PGS. TS. Hồ
Khang
Sau gần 10 năm dựng cờ tụ nghĩa , nghĩa quân Lam Sơn đã vượt qua nhiều thử thách sống còn, đưa cuộc kháng chiến chống Minh ngày càng phát triển.Năm 1426 là năm thành công lớn của nghĩa quân Lam Sơn với việc tiến đánh và vây địch ở nhiều thành, giành thắng lợi ở Tốt Động-Chúc Động, hãm thành Đông Quan…Một cách chung nhất, có thể thấy rằng, về cơ bản, nghĩa quân lúc này nắm quyền kiểm soát cục diện chiến trường, quân Minh bị vây hãm chặt trong các thành, đặc biệt ở Đông Quan.
Bị hãm ở Đông Quan, chủ tướng địch là Vương Thông vốn định xin
hàng, nhưng lại sợ hãi khi nghe Tham Chánh Lương Nhữ Hốt, Đô ty Trần Phong và
Đô chỉ huy Trần Anh Vinh khuyên rằng: “Thời xưa, Ô Mã Nhi thua trận ở sông Bạch
Đằng, phải đem quân lại hàng, Hưng Đạo Vương bằng lòng cho hàng, rồi sai đem
các thuyền lớn chở đưa về nước, nhưng lại dùng các người tài lặn làm thủy thủ.
Khi thuyền ra tới ngoài biển, chờ khi ban đêm, các người trong thuyền ngủ say,
lúc ấy thủy thủ lặn xuống nước, khoan thủng đáy thuyền, làm cho binh Tướng Tàu
đều chết đuối hết trơn, không còn một mống.”[1] Bởi vậy, thay vì xin hàng,
Vương Thông vừa cho đào hào, đắp lũy, cắm chông quanh Đông Quan, mặt khác hoãn
binh, cầu cứu Minh Tuyên Tông[2]tăng viện. Cần mở ngoặc để
nói rằng, đến Minh Tuyên Tông, đế chế Minh từng thống trị châu Á đã không còn ở
trên đỉnh cao quân sự của mình nữa. Thật vậy, một đế chế quân sự luôn đứng ngấp
nghé trên bờ vực lụi tàn của mình vì sự căng thẳng quân sự đòi hỏi chi phí quá
lớn và điều đó đã đe dọa đến tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa- xã hội của
nhà Minh. Minh Tuyên Tông hiểu rõ tình trạng ấy, lại còn là một hoàng đế chuộng
văn chương chữ nghĩa, nên trước sự rối ren ở Giao Chỉ, ông đã có ý rút quân[3], nhưng các thế lực quân sự
khi ấy lại thúc bách ông tăng cường chi viện[4]. Đó là một quyết định bắt
buộc và đáng tiếc trong lịch sử. Rồi ra, sau thất bại ở Giao Chỉ, Minh Tuyên
Tông sẽ có được điều mình muốn: Thiết lập hòa bình với gần như mọi láng giềng
của mình, bao gồm cả Mông Cổ, Triều Tiên... Quốc gia quân sự của Minh Thành Tổ
dưới 10 năm cai trị của Minh Tuyên Tông biến thành quốc gia giao thương, và từ
đó gốm sứ Trung Quốc chẳng hạn, mới nức danh thế giới. Đó lẽ ra là việc mà một
nền văn minh lớn nên hướng tới: Thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng của khu vực.
Rất tiếc, chỉ có những thất bại quân sự liên tiếp mới có thể tỉnh thức được một
đế chế lầm lạc. Quay lại câu chuyện Vương Thông cầu viện ,vào ngày 31 tháng 1
năm 1427 (tức ngày 26 tháng chạp năm Bính Ngọ), các thế lực quân sự của nhà Minh
đã thúc đẩy được Minh Tuyên Tông quyết định điều quân tiếp viện cho Vương
Thông, với hai đạo quân chính:
Đạo thứ nhất do An viễn hầu Liễu Thăng làm tổng binh, Bảo Định
bá Vương Minh làm tá phó tổng binh, đô đốc Thôi Tụ làm hữu tham tướng, từ Quảng
Tây tiến đến Đông Quan. LiễuThăng điều động quân các vệ Bắc Kinh, Nam Kinh, ty
lưu thủ Trung Đô, hộ vệ Vũ Xương, các đô ty Hồ Quảng, Phúc Kiến, Triết Giang và
các vệ nam Trực Lệ. Đạo quân này còn có Thái tử Thái bảo Binh Bộ Thượng thư Lý
Khánh, Hữu bố chính sứ Nguyễn Đức Huân, vốn thông thạo Giảo Chỉ. Theo Đại Việt
Sử ký toàn thư, đạo quân của Liễu Thăng gồm 10 vạn quân và 2 vạn ngựa.
