PGS.TS. Hồ Khang,
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
Cách mạng tháng Tám thành công chưa bao lâu thì cả dân tộc Việt Nam lại buộc phải bước vào một cuộc chiến mới – cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp để bảo vệ nền độc lập non trẻ vừa mới giành được. Ngày 23-9-1945, tiếng súng xâm lược của thực dân Pháp vang lên ở Nam Bộ, báo hiệu về một cuộc chiến khó khăn, lâu dài và gian khổ. Chỉ 21 ngày sau khi nước Việt Nam mới ra đời, nhân dân Nam Bộ đã phải đảm lãnh trách nhiệm tiên phong, đi trước trong cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm, song, tình hình Nam Bộ lúc đó lại hết sức phức tạp. Để ổn định tình hình, thống nhất lực lượng, Tướng Nguyễn Bình được lựa chọn và ông đã lên đường với một tinh thần quả cảm và một quyết tâm son sắt quyết chiến đấu để bảo vệ Nam Bộ.
1- Trong những ngày đầu
kháng chiến, tình hình Nam Bộ hết sức rối ren, căng thẳng, lực lượng thù địch với
chính quyền Việt Minh khá đông đảo, gồm 10.000 quân Pháp, 20.000 quân Anh và
40.000 quân Nhật đang chờ giải giáp. Ở
Sài Gòn, quân Anh và quân Pháp đã chiếm được nhiều các mục tiêu trọng yếu trong
thành phố, tuy nhiên, họ chỉ kiểm soát được từng khu vực. Về ban đêm, lượng vũ
trang cách mạng vẫn làm chủ được đa phần các khu vực khác nhau của Thành phố, lực
lượng quân Anh, Pháp phải co cụm về các vị trí đồn trú để đảm bảo an toàn. Tuy
nhiên, nhìn tổng quát, cuộc chiến trong lòng Sài Gòn diễn ra trong thế tương
quan lực lượng bất lợi cho cách mạng.
Tại
Nam Bộ, tồn tại nhiều lực lượng vũ trang của nhiều phe phái chính trị khác nhau
như lực lượng Đại Việt thân Nhật, Quốc gia độc lập của Hồ Văn Ngà, lực lượng
Cao Đài của Trần Quang Vinh, Quốc gia đảng của Nguyễn Hòa Hiệp, Phục quốc của
Trần Văn An, lực lượng Hòa Hảo… Bên cạnh đó còn có một số lực lượng tự tổ chức
đánh lại lính Pháp như các nhóm Hùng Vương, nhóm Cảm tử, Đảng Dao găm, Ban
trinh sát, Ban hành động Ban ám sát… Các lực lượng, các nhóm vũ trang nói trên cát cứ trên từng địa bàn với những mục đích khác nhau và đặc điểm của các nhóm này là hoạt động
tự phát, quân số mỏng, không được huấn luyện một cách bài bản. Một số lực lượng
như Đệ nhị, Đệ tam và Đệ tứ sư
đoàn, bộ đội Nguyễn Văn Sổ…. đã từng tuyên thệ trung thành với Chính phủ Việt
Nam Dân chủ cộng hòa, nhưng không chỉ chiến đấu không hiệu quả trước sự tấn
công của Pháp mà còn có những hoạt động gây cản trở cho kháng chiến.
Do bị
Pháp đánh phá ác liệt, các cơ quan lãnh đạo ở
Nam Bộ hầu hết tan rã, không còn hiệu lực lãnh đạo phong trào là một trong những
nguyên nhân dẫn đến tình trạng lực lượng vũ trang ở Nam Bộ phân mảnh, hoạt động
manh mún, thậm chí là bị cuốn vào bạo lực hỗn loạn. Tình hình còn khó khăn hơn
nữa khi hầu như trong lực lượng vũ trang cách mạng rất ít người được được huấn
luyện quân sự, trừ một số lính Nhật và lính Pháp chạy sang hàng ngũ cách mạng.
Đối lại với lực lượng quân Anh, Pháp có vũ khí hiện đại thì lực lượng vũ trang
cách mạng tuy có tinh thần dân tộc mạnh mẽ nhưng lại được trang bị hết sức thô
sơ trên tinh thần “ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm
thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc".
