Thứ Năm, 12 tháng 3, 2015

LỰC LƯỢNG THỨ BA VÀ NHỮNG ĐÓNG GÓP CHO SỰ NGHIỆP THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (1969-1975)

PGS.TS. Hồ Khang,
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam,
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 21 năm có sự tham gia, cống hiến, hi sinh xương máu của đông đảo nhân dân cả nước thuộc nhiều thành phần, nhiều giai cấp và lực lượng khác nhau. Trên tinh thần độc lập, hòa bình, hòa giải và hòa hợp dân tộc, nhiều tổ chức, đoàn thể, tôn giáo, các cá nhân yêu nước… hợp thành một lực lượng có tên gọi “lực lượng thứ ba”, đấu tranh ngay trong lòng Sài Gòn và ở nhiều đô thị lớn của miền Nam Việt Nam.
Với các hình thức đấu tranh phong phú, đa dạng, phạm vi hoạt động rộng rãi, thành phần đông đảo, phong trào đấu tranh của lực lượng thứ ba đã có những ảnh hưởng quan trọng đến tiến trình sự kiện ở miền Nam Việt Nam lúc đó.

1-   Vài nét về lực lượng thứ ba
Từ điển Merriam-Webster Collegiate Dictionary (2005) giải thích về "lực lượng thứ ba" (Third Force) như sau: "Lực lượng thứ ba là một nhóm (đảng phái chính trị hoặc lực lượng quốc tế) đứng trung gian giữa hai lực lượng chính trị đối địch". P. Mendoza định nghĩa lực lượng thứ ba là “nhóm đưa ra đường hướng, giải pháp thay thế các lực lượng thứ nhất và thứ hai; do đó, lực lượng thứ ba chỉ đơn giản là một bên thứ ba trong một cam kết chính trị”[1]. Trên quan điểm đó, P. Mendoza xác định lực lượng thứ ba” ở miền Nam Việt Nam bao gồm những ngườikhông thuộc về phe Quốc gia, cũng không thuộc về phe cách mạng cộng sản. Đó là những người đấu tranh chống lại tham nhũng, độc tài, sự quản lý kém hiệu quả của chế độ Quốc gia”[2].
Về thời điểm xuất hiện lực lượng thứ ba ở Việt Nam, các ý kiến khá khác nhau. P. Mendoza nêu giả thuyết thuật ngữ này được đề cập lần đầu tiên trong cuốn The Quiet American (1955) của Graham Greene; trong đó, Alden Pyle - một nhân viên tình báo CIA trong vai người của Phái bộ Kinh tế thuộc Đại sứ quán Mỹ, đã bí mật phát triển một lực lượng thứ ba tách khỏi cả phe thực dân Pháp lẫn quân nổi dậy Việt Minh do cộng sản cầm đầu[3].
Phóng viên báo Le Monde  Jean-Claude Pomonti nhắc đến lực lượng thứ ba vào năm 1960, gắn nó với sự kiện nhóm 18 chính khách vừa có lập trường chống cộng, vừa chống chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm ra kháng thư phản đối chế độ[4]. Một phóng viên khác của báo Le Monde - Jacques Decornoy cho rằng lực lượng thứ ba ở miền Nam Việt Nam xuất hiện vào năm 1969, khi một số trí thức, dân biểu đối lập, ký giả, tướng lĩnh... hình thành nên nhóm Dương Văn Minh”[5]. André Menras coi phong trào hòa bình đấu tranh chống các chính sách độc tài của Ngô Đình Diệm hình thành và lớn mạnh từ năm 1963 là lực lượng thứ ba[6]. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình có ý kiến khác. Bà khẳng định lực lượng thứ ba ra đời trong thời gian đàm phán Hiệp định Paris, tuy nhiên bà không chỉ ra một thời điểm cụ thể[7].