Đạo thứ hai do Kiềm quốc công Mộc Thạnh làm tổng binh, Hưng An
bá Từ Hanh làm tả phó tổng binh, Tân Ninh bá Đàm Trung làm hữu phó tổng binh,
theo đường Vân Nam tiến đến Đông Quan. Mộc Thạnh chỉ huy điều động quân từ các
vệ Thành Đô, các đô ty Tứ Xuyên, Vân Nam. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, đạo
quân của Mộc Thạnh gồm 5 vạn quân và 1 vạn ngựa.
Mộc Thạnh (沐晟, 1368-1439) là một quý
tộc Vân Nam dòng dõi quân sự, kẻ từng đánh vỡ thành Đa Bang, phá nát Mộc Hoàn,
làm tan vỡ tuyến phòng thủ của nhà Hồ,rồi tiếp đó, đánh Hóa Châu, tiêu diệt
Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng[5]. Còn Liễu Thăng (柳升 hoặc 柳昇, ?-1427) là Tả Đô đốc thiêm sự của Minh Thành Tổ Chu Đệ, đánh
trên 20 trận lớn nhỏ trong các chiến dịch của Chu Đệ[6], cũng chính là tướng đã
đuổi bắt cha con Hồ Quý Ly.Nhưng những viên tướng này trong hai chiến dịch
chống Hồ và Hậu Trần đều đã quen lối quyết chiến đối đầu trên chiến trường hoặc
công thành. Đó là thế mạnh nhưng lại cũng là tử điểm của hai đạo quân này khi
phải đối đầu với quân đội Lam Sơn vốn linh hoạt, quen đánh tập kích, dựa vào sự
ủng hộ, giúp đỡ và tham gia tích cực của dân chúng.
Nên nhớ rằng, không chỉ có 15 vạn quân Liễu Thăng-Mộc Thạnh sang
tiếp viện mà lúc bấy giờ trong tay Vương Thông còn có hơn 10 vạn quân ở Đông
Quan và các thành khác. Hai đạo quân tiếp viện có nhiệm vụ giải vây cho thành
Đông Quan, rồi sau đó phối hợp với Vương Thông tiêu diệt quân đội Lam Sơn.
Đại Việt Sử Ký toàn thư chép rằng quân quân đội Lam Sơn có 35
vạn quân mà theo dự định của Lê Lợi, sau khi kết thúc chiến tranh sẽ cho 25 vạn
về làm ruộng, chỉ giữ lại10 vạn quân thường trực. Như vậy, có thể nói, số quân
Lam Sơn tầm 10 vạn quân chính quy, 25 vạn dân quân[7]. Xét tương quan lực lượng,
quân đội Lam Sơn bấy giờ chưa đủ sức đề có thể cùng lúc vừa bao vây 10 vạn địch
ở Đông Quan và các thành khác lại vừa đón đánh và tiêu diệt nhanh chóng 15 vạn quân
cứu viện. Bởi vậy lúc này, quân đội Lam Sơn phải giải quyết 3vấn đề:
·
Diệt quân địch ở Đông
Quan trước, hay diệt quân viện trước?
·
Diệt quân viện ở cả
hai hướng, hay tập trung diệt một đạo trước? Nếu diệt một đạo thì chọn diệt đạo
quân nào?
·
Triển khai thế trận
đánh địch ra sao?
Câu trả lời đến ngay trong toan tính của lãnh đạo quân đội Lam
Sơn. Khi đó, lòng quân muốn đánh lấy Đông Quan (Đông Đô), triệt cái ung nhọt trong
nước trước , nhưng Lê Lợi và bộ tham mưu sau những bàn bạc, tính toán, cân
nhắc, đã đưa ra một quyết định chắc chắn, sắc bén:
"Đánh thành là hạ sách. Ta đánh thành bền vững hàng năm
hàng tháng không hạ được, khi ấy quân ta sức mỏi chí nhụt, nếu viện binh của
giặc lại đến thì trước mặt, sau lưng đều bị tấn công, đó là con đường nguy
hiểm. Chi bằng nuôi sức quân, mài giũa tinh thần sắc bén, để đợi viện binh của
giặc. Viện binh giặc bị phá thì thành giặc nhất định phải hàng. Như thế là nhất
cử lưỡng tiện, mưu chước vẹn toàn”[8].