Để Nam Bộ có thể vững vàng
đi vào cuộc kháng chiến, một vấn đề bức thiết được đặt ra lúc đó là cần phải thống
nhất lực lượng vũ trang dưới tôn chỉ chống thực dân Pháp, làm cho lực lượng đó không
chỉ mạnh lên về mặt quân sự, tác chiến chiến lược, chiến thuật, mà còn phải giác
ngộ cách mạng một cách toàn diện, đầy đủ. Thực hiện trọng trách đó,
cần một vị thống lĩnh tài ba, hiểu rõ tình hình Nam Bộ nhưng phải có sức thu phục,
có đủ bản lĩnh để không chỉ phát triển nhanh chóng một lực lượng vũ trang mạnh
mẽ toàn diện về mọi mặt, mà còn thu phục được những dân anh chị giang hồ khét
tiếng như Bình Xuyên. Thỏa mãn đầy đủ những yêu cầu đó, chỉ có Nguyễn Bình
là ứng viên thực sự phù hợp. Hà Nội hy vọng rằng, với “kinh nghiệm chiến đấu ở
miền Nam, tài năng quân sự, sức lôi cuốn, cái mác không cộng sản và các mối
quan hệ trong tù sẽ cho phép ông đoàn kết một cách dễ dàng cả các nhà lãnh đạo
cộng sản như Trần Văn Giàu, cả những người theo chủ nghĩa dân tộc và tôn giáo
khác nhau thành một lực lượng quân sự dưới sự kiểm soát của Việt Nam Dân chủ cộng
hòa"[1].
2- Tháng
10-1945, nhận lệnh của Trung ương Đảng và Hồ Chí Minh, Nguyễn Bình lên đường
vào Nam Bộ, đến Tổng hành dinh - cơ quan lãnh đạo quân sự Nam Bộ để nhận công
tác.
Trong tình hình phức
tạp lúc bấy giờ, nhiệm vụ cần kíp là phải củng cố niềm tin của nhân dân vào công
cuộc kháng chiến, khơi gợi lòng yêu nước và thúc đẩy đông đảo nhân dân tham gia
vào sự nghiệp chung. Đáp ứng yêu cầu nêu trên, ngày 22-10-1945, Nguyễn Bình viết
bản Thông cáo số 1 gửi nhân dân Nam Bộ.
Bản Thông cáo có đoạn: “Đây là cuộc toàn dân kháng chiến cứu nước, không phân
biệt già, trẻ, gái, trai. Đồng bào hãy đồng tâm quyết đánh và quyết thắng”[2]. Bản Thông cáo được
phân phát ở nhiều tỉnh thành Nam Bộ, nhất là những khu vực đông dân cư như Sài
Gòn - Chợ Lớn và được đông đảo người dân đón nhận. Bản Thông cáo đã cổ vũ tinh
thần nhân dân Nam Bộ, khích lệ nhân dân tham gia vào công cuộc kháng chiến, kiến
quốc; đồng thời, như một tuyên ngôn trước kẻ thù về quyết tâm bảo vệ đất nước đến
cùng.
Nhằm
tổ chức, xây dựng lực lượng vũ trang đủ khả năng chống lại và chiến đấu với thực
dân Pháp, ngày 22-11-1945, Nguyễn Bình triệu tập
Hội nghị quân sự An Phú Xã – một hội nghị quân
sự lớn nhất của Nam Bộ với sự hiện diện đầy đủ đại diện các đơn vị vũ trang. Hội nghị nhất trí bầu Nguyễn Bình làm Tổng
Tư lệnh Giải phóng quân Nam Bộ. Việc tổ chức thành công Hội nghị
An Phú Xã cho thấy uy tín, năng lực lãnh đạo của Nguyễn Bình nhất là khi trước
đó một số đặc phái viên của Trung ương được cử vào đã không thể tổ chức được một
hội nghị như vậy. Nhà nghiên cứu Christopher Goscha bình luận: “Những phẩm chất cá nhân của Bình, sự lôi cuốn của anh ấy, bản
lĩnh và kiến thức của anh ấy về miền Nam nói chung và Sài Gòn-Chợ Lớn nói riêng
được tích lũy trước đây đã giúp ích rất nhiều trong việc thống nhất các lực
lượng quân sự phức tạp này”[3].