Bên cạnh đó, một số học giả không thừa nhận sự tồn tại của “lực lượng thứ ba” ở miền Nam Việt Nam. Ông Huỳnh Văn Tòng - một nhân vật nổi bật trong giới trí thức yêu nước miền Nam phân tích: “Giữa hai lực lượng tham chiến hung hãn, giàu mạnh là Mỹ – Thiệu và kháng chiến Việt Nam (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và phe Xã hội chủ nghĩa), trong lòng các đô thị miền Nam vào thời điểm ấy (1973) không có một thế lực nào được gọi là lực lượng thứ ba có đủ sức mạnh đóng vai trò trung gian hòa giải như Hiệp định Paris đã đề ra”[8]. Ông Huỳnh Văn Tòng giải thích thêm: “Bản thân chính trị can thiệp Mỹ không tồn tại trong đầu óc các nhà làm chính sách của tòa Bạch ốc, Bộ Ngoại giao và tòa Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn một ý niệm nào về một lực lượng như thế. Các chế độ phụ thuộc từ Ngô Đình Diệm đến Nguyễn Văn Thiệu lại càng rạch ròi hơn. Không Quốc gia là Cộng sản. Không Cộng sản là Quốc gia”[9]. Ông Huỳnh Văn Tòng đề nghị nên gọi đó là “thành phần thứ ba” hoặc “khuynh hướng chính trị thứ ba” và kết luận: “Thành phần chính trị thứ ba chỉ xuất hiện vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh Việt – Mỹ. Nó được đăng ký khai sinh qua văn bản Hiệp định Paris. Nó là một thực tế phát sinh từ hai lực lượng chính quyết định cuộc chiến là Mỹ và Cộng sản Việt Nam”[10]. Tương tự, Don Luce, John Sommers[11] và Alfred Hassler[12] gọi phong trào đấu tranh ở các đô thị miền Nam Việt Nam từ năm 1965 trở đi là “giải pháp thứ ba” (Third Solution)[13].
Về phía Đảng LĐVN, cho đến trước năm 1972, thuật ngữ “lực lượng thứ ba” chưa thấy xuất hiện ở các văn kiện, nghị quyết. Năm 1970, 1971, Đảng LĐVN dùng cụm từ “lực lượng trung gian", "tầng lớp trên để chỉ các lực lượng, các phe phái "đối lập" với Mỹ và chính quyền Sài Gòn – đó là "các lực lượng tiến bộ trong giới trí thức và trong các tổ chức tôn giáo, các nhóm chính trị có tinh thần dân tộc, dân chủ, các nhóm cải cách, các nhóm thân Pháp, thân Mỹ, muốn chấm dứt chiến tranh, muốn có chủ quyền quốc gia và chống lại chính quyền tay sai hiện nay của đế quốc Mỹ”[14]. Nguyễn Thị Bình gọi lực lượng này là “những người không phải của Mặt trận, cũng không phải của chính quyền Sài Gòn - đòi phải chấm dứt chiến tranh, thay đổi chính quyền không có sự can thiệp của nước ngoài”[15].
Thuật ngữ “lực lượng thứ ba” được Đảng LĐVN sử dụng lần đầu tiên vào năm 1972 trong bức điện của Lê Duẩn gửi Trung ương Cục, Khu uỷ Khu V, Khu uỷ Trị - Thiên (28-9) chỉ thị về những công tác cấp bách ở miền Nam. Nói về “các phe, nhóm tán thành hoà bình, dân tộc, dân chủ, hoà hợp dân tộc”[16], Lê Duẩn đã gọi đó là “lực lượng thứ ba”, lực lượng này, như Lê Duẩn khẳng định, có thể trở thành lực lượng đồng minh trực tiếp, góp phần “phân hoá hơn nữa các thế lực phản động, cô lập và chĩa mũi nhọn vào Thiệu và các phần tử thân Mỹ cực đoan, hiếu chiến”[17]. Thậm chí, đến năm 1973, Đảng LĐVN vẫn coi việc “thúc đẩy nhanh chóng sự ra đời [TG nhấn mạnh] của lực lượng thứ ba” là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, khẳng định cần “thông qua các lực lượng hoà bình, dân tộc, dân chủ trong các từng lớp trung gian và các từng lớp trên, lôi kéo các xu hướng, các lực lượng "đối lập” với Thiệu”[18].
Trên thực tế, cuộc đấu tranh của một bộ phận tri thức, văn nghệ sỹ “không quốc gia, không cộng sản” vì hòa bình, phản đối chiến tranh, vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội có từ rất sớm, ngày sau khi Hiệp định Geneve vừa ký kết. Đó là các Phong trào bảo vệ hòa bình (dưới sự lãnh đạo của luật sư Nguyễn Hữu Thọ, các giáo sư Nguyễn Văn Dưỡng, Phạm Huy Thông), Phong trào cứu trợ nạn nhân và đòi hiệp thương Tổng tuyển cử, Phong trào Phật giáo, phong trào của Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt và Hội Ái hữu ký giả Việt Nam....Tuy diễn ra rầm rộ, nhanh chóng lan rộng ra các thành phố lớn, thu hút đông đảo lực lượng xuống đường đấu tranh bãi công, bãi khóa, mít tinh..., song nó mới chỉ dừng lại ở mức độ phong trào, chưa đủ chín muồi để kết thành lực lượng. Hơn nữa, Mỹ và chính quyền Sài Gòn cũng không thể dung chứa và cho phép tồn tại một bộ phận quyền lực như thế - một bộ phận quyền lực khiến xã hội miền Nam có thể bị chia rẽ và chính quyền bị vướng bận, không thể toàn tâm, toàn lực chiến đấu với Việt Nam DCCH. Vì lẽ đó, Mỹ và chính quyền Sài Gòn tăng cường đàn áp, bắt bớ, đánh phá tan nát hoặc lôi kéo, dụ dỗ một bộ phận trong các phong trào ấy nghiêng về hoặc đi theo; đồng thời, bằng bạo lực và sự tàn bạo đã đẩy một bộ phận khác ra xa rồi đi về phía cộng sản; cô lập, vô hiệu hóa phần nào bộ phận còn lại.