Thực hiện quyết định đó, Trần Lựu, Lê Bôi khẩn trương tiến quân lên
vùng Lạng Sơn sau khi hạ các thành Trấn Di (tức thành Chi Lăng), Khâu Ôn (phía
nam thị xã Lạng Sơn), tiếp tục bố trí phòng ngự vùng biên giới Lưỡng Quảng, giữ
cửa ải Pha Lũy (Hữu Nghị Quan). Mặt khác, tại các vùng nằm trên đường tiến quân
của viện binh giặc từ Quảng Tây và Vân Nam sang như Lạng Sơn, Lạng Giang, Tuyên
Quang, Tam Đái, Quy Hóa, dân chúng được lệnh triệt để thực hành kế thanh dã để
khi quân Minh kéo vào sẽ gặp khó khăn về lương thực, chỗ trú chân…
Tháng 2 năm 1427, quân địch trong thành Điêu Diêu (Gia Lâm, Hà
Nội) bị bao vây đã ra hàng.Tiếp đó,tháng 3 năm 1427, quân địch ở thành Thị Cầu
(thị xã Bắc Ninh, Bắc Ninh) phải đầu hàng. Như vậy đến đây, một vùng đất đai
rộng lớn đã hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của quân đội Lam Sơn, sự ứng viện
lẫn nhau giữa Đông Quan và Xương Giang bị thách thức nghiêm trọng.
Đầu tháng 4 năm 1427, toàn bộ quân địch ở thành Tam Giang cũng
đã ra hàng.
Thành Xương Giang là điểm hệ trong trong chiến lược vây thành –
đánh điểm – diệt viện. Không hạ được Xương Giang, rất khó tiêu diệt viện binh
của địch. Xương Giang là một cứ điểm quân sự xung yếu nằm ngay “cuống họng” Nam
Quan (đường thiên lý Bắc Nam). Khi đó, thành Xương Giang là một tụ điểm của người
Minh do chính sách di dân nhằm đồng hóa của nhà Minh. Người Minh mang theo vợ
con, gia quyến; ngoài dân ra, tại đây còn có các binh lính, quan lại, thương
gia người Minh. Có đến hàng vạn người Minh đã sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam
buổi ấy, trong các thành lớn hoặc gần biên giới như Đông Quan, Tam Giang, Tây
Đô, Khâu Ôn… Riêng tại thành Xương Giang, quân Minh vốn chỉ có vài ngàn, do các
tướng Lý Nhậm, Kim Dận, Cố Phúc, Phùng Trí, Lưu Thuận, Lưu Tử Phụ chỉ huy.Nhưng
bên cạnh quân Minh còn có nhiều người Minh sinh sống và đây chính là một lực
lượng đáng kể tham gia giữ thành. Có ưu
thế hỏa lực, thành cao, hào sâu, tinh thần quyết thủ , thành Xương Giang là một
cứ điểm kiên cố, lợi hại của quân Minh. Xưa, Lý Thường Kiệt đánh thành Ung
Châu, quân tướng tinh nhuệ cũng phải đến hơn một tháng rưỡi và mất hơn vạn quân
mới hạ được. Ung Châu buổi ấy, Xương Giang lúc này đều có quân- dân đồng lòng
tử thủ, lại được tổ chức chặt chẽ, phòng thủ rất kiên cố,chưa kể hỏa lực của
quân Minh hoàn toàn vượt trội quân đội Lam Sơn. Lực lượng công phá Xương Giang
khi đó chủ yếu là những người lính mới kinh nghiệm trận mạc chưa nhiều. Dù vậy,
với lòng yêu nước của những người lính và bằng tài năng, mưu trí của các tướng
lĩnh Lê Sát, Lê Thụ, Nguyễn Đình Lý (tức Lê Lý), Lê Lĩnh, Lý Triện, Lê Hốt, đặc
biệt Trần Nguyên Hãn, thành Xương Giang cuối cùng cũng bị khuất phục trước khi
quân Liễu Thăng tiến sang. Với thắng lợi này, chẳng những hậu phương của quân
đội Lam Sơn được củng cố mà nguồn tiếp ứng bên trong của viện binh địch cũng bị
triệt bỏ và chính điều đó đã tạo điều kiện để nghĩa quân tiến công tiêu diệt
hoàn toàn lực lượng viện binh mới của nhà Minh.