Một
ngày sau khi trở thành Tổng Tư lệnh
Giải phóng quân Nam Bộ, vào ngày 23-11-1945, Nguyễn Bình viết bản Thông cáo số 2, tuyên bố về việc thống
nhất Quân giải phóng; đồng thời, chỉ rõ: “Ngoài lực lượng chánh quy, các tỉnh còn tổ chức các đơn vị trợ chiến gồm
địa phương quân và dân quân du kích gọi tắt là dân quân. Các tổ chức vũ trang
nhiều hay ít, tập thể hay cá nhân không nằm trong hệ thống Quân Giải phóng kể
trên coi như hoạt động bất hợp pháp, phải giải tán để tránh tình trạng manh động,
vô chính phủ”[4].
Sau Hội nghị An Phú Xã, Nguyễn Bình lập căn
cứ kháng chiến trên bờ sông Đồng Nai. Khu căn cứ kháng chiến không ngừng được mở
rộng và xây dựng quy mô, trở thành Tổng hành dinh chỉ đạo kháng chiến ở Nam Bộ.
Bước sang năm 1946, tình
hình tiếp tục có những biến động mới. Để thích ứng với cuộc kháng chiến mà hình
thức chiến tranh du kích là chủ đạo, cuối
tháng 3-1946, Hội nghị Xứ ủy quyết định chia Nam Bộ thành ba khu: Khu VII, Khu
VIII và Khu XI. Nguyễn Bình được chỉ định làm Khu trưởng Khu VII - một chiến
trường trọng điểm, gay go ác liệt nhất. Ngay sau khi nhậm chức, ông lập tức phân
tích tình hình thực tiễn, định hướng lại các hoạt động quân sự cho phù hợp. Nhận
thức rằng, về mặt vũ khí và tác chiến, quân đội Pháp đang ở thế mạnh; do đó,
Nguyễn Bình chủ trương “tránh đối đầu trực tiếp và nhanh chóng xây dựng lực lượng
Việt Minh lớn mạnh”[5].
Để thực hiện mục đích đó, “Nguyễn Bình đã chia nhỏ các đơn vị lớn, thay vào đó
là các chi đội khác nhau. Những chi đội này được phân tán xung quanh Khu VII để
nếu một hoặc một vài chi đội bị đánh phá thì thiệt hại tổng thể sẽ được giảm
thiểu đáng kể”[6].
Nguyễn Bình đã tổ chức được tất thảy là 17 chi đội ở Khu VII và các chi đội đã
sử dụng triệt để cách đánh du kích, “các đơn vị chủ lực lùi vào các khu vực căn
cứ xa xôi và chỉ thực hiện các cuộc giao tranh nhỏ như phục kích, phá hoại và tấn
công vào các vị trí canh phòng yếu”[7].
Trải qua một quãng thời gian chiến đấu, nhận
thấy các đại đội du kích và Tự
vệ thành có hình thức đấu tranh chưa phù hợp, hoạt động có phần lúng túng, bị động,
từ tháng 3 đến tháng 6-1948, Nguyễn Bình quyết định triệu tập hai Hội nghị cán
bộ chỉ huy của các đơn vị này tại Ấp B, Kinh Tây, quận Trung Huyện, tỉnh Chợ Lớn
để tái cơ cấu tổ chức lực lượng nhằm tăng cường mối quan hệ phối hợp chiến đấu
khi cần thiết, hỗ trợ nhau về tinh thần và vật chất.
Ngày 21-3-1949, Hồ Chí
Minh ký Sắc lệnh số 18/SL bổ nhiệm
Trung tướng Nguyễn Bình làm Tư lệnh Bộ chỉ huy quân sự Nam Bộ. Tiếp đó, Xứ ủy
Nam Kỳ cử ông làm Ủy viên quân sự trong Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ.
Trên cương vị mới, Nguyễn Bình tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xây dựng, củng cố
và phát triển lực lượng vũ trang. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Nguyễn
Bình, lực lượng vũ trang Nam Bộ đã có những chuyển biến quan trọng cả về lượng
và chất. Đã xây dựng được nhiều trung đoàn chủ lực, trung đoàn bộ đội địa
phương cùng với các đại đội hoặc trung đội vũ trang cơ động và lực lượng dân
quân du kích đông đảo. Lực lượng vũ trang cách mạng đủ sức đánh lớn, đánh vào
những cụm đồn bốt, cử điểm được bảo vệ chặt chẽ và quan trọng nhất là có thể phối
hợp với chiến trường chung cả nước.