Năm 1968, sau Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ  phá sản, chính trị, kinh tế, xã hội nước Mỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chính trường Mỹ chia rẽ. Tin tướng W.Oét-mo-len xin thêm 206.000 quân đã thành sự kiện lớn ở Mỹ, trở thành “tiêu điểm” cho cuộc tranh luận chính trị và làm tăng thêm “tinh thần bất mãn của công chúng”[19]. Bên cạnh đó, nội bộ chính quyền Sài gòn rối ren, tinh thần của quân đội Sài Gòn sa sút mạnh, bước vào thời kỳ "thoái chí". Một phong trào phản đối chiến tranh bùng phát mạnh mẽ trên thế giới và ở cả Mỹ, cũng như miền Nam Việt Nam. Từ tháng 11-1968 đến tháng 3-1969, hàng loạt các tổ chức trung lập cổ vũ cho xu hướng tự do dân chủ, hòa bình ra đời: Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình Việt Nam, Ban vận động hiệp thương Đảng xã hội cấp tiến, Lực lượng quốc gia tiến bộ, Tổ chức tiếng nói nhân dân miền Nam, Uỷ ban thanh niên học sinh tranh thủ dân chủ và hoà bình; Uỷ ban phụ nữ đòi quyền sống, Uỷ ban công giáo vận động hoà bình… Các tờ báo “Tin Sáng”, “Đối diện”, “Quật khởi”, “Điện tín”, “Tin tưởng”... (cơ quan ngôn luận của các tổ chức nói trên) đã đăng nhiều bài báo thể hiện lập trường yêu nước, chống chiến tranh, phản đối Chính phủ Thiệu - Kỳ, tố cáo R.Nichxon chủ trương mở rộng hoạt động quân sự, đòi Mỹ rút quân về nước. Phong trào đấu tranh của giáo chức, sinh viên, học sinh với các hình thức tuyệt thực, bãi khoá, xuống đường, rải truyền đơn, căng biểu ngữ, dán áp phích nở rộ khắp các đô thị. Hàng trăm nhân sỹ, trí thức, cha xứ, tăng ni, phật tử, dân biểu (Kiều Mộng Thu, Hồ Ngọc Nhuận, Dương Văn Ba, Lý Quý Chung…, thượng tọa Thích Pháp Lan, hoà thượng Thích Hiển Pháp, ni sư Huỳnh Liên; Linh mục Trương Đình Cần, Linh mục Phan Khắc Từ...) đứng lên phản đối chính sách của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Chính quyền Sài gòn càng đàn áp, bắt bớ, phong trào càng bùng lên mạnh mẽ. Khi đàm phán Paris khởi động, “nhiều cá nhân và nhóm chính trị rất đa dạng được hình thành, có người và nhóm do Mặt trận vận động tổ chức, có người và nhóm không có liên hệ gì với Mặt trận”[20].
Bùng nổ rầm rộ, bao gồm nhiều giai tầng khác nhau, nhanh chóng lan rộng ra các thành phố lớn như Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Cần Thơ..., thu hút đông đảo lực lượng xuống đường đấu tranh bãi công, bãi khóa, mít tinh, tán thành hoà bình, dân chủ, hoà hợp dân tộc – với tính chất và đặc điểm như vậy, từ thời điểm năm 1969, các phong trào này kết thành làn sóng mạnh mẽ, liên kết nhiều thành phần trong xã hội, hình thành một lực lượng trung lập, đẩy Mỹ và chính quyền Sài Gòn vào thế khó khăn, đối phó một cách lúng túng.
2- Đấu tranh đòi ký kết Hiệp định Paris, lập lại hòa bình và thực hiện hòa hợp dân tộc 
Tháng 6-1969, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ra đời và sau đó tham gia Hội nghị với tư cánh là một thực thể chính trị độc lập.
Trong khi đó, ở trong nước, phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân sỹ, trí thức, giáo chức, sinh viên, tôn giáo, đảng phái lan toả mạnh mẽ. Tháng 6-1969, Đảng xã hội cấp tiến ra tuyên bố đòi quyền dân tộc tự quyết, đòi hoà bình, thống nhất đất nước trong dân chủ. Lực lượng Quốc gia tiến bộ tuyên ngôn kêu gọi cấp tốc thực hiện ngừng bắn. Tổ chức Tiếng nói nhân dân miền Nam Việt Nam kêu gọi “phải đoàn kết lại, đặt tình thương dân tộc trên hết, để xoá mọi hận thù, cùng nhau tranh đấu để đòi tái lập trật tự và an ninh cho đất nước”.