Như vậy, với việc hạ các
thành Điêu Diêu, Thị Cầu, Tam Giang và đặc biệt là Xương Giang, nghĩa quân Lam
Sơn đã giảm thiểu các nguy cơ bị tiêu hao lực lượng, bị kẹp vào thế giữa quân
cố thủ và quân tiếp viện của địch, bảo toàn quân lực để đón đánh quân chủ lực
chính là hai đạo quân tiếp viện. Ngoài ra Lê Lợi và bộ tham mưu còn phải tính
toán các phương án bao vây, tiêu diệt địch ở những địa bàn cần thiết để phục vụ
ý đồ” vây thành – đánh điểm – diệt viện”. Những thành cách xa đường tiến quân
của viện binh địch như Chí Linh, Cổ Lộng, Tây Đô, nghĩa quân tiến hành bao vây
dụ hàng mà không nhất thiết mở các trận công thành đánh chiếm. Ngược lại, ngoài
các thành Xương Giang (Bắc Giang), Tam Giang (Việt Trì, Phú Thọ),những
thành như Khâu Ôn, Chi Lăng (Lạng Sơn) nằm trên đường tiến quân của viện binh địch,
nghĩa quân kiên quyết đánh chiếm. Đây là những chốt chặn trên các tuyến đường
từ Quảng Tây và Vân Nam tiến vào Đông Quan. Nếu không phá được các thành này, quân
địch sẽ có một hành trình liên tục, dựa vào nhau, chi viện được cho nhau.
Đối diện với hai đạo viện
binh của quân,Lê Lợi và bộ tham mưu
rất thận trọng trong tính toán, cân nhắc việc chọn lựa mục tiêu cũng như bố trí
thế trận và phân bổ lực lượng trên các hướng. Viện binh địch gồm 2 đạo quân: đạo
quân Mộc Thạnh có 5 vạn quân và 1 vạn ngựa, còn Liễu Thăng có 10 vạn quân và 2
vạn ngựa. Lê Lợi đã quyết định tập trung binh lực tiêu diệt đạo quân Liễu
Thăng, kiềm chế đạo quân Mộc Thạnh ở ải Lê Hoa. Tại sao lại xác định sẽ kiềm
chế được đạo quân của Mộc Thạnh? Vì Lê Lợi và các tướng lĩnh đều xác định Mộc
Thạnh không có tài cầm quân, từng đại bại ở Giao Chỉ, lại đã già, lúc này được
phân công đảm trách cánh quân phối hợp… nên sẽ cẩn trọng, tiến quân từ từ…Thực
vậy, Mộc Thạnh chờ xem Liễu Thăng có đến được Đông Quan không mới tự mình dẫn
quân đi. Cần nhớ rằng, Mộc Thạnh là dòng quý tộc quân sự của Vân Nam, phẩm hàm
trên Liễu Thăng nhiều. Một tay tướng già có kinh nghiệm, lại không phải cánh
quân chủ lực tiếp ứng cho Vương Thông nên chắc chắn Mộc Thạnh sẽ biết lúc nào
nên chậm nên nhanh, chỗ nào nên tiến nên thoái…
Như vậy, trận diệt viện đạo quân Liễu Thăng sẽ là đòn quyết định
toàn bộ nỗ lực cứu nguy cho quân Minh bấy giờ đang bị hãm chặt ở Đông Quan.
Song, tiêu diệt 10 vạn quân trong chỉ bằng 1 trận là việc bất khả. Để “diệt
viện” lần này, phải đón đánh, tiêu hao, tiêu diệt địch trên đường hành quân của
chúng từ Quảng Tây tiến sang qua Pha Lũy, Khâu Ôn, Chi Lăng, Xương Giang rồi về
Đông Quan dài trên 400 dặm, xuyên rừng núi trùng điệp Lạng Sơn, qua trung du
Lạng Giang và đồng bằng Bắc Giang.
Sơ đồ đường đi và kế hoạch mai phục đánh điểm diệt viện của quân
đội Lam Sơn như sau:
Trong quân sự, địa hình – địa thế - địa vật là một trong những
nhân tố then chốt quyết định thành bại một trận đánh, một chiến dịch hoặc một
đợt hoạt động quân sự.Địa hình vùng biên giới Lạng Sơn với rừng núi dày đặc
thích hợp để tổ chức các điểm mai phục kéo dài từ Pha Lũy đến Cần Trạm, men
theo núi và các thung lũng. Tại đây, Lê Lợi đã cho bố trí lực lượng như sau:
Tướng Trần Lựu, Lê Bôi đã trấn giữ ải Pha Lũy, thực hiện kế giả
thua nhử địch nhằm khiến Liễu Thăng thêm kiêu căng mà tự dẫn xác đến Chi Lăng.
