PGS,TS. Hồ Khang
1. Sự phát triển của ngành nghiên cứu quan hệ quốc tế cho đến đầu thế kỷ XXI có vẻ như đã lý giải và đưa
ra những gợi ý đầy đủ nhất về mặt tri thức cho các quốc gia trong lĩnh vực hợp
tác và tranh chấp. Vấn đề quân sự nói
chung và quốc phòng nói riêng, trong
cái nhìn của ngành quan hệ quốc tế,
đã giảm lược xuống thành một lựa chọn đối
ngoại, hơn là một vấn đề quốc gia có
tính chiến lược[1].
Nhưng trong thế kỷ XXI của những kỳ vọng toàn cầu, các quốc gia lại phải đối mặt
với cùng lúc hai vấn đề quân sự cấp thiết: 1- Những cuộc đàm phán là không đủ để
đảm bảo nền quốc phòng của một quốc gia, nhất là trong bối cảnh các quốc gia có
tiềm lực quân sự mạnh không thương thuyết một cách bình đẳng với các quốc gia
lân cận có tiềm lực quân sự yếu kém hơn; 2- An
ninh chính trị và trật tự xã hội của
các quốc gia đang phát triển hoặc kém phát triển, do nhiều nguyên nhân, dễ chịu
sự can thiệp từ bên ngoài – do đó, công tác củng cố tính dân tộc tự chủ của một nhà nước phải đi kèm với công tác xây dựng
tính nhân dân sâu sắc của quân đội, để
đảm bảo cho hoạt động của một xã hội có nền chính trị độc lập, tự quyết.
Chính vì thế, việc mở
ra những cuộc thảo luận rộng lớn hơn cũng như việc đề cao hơn nữa nhận thức về
lịch sử quân sự Việt Nam và lịch sử tư tưởng quân sự của dân tộc Việt Nam trong
toàn xã hội là điều cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh những cường lực của quá
trình toàn cầu hóa đang mở rộng hơn nữa
ảnh hưởng của thế giới phương Tây. Cần nói rằng, ngay cả giới quân sự phương
Tây cũng đã có những chuyển biến lớn trong nhận thức về vấn đề quân sự, đặc biệt
thông qua việc lý giải và thấu hiểu lịch
sử quân sự và lịch sử tư tưởng quân sự.
Trên cơ sở nhận thức
như vậy, chúng tôi đặc biệt đánh giá cao đóng góp và nỗ lực của tập thể tác giả
bộ sách Lịch sử tư tưởng quân sự Việt Nam. Công trình nghiên cứu công
phu này, từ một cơ quan nghiên cứu khoa học quân sự hàng đầu của cả nước, thật
sự mang nhiều giá trị và cần được đọc nghiêm túc như một tác phẩm khoa học vừa
hướng vào những vấn đề thực tế của xã hội, vừa trả lời những câu hỏi quan trọng
của những vấn đề về khoa học lịch sử nói chung và khoa học quân sự nói riêng.
Công trình này đã trả lời cùng lúc hai câu hỏi: 1- Tư tưởng quân sự Việt Nam được
hình thành và phát triển từ thực tiễn đến lý luận ra sao? 2- Vai trò của nghệ
thuật quân sự và tư tưởng quân sự Việt Nam từ lịch sử đến hiện tại là gì? Trả lời
hai câu hỏi đó, công trình đã đóng góp thêm những tri thức quan trọng vào chủ đề
về bản sắc Việt Nam, là điều mà chúng
tôi cho rằng có tầm quan trọng vượt khỏi lĩnh vực văn hóa thuần túy.
Qua 5 tập sách - Tập
I: Lịch sử tư tưởng quân sự Việt Nam từ
thế kỷ III TCN đến đầu thế kỷ XV; tập II: Lịch sử tư tưởng quân sự Việt Nam từ đầu thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XIX
(1428-1858); tập III: Lịch sử tư tưởng
Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX (1858-1945); tập IV : Tư tưởng quân sự Việt Nam thời kỳ kháng chiến
chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1975); tập V: Tổng luận - công trình đã đi sâu làm rõ lịch sử tư tưởng quân sự Việt Nam, với một tiền đề thực tiễn căn bản:
“Do hoàn cảnh lịch sử và điều kiện địa - chính trị - quân sự của đất nước, dân
tộc Việt Nam đã phải tiến hành nhiều cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ
quốc. Quá nửa thời gian trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc, các thế hệ người
Việt Nam phải dồn tâm lực, vật lực vào hoạt động quân sự để giành lại và giữ vững
nền tự do, độc lập. Tiến trình lịch sử đầy gian nan, thử thách và hy sinh đó đã
hun đúc tinh thần đấu tranh bất khuất, ý chí tự lực tự cường và truyền thống
đánh giặc cứu nước của người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam”[2].