Trong phát triển quân đội cách mạng, Nguyễn
Bình hết sức quan tâm đến một lực lượng khá đặc biệt – Bình Xuyên. Đặt kế
hoạch cải tạo rồi đi đến sử dụng Bình Xuyên, làm cho lực lượng này trở nên có
ích cho kháng chiến, xác định nhiều người trong số họ vốn có tinh thần yêu nước,
Nguyễn Bình chú ý đánh thức tính cách “trọng nghĩa, khinh
tài” ở họ. Nguyễn Bình vận động con cái các thủ lĩnh Bình Xuyên đi học ở các
trường quân chính, bổ nhiệm một số thủ lĩnh Bình Xuyên vào các vị trí chỉ huy
quan trọng, tin tưởng họ một cách chân thành và sử dụng họ thực sự. Nhờ những nỗ
lực đó, một bộ phận to lớn của Bình Xuyên không chỉ gột rửa đi cái chất giang hồ
“chọc trời, khuấy nước”, mà còn giác ngộ, sửa đổi để trở thành lực lượng vũ
trang cách mạng từ trong tư tưởng đến hành động.
3- Sau
khi lực lượng vũ trang được củng cố chỉnh đốn, xây dựng, phát triển và trưởng
thành, dưới sự chỉ huy thống nhất và trực tiếp của Nguyễn Bình, các chiến sĩ của
Ban Công tác Thành, Tự vệ thành, Công an xung phong, của Trung đội nữ biệt động
Minh Khai, của đội quân Thiếu niên "Tiểu quỷ"... đã phối hợp chặt chẽ,
chiến đấu qua hàng nghìn trận đánh. Một trong
những mũi nhọn của hoạt động quân sự dưới sự chỉ huy của Tướng Nguyễn Bình là
khu vực đô thị, nhất là Sài Gòn- Chợ Lớn, nơi được coi là trung tâm kinh tế -
chính trị của Nam Bộ. Nguyễn Bình tiến hành thành lập các Ban Trinh sát quân
chính thành. Ông đã xây dựng thành công một
mạng lưới tình báo thông qua quan hệ của riêng mình với nhiều giai cấp, tấng lớp
khác nhau, từ công nhân, thủy thủ, thợ máy, thanh niên đến các trí thức có tinh
thần dân tộc. Nguyễn Bình đã tranh thủ được nhiều thân sĩ và
trí thức Nam Bộ bởi chính tính cách hào sảng, phong cách bình dị của mình, khiến
bộ phận khó thu phục này một lòng một dạ đi theo kháng chiến, hết lòng hết sức
giúp đỡ ông trong các hoạt động cách mạng. Những tên tuổi trí thức lớn như kỹ sư Lanh, kỹ sư Lê Tâm, đốc công
Quý, đốc công Hợi, đốc công Kỳ, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, bác sĩ Hồ Văn Huê, bác
sĩ Võ Cương, bác sĩ Trần Nam Hưng, giáo sư Phạm Thiều, luật sư Lê Đình Chi, luật
sư Nguyễn Thành Vĩnh... đứng về phía cách mạng, ủng hộ kháng chiến đã cho thấy
không chỉ sự tận tâm vận động mà còn uy tín to lớn, sức cảm phục mạnh mẽ của
chính bản thân Nguyễn Bình.
Với mục tiêu làm rối loạn hậu phương, chỗ đứng
chân của quân đội Pháp tại Nam Bộ, “khiến người Pháp phải dàn lực đối phó, khó
có thể mở rộng công cuộc bình định và lực lượng Việt Minh có thời gian xây dựng
căn cứ địa, phát triển tiềm lực chiến tranh”[8],
Nguyễn Bình chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động quân sự tại khu vực này. Chỉ riêng
trong tháng 9-1946, các tổ chức do Nguyễn Bình lãnh đạo đã tiến hành hơn 70 vụ
tấn công lớn nhỏ khác nhau trên địa phận Sài Gòn-Chợ Lớn[9].
Như vậy, “chiến
tranh ở đô thị đã được Nguyễn Bình sử dụng như là một vũ khí trong một chiến
lược chính trị và quân sự lớn hơn”[10].