Tướng Lê Sát, Lưu Nhân Chú, Lê Linh, Đinh Liệt, Lê Thụ, Lê Lỗng,
Phạm Văn Liêu mai phục sẵn ở ải Chi Lăng.
Tướng Lê Lý, Lê Văn An đem 3 vạn quân lên tiếp ứng, mai phục ở
Cần Trạm phía dưới Chi Lăng.
Tướng Trần Nguyên Hãn đóng quân ở Xương Giang chặn đường tiến
quân của địch về Đông Quan.
Tiêu diệt đoàn quân Liễu Thăng sẽ là đòn chí tử đập tan những cố
gắng chiến tranh cao nhất của nhà Minh, đè bẹp ý chí xâm lược của chúng. Kế
hoạch diệt viện cũng là kế hoạch đánh điểm. Nếu chỉ đơn thuần là phục kích, tập
kích quân địch trên con đường hành quân, thì sẽ đánh động sự đề phòng của
chúng. Trong Đại Việt sử ký có ghi lại rất rõ nhận định của Lê Lợi, rằng quân
địch chủ quan kiêu ngạo, hành quân nhanh sẽ mệt mỏi. Do đó phải dụ các đạo quân
địch vào những điểm chiến trường quyết định (đánh điểm), từ đó mà triển khai
diệt viện trên quy mô lớn. Đó là kế sách chính xác và thích hợp với quân đội
Lam Sơn thiện chiến. Chiến thắng Chi Lăng phản ánh đúng những tính toán đó. Đại
Việt sử ký ghi tóm lại như sau:
Lê Sát, Lưu Nhân Chú, Lê Lãnh, Đinh Liệt, Lê Thụ nhận lệnh đem 1
vạn quân tinh nhuệ, 5 thớt voi, bí mật mai phục trước ở ải Chi Lăng đợi quân
Minh.
Ngày 8-10-1427 đến 10-10-1427, dọc theo tuyến đường Cái Quan
khoảng 60km, từ cửa ải Pha Lũy (sau gọi là Nam Quan, bây giờ là Hữu Nghị Quan)
về đến bầu Chi Lăng (tức thung lũng Chi Lăng, nay thuộc huyện Chi Lăng, tỉnh
Lạng Sơn), khi Liễu Thăng dẫn quân tới, Trần Lựu phải mở ngay cửa thành ra
nghênh chiến. Nhưng “chưa đánh đã thua”, Trần Lựu dụ cho quân địch đuổi theo về
đến Khâu Ôn (tức thành phố Lạng Sơn ngày nay). Ở Khâu Ôn, lại tiếp tục giao
chiến nữa, Trần Lựu lại giả thua rút về căn cứ Ải Lưu (ở đầu huyện Chi Lăng bây
giờ).
Ngày 20/9 năm Đinh Mùi tức 10/10/1427, Liễu Thăng đích thân dẫn
quân kỵ mở đường tiến vào cửa ải. Trần Lựu lại đem quân khiêu chiến rồi giả vờ
thua chạy để dẫn Liễu Thăng vào trận địa mai phục của Lê Sát. Liễu Thăng trúng
kế, thúc quân đuổi theo, tiến vào ải Chi Lăng. Khi đội kỵ binh đến chân núi Mã
Yên, Liễu Thăng định vượt qua cầu, nhưng cầu hỏng nên không tiến được, lọt vào trận
địa mai phục của quân Lam Sơn. Phục binh bốn mặt nhất tề xông ra giáp chiến.
Đội quân khiêu chiến của Trần Lựu cũng quay lại tấn công địch. Quân Minh bị dồn
vào cánh đồng lầy lội dưới chân núi Mã Yên. Lê Sát và Lưu Nhân Chú đổ ra đánh,
voi chiến, kỵ binh và bộ binh của quân Lam Sơn cùng lúc xông ra. Liễu Thăng cố
chạy thoát nhưng không được, bị mất mạng ở sườn núi Mã Yên. Chủ tướng bị giết,
cả đội kỵ binh tiên phong của giặc hoảng hốt bỏ chạy tán loạn, sau đó bị tiêu
diệt hoàn toàn. Trong trận này, 1 vạn quân Minh và chủ tướng Liễu Thăng bị tiêu
diệt. Nhưng hơn thế, tinh thần quân Minh đã bị đập tan tại ải Chi Lăng!