Như một lẽ tất yếu của lịch sử, những hoạt động sinh tồn của một cộng đồng – xã
hội sẽ được tinh thần hóa thành truyền
thống và bản sắc của cộng đồng – xã hội ấy. Sức ép của một lịch sử nhiều biến
loạn và kẻ thù đã cấu thành nên trong kho tàng văn hóa Việt Nam một truyền thống
quân sự đặc biệt. Theo đó, “tư tưởng quân sự Việt Nam là “của một dân tộc nhỏ
phải thường xuyên chiến đấu và chiến thắng những kẻ thù lớn hơn nhiều lần về sức
mạnh kinh tế và quân sự. Đó là hệ thống quan điểm trên lĩnh vực quân sự và những
vấn đề có liên quan đến quân sự, biểu hiện mối quan hệ giữa chiến tranh và
chính trị, giữa chính trị và quân sự, quan điểm về xây dựng lực lượng vũ trang,
căn cứ địa hậu phương, những quan điểm tư tưởng chỉ đạo quốc phòng, chiến tranh
và nghệ thuật quân sự... Tư tưởng quân sự luôn có ý nghĩa và vai trò chỉ đạo
các hoạt động quân sự và là cơ sở tư tưởng của học thuyết quân sự; trong thời
hiện đại, khi được giai cấp hay chính đảng chấp nhận, nó trở thành một bộ phận
cấu thành đường lối quân sự, chính sách quân sự”[3].
Chính từ nhận thức những
vấn đề của thời đại và quốc gia đó, tập thể tác giả trình bày và làm rõ các nội
dung cơ bản: (1) Hệ giá trị nền tảng
của tư tưởng quân sự Việt Nam: yêu nước, đấu tranh vì độc lập tự do, bảo vệ chủ
quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ ; (2) tư
tưởng quân sự Việt Nam từ cổ trung đến cận-hiện đại qua các nội dung xuyên
suốt các thời kỳ: khởi nghĩa vũ trang, chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự,
xây dựng căn cứ địa, quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang, phát huy sức mạnh
đại đoàn kết dân tộc; (3) qua đó, làm rõ mối quan hệ giữa lịch sử Việt Nam, lịch sử
quân sự Việt Nam và lịch sử tư tưởng
quân sự Việt Nam.
2. Một vấn đề quan trọng cần được nêu rõ trong công trình
này là mối quan hệ mang đặc trưng Việt
Nam của hai khái niệm chiến tranh và
nghệ thuật quân sự.
Chiến tranh trước hết
là một lĩnh vực trong số các lĩnh vực hoạt động của cộng đồng – xã hội, có đặc
trưng là luôn diễn ra dưới hình thức xung
đột vũ trang giữa các giai cấp, các dân tộc hay các quốc gia. Khái niệm chiến
tranh, cũng như khái niệm an ninh, trong
hoàn cảnh hiện đại, đã có những nội hàm mới, trong đó nhấn mạnh đến các xung đột
vì lợi ích chính trị, kinh tế, xã hội nhất định, với những hình thức mới như chiến tranh công nghệ. Như vậy, phạm trù
chiến tranh cần được phân tích thông qua ba yếu tố: (i) xung đột; (ii) lợi ích
hay mục đích của mỗi bên tham chiến; (iii) hình thức tham chiến và cách thức tiến
hành chiến tranh của mỗi bên. Trong cách hiểu truyền thống, tư tưởng quân sự, nghệ thuật quân sự là
bộ phận của chiến tranh, thuộc về yếu tố (iii) là cách thức tiến hành chiến
tranh. Theo đó, tư tưởng quân sự và nghệ thuật quân sự là toàn bộ những chính sách, đường lối, quy tắc tiến hành chiến
tranh của mỗi bên tham chiến cũng như mọi phương thức chiến tranh và chiến
lược chiến tranh. Tuy vậy, trong thực tế, tư tưởng quân sự và nghệ thuật quân sự luôn hiện diện ngay trong thời
bình với quá trình tổ chức và huấn luyện lực lượng vũ trang. Thực tế đó cho thấy
rằng trong khi chiến tranh được đặc trưng bởi xung đột vũ trang thì nghệ
thuật và tư tưởng quân sự lại vận hành xuyên suốt thời chiến và thời bình, nghĩa là vượt ra ngoài ranh giới của chiến
tranh. Nói cách khác, chiến tranh chấm dứt
trong thời chiến, nhưng tư tưởng và nghệ thuật quân sự lại vận động
vượt ra khỏi hoàn cảnh chiến tranh.