Cuối năm 1970, đầu năm 1971, phong trào đấu tranh kết hợp các mục tiêu dân sinh dân chủ, dân tộc và hoà bình ở đô thị tiếp tục phát triển. Hàng loạt tổ chức rộng rãi, công khai, hợp pháp, nhằm tập hợp và thúc đẩy phong trào đấu tranh ra đời. Mặt trận nhân dân tranh thủ hoà bình được thành lập ở Sài Gòn, ở Huế, rồi lan ra khắp miền Nam.
Trên bàn đàm phán Hội nghị Paris, để tranh thủ dư luận thế giới, tháng 9-1970, Chính phủ mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đưa ra Kế hoạch 8 điểm (8 điểm nói rõ thêm). Ngoài vấn đề rút quân, trao trả tù binh, gạt bỏ nhóm Thiệu – Kỳ - Khiêm, điểm nhấn của Kế hoạch 8 điểm là thành lập Chính phủ liên hiệp lâm thời gồm ba thành phần ở miền Nam, trong đó thành phần thứ ba bao gồm “những nhân vật của các lực lượng chính trị và tôn giáo trong hay ngoài nước, có lập trường ủng hộ hòa bình, độc lập, trung lập và dân chủ”. Kế hoạch 8 điểm gây được thiện chí, sự ủng hộ của đông đảo nhân dân trong và ngoài Việt Nam.
 Từ tháng 7-1971, Phong  trào nhân dân chống trò hề bầu cử, Phong trào dân tộc tự quyết; Phong trào phụ nữ đòi quyền sống; Tổng hội sinh viên...đã tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân, các xu hướng chính trị, các đảng phái, tôn giáo miền Nam cùng đoàn kết chống chính quyền Mỹ - Thiệu, khơi dậy một làn sóng đấu tranh mới. Năm 1971 được coi là năm đỉnh cao của phong trào đô thị miền Nam, năm thức tỉnh tinh thần dân tộc của nhân dân, thúc đẩy hơn nữa sự phân hoá trong nội bộ chính quyền Sài Gòn, mở rộng lực lượng đấu tranh dân chủ và hòa hợp dân tộc.
Phong trào đấu tranh chống Mỹ - Thiệu nhanh chóng lan rộng ra Đà Nẵng, Huế, Nha Trang... (Trung - Trung Bộ), Mỹ Tho, Cần Thơ... (Tây Nam Bộ). Ở Huế, tháng 3 -1972, Tổng hội sinh viên Huế phối hợp với Mặt trận văn hoá dân tộc miền Trung tổ chức Tuần lễ văn hoá sinh viên học sinh tại khuôn viên Trường Đại học Khoa học Huế. Cuối năm 1972, 30 tổ chức, đoàn thể và 15 nhân sỹ trí thức, tôn giáo ở Sài Gòn và các tỉnh thành miền Nam đấu tranh đòi chính quyền Mỹ và Sài Gòn ký kết Hiệp định Paris, trả tự do tù chính trị và sinh viên học sinh.
Trong một thời gian dài, những phong trào đấu tranh ủng hộ hòa bình, phản đối chiến tranh, chống chính quyền Mỹ - Thiệu diễn ra liên tục, rộng khắp, sôi nổi, mạnh mẽ đã ảnh hưởng đến công luận Mỹ, chính giới Mỹ, từ đó tác động trực tiếp tới tiến trình Hội nghị Paris, là một trong những nguyên nhân dẫn đến ký kết Hiệp định chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam vào tháng 1-1973. Điều 12 của Hiệp định ghi rõ: “Thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc, xóa bỏ thù hằn, cấm mọi hành động trả thù và phân biệt đối xử với những cá nhân hoặc tổ chức đã hợp tác với bên này hoặc bên kia”[21]; “hai bên miền Nam Việt Nam sẽ hiệp thương trên tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, tôn trọng lẫn nhau và không thôn tính nhau để thành lập Hội đồng quốc gia để hòa giải và hòa hợp dân tộc gồm ba thành phần ngang nhau”[22].
3- Đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Paris, đòi hoà bình, hoà giải dân tộc
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, lực lượng chính trị trong các đô thị miền Nam phân hoá mạnh mẽ. Trên cơ sở pháp lý của Hiệp định Paris, lực lượng thứ ba đã được quốc tế công nhận là một lực lượng chính trị, có quyền tham gia thành lập chính phủ ba thành phần. Trên vị thế mới đó, lực lượng thứ ba đứng lên kêu gọi các lực lượng chính trị ở miền Nam hiệp thương bàn thảo về vấn đề tương lai của đất nước, chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam. Nhiều trí thức yêu nước theo đường lối quốc gia dân tộc (luật sư Trần Ngọc Liễng, giáo sư Lý Chánh Trung, dân biểu Hồ Ngọc Nhuận, dân biểu Kiều Mộng Thu, giáo sư Châu Tâm Luân, dân biểu Ngô Công Đức...) đã lấy các điều khoản của Hiệp định Paris làm căn cứ pháp lý, tập hợp quần chúng đấu tranh chống Mỹ - Thiệu, đòi hoà giải hoà hợp dân tộc, chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước. Tổng hội sinh viên Huế lên án mạnh mẽ chính quyền Sài Gòn vi phạm Hiệp định Paris, đòi Hoa Kỳ phải chấm dứt can thiệp vào nội bộ Việt Nam, đòi công nhận thực thể chính trị thứ ba, đòi hoà giải, hoà hợp dân tộc. Tổ chức nhân dân đòi thi hành Hiệp định Paris ra đời, Uỷ ban đòi và nhận tù nhân thuộc thành phần chính trị thứ ba được thành lập là bước tiến mới của lực lượng thứ ba. Những tổ chức này tuyên bố đứng trên lập trường dân tộccơ sở hoà giải, hoà hợp dân tộc giải quyết mọi tranh chấp bằng phương pháp hoà bình. Phong trào Phụ nữ Việt Nam đòi quyền sống phát đi thông điệp: Đấu tranh thuần tuý chính trị đòi hoà bình trong hoà giải dân tộc, đòi quyền dân tộc tự quyết trong tự do dân chủ.
Cuối năm 1973, đầu năm 1974, khối phật giáo Ấn Quang tuyên bố thành lập Lực lượng hoà giải dân tộc. Các Mặt trân cứu đói, Cộng đồng tin mừng, Tổ chức chống tham nhũng, Uỷ ban hành động cho công bằng xã hội... thuộc phong trào Phật giáo cũng lần lượt ra đời. Phong trào đòi hoà bình, hoà giải dân tộc phát triển rộng khắp, chỉ tính riêng địa bàn Sài Gòn - Gia Định đã có “30 đoàn thể chính trị, văn hoá, xã hội, tôn giáo liên kết lại thành một mặt trận đối lập với chính quyền Việt Nam Cộng hoà[23].
Với một thế đứng trung lập rõ rệt, không đồng hoá với hai phe miền Nam Việt Nam, song phản đối chính sách độc tài hiếu chiến của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, cũng như can thiệp quân sự- chính trị của Hoa Kỳ vào nội bộ miền Nam Việt Nam, hoạt động của lực lượng thứ ba khiến nội bộ chính quyền Sài Gòn vốn đã bất ổn nay lại càng bất ổn hơn. Chính thể Việt Nam Cộng hoà lún sâu vào khủng hoảng, báo hiệu “ngày tận thế”.
4- Góp sức trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975
Ngày 21-04-1075, sau khi tuyến phòng thủ then chốt Xuân Lộc thất thủ, chính quyền Sài Gòn rơi vào thế tuyệt vọng, sự sụp đổ chỉ còn tính bằng giờ. Trong tình hình đó, sự tồn tại của chính quyền Thiệu - một chính quyền chống cộng đến cùng là hết sức bất lợi cho việc thu xếp một kết cục chung cuộc. Phế truất Nguyễn Văn Thiệu là con đường mong manh,“còn nước, còn tát” để cứu vãn Sài Gòn. Do vậy, phong trào đấu tranh gây áp lực đòi Thiệu từ chức dấy lên khắp nơi (Phong trào đấu tranh của Tổ chức nhân dân thi hành Hiệp định Paris, phong trào của Trung tâm văn bút Việt Nam...). Các tổ chức này lên án Nguyễn Văn Thiệu độc tài phát xít phá hoại trắng trợn các điều khoản của Hiệp định Paris về hoà bình, hoà giải, hoà hợp dân tộc. Thời gian này, báo chí có tác dụng to lớn trong tuyên truyền, đấu tranh. Báo Điện Tín, báo Đối Diện viết bài công kích chế độ Thiệu, đăng tải đầy đủ tin chiến sự bất lợi đối với chính quyền Sài Gòn, khiến lực lượng tướng lĩnh quân đội Sài Gòn hết sức hoang mang.