Đúng như Nguyễn Trãi đã nói trong Bình Ngô Đại Cáo, đòn “phục
binh giữ hiểm, đập gãy tiên phong” đã có tác động hệ trọng bậc nhất.
Trận Chi Lăng là trận mở màn nhưng cũng là trận quyết định số
phận của toàn bộ cuộc chi viện. Ngay sau đó, từ 15/10 đến 3/11, quân đội nhà
Minh liên tục bị đẩy lùi rồi bị bao vây cho đến khi bị tổng công kích và phải
đầu hàng:
Trận Cần Trạm (ở đầu huyện Lạng Giang, tỉnh
Bắc Giang ngày nay) ngày 25 tháng 9 năm Đinh Mùi, tức ngày 15-10-1427, các tướng
Lê Văn An, Nguyễn Đình Lý… chỉ huy 3 vạn phục binh đánh tạt ngang vào đội hình
hành quân của địch, phối hợp với đội quân của các tướng Lê Sát, Lưu Nhân Chú,
Đinh Liệt… bám đánh ở phía sau. Trận đánh đã diễn ra trên một chiến trường dài
gần 5 km, suốt từ cánh đồng phía đông bắc thành Cần Trạm đến tận phía nam thị
trấn Kép ngày nay. Phó tổng binh Bảo Định bá Lương Minh vừa mới thay Liễu Thăng
được năm ngày bị tử trận. Quân đội Lam Sơn do Lê Sát và Lưu Nhân Chú chỉ huy
đột kích, tiêu diệt khoảng 2 vạn quân Minh và thu được nhiều lương thực, vũ
khí.Tiếp đó,vào ngày 28 tháng 9 năm Đinh Mùi, tức ngày 18-10-1427 là trận Phố
Cát (ở gần địa điểm Phố Tráng, phía nam huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang bây
giờ), tại đồi Mả Ngô hiện vẫn còn trên chiến địa xưa. Quân đội Lam Sơn phục sẵn
trên chân đồi chờ địch, đợi địch đến thì chia làm nhiều mũi đánh chặn đầu và
đánh ngang sườn địch. Trong trận này, Tham tán quân vụ, Binh bộ Thượng thư Lý
Khánh kế cùng phải thắt cổ tự tử!
Như vậy cho đến trận Phố Cát, nghĩa quân Lam Sơn đã tiêu diệt
được khoảng 1/3 quân số, đặc biệt là nhiều tướng lĩnh đầu sỏ của địch.
Chỉ huy quân Minh còn lại là Đô đốc Thôi Tụ và Thượng thư Hoàng
Phúc, gượng đưa tàn binh nhắm đến định trụ trú ở thành Xương Giang (thuộc TP
Bắc Giang ngày nay). Lê Sát mở đường cho địch tiến, chờ đến chỗ phục binh, mới
tung quân đón đánh. Lê Sát, Lưu Nhân Chú
đánh bại quân Minh, chém được hơn 2 vạn người, bắt nhiều tù binh, thu
nhiều vũ khí .
Tàn quân Minh đến được Xương Giang mới biết thành đã bị hạ, chỉ
còn cách tìm chỗ cánh đồng rộng ở phía bắc Xương Giang khoảng 3km hạ trại tìm
cách phòng thủ và bắn pháo hiệu báo tin cho Đông Quan, Chí Linh đem quân ứng
cứu. Nhưng quân Minh không thể ngờ, Xương Giang là mồ chôn cho mình. Nếu ở địa
hình hiểm trở như Chi Lăng, Cần Trạm, Phố Cát, quân đội Lam Sơn thực hành phục
kích, tập kích tiêu diệt thì địa hình quanh thành Xương Giang lại là cánh đồng
bằng phẳng chen giữa đồi thấp và làng mạc không thuận lợi cho việc phòng thủ,
quân Minh gần như chỉ đợi đại quân Lam Sơn tìm đến tiêu diệt.Tại đây, quân Lam Sơn đã hình thành
thế trận bao vây quân địch. Một bộ phận lực lượng quân thủy được điều lên để phối
hợp với quân bộ án ngữ mặt tây, khi cần thì sẽ men theo sông Thương và sông Lục
Nam tiếp ứng cho các hướng khác. Quân đội Lam Sơn cũng chiếm lĩnh những điểm
cao bên tả ngạn sông Thương lập thành trại quân. Đến đây, quân Minh bị vây đánh 4 mặt: Phía trước là tướng Trần
Nguyên Hãn và các danh tướng khác, mới được điều thêm lên từ Chiến dịch bao
vây, giải phóng thành Đông Quan: Lê Khôi, Phạm Vấn, Nguyễn Xí… cùng rất đông bộ
binh, kỵ binh, tượng binh; mé sau là các tướng Lê Sát, Lưu Nhân Chú, Đinh Liệt,
Nguyễn Đình Lý, Lê Văn An… cùng các đội nghĩa quân khác. Lê Lợi lại sai các
quân thủy, bộ cùng tiến quân bao vây, cho quân chặn hết các ải Mã Yên, Chi
Lăng, Pha Lũy, Bàng Quan.