Đối với một cộng đồng
hay một xã hội, thì chiến tranh là sự bộc lộ năng lực tự vệ của nó. Nếu xét ở
quy mô một quốc gia, thì chức năng của chiến tranh là sự bảo vệ “biên giới bên
ngoài” của quốc gia, và nhờ đó mở rộng phạm vi của bản sắc quốc gia về mặt vùng
lãnh thổ lẫn dân số- bản sắc vốn là “biên giới bên trong“ của một quốc gia[4].
Xét ở chức năng bảo vệ và tăng cường bản sắc quốc gia như thế, thì chiến tranh
tự nó không còn đặt trọng tâm vào xung đột, mà trọng tâm lại chính là sự tồn tại
và phát triển của cộng đồng – xã hội – quốc gia tiến hành chiến tranh. Dù ở mức
nào, thì với giả định này, tư tưởng quân
sự và nghệ thuật quân sự lại có
nguồn gốc “phi quân sự”, và chiến tranh hẳn là một phương cách giải quyết những
vấn đề liên tục xuất sinh của một siêu cấu
trúc quốc gia hay xã hội. Hơn nữa,
đây là một “phương cách” cực đoan, vì trong chiến tranh mọi nguồn lực được động
viên đến tối đa, và tính tiêu hủy trực tiếp các nguồn lực khiến xã hội –quốc
gia phải không ngừng tái hồi các cực hạn của xã hội – quốc gia trên nhiều lĩnh
vực. Điều này được thể hiện rõ ràng trong thực tiễn kháng chiến bảo vệ quốc gia
của dân tộc Việt Nam như các tác giả của công trình Lịch sử tư tưởng quân sự Việt Nam đã khẳng định: “Trong lịch sử đấu
tranh dựng nước và giữ nước của mình, người Việt Nam luôn luôn có ý thức rất
cao trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Do ý thức về toàn vẹn lãnh thổ,
về lịch sử, văn hóa và độc lập chủ quyền dân tộc mà bao thế hệ người Việt đã đứng
lên chống ngoại xâm. Mỗi khi diễn ra cuộc chiến tranh giành và giữ nền độc lập
thì tinh thần yêu nước, ý thức độc lập tự chủ, ý chí quyết tâm, tư tưởng quyết
chiến quyết thắng ngập tràn, dâng cao trong tất cả mọi lực lượng tham gia đánh
giặc; nó trở thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ nhấn chìm tất cả lũ bán nước và
cướp nước. Đó là tư tưởng tình cảm lớn nhất của người Viêt Nam, cũng là nhân tố
quan trọng hàng đầu tạo ra tư duy sáng tạo trong chiến tranh, là cội nguồn của
mọi quan điểm tư tưởng quân sự tiến bộ”.[5]
Cần nói rõ rằng, tư tưởng quân sự, nghệ thuật quân sự, hay bản thân khái niệm quân sự là cốt lõi của vấn đề quân sự/dân sự cũng như chiến
tranh/hòa bình[6]. Do
đó, tư tưởng quân sự và nghệ thuật quân sự chỉ là sự gọi tên những
đặc tính của siêu cấu trúc quốc gia vốn được bộc lộ trong chiến tranh. Từ đó,
có thể nói rằng, tư tưởng quân sự là một
trong những biểu hiện cao nhất của bản sắc
quốc gia, xét như một hình thái cô đọng của tinh thần dân tộc, vốn thường
được đề cao vào thời chiến. Như vậy, chiến tranh và hòa bình, quân sự và dân sự,
xét đến cùng, chính là sự hiện thực hóa tư
tưởng quân sự, vốn là tinh thần của
siêu cấu trúc quốc gia. Cuối cùng, mối quan hệ giữa chủ nghĩa quốc gia, chủ
nghĩa dân tộc hay chủ nghĩa yêu nước và
tinh thần dân tộc với tư tưởng quân sự và chiến tranh, do đó, là một thực tế, hơn là một vấn đề lý thuyết[7].