Tình hình chiến sự tiếp tục xấu đi nhanh chóng, trong khi đó, Quốc hội Mỹ từ chối viện trợ cho Nam Việt Nam (4 -1975). Dưới hàng loạt áp lực, tối 21-4-1975, Thiệu buộc phải tuyên bố từ chức, giao lại quyền hành cho Phó Tổng thống Trần Văn Hương theo quy định của Hiến pháp Việt Nam Cộng hoà. Tuy nhiên nhiên, về bản chất, Trần Văn Hương cũng là một nhân vật cộng quyết liệt,  nên việc Tổng thống Thiệu từ chức và Trần Văn Hương tại vị không thể dẫn đến giải pháp hòa bình, thương lượng.
Trong không khí ảm đạm, nhiều người tin tưởng ở Dương Văn Minh – người cầm đầu lực lượng hòa bình, hòa giải dân tộc, nhận định đó là gương mặt có thể thương thuyết với “Việt Cộng”, nhưng Trần Văn Hương vẫn quyết không chịu từ chức, thề sẽ tử thủ đến cùng.
Ngày 26 và 27-4-1975, được sự cổ vũ của Đại sứ Pháp, Đại sứ Mỹ và một số quan chức Sài Gòn, Dương Văn Minh được “đôn” lên thay Trần Văn Hương, hy vọng mở lối hiệp thương với Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam để thành lập một chính phủ hoà giải, hoà hợp dân tộc. “Sự xuất hiện trở lại trên chính trường của ông Dương Văn Minh chính là kết quả hoạt động tích cực của lực lượng thứ ba, lực lượng những người đấu tranh với Mỹ - Thiệu ngay trong lòng chế độ Sài Gòn bấy giờ”[24]. Việt Nam DCCH kịp thời cài sâu nhiều cán bộ binh vận trong nội các của Tổng thống Dương Văn Minh[25].
Với thế thắng như chẻ tre, các cánh quân giải phóng Việt Nam DCCH tiếp tục tiến công, áp sát Sài Gòn, giải pháp thương thuyết “thành lập một chính phủ hoà giải, hoà hợp dân tộc” đã không tìm được đặt ra, vấn đề còn lại chỉ là chính phủ Dương Văn Minh đầu hàng hay không đầu hàng. 10h ngày 29-4-1975, Quân ủy Trung ương, Bộ Chính trị Trung ương Đảng LĐVN đang họp thì nhận được tin Dương Văn Minh ra lệnh ngừng bắn. Bộ Chính trị cấp tốc gửi điện Về tiếp tục tổng tiến công vào Sài Gòn theo kế hoạch, chỉ thị tiếp tục tiến công “tiến công với khí thế hùng mạnh nhất, giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ thành phố, tước vũ khí quân đội địch, giải tán chính quyền các cấp của địch”[26].
9h sáng ngày 30-4-1975, Nguyễn Hữu Thái[27] thông báo cho các nhóm thuộc lực lượng thứ ba tại Chùa Vạn Hạnh rằng “thầy Trí Quang đã bàn thảo với các thành viên của Lực lượng Hòa giải và liên lạc với dinh Độc lập để chính phủ Dương Văn Minh chấp nhận đầu hàng”. 9 giờ 30, qua đài phát thanh, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố sẵn sàng bàn giao quyền lực cho chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam: “Đường lối chủ trương của chúng tôi là hòa giải và hòa hợp dân tộc để cứu sinh mạng đồng bào. Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hòa giải của người Việt Nam để khỏi thiệt hại xương máu của người Việt Nam (...) Chúng tôi ở đây chờ gặp Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam để cùng nhau thảo luận lễ bàn giao chính quyền trong một trật tự, tránh đổ máu vô ích của đồng bào”[28]. Như vậy, thay vì “tử thủ” như một số tướng tá kêu gọi hay tiến hành thương lượng với phía cách mạng để lập một chính phủ liên hiệp, Dương Văn Minh không còn con đường nào khác ngoài quyết định đầu hàng vô điều kiện. Dương Văn Minh giải thích: “Sinh mạng con người, sinh mạng người Việt, sinh mạng người Pháp, phải được cứu”[29]. Luật sư Trần Ngọc Liễng thêm cho biết: “Tổng thống Dương Văn Minh đã chấp nhận đầu hàng từ buổi trưa ngày 29-4-1975”[30].