Tướng Trần Lựu rút về trấn giữ thành Thị Cầu (thị xã Bắc Ninh,
Bắc Ninh), cách Xương Giang 20 km về
phía nam, một vị trí quan trọng nằm trên con đường dịch trạm về Đông Quan, phía
nam sông Cầu. Như vậy là sau “pháo đài” Xương Giang và tuyến sông Thương lại
còn thành Thị Cầu, tạo nên thế bao vây nhiều lớp nhằm kiên quyết bịt kín con
đường chạy về Đông Quan. Tướng Nguyễn Tuấn Thiện đem quân chặn địch liên lạc ở
Bồng Lai (Gia Lương, Bắc Ninh), xiết chặt vòng vây Chí Linh, cô lập quân Thôi
Tụ, Hoàng Phúc. Như vây, quân đội Minh đã chịu chôn chân trong vòng vây khép
kín, nhiều lớp của quân thủy bộ, trong một thế trận vững chắc với sự bố trí
chặt chẽ của quân đội Lam Sơn.
Thôi Tụ và Hoàng Phúc muốn tiến cũng không được, muốn lui cũng
không xong, âm mưu giả hoà chạy vào thành Chí Linh, nhưng bị Lê Lợi khước từ. Lê
Lợi còn cho quân chặn đường vận lương của quân Minh. Sau một thời gian bị vây
hãm, quân Minh đã kiệt quệ.
Đúng ngày 15 tháng 10 năm Đinh Mùi, tức 3-11-1427, từ bốn mặt,
hàng vạn quân Lam Sơn tấn công quyết liệt. Quân Minh rối loạn, toàn quân tan
vỡ. Số quân Minh tử trận là 5 vạn, Thôi Tụ, Hoàng Phúc và hơn 3 vạn quân bị bắt
sống. Thôi Tụ bị chém, còn Hoàng Phúc xin tương kiến với Vương Thông để điều
đình việc giảng hòa bãi binh nên được tha.
Xương Giang là một trận chiến lớn trong lịch sử dân tộc, là đỉnh
cao của chiến lược vây thành – đánh điểm – diệt viện của quân đội Lam Sơn. Với
những người cùng thời, chiến thắng Xương Giang có sức chấn động mạnh. Ba thế kỷ
sau, Lê Quý Đôn đánh giá: Có lẽ, từ triều
Trần bắt được Tích Lệ Cơ, Ô Mã Nhi cho đến lúc ấy, nước Nam thắng giặc phương
Bắc, chưa có trận nào lớn như vậy.[9]
Như vậy, từ quyết định vây
hãm chặt Đông Quan buộc địch phải điều quân cứu viện đến việc chọn hướng tiến
công chủ yếu, chuẩn bị thế trận, bố trí và sử dụng lực lượng, điều hành tác
chiến, xử trí các tình huống, tiến hành đón đánh địch theo một lộ trình gồm các
trận đánh liên tiếp, thực hiện các thủ đoạn chiến thuật giả hàng, mai phục và
gom địch để bao vây, tiêu diệt – nghệ thuật vây thành – đánh điểm – diệt viện
của nghĩa quân Lam Sơn đã đạt tới trình độ điêu luyện, thể hiện bản lĩnh, khí
phách của một đội quân chính nghĩa trải qua 10 năm chiến đấu và trưởng thành.
Nghệ thuật đó góp phần đưa đến chung cuộc của sự nghiệp đấu tranh giành độc lập
dưới ngọn cờ đại nghĩa Lam Sơn.