Về mặt quân sự, điều ấy còn có nghĩa, sự tăng cường sức mạnh quân sự không lập
tức nhằm chuẩn bị cho chiến tranh, cũng không có nghĩa những hoạt động quân sự
sẽ can thiệp và làm đổ vỡ các cấu trúc dân sự trong xã hội; Những hoạt động
quân sự trong ý nghĩa hiện thực hóa và phát triển tư tưởng quân sự bao giờ cũng có một ảnh hưởng vượt ra khỏi biên giới
của lĩnh vực quân sự, góp phần quan trọng vào sự phát triển của cộng đồng – dân
tộc – quốc gia.
Tất cả những điều đó
đều có thể tìm thấy trong bộ công trình 5 tập Lịch sử tư tưởng quân sự Việt Nam. Từ đây, cần nhấn mạnh rằng, các
tác giả không xem xét lịch sử quân sự Việt Nam chỉ như lịch sử chiến tranh: lịch sử quân sự là lịch sử dựng nước đi đôi với giữ nước, và đó cũng là một nội dung
quan trọng trong công trình này[8].
3. Trên một phương diện khác công trình này có mục đích
cung cấp cho người đọc một tài liệu nghiên cứu – học tập cần thiết về lịch sử
Việt Nam nói chung và lịch sử quân sự Việt Nam nói riêng. Chắc chắn rằng sự thấu
hiểu những tri thức lịch sử là chìa khóa để lý giải hiện tại; mặt khác, quá khứ
thường tái diễn ở nơi sự thấu hiểu lịch sử bị bỏ quên. Công tác nghiên cứu và
đưa ra những tri thức căn bản về tư tưởng quân sự Việt Nam là một đóng góp quan
trọng để hiểu những chiều hướng phát triển của xã hội Việt Nam hiện đại. Bên cạnh
đó, việc nhận thức những giá trị căn bản của truyền thống quân sự Việt Nam cũng
cung cấp cho các nhà quân sự Việt Nam hiện đại cũng như các nhà hoạch định
chính sách những tri thức cần thiết để lựa chọn chính sách quân sự cho nền quốc
phòng.
Trong những nội dung
quan trọng của công trình Lịch sử tư tưởng
quân sự Việt Nam, tư tưởng về chiến
tranh nhân dân là nội dung phức tạp nhất của lịch sử quân sự Việt Nam hiện
đại, và sẽ còn là chủ đề không thể bỏ qua để hiểu rõ lịch sử Việt Nam.
Một nhà sử học không
hiểu rõ những vấn đề quân sự thì cũng không thể lý giải thấu đáo những vấn đề
dân sự - và gần như chắc chắn là nếu không hiểu rõ sự thay đổi của một đất nước
trong chiến tranh thì cũng không thể hiểu nổi những diễn biến cũng như sự vận
hành của xã hội trong thời bình[9].