11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, xe tăng húc sập cổng Dinh Độc lập, Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẩu, Lý Quí Chung và một số người khác từ phòng trong ra tiền sảnh để nghênh đón quân Giải phóng nhưng họ rơi vào tình thế nhốn nháo, căng thẳng và bất ngờ, nguy hiểm. Có mặt tại Dinh Độc lập vào giây phút ấy, ông Huỳnh Văn Tòng nhận xét: “Đã diễn ra cảnh tượng đầu hàng – tiếp nhận đầu hàng không đáng có giữa chính phủ Dương Văn Minh và những người sĩ quan xe tăng miền Bắc”[31]. Trước đó, Hà Nội đã hạ lệnh “có thể dùng Dương Văn Minh để kêu gọi các đơn vị của địch hạ vũ khí, nhưng không phải với tư cách Tổng thống mà chỉ với tư cách một người đã sang hàng ngũ nhân dân”[32]
Được đưa đến đài phát thanh, Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Sài Gòn được giải phóng, miền Nam được giải phóng, Việt Nam ngập cờ và hoa, lẫn trong đó có nụ cười của người chiến thắng và có cả nước mắt của “bên thua cuộc”. Hành động thức thời của Tổng thống Dương Văn Minh và nội các “đã góp phần làm cuộc chiến kết thúc sớm, tránh đổ nhiều xương máu của binh sĩ và nhân dân, thành phố Sài Gòn và nhiều đô thị còn nguyên vẹn”[33]. Việc Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng đã làm giảm ý chí chiến đấu của đại bộ phận quân đội Việt Nam Cộng hòa vào những giờ chót của cuộc chiến tranh, tạo thuận lợi cho quân giải phóng tiến nhanh vào thành phố Sài Gòn và nhiều vị trí khác, tránh những tàn khốc, đổ máu và nước mắt không cần thiết. Hành động của nội các Dương Văn Minh thể hiện “ý chí và khát vọng hòa bình theo tinh thần của đạo Phật và đường lối chủ trương của Giáo hội Phật giáo”[34] với hy vọng “hòa giải, hòa hợp dân tộc, toàn dân chung sức chung lòng xây dựng đất nước sau 117 năm bị xâm lược, chiến tranh tàn phá và xâu xé, tương tàn”[35]. Nguyễn Hữu Thái bình luận: Dương Văn Minh đã “hy sinh danh dự của một tướng lãnh (dù là một tướng bại trận) để thực sự cứu thành phố này khỏi cảnh tàn phá và đổ nát (...) Đó cũng là một hành động can đảm và đáng ca ngợi của một Phật tử vào cuối đời”[36]. Tham gia vào công cuộc vãn hồi hòa bình cho đất nước, Dương Văn Minh thức thời nhận ra rằng, “chiến tranh ý thức hệ đã mất hết ý nghĩa. Vấn đề khẩn cấp không còn là sự chiến thắng của lập trường chính trị này hay ý thức hệ kia mà là sự sống còn của dân tộc”[37]. Không loại trừ khả năng bị đối xử không tương xứng của phía đối nghịch, vào điểm “gút” của lịch sử, như Nguyễn Hữu Thái nhận xét, “một người trong cương vị ông Minh có thể có nhiều quyết định”[38], ông có thể có một sự lựa chọn khác, nhưng ông đã bước qua sĩ diện và tự ái cá nhân để tránh cảnh huynh đệ, cốt nhục tương tàn, “nồi da nấu thịt”, những mong hân hoan “trở thành một công dân của một nước Việt Nam độc lập”[39].
Tiếp quản Sài Gòn năm 1975, một Sài Gòn nguyên vẹn sau chiến tranh, Võ Văn Kiệt nhắc nhở “không thể không nói đến vai trò của các lực lượng chính trị đối lập với Mỹ - Thiệu có quan hệ với chính phủ Dương Văn Minh lúc bấy giờ”[40], tiếc rằng trăn trở ấy của ông năm ấy vẫn còn là một dấu lặng.
5- Vài điều thay lời kết
  Cuộc chiến tranh Việt Nam (1954-1975) đã lùi xa vào quá khứ 40 năm. Đã đến lúc phải công tâm nhìn nhận công lao, sự đóng góp to lớn của các tầng lớp người Việt yêu nước trong và ngoài đất nước từng sống dưới chế độ Sài Gòn đã khẳng khái đấu tranh và hy vọng về một ngày hòa giải, hòa hợp dân tộc. Dù đã có những đóng góp nhất định vào thắng lợi cuối cùng, song đến nay, lực lượng lực lượng thứ ba vẫn chưa được nhìn nhận đúng như vai trò của nó đã có trong lịch sử. Cùng với sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn, một chính phủ liên hiệp “ba thành phần” như Hiệp Định Paris từng qui định đã không thành hiện thực, chỉ còn là giấc mơ mong manh trở đi, trở lại trong tâm thức một số chứng nhân lịch sử. 40 năm đã trôi qua, câu chuyện trò hòa giải, hòa hợp dân tộc vẫn còn đó, vẫn còn không ít quay quắt tiếc nuối, không ít dằn vặt, thở dài về một cơ hội ngàn năm không lặp lại, ngàn năm có một – cơ hội/vận hội hòa hợp, hòa giải dân tộc một cách chân thành, thực sự.