[1] Lê Quý Đôn, Đại Việt Thông Sử, dịch giả: Lê Mạnh Liêu, Ủy Ban dịch thuật – Bộ
Văn Hóa Giáo Dục & Thanh Niên Saigon 1973. Bản điện tử, nguồn: https://quangduc.com/a4683/dai-viet-thong-su-pdf
[2] Minh Tuyên Tông (chữ Hán: 明宣宗,
25 tháng 2, 1398 – 31 tháng 1, 1435), là vị hoàng đế thứ năm của triều đại nhà
Minh trong lịch sử Trung Quốc, trị vì từ năm 1425 đến 1435. Trong suốt thời đại
của mình, ông chỉ dùng 1 niên hiệu là Tuyên Đức (宣德), nên sử gia
thường gọi ông là Tuyên Đức Đế (宣德帝). Thời đại của
ông và cha ông, Minh Nhân Tông Hồng Hi hoàng đế được sử gia đời sau xưng tụng
là Nhân Tuyên chi trị (仁宣之治).
[3] Tướng Minh là Trương Phụ cho một số
người Việt đến trước quân doanh xin được trở lại làm quận huyện của nhà Minh
sau chiến thắng trước quân đội Đại Ngu. Minh Thành Tổ đổi Đại Ngu thành quận
Giao Chỉ với các bộ phận Giao Chỉ đô chỉ huy sử ti (交址都指揮使司),
Giao Chỉ đẳng xử thừa tuyên bố chính sử ti (交址等處承宣布政使司), Giao
Chỉ đẳng xử đề hình án sát sử ti (交址等處提刑按察使司). Kinh
đô Thăng Long trước đây đổi gọi là thành Đông Quan. Quận Giao Chỉ được thiết lập
bộ máy cai trị giống như các đơn vị hành chính của nhà Minh khi đó, gồm có 3 ty
(Tam ty) trực tiếp thuộc vào triều đình Yên Kinh (sau này đổi thành Bắc Kinh),
bao gồm: Giao Chỉ đô chỉ huy sử ti (交址都指揮使司) phụ trách
quân chính; Giao Chỉ đẳng xử thừa tuyên bố chính sử ti (交址等處承宣布政使司) phụ trách dân sự và tài chính; Giao Chỉ đẳng xử đề hình
án sát sử ti (交址等處提刑按察使司) phụ trách tư pháp.
[4] Xem thêm: Frederick W. Mote (Editor)
và Denis Twitchett (Editor), The
Cambridge History of China, Vol. 7: The Ming Dynasty, 1368-1644, Part 1, Cambridge
University Press (February 26, 1988), trang 285-304.
[5] Xem thêm: Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục:
Chính biên, quyển XII.
[6] Xem: Minh Sử, nguồn: https://zh.wikisource.org/wiki/%E6%98%8E%E5%8F%B2/%E5%8D%B7154.
[7] Lê Lợi hạ chiếu: “五
萬 待 破
東 城
放 二 十
五 萬 㱕 農 留
十 萬 爲
軍 防 禦
國 事. 一
家 三 人
一 人 爲
軍 凣 諸
賦 役 並
復 三 年
.” (Theo bản khắc năm Chính Hòa thứ 18, 1697, Bản kỷ toàn thư, trang 33a). “Đợi
khi phá được thành Đông Quan, sẽ cho 25 vạn người về nhà làm ruộng, chỉ để lại
10 vạn làm quân để đề phòng việc nước. Một nhà 3 người thì 1 người làm quân, mọi
loại phú dịch đều tha cho 3 năm.” Từ đây, những trích dẫn từ Đại Việt Sử Ký toàn thư đều dẫn từ bản
này. Bản này đã được quét tài liệu và đưa toàn văn lên thành dữ liệu điện tử
trong dự án Nomfoundation. Muốn tìm hiểu, có thể tìm tại đây: http://www.nomfoundation.org/nom-project/History-of-Greater-Vietnam?uiLang=vn
[8] Đại Việt Sử ký toàn thư, nguồn đã dẫn,
trang 39a. Nguyên văn: 我 攻 堅
城 歲 月
不 下 我
軍 力 疲
氣 沮 若
賊 援 再
至 腹 皆
受 敵 此
危 道 也
. 不 如 養
力 蓄 鋭
以 待 其
援 . 援 破
則 城 必
降 . 此 一
舉 两 得
萬 金 之
計 也.
[9] Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử, Nxb.
Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, tr.195.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!