Tách rời những vấn đề quân sự khỏi văn hóa, kinh tế, chính trị, bang giao… thì
đơn giản là vì nhà sử học không thể hiểu và nắm bắt được cấu trúc thật sự của lịch
sử, mà ở bất kì thời nào thì quân sự cũng luôn là nhân tố làm biến đổi các lực
lượng chính trị, làm thay đổi cấu trúc địa-chính trị, và, địa-văn hóa. Hơn nữa,
những vấn đề về chiến tranh nhân dân (và
toàn dân kháng chiến) cho thấy rằng, ở
Việt Nam, quân sự không chỉ là chiến tranh, mà nó tồn tại xen kẽ và gây
tác động lên một loạt các lĩnh vực xã hội – kinh tế - chính trị - văn hóa. Ở một
góc độ khác, động viên toàn thể nhân dân cũng
như hình thành khối đại đoàn kết toàn dân
vào những hoạt động quốc gia nhất định
là vấn đề của mọi nhà nước, và không ở đâu và khi nào nảy sinh những thể thức,
cấu trúc, thiết chế vận động nhân dân trên diện rộng như chiến tranh nhân dân. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa tính nhân dân và chiến tranh nhân dân cũng chỉ ra rằng hoạt động quân sự trên quy mô
lớn cùng sự bùng nổ của nó vào những thời kì chiến tranh đã tạo dựng nên những
nền tảng căn bản cho sự sinh thành xã hội,
nhân dân và dân tộc. Các tác giả công trình đã nhận xét rất
đúng: “Trong các cuộc kháng chiến ở
Việt Nam, do những nhân tố cơ bản - đấu tranh với thiên nhiên và đấu tranh chống
ngoại xâm để sinh tồn và phát triển quy định, tính nhân dân đã xuất hiện từ rất
sớm và ngày càng được phát triển lên trong công tác tổ chức chiến tranh cũng
như vận động quần chúng nhân dân tham gia chiến tranh. Dù ở thời nào, mối quan
hệ biện chứng giữa thượng tầng xã hội, hay các lực lượng lãnh đạo xã hội, với
các tầng lớp nhân dân của xã hội đó cũng cấu thành bản chất của tính nhân dân.
Dưới góc nhìn đó, tính nhân dân vừa là biểu hiện mối quan hệ giữa nhà nước và
nhân dân; mặt khác, đến lượt mình, tính nhân dân lại cung cấp động lực cho mối
quan hệ đó. Cũng cần nhấn mạnh rằng, một mặt tính nhân dân biểu hiện thông qua
từng phương diện cụ thể trong hoạt động xã hội, chẳng hạn chiến tranh; mặt khác
thì chính những hoạt động xã hội lại bồi đắp, củng cố và phát triển tính nhân
dân”[10].
Chiến tranh nhân dân, tính nhân dân và toàn dân kháng chiến là những phạm trù
quan trọng như một lý thuyết mở để đi
sâu tìm hiểu cả những vấn đề tưởng như tách biệt như sự phân vùng địa-văn hóa,
tính tự trị làng xã, mối quan hệ làng-nước, các không gian văn hóa – tôn giáo –
tín ngưỡng, sự phát triển của các tôn giáo… Nó cũng bổ sung một tiền đề căn bản
để chủ nghĩa dân tộc không trượt vào những
đường rãnh cực đoan – hẹp hòi; nó cũng ngăn chặn nhà sử học rơi vào một chủ nghĩa lãng mạn sử học. Thực vậy, những
phân tích về chiến tranh nhân dân, tính nhân dân và toàn dân kháng chiến suốt 5 tập sách là tri thức quan trọng cho bất
cứ ai muốn hiểu rõ nền tảng của lịch sử Việt Nam.
4. Một hạn chế của
công trình này là không thể đi sâu và chuyên biệt vào chủ đề quân dịch .Tuy vấn đề về tư tưởng ngự binh ư nông, động viên lực lượng
vũ trang ba thứ quân, kêu gọi toàn quốc kháng chiến… đã được các tác giả
trình bày và phân tích kĩ lưỡng, nhưng tôi cho rằng cần một công trình lớn nối
tiếp bộ Lịch sử tư tưởng quân sự Việt Nam
để đưa ra những tri thức và kiến nghị cần thiết về quân dịch.
Thực vậy, quân dịch là khớp nối giữa xã hội dân sự và lực lượng quân sự. Đây không chỉ là một hoạt động nhằm đào tạo lực
lượng dự bị cho chiến tranh, mà còn là hoạt động trao truyền các giá trị quốc
gia – dân tộc cũng như tinh thần dân tộc và long yêu nước đích thực cho các
công dân, bên cạnh sự rèn luyện kỉ luật và nghĩa vụ. Không thể có quốc gia mà
thiếu đi những hoạt động quân sự, và
tương tự, không thể có một công dân đích thực thiếu đi sự rèn luyện và học tập
trong môi trường quân sự. Một xã hội coi trọng địa vị và lợi ích thái quá bao giờ cũng phản ứng tiêu cực
với quân dịch. Ngược lại, một xã hội có lý trí, coi trọng phẩm giá, trách nhiệm
và nghĩa vụ sẽ thấy rằng quân dịch là
một hoạt động cần thiết.