Để hóa giải quá khứ, để san bằng những hố sâu hận thù, có lẽ một lần nữa cánh cửa quá khứ cần được mở ra để ánh sáng công bằng, khách quan, chân lý có thể rọi tới. Chẳng ai có thể bình thản bước tới tương lai, nếu gánh nặng quá khứ luôn tạo ra một lực kéo ngược lại đằng sau. Với một dân tộc, một đất nước, điều đó càng khiến bước chân chùng xuống, nặng nề hơn. Mỗi thời khắc, mỗi năm tháng qua đi, trách nhiệm của “bên thắng cuộc”, của người trong cuộc, của những người viết sử lại nặng hơn, đầy thêm – không thể và không có quyền kéo lê mãi cây Thập giá lịch sử.



[1] P. Mendoza: Is There a Third Force in Philippine Politics? Chapel.net.
[2] Ibid.
[3] Graham Greene: The Quiet American, Penguin, 1977, pp.17- 36
[4] Jean-Claude Pomonti: La Rage d’Etre Vietnamien, Paris: Le Seuil, 1972, p.242.
[5] Jacques Decornoy, Tombeur’ de Diem et Ennemi de ThieuLe Monde, 27-28/1975.
[6] André Menras: How America Mocked the Ceasefire: Vietnam Since the Paris Agreement, Bulletin of Concerned Asia Scholars,  1974, N0 11-12, p.25.
[7] Kỷ niệm 36 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4-1975/2011): Đóng góp của “thành phần thứ ba” cho ngày chiến thắng, Báo Đại Đoàn Kết, 18-4-2001.
[8] Chu Sơn: Trò chuyện với Tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng, diendan.org.
[9]Tlđd.
[10]Tlđd.
[11]Don Luce &John Sommers, Vietnam: The Unheard Voices (Ithaca, N.Y.: Cornell University Press, 1969), p.123.
[12] Paul Menzel: Moral Argument and the War in Vietnam, (Nasville: Aurora Publishers, 1971), p.202.
[13] Don Luce &John Sommers, Vietnam: The Unheard Voices (Ithaca, N.Y.: Cornell University Press, 1969), p.123; Paul Menzel: Moral Argument and the War in Vietnam, (Nasville: Aurora Publishers, 1971), p.202.
[14] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tập 31, tr.79.
[15] Nguyễn Thị Bình: Đấu tranh vì lợi ích tối cao của dân tộc, news.go, 26-1-2013.
[16] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 33, tr.327.          
[17] Sđd, tập 33, tr.327.                                                                                                      
[18] Sđd, tập 34, tr.608.                                                                                                      
[19] Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ, Việt Nam Thông tấn xã  dịch và phát hành, 8-1971, tập I, tr.247.
[20] Kỷ niệm 36 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4-1975/2011): Đóng góp của “thành phần thứ ba” cho ngày chiến thắng, Tlđd.
[21] Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Chỉnh phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Hoa Kỳ, http://thuvienphapluat.vn
[22] Tlđd.
[23] Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Công Bình (chủ biên): Địa chí văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh, tập 2, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1998, tr. 617.
[24] Những trăn trở của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Đại đoàn kết và hòa hợp dân tộc, Tuần báo Quốc tế, 31-3-2005.
[25] Luật sư Triệu Quốc Mạnh được Dương Văn Minh phong chỉ huy trưởng cảnh sát Sài Gòn - Gia Định, là một đảng viên Cộng sản; Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn cũng là người của cách mạng.
[26] Đảng Cộng sản Việt Nam: Đại thắng mùa Xuân 1975 - Văn kiện Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005, tr.324.
[27] Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (1963-1964), thành viên Cụm Điệp báo A10.
[28] Nguyễn Hữu Thái: 30/4/1975, Dương Văn Minh và tôi, Tạp chí Xưa và nay, số tháng 3-2008.
[29] Le Monde, 2 -5- 1975.
[30] Phạm Văn Hùng: Hồ sơ tướng Dương Văn Minh, Tạp chí Hồn Việt, số 11, tháng 5-2008.
[31] Chu Sơn: Trò chuyện với Tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng, Tlđd.
[32] Đảng Cộng sản Việt Nam: Đại thắng mùa Xuân 1975 - Văn kiện Đảng, Sđd, tr.332.
[33] Tlđd.
[34] Chu Sơn: Trò chuyện với Tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng, Tlđd.
[35] Tlđd.
[36] Nguyễn Hữu Thái: 30/4/1975, Dương Văn Minh và tôi, Tlđd.
[37] Far Eastern Economic Review, 11 October 1974, p.14.
[38] Chu Sơn: Trò chuyện với Tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng, Tlđd.
[39] Nguyễn Hữu Thái: 30/4/1975, Dương Văn Minh và tôi, Tlđd.
[40] Những trăn trở của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Đại đoàn kết và hòa hợp dân tộc, Tlđd.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!