Các hoạt động như đánh phá
đồn bốt, trụ sở, kho tàng hậu cần sân bay, bến cảng, diệt ác, trừ gian... được
đẩy mạnh một cách đáng kể. Hàng loạt trận đánh lớn ở nội thành như tấn công thẳng
vào Tổng hành dinh cao ủy Pháp, đánh vào các trại lính Pháp… đã nổ ra, gây thiệt
hại đáng kể cho quân đội Pháp, khiến lính Pháp run sợ, chùn tay. Dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Bình, từ những đơn vị tổ chức kém,
thiếu súng đạn, non yếu trong tác chiến, bộ đội đã dần dần trưởng thành, hoạt động
hữu hiệu và trở nên đáng sợ trong mắt lính Pháp. Được trang bị quân trang, quân
giới đầy đủ, hiện đại, song quân đội Pháp đã không thể đối diện và đương đầu với
một đội quân với vũ khí thô sơ, chưa được tôi rèn qua lò lửa chiến tranh.
Dưới bàn tay chỉ huy tài ba, dưới ngọn đũa điều
binh khiển tướng một cách nghệ thuật của Nguyễn Bình, lực lượng vũ cách mạng ở
Nam Bộ đã đi từ không đến có, đã phát triển từ nhỏ đến lớn, đã chỉ từ đánh những
trận nhỏ lẻ đến tiến hành những trận đánh lớn khiến những kế hoạch quân sự của
thực dân Pháp ở Nam Bộ hoàn toàn thất bại. Làm nên điều thần kỳ ấy, không ai
khác, vai trò quan trọng, to lớn và trước nhất thuộc về vị tướng huyền thoại
Nguyền Bình. Ông đã không phụ sự ủy thác của Trung ương Đảng, của Hồ Chí Minh,
hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, sứ mệnh của mình. Sống một cuộc đời ngắn ngủi, chiến
đấu quên mình vì sự nghiệp chung, Nguyễn Bình đã để lại dấu ấn không phai mờ không
chỉ đối với Nam Bộ mà còn đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, đối với sự nghiệp
cách mạng Việt Nam. Ông đi vào sử sách một cách giản dị, mộc mạc, tự nhiên
nhưng hào sảng như chính tính cách, cuộc đời vốn có của mình và sống mãi trong
lòng biết ơn, sự ghi nhận của tất cả những người Việt Nam yêu nước.
[1] Christopher Goscha, “A Popular Side of the Vietnamese Army:
General Nguyễn Bình and War in the South,” in Naissance d’un Etat-parti: le
Viêt Nam depuis 1945 [The Birth of a Party-State: Vietnam since 1945], eds.
Goscha and Benoît de Tréglodé (Paris: Les Indes Savantes, 2004), p.335.
[2] Dẫn theo Nguyễn Thị Nương, Trung
tướng Nguyễn Bình và ba văn kiện lịch sử những ngày đầu kháng chiến,
Tạp chí Xưa và Nay, số 448, tháng 6, 2014, tr.38.
[3]Goscha, "La Guerre par d'autres moyens: réflexions sur la Guerre du Việt Minh
dans Le Sud-Vietnam de 1945 à 1951", Presses Universitaires de France
| “Guerres mondiales et conflits contemporains” 2002/2 n° 206.
[4] Dẫn theo Nguyễn Thị Nương, Trung
tướng Nguyễn Bình và ba văn kiện lịch sử những ngày đầu kháng chiến,
Tlđd, 2014, tr.38.
[5] William McFall Waddell III, In the Year of the Tiger: the War for
Cochinchina, 1945-1951, The Ohio State University, 2014,p.127.
[6] SHAT, carton 10H3746, “Évolution des forces V.M. du Nambo de
Septembre 1945 à Janvier 1952”,
Prepared by the État-Major, 2ème Bureau of the
Commandement des forces terrestres du Sud Vietnam, 10
Jan 1952.
[7] William McFall Waddell III, In the Year of the Tiger: the War for
Cochinchina, 1945-1951, Ibid, p.127.
[8] Goscha, "La Guerre par d'autres moyens: réflexions sur la Guerre du Việt Minh
dans Le Sud-Vietnam de 1945 à 1951", Ibid, p. 37.
[9] SHAT, carton 10H906. “Instructions
personnelles pour le colonel commandant le secteur Saigon-Cho Lon,” prepared by
General Nyo. Dated 23 October 1946.
[10] Goscha, "La Guerre par d'autres moyens: réflexions sur la Guerre du Việt Minh
dans Le Sud-Vietnam de 1945 à 1951", Ibid, p. 49.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!