Cần nhắc lại rằng, quân
sự là một lĩnh vực đặc thù và ở Việt Nam, những hoạt động quân sự có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình định
hình đặc tính quốc gia – dân tộc Việt Nam. Như bạn đọc sẽ thấy qua công trình
này, những tư tưởng định hướng cho nền quân sự Việt Nam quan hệ chặt chẽ với những
tư tưởng định hướng cho sự phát triển của toàn thể dân tộc trong từng thời kì.
Nói cách khác, mục đích của nền quân sự Việt Nam không phải chiến tranh và chiến
công, mà là hòa bình và phát triển – tư tưởng quân sự Việt Nam, vì thế, phản
ánh tính cách của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, nhưng đầy tinh thần dân tộc
và luôn tràn đầy lòng yêu nước[11].
Cũng vì mối liên hệ đặc biệt giữa lĩnh vực quân sự với mọi lĩnh vực khác của quốc
gia, trong thời bình cũng như trong thời chiến, những nhà tư tưởng quân sự Việt Nam đồng thời là những nhà chính trị kiệt
xuất. Trong thời hiện đại, tư tưởng quân sự Việt Nam đã có những bước phát
triển quan trọng vượt bậc: lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, những giá trị
tích cực nhất của truyền thống quân sự Việt Nam phát triển khá toàn diện như vậy.
[1] Dĩ
nhiên, trong thực tế lịch sử, không bao giờ vai trò của quân sự, dù ở phương
Đông hay phương Tây, lại là thứ yếu. De Gaulle đã nói chính xác về vấn đề này:
“Dù trên thực tế nhiệm vụ riêng biệt của chính phủ và chỉ huy quân đội có khác
nhau thế nào đi nữa thì sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai bên là không còn phải
bàn cãi. Chính khách nào có thể thành công khi mà quân đội thất bại? Chiến lược
nào có giá trị khi mà nó thiếu những phương tiện? Thành Roma không có những
quân đoàn lê dương đã chẳng tận dụng được gì từ sự khôn khéo của Viện nguyên
lão. Richelieu, Mazarin, Louvois sẽ có ích gì nếu không có quân đội hoàng gia?
Nếu Dumouriez bị thất bại tại Valmy thì Cách mạng đã bị bóp nghẹt từ trong trứng
nước. Sự thống nhất của nước Đức làm cho hai cái tên không thể tách rời nhau,
Bismarck và Moltke. Gần đây, bất chấp mọi sự, ký ức về chiến thắng vẫn tiếp tục
có chung tên tuổi của những chính khách và những nhà chỉ huy vĩ đại” (De
Gaulle, Lưỡi gươm, Bàn về nghệ thuật chỉ
huy, NXB Thế giới, 2014, tr.175).
[2] Viện Lịch
Sử Quân sự Việt Nam, Lịch sử tư tưởng
quân sự Việt Nam từ thế kỷ III TCN đến đầu thế kỷ XV, NXB CTQG, 2014, tr7
[4] Cách lý
giải này không tránh khỏi phải viện dẫn đến một cái nhìn mang tính nhân học về
chính trị, cho dù vấn đề biên giới bên trong và biên giới bên ngoài của một quốc
gia không phải là vấn đề mới đối với lý thuyết quân sự lẫn lý thuyết chính trị.
Cần thấy rằng, bản sắc của một quốc gia – dân tộc không chỉ biểu hiện qua những
“động lực mù mờ” đã tạo nên phong tục, tập quán, truyền thống; mà hơn thế, bản
sắc đó trước hết là ý thức về quốc gia-dân tộc như là quốc gia và dân tộc của mình. Đây chính là nội hàm quan trọng của lòng yêu nước. Tham khảo một tác phẩm
kinh điển của G. Balandier, Political
Anthropology (Nhân học chính trị), Penguin Books, 1972.
[5] Viện Lịch
sử Quân sự Việt Nam, Lịch sử quân sự Việt
Nam, Tập V, sđd, tr.397. Vai trò của lĩnh vực quân sự trong sự hình thành và
phát triển của bản sắc quốc gia cũng như ý thức quốc gia là một thực tế không
thể phủ nhận hoặc diễn giải sai lạc.
