt ủng hộ Thiệu – Kỳ - Khiêm, bồi thường chiến tranh, thực hiện ngừng bắn sau khi kí kết, thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình.
[15] John S. Bowman:  The Vietnam War: An almanac, Ballantine Books; 1St Edition edition (1985), p.182.
[16] Đảng Cộng sản Việt Nam : Văn kiện Đảng toàn tập, tập 32, Sđd, tr.409-410.
[17] Đảng Cộng sản Việt Nam : Văn kiện Đảng toàn tập, tập 32, Sđd, tr.409-410.
[18]Yêu cầu Chính phủ Mỹ phải đưa ra một thời hạn dứt khoát cho việc rút  quân; Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức ngay, chính quyền Sài Gòn phải chấm dứt chính sách hiếu chiến, phải thủ tiêu ngay bộ máy áp bức kìm kẹp nhân dân.
[19] Ban Chỉ đạo biên soạn lịch sử Chính phủ Việt Nam: Biên niên lịch sử Chính phủ 1945 – 2005, t.5, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2006, tr.160.
[20]Không đòi xóa chính quyền Sài Gòn, đòi Thiệu phải từ chức; chỉ cần một hình thức cơ cấu chính quyền hòa hợp, hòa giải dân tộc theo phương án thấp nhất.
[21]Tuyên bố của Chính phủ CMLTCHMNVN ngụ ý tách vấn đề quân sự ra khỏi các vấn đề chính trị như là một nhân nhượng đối với yêu cầu dai dẳng của Mỹ từ khi bắt đầu đàm phán.
[22] Đó là hai nhân nhượng: 1-Công nhận sự tồn tại của chính quyền Sài Gòn có Thiệu; 2- Giải quyết vấn đề Việt Nam theo mong muốn của Mỹ, tách riêng vấn đề quân sự và chính trị, không đòi lập chính quyền hòa giải và hòa hợp dân tộc trước khi có ngừng bắn, mà để hai bên miền Nam giải quyết việc đó trong vòng ba tháng đầu sau ngừng bắn.
[23] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 30, Sđd, tr.202.
[24] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 31, Sđd, tr.115.
[25] John S. Bowman:  The Vietnam War: An almanac, Ibid, p.166.
[26] Như Tổ chức đoàn kết nhân dân Á – Phi, Liên hiệp công đoàn thế giới, Liên đoàn thanh niên dân chủ thế giới…
[27] Các nước Thụy Điển, Nhật Bản, Algeria, Liên Xô, CHDC Đức, Phần Lan, Cuba, Hà Lan, Pháp, Anh, Hungari, Phần Lan, Thụy Điển…
[28] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 31, Sđd, tr.63.
[29] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 31, Sđd, tr.133.
[30]R ichard Nixon, No more Vietnams, London: W. H. Allen, 1986, p. 126.
[31]R ichard Nixon, No more Vietnams, Ibid, p. 126.
[32] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 31, Sđd, tr.389.
[33] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 31, Sđd, tr.389.
[34] Đến các nước Anh, Thụy Điển, Hà Lan, Đan Mạch, Italia...
[35] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 32, tr. 366-367.
[36] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 32, tr. 248.
[37] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 33, tr. 252.
[38] Các nước như Algeria, Ai Cập, Ấn Độ, Cuba, Swaziland, Congo, Iraq, Guinea, Mali, Syria, Sudan, Tanzania, Nam Tư, Zambia…
[39] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 31, tr. 32.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!