[6] Mối quan
hệ dân sự - quân sự, vốn là một khía cạnh quan trọng để hiểu rõ lịch sử quân sự,
đại đoàn kết dân tộc và chiến tranh nhân dân. Tuy nhiên, một lối tiếp cận mang
tính Tây phương cũng nên được tham khảo thêm: Peter D. Feaver and Richard H. Kohn, (đồng chủ biên), Soldiers and Civilians: The
Civil-Military Gap and American National Security (Quân nhân và Công dân: Khoảng
trống dân sự-quân sự và nền quốc phòng Mỹ). Cambridge, MIT Press, 2001.
Cũng xem thêm: Cũng xem thêm: Samuel P. Huntington, The Soldier and the State; the
Theory and Politics of Civil-Military Relations. (Người lính và Nhà nước;
Lý thuyết và Chính trị về quan hệ Dân sự-Quân sự) Cambridge: Belknap Press of
Harvard University Press, 1957. Đặc biệt, chủ
nghĩa chính quy hóa (chuyên nghiệp hóa) quân đội được đề xuất trong tác phẩm
của Huntington là rất đáng lưu ý. Liệu một quân đội trung lập chính trị, tự trị và có lực lượng sĩ quan chuyên nghiệp được duy trì trong quan hệ mang
tính quản trị và dân chủ của chính quyền dân sự có phải là giải pháp thỏa đáng cho mối
quan hệ dân sự và quân sự hay không? Nếu không, theo một cách thức khác, và
quay lại với những học thuyết về đế chế
và văn minh, ta lại thấy rằng mâu thuẫn giữa dân sự và quân sự buộc phải giải
quyết bằng xuất khẩu mâu thuẫn và chủ nghĩa bành trướng.
[7]Hệ giá trị
về việc bảo vệ và xây dựng quốc gia vốn là phản ánh của thực tế về chiến tranh
và chủ nghĩa yêu nước, và ta thấy rằng những điều đại loại như vậy đều được nêu
cao và thể hiện trong tư tưởng quân sự. Nhìn một theo lối lịch sử văn minh, thì
chiến tranh đã thiết lập nên không những
xung đột, sự phát triển văn minh, mà còn hệ giá trị của chính bộ máy hành chính
[8] Do đó mà
tôi thấy cần phải làm rõ rằng, dựng nước đi
đôi với giữ nước không có nghĩa là hoạt
động dân sự đi đôi với hoạt động quân sự. Dựng
nước và Giữ nước là hai mặt của
cùng một nôi dung thuộc về tư tưởng quân sự Việt Nam, và lịch sử dựng nước-giữ
nước cho thấy ý nghĩa đặc biệt của tư tưởng
quân sự hay lĩnh vực quân sự đối
với sự hình thành và phát triển của quốc gia – dân tộc Việt Nam. Mặt khác, lại có thể thấy rằng, dựng và giữ nước là hai phương diện
không thể tách rời của lịch sử quân sự Việt Nam.
[9] Đặc biệt
với một dân tộc diễn ra những thời kì nội chiến lâu dài cũng như tiềm ẩn các
xung đột phức tạp giữa địa phương-địa phương, địa phương-trung ương, tộc người-tộc
người… như Việt Nam. Tác động của những cuộc nội chiến luôn là rất lớn: “Không có thứ chiến tranh nào khủng khiếp hơn
nội chiến bởi nội chiến xé nát những cơ cấu bền vững nhất của xã hội, chẻ vụn
những định chế của nó và hủy hoại mạng lưới của những quan hệ tinh tế nối kết đời
sống cộng đồng. Quốc gia bị chia rẽ; các cộng đồng vỡ vụn và gia đình tan rã. Nội
chiến là chiến tranh đầy cuồng nộ với hậu quả được nâng lên thành nguyên nhân
và những nguyên nhân được biến thành tiếng kêu gào kết đoàn để anh dũng hi sinh
hoặc tàn phá một cách man rợ. Các cuộc nội chiến tự nuôi sống chính chúng. Mỗi
hành vi rửa hận trở thành một sự xúc phạm mới. Giận dữ leo thang và những
nguyên tắc tiến hành chiến tranh một cách văn minh đã nhanh chóng bị phá vỡ. Sự
tổn thất về nhân mạng và của cải khiến chóng mặt, nhưng sự mất mát tính đồng nhất
của cộng đồng còn lớn lao hơn”. (Mark Kishlansky, Patrick Geary, P.O’Brien, Nền tảng văn minh phương Tây, sđd,
tr.436). Một công trình xuất sắc nghiên cứu nội chiến Việt Nam không thiếu
để tìm hiểu về lịch sử Việt Nam là Tạ Chí Đại
Trường, Việt Nam thời Tây Sơn, Lịch
sử nội chiến 1771-1802, NXB Tri thức 2012.
[10] Lịch sử tư tưởng
quân sự Việt Nam, tập V, Tổng luận,
sđd, tr.137. Và cũng có thể nói thêm rằng: “Tư tưởng xây dựng lực lượng và tư tưởng
về các hình thức đấu tranh, xét đến cùng, đều có cốt lõi là tính nhân dân trong
công tác tổ chức các hoạt động quân sự. Tính nhân dân, bao giờ cũng vậy, tự nó
biểu hiện trên hai phương diện: phương diện thứ nhất là sự tham gia và thái độ
của nhân dân đối với các hoạt động quân sự được tổ chức và vận động; phương diện
thứ hai chính là công tác tổ chức và vận động quần chúng nhân dân khi tiến hành
các hoạt động quân sự. Thật vậy, trong khi phương diện thứ nhất là nền tảng và
đối tượng cho phương diện thứ hai, thì phương diện thứ hai của tính nhân dân,
như đã được trình bày, chính là cốt lõi của tư tưởng quân sự về xây dựng lực lượng
cũng như tư tưởng quân sự về các hình thức đấu tranh trong khởi nghĩa. Còn có
thể thấy rằng, khi tính nhân dân trên hai phương diện đó được biểu hiện ở mức
cao nhất, nghĩa là hai phương diện của tính nhân dân trong tư tưởng quân sự thống
nhất trong các biểu hiện của nó, thì khởi nghĩa đến rất gần giai đoạn tổng khởi
nghĩa” (Tập V, tr.115).
[11] Cần nhấn
mạnh điều này để tránh xa mọi tư tưởng rằng tăng cường quân dịch là một lối dẫn
đến xã hội thời chiến và những dạng thức chủ nghĩa quân phiệt, mà những hậu quả
của nó bao giờ cũng là sự diệt vong của triều đại, thể chế, thậm chí một nền
văn minh, như A.Toynbee đã cảnh báo về chủ nghĩa quân phiệt trong Nghiên cứu lịch sử nhân loại (NXB VHTT,
2008): “Những kẻ theo chủ nghĩa quân
phiệt quá tự tin vào khả năng tự bảo vệ mình trong hệ thống xã hội – hoặc phản
xã hội – trong đó, mọi cuộc tranh chấp đều được dàn xếp bằng gươm đao tới mức lấy
sức mạnh làm luật pháp. Theo hắn, chiến thắng là bằng chứng cuối cùng về quyền
năng vô hạn của gươm đao. Nhưng hóa ra trong chương tiếp theo của câu chuyện, hắn
lại bị một người theo chủ nghĩa quân phiệt mạnh hơn mình đánh bại. Hắn đã chứng
minh một luận điểm mà hắn chưa từng biết đến: “kẻ nào sử dụng gươm đao sẽ chết
dưới gươm đao” (tr.357), và “một kẻ sử dụng bạo lực không thể vừa chân thành ăn
năn vừa hưởng lợi lâu dài từ những hành vi bạo lực của mình.Những vị cứu tinh
mang gươm thời xưa phải là các bậc thủ lĩnh hoặc các thành viên trong hoàng tộc
đã nỗ lực thành lập, hoặc đã thành lập thành công, hoặc đã khôi phục thành công
các chính quyền trung ương; và mặc dù sự tiến triển từ thời kỳ rối ren sang
chính quyền trung ương có khuynh hướng đem lại lòng tin lớn lao ngay tức khắc
khiến những nhà sáng lập các chính quyền này thường được tôn thờ như thánh thần,
song các chính quyền trung ương luôn luôn rất phù du và nếu, do một kỳ tích nào
đó, chúng bướng bỉnh sống vượt quá thời hạn thông thường, thì chúng sẽ phải trả
giá cho tuổi thọ cao bất thường này bằng việc thoái hóa thành các tệ nạn xã hội
độc hại theo kiểu của nó chẳng kém gì thời kỳ rối ren tiền đề của chúng hoặc
giai đoạn quá độ theo sau sự sụp đổ của chúng” (tr.